Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2019

2019 và 2020 : Việt Nam tiếp tục đàn áp tiếng nói đối lập, phản biện

Diễm Thi

Án ngày càng nặng

Năm 2019 là năm mà nhiều bản án rất nặng được tuyên cho các nhà đấu tranh, những cây bút phản biện hay các bloggers… chỉ vì họ thẳng thắn trình bày chính kiến với mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ và nhân quyền phải được tôn trọng.

danap1

Nhóm Nhân sĩ trí thức Sài Gòn (từ trái sang) : các ông Bùi Tiến An, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu. Courtesy : Nhóm Nhân sĩ Trí thức Sài Gòn

Có thể kể đến như hồi tháng 4, năm thành viên Hội Anh em Dân chủ - Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Thị Xuân, và Phạm Văn Trội - bị xử từ 7 đến 13 năm tù giam.

Đến tháng 8, nhà hoạt động Lê Đình Lượng nhận bản án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế - bản án có lẽ cao nhất từ trước đến nay với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Một tháng sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình kết án ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù 5 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Tháng 10, năm người là Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung bị xử theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ với mức án từ 8 đến 15 năm tù giam.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Defend the Defenders, người được vinh danh giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019 do Đức và Pháp đồng chủ xướng, lên tiếng với RFA về tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2019 :

"Tình trạng nhân quyền năm 2019 rất tồi tệ với việc gia tăng giới bất đồng chính kiến và giới hoạt động xã hội dân sự như Nhà xuất bản Tự Do, nhóm Cây Xanh. Con số cụ thể là năm 2019 nhà cầm quyền bắt ít nhất là 40 nhà hoạt động, trong đó có 21 người liên quan đến những bài viết ôn hòa trên facebook ; kết án 40 người hoạt động khác với tổng cộng 207 năm và 6 tháng tù giam cùng 47 năm quản chế".

Theo đánh giá của ông Ngữ thì số người bị bắt năm 2019 cao hơn năm 2017 nhưng ít hơn năm 2018 bởi ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng khiến hàng trăm người bị bắt và có ít nhất 127 người đã bị kết án tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Như vậy có thể thấy tình hình bắt bớ, bỏ tù những tiếng nói đối lập không hề giảm mà ngày càng tăng.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, một cây bút phản biện trên mạng xã hội nêu quan điểm của ông :

"Theo quan điểm của tôi thì trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường bắt bớ là điều không có gì ngạc nhiên hết. Tuy nhiên nó lại cho tôi thấy sự hỗn loạn trong việc đánh giá và bắt bớ của chính quyền địa phương hơn là trung ương. Ví dụ, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh chỉ dạy học trò hai bài hát của Nhạc sĩ Việt Khang mà bị kêu án lên tới 11 năm tù.

Thời gian cách đây khoảng 5 năm, tức thời gian tôi bị bắt, trước đó là Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định… thì lúc đó họ có sự thống nhất và quy về một mối cho việc tăng cường đàn áp nhân quyền. Nhưng giai đoạn sau này, đặc biệt năm 2018, 2019, tôi thấy nó không còn tính thống nhất mà mạnh địa phương nào địa phương đó tùy nghi bắt bớ và kết án mà không cần xin ý kiến của trung ương".

Có thể nhận thấy nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Già qua trường hợp ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt và khởi tố hình sự chứ không phải công an Hà Nội.

Bà Bùi Hồng Loan, vợ ông Phạm Chí Dũng nói với RFA vào ngày 30/12/2019 rằng, bà không biết những việc ông Phạm Chí Dũng làm, nhưng qua những bài viết mà bà có dịp xem thì ông Dũng có những nhận xét và đánh giá sắc sảo về thời cuộc. Bà nói thêm :

"Việc viết bài của anh Dũng thì anh phản biện đúng, không sai nhưng có thể là "đụng chạm" tới người ta. Nói đúng, nói thật thì nó hay mất lòng. Mình không biết người ta bắt anh Dũng với ý đồ gì ?".

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cho rằng việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt thì cũng bình thường thôi. Không phải bởi ông Dũng phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam mà do nhà cầm quyền Việt Nam thấy cần bắt thì họ bắt mà không cần chứng cứ.

Lo ngại cho năm 2020

Với những vụ bắt bớ, những bản án nặng nề và vô lý dành cho các nhà hoạt động mà các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng, có thể thấy tình hình nhân quyền Việt Nam không có gì sáng sủa cho đến những ngày cuối cùng của năm 2019.

danap2

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Thái Bình ngày 10 tháng 4 năm 2019. AFP

Liệu tình hình năm tới có gì khả quan hay không ? Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định :

"Tôi nghĩ rằng năm 2020 là năm đảng cộng sản chuẩn bị đại hội đảng nên họ thắt chặt an ninh và có lẽ tình trạng nhân quyền sẽ tiếp tục tồi tệ chứ sẽ không được cải thiện".

Sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt, dư luận bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của các nhà báo độc lập khác hay những người "mạnh miệng" trên mạng xã hội, đặc biệt là Phó chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập. Ông Nguyễn Tường Thụy bày tỏ quan điểm của mình với RFA vào một ngày cuối năm 2019 :

"Quan niệm của tôi là đã đấu tranh thì phải chấp nhận những điều không hay, không tốt đến với mình. Từ những năm 2012, 2013 tôi đã bị công an Việt Nam đe dọa qua những tin nhắn hoặc những comment qua trang blog của tôi rằng tôi đang "đi quá" nhưng họ chưa có thời gian "sờ’ đến tôi. Những chuyện đó tôi đã tính đến rồi. Không phải vì tôi vi phạm gì cả mà vì họ thích bắt ai là họ bắt".

Ông Thụy cho rằng năm 2019 chính quyền tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập. Họ diệt từ trong trứng nước, bởi rất nhiều người không hề có tiếng tăm gì trên cả mạng xã hội lẫn đời thường. Đến khi họ bị bắt được báo chí loan tải hay đem ra tòa xử thì người dân mới biết.

Còn với blogger Nguyễn Ngọc Già thì ông thẳng thắn chia sẻ ông không làm gì sai nhưng ở Việt Nam thì sau khi Luật an ninh mạng có hiệu lực, họ không cần chứng cứ để bắt và muốn kết án bao nhiêu thì tùy. Ông nói thêm :

"Thú thật là tôi cũng không biết là tôi có bị bắt lại nữa hay không bởi vì nó bị cái tình trạng gọi là hỗn mang. Tôi không chống nhà nước mà tôi chỉ thực hiện Quyền con người được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác định trong hiến pháp và ngay cả trong cương lĩnh của Đcộng sản Việt Nam cũng đã nói rằng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc".

Những người bị bắt với lý do chống nhà nước với những bài viết trên mạng hết sức bình thường nhưng bị quy vào tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 thuộc Bộ Luật hình sự hiện hành.

Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng chia sẻ thêm rằng, giới luật sư, những người đang bị bắt tạm giam cũng như thân nhân của họ nên thay đổi cách tiếp cận, lý luận và bào chữa cho những người đang bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 117, bởi đây là một tội danh không có hậu quả.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/12/2019

*****************

Dân than chính quyền không thiện chí trong giải quyết khiếu kiện đất đai ! (RFA, 30/12/2019)

Đồng Tâm lại nóng !

Chỉ còn vài ngày là hết năm 2019, điểm nóng tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm lại nóng lên khi vào chiều ngày 29/12/2019, Công an, Quân đội đưa lực lượng đủ loại kéo về trường bắn Đồng Tâm, với lý do diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối an ninh…

danap3

Một lần quân đội đến xã Đồng Tâm trước đây. Screen capture

Trả lời RFA hôm 30/12, ông Lê Đình Công, một người dân có đất tranh chấp ở Đồng Tâm, nói :

"Chiều hôm qua, khoảng 30 xe, dán giấy trắng, bịt hết biển số, vào trường bắn Miếu Môn, đây là quân của chính quyền Hà Nội, âm mưu về cướp đất của nhân dân Đồng Tâm. Chúng tôi đã tập trung chuẩn bị mọi phương tiện, nếu chính quyền đụng đến phần 59 hecta của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ quyết tâm chiến đấu".

Tuy nhiên, cho đến thời điểm chúng tôi liên lạc với ông Công thì không xảy ra đụng độ nào giữa người dân Đồng tâm và lực lượng công quyền.

Vụ việc ở Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong và ngoài nước từ ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành ; khi đó, dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. Biện pháp này được thực hiện sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.

Căng thẳng chấm dứt vào ngày 22/4 sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với người dân, hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự của toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm sau vụ bắt giữ con tin, và người dân thả toàn bộ những con tin bị bắt giữ.

Nhìn lại năm 2019, ông Lê Đình Công cho biết, có rất nhiều bước giải quyết của chính quyền Hà Nội mà người dân Đồng Tâm không đồng tình :

"Năm 2019, từ kết luận rà soát của thanh tra chính phủ, đã cho thấy họ đã chống lưng cho thanh tra chính phủ. Bởi vì nếu rà soát thì họ phải về thực địa, đối thoại, đưa ra bằng chứng pháp lý, nhưng họ hoàn toàn không làm. Sự kiện thứ hai là phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã họp báo vu khống bịa đặt cho dân, vu khống cụ Kình trục lợi, mà không có bằng chứng nào, lý do nào. Đặc biệt thời gian vừa qua, họ có một giấy mời mời nhân dân Đồng Tâm nghe đọc dự thảo kết luận thanh tra, chúng tôi không đồng tình và không đi. Khi dân không đi thì tại buổi họp đó, họ lại treo bảng ‘Đối thoại với dân Đồng Tâm và các xã giáp sân bay Miếu Môn’, rồi đưa người của họ nói xấu dân Đồng Tâm, đánh lừa dư luận báo chí".

Tại buổi họp báo về việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hôm 27/8/2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có nói : "Ông Lê Đình Kình có mục đích xấu, nhằm trục lợi trên đất Đồng Tâm".

Một năm Vườn rau Lộc Hưng !

Vào tháng 12/2019, khi người theo Thiên Chúa giáo ở nhiều nơi đang vui vẻ khẩn trương chuẩn bị kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh, thì bà con xóm đạo mất đất ở Vườn rau Lộc Hưng hôm 8/12 bị chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh huy động công an, an ninh mặc thường phục và dân quân đến vùng đất cưỡng chế để cản trở bà con dựng hang đá Noel, đập phá tượng Đức Mẹ, và bắt giữ 3 người phản đối. Người dân cho rằng đây là hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.

Trả lời RFA hôm 30/12, ông Cao Hà Trực, một người dân mất đất ở Vườn rau Lộc Hưng, nói :

"Sau khi nhà cầm quyền lấy đất của dân rồi thì nhà cầm quyền tiếp tục chà đạp pháp luật, chà đạp hết những quyền con người cơ bản, chẳng hạn như quyền tự do tôn giáo. Họ dùng báo chí để đánh lừa dư luận là họ chỉ cưỡng chế xây dựng trái phép thôi, còn người dân vẫn được ra vào bình thường. Nhưng trên thực tế, họ không cho chúng tôi vào mảnh đất của chúng tôi để thực hiện quyền tự do tôi giáo, làm hang đá thô sơ mừng Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm hàng năm. Nhưng họ sẵn sàng chà đạp, giật đổ hang đá, làm bể tượng thánh…".

danap4

Hang đá Noel ở Vườn rau Lộc Hưng - Courtesy of FB Vườn rau Lộc Hưng

Vườn rau Lộc Hưng là khu đất đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế vào tháng 1 năm 2019, với mục đích theo chính quyền là để xây dựng trường học. Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý với quyết định cưỡng chế này và đã đưa đơn kiện lên chính quyền thành phố và trung ương.

Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại và khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất Vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho dân. Trong khi chính quyền cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, là một trong những luật sư thiện nguyện đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 30/12/2019, nhận định :

"Gần tròn 1 năm người dân Vườn rau Lộc Hưng sống trong nỗi thống khổ vì bị mất nhà, mất đất, mất nguồn sống do bị "cưỡng chế" phá nhà, chiếm đất, huỷ hoại tài sản, hoa màu"...

Một năm trôi qua người dân Vườn rau Lộc Hưng hứng chịu bất công ngút trời ! Rất nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp, đơn khiếu nại, đơn yêu cầu giải quyết, đơn đề nghị, kiến nghị, kể cả đơn tố cáo, với đầy đủ cơ sở và chứng cứ pháp lý, tài liệu và hình ảnh đính kèm, chưa được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, tất cả chỉ mới dừng lại việc tiếp nhận và chuyển đơn.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho biết, đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng cùng với nhóm luật sư thiện nguyện đã 3 lần ra Hà Nội, làm việc với Ban Tiếp công dân Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân nguyện Quốc hội... Đã có 4 công văn của Ban Tiếp công dân Trung ương gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải tiếp xúc, đối thoại và giải quyết các yêu cầu khiếu nại của người dân Vườn rau Lộc Hưng, nhưng cho đến nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ thái độ im lặng đến đáng sợ... !!! Ông viết tiếp :

"Bên cạnh đó, phía phường 6 và quận Tân Bình có vẻ như muốn đối phó với bà con nơi đây bằng cách gia tăng bạo lực và trấn áp, nên đã nhiều lần xảy ra xung đột, xô xát, bắt giữ người"...

Về phía bà con Vườn rau Lộc Hưng thể hiện quyết tâm rất rõ ràng là đấu tranh pháp lý đến cùng để đòi quyền lợi chính đáng trên mảnh đất của mình. Bên cạnh đó, vì hầu hết bà con nơi đây là giáo dân Công giáo nên họ vẫn giữ vững đức tin và thực hành cầu nguyện hàng đêm và mỗi lúc có biến để cầu mong Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh Thần chở che, ban cho ơn phước...

Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, điều đáng trăn trở là… để duy trì cuộc đấu tranh pháp lý của người dân thì cần đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bà con, trong khi hiện tại họ rất khó khăn, đói khổ... Do đó, bà con dân oan Vườn rau Lộc Hưng rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo của quý vị mạnh thường quân và các nhà hảo tâm, để họ đủ sức đi hết chặng đường cam go trong cuộc đấu tranh dân sinh khốc liệt này... !

Mất đất, mất nhà, mất công ăn việc làm khi phải khiếu kiện triền miên khắp nơi, là điểm chung của nhiều bà con dân oan bị cưỡng chế đất không đúng pháp luật khắp nơi, có người khiếu kiện đã một năm, có người đã vài năm… nhưng có người đã khiếu kiện gần 20 năm qua, như bà con dân oan ở Thủ Thiêm, thuộc quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ Thiêm tiếp tục chờ !

Ròng rã hơn 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp lý, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù, khiến họ rơi vào thảm cảnh. Số này nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhưng chỉ nhận được hứa hẹn từ các cấp và đến nay vẫn phải tiếp tục nộp đơn và chờ đợi…

Trả lời RFA hôm 30/12, ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm, nói :

"Về vấn đề Thủ Thiêm, tôi thấy rằng, nếu người gây ra sai phạm Thủ Thiêm đáng trách một, thì những người giải quyết sai phạm Thủ Thiêm đáng trách vạn lần. Vì lý do, các cấp chính quyền trước đây đã rõ ràng gây ra nhiều sai phạm, oan trái, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng chính quyền hiện tại, sao không giải quyết đúng pháp luật mà lại đi bao che, ngụy biện, trơ tráo, để bảo vệ cho người tiền nhiệm".

danap5

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Screen Capture/ RFA Edited

Trong gần 20 năm khiếu kiện, người dân Thủ Thiêm cho biết, họ rất bức xúc khi mỗi cấp, mỗi thời chính quyền nói khác nhau, ngay cả việc sử dụng bản đồ quy hoạch nào để căn cứ giải quyết tranh chấp cũng không thống nhất.

Cụ thể, vào tháng 5/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thừa nhận chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1996, với tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng. Bản đồ quy hoạch này được chính quyền khi đó xem là tài liệu quan trọng nhất để giải quyết mọi khiếu nại của người dân Thủ Thiêm.

Trong khi Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng trong một cuộc họp về Thủ Thiêm từng khẳng định, quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005 do đó dựa vào quy hoạch theo bản đồ 2005, không tìm bản đồ năm 1996 làm gì.

Thế nhưng trong cuộc họp báo chiều 14/8/2019, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại kết luận, tổ công tác căn cứ vào hai bản đồ, gồm bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2000 thiết lập 1997 và bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 lập năm 1995 để xác định ranh 4,3 ha...

Ông Cao Thăng Ca, cho biết thêm :

"Trong năm 2019, chúng tôi bức xúc nhất là việc ông bí thư thành ủy về tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm, có hứa là sẽ giải quyết và sẵn sàng lắng nghe. Nhưng thời gian gần đây ổng lãi nói là, 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh, người dân bức xúc vì tại sao ổng lại thay đổi 180 độ như vậy. Chứng tỏ Thành phố Hồ Chí Minh không có thiện chí giải quyết khiếu nại".

Phó thủ tướng Việt Nam, ông Trịnh Đình Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường hôm 27/12 vừa qua tiếp tục thừa nhận tình trạng khiếu nại đất đai vẫn còn rất bức xúc. Theo lời ông này thì chủ yếu đó là những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài không hồ sơ đầy đủ.

Trong khi đó những người dân phải khiếu kiện đất đai đều trưng đầy đủ mọi chứng từ xác minh quyền sử dụng hợp pháp của họ qua nhiều thời kỳ ; thế nhưng trường hợp của họ bị các cơ quan chức năng đùn đẩy và kéo dài hết năm này đến năm khác.

Nguồn : RFA, 30/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)