Như thường lệ 30/04, cả nước lại ăn mừng chiến thắng. 49 năm rồi vẫn như cu : cờ quạt, meeting, discours khí thế hào hùng rung chuyển trời đất…
30/04 cứ tưởng là ngày vui nhất, ngày hạnh phúc nhất của dân tộc, nhưng nào ngờ đó lại là ngày chiến thắng của cái ác mà lúc đó người ta lại tưởng là cái thiện.
Ngày 30/04 cứ tưởng là ngày vui nhất, ngày hạnh phúc nhất của dân tộc, nhưng nào ngờ đó lại là ngày đen tối, ngày chiến thắng của cái ác mà lúc đó người ta lại tưởng là cái thiện. Thực ra cái ác đó nó đã có ở Liên Xô cách ngày 30/04/1975 hàng nửa thể kỷ, nhưng vì bị bưng bít thông tin nên lúc đó chúng ta không biết và cứ hùng hục oánh nhau, bất kể mất mát về tiền của và nhân mạng để đưa cái ác lên ngôi. Chuyện nhầm lẫn cái thiện, cái ác nó cũng là thường tình. Càng kém thông minh thì càng nhầm nhiều và "nhầm" lâu. Nhưng rất lạ là lại thêm ½ thế kỷ nữa trôi qua, trong giai đoạn này đã có sự bùng nổ về thông tin, những điều bị bưng bít bấy lâu đã không còn là điều bí mật nữa, những chuyện nhảm nhí của "cung đình" cũng được phơi bầy tơ hơ hàng ngày trên mạng xã hội. Vậy mà, biết vậy, chúng ta vẫn tiếp tục ăn mừng "cách mạng" được. Thực sự chúng ta là một dân tộc siêu đẳng.
Người Mỹ nói riêng và Phương Tây nói chung đã giúp nhiều nước tránh họa độc tài. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí thất bại thảm hại, đặc biệt là ở các nước hồi giáo như Afganistan, Lybia, Iraq…
Ở các nước dân chủ phương Tây, nói chung (nhắc lại là nói chung thôi) là không có thánh. Người dân rất tự do tư tưởng. Trong đầu họ không có thánh nào cả. Họ không sợ thằng tổ dân phố, họ không sợ thằng trưởng phường, họ càng không sợ thằng tổng thống.
Ngược lại, ở các nước hồi giáo, dân trí rất thấp và họ có thánh của họ, họ tin tưởng hoàn toàn vào thánh. Tự do phương Tây là một nguy hiểm cho tôn giáo của họ. Khi con người nhiễm tự do thì đương nhiên không tin vào thánh. Có lẽ chính vì vậy mà giúp họ đánh đổ độc tài ở các nước hồi giáo là rất khó khăn.
Người Việt Nam thường rất coi thường mấy nước hồi giáo. Cho rằng họ lạc hậu, mọi rợ, cuồng tín…
Tuy nhiên tôi thấy rằng người Việt Nam chúng ta hoàn toàn chỉ ngang hàng(có khi còn thấp hơn) với mấy nước hồi giáo đó. Chúng ta hồ hởi chấp nhận độc tài, ca ngượi độc tài, coi đó như một sự cần thiết sống còn, đương nhiên. Chúng ta cũng cuồng tính như họ, thậm chí còn hơn. Thánh của chúng ta là Bác Hồ. Chính vì vậy, người Mỹ đã không thể giúp chúng ta có được dân chủ giống như Afganistan, Lybia, Iraq…
Thường thì thiếu cái gì thì người ta hay lại cố tình tỏ ra có nhiều cái đó. Báo chí lề phải ở Viêt Nam gọi nhiều ngày lễ là ngày lễ độc lập. Thực sự mà nói Việt Nam chưa bao giờ có độc lập.
Độc lập-Tự do- Hạnh phúc rõ ràng vẫn chỉ có trong mơ. Bạn nào cảm thấy có rồi cũng được. Cố mà giữ lấy nó.
Hoan hô.
Hoàng Quốc Dũng
(30/04/2024)
Các chuyến thăm dồn dập
Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Blinken là một sự kiện gây xôn xao dư luận. Chuyến thăm này thể hiện quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước chuyển mình đáng ngạc nhiên. Không chỉ có chuyến thăm của ông Blinken mà là hàng loạt các quan chức cao cấp Mỹ cũng nối tiếp nhau sang thăm Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 2/2023 là Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, tháng 3/2023 là đoàn nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Jeff Merkley đều tới thăm Việt Nam. Ngoài ra, cách đây không lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden cũng có cuộc điện đàm. Sau chuyến đi của Blinken là chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.
AFP
Các chuyến viếng thăm của các phái đoàn Mỹ đến Việt Nam liên tiếp như vậy cho thấy thứ nhất là vị thế quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và thứ hai là Mỹ rất quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ về mọi mặt đối với Việt Nam.
Vì sao Mỹ chú ý tới Việt Nam
Ngoại trưởng Blinken đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội ngày 15/4. Công trình này trị giá 1,2 tỷ USD, và có thể nói đây là trụ sở cơ quan ngoại giao của Mỹ lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việc xây dựng một cơ quan ngoại giao lớn như vậy cũng có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với vai trò tích cực và sự phát triển ấn tượng của Việt Nam.
Việt Nam có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ muốn tranh thủ trong cuộc cạnh tranh quyết liệt Mỹ - Trung.
Thứ nhất, Việt Nam là bên tham gia trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông, nơi đang là đấu trường để Mỹ thể hiện sức mạnh trước sự lôi kéo các nước ASEAN của Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam cũng có vai trò và mong muốn ổn định khu vực Mekong, mà Trung Quốc cũng đang bành trướng ảnh hưởng ở đây.
Thứ ba, với vị thế chính trị ngày càng cao, cùng với sự ổn định, nhất quán về chính sách đối ngoại, vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN là rất quan trọng. Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ coi ASEAN ở vị trí trung tâm của chiến lược này. Chính vì vậy, việc Mỹ tập trung vào Hà Nội cho thấy Mỹ coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ra sao, đồng thời Mỹ cũng muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy mục tiêu và cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trở ngại cho việc nâng cấp quan hệ
Đã từ lâu, Mỹ luôn có ý định nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên một mức độ cao hơn. Trong suốt những năm vừa qua, Mỹ luôn đề cập chuyện nâng cấp quan hệ. Tuy nhiên, tín hiệu từ phía Việt Nam cho thấy quốc gia này vẫn đang ngập ngừng trước việc nâng cấp quan hệ này.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên đã được nhắc tới từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được vì các nguyên nhân sau :
Thứ nhất, Việt Nam vẫn lo ngại Mỹ đứng đằng sau các tổ chức phản động bên ngoài, hoạt động nhằm chống phá nhà nước Việt Nam, trong cái gọi là "cách mạng màu".
Thứ hai, nhiều cựu binh và người dân bị mất mát, đau thương nhiều trong chiến tranh Việt nam nên vẫn còn thái độ ghét Mỹ, không tin các biện pháp thúc đẩy quan hệ từ phía Mỹ. Thái độ thù địch với Mỹ của nhiều người dân Việt Nam trong chiến tranh Ukraine đã thể hiện vấn đề này.
Thứ ba, quan trọng nhất trong các cản trở việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ, chính là sức ép từ Trung Quốc. Với vị trí là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, mục tiêu của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng không được làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang biến động theo hướng hỗn loạn từ khi cuộc chiến Ukraine xảy ra tới nay.
Đối với cách mạng màu, Ngoại trưởng Blinken cùng nhiều giới chức Mỹ luôn nhắc lại là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam (1). Vì lợi ích và sự phát triển của đất nước, người dân Việt Nam có thể bỏ qua những đau thương, mất mát để cùng nhân dân Mỹ kiến tạo hoà bình, tạo dựng thịnh vượng. Vì vậy, trở ngại lớn nhất cho việc nâng cấp quan hệ lần này chính là sự đe doạ đến từ Trung Quốc.
Thời điểm tốt nhất cho việc nâng cấp quan hệ
Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới sẽ có nhiều lợi ích cho Việt Nam. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên làm ăn với Mỹ, Việt Nam có nhiều thuận lợi, cụ thể là năm ngoái quốc gia này đã xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ giá trị hơn 100 tỷ USD. Mỹ cũng là quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến vào loại bậc nhất trên thế giới. Việc Mỹ đưa ra Đạo luật Chip năm ngoái, cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đón đầu các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này, thúc đẩy thị trường của chúng ta sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như chip và chất bán dẫn… Mỹ cũng có vai trò chính trị hàng đầu trên trường quốc tế. Vì vậy, phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế. Trong vấn đề quốc phòng, trước sự suy yếu sức mạnh của Nga, cùng với việc phương Tây bao vây cấm vận Nga, chủ trương của Việt nam là đa dạng hoá các nguồn cung cấp vũ khí mà Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các vũ khí công nghệ cao. Ngoài ra, nguồn vũ khí của Israel, Hàn Quốc mà Việt Nam đang mua, cũng phải có sự đồng ý của Mỹ thì các quốc gia này mới bán được cho Việt Nam.
Nâng cao quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng có điều kiện để tăng cường sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát biển để có thể chống lại "chiến thuật vùng xám của Trung Quốc tại Biển Đông." Theo quan sát từ các học giả Mỹ, quan hệ Việt - Mỹ bắt đầu tăng tốc sau năm 2014, khi Trung Quốc thực hiện việc hạ đặt gian khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2).
Nhờ có vai trò đối trọng của Mỹ, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng có được sự cân bằng hơn. Đặc biệt, với sức mạnh trên biển của Mỹ, đã góp phần kiềm chế bớt các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm nay chính là thời điểm thuận lợi nhất để cả hai bên có thể thực hiện việc nâng cấp quan hệ hai bên lên tầm Đối tác chiến lược. Bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ và thế giới đang rất thuận lợi cho việc nâng cấp. Đảng Dân chủ có chính sách lôi kéo các đồng minh và đối tác cho nên Mỹ đang rất muốn nâng cấp quan hệ như một thắng lợi ngoại giao của họ. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc đang trong giai đoạn thuận lợi. Trung Quốc đang có những khó khăn về kinh tế, trong bối cảnh bị Mỹ tìm cách cô lập, cùng với căng thẳng ở eo biển Đài Loan đang dâng cao. Chính vì vậy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các quốc gia ASEAN cũng đang có những thay đổi nhất định. Chuyến đi Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái đã tạo cho mối quan hệ Việt - Trung có những bước ổn định lớn. Chính vì vậy, khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ lại trước việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ khó xảy ra. Chưa kể, xét tới tình hình quốc tế hiện nay, có thể nói ngay cả khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh trước Mỹ, thì họ cũng sẽ không thể sử dụng biện pháp cứng rắn nào đối với các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), vì rất nhiều quốc gia ASEAN đang thể hiện sự lo ngại và nghi ngờ với Trung Quốc vì các hành động gây hấn trên Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy quan hệ với Mỹ, và điều đó đã cản trở sự phát triển của dân tộc và đất nước. Vì vậy, cơ hội nâng cấp quan hệ hai nước lúc này, đất nước Việt Nam không thể bỏ lỡ.
Hoàng Việt
Nguồn : RFA, 22/04/2023
Tham khảo :
2. https://www.rand.org/pubs/external_publications/EP68625.html
Viết từ Sài Gòn, RFA, 28/4/2022
Cho đến lúc này, Việt Nam vốn dĩ quen đi hai chân trên hai thái cực và đã đến đoạn đường mà hai thái cực đó giãn rộng đến độ nguy cơ không thể tiếp tục đi được nữa, phải chọn một trong hai thái cực, Mỹ, phương Tây hay Nga, Trung ? Có lẽ, Việt Nam không còn chọn lựa nào khác ngoài Mỹ, phương Tây.
Việt Nam đã đu dây đến đoạn đường mà hai thái cực đó giãn rộng đến độ không thể tiếp tục đi được nữa, phải chọn một trong hai thái cực, Mỹ và phương Tây hay Nga và Trung
Trích từ RFA : "Ngày 21/4, tại cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên sẽ diễn ra từ ngày 12 – 13/5 tại Thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ). Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhận lời của Tổng thống Joe Biden, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc. Đây sẽ là một chuyến xuất ngoại hết sức khó khăn của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau những biến cố đầy tai tiếng, cho thấy Hà Nội đã không còn che giấu việc chọn phe. Sau khi Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2, Việt Nam đã đi theo sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc, ra mặt đối kháng với Hoa Kỳ, chống lại các nước dân chủ, chống lại hệ thống luật pháp quốc tế ở Liên Hiệp Quốc và trên bàn cờ địa-chính trị cả ở khu vực lẫn quốc tế".
Nhìn từ bề ngoài, sẽ thấy việc chọn Mỹ, phương Tây là mơ hồ và khó xảy ra với Việt Nam lúc này, và các lá phiếu ở Liên Hiệp Quốc của Việt Nam ngầm ủng hộ Nga càng củng cố hơn lập luận cho rằng Việt Nam vẫn chọn Nga và Trung Quốc, kỳ thực, câu chuyện không chỉ 50/50 ngã về Mỹ, phương Tây mà có lẽ, tỉ lệ chọn Mỹ, phương Tây còn cao hơn nhiều. Vì đó là thế bắt buộc, dù muốn hay không muốn !
Bởi lựa chọn của Việt Nam lúc này tùy thuộc vào hai yếu tố vô cùng quan trọng gồm đối nội và đối ngoại, hai yếu tố này lại liên quan đến rất nhiều câu hỏi giữa Nhân Luân hay Ý Thức Hệ ? Chấp nhận trở thành thái thú tàu hay giữ cương vị lãnh đạo ? Đi đến Tự Do Chính Trị trong khu vực hay Tùy Thuộc Chính Trị Bắc Quyền ? Tất cả những câu hỏi này nhức nhối hơn bao giờ hết.
Về khía cạnh Nhân Luân hay Ý Thức Hệ, rõ ràng, Nhân Luân vẫn là vấn đề cốt lõi của phát triển thế giới loài người và đặc biệt phát triển quốc gia, dân tộc. Trong một quãng thời gian ngắn, ý thức hệ cộng sản là vô cùng quan trọng đối với một dân tộc đã lún quá sâu trong loại hình chính trị trung ương tập quyền và có tâm tính tự phát như Việt Nam. Tuy cơ hội tiếp cận văn minh phương Tây là rất cao nhưng trong tư thế thuộc địa, việc cởi trói của một dân tộc nếu dựa vào sức mạnh của một "mẫu quốc" sẽ không toàn triệt. Rõ ràng ý thức hệ cộng sản dù nhìn theo hướng nào thì đó cũng là ác chủ bài để triệt tiêu ý thức hệ trung ương tập quyền mà lâu nay người là quen miệng gọi chế độ phong kiến tại Việt Nam.
Nhưng sứ mệnh của ý thức hệ này đã chấm dứt cách đây hơn nửa thế kỉ tại Việt Nam, giai đoạn càng về sau, chiếc áo ý thức hệ cộng sản đã bị người ta dán lên đủ các loại hoa hòe để bịp nhau trong khu vực và quốc tế, Liên Xô, Trung Quốc cũng đã khoác lên đảng cộng sản Việt Nam những chiếc áo như thế. Và kết quả thì như thế nào ? Khi cần thiết, Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam, khi cần thiết, Liên Xô bỏ mặc người anh em cộng sản Việt Nam. Bởi ý thức hệ cộng sản với cái tên mỹ miều là Quốc tế cộng sản chỉ là trò lừa bịp. Người cộng sản Việt Nam thừa sức để hiểu như vậy. Nhưng Việt Nam thời đó chưa phát triển, nghèo đói, biết bám víu vào ai ngoài hai anh cộng sản vừa tỏ ra quân tử và giấu bản chất ngụy quân tử và chơi bẩn này ?
Và, cho đến lúc này, nói gì thì nói, lượng vũ khí viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là Liên Xô theo diện bánh ít trao đi bánh qui trả lại, anh cho em vũ khí, em cho lại anh lúa gạo, trái cây, chuối, bò heo gà… là nhiều vô kể. Và cơ số vũ khí ấy là nền tảng trong sức mạnh quốc phòng Việt Nam. Thế nhưng trong gần ba tháng, chính các loại vũ khí Liên Xô – bây giờ là Nga cung cấp cho Việt Nam đã rụng như sung trên chiến trường Ukraine, một quốc gia nhỏ và văn minh kề cận Nga. Tuyên bố chiếm Ukraine trong một tuần của Putin trở thành câu nói giễu nhại của các chính khách quốc tế và hơn hết là Nga trở thành thằng hề khắm của quốc tế, Putin trở thành hung đế tàn ác… Điều này khiến cho mọi nước chơi với Liên Xô trước đây và Nga bây giờ phải nhìn lại, suy nghĩ lại.
Trích từ RFA : "Hoa Kỳ, với các nước ASEAN ? Cộng đồng quốc tế sẽ nhắc lại tuyên bố xanh rờn của Thủ tướng Chính rằng, Việt Nam không bao giờ chọn phe, Việt Nam chỉ chọn lẽ phải. Vậy "lẽ phải" của Việt nam ở đâu ? Là chiến tranh xâm lược ? Là tàn sát dân thường ? Là tự do áp dụng chính sách diệt chủng như ở Ukraine ? Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN được coi là cơ hội để chính phủ Biden thúc đẩy quan hệ song phương với ASEAN, mở rộng tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hơn ai hết, vị Thủ tướng Việt Nam biết rằng, kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ với số xuất siêu lên tới 81 tỷ USD (đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD) trong năm 2021. Chỉ cần Mỹ đóng cửa một số mặt hàng xuất cảng của Việt Nam, cấm vận một số công ty và ngân hàng Việt Nam (đang đội lốt để tuồn hàng Tàu sang Mỹ) thì hậu quả sẽ khôn lường".
Thế nhưng Việt Nam thì sao ? Vì mục tiêu bảo trì, bảo dưỡng kho vũ khí đã mua từ Nga mà chấp nhận nhiều vấn đề trái khoáy. Đặc biệt, chấp nhận tập trận chung với Nga. Bởi hiện tại, sau gần ba tháng xâm lăng Ukraine, Nga đã cho thế giới nhận biết vũ khí của họ lợi hại cỡ nào, đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu của vũ khí Nga, muốn triệt tiêu vũ khí Nga người ta cần làm gì… Mối nguy của Việt Nam hết sức cao, bởi phép thử Nga – Ukraine cho thấy rằng vũ khí của Liên Xô – Nga chỉ còn là thứ đồ chơi cũ kĩ, không đáng nói, và ngay trong thời chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam, Liên Xô cũng chỉ cung cấp cho Việt Nam tên lửa Sam, kĩ sư Việt Nam phải độ thành Sam II mới có cơ hội đánh nhau với không quân miền Nam. Vậy thì hiện tại, liệu kho vũ khí vốn có số lượng xuất xứ Nga đồ sộ như vậy có gây sợ cho Trung Quốc hay không ?
Vấn đề then chốt để Việt Nam phải thân Mỹ, phương Tây nằm ở khía cạnh Nhân Luân chứ không còn là Ý Thức Hệ, bởi ý thức hệ cộng sản đã chính thức hết sứ mệnh lịch sử của nó, đã đến lúc người ta tự đặt câu hỏi rằng tiếp tục tiến bộ hay lùi trở về thời nô lệ, Bắc thuộc ? Phát triển, cường thịnh hay trở thành bãi rác quốc tế ? Hệ thống chính trị độc lập hay làm thái thú ?
Bởi lẽ ngay lúc này, nếu đặt câu hỏi Mỹ có cần Việt Nam hay không ? Mỹ có sẵn sàng bắt tay hợp tác với Việt Nam hay không ? Thì rõ ràng, có nhắm mắt cũng nhìn thấy Mỹ rất cần Việt Nam và Việt Nam rất cần Mỹ. Mỹ cần Việt Nam đứng vai trò tiền trạm, người hợp tác tin cậy để ổn định khu vực Thái Bình Dương và hơn hết, Mỹ cần một đối tác chiến lược sâu bền trong vấn đề kinh tế hàng hải trên khu vực Thái Bình Dương. Và, Việt Nam cũng cần Mỹ, rất cần Mỹ trong vấn đề cân bằng trọng lực quân sự trên Thái Bình Dương trước Trung Quốc và ngay cả trên đất liền. Bởi giả định có chiến tranh xảy ra, Trung Quốc xâm lược Trường Sa, Bắc Việt, thì vũ khí Nga – Xô sẽ chẳng là gì. Đương nhiên yếu tố con người, quân đội là quan trọng nhất, nhưng thời đại kĩ thuật, chiến tranh kĩ thuật, một cú bấm nút có thể tương đương với cuộc đổ bộ vài sư đoàn. Và các sư đoàn, con người chỉ đóng vai trò tiếp quản và trấn/ấn định chủ quyền là chính.
Hơn nữa, nói về tâm lý nhân dân, một khi chính phủ, đảng, nhà nước Việt Nam chọn hướng tiến bộ, chọn Mỹ thì nhân dân sẽ vỗ tay, sức sống dân tộc bừng dậy, ngược lại, chọn Trung Quốc thì đó là một lựa chọn khiến cho nhân dân thất vọng và không chừng, đó là cách chọc giận nhân dân. Và không có gì đáng sợ bằng việc đám đông nhân dân nổi giận. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới, hầu như mũi nhọn lại buộc phải dựa trên kinh tế biển và hàng hải. Nếu bây giờ Trung Quốc đánh nốt Trường Sa và thực thi đường chín đoạn một cách toàn triệt thì Việt Nam sớm muộn cũng thành một tỉnh của Trung Quốc, bởi lấy được biển rồi thì chẳng tốn viên đạn nào để tiến vào đất liền, lúc đó, những quả bom tiền sẽ lên tiếng thay cho súng đạn.
Một khi Trung Quốc nắm bá chủ biển Đông, Thái Bình Dương trở thành sân nhà, tài sản của họ thì rất khó để biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo trên thế giới. Và chỉ cần nắm biển Đông với trữ lượng đất hiếm, với vai trò cửa ngõ hàng hải thế giới và cũng là cánh cửa an ninh vô cùng quan trọng trên hải trình quốc tế, xem như Trung Quốc đã nắm bửu bối trong tay và việc làm thay đổi trục sức mạnh của thế giới không phải là khó khăn của họ. Đây mới là mối bận tâm lớn nhất của Mỹ, phương Tây. Và Mỹ cũng chẳng dại gì để Việt Nam lâm vào thế bí để rồi trở thành thuộc địa của Trung Quốc.
Và Mỹ chắc cũng không đến nỗi mù mờ về lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam, họ cũng thừa biết lãnh đạo Việt Nam, cho dù là cộng sản hay Cộng Hòa hay gì nữa thì chẳng có ai dại chấp nhận trở thành thái thú của Trung Quốc. Bởi chiêu bài vốn rất cũ kĩ của Trung Quốc lặp lại nhiều lần trong lịch sử là quan sát, chiêu dụ, đánh úp và nhốt vào chuồng, biến chư hầu thành vật nuôi, con thịt. Một khi các lãnh đạo Việt Nam bị rơi vào tình thế làm thái thú cho Trung Quốc, thì đương nhiên mọi ưu tiên và chiêu dụ bấy lâu nay sẽ biến mất và thay vào đó là quân đội Trung Quốc có mặt khắp lãnh thổ Việt Nam kéo theo quyền giám sát tối cao của các thứ sử người Trung Quốc trên đất nước hình chữ S này, không chừng cả bán đảo Đông Dương. Và lúc đó, các thái thú lại trở thành con thịt mập béo đầu tiên của họ.
Với viễn cảnh như vậy, nhà lãnh đạo Việt Nam hình như không còn cách lựa chọn nào khác là ngả về phương Tây, tìm liên minh với Mỹ và tìm một lối đi tiến bộ. Bởi điều này vừa có lợi cho quốc dân, vừa có lợi cho quyền lực và chỗ đứng trên chính trường. Và, hình như chỉ có lựa chọn này mới chặn đứng được âm mưu xâm lược (mà khả năng xảy ra của nó rất cao) của Trung Quốc trên biển Đông và lãnh thổ Việt Nam trong thời gian sắp tới !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 28/04/2022 (VietTuSaiGon's blog)
**********************
RFA, 27/04/2022
Báo Asia Times mới đây có bài phân tích của tác giả David Hutt với tựa đề "Russia-Vietnam ties put US in a sanctions dilemma" đại ý cho rằng, Việt Nam có thể sớm bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ vì tiếp tục quan hệ quân sự với Nga, khi phương Tây tìm kiếm các biện pháp bổ sung để trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.
Alexander Nemenov / AFP
Việt Nam, đồng minh thân cận nhất của Moskvaở Đông Nam Á, đã khiến các quan chức Mỹ bất ngờ khi bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chống lại Nga đồng thời nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu phản đối loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Mới đây, Việt Nam lại tiếp tục rơi vào "điểm nóng tiềm ẩn về ngoại giao" sau khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nga và Việt Nam vào cuối năm nay.
Từ những động thái "bất ngờ" liên tiếp của Chính phủ Hà Nội đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc chiến xâm lược Ukraine, nhiều chuyên gia đặt giả thuyết, liệu Mỹ sẽ trừng phạt Việt Nam theo Đạo luật CAATSA ?
CAATSA - Countering America's Adversaries Through Sanctions Act, là một luật liên bang Hoa Kỳ nhằm áp đặt lệnh trừng phạt vào Iran, Bắc Triều Tiên và Nga. Dự luật đã được thông qua tại Quốc hội thứ 115 với tỷ lệ bỏ phiếu 98 thuận và hai chống tại Thượng viện Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore vào ngày 27/4 nhận định với RFA :
"Việt Nam và Nga có tập trận hay không, hiện nay chưa có gì chính thức. Nếu có tập, thì rõ ràng là không bình thường, nhưng cũng không có gì sai, không sai với bất kỳ ai, nhất là với Mỹ. Việt Nam và Nga mà tập trận, thì Việt Nam không ngại gì Mỹ trừng phạt hay cấm vận. Việt Nam họ tin vào một kiến trúc an ninh đa cực, chứ không tin vào kiến trúc đơn cực. Nếu Mỹ và phương Tây tự thấy có ảnh hưởng gì, thì hãy hành động. Việt Nam họ chỉ có một phe để chọn : đấy là các nguyên tắc luật mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Bây giờ chưa có chiến tranh, chưa có nước nào xâm lược Việt Nam, thì Việt Nam họ có chính sách quốc phòng bốn không. Cá nhân tôi thấy Việt Nam không cần tập trận với nước ngoài lúc này, vì Việt Nam đang có kế hoạch tập trận với một số nước, trong đó có Mỹ, Nga...".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 21/4, khi được yêu cầu bình luận về cuộc tập trận sắp diễn ra với Nga cho biết, cuộc tập trận quân sự với Nga là nhằm "tăng cường hợp tác, hữu nghị vì hòa bình".
Cùng lúc tờ Asia Times dẫn lời quan chức quân đội Nga, Đại tá Ivan Taraev cho biết cuộc tập trận chung, có khả năng được đặt tên là "Liên minh lục địa 2022", nhằm "nâng cao kỹ năng thực hành của các chỉ huy và binh sĩ trong việc tổ chức các hoạt động huấn luyện và quản lý các đơn vị trong tình huống khó khăn".
Đại diện hai bên Việt Nam và Nga đều đưa ra những biện luận được coi là nhất quán về các hoạt động quân sự sắp đến, tuy nhiên điều đó vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn đối với các chuyên gia quan sát tình hình chính trị cả trong và ở ngoài nước. Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam từ Canada hôm 27/4 nhận định với RFA :
"Cho tới nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ ‘làm khó’ Việt Nam về vấn đề mua vũ khí của Nga hay lập trường bảo vệ Nga trước sự lên án của cộng đồng quốc tế về cuộc xâm lăng Ukraine. Ngoại giao vẫn là kênh liên lạc ưu tiên của cả hai bên. Tuy nhiên, nếu chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp tục và có khả năng lan ra, và Hà Nội vẫn không thay đổi quan điểm thì thế ngoại giao cân bằng của họ sẽ không còn nữa".
Theo ông Khanh, đường lối tốt nhất của ngoại giao Việt Nam là ‘hội nhập và chia sẻ’ những giá trị chung của nhân loại. Với nền tảng của cơ sở hạ tầng kinh tế hiện nay, Việt Nam không có quyền lợi gì để không có những bước đột phá mới. Ông Khanh giải thích thêm vì sao Mỹ chưa làm khó Việt Nam :
"Với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam luôn là điểm nóng của sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Từ kẻ thù trở thành đối tác, sau 47 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ vẫn nhất quán với chủ trương từng bước tâm phục người dân Việt Nam. Chặng đường 27 năm từ khi hai nước chính thức bình thường hóa bang giao là một trong những trường hợp đáng quan tâm cần được nghiên cứu để rút ra bài học kinh nghiệm. Đối với các chiến lược gia của Washington, việc Hà Nội thay đổi thể chế chỉ còn là vấn đề thời gian. Muốn nước nhanh sôi thì tăng lửa, nếu không muốn thì chỉ để lửa liu riu hoặc rút củi ra cũng được".
Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng, nếu nhìn kỹ, quan hệ Việt-Mỹ ngày nay phải gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì dường như đã không còn vùng cấm kỵ và cũng không có gì là không chiến lược khi lợi ích của hai nước rất tương đồng. Hà Nội thường nói bóng gió rằng quan trọng của quan hệ Việt-Mỹ là thực chất, hiệu quả chứ không phải là tên gọi.
Lãnh đạo Việt Nam, được truyền thông nhà nước trích dẫn, luôn nhìn nhận mối quan hệ đó là : ‘Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất và mong muốn Hoa Kỳ cũng thực chất trong cả lời nói lẫn hành động’.
Tuy vậy, theo Luật sư Khanh, điều đó không có nghĩa là không có vấn đề phức tạp trong bang giao giữa hai nước. Tuy nhiên, luật sư Khanh cho rằng Hoa Kỳ vẫn thấy Việt Nam như một đối tác cần thiết và cả hai nước vẫn có thể đạt được những điều mong đợi mà không nhất thiết là ‘đồng minh’ !
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch duyệt đội danh dự ở Hà Nội hôm 23/1/2018. AP.
Trở lại với bài viết trên tờ Asia Times, Đạo luật CAATSA có nhiều điều khoản đe dọa trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí từ Nga.
Nga là nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất của Việt Nam, với gần 80% thiết bị quân sự của Hà Nội có nguồn gốc từ Moscow kể từ năm 2000, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Trong một bài báo được công bố vào tháng trước, các nhà phân tích an ninh Ian Storey và William Choong suy đoán rằng sau khi Nga xâm lược Ukraine, Washington có thể báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt CAATSA đối với các nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch mua thiết bị quân sự mới từ Nga.
Về khía cạnh này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ hôm 27/4 giải thích rằng, có một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Mỹ. Thứ nhất, vì mối quan hệ mang tính lịch sử nên phần lớn vũ khí mà Việt Nam hiện sử dụng có nguồn gốc từ Nga. Việt Nam do đó muốn duy trì mối quan hệ tốt với Nga để có thể mua các phụ tùng và dịch vụ bảo dưỡng cho các vũ khí này. Thứ hai theo ông Vũ, Việt Nam mua vũ khí của Nga dễ tham nhũng hơn khi so với mua của các nước phương Tây. Vì vậy mà giới tướng lĩnh Việt Nam thích mua vũ khí của Nga hơn. Ông Vũ nói tiếp :
"Thứ ba, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay nếu từng được du học thì đa phần được đào tạo chủ yếu từ Nga và các nước trong Liên bang Sô Viết nên họ có một cảm tình đặc biệt với Nga.
Thứ tư, chính thể cộng sản Việt Nam hiện nay là một chính thể độc tài ; và vì vậy mà giới cầm quyền Việt Nam cảm thấy có một sự gần gũi với các chính thể độc đoán khác như Nga và Trung Quốc. Đó là lý do mà trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam thường chọn vị trí gần với Nga và Trung Quốc hơn là các nước dân chủ phương Tây".
Thứ năm theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, mua vũ khí một nước thì sẽ phụ thuộc vào việc cung cấp phụ tùng và đào tạo sử dụng vũ khí, phương thức tác chiến của nước đó. Nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay muốn duy trì thể chế độc đoán do đó có xu hướng cảm thấy yên tâm hơn khi phụ thuộc vào một chính thể độc đoán như Nga hơn là muốn phụ thuộc vào một nước dân chủ như Mỹ.
Nga là một nước độc đoán và do đó họ không có ý định can thiệp vào Việt Nam để biến Việt Nam thành một nước dân chủ. Ngược lại theo ông Vũ, giới cầm quyền Việt Nam lo ngại người Mỹ giúp làm một cuộc cách mạng nhung lật đổ chế độ độc tài hiện nay nhằm chuyển sang một thể chế dân chủ. Bởi khi Việt Nam trở thành một nước dân chủ thì hiển nhiên Việt Nam sẽ ngay lập tức hướng đến Mỹ và phương Tây, thắt chặt mối quan hệ với họ, và tự nhiên trở thành một đồng minh.
Từ mối liên hệ trên, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho biết thêm những vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc :
"Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam có những điểm tương đồng. Việt Nam lo ngại Trung Quốc độc chiếm và khống chế Biển Đông và như vậy vừa đe dọa an ninh Việt Nam, vừa triệt đường sống của Việt Nam. Đe dọa an ninh Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc đe dọa an ninh giới cầm quyền Việt Nam nên chắc chắn giới cầm quyền Việt Nam không muốn thấy điều này. Hiện nay, tính chính danh của đảng cộng sản chỉ còn ở khả năng bảo đảm một sự phát triển về kinh tế cho quốc gia. Vì vậy việc triệt đường kinh tế của Việt Nam sẽ một cách gián tiếp làm mất tính chính danh của giới cộng sản cầm quyền. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam do đó luôn tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc độc chiếm Biển Đông".
Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng, Hoa Kỳ cũng lo ngại trường hợp Trung Quốc độc chiếm Biển Đông rồi từ đó khống chế hải lộ từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ bị áp lực và sẽ tìm cách hình thành nên hệ thống đồng minh ở khu vực này, thậm chí hải quân Trung Quốc có thể vượt Thái Bình Dương mà vươn tới bờ biển của Hoa Kỳ. Một khi Trung Quốc khống chế được Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một rủi ro an ninh lớn hơn.
Ông Vũ phân tích tiếp :
"Khi Việt Nam công bố chính sách 4 Không gồm không liên minh, không liên kết nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, và không sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, thì hàm ý của giới cầm quyền Việt Nam đó là họ muốn gửi một thông điệp đến Trung Quốc rằng Việt Nam chấp nhận chính sách khấu đầu, sẽ không thực hiện các hành động vũ lực hay có ý gì khác làm tổn hại đến an ninh của Trung Quốc. Với chính sách như vậy, Việt Nam sẽ không tìm kiếm một mối quan hệ đồng minh nào với Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại. Do đó không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam không mặn mà với các hoạt động giúp thúc đẩy nhanh chóng mối quan hệ quân sự và chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Ở phía Hoa Kỳ theo ông Vũ, chính quyền Hoa Kỳ đang tìm kiếm một mối quan hệ thân thiện với Việt Nam và cố gắng giúp đỡ Việt Nam có những trang bị tốt hơn cho quân đội, bởi vì một quân đội Việt Nam mạnh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Và cuối cùng Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ kết luận, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thực tế với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam cần duy trì mối quan hệ với Nga. Việt Nam có thể được ngó lơ để tiếp tục mối quan hệ với Nga nhằm duy tu, bảo trì vũ khí, cũng như nhận những sự trợ giúp về đào tạo quân sự từ Nga. Tuy vậy ông Vũ dự đoán, Việt Nam có thể sẽ nhận những cảnh báo rằng nếu gia tăng việc mua thêm vũ khí mới từ Nga thì Việt Nam sẽ nhận những trừng phạt một cách thích hợp. Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ thực hiện điều này vì theo ông Vũ, nếu không thực hiện những trừng phạt, tiếng nói và lời đe dọa của họ sẽ không còn giá trị cho các nước khác.
Nguồn : RFA, 27/04/2022
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, tác giả cuốn sách "Bàn về Trung Quốc trỗi dậy", đồng thời là một diễn giả trong Buổi tọa đàm "Sự trỗi dậy của Trung Quốc", do Khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 19/9/2019 tại Sài Gòn, dành cho đài Á Châu Tự Do một buổi phỏng vấn ngắn về những vấn đề liên quan mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Bìa cuốn sách "Bàn về Trung Quốc trỗi dậy" của Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương. RFA
Diễm Thi : Xin chào Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương. Thưa tiến sĩ, tại buổi toạ đàm "Sự trỗi dậy của Trung Quốc", vấn đề mà ông được hỏi nhiều nhất là gì ạ ?
Lê Vĩnh Trương : Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là các ảnh hưởng của sự trỗi dậy này đến Việt Nam. Có một số câu liên quan đến việc "thôn tính" và "xâm lược" Việt Nam cũng như nghi ngờ về hiệu quả của Chiến lược ba không của Việt Nam mà tôi luôn phản bác.
Diễm Thi : Thưa Tiến sĩ, quan tâm lớn nhất của nhiều người, kể cả những người không dự buổi tọa đàm mà ông từng quen biết, trước tình hình Trung Quốc trỗi dậy như hiện nay là vấn nạn gì ?
Lê Vĩnh Trương : Họ quan tâm đến ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc theo suốt chiều dài câu chuyện. Gần đây là nạn người Trung Quốc vi phạm luật pháp Việt Nam và những hình thức xử lý khá nhẹ của chính quyền Việt Nam đối với các trường hợp này. Việc trỗi dậy này có làm gia tăng hơn nữa sự bành trướng, vô pháp vô thiên của Trung Quốc như trong câu chuyện gian khoan HY 981 và tàu Hải dương Địa chất số 8 đã và đang xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế của VN. Một số người suy nghĩ tiêu cực về tình hình chung và một số khác tỏ vẻ sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh pháp lý và cả quân sự đối phó Bắc Kinh.
Diễm Thi : Sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải còn do sự chủ quan của những nước khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, dù từng được các chuyên gia cảnh báo trước hay không ạ ?
Lê Vĩnh Trương : Theo tôi, Hoa Kỳ có chiến lược dù không trường kỳ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu như nói đó là một sự giật mình nhẹ từ phía Hoa Kỳ thì cũng không sai. Đối với ASEAN, sự hiểu biết và cảm nhận về Trung Quốc là khá tốt và trong đó Việt Nam là nước có sự chuẩn bị đón nhận sự việc này. Tuy vậy, sự dàn trải của nhiều vấn đề trong sự trỗi dậy này của Trung Quốc cũng khiến chính giới và các bên quan tâm có phần bị động. Điều tệ hại nhất không phải là tiêu cực, chủ quan (bị động) hay tích cực (chủ động) mà là sự e sợ không đáng có của một số thành phần trong chính giới và doanh giới VN.
Diễm Thi : Thưa Tiến sĩ, có đánh giá cho rằng nội tại của Trung Quốc còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Ông có cho rằng đánh giá đó chính xác và trước khi xúc tiến những kế hoạch lớn, mang tính ‘bành trướng’ như lâu nay, Trung Quốc phải lo chỉnh đốn nội bộ trước ?
Lê Vĩnh Trương : Đây là điều chắc chắn và cốt yếu. Việc trị nội của Trung Quốc là động lực (lòng dân muốn phục hưng) và cũng là một gánh nặng khá lớn cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Do vậy Tập Cận Bình quan tâm đến di sản đối nội không thua kém đối ngoại. Tân chính của ông ta có nhiều việc và trong đó quan trọng nhất là Hoàng kim thủy đạo (nối các mạch sông để liên thông kinh tế, môi trường toàn Trung Quốc) và Khu mậu dịch tự do Thượng Hải. Hai việc này nhằm kích hoạt và khai thông sức dân Trung Quốc cho hành trình dài hơi của Trung Quốc trên đường trỗi dậy.
Diễm Thi : Đối với Việt Nam, Trung Quốc đang tỏ ra hung hăng nhất khi đưa đội tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt mấy tháng qua, bất chấp phản đối (dù yếu ớt) của Hà Nội và chỉ trích ‘dọa nạt’ mà Hoa Kỳ, cũng như một số quốc gia khác đưa ra. Vậy theo ông cách thức tốt nhất của Việt Nam hiện nay phải là gì để vừa bảo vệ được chủ quyển lãnh hải, vừa duy trì được vị thế độc lập theo "Chính sách 3 không" ?
Lê Vĩnh Trương : Theo chúng tôi, trước tiên là quốc lực hùng mạnh và kế đó là một liên minh thực chất của Việt Nam với các cường quốc sẽ là việc dài hạn phải làm.
Về mặt luật pháp quốc tế, Việt Nam cần kiện Trung Quốc về những vi phạm của nước này đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ từ trước đến nay.
Về nguồn lực trong dân chúng, tôi cho rằng nhà nước phải có lắng nghe người dân nhiều hơn thông qua các diễn đàn xã hội, các nhóm tư vấn chính sách và cả những cuộc biểu tình để có thể có được sự tư vấn tốt nhất cho cuộc đấu tranh pháp lý và cả quân sự, nếu có.
Diễm Thi : Thưa Tiến sĩ, nhiều người tại Việt Nam hay nói "đi với Trung Quốc mất nước, đi với Hoa Kỳ mất đảng", ông nhận thấy thực tế quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những diễn biến đáng chú ý nào ? Hà Nội đã tạo đủ niềm tin cho Washington hay chưa ?
Lê Vĩnh Trương : Cách nói ví von này lý thú nhưng có nhiều diễn biến đan xen khó đoán định. Tôi đánh giá Việt Nam đang khá thân với Mỹ. Cuộc viếng thăm gần đây của hai vị tướng không quân Mỹ đến Hà Nội là một chỉ dấu quan trọng.
Ông cha Việt Nam đã từng sống cạnh người khổng lồ qua các triều đại mà Trung Quốc đã đứng đầu thế giới ví như Đường, Tống, Minh nhưng Việt Nam chúng ta đã từng vượt thoát khỏi Trung Quốc và trong đó có một cuộc đẩy lùi Trung Quốc khi họ kết hợp với cả Chiêm Thành và Chân Lạp năm 1077. Chính trong vòng đe dọa của nhà Minh (không kể trước đó) mà chúng ta đã thiết lập lãnh thổ ở phía Nam (1471 và 1698).
Câu chuyện Việt Trung Mỹ và các mối giằng kéo ba bên vẫn đang diễn ra và kế cả Việt và Mỹ đều có những ý định chính trị thực tế. Việt Nam phải thực tế hơn, đừng có lý tưởng nữa trong các quan hệ đối ngoại và phải chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, ngoại giao và cả quân sự một cách đầy đủ và khôn ngoan nhất !
Diễm Thi : Cảm ơn Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đã dành thời gian trả lời phỏng vấn RFA.
Diễm Thi thực hiện
Nguồn : RFA, 21/09/2019