Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/12/2019

Vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Việt

Trương Nhân Tuấn

Ngày 25 tháng 12 vừa qua, đúng 19 năm sau ngày hiệp định phân định vịnh Bắc Việt được hai bên Việt Nam và Trung Quốc ký kết. Hai phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc lại ngồi với nhau bàn về việc "phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ" và việc "hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông". Báo chí đăng tải, phía Việt Nam do ông Phùng Thế Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn. Phía Trung Quốc, Trưởng nhóm là ông Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề biên giới và biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

vinh1

Nguyên văn bài báo (đăng trên Tuyên giáo) : hai bên "khẳng định nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển 2011 và chỉ đạo của trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới, lãnh thổ"... "Hai bên nhất trí trên cơ sở lộ trình đã thống nhất, căn cứ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà hai nước đều là thành viên, nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông đạt tiến triển".

Câu hỏi đặt ra là nội hàm của việc "hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông" có quan hệ gì với khái niệm "gác tranh chấp cùng khai thác" ?

Khái niệm "gác tranh chấp cùng khai thác" (nhưng chủ quyền thuộc về Trung Quốc) nguyên thủy của Đặng Tiểu Bình, đề xuất từ thập niên 90 thế kỷ trước (với Nhật để khai thác vùng biển chung quanh quần đảo Điếu Ngư).

Yếu tố cốt lõi trong vấn đề phân định biển ngoài cửa vịnh Bắc Việt là sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược từ tháng giêng năm 1974. Trên nguyên tắc Công pháp quốc tế, mọi hành vi thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng phương pháp bạo lực đều bị nghiêm cấm. Hiển nhiên mọi danh nghĩa chủ quyền thụ đắc bằng bạo lực thì không được luật pháp quốc tế nhìn nhận.

Trên phương diện pháp lý, quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ "có tranh chấp". Vùng biển và thềm lục địa liên quan đến Hoàng Sa (có thể lên đến hàng trăm ngàn cây số vuông) là "khu vực có tranh chấp".

Vùng biển "ngoài" cửa Vịnh Bắc Việt, trên quan điểm địa lý, thuộc vùng ảnh hưởng (điểu 121 UNCLOS) của 3 yếu tố : 1/ đảo Hải Nam, 2/ quần đảo Hoàng Sa và 3 / bờ biển Việt Nam.

Vậy Việt Nam có "hợp tác cùng phát triển" với Trung Quốc về quần đảo Hoàng sa hay không ?

Câu hỏi đặt ra là cần thiết. Dư luận trong ngoài nước vài tháng nay đã có những luận điệu "định hướng" dư luận rằng Hoàng Sa là do Việt Nam Cộng Hòa làm mất. Cộng hòa xã hội chủ nghĩaVN "không có trách nhiệm" về vụ làm mất này.

Cốt lõi của bài viết hôm nay là đặt nghi vấn về việc "hợp tác cùng phát triển ở biển Đông" và việc "phân định biển ngoài cửa vịnh Bắc Việt". Hợp tác về những điều gì ở Biển Đông và nguyên tắc phân định biển ngoài của vịnh ra sao ?

Tuy nhiên cũng nên nói về "trách nhiệm" ai làm mất quần đảo Hoàng Sa cũng như hệ quả (pháp lý của việc này) trong việc phân định biển.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa, phía thua trận vừa đối với Trung Quốc trong cuộc chiến Hoàng Sa, vừa đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong cuộc chiến bảo vệ tự do.

Nguyên tắc nền tảng lập quốc của bất kỳ quốc gia nào, trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ thuộc về toàn dân, mà chính phủ là đại diện.

Vụ đổ thừa trách nhiệm lẫn nhau về việc làm mất Hoàng Sa (của "dư luận" từ nhiều tháng nay, điển hình qua nhân vật Hoàng Duy Hùng qua các clip video), nếu việc này đến từ nhà nước cộng sản Việt Nam, rõ ràng Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bởi vỉ, nếu quan niệm Hoàng Sa thuộc về tổ quốc Việt Nam chung, thì mọi phía Việt Nam, cho dầu quan điểm chính trị thù nghịch, đều có trách nhiệm như nhau trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã "im lặng" khi Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa. Theo quan điểm công pháp quốc tế, sự im lặng trước một biến cố (sự kiện) bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, có nghĩa là "sự đồng thuận ám thị - acquiescement implicite".

Điều này có nghĩa là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "nhìn nhận" và "tán thành" những hành vi của Trung Quốc ở hoàng Sa, đúng theo nội dung công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.

Và dĩ nhiên, thái độ "nhìn nhận và tán thành" bao gồm luôn quần đảo Trường Sa.

Vì vậy việc "đổ thừa" Việt Nam Cộng Hòa "làm mất" Hoàng Sa là hành vi hết sức là ngu xuẩn. Hệ quả khiến Việt Nam, ngoài việc mất vĩnh viễn Hoàng Sa và Trường Sa, còn có thể mất đến 80% diện tích biển kinh tế độc quyền. Việc này không biết đến từ cá nhân của Hoàng Duy Hùng hay là chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam ?

Coi clip video thấy Hoàng Duy Hùng vái sống Nguyễn Thanh Sơn tại nhà ông Sơn ở Việt Nam. Ta thấy vấn đề chủ quyền biển đảo không đơn thuần là lịch sử và pháp lý mà còn là những vận động thúi tha về chính trị.

Theo tôi, việc "đổ thừa" trách nhiệm lẫn nhau là thái độ trốn tránh trách nhiệm. Dầu là do Việt Nam Cộng Hòa hay do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam quản lý, mọi người dân Việt Nam, mọi phía Việt Nam đều có trách nhiệm như nhau về việc bảo vệ lãnh thổ.

Theo tôi, nếu vai trò của Hoàng Duy Hùng là "làm cỏ mở đường" để Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc về Hoàng Sa cũng như trong việc phân định vùng biển. Thì học giả, giới chức có lương tâm và có trách nhiệm Việt Nam phải tức thì phản biện.

Đính kèm bài viết về việc phân định ngoài cửa vịnh Bắc Việt.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 31/12/2019

**********************

Thử xét ảnh hưởng việc mất Hoàng Sa trong vấn đề phân định hải phận ngoài cửa vịnh Bắc Việt

Trương Nhân Tuấn, 17-19 tháng giêng 2014

Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa chỉ mới được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực sự quan tâm khi hai bên Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu bước vào đàm phán để phân định biên giới biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Việt.

Bản đồ vùng đánh cá chung Việt-Trung ở Vịnh Bắc Bộ.

vinh2

Nguồn : Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế – Bộ Ngoại giao.

Ranh giới hai nước Việt-Trung trong vịnh Bắc Việt được phân định theo Hiệp ước ký kết ngày 25 tháng 12 năm 2000. Các thuơng thuyết để phân định vùng cửa vịnh có lẽ bắt đầu từ những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phân chia vùng cửa vịnh Bắc Việt, giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc, là hiệu lực các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lập trường của Trung Quốc từ nhiều thập niên nay là không nhìn nhận hiện hữu một tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý từ ngày 17/1/1974.

Theo tinh thần Luật quốc tế về Biển hiện nay, nền tảng của việc phân định biển là sự công bằng. Theo các Công ước về Biển năm 1958, đường ranh giới trên biển là đường trung tuyến phân chia hai bờ của hai quốc gia đối diện. Sau này, các trường hợp do hình thái địa lý bờ biển lồi lõm, việc phân chia theo đường trung tuyến có thể đem lại bất lợi cho một bên. Do vậy qui ước về đường trung tuyến điều chỉnh được nhìn nhận, sao cho việc phân định có được hai vùng biển tương đồng diện tích.

Luật Biển Quốc tế 1982, điều 121, nhìn nhận hiệu lực của một đảo về lãnh hải (12 hải lý), hải phận kinh tế độc quyền (ZEE, 200 hải lý), tương tự như hiệu lực lãnh thổ trên lục địa, ngoại trừ các đảo đá không thể tạo điều kiện cho người sinh sống và không có nền kinh tế tự tại.

Một số các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa hội đủ kiều kiện "đảo" của Luật Quốc tế về Biển 1982.

Giá trị thật sự của các đảo Hoàng Sa (và Trường Sa) như thế không phải là lãnh thổ, mà là vùng biển kinh tế độc quyền và thềm lục địa (dĩ nhiên bao gồm tài nguyên trong cột nước như tôm cá, hải sản, và các mỏ dầu khí dưới thềm lục địa).

Như thế, tầm quan trọng của việc phân định vùng cửa vịnh Bắc Việt là hàng trăm ngàn cây số vuông biển và thềm lục địa do hiệu lực có thể có của các đảo Hoàng Sa (hàng triệu km² nếu tính hiệu lực cái gọi là quần đảo Trung Sa và đá Hoàng Nham theo yêu sách của Trung Quốc). Vùng thềm lục địa và biển khổng lồ này sẽ phải phân chia như thế nào ?

Gần 15 năm thuơng thuyết chưa thấy nhà nước Việt Nam công bố một chi tiết nào về tiến trình đàm phán. Nếu không lầm thì vấn đề "càng để lâu càng khó" (sic !).

Trên thực tế những năm qua, ngư dân Việt Nam trong vùng biển này thường xuyên bị tàu hải giám Trung Quốc đuổi bắt, tịch thu tàu bè, phá hoại dụng cụ hành nghề, bắt đóng tiền phạt… Ngoài ra còn các động thái khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của phía Trung Quốc, như cho phép khai thác dầu khí, cho thuyền bè ngư dân đánh bắt, cho đấu thầu các lô khai thác dầu khí… tại các vùng biển và thềm lục địa mà phía Việt Nam cho là của mình, hay thuộc những vùng tranh chấp.

Phía Trung Quốc đơn phương vạch rõ đâu là giới hạn biển thuộc thẩm quyền của nước mình. Giới hạn này lần hồi hiện rõ nét : đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa với bờ biển của Việt Nam.

Điều cần nói thêm, phía Trung Quốc, ngoài chủ trương các đảo Hoàng Sa có đầy đủ hiệu lực "đảo" theo qui định điều 121 của Luật Biển 1982, còn có quan điểm về đường chữ U 9 đoạn. Ở khu vực cửa vịnh Bắc Việt, ranh giới của đường chữ U gần như trùng hợp với đường trung tuyến giữa các đảo Hoàng Sa (tính từ đảo Tri Tôn, đảo ở phía cực tây Hoàng Sa), với bờ biển Việt Nam.

Phía Việt Nam thì không nhất quán về quan điểm chủ quyền lãnh thổ cũng như hiệu lực biển của các vùng lãnh thổ trên biển. Theo thời gian, lập trường của Việt Nam thay đổi theo từng trường hợp.

Về chủ quyền, qua những tài liệu lịch sử và pháp lý của nhà nước tiền nhiệm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Việt Nam đã (mặc nhiên) nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong hai thập niên, từ năm 1958 cho đến năm 1978. Chỉ đến năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới ra tuyên bố gồm 6 điểm nhằm giải thích lại các dữ kiện lịch sử và pháp lý này. Điểm 1 Tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm 2 phủ nhận nội dung Công hàm 1958 theo cách diễn giải của Trung Quốc. Tuyên bố cho rằng Việt Nam chỉ nhìn nhận hiệu lực 12 hải lý lãnh hải chứ không nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm 6 tố cáo Trung Quốc "chiếm Hoàng Sa bất hợp pháp bằng quân sự".

Về hiệu lực các đảo, theo Tuyên bố của Việt Nam trong thập niên 80 thì các đảo của Việt Nam có hiệu lực như trên đất liền, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, lập trường này thay đổi, nếu xét đến trường hợp Hiệp ước Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, các đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ có hiệu lực không đáng kể.

Việc thay đổi lập trường của Việt Nam, qua việc giảm thiểu tối đa hiệu lực các đảo, có mục đích (mặc định) nhằm hạn chế hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Việt Nam thu hẹp hiệu lực các đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ trong vịnh Bắc Việt với hy vọng được Trung Quốc đáp ứng lại, sẽ phân định vùng cửa vịnh Bắc Việt bằng đường trung tuyến ở giữa đảo Hải Nam và bờ biển của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với nội dung công hàm 1958 công nhận lãnh hải 12 hải lý (ở các đảo Hoàng Sa). Lý do là Trung Quốc hiện kiểm soát Hoàng Sa và nước này có đầy đủ chứng cớ chứng minh các đảo này thuộc chủ quyền của họ.

Việc này không dễ dàng được sự đồng thuận của Trung Quốc.

Bởi vì Trung Quốc, một cường quốc đang lên, đang củng cố thế mạnh để mặc cả với Hoa Kỳ để phân chia các vùng ảnh hưởng ở Châu Á cũng như trên thế giới. Trung Quốc không gặp một trở ngại nào đáng kể khi tuyên bố vùng biển tại Hoàng Sa, từ Hoa Kỳ, Nhật, hoặc các nước ASEAN. Một bài nhận định mới đây của học giả Carlyle Thayer cho ta thấy thực tế này. Theo học giả, quyết định ban bố "luật quản lý biển" của Trung Quốc về hải phận tỉnh Hải Nam và các đảo Hoàng Sa là "hợp pháp".

Tức là, ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng cửa vịnh Bắc Việt sẽ là đường trung tuyến giữa đảo Tri Tôn (thuộc hoàng Sa) và bờ biển Việt Nam. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến cho Việt Nam thiệt hại vài trăm ngàn cây số vuông biển và thềm lục địa.

Đã từ rất lâu, hàng chục năm trước, người viết đã thấy việc này và báo động rằng trọng tâm việc phân định hải phận ở biển Đông là chủ quyền các đảo chứ không phải là hiệu lực các đảo.

Đến hôm nay mọi người phải nhìn nhận điều này đúng. Việt Nam không thể yêu cầu Trung Quốc giảm yêu sách về hiệu lực các đảo Hoàng Sa (như Việt Nam đã thể hiện tại các đảo Bạch Long Vĩ và cồn Cỏ) vì chính Việt Nam cũng đã từng chủ trương các đảo Hoàng Sa có hiệu lực như vậy. Anh không thể cấm người khác làm cái việc mà anh đang làm. Điều quan trọng khác, yêu sách này không trái với Luật Quốc tế về Biển 1982. Mặt khác, Trung Quốc còn có chủ trương đường chữ U 9 đoạn, là vùng "biển lịch sử". Ý nghĩa biển lịch sử của Trung Quốc có nhiều người bàn đến. Muốn hóa giải hiệu lực của vùng "biển lịch sử" này, Việt Nam không cách nào hữu hiệu bằng việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển. Hiệu lực của các đảo sẽ hóa giải yêu sách của Trung Quốc qua bản đồ chữ U 9 đoạn.

Như thế, chìa khóa để hóa giải mọi yêu sách của Trung Quốc, Việt Nam phải khẳng định chủ quyền các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía Việt Nam tin tưởng vào các học giả của mình, lập luận rằng "người ta không thể cho cái mà người ta không có thẩm quyền" để phủ nhận hiệu lực công hàm 1958 nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Nhiều người cố gắng chứng minh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai "quốc gia". Lại còn lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam hôm nay cần phải "nhìn nhận" Việt Nam Cộng Hòa "đã từng là một quốc gia".

Mục đích của các "học giả" này là muốn hóa giải hiệu lực công hàm 1958. Hoàng Sa do quốc gia Việt Nam Cộng Hòa quản lý, thì tuyên bố của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đâu có ăn nhập gì ?

Nhưng nếu xem Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia" thì vấn đề tranh chấp Hoàng Sa xem như khóa sổ. Trên thực tế Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ tay "quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa. Việc này được sự đồng thuận của quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hai "quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai "quốc gia" độc lập, có chủ quyền. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là chiếm của "quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa. "Quốc gia" Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là bên thứ ba, không có quan hệ gì đến "Hoàng Sa".

Nhưng may mắn là trên thực tế và theo pháp lý, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai vùng lãnh thổ thuộc về một quốc gia duy nhất chứ không phải là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Các học giả khác cho rằng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thụ đắc danh nghĩa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là "kế thừa" Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Vấn đề là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kế thừa Hoàng Sa và Trường Sa bằng thể thức nào ?

Mọi người quên mất một điều quan trọng là Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Bỏ qua chuyện kế thừa Trường Sa qua một bên. Cộng hòa miền Nam Việt Nam kế thừa Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa bằng cách nào ? Làm sao kế thừa một vật đã không còn nữa ?

Có học giả thì cho rằng tuyên bố của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm 1974 khi Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa là đủ lý lẽ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Nên biết là Tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa mà chỉ nói các tranh chấp lãnh thổ nên giải quyết bằng thương lượng hòa bình.

Một điều cũng rất quan trọng khác, các học giả Việt Nam thường quên, là nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước tiếp nối nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đồng thời kế thừa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mọi người đã nói (một cách không ổn) rằng Việt Nam kế thừa Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng họ lại quên đi Cộng hòa xã hội chủ nghĩaVN cũng kế thừa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Một nhà nước không thể cùng lúc kế thừa hai lập trường đối nghịch : Hoàng Sa thuộc Trung Quốc (lập trường Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và Hoàng Sa thuộc Việt Nam (lập trường Việt Nam Cộng Hòa).

Lý lẽ học giả Việt Nam chỉ nhằm che dấu một sự thật về tình trạng pháp lý và lịch sử, hy vọng làm "nhẹ tội" cho lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua công hàm 1958, hay những động thái nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ. Các sản phẩm nghiên cứu của họ phần lớn bóp méo lịch sử, diễn giải sai các dữ kiện pháp lý trong các văn bản quốc tế.

Như thế làm sao thuyết phục ?

Điều đến phải đến, phía Trung Quốc vừa có sức mạnh cứng quân sự, vừa có sức mạnh mềm kinh tế, lại được thế mạnh pháp lý, do đó ngày càng lấn tới.

Tuyên bố của họ về vùng biển Hoàng Sa, theo dư luận quốc tế, là "hợp pháp".

Hôm nay mọi người đều thấy kế thừa Việt Nam Cộng Hòa là điều cần thiết, mặc dầu chỉ để có danh nghĩa lý thuyết "de jure" chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Chỉ có vậy mới có thể cứu vãn hàng trăm ngàn km² biển và thềm lục địa của việt Nam không bị mất cho Trung Quốc.

Sau cuộc chiến Hoàng Sa 40 năm, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới bắt đầu cho phép một số báo chí tường thuật lại trận chiến giữ nước bi hùng của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nhằm chống lại một kẻ thù xâm lăng có lực lượng mạnh hơn nhiều lần là Trung Cộng. Một vài nhân sĩ đáng kính tổ chức các buổi lễ tưởng niệm. Có người hô hào quyên góp để giúp đỡ các quả phụ của các chiến sĩ đã hy sinh. Tất cả các việc làm này đều đáng được trân trọng và hưởng ứng.

Một số người khác "viết thư gởi Liên Hiệp Quốc" mục đích yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế. Tôi cho rằng đây là việc phiêu lưu. Trong tình trạng hiện nay, nếu vấn đề đưa ra tòa án quốc tế, Việt Nam không nhiều hy vọng thắng kiện. Mà thua kiện là không chỉ mất Hoàng Sa mà còn mất Trường Sa. Có nghĩa là hiến trọn biển Đông cho Trung Quốc. Điều may là lá thư này không có hy vọng đến Liên Hiệp Quốc và các định chế trực thuộc vì vấn đề thủ tục.

Tất cả các động thái này nhằm chứng minh việc kế thừa Hoàng Sa.

Đã trễ 40 năm nhưng không là quá trễ.

Cách đây khá lâu, khoảng 10 năm chi đó, người viết có đề nghị một phương pháp khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa bằng phương pháp kế thừa Việt Nam Cộng Hòa thông qua một bộ luật hòa giải quốc gia và dân chủ hóa chế độ.

Trong và ngoài nước, không một ai hưởng ứng.

Bây giờ, nước đến chân, qua các vụ chèn ép của Trung Quốc, mọi người thấy đề nghị "kế thừa Việt Nam Cộng Hòa" là đúng.

Những nỗ lực vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa nhằm tạo thế "kế thừa Việt Nam Cộng Hòa" đều đáng khen, nhưng chưa đủ. Bởi vì Việt Nam hôm nay còn phải đoạn tuyệt với di sản của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Việc này chỉ có thể thực hiện bằng cách thức "hòa giải quốc gia và dân chủ hóa chế độ".

Từ lâu tôi cũng nói rằng việc tranh đấu khẳng định chủ quyền biển đảo cũng là tranh đấu dân chủ hóa chế độ. Tôi xem rằng những người ý thức được việc cần thiết "kế thừa Việt Nam Cộng Hòa" như những kẻ "tri âm". Thật vui mừng biết bao nhiêu ! Tìm được một người hiểu được mình không dễ.

Hy vọng kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa mọi người cùng suy nghĩ thêm. Công cuộc giữ nước, giữ vẹn toàn bờ cõi, biển đảo cũng là công cuộc tranh đấu dân chủ hóa chế độ.

Trương Nhân Tuấn

(17-19 tháng giêng 2014)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 1373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)