Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ Bakhmut đến Washington : Hai chuyến thăm giúp Zelensky nâng cao uy tín

Chủ đề bao trùm báo chí Pháp ra ngày 22/12/2022 có lẽ được thấy rõ qua bức ảnh trên trang nhất báo Libération chụp tổng thống Mỹ Joe Biden khoác vai đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky một cách thân thiện tại thủ đô Hoa Kỳ. Ngoài hồ sơ quốc tế nóng bỏng đó, thời sự Pháp với các vấn đề nẩy sinh vào dịp cuối năm tiếp tục được chú ý. 

zelensky01

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bay tới Washington, Hoa Kỳ, trên một chiếc máy bay của Không lực Hoa Kỳ. Ảnh từ Tribune de Genève. 

Về hồ sơ Ukraine, các báo đều nhấn mạnh trên ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ của chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Ukraine. Nhật báo thiên tả Libération đã tóm gọn trong hàng tựa trang nhất : "Zelensky ở Hoa Kỳ : Biểu tượng một chuyến thăm bất ngờ". 

Trong bài viết chính bên trong, tờ báo giải thích rõ hơn : "Chuyến thăm của Zelensky tới Washington : Vì biểu tượng và vũ khí". Đối với Libération, tổng thống Ukraine đã tới Washington vào hôm qua để đích thân gặp đồng nhiệm Mỹ. Trọng tâm của chuyến thăm chớp nhoáng này là việc Mỹ cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ quân sự mới, bao gồm cả một hệ thống tên lửa Patriot, một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới. 

Từ chiến trường sôi bỏng đi thăm ngay nhà tài trợ hàng đầu 

Điều được Libération nêu bật chính là động thái ngoại giao hết sức khéo léo của tổng thống Ukraine, trong một khoảng thời gian rất ngắn đã can đảm đến thị sát một điểm nóng trên chiến trường, để từ đó đi ngay sang Hoa Kỳ thăm nhà tài trợ chính cho cuộc kháng chiến chống Nga. 

Tờ báo Pháp đã không khỏi trầm trồ khen ngợi : "Trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ, có lẽ Volodymyr Zelensky đã gắn thêm được một hoặc hai lon vào bộ trang phục kaki đầy tính biểu tượng của một chiến lãnh. Vào buổi sáng thứ Ba (20/12), ông đã thực hiện một việc ít ai dám làm là đến tận Bakhmut, trên mặt trận Donbass, vào trong một nhà kho, bắt tay và trao huy chương cho những người lính có công, bất chấp tiếng đại bác vang rền cách đó không xa. Và tựa như trong nháy mắt, ngay sáng thứ Tư, tổng thống Ukraine đã từ một toa xe lửa bước xuống sân ga Przemysl của Ba Lan, cách Bakhmut hơn 1.300 km về phía tây.  

Tờ báo kể tiếp : "Lần đầu tiên sau gần mười tháng xung đột với Nga, Zelensky mới rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Từ đó, cùng với đại sứ Mỹ tại Kiev, Bridget Brink, ông đã đến sân bay Rzeszow, nơi một chiếc Boeing C-40B của Không Quân Hoa Kỳ đợi sẵn. Trên chiếc phi cơ thuộc loại loại cực kỳ an toàn và được trang bị đầy đủ các phương tiện liên lạc, kết nối, thường dành cho giới chức cấp cao của quân đội Mỹ, ông đã bay đến căn cứ Không Quân Andrews (bang Maryland, Hoa Kỳ) và xuất hiện sau đó ở Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ, trong một chuyến thăm vài tiếng đồng hồ mang tính biểu tượng cao". 

Libération trích dẫn bình luận đầy thích thú của Ivan Yakovina, nhà báo và chuyên gia về chính trị Mỹ, trên sóng của Đài Radio NV, theo đó sự kiện ông Zelensky đi từ Bakhmut đến Washington trong vỏn vẹn một ngày "gợi lại tốc độ di chuyển của điệp viên James Bond trên hành tinh". Theo nhà báo này : "Người Mỹ đang chờ đợi [Zelensky] và họ sẽ không để một vị khách như vậy ra về tay không trong dịp Giáng Sinh".  

Tên lửa Patriot : Món quà Giáng Sinh Mỹ tặng Ukraine 

Tờ báo Pháp ghi nhận là trong thực tế, đúng vào thời điểm tổng thống Ukraine chuẩn bị đặt chân lên đất Mỹ, ngay sau buổi trưa theo giờ địa phương (khoảng 6 giờ chiều tại Paris), ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra một thông cáo báo chí xác nhận một khoản viện trợ quân sự mới. 1,85 tỷ đô la, trong đó có, lần đầu tiên, một hệ thống tên lửa Patriot, một trong những vũ khí phòng không tinh vi và mạnh mẽ nhất trên thế giới. 

Libération trích lời nhà sử học quân sự Michel Goya giải thích rằng : "Hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa và máy bay trong bán kính 160 km. Việc cung cấp này, cả về chiến lược và biểu tượng, diễn ra khi Nga gia tăng các chiến dịch tấn công vào các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây".  

Đối với Libération, quyết định cung cấp Patriot cho Ukraine là một đòn "cười vào mũi" Vladimir Putin, khiến cho phát ngôn viên của tổng thống Nga vào hôm qua phải lên tiếng nhắc lại lời đe dọa rằng hành động đó của Mỹ "chắc chắn dẫn đến một cuộc xung đột trầm trọng hơn".  

Riêng về phía Hoa Kỳ, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã cho biết là bước mới "quan trọng" đó trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm nhấn mạnh "Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến cùng". 

Zelensky bảo vệ chính nghĩa của Ukraine 

Nhật báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho Ukraine, với tựa lớn đề cập đến "Một lễ Giáng Sinh không có hưu chiến". Tuy nhiên, ở trang trong, tờ báo đã dành một bài phân tích dài cho chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Ukraine, nêu bật sự kiện : "Volodymyr Zelensky đến Washington để bảo vệ chính nghĩa của Ukraine". 

Theo La Croix, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, và cuộc xung đột chuẩn bị bước vào năm thứ hai.  

Tờ báo ghi nhận hình ảnh đầy tính biểu tượng : Volodymyr Zelensky và Joe Biden gặp nhau tại Nhà Trắng, xung quanh là các cố vấn hàng đầu của hai lãnh đạo. Một kết quả rõ rệt của chuyến thăm là Washington đã công bố gói viện trợ mới trị giá gần 2 tỷ đô la cho Kiev.

La Croix cũng ghi nhận là tổng thống Ukraine sau đó đã có bài phát biểu trước Quốc Hội Mỹ trong một phiên họp toàn thể, với một mục tiêu kép. Trước hết là cảm ơn Hoa Kỳ về sự hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính, và kế đến là đảm bảo sự tiếp tục của nỗ lực này, trong bối cảnh một loại tâm lý "mệt mỏi vì chiến tranh" đang xuất hiện trong dư luận Hoa Kỳ, và một Hạ Viện trong tay đa số đảng Cộng hòa, vốn không muốn viện trợ ồ ạt cho Ukraine nữa, sẽ nhậm chức kể từ tháng Giêng. 

Chuyến công du Washington của tổng thống Ukraine cũng được Le Figaro đưa lên trang nhất, nhưng ở vị trí thứ hai dưới tựa đề : "Tại Washington, Zelensky yêu cầu Biden cung cấp vũ khí mới". 

Theo tờ báo, khi đích thân đến Nhà Trắng để yêu cầu Mỹ tăng cường chi viện vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến, tổng thống Ukraine đã nhận được thêm gần 2 tỷ đô la, bao gồm cả hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot. 

Trong hồ sơ Ukraine, Le Figaro có một bài viết lý thú về nhân vật Valery Zaluzhni, được tờ báo mệnh danh là "chiến lược gia của cuộc kháng chiến của người Ukraine". 

Trong bài "Valery Zaluzhni, nhà chiến lược đáng nể của tiến trình hiện đại hóa Quân đội Ukraine và kiến trúc sư của chiến dịch tái chinh phục chống quân xâm lược Nga", tờ báo Pháp nêu bật sự kiên là người quân nhân "không tuân thủ quy tắc" được cả nước yêu mến này, đã đảo ngược mọi dự đoán kể từ ngày 24/02/2022 khi đương đầu với các lực lượng Nga trong cuộc chiến của chàng tí hon David chống lại gã khổng lồ Goliath. 

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã chú ý đến khia cạnh tài chánh trong chuyến thăm Washington của ông Zelensky "để tìm tài trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine", trong bối cảnh Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ bổ sung 45 tỷ đô la cho Kiev. 

Dân Pháp tức giận vì ngành đường sắt lại đình công

Như nói ở trên, các vấn đề nội bộ Pháp là đề tài quan trọng thứ hai được quan tâm hôm nay và được hầu hết các tờ báo nêu bật trong tựa lớn trang nhất. 

Nhật báo Le Figaro đã thốt lên môt tiếng kêu đầy phẫn nộ trước khả năng một cuộc đình công của ngành xe lửa tác hại đến kỳ nghỉ Giáng Sinh truyền thống của người Pháp. Tờ báo chạy tựa : "SNCF: Đình công quá nhiều khiến người Pháp tức giận". 

Tờ báo ghi nhận là một phần tư số hành khách dùng xe lửa sẽ không thể đi du lịch vào cuối tuần này, nhân dịp Giáng Sinh, do một phong trào đình công do các nhân viên xét vé dẫn đầu. Phải thay đổi kế hoạch vào phút chót, nhiều người đã phản ứng bực tức trước việc mình lại "bị bắt làm con tin". 

Một cách cụ thể, tờ báo cho biết là cuộc đình công mới trong số nhân viên của tập đoàn xe lửa Pháp SNCF sẽ làm gián đoạn dịch vụ vào dịp Giáng Sinh, với một trong ba chuyến TGV bị hủy vào hai ngày Thứ bảy 24 và Chủ nhật 25/12, với khoảng 200.000 hành khách không được đi lại. 

Theo lời giám đốc điều hành của tập đoàn SNCF Voyageurs, Christophe Fanichet, phong trào đình công "không điển hình" đó bắt nguồn từ một tập thể các nhân viên độc lập với các công đoàn, vốn không kêu gọi đình công. Chính vì phong trào đó không có người lãnh đạo, cho nên không thể ngăn chặn được. 

Macron và kế hoạch cải tổ hưu bổng theo 2 bước

Nhật báo Le Monde thì quan tâm đến cải tổ ngành hưu bổng tại Pháp trong hàng tựa đầu tiên trên trang nhất : "Hưu bổng : Kế hoạch hai bước của Macron". 

Theo ghi nhận của tờ báo, chính phủ có kế hoạch thông qua cải cách lương hưu thông qua dự luật tài chính về An xinh Xã hội được sửa đổi, mang tên tắt là PLFRSS. Thủ tục này sẽ giới hạn thời lượng của cuộc tranh luận của Quốc Hội và cho phép biểu quyết sớm với sự trợ giúp của Điều 49.3 của Hiến Pháp 

Dự luật sẽ bao gồm nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 64 hoặc 65. Một văn bản thứ hai sẽ cần thiết để thông qua các điều khoản khác có liên quan, ví dụ như vấn đề việc làm của người cao tuổi 

Việc thông qua kế hoạch cải tổ hưu trí không phải không gặp khó khăn, Eric Ciotti, tân lãnh đạo đảng Những Người Cộng Hòa thuộc cánh hữu truyền thống đang tìm kiếm một quan điểm chung trong nội bộ các dân biểu đảng này. 

Cách nhiệt nhà ở, một vấn đề khẩn cấp

Ngoài tựa lớn thứ nhất cho Ukraine, nhật báo cánh tả Libération đã dành tựa thứ hai trên trang nhất cho một vấn đề thiết thân của người Pháp hiện nay : "Nhà bị thoát nhiệt : Thật là lãng phí năng lượng!" 

Vốn đã bị hạ xuống thành một chủ đề kỹ thuật, việc cách nhiệt các ngôi nhà đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các hộ gia đình và cơ quan công quyền. Nhưng nếu các khuyến khích cải tạo đang gia tăng, thì chúng sẽ thiếu hiệu quả trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu và xã hội. 

Giới cán bộ điều hành bị thua thiệt vì lạm phát

Riêng Les Echos thì chú ý đến vấn đề "Tiền lương của giới cán bộ điều hành, những kẻ thua cuộc lớn trong các doanh nghiệp khi đối mặt với cú sốc lạm phát". 

Theo tờ báo, đối mặt với lạm phát cao, lương của các cán bộ điều hành đã tăng ít hơn so với nhiều loại nhân viên khác. Các công ty nhận thức được vấn đề, nhưng không có nhiều giải pháp do việc các chi phí khác tăng đột biến. 

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Sáng ngày 26/02, Volodymyr Zelensky đăng một đoạn video lên Twitter. Sau đêm giao tranh tồi tệ nhất mà Kyiv từng chứng kiến kể từ Thế chiến 2, và sau lời tuyên truyền từ Moscow rằng ông đã trốn chạy khỏi thủ đô vì sợ hãi, Tổng thống Ukraine xuất hiện từ văn phòng, với đôi mắt đỏ hoe và bộ râu chưa cạo. Tay phải ông cầm chiếc điện thoại thông minh, quay lại cảnh mình đi qua "House with Chimaeras", một địa danh nổi tiếng của Kyiv, đang được dùng làm dinh thự của tổng thống. Ông mỉm cười trước ống kính và tuyên bố : "Chào buổi sáng tất cả người dân Ukraine ! Đang có rất nhiều tin giả … [nhưng] tôi vẫn ở đây".

zelensky1

Người từng mua vui cho cả nước nay đã trở thành tiếng nói của họ.

Zelensky trông có vẻ mệt mỏi, nhưng hạnh phúc : hạnh phúc vì được sống, hạnh phúc vì Kyiv đã không chịu khuất phục, và hạnh phúc khi đóng vai trò nhà lãnh đạo quốc gia, giữ vững tinh thần của đất nước và của chính mình trong giờ phút đen tối nhất trong lịch sử 30 năm với tư cách là một nhà nước độc lập của Ukraine. Đó không phải là vai trò ông tự thân chọn lựa, mà là vai trò được đặt trên vai ông khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02. Ông đã nhận lấy nó với phẩm giá, sức mạnh, và một chút hài hước. Khi Mỹ đề nghị không vận ông đến nơi an toàn, ông đáp lại : "Cuộc chiến đang diễn ra ở đây ; tôi cần đạn chống tăng, chứ không phải một chuyến bay".

Tối hôm trước, phát biểu tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ xóa sổ Zelensky. Tổng thống Ukraine là một người bản địa nói tiếng Nga, có gốc gác Do Thái. Nhưng với lòng căm thù sôi sục, Putin đã chẳng ngại ngần gọi Zelensky và chính phủ của ông là "bọn Quốc xã chơi thuốc".

Khó mà không nhận thấy sự tương phản nổi bật giữa hai tuyên bố đó. Nếu Ukraine là nước chống Nga, như Putin từng viết, thì Zelensky có "tất cả những gì mà Putin không có". Zelensky trẻ trung và lôi cuốn. Ông được người dân Ukraine và toàn thế giới đón nhận. Và ông đang chiến đấu cho đất nước của mình, không phải với tham vọng đế quốc đen tối, mà vì niềm tin rằng Ukraine có chủ quyền và độc lập.

Zelensky sinh năm 1978 tại Kryvyi Rih, một thành phố công nghiệp Liên Xô truyền thống ở phía đông nam Ukraine, một trung tâm khai thác và luyện sắt. Bộ phim yêu thích của ông là "Once Upon a Time in America" (Ngày xửa ngày xưa ở xứ Mỹ). Để tồn tại giữa các băng đảng dữ dằn trong thị trấn, bạn phải có khiếu hài hước, tinh thần ‘chutzpah’ (tiếng Do Thái, chỉ sự cả gan, gai góc) và một đội quân ủng hộ bạn. Zelensky có tất cả những thứ này, đến mức thừa thãi.

Tổng thống Ukraine đương nhiệm dấn thân vào chính trường kể từ năm 2019, nhưng không phải là ứng viên của miền tây nói tiếng Ukraine hay của miền đông nói tiếng Nga. Thay vào đó, ông xóa bỏ mọi chia rẽ về ngôn ngữ, lịch sử, và sắc tộc mà các chính trị gia Ukraine và Điện Kremlin bấy lâu nay vẫn tìm cách khai thác. Phần nào nhờ đó mà ông đã đưa đất nước xích lại gần nhau hơn. Zelensky không bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc hay ý thức hệ. Ông cũng không phải là một nhà cách mạng. Ông đơn giản là một người như mọi người.

Ở một đất nước mà chính trị là phần mở rộng của kinh tế, nơi quốc hội là một diễn đàn trong đó các tầng lớp tinh hoa đổi chác với nhau, Zelensky có một lợi thế vượt trội, hơn cả tiền bạc, đảng phái, và các kênh truyền hình. Ông là diễn viên nổi tiếng và có một vai diễn thu hút những người chán nản chiến tranh, mưu mô, và thói tư lợi của giới tinh hoa. Họ thích ông, không phải vì bản thân ông, nhưng vì nhân vật truyền hình kiểu cổ tích mà ông thủ vai, Holoborodko, một giáo viên ăn nói giản dị đã trở thành tổng thống một cách thần kỳ.

Trong khi người tiền nhiệm của ông, Petro Poroshenko, một nhà tài phiệt, mặc quân phục và vận động với khẩu hiệu "Ngôn ngữ, quân đội, đức tin", Zelensky đã quay một đoạn video với chiếc mũi đỏ của chú hề. "Tôi thách thức … giới tinh hoa [chính trị] của chúng ta. Họ gọi tôi là gã hề. Đúng, tôi là một gã hề, và tôi rất tự hào về điều đó". Tuy nhiên, thông điệp của ông rất nghiêm túc : họ đang đánh lừa mọi người, còn tôi đang thành thật.

Zelensky bước vào nhiệm kỳ tổng thống thực sự với không nhiều kế hoạch rõ ràng, ngoài việc làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Ông chỉ có một ít khái niệm mơ hồ về cách đạt được điều đó. Một số trợ lý cũ của ông nói rằng ông còn chẳng mong đợi giành chiến thắng.

Trong năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống, và trong ngày thứ ba của cuộc xâm lược, diễn-viên-hóa-chính-trị-gia này đã nhanh chóng trở thành một anh hùng. "Zelensky đang chiến đấu như một con sư tử, và cả đất nước Ukraine đang chiến đấu cùng ông" – Sevgil Musaeva, một nhà báo người Ukraine, biên tập viên của tờ Ukrainska Pravda, trang tin tức trực tuyến chính của đất nước, nói.

Tuy nhiên, chỉ vài tuần trước đó, nhiều người Ukraine và người nước ngoài đã đối xử với Zelensky bằng sự trịch thượng và thương hại. Với áp lực ngày càng gia tăng từ phía Nga, và việc Putin đe dọa chiến tranh với Ukraine, ông dường như đã bị buộc phải ra khỏi vùng an toàn của mình. Mức độ ủng hộ đối với Zelensky ngày càng giảm, giới đầu tư và tài phiệt thi nhau chạy trốn khỏi Ukraine, trong khi các nhà lãnh đạo nước ngoài liên tục hối thúc tổng thống thỏa hiệp với Điện Kremlin, chấp nhận Thỏa thuận Minsk nhục nhã mà người tiền nhiệm của ông đã ký dưới nòng súng vào năm 2015. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu một cựu diễn viên hài có phải người phù hợp cho vai trò lãnh đạo một đất nước sắp bị xâm lược ?

Tuy nhiên, giữa lúc chiến trận, Zelensky đã được cứu nhờ tài năng diễn viên của mình. Khả năng đối đáp với khán giả chính là điều đã giúp ông thể hiện vai trò của một nhà lãnh đạo quốc gia thực sự trong thời kỳ chiến tranh. Ông phản ánh được nỗi sợ hãi, mong muốn, và ước mơ của mọi người. Ukraine đã xích lại gần nhau sau cuộc xâm lược. Ông được truyền cảm hứng từ tinh thần của người dân nhiều như những gì ông truyền cảm hứng cho họ.

Tương tự, lý do khiến Zelensky không thể tuân theo yêu cầu của Nga về Thỏa thuận Minsk không phải vì ông là một lãnh đạo thép. Mà là bởi vì ông đủ linh hoạt và sắc sảo để biết rằng đất nước sẽ gạt ông sang một bên nếu ông dám làm vậy.

Zelensky là một đại diện của Ukraine, không phải là thần thoại được lý tưởng hóa, mà là thực tế. Giống như đất nước ông đang dẫn dắt, ông chẳng phải người hoàn hảo và ông thường xuyên bực bội. Trong vài thập kỷ qua, Ukraine đã dần khám phá ra thế nào là một nền dân chủ. Không giống như Nga, ở nơi đây, mọi người bầu chọn tổng thống của họ, và thẳng tay loại bỏ nếu người đó thất bại.

Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống năm 2019, Zelensky đã thừa nhận thực tế này, và tấm gương mà Ukraine đưa ra : "Tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ : hãy nhìn vào chúng tôi, mọi thứ đều có thể xảy ra". Có lẽ chính câu nói đó đã khiến ông trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của Putin.

Theo cùng một cách, trong cuộc khủng hoảng hôm nay, ông đã kêu gọi nhân dân Nga, những người phản đối cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nhân danh họ : "Hãy ngăn chặn những kẻ lừa dối các bạn, lừa dối chúng tôi, lừa dối cả thế giới".

Phản ứng của ông trước bài phát biểu dài cả tiếng đồng hồ của Putin vào ngày 21/02 – vốn đã trở thành lời tuyên chiến – rất ngắn gọn và mạnh mẽ : "Chúng tôi không có thời gian cho những bài giảng lịch sử dài dòng, tôi sẽ không nói về quá khứ. Để tôi nói cho ông nghe về hiện tại và tương lai. Đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine sẽ được giữ nguyên trạng. Chúng tôi sẽ giữ bình tĩnh và tự tin". Sự ủng hộ mạnh mẽ từ thế giới, người dân, cũng như các chính trị gia, và sự ghê tởm của họ đối với cuộc chiến của Nga, đang khiến tinh thần mọi người phấn chấn.

Đứng bên ngoài dinh thự tổng thống vào buổi sáng rực rỡ đó, với bầu trời xanh sau lưng, Zelensky một lần nữa lại quả quyết : "Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật, và sự thật của chúng tôi đó là : đây là đất của chúng tôi, nước của chúng tôi, con cái của chúng tôi, và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này". Nếu vận may ủng hộ Zelensky, đó là bởi vì ông sở hữu đức tính mà Putin không có : ông nói sự thật cho người dân của mình.

The Economist

Nguyên tác : How Volodymyr Zelensky found his roarThe Economist, 26/02/2022.

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/03/2022

Published in Diễn đàn

Tổng thống Volodymyr Zelensky và bài học cho những nhà dân chủ quốc nội

Theo dõi và ủng hộ phong trào dân chủ quốc nội, tôi cũng từng đọc một số bài viết của một số người được xem là "những nhà dân chủ" tại quốc nội trước kia. Và có phần mến mộ vì thái độ can đảm, cũng như vì thỉnh thoảng họ cũng có được dăm bài viết hay ý tưởng thú vị về các vấn đề dân chủ, nhân quyền.

ukraine1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp mặt tại New York, ngày 25/9/2019 - Ảnh minh họa

Nhưng tôi không vào các trang facebook cá nhân của họ bởi ở đó, chúng đời thường quá. Điều nói ở đây là, đôi năm qua, kể từ khi chính trường Hoa Kỳ trở nên xáo trộn và chia rẽ trầm trọng, họ cũng "chia phe", binh chống kịch liệt tổng thống Donald Trump. Nó cho tôi và những người khác phần nào hiểu thêm về khả năng cùng kiến thức, nhận thức của họ về vấn đề dân chủ trong bối cảnh toàn cầu ra sao, khác hơn những bài viết phản kháng nhà cầm quyền trước kia. Nếu không nói thêm là, thấy được tâm thức cùng bản lĩnh của họ ra sao.

Tôi tôn trọng quyền phát biểu cá nhân và nhận thức chính trị. Chỉ thú thật, tôi không đồng ý với hành xử, ngôn từ họ sử dụng như số đông ngoài kia, tự đánh mất nhân cách của mình khi trở thành những người ủng hộ Trump một cách quá khích, mất đi lý lẽ và phải trái. Tôi mong được đọc các lý luận mang tính học thuật, phân tích phản biện có chứng cứ, luận cứ trong việc ủng hộ Trump cùng chính sách của ông ta ra sao, hơn là đôi dòng viết tung hô Trump một cách dễ dãi, cảm tính. Thậm chí đăng tải, phát tán cả những bản tin giả mạo, như tôi đã phân tích về Lê Công Định trong một bài viết vài ngày trước.

Hôm nay thì tình cờ đọc đôi dòng của Huỳnh Thục Vy nhờ một phản biện của một Facebooker gởi đến cô. Vào xem, quả thật cũng một chuyện đáng tiếc khác. Cô viết rằng, "sự dốt nát của một tổng thống cánh tả"- tức đang nói đến Tổng thống Kennedy, cùng sự chỉ trích đảng Dân Chủ và "truyền thông cánh tả" trong cuộc chiến Việt Nam. Huỳnh Thục Vy kết thúc mẩu viết này bằng câu, "còn nhiều thứ trong đầu muốn viết… nhưng phải dọn phân ị cho con nên thôi" (!?).

Tôi sẽ không phân tích về sự mâu thuẫn trong nhận xét cùng một thái độ ngông cuồng đến thất lễ, kém văn hóa trong mẩu viết đơn giản và hồ đồ đó. Vì tổng thống Kennedy được xem là một trong những tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, cũng như cuộc chiến Việt Nam qua năm đời tổng thống Mỹ là một vấn đề lớn của nước Mỹ. Giới sử gia cùng những nhà học thuật vẫn đang bỏ công nghiên cứu, xem xét ở nhiều góc cạnh khác nhau cho đến nay.

Ở đây, tôi nói về một tình trạng phổ biến của người dân trong nước ra đến hải ngoại đang ủng hộ Donald Trump mà Huỳnh Thục Vy là một ví dụ : họ mắng chửi thậm tệ các ứng viên và đảng Dân Chủ cùng các tổng thống tiền nhiệm một cách lỗ mãng. Điều này nguy hiểm và sai lầm thế nào ?

Hãy lấy câu chuyện của Ukraine và thái độ, bản lĩnh của Tổng thống Volodymyr Zelensky, 42 tuổi của quốc gia này làm bài học cho cộng đồng người Việt. Vì ở mặt nào đó, nó có những tương đồng trong mối quan hệ ngoại giao đầy xung đột và cân nhắc. Với Ukraine là Nga và Hoa Kỳ, còn với Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dù Ukraine rõ ràng hơn Việt Nam vì nó đang là đồng minh của Hoa Kỳ, không phải một thái độ đu dây như Việt Nam, muốn vuốt ve, thủ lợi hay là con bài trong tay cả hai thế lực.

Sự thử thách về bản lĩnh chính trị đầu tiên trong vai trò tổng thống Ukaine của Tổng thống Volodymyr Zelensky, người được đích thân Tổng thống Trump gọi điện chúc mừng ngay khi đắc cử, đã xảy ra chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức vào tháng Năm 2019. Đến tháng Chín, Zelensky bị Trump làm áp lực, hoặc điều tra cha con Joe Biden hay bị cúp viện trợ, vô tình trở thành tâm điểm can dự đến việc điều tra và cuộc xét xử truất phế Tổng thống Trump tại Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.

Là một tổng thống non trẻ và cần sự ủng hộ vào một đồng minh lớn như Hoa Kỳ, lẽ ra Zelensky đã dễ dàng nghe theo Donald Trump. Nhưng ông vẫn không bị áp lực từ Trump hay ngoại trưởng Mike Pompeo khi tuyên bố không muốn can dự vào việc bầu cử tổng thống của nước ngoài. Bởi Zelensky hiểu rằng, Ukraine cần sự ủng hộ lâu dài từ Hoa Kỳ, từ giới lập pháp bao gồm cả lưỡng đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, chứ không phải từ một tổng thống Mỹ chỉ mang tính giai đoạn. Liệu điều gì xảy ra nếu Zelensky trở thành một loại bù nhìn trong tay Trump, đặt cược vận mệnh và quan hệ ngoại giao của quốc gia mình vào mỗi ông ta, một khi tổng thống Dân Chủ lên nắm quyền hay Quốc hội Hoa Kỳ thuộc về tay đảng Dân Chủ trong tương lai ?

Kỷ niệm một năm nắm quyền hồi tháng trước, các thăm dò cho thấy Volodymyr Zelensky được 68% người dân Ukraine ủng hộ, một phần vì thái độ và bản lĩnh chính trị khôn ngoan của ông. Trả lời phỏng vấn trên báo Time hồi cuối năm trước, Zelensky bảo rằng, dù rất cần sự viện trợ, ông không muốn Ukraine trở thành quân cờ dễ dàng bị tung hứng trên bàn cờ chính trị của các tay cờ thế giới.

Ông bảo rằng, "Tôi chẳng tin ai cả. Tôi nói một cách trung thực với các bạn. Chính trị không phải là môn khoa học chính xác. Đó là lý do tôi yêu toán học hồi còn đi học. Mọi thứ trong toán học đều rõ ràng với tôi. Bạn có thể giải một phương trình một biến số với một biến số. Nhưng ở đây, chính trị có nhiều biến số, bao gồm cả các chính khách ở nước tôi. Tôi không biết họ và không thể hiểu được họ có đồng thuyền hay không. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ không thể đặt bất cứ sự tin tưởng vào ai. Ai cũng chỉ có quyền lợi của họ".

Trump là tổng thống Mỹ nhưng không đại diện cho chính sách Hoa Kỳ mãi mãi, nếu không nói là đang bị chống đối mạnh mẽ tại Mỹ và bị cộng đồng thế giới xem thường như hiện nay. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của đa số người Việt đặt vào Trump, dẫn đến sự chỉ trích, mạ lị nặng nề các ứng viên và đảng Dân Chủ, đã cho thấy một thái độ chưa trưởng thành, gây nguy hại cho chính mình. Bởi với những người gốc Việt tại Hoa Kỳ, luôn có các vị dân cử, cấp chính quyền địa phương thuộc đảng Dân Chủ, là những người đưa ra các quyết định can dự trực tiếp đến đời sống của họ. Còn với dăm nhà dân chủ quốc nội ủng hộ Trump, hãy tiếp tục học hỏi và cẩn trọng hơn trong thái độ cùng lời nói của mình để có thể có những ảnh hưởng tích cực hơn với đại chúng, giả sử là nếu có.

Chính trị là những bàn cờ cần nhiều sự thận trọng. Nó không thể đặt cược vào một cá nhân hay chính sách mang tính giai đoạn, mà đòi hỏi sự cân bằng, khôn ngoan và bản lĩnh. Bài học từ tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine xứng đáng cho những người dự phần cuộc tranh luận suy nghĩ.

Nhã Duy

09/06/2020

Published in Diễn đàn