So với thảm họa Formosa năm 2016, trong đợt phòng chống đại dịch do virus corona gây ra trong năm 2020, Hà Nội đã minh bạch hơn một cách đáng kinh ngạc trong một cuộc chiến chống đại dịch thành công. Nhưng liệu chính phủ sẽ duy trì minh bạch như vậy một khi đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh ?
Cư dân đeo khẩu trang đứng cách khoảng khi xếp hàng chờ mua gạo miễn phí tại Hà Nội ngày 11/4. Ảnh AFP
Phản ứng nhanh, xét nghiệm và cách ly trên diện rộng, công khai thông tin, kiểm dịch bắt buộc, đóng cửa trường học và các dịch vụ không cần thiết là những bước đã giúp cho Việt Nam chiến thắng đại dịch lần này. Theo số liệu báo cáo chính thức cho tới nay toàn quốc chỉ có 267 người nhiễm bệnh và chưa có trường hợp tử vong dù ngân sách dành cho y tế chỉ bằng một phần so với các quốc gia khác.
Ngoài ra còn có thể thấy quốc gia cộng sản độc đảng và đàn áp nhiều nhất Châu Á lại kết hợp công nghệ thông tin để chuyển tải tin tức cho dân chúng, kể cả người nước ngoài. Quân đội tham gia chống dịch khơi gợi lại hình ảnh đẹp của "người lính cụ Hồ". Và Đảng cộng sản đang tích cực tranh thủ tình cảm của dân chúng bằng các lời hiệu triệu đoàn kết như trong thời chiến.
Mai Truong thuộc viện Khoa học Chính trị Đại học Arizona cho rằng đại dịch Covid-19 đã đem lại cho Đảng cộng sản cơ hội độc đáo để dành lấy niềm tin của dân chúng và củng cố tính hợp pháp sau những bê bối hồi cuối năm 2019 và 2020.
Tính hợp pháp của Đảng cộng sản đã mờ nhạt dần kể từ năm 2010. Nhất là khi các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016 và chống đặc khu năm 2018 nổ ra. Bên cạnh đó việc gia tăng của khu vực tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng đã làm suy yếu sự độc quyền của đảng Cộng sản trong các dịch vụ công. Đại đa số người Việt Nam hiện đang làm việc trong khu vực tư nhân, không phải nhà nước.
Tốc độ phát triển kinh tế là thứ duy nhất để đảm bảo tính hợp pháp của Đảng cộng sản. Thật vậy, tốc độ tăng trưởng đã được giữ ở mức khoảng 7&, đảm bảo người dân thường giàu hơn một chút mỗi năm. Nhưng hiện nay do suy thoái kinh tế toàn cầu từ hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam chuẩn bị trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Ngân hàng Thế giới mới nhất dự báo tăng trưởng 4,9% ở mức tốt nhất và 1,5% ở mức tồi tệ nhất trong năm nay. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo tỷ lệ nghèo có thể tăng gấp đôi đối với các hộ gia đình trong khu vực sản xuất quan trọng.
Tính hợp pháp của Đảng cộng sản sẽ được thử thách trong những tháng tới nếu như sống sót được qua cuộc khủng hoảng. Điều cần làm là phải giành lấy lại niềm tin của công chúng như đã làm trong những tháng chống dịch vừa qua.
Liệu với dàn lãnh đạo mang nặng tính ý thức hệ có thể sẽ xoay chuyển để đạt được mục tiêu này ?
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với hệ tư tưởng già nua được cho là dàn dựng một cuộc thanh trừng nội bộ thông qua hình thức chiến dịch chống tham nhũng và kế hoạch chỉnh đốn đảng. Một mình nắm giữ hai chức vụ quan trọng của Tứ trụ từ năm 2018, ông Trọng đã chấm dứt thoả thuận phân chia quyền lực ngầm có từ những năm 1980. Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, tự do ngôn luận cũng đã đàn áp sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ.
Vào Đại hội Đảng XIII vào tháng Giêng 2021, nhân sự Đảng sẽ được sắp xếp lại. Ông Trọng có thể phải thôi giữ chức Tổng bí thư vì giới hạn hai nhiệm kỳ , nhưng có thể sẽ giữ chức chủ tịch tnước hêm 5 năm nữa. Nếu ông ta làm nhiệm vụ chính trị tốt trong năm nay thì sẽ đưa các nhân vật thân cận nắm vị trí quyền lực vào năm tới nhằm đảm bảo phe bảo thủ lấn án trước nhóm ôn hoà và cấp tiến.
Không phải tất cả các quan chức cao cấp đều đồng ý quan điểm chính trị của ông Trọng, trừ chiến dịch chống tham nhũng, khiến các quan chức lo sợ.
Người ôn hòa, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một ứng cử viên hàng đầu hiện nay để đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư, được đánh giá cao từ chiến dịch chống virus corona này. Thật vậy, đó là các nhà kỹ trị (như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đàm, người đứng đầu ban chỉ đạo chính phủ quản lý đại dịch), chứ không phải nhóm ý thức hệ, đã giành được nhiều lời khen ngợi nhiềunhất của công chúng. Ông Trọng, trong khi đó, đã tương đối yên tĩnh trong suốt thời gian chống dịch này.
Việt Nam cần các nhà kỹ trị và quản trị viên giàu kinh nghiệm, những người có thể điều khiển nền kinh tế vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu sắp tới và lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hiện tại, công chúng vẫn thống nhất và ủng hộ chính phủ nhưng điều đó không kéo dài lâu hơn được. Sự ủng hộ chính phủ nhất thời ngắn hạn hiện nay sẽ suy giảm và công chúng bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa thực sự khi nền kinh tế đang chững lại. Chính phủ hoặc có thể quay trở lại "sự lãnh đạo bí mật" và tăng cường đàn áp ; hoặc chính phủ sẽ nhận ra rằng minh bạch có thể là điều duy nhất để giữ sự ủng hộ của công chúng trong những năm sắp tới.
David Hutt
Nguyên tác : The Coronavirus Loosens Lips in Hanoi, Foreign Policy, 15/04/2020
Tham khảo :
Nguồn : https://foreignpolicy.com/2020/04/15/coronavirus-vietnam-communist-party-hanoi/
*https://vietnamthoibao.org/vntb-imf-va-wb-tang-truong-kinh-te-viet-nam-o-muc-1-15-trong-nam-2020/ ?
Gần 110.000 người đã tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới với số ca nhiễm vượt mốc 1,8 triệu người. Điều đáng buồn là Mỹ đã trở thành quốc gia lây nhiễm lớn nhất thế giới với hơn 530.000 người bệnh và hơn 20.000 người tử vong. Châu Phi đang là điểm nóng tiếp theo của dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới có lý do để lo lắng cho Châu Phi, số người chết vì Covid-19 tại đây sẽ vượt mọi dự báo do hệ thống y tế yếu kém ở khu vực này.
Việt Nam cũng đã có 260 ca nhiễm Covid-19. Nhiều biện pháp mạnh đã được chính quyền ban bố như đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cấp thiết, bắt buộc đeo khẩu trang ra đường và kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc với người khác. Lệnh cách ly toàn quốc đã có hiệu lực từ 1/4/2020.
Chưa ai có thể biết và hình dung được khi nào Covid-19 sẽ kết thúc và hậu quả mà nó để lại sẽ ra sao tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta có thể biết chắc chắn một điều là hậu quả mà nó để lại sẽ rất kinh khủng và thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau khi đại dịch kết thúc.
Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỉ USD và các nước G20 cũng cam kết một gói cứu trợ 7.000 tỉ USD, EU 500 tỉ EUR, Nhật 1.000 tỉ USD…chưa kể các cường quốc kinh tế khác. Cho dù vậy, khủng hoảng kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi. 40 thị trường chứng khoán lớn đã “bốc hơi” 30.000 tỉ USD. Thiệt hại trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Đường phố Hà Nội vắng vẻ vì lệnh cách ly của chính phủ.
Việc tìm hiểu, phân tích tình hình thế giới và rút ra các bài học cho Việt Nam là công việc thường xuyên và bắt buộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp). Nhiều người Việt Nam, trong đó có cả những người là trí thức và giới tranh đấu cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của công việc phân tích và dự báo chính trị thế giới. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thế giới nên phải biết và hiểu rõ tình hình thế giới để có những hoạch định đúng về các chính sách. Việt Nam không thể một mình một con đường riêng mà phải hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới, của thời đại. Các ý kiến của anh em Tập Hợp đều dựa trên những dữ liệu và phân tích rõ ràng, có cơ sở và có thảo luận trong nội bộ. Những ai quan sát và theo dõi Tập Hợp thường xuyên đều thấy các ý kiến của chúng tôi về thế giới đều đúng và thậm chí đi trước cả dư luận. Từ việc từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ dưới thời Donald Trump, sự tác hại của các nhà lãnh đạo dân túy, sự xét lại chủ nghĩa tân phóng khoáng, sự “khủng hoảng” của các nước dân chủ, sự xét lại phong trào toàn cầu hóa và khái niệm quốc gia...cho đến các bài báo gây nhiều tiếng vang như của giáo sư Jonathan London hay của nhà sử học nổi tiếng người Do Thái Yuval Harari…đều đúng như những gì mà Tập Hợp đã trình bày trước đó.
Tập Hợp cũng đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho Trung Quốc, vì đó là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến trật tự thế giới và nhất là với Việt Nam. Theo nhận định của Tập Hợp thì có hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch này là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc sẽ rút lui và con cụm lại dù có hay không Covid-19. Sự kiện này chỉ khiến Trung Quốc rút lui và co cụm lại nhanh hơn. Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trái với lo ngại của nhiều người là Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng sau Covid-19, Tập Hợp cho rằng hiện tại cả thế giới đang lo dập dịch nên chưa có thời gian để “tính sổ” với Trung Quốc. Quan hệ giữa các nước dân chủ và Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Cô lập và phong tỏa Trung Quốc bằng cách rút các công ty khỏi khỏi đây là điều mà thế giới phải làm cho dù có tốn kém đến đâu đi nữa. Đây cũng là sự thay đổi bắt buộc của phong trào toàn cầu hóa. Thay vì bỏ hết trứng vào cái giỏ của Trung Quốc thì thế giới sẽ “khu vực hóa” chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa ra khắp năm châu…
Việt Nam sẽ ra sao sau Covid-19 là điều mà mọi người đều quan tâm. Trái với không khí tự tin và “ngạo nghễ” của chính quyền và một số người trước đại dịch thì chúng tôi đã rất thận trọng và lo lắng cho tương lai Việt Nam. Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu), khi thế giới bị khủng hoảng thì Việt Nam sẽ vạ lây, kể cả nếu không bị đại dịch. Khi bị phụ thuộc quá nhiều vào các nước bên ngoài thì Việt Nam phải chịu những tai họa không phải do mình gây ra. Tai họa đó đang đến. Hàng triệu người Việt Nam sẽ bị thất nghiệp vì hàng hóa Việt Nam làm ra sẽ không ai mua hoặc chưa mua. Không phải người dân Việt Nam nào cũng có tiền dự trữ để dùng trong lúc nghỉ việc ở nhà. Nếu đại dịch kéo dài thì cuộc sống của hàng triệu người thu nhập thấp hoặc không có thu nhập sẽ đi đâu về đâu?
Toàn cầu hóa là không thể đảo ngược nhưng sẽ có những thay đổi sâu sắc…
Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra cho thế giới là chưa từng có trong lịch sử từ sau thế chiến lần thứ Hai. Sẽ không có thuốc chữa cho kinh tế thế giới dù có bơm bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Thế giới chỉ có thể hồi phục dần dần sau những cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Sự kiện này sẽ khiến nhiều quốc gia thay đổi các dự định mang tầm quốc tế và khu vực.
Tiến trình toàn cầu hóa là không thể đảo ngược, tuy nhiên thế giới phải “xét lại” việc bỏ hết trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Họ sẽ phải phân tán các rủi ro ra khỏi khu vực Trung Quốc. Việt Nam là địa điểm được thế giới nhắm đến và ưu tiên trước tiên trong chính sách kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc. Vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này nên các điều kiện của thế giới đặt ra cho Việt Nam để họ chuyển các nhà máy sang Việt Nam sẽ cao hơn. Tức là họ yêu cầu Việt Nam phải thay đổi và cải cách mạnh mẽ hơn. Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thể đáp ứng các đòi hỏi và thách thức của thời cuộc hay không? Tùy theo đánh giá của mỗi người nhưng với Tập Hợp thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước.
Sau 30 năm “đổi mới” kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chỉ là bề nổi thay vì chiều sâu. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn kinh tế nước ngoài (vốn FDI). Các ngành nghề được ưu tiên là bất động sản, du lịch, xây dựng, nông nghiệp, gia công hàng hóa như may mặc, da giầy…đều là những ngành nghề cần nhiều lao động chân tay và không cần nhiều kỹ thuật cao. Lợi nhuận và thành quả của kinh tế Việt Nam vì vậy thấp và không bền vững.
Muốn hay không thì sau cuộc đại dịch này chính quyền Việt Nam cũng phải lấy một số quyết định quan trọng để nền kinh tế không sụp đổ. Đầu tiên là phải chấp nhận hy sinh và sút giảm của một số ngành nghề như bất động sản và du lịch. Đây là những lĩnh vực mang lại phồn vinh giả tạo cho một số ít người. Tập trung các nguồn lực cho kinh doanh và sản xuất thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có một chiến lược rõ ràng cho các ngành kỹ thuật cao để tạo ra giá trị lợi nhuận bền vững và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Muốn làm được những việc như thế đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam phải có một bản lĩnh và một đồng thuận lớn trong nội bộ. Họ không có cả hai thứ đó. Các nhóm lợi ích sẽ ngăn cản và phái hoại mọi quyết sách của đảng cộng sản. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực bất động sản không khó. Chỉ cần đánh thuế từ căn nhà hoặc miếng đất thứ hai trở đi và đánh thuế các giao dịch bất động sản trong thời hạn 3 năm…là có thể giảm nhiệt thị trường bất động sản ngay lập tức. Vấn đề là Đảng cộng sản Việt Nam không thể làm thế được vì chính họ là người bị thiệt hại nhất. Các quan chức của đảng là những người giàu có nhất và sở hữu nhiều đất đai nhất. Việc sân golf Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động một cách “ngạo nghễ” bất chấp mọi phản đối là một ví dụ.
Một biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế là kêu gọi người dân tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng”. Người dân chỉ có thể “đồng hành” cùng chính phủ để vượt qua khó khăn khi họ có niềm tin vào một chính phủ có năng lực, uy tín và lương thiện. Người dân phải tin chính phủ là giải pháp cho khủng hoảng chứ không phải nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Đảng cộng sản Việt Nam có được uy tín và năng lực đó không? Chúng tôi nghĩ là không. Một vài ví dụ, việc có nên xuất khẩu gạo hay không cũng đã “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đây là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người nông dân nên cần có những đánh giá và nghiên cứu rõ ràng và chính xác chứ không thể làm theo cảm tính. Việc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh ra một văn bản cho các cơ sở hỏa táng trong đó có câu "hỏa táng các bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong do Covid-19" có lẽ chỉ là sai sót trong cách viết chứ không phải họ muốn “thiêu cả người còn sống”. Tuy vậy sự việc cũng nói lên một điều là trình độ của quan chức rất thấp, họ không viết và nói rõ, ngay cả tiếng Việt và hơn hết, họ không còn tấm lòng với trọng trách được giao, tất cả chỉ làm chiếu lệ. Cuộc sống xa hoa của ông giáo sư, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn cũng làm cho dư luận Việt Nam phẫn nộ.
Một sự kiện chấn động nhân tâm nhưng đang bị Covid-19 làm cho người dân tạm thời quên đi đó là vụ tấn công vào làng Hoành và giết chết cụ Lê Đình Kình. Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không hề có một hành động sửa sai nào, dù chỉ là một lời xin lỗi chiếu lệ hay trả tự do cho những người đang còn bị giam giữ. Đây là một vụ án giết người nhằm mục đích lấy khu đất Đồng Sênh. Toàn bộ ban lãnh đạo đảng cộng sản đều phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục là một giải pháp cho đất nước mà phải có một giải pháp khác từ một tổ chức khác. Cho dù họ có “lắng nghe” những ý kiến khác chiều đến đâu đi nữa thì họ cũng tự khám phá ra là họ ngày càng bất lực. Tham vọng quyền lực trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, vì vậy, ngày càng giảm đi chứ không tăng lên. Việc giữ ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị cao nhất của đảng và nhà nước cho thấy không ai muốn ngồi vào ghế nóng đó. “Thành tích” nổi bật nhất của ông Trọng và ban lãnh đạo đảng trong nhiệm kỳ 12 chỉ là việc “đốt lò”. Hơn 70 quan chức cao cấp và tướng lĩnh bị tống giam và kỷ luật. Nhưng thay vì làm trong sạch nội bộ đảng thì nó chỉ có tác dụng ngược lại là tăng thêm sự thù oán trong nội bộ đảng. Những người bị làm “củi” chắc chắn không tham và xấu hơn những người phe “lò” là bao nhiêu. Họ bị tống vào lò chỉ vì thuộc phe củi. Không một ai tâm phục và khẩu phục với các bản án dành cho họ.
Đại hội 13 đang đến gần với tất cả những bất lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra và xảy ra như thế nào với họ trước và sau đại hội nhưng có lẽ đây là một kỳ đại hội vô cùng sóng gió cho đảng. Người Việt Nam không nên chờ đợi và hy vọng vào bất cứ một giải pháp nào từ họ. Đã đến lúc tìm hiểu về những giải pháp khác của các tổ chức chính trị khác.
Việt Hoàng
(12/04/2020)