Lịch sử thế giới luôn biến đổi nhưng chu trình lịch sử có vẻ như trở lại một khúc quanh. Năm 2019, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường không còn được đặt lên hàng đầu.
Biên giới Mỹ và Mexico. (Hình : Getty Images)
Sau 1945 chủ nghĩa phát-xít chết theo Hitler, cuối thế kỷ 20 chủ nghĩa cộng sản đi xuống với sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết. Năm 2019, phong trào chính trị phổ thông (Populism) đang lên với chủ nghĩa quốc gia quá khích đứng sau lưng. Bắt đầu từ khủng hoảng kinh tế năm 2008 mỗi quốc gia đi theo một con đường riêng. Tự do báo chí, ngôn luận, tôn giáo bị giới hạn trong các nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhỉ Kỳ. Năm 2016 hai đại cường quốc khối tự do Anh và Hoa Kỳ thay đổi lớn với Brexit ở Anh và chính trị phổ thông quần chúng với Tổng thống Trump làm thay đổi từ xã hội, kinh tế đến chính trị.
Thập niên 1990, cách mạng mạng lưới thay đổi xã hội, thông tin gây ảo tưởng thế giới sẽ tự do hơn không còn các nhà độc tài và chế độ độc tài, thế giới sẽ không còn bị kiểm soát bởi các chính trị gia. Hai cuộc cách mạng về kỹ thuật truyền thông (Infotech) và sinh học (Biotech) sẽ thay đổi đời sống con người tốt đẹp hơn. Hai cuộc cách mạng của giới kỹ sư dựa trên căn bản toán (Alogrithm) và kỹ thuật vi tính (A.I., Artificial Intelligent). Những xáo trộn thế giới từ năm 2016 đã cho thấy nhân loại vẫn phải đối diện với các hiểm họa muôn đời từ chiến tranh, nghèo đói đến bệnh tật.
Giới trẻ đặt mối lo bất bình đẳng xã hội với tài sản vào tay 1% những người giàu nhất làm chủ 1/2 tài sản thế giới, 100 người giàu nhất thế giới gom của cải vào tay nhiều hơn 4 tỷ người nghèo nhất thế giới. Tài sản tập trung trong tay các tập đoàn lớn. Mối lo của giới trẻ khác mối lo của Tổng thống Trump "di dân từ Mễ và Nam Mỹ tràn qua Mỹ giành công ăn việc làm gây gánh nặng cho Hoa Kỳ". Tổng thống Trump vẫn muốn xây bức tường chặn di dân bất hợp pháp không hề lo 25% dân Mỹ sẽ mất việc vì A.I. và người máy.
Lịch sử thế giới mầy ngàn năm qua cho thấy các bức tường không hiệu quả như Vạn Lý Trường Thành của bạo chúa Tần Thủy Hoàng không ngăn được Mông Cổ. Rợ Phương Bắc tràn xuống chiếm Trung Hoa và mấy trăm năm sau đến đời nhà Thanh. Bức Thành Hadrian của đế quốc La Mã cũng không chặn được Viking xâm lăng từ ngoài biển. Các bức tường cuối cùng chỉ đem đến chế độ "bế môn tỏa cảng" giống như bức thành biên giới Mễ chưa được chấp thuận xây nhưng Tổng thống Trump đã tự cô lập 35 ngày trong tòa Bạch Ốc khi ông đóng cửa chính phủ.
Thông minh nhân tạo (A.I.) danh từ không còn xa lạ trong vòng 10 năm nay, trong ngôn ngữ thông thường của đời sống. Trong giới kỹ thuật, A.I. chiếm vai trò quan trọng từ kỹ thuật người máy, vi tính đến ngôn ngữ dùng qua điện thoại thông minh. Quan điểm không mới lạ, những dữ liệu thông tin do con người tao ra được Marvin Minsky và John McCarthy đặt tên, bắt đầu từ ngàn năm trước gắn liền với não bộ, trong các tế bào nhớ của óc, chỉ huy, hướng dẫn cách suy nghĩ của con người. Triết gia, các nhà toán học, thần học từ nhiều thế kỷ qua luôn luôn tìm cách giải thích tương quan giữa óc, trí nhớ con người và bộ máy. "Con người là con vật và cái máy biết suy nghĩ ?" Năm 1956 khi Minsky và McCarthy đặt danh từ A.I. sau hội nghị khoa học, các ông dự định trong tương lai A. I. sẽ có quyết định chính xác và nhanh chóng cho chúng ta những phàm nhân, người trần mắt thịt suy nghĩ chậm chạp.
Kỹ thuật thông tin và sinh học với A.I. có thể tái tạo kiến trúc bộ não và suy nghĩ của con người. Máy đã giúp vi tính nhanh hơn, thông minh hơn đưa đến những tiến bộ về khoa học thiên nhiên xã hội nhân văn, y học, tìm hiểu và phân tích tình cảm con người cùng những ước muốn, lựa chọn, giúp con người quyết định chính xác và nhanh trong những trường hợp cần thiết.
A.I. được áp dụng trong xe hơi tự động không người lái, máy bay Drone nay bước qua lãnh vực ngân hàng và luật với những dịch vụ căn bản không cần luật sư hay nhân viên ngân hàng…
Bộ óc người máy với A.I. bắt chước cấu trúc bộ óc con người với hàng tỷ tế bào não (các hoạt động sinh hóa và toán của tế bào óc của loài người vẫn chưa được hoàn toàn qua các giai đoạn tiến hóa theo thuyết của Darwin từ khi con người rời rừng già Phi Châu bước chân qua các lục địa khác).
A.I., với các kỹ thuật vi tính mới có thể tạo ra những người máy nhạy cảm với giọng nói, bộ mặt, cử động tay chân và phát mùi như cơ thể con người. Xe tự động không người lái trên lý thuyết có thể tránh tai nạn đến 90% và lỗi của con người mặc dù những tai nạn mới đây của Tesla khi chạy thử đã làm mọi người nghi ngờ. Bộ óc vi tính trong máy F. MRI có thể phân tích óc giỏi hơn bác sĩ thần kinh tâm lý. Áp dụng trên bộ óc của người tê liệt đã giúp các thương binh phục hồi nhanh.
Các kỹ sư đã phát triển kỹ thuật phần mềm có thể khám phá tình cảm con người dựa trên cử động mắt, bắp thịt mặt, biết trước lúc nào cười, lúc nào khóc. Y khoa thay đổi, cảm xúc không còn là cơ chế sinh hóa mà là dữ kiện toán. Tính toán (Algorithm) giúp giới trẻ học hỏi, lập gia đình, chọn người bỏ phiếu, hiểu cảm xúc quần chúng, chọn thực phẩm… Bịnh nhân theo lời khuyên của A.I. nếu từ chối lời khuyên bảo hiểm sức khỏe sẽ từ chối không bán bảo hiểm cho họ !
Con người sẽ thành con "Chip" trong hệ thống điện tử vi tính vĩ đại của 6 đại công ty Wall St, Google, Amazon, Apple, Microsoft, IBM, Facebook và 3 đại công ty Trung Quốc BAT (Baidu, Alibaba, Tencent).
Thời xưa với lãnh chúa, đất đai quan trọng, đến thế kỷ 20, hãng xưởng và tư bản làm chủ, qua đến thế kỷ 21 các công ty Google, FB, Amazon, Baidu chạy đua làm chủ tư liệu và dữ kiện cá nhân. Con người không còn là khách hàng của họ mà chỉ là sản phẩm.
25% công nhân Hoa Kỳ lo sợ thất nghiệp vì A.I., lo sợ này không khác với mối lo hồi thế kỷ 19 khi máy, xe hơi và chế độ sản xuất dây chuyền ra đời. Nhưng sau cách mạng kỹ nghệ mỗi công việc mất đi vì máy lại có một việc mới được tạo ra thích hợp với tiến bộ mới và đời sống con người được cải thiện hơn giống như năm nay tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở số thấp nhất 4%. Máy có khả năng cạnh tranh với người về khả năng nhận thức và thông minh. Máy thay con người trong lãnh vực kỹ nghệ và canh nông nhưng con người vẫn làm chủ phần hồn, phân tích, lý trí, tình cảm và cảm xúc.
Bất bình đẳng về phương diện kinh tế, đẳng cấp xã hội luôn luôn có, chỉ thay đổi bộ mặt. Con người từ năm 2100 sẽ trẻ, khỏe mạnh hơn, tài năng hơn, tập trung ở thành thị. Tiền có thể mua sức khỏe và thông minh, tạo ra hai giai cấp bất bình đẳng hậu quả của kỹ thuật sinh hóa và thông tin : một loại siêu nhân và một loại người Homo Sapiens không đổi ?
Từ khi loài người Homo erectus đứng lên bằng hai chân bước ra khỏi Châu Phi 2 triệu năm trước, di dân đầu tiên cũng giống như loài chim "đất lành chim đậu" đi lập nghiệp vùng đất mới. Hoa Kỳ "đất lành" là quê hương của di dân trong hơn ba trăm năm lập quốc với California là tiểu bang điển hình trong các tiểu bang biên giới với Mễ Tây Cơ miền Nam, trong khi công nhân ở Silicon Valley với cách mạng kỹ thuật truyền thông cao lo sợ mất việc vì người máy còn 80% nông dân gốc Mễ di dân không giấy tờ hợp pháp sống trong lo sợ thường trực. Được gọi là La Migra, họ sống trong vùng Bakersfield không khí ô nhiễm nặng nhất nước Mỹ và vùng San Joaquin, thung lũng nghèo nhất California.
Các di dân bất hợp pháp đã đóng góp quan trọng vào kinh tế Mỹ, giống như những vùng khác, dân Mễ đã làm những công việc người bản xứ không làm nhất là vùng đất San Joaquin với tỷ lệ ung thư cao. Những nông dân hái hoa quả trái cây kiếm được lợi tức 73 xu mỗi thùng 5 gallon, làm việc 5 giờ, lợi tức kiếm được cho mỗi di dân từ 75 USD đến 85 USD. Khác với di dân bất hợp pháp ở các tiểu bang như Texas, các nông dân Mễ này đã đóng thuế. Năm 2010 di dân bất hợp pháp đã trả tiền thuế an ninh xã hội, tiền này đóng vào quỷ hưu bổng quốc gia mà những người di dân bất hợp pháp không được hưởng. Trung bình mỗi di dân có lợi tức 20 ngàn trong 8 đến 9 tháng làm việc. Vùng làm rượu chát Napa chưa hề có công nhân Mỹ làm việc mức thấp nhất.
Năm 2005, di dân lậu Mễ rời khỏi Califonia nhiều hơn là đến không phải vì biên phòng nghiệm ngặt mà vì kinh tế Mễ khá. Năm 2000 có 1 triệu 600 ngàn người Mễ vượt qua biên giới. Năm 2016 chỉ có 192.969 người vượt biên. Năm 2014 có 5 triệu 800 ngàn dân Mễ sinh sống bất hợp pháp giảm xuống so với 6 triệu 900 ngàn trong năm 2007. 30% di dân lậu đến California. Theo Ed Taylor, kinh tế gia đại học UC Davis, số di dân lậu giảm 150.000 mỗi năm vì kinh tế Mễ khá hơn, người Mễ không liều mạng vượt biên, phần vì lính biên phòng Mỹ phần vì bọn buôn người bắt trả nợ suốt đời (giống như một số thuyền nhân Việt Nam sau 1975). Chính sách ICE của Mỹ làm di dân Mễ lo sợ hơn vì sống ở Mỹ 22 năm vẫn bị trục xuất.
Trong sách "The line becames River" (đường biên giới thành dòng sông) Francisco Cantu biên phòng của Hoa Kỳ từ 2008 đến 2012 đã cho thấy chính trị hóa di dân. Lính biên phòng đã xem di dân bất hợp pháp là súc vật, là băng đảng, là bọn hiếp dâm. An ninh vì vậy cần thiết cho chiến tranh phòng vệ chống lại đoàn quân xâm lăng. Lính biên phòng xem dân Mễ như dân từ hành tinh xuống, gọi dân Mễ bất hợp pháp là TONCS chữ lóng xấu như Nigger dành cho người da đen. Xem di dân lậu như kẻ thù, lính biên phòng được trang bị từ trực thăng, máy bay không người lái, tia hồng ngoại, Hamvee, radar chống lại di dân lậu không vũ trang.
Biên giới Mễ – Mỹ trở thành vùng quân sự hóa. Vùng này là vùng đặc biệt luật pháp Hoa Kỳ không được áp dụng. Không phải chỉ Tổng thống Trump, từ sau biến cố 911 các tổng thống cả hai đảng đều dùng quân đội đáp ứng với khủng hoảng biên giới. Hồi tháng 4 năm 2018, Tổng thống Trump đã sử dụng vệ binh trong lúc di dân bất hợp pháp vượt biên giới ở mức thấp nhất. Tháng Mười, 2018, 15 ngàn lính biên phòng đối phó với đoàn người di tản từ Guatemala – Honduras trong mùa tranh cử. Nguyên nhân nào thúc đẩy đoàn lữ hành di dân vẫn không rõ nhưng không có ISIS hay đảng Dân Chủ đứng sau lưng. Một lý do chánh là những người tị nạn ở trại trên hai năm nhưng đơn không hề được cơ quan di trú Hoa Kỳ cứu xét. Tuần biên đã cho biết biên giới Mễ-Mỹ trong thời gian này an ninh nhất trong thập niên qua. Thập niên 1990 đánh dấu chính sách ngăn chặn dân Mễ lậu, bức tường được xây nhiều nơi như El Paso và San Diego, ngân sách biên phòng tăng, lính tuần biên được tuyển nhiều hơn nhưng từ 1990 đến 2000 di dân lậu tiếp tục vượt biên chính sách cứng rắn của các tổng thống Hoa Kỳ từ thời Bill Clinton đã gây ra 6.000 cái chết dọc biên giới từ 2000 đến 2016 và hàng ngàn người mất tích không hề tìm thấy.
Lời kêu gọi của Giáo Hoàng Francis năm 2013 xem di dân vượt biên là "Anh chị trong gia đình họ phải đi khỏi nước để tìm một nơi sinh sống tốt hơn" trong thời đại chính trị trên hết như nước đổ lá khoai.
Việt Nguyên
Nguồn : Người Việt, 03/02/2019
Chuyến đi qua các nước Âu Châu của Tổng thống Donald Trump chấm dứt bằng cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga V. Putin ngày 16/7/2018 đã cho thấy bộ mặt chính trị thế giới đang thay đổi, không còn giản dị, tự do, cộng sản và hậu cộng sản như thời Tổng thống Ronald Reagan. Các nước dân chủ cũng thay đổi. Tổng thống V. Putin độc tài kiểm soát Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình trên đường thành chủ tịch Trung Quốc muôn năm. Ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Phi Luật Tân nền dân chủ trên đường thoái hóa thành chế độ độc tài.
Tập Cận Bình chỉ hô hào “Trị quốc, Bình thiên hạ” “trên Vua dưới Tôi” để giữ chế độ độc tài trong đó con người là nô lệ.
Thổ Nhĩ Kỳ với Tổng thống Erdogan đã khiến Âu Châu cảnh giác vì những thủ đoạn chính trị không khác gì thời Đức Quốc Xã : giam cầm, bắt bớ đối lập chính trị, chỉ trích tự do ngôn luận, xem tất cả các tiếng nói đối lập là “kẻ thù của quốc gia” “kẻ thù của nhân dân”, kiểm soát quốc hội, không còn có sự cân bằng giữa hành pháp và lập pháp.
Tổng thống Donald Trump với các thủ đoạn chính trị mua bán khi đương đầu với các nước Gia Nã Đại và Âu Châu, đã làm thế giới giật mình nghĩ đến Hitler. Đức Quốc Xã dùng chữ “báo chí nói láo” (Lugenpresse) khi đề cập đến nền truyền thông. Tổng thống Trump xem giới truyền thông báo chí là “Bọn loan tin vịt” (Fake news) và nói : “Bọn chúng không phải là kẻ thù của tôi mà là kẻ thù của dân chúng Hoa Kỳ” không khác nào các chính quyền cộng sản Trung Quốc và Việt Nam khi nói đến giới truyền thông đối lập luôn luôn gọi : “kẻ thù của nhân dân”. Các tờ báo lớn Washington Post và New York Times là kẻ thù cần phải được loại bỏ ra Twitter khi 70 triệu chương mục Twitter đã bị loại. Chính quyền Trump xem thường khoa học nhất là về môi sinh (Bộ Trưởng Scott Pruitt bị bãi nhiệm nhưng tân bộ trưởng không có lập trường tốt hơn), chính quyền Trump không có các cố vấn khoa học đầy đủ như các chính quyền tiền nhiệm (ông Trump không tin vào khoa học và các khoa học gia cũng không tin ông). Đức Quốc Xã thời 1940 không tin vào khoa học nhất là khoa học Do Thái “của nhà bác học Einstein” chỉ tin vào tinh thần khoa học của giới bình dân (Volk) (Tổng thống Trump chỉ tin vào thiên tai, không có vấn đề nhân tai). Dân Hoa Kỳ cũng chưa từng thấy các thủ đoạn đã được Tổng thống Trump dùng trong chế độ dân chủ có trên 200 năm : đòi rút giấy phép các đài truyền hình, báo chí, nhốt đối lập chính trị, gọi những người chỉ trích là lưu manh, xem thường quyền của FBI và bộ tư pháp.
Hơn các thế kỷ trước James Madison đã cảnh cáo : “Lương tâm không còn trong chính quyền sao ?” lương tâm cần thiết để kiểm soát các nhà độc tài, lương tri nằm trong đầu của mỗi người. Lương tri con người bị đàn áp trong các chế độ cộng sản Đông Âu bùng lên sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ năm 1991. Chính quyền cộng sản Trung Quốc và Việt Nam vẫn nghĩ kiểm soát truyền thông, kiểm soát báo chí cùng những chiến thuật mới với kỹ thuật mạng lưới dùng “robot”, “Blot”, “dư luận viên” dùng các “tin vịt” là có thể lung lay lương tri của người dân. Luật an ninh mạng là thử thách cho những người dân Việt còn lương tri biết đâu là lẽ phải.
Giải thể đảng cộng sản là phương pháp duy nhất để đem lại dân chủ tự do. Bài học Đông Âu sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ là một bài học lịch sử nhưng các chế độ cộng sản còn lại, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba vẫn còn đứng vững một phần vì những biện pháp đàn áp của bộ máy tàn bạo của chế độ cộng sản một phần vì thế giới bước qua giai đoạn mới, quyền lợi và tiền bạc đứng trên tư duy. Nhà văn Ba Lan Witold Szablowski đã viết cuốn sách với những chuyện thật trong các xã hội hậu cộng sản và cộng sản “Các con gấu nhảy múa” : “Các chuyện thật về những người dân còn luyến tiếc đời sống dưới chế độ độc tài”. Ông Szablowski đã đi du lịch qua các nước chư hầu Xô Viết, chúng ta gọi là các nước hậu cộng sản còn ông gọi nhẹ nhàng hơn “những vùng đất thay đổi chế độ” bắt đầu là Cuba, (hơi không đúng vì Cuba chưa đổi chế độ cộng sản) ông mướn xe hay đề nghị cho các người Cuba đi quá giang từ nông dân, lính, cảnh sát, bác sĩ, y tá, linh mục và trẻ em đi đến trường. Nhà độc tài Fidel Castro đang hấp hối, chế độ cộng sản có thể thay đổi nhưng vẫn còn nhiều người yêu Fidel. Một bà Cuba da đen có học, thông minh vẫn tin là Fidel Castro đã giải phóng Cuba thoát ách nô lệ Hoa Kỳ : (Bộ máy tuyên truyền của Castro không thua gì cộng sản Hà Nội !) “Nhờ chủ tịch, chúng tôi là quốc gia cuối cùng không còn bị Hoa Kỳ cầm dây dắt. Chúng tôi có nền giáo dục mạnh và y tế tốt không ai chết đói ở đây. Chỉ cần nhìn vào Dominica hay Haiti, họ đói vì vẫn còn bị Hoa Kỳ cầm dây xích !” Những người khác đợi ngày Fidel Castro chết, chế độ thay đổi nhưng vẫn không tin vào tự do sau Fidel. “Chế độ cộng sản hiển nhiên thất bại nhưng họ không thể đưa chế độ tư bản vào trong một đêm giống như những người đang chết đói bổng nhiên được ăn 5 cái bánh Hamburger một lúc, bao tử của họ không thể tiêu hóa được”.
Hàng triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc đã biết chế độ cộng sản sai lầm, tin tức khó bị che đậy, mạng lưới thông tin đã đưa tin tức cập nhật nhưng họ đã nhìn thấy hàng triệu đảng viên các đảng cộng sản Đông Âu và Nga mất việc làm ổn định và hưu bổng, một trong những lý do che mờ lương tri khiến họ không trả thẻ đảng. Xã hội hậu cộng sản Sô Viết và Đông Âu đã cho thấy công xã, hãng xưởng, hầm mỏ phải đóng cửa, công nhân, nông dân thất nghiệp, đảng viên mất tiền hưu bổng. Công nhân nhờ tự do chạy qua các nước ngoài làm thợ giặt, nhặt trái cây, thợ hàn, thợ ống nước, tài xế taxi hay sống trên đường phố…
Szablowski gặp phản ứng chung của các nông dân làm trong các nông xã : không ai còn muốn làm vườn làm ruộng sau nhiều thập niên bị chính quyền cộng sản ép buộc, họ không còn nghị lực để làm việc cho chính họ. Giống như những con trâu cày bị quất bằng roi khi con trâu được thả ra chúng không còn sức và không còn muốn cày. Một bà người Ukraine 60 tuổi tên Chermak tâm sự với ông Szablowski : khi nông xã ở làng đóng cửa chồng bà được cho hai mẫu rưỡi đất nhưng ông không cảm thấy còn muốn làm ruộng vườn chỉ muốn uống rượu ! Không may là cả nước Ukraine cũng giống gia đình tôi, hoặc đi nước ngoài làm việc chăm chỉ hoặc ở lại làng, ngồi dưới gốc cây lê cầm gậy đập mạnh vào cây hy vọng trái lê sẽ rụng xuống”. Câu chuyện có vẽ khôi hài nhưng có thật của xã hội hậu cộng sản (không khác nào Việt Nam !).
Hồn ma cộng sản không biết mất hẳn ở các nước hậu cộng sản Đông Âu. Ở Gori, Georgia quê hương của Stalin, ông Szablowski đến viếng viện bảo tàng Stalin nơi đây giữ lại tất cả vinh quang tàn tích của chế độ Sô Viết như một đền thờ. Một nữ nhân viên làm việc ở đây đã bày tỏ ý kiến : “Khi tôi còn học trường cao đẳng tôi được dạy Stalin là nhà lãnh đạo xuất chúng, nay chế độ thay đổi tôi dạy sinh viên Stalin là tên độc tài, kẻ tội đồ gây nhiều tội ác. Tôi không nghĩ là đúng, chính sách tái định cư là để dân sống trong hòa bình, tàn sát đã xảy ra không vì chính sách mà vì trùm mật vụ Beria. Nạn đói ở Ukraine ? Đó là vì thiên tai,” ý kiến của cô đã khiến người viết nghĩ đến những bào chữa của cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc về những tội ác cải cách ruộng đất, Mậu Thân và Thiên An Môn. Ông Hồ và ông Mao hoàn toàn vô tội, lãnh đạo anh minh, tất cả là vì cán bộ thi hành sai lầm chính sách !
Nhớ lại thời Xô Viết, bà bày tỏ tiếp : “Dân chúng đã mất trí. Hãy nhớ lại thời liên bang Xô Viết, ai cũng có việc làm. Trẻ con đi học miễn phí”.
Nhớ lại chế độ cộng sản ngu xuẩn, ông Szablowski nghĩ là thời trước quan hệ giữa người dân tốt hơn bây giờ, khi không có điện thoại thông minh, dân có nhiều giờ nói chuyện với nhau bạn bè thăm nhau nhiều hơn (ở điểm này ông đã lầm lẫn giữa thời đại truyền thông kỹ thuật và thời cộng sản, trong xã hội cộng sản con người luôn luôn nghi ngờ nhau và có nhiều thì giờ để báo cáo hơn là thăm viếng !) Điểm này của Szablowski cho thấy những người đã sống dưới chế độ cộng sản lại nuối tiếc quá khứ, sống trong mộng, vật chất thiếu thốn sống chung đụng trong những cư xá chật hẹp, ở nơi làm việc công nhân không sản xuất luôn luôn bên tai phải nghe những lời tuyên truyền của cán bộ với chính sách vô sản không có giờ nghe nhạc ! Con người chỉ nhớ những kỷ niệm tốt !
Hệ thống tư bản, nhất là ở Nga sau 1991, hậu cộng sản Đông Âu và Trung Quốc, không phải là tư bản thật. Tư hữu hóa hãng xưởng vào tay một nhóm quyền lực, một bọn độc quyền từ tài chính đến quyền lực vì vậy công nhân đã nhớ thời Xô Viết. Không thất nghiệp, có tiền để dành, có tiền hưu, y tế bảo đảm, giáo dục miễn phí. Điều nguy hiểm là nỗi tiếc nuối chế độ gia tăng trong các thành phần trẻ tuổi sinh sau thời Xô Viết sụp đổ. Thống kê năm 2016 cho thấy 27% thanh niên 18 đến 24 tuổi và 85% người trên 65 tuổi đã cho sự sụp đổ của Xô Viết là một sai lầm (không khác gì đảng viên cộng sản Việt Nam sợ mất quyền lợi đảng). Nuối tiếc chế độ Xô Viết hiện ra mọi nơi trong nước Nga của Putin từ chương trình truyền hình, ca nhạc, quần áo, nhãn hiệu rượu, kẹo bánh, đồ chơi, trẻ em .v.v… Giản dị là nhiều người không thích ứng với xã hội mới, họ giống những con gấu ở vùng Tây Nam Bảo Gia Lợi. (gấu là biểu tượng của Nga, Rồng là biểu tượng của Trung Quốc).
Những con gấu nhảy múa được Witold Szablowski ví với người dân sống trong xã hội cộng sản. Công viên gấu nhảy múa ở Âu Châu là nơi nuôi gấu lớn nhất sau khi gấu được cứu từ những thợ săn, ở thành phố Belitsa trên rặng núi Rita vùng Tây Nam Bảo Gia Lợi, công viên là nơi du khách thăm viếng nhiều nhất. Công viên được quản lý bởi hội săn sóc súc vật Four Paws (Bốn móng) từ năm 1990 sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ. Hội hy vọng là những con gấu này cũng sẽ hưởng được tự do như những người dân sau chế độ cộng sản !
Từ nhiều thế kỷ, các gấu con bị bắt từ gấu mẹ, được nuôi và huấn luyện, dạy gấu nhảy với dây xỏ mũi, bắt gấu nhảy trên tấm kim loại nóng bỏng. Chủ gấu đánh gấu bể răng. Gấu được nhảy và làm trò xiếc, bắt chước các diễn viên nổi tiếng được người nuôi đấm bóp bù lại khổ hình gấu phải chịu. Dân trong làng thích xem gấu nhảy, một giải trí hiếm ở các làng không có đài truyền hình hay các phương tiện giải trí khác.
Gấu được dạy những phong tục tập quán của con người, sống như người với bánh mì trắng, uống rượu, làm việc quanh năm ngay cả mùa đông là mùa gấu ngủ. Gấu dần dần mất bản năng thiên nhiên, quên ngủ mùa đông, quên khả năng đi săn, đi tìm đồ ăn, khả năng quyến rũ gấu khác phái, gấu quên cả cách di chuyển tự do chỉ đợi xích xiềng dẫn dắt ! Hội súc vật Four Paws khám phá ra là các con gấu và thú vật từ trước đến nay không biết tự do là gì thì không dễ dạy sống tự do. Trong sách Witold Szablowski đã ví những con gấu vùng Belitsa được giải phóng giống như dân Đông Âu đã sống quá lâu dưới chế độ cộng sản.
Những người nuôi gấu học được bài học : “Những con gấu được giải thoát về nuôi phải được tự do từ từ, sau vài ngày ở trong động nhân tạo gấu sẽ quen dần, trước hết là gỡ dây ở lỗ mũi, sau vài ngày gấu được ở trong vườn có hàng rào ngăn cách với các con gấu khác. Các gấu mới đến dần dần ngửi được mùi các gấu khác, nhìn thấy bạn, ăn gần bạn nhưng không được tiếp cận mật thiết, bản tính thiên nhiên trở lại, gấu từ từ đi săn mồi và ngủ trong mùa đông”. Bị giam cầm lâu, gấu có tâm trạng của người tù, khi thấy người chúng sẽ đứng lên nhảy múa. Khi được thả về rừng, gấu thiếu khả năng sống còn hoặc là chết vì lạnh hoặc bị con gấu khác tấn công, gấu phải lục thùng rác tìm thức ăn và bị người bắn chết.
Các ông bà chủ của các con gấu bị bắt làm xiếc, nhớ gấu và cảm thấy mình không làm lỗi gì (giống cán bộ cộng sản !) Họ cảm thấy là họ đã yêu gấu và xem gấu như người trong gia đình !
Chính nhà văn Szablowski và ký giả Bảo Gia Lợi Krasimir Krumov ở Warsaw Ba Lan cũng có cảm tưởng như mấy con gấu khi các nước Đông Âu thoát vòng cộng sản : “chúng tôi có cảm tưởng như sống trong phòng thí nghiệm. Kể từ giai đoạn chuyển tiếp từ xã hội chủ nghĩa qua dân chủ bắt đầu ở Ba Lan năm 1989, đời sống chúng tôi trở thành dự án nghiên cứu tự do. Tự do là gì, xử dụng tự do đã có được như thế nào và cái giá phải trả cho tự do ? Chúng tôi học được là những con người tự do biết tự lo cho chính mình, cho xã hội, cho tương lai, ăn uống, ngủ v.v… còn chính quyền xã hội chủ nghĩa luôn luôn dòm ngó vào đời sống riêng tư của người dân từ giường ngủ cho tới bữa ăn.”
Giải thể chế độ cộng sản, tiếng kêu gọi của những người có lương tri đang đụng phải bức tường chủ nghĩa quốc gia quá khích. Ở Việt Nam và Trung Quốc, chủ thuyết Khổng Tử bị Tâp Cận Bình xuyên tạc qua các viện Khổng Tử, Tập Cận Bình chỉ hô hào “Trị quốc, Bình thiên hạ” “trên Vua dưới Tôi” để giữ chế độ độc tài trong đó con người là nô lệ. “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” và “Thượng bất chính, hạ tất loạn” những lời dạy đúng này của ngài bị bỏ qua. Tội nghiệp Khổng Tử !
Việt Nguyên
Nguồn : Người Việt, 25/07/2018