Trận Điện Biên Phủ kết thúc vào hôm 7 tháng 5 năm 1954. Bẩy mươi năm đã qua nhưng dư âm chiến thắng, nghe chừng, vẫn còn âm vang khắp chốn. Tại một góc phố, ở Hà Nội, có bảng tên đường Điện Biên Phủ – cùng với đôi dòng chú thích đính kèm – ghi rõ nét tự hào và hãnh diện : "Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm".
Niềm tự hào và hãnh diện này, tiếc thay, đã không nhận được sự đồng tình chia sẻ bởi tất cả mọi người. Nhà văn Nguyễn Khải là một trong những người như thế : "Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như một kẻ bại trận".
Ông nhà văn nói đúng nhưng (tưởng) cũng nên nói thêm là những kẻ bại trận sau Thế Chiến Thứ II, ở khắp mọi nơi – chắc chắn – không đâu và không ai phải trải qua một cuộc sống thảm hại, khốn cùng như người dân ở Điện Biên hiện tại :
- Hà Nội Mới : "Lội sông đến trường, 7 học sinh ở Lai Châu bị nước cuốn trôi".
- Tuổi Trẻ : "Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (Điện Biên) phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối".
- Soha News : "Ngày hôm nay (3/4) trên mạng xã hội đã xuất hiện một bức ảnh rất cảm động về một em bé được cho là ở Điện Biên. Bức ảnh đã lột tả rất chân thực về nỗi kham khổ của trẻ em nghèo. Tuy tuổi đời còn rất nhỏ (khoảng 3,4 tuổi – PV) nhưng đứa bé đã sớm phải xuống ruộng để mò cua bắt ốc…"
Tuổi thơ là một thành quả đặc thù thế kỷ XX. Trước đó, nhân loại phải dồn hết nỗ lực vào việc mưu sinh nên trẻ con chỉ là một người lớn thu nhỏ (miniature adult) với trách nhiệm đè nặng lên vai gần như bố mẹ. Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 nhưng một số người dân ở Điện Biên thì dường như đang đi thụt lùi. Một số khác, tuy đang bước tới nhưng lại nắm bắt những "phó sản văn minh" của thời đại mới – theo Điện Biên TV :
"Trong những năm qua, Điện Biên luôn được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy ở cả 3 khía cạnh : mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy… Lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 962 vụ với 1.158 đối tượng. Tang vật thu giữ 79,625kg thuốc phiện, 13.379 viên + 71,5g ma túy tổng hợp, 77,98g cần sa, 8,9kg quả thuốc phiện, hơn 9 tỉ đồng, 141.500 USD, 04 xe ô tô, 417 xe máy, 729 điện thoại cùng nhiều tang vật khác".
Báo Điện Biên Phủ còn trích dẫn lời của quan chức bầy tỏ sự âu lo về sợ nghèo đói ở địa phương này vì tính lười biếng của người dân :
"Bên cạnh những giải pháp cốt lõi mang tính xuyên suốt, lâu dài để thực hiện hiệu quả các chính sách giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên còn đặc biệt quan tâm đến việc tìm ‘thuốc’ cho ‘bệnh lười’ đang tồn tại trong không ít người dân".
Không chỉ lười mà dân chúng nơi đây còn "ẩu" nữa nha. Trong khi qúi vị lãnh đạo đang tìm "những giải pháp cốt lõi mang tính xuyên suốt, lâu dài để thực hiện hiệu quả các chính sách giúp người dân xóa đói giảm nghèo" (nên chưa kịp làm cầu) thì họ đã liều lĩnh chui vào bao ni lông hay bơi qua sông để đến trường nên mới bị nước cuốn trôi oan mạng !
Tên tuổi một danh nhân rất tăm tiếng (và tai tiếng) được găn liền với địa danh Điện Biên là tướng Võ Nguyên Giáp, người từ trần vào hôm 4/10/2013. Trong một cuộc phỏng vẫn dành cho báo Tin Nhanh Việt Nam, khi được hỏi về việc "về việc chọn con đường mang tên Đại tướng," nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết :
"Có người đặt vấn đề, đổi tên những con đường đã có tên thành tên Đại tướng. Điều này nên hết sức tránh, nhất là việc những tên phố cũ cũng rất ý nghĩa, đáng lưu danh. Còn nếu là đường mới thì cũng phải xứng tầm với Đại tướng. Đây cũng là bài toán không dễ vì trên thực tế chúng ta chưa chuẩn bị gì cả".
Nói nào ngay thì dù có "chuẩn bị" chăng nữa cũng rất khó mà chọn một con đường để "xứng tầm với Đại tướng" vì mọi nẻo đường ở Việt Nam, hôm nay, đều nhan nhản tội ác cùng với tệ đoan xã hội và sự bất an :
- Tiền Phong : "Xôn Xao Chợ Mãi Dâm đường Điện Biên Phủ"
- An Ninh Hải Phòng :"Cướp Giật Có Súng trên phố Điện Biên Phủ"
- An Ninh Thủ Đô : "Quét Gái Mãi Dâm Trên Đường Nguyễn Chí Thanh"
- Người Đưa Tin : "Đột Nhập Động Mãi Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng"
- An Ninh Thủ Đô : "Bắt Kẻ Giao Hàng Trắng Dọc Đường Trường Chinh"
- VietNamNet :"Trộm Vàng Táo Tợn Trên Đường Xuân Thuỷ"
- An Ninh Thủ Đô :"Phóng Viên Truy Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm Hùng"
- Người Lao Động : "Xe Buýt Lại Tông Người Trên Đường Lê Duẩn"
- Lao Động : "Xuất Hiện Hố Tử Thần Trên Đường Trần Quốc Hoàn"
- Dân Trí : "Dàn Cảnh Cướp Xe Trên Đường Hồ Chí Minh"
Đọc mà ớn chè đậu. Biết còn chỗ nào "xứng tầm" với ông Đại Tướng Điện Biên đây, hả Trời ? Thôi thì đành chọn đường Điện Biên Phủ, thuộc phường Đa Kao, Sài Gòn – nơi cắt băng khánh thành khai mạc quán ăn McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Nó không những đắc địa mà còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử lớn nữa.
Tập đoàn hàng ăn McDonald’s giữa thành phố H.C.M quang vinh, nằm trên một con đường mang tên V.N.G, sẽ nhắc nhở mọi người không bao giờ quên được máu xương của hàng triệu binh sĩ (dưới quyền) mà Đại Tướng đã "hy sinh" cho công cuộc cuộc chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa qua.
Theo Báo Mới ghi nhận (và in đậm) như sau :
"Giá một chiếc burger cỡ lớn làm nên thương hiệu của McDonald’s có tên là Big Mac sẽ có giá 85.000 đồng. Mức giá này tương đương với gần 4 USD, thấp hơn so với tại Mỹ tuy nhiên lại cao hơn so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines hay Malaysia".
Em bé Điện Biên, hôm nay, chắc phải mò cua bắt ốc nguyên tháng mới đủ tiền để mua một cái Bic Mac của McDonald’s. Thảo nào mà giữa kèn trống trong "quốc tang" dành cho Đại Tướng, vẫn xen lẫn những tiếng đời dị nghị : "Năm triệu người thiệt mạng để Ông khai sinh ra một chính quyền. Nhưng chính quyền của Ông lại tồi tệ hơn những chính quyền mà Ông đã khai tử".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/10/2024
Trần Quốc Việt, 24/04/2022
Hai mươi lăm năm sau khi chiến tranh chấm dứt, tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng "giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi" là thời khắc Sài Gòn sụp đổ. Ông nói "với chiến thắng 30 tháng Tư, những người nô lệ đã trở thành những người tự do".
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (thị trấn Anh Sơn) là nơi yên nghỉ của hơn 11.000 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào. Ảnh : Huy Thư
"Tự do" trên đỉnh của những núi xương vô định trải dài tên khắp nước : 3 triệu bộ đội cộng sản và dân thường, 250 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa và 58 ngàn lính Mỹ.
Cái giá cho chiến thắng vào ngày 30 tháng Tư của tướng Giáp -đại diện của một trong những guồng máy chiến tranh tàn bạo nhất trong thế kỷ hai mươi- là sự lập lại cái giá của chiến thắng Điện Biên Phủ là "cực kỳ cao. Quân đội của ông đã chịu thương vong rất lớn gấp nhiều lần thương vong của người Pháp" như nhận xét của một tờ báo Anh.
Cái giá cho chiến thắng cuối cùng ấy là sự lập lại cái giá của Mậu Thân khi ngày là gươm đao đêm là địa ngục đối với những người dân Huế, khi tiến vào Huế những đạo quân cộng sản của ông đã bỏ lại trong rừng hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo đức của loài người. Ông và những người lãnh đạo cộng sản mơ rằng nhân dân Miền Nam sẽ tổng nổi dậy để đập tan "bè lũ Mỹ Ngụy". Trả giá cho giấc mơ không thành ấy là trong 195 ngàn bộ đội của ông, 85 ngàn người bị giết chết hay tàn phế suốt đời.
Không phải một mình ông không bao giờ ân hận cho những tổn thất sinh mạng ghê gớm ấy. Ông Nguyễn Văn Linh nói "tổn thất ấy là cần thiết cho chiến thắng sau này" trong dịp gặp gỡ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Hay như Lê Đức Thọ thường nói với Kissinger trong các cuộc mật đàm Paris rằng họ sẽ tiếp tục đánh Mỹ cho đến nhiều đời con đời cháu sau này.
Nhận xét về tướng Giáp, tướng Marcel Bigeard từng là đại tá nhảy dù Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ nói "đối với Giáp, mạng người chẳng có nghĩa gì". Sinh mạng con người đối với ông và những người cộng sản khác như Hồ Chí Minh chỉ là những dăm bào, vỏ trấu, những chiếc lá chưa kịp vàng được bốc lên để ném không ngừng vào lò lửa chiến tranh cháy hừng hực ở Việt Nam trong hậu bán thế kỷ hai mươi.
Tướng Marcel Bigeard từng là đại tá nhảy dù Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ nói "đối với Giáp, mạng người chẳng có nghĩa gì".
Cho nên ta hiểu tại sao tướng Giáp không màng đến cái giá phải trả để chiến thắng và không bao giờ ân hận. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nói "Mỗi phút, trên trái đất này hàng trăm ngàn người chết. Cuộc sống hay cái chết của một trăm, một ngàn, một vạn người, cho dù của đồng bào tôi chăng nữa, chẳng có nghĩa gì nhiều".
Vâng, ông nói thật lòng, tất cả những nạn nhân của ông -những người lính và người dân hai miền- là những chiếc lá xanh bị cơn cuồng phong cộng sản thổi vào lò lửa chiến tranh, hay được dùng làm phân bón để dựng lên chế độ độc tài tàn ác này.
Là người cộng sản trung kiên, lúc sinh thời tướng Giáp thích đọc Mác và Lênin. Chắc ông thích thú khi đọc được lời sau của Lênin "Chẳng quan trọng nếu ba phần tư nhân loại tiêu vong, điều quan trọng là một phần tư còn lại là cộng sản".
Câu này có lẽ nên được khắc lên trên bia mộ ông.
Trần Quốc Việt
Tài liệu tham khảo :
1. Joseph R. Gregory, Gen. Vo Nguyen Giap, Who Ousted U.S. from Vietnam, is Dead, The New York Times, October 4, 2013.
2. Bart Barnes, Vo Nguyen Giap, renowned Vietnamese general, dies in Hanoi, The Washington Post, October 4, 2013.
3. Robert Templer, General Vo Nguyen Giap obituary, The Guardian, October 4, 2013.
4. Associated Press, Vietnam military mastermind Gen. Vo Nguyeen Giap, who defeated French and Americans, dies, 102, October 4, 2013.
5. Clayton Jones, Viet Cong leader recalls blitz that changed the war – Tet Offensive - 20 years later, The Christian Science Monitor, January 29, 1988.
6. Douglas Pike, The Tet Offensive and the Escalation of Vietnam War ; 1965-1968 : view from Hanoi, the University of North Carolina, Chapel Hill, North Carolina, February 21, 1978.
7. Larry Berman, No Peace, No Honor, Free Press 2001
************************
Cuối cùng sự thật chiến thắng
Oriana Fallaci, Trần Quốc Việt dịch
Hà Nội, tháng Hai, 1969
Thế giới lần đầu tiên nghe đến Giáp vào năm 1954 khi ông đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ, rồi lần nữa tại Hà Nội, nơi ông đồng thời giữ các chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Trong hệ thống tổ chức như giáo hội của thế giới cộng sản, Giáp thuộc hàng tổng giám mục, là người không ai được chạm đến và cũng không thể nào chạm đến.
Gặp được ông là đặc quyền hiếm có, và được nghe ông phát biểu lại càng hiếm hoi hơn. Trong những năm qua chỉ có ba hay bốn nhà báo được gặp ông, nhưng chẳng ai trong họ nghe ông nói điều gì quan trọng. Lý do là nếu ông có điều gì để nói thì ông viết ra. Sách ông "Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân" đang bán ngay tại Hoa Kỳ. Nhưng chủ yếu họ biết rất ít từ ông vì ông khôn khéo, vì ông là bậc thầy về cách trả lời lơ lửng. Chiếc bẫy duy nhất ông có thể mắc vào trong chốc lát là sự ngây thơ, đức tính mà ông chưa quen lắm.
Tôi tin chính vì vẻ ngây thơ của vài câu hỏi trong những câu hỏi tôi đặt ra cho ông cho nên ông mới tiết lộ bí mật tuy dù rất ít. Nhưng rồi ông rút lại tất cả những gì ông đã nói và trao cho tôi bản đánh máy hoàn toàn không có những lời ông đã nói. Bản đánh máy là bản sao giấy than trên ba tờ giấy mỏng. Khi Võ Thị Thế, hướng dẫn viên cho tôi, trao nó cho tôi ngay trước khi tôi rời Bắc Việt, chị giơ ngón tay lên báo cho biết trước : Đây là văn bản chính thức, được Giáp công nhận, và là văn bản duy nhất tôi có toàn quyền công bố.
Cho nên tôi nay công bố văn bản ấy, một bằng chứng đáng buồn về sự cắt xén chính thức sự thật, và cả bóp méo. Nhưng, dù tướng Giáp thích hay không thích thì tôi nay cũng công bố câu chuyện thật, cho dù như thế khiến tôi dường như thành kẻ vô ơn trước vinh hạnh được trò chuyện 45 phút. Vì đối với tôi sự thật là điều tôi nghe bằng chính tai mình và thấy bằng chính mắt mình.
Đây là nhật ký ghi lại việc tôi gặp Giáp.
Người Nga mù tịt
Sáng thứ Bảy, hôm nay lúc 3 giờ tôi sẽ gặp ông. Sắp xếp được cuộc gặp này là cả kỳ công. Ông khó gặp như Hồ Chí Minh ; từ năm 1967 đến nay ông không xuất hiện trước công chúng. Cho nên chẳng lạ gì người ta nói ông đã chết. Milan, phóng viên Tiệp Khắc, nói : "Tôi hầu như tin chắc như thế".
Boris Sumeep và Boris Chiumev, những người Nga ở thông tấn xã Novosti, nói giọng bất mãn. "Cả năm trời chúng tôi chờ đợi ở đấy mà chẳng thấy ông ta. Rõ ràng chúng tôi không quan trọng". Hóa ra, tôi đã thật sự làm được một chuyện phi thường, mặc dù tôi sẽ không gặp ông một mình, mà cùng với ba phụ nữ trong đoàn đại biểu cộng sản đến từ Ý. Carmen, Giulia và Marisa thảy đều náo nức. Đối với họ toàn những người Mác-xít thì gặp được ông giống như được yết kiến Đức Giáo Hoàng. Riêng tôi, thật sự tôi thấy hồi hộp. Tôi sắp sửa đưa tay ra chạm vào bóng ma, bóng ma khiến tôi lạnh cả xương sống vì rùng mình sợ hãi : sợ Việt cộng và Bắc Việt pháo kích ; rùng mình trước cảnh những người lính miền Bắc chết -những người chết của ông- trong những chiến hào Đắc Tô, những người Mỹ chết trên phi đạo Khe Sanh, những người chết ở cả hai bên trong cuộc tấn công Tết mà mọi người nói : "Giáp đứng sau vụ tấn công này".
Tôi không biết tôi sẽ nghĩ gì khi tôi thực sự thấy ông, khi tôi bắt tay ông ; ông thực sự là người như thế nào. Ngày hôm qua, tôi dành cả ngày đọc mọi thứ ông viết và người ta viết về ông ; quả là cuộc đời phi thường.
Ông sinh ở An Xá tỉnh Quảng Bình vào ngày 1 tháng Chín, 1910, con điền chủ nghèo. Năm 14 tuổi ông đã là người cộng sản khích động quần chúng ; năm 18 tuổi ở tù, nơi ông gặp người vợ tương lai, Minh Thái. Chánh sở mật thám bắt đầu thích ông đến độ sắp sếp cho ông vào học trường Quốc Học ở Huế và rồi vào Đại học Hà Nội, nơi đây ông học triết và học lấy bằng luật, đồng thời dạy sử ở trường trung học và qua đó truyền mối ám ảnh của ông về Napoleon đến học sinh.
Ông vẽ trên bảng đen những phác họa chi tiết về những trận đánh của Napoleon và bắt chước cách nói của Napoleon, nói những câu ngắn, và đầu cúi xuống còn ngón tay cái đút vào áo vét. Ngày nọ một thầy giáo hỏi ông : "Anh đang đóng vai Napoleon đấy à ?". Ông đáp lại : "Tôi sẽ là Napoleon". Một con người dửng dưng, mặt không biểu lộ cảm xúc, có thể tức giận giữa những lúc im lặng lạnh lùng.
Tình cảm lãng mạn
Họ gọi ông là "núi lửa phủ tuyết". Sau đấy ông trở thành Ma Quỷ, rồi cuối cùng là Giáp. Ông trở thành Giáp vào năm 1935, lúc ông kết hôn với Minh Thái và gia nhập Đảng cộng sản. Đảng là sự tận tụy suốt đời, nhưng ông chỉ ở với Minh Thái cho tới năm 1939, khi Đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và ông trốn sang Trung Quốc.
Minh Thái chấp nhận bị bắt để che giấu cho ông trốn thoát, và vào năm 1941 bà chết trong nhà tù vốn bị chuột hoành hành. Đây là điều lãng mạn nhất tôi thấy trong tiểu sử của Giáp. Hình như ông quả thật yêu bà, và cũng hình như từ khi bà chết ông trở nên căm thù và độc ác tàn bạo. Những ai biết ông rõ nhất nói ông trở thành Giáp của ngày hôm nay không phải vì tình cảm dân tộc hay niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ vì để trả thù cho Minh Thái.
Vào năm 1940, ông gia nhập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, về sau gọi là Việt Minh. Khi ông ở trong các hang động ở Diên An, chặng cuối cùng của cuộc trường chinh của Mao, thì người đứng đầu Việt Minh, Hồ Chí Minh, ra lệnh ông tập trung vào các vấn đề quân sự. Lúc này, ông gạt Napoleon qua một bên để học Bành Đức Hoài, mà mới cách đây không lâu còn là Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Kinh, song hiện giờ bị thất sủng.
Cùng với Bành, ông soạn thảo ra cẩm nang kháng chiến và nghiên cứu các tác phẩm của Tôn Tử, nhà binh pháp và quân sử Trung Hoa sống trước Giê-Su 2.500 năm. Ông nói ông không nợ gì Mao như Mao và Bành Đức Hoài không nợ gì Tôn Tử. Ông chưa từng bao giờ là người rất hâm mộ Trung Quốc nên ông không ở lại đấy lâu hơn thời gian cần thiết.
Vào năm 1941 ông trở về nước, cùng với Phạm Văn Đồng, để tổ chức lực lượng du kích Việt Minh, và sống trong hang Pác Bó với Hồ Chí Minh :
"Hang đầy dây leo, rắn và nhện hay cắn. Chúng tôi thường dậy sớm ; Bác Hồ đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi tập thể dục một chút, rồi bắt đầu làm việc. Chúng tôi ăn rất ít, chủ yếu cơm với muối. Chúng tôi thường bị sốt rét rừng".
Ông có trái lựu đạn cầm tay giắt ở thắt lưng, trái lựu đạn bị lép nhưng ông vẫn giữ nó lại "vì không nên vất bỏ công cụ thuyết phục".
Ta thấy ông khóc trong một đoạn trong sách của ông. Ông ở núi Lam Sơn khi đồng chí Cáp đưa tin đến là Bác Hồ đã chết.
"Mọi thứ quay cuồng quanh tôi. Tôi bỏ đồ dùng của Bác vào giỏ mây mà Bác dùng như chiếc va-li rồi yêu cầu Phạm Văn Đồng đọc điếu văn. Trời rất lạnh, và muôn vàn vì sao soi sáng bầu trời bao la. Lòng tôi buồn vô hạn ; tôi cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn. Mắt tôi rưng rưng khi tôi ngước nhìn các vì sao".
Phút sau, ta thấy Giáp cười. "Chúng tôi biết được Bác Hồ không chết lúc chúng tôi nhận được tờ báo từ Trung Hoa với nét chữ Bác ở bên lề trang báo : Gửi lời chào đến tất cả mọi người, và hãy giữ vững tinh thần cho công tác. Ở đây mọi sự đều tốt".
"Cáp chịu trách nhiệm về việc hiểu sai ngữ nghĩa. Khi anh hỏi nhà chức trách Trung Hoa tin tức về Bác, họ nói : "Su lo, su lo". Nhấn mạnh vào chữ đầu tiên nghĩa là 'chết rồi', ngược lại nhấn mạnh vào chữ thứ hai nghĩa là 'khỏe mạnh'. Tôi là người đầu tiên bật cười".
Dùng người Nhật
Đương lúc Châu Âu diễn ra Đệ Nhị Thế Chiến thì người Nhật xâm lăng Việt Nam. Giáp với quân Việt Minh của ông đánh Nhật trong bốn năm, nhưng ông để dành những sĩ quan giỏi về chiến trận trong rừng, tin rằng họ sẽ hữu dụng sau này.
Khi Nhật đầu hàng vào tháng Tám năm 1945, ông nhanh chóng vào Hà Nội để giao thành phố cho Hồ. Người Pháp chậm trở lại do chấn động của cuộc chiến tranh họ đã thua ngay trên quê hương mình. Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phong Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều đầu tiên Giáp thực hiện là tàn sát những người Việt quốc gia không phải là đảng viên Đảng cộng sản. Rồi ông đưa những hàng binh Nhật ra làm huấn luyện viên quân sự trong lúc ông lo đối phó với người Pháp đã quay trở lại và tuyên bố nước cộng hòa của Hồ Chí Minh là vô giá trị. Trong tám năm sau đấy, người Pháp không có kẻ thù nào tàn bạo hơn ông.
Từ năm 1945 đến 1954, ông đã thử kỹ tất cả những cạm bẫy mà hiện nay ông vẫn đang sử dụng. Những đàn ong vò vẽ độc, gai tẩm độc dưới chân, rắn trong những cái lỗ phủ đầy lá ; mìn nhét trong xác chết để bên đường để chờ mang đi. Là bậc thầy phá hoại và khủng bố, Giáp tuyên bố thẳng thừng, "Chiến tranh du kích nhất định luôn luôn thắng chiến tranh hiện đại", mặc dù ông đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ bằng hàng trăm đại bác 105 ly do người Trung Quốc đã mua từ người Mỹ và rồi viện trợ lại cho ông.
Đại bác được mang từng bộ phận một trên xe đạp hay trên vai trong những cuộc trường chinh bắt buộc của những người lính Việt Minh thiếu ăn được ông nuôi bằng nửa cân gạo một ngày cùng với những bài thơ dữ dội :
"Đánh địch rồi chạy
Dụ chúng vào nơi mai phục để giết
Giết đế quốc bằng bất cứ phương tiện nào có sẳn
Bất chấp bao hiểm nguy".
Hay câu nói tàn bạo của ông : "Trên thế giới mỗi phút có hàng trăm ngàn người chết. Sống và chết không quan trọng". Nếu ở Điện Biên Phủ 12.000 người Pháp chết thì người Việt chết gấp đôi. Nhưng chết đối với ông không quan trọng. Ông không có mặt ở ngoài mặt trận.
Ông sống trong biệt thự kiểu thuộc địa do Pháp xây cùng với đồ đạc Pháp trong nhà. Ông có thể ghét người Pháp, nhưng ông nói tiếng họ và nợ họ văn hóa căn bản của ông.
Ông lập gia đình lại cách đây nhiều năm với một cô gái trẻ hơn ông rất nhiều và có bốn hay năm người con với ông. Ông có ô tô do người Nga tặng, và tủ áo quần đầy các bộ quân phục, mà ông trân trọng giống như một sĩ quan Phổ vào trước năm 1914. Ở tuổi 58 hay lớn hơn, ông đã bắt đầu có vẻ hơi tư sản, hoàn toàn trái ngược với vẻ khổ hạnh của Hồ Chí Minh hay bầu không khí cuồng tín bao phủ trên miền Bắc Việt Nam.
Thực ra, ở Hà Nội người ta hoàn toàn không thích ông. Võ Thị Thế, người thường nói năng cẩn thận, đã sơ ý thốt lên : "Suốt đời tôi cũng không hiểu tại sao mấy người Tây lại muốn biết về Giáp. Chúng tôi thiếu gì các tướng trẻ tài giỏi. Ông ấy không phải là người duy nhất chỉ huy trong chiến tranh".
Có lẽ không, nhưng tôi quan tâm đến ông ; tôi muốn biết ông nghĩ gì về người Mỹ, về Việt Cộng. Tình hình của Việt Cộng đã trở nên phức tạp gấp đôi kể từ khi Giáp lần đầu tiên đưa quân Bắc Việt đến giúp họ vào năm 1965. Ngay cả niềm tin cộng sản chung vẫn không thể nào hoàn toàn xóa sạch mối nghi ngờ đã có từ lâu giữa người Bắc và người Nam cộng sản.
Khi các sư đoàn của Giáp vào Nam, họ nắm quyền lãnh đạo và lên kế hoạch tất cả các cuộc tấn công chính, để Việt Cộng thực hiện công tác phá hoại hay do thám. Đắc Tô là cuộc tấn công của Bắc Việt, chứ không phải của Việt Cộng, cũng như ở Khe Sanh, Huế và Đà Nẵng.
Năm ngoái khi tôi ở Đà Nẵng, trong thời gian diễn ra những trận đánh mà con rể của Tổng thống Johnson tham chiến, một sĩ quan Mỹ bảo tôi : "Vào những ngày này, khi chúng tôi đếm xác, chỉ thấy toàn những lính chính quy Bắc Việt trong những bộ quân phục mới còn thẳng nếp ủi. Việt Cộng đã bị gạt qua một bên, như thể Hà Nội không tin tưởng chúng".
Tất nhiên, đây là điều Giáp không bao giờ thú nhận. Ông thậm chí không thú nhận những sư đoàn của ông đã thâm nhập vào miền Nam. Các đại biểu của Hà Nội ở bàn hội nghị hòa bình Paris cũng không thú nhận điều này cho dù ta có chỉ cho họ thấy hình ảnh những xác chết. Nhưng từ ông, tôi có thể biết về vai trò ông có trong cuộc tấn công Tết, hay biết liệu ở đây tại miền Bắc này họ thật sự muốn hòa bình hay không muốn hòa bình.
Lúc này các hướng dẫn viên của tôi gõ cửa. Họ muốn đưa tôi đi xem chợ hoa Tết. Tối nay mới Tết, nhưng người ta đã bắt đầu vui xuân. Những lá cờ đỏ treo ở khắp mọi nhà, giáo đường và chùa chiền và mọi người bước đi loanh quanh trên tay cầm các bó hoa-thường là hoa nhựa. Họ rất mê hoa nhựa.
Nhỏ con không ngờ
Chiều thứ Bảy. Các sĩ quan tham mưu đang chờ chúng tôi ở bên ngoài cổng tòa nhà Bộ Quốc phòng, họ mặc quân phục màu vàng lục được cắt khéo. Họ cúi đầu chào và mỉm cười, rồi đưa chúng tôi đi dọc theo hành lang dài đến một phòng lớn có ghế sofa ở giữa phòng và các ghế bành chung quanh. Giáp chờ ở đấy.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là vóc người thấp bé của ông. Họ bảo ông cao chưa tới một mét rưỡi, nhưng ông trông còn thấp hơn, với tay ngắn chân ngắn còn cổ biến mất bên trong cổ áo. Người ông mập mạp nên trông ông lại càng thấp hơn.
Ông quả thực giống Napoleon, ngoại trừ khuôn mặt Á Châu. Khuôn mặt ông đặc biệt không ấn tượng. Một bộ mặt chưa hoàn chỉnh, hơi húp híp và đường nét không cân đối, như bộ mặt ta thấy ở những người bị bệnh thận, lại bị cắt ngang bởi cái mũi tròn nhỏ như mũi trẻ con. Nhưng đôi mắt ông thuộc về những đôi mắt thông minh nhất tôi từng thấy, nhưng cũng là đôi mắt gian trá nhất, đôi mắt độc ác nhất. Lẽ nào đôi mắt như thế đã từng có thể khóc vào một đêm nọ ở trên núi Lam Sơn ?
Ông bước nhanh đến tôi, chìa tay ra với thái độ tự tin bặt thiệp. Ông hỏi tôi có biết nói tiếng Pháp không và tôi đáp, "Oui, Monsieur". Ông dường như chẳng khó chịu việc tôi gọi ông bằng monsieur ; có lẽ cách xưng hô ấy gợi ông nhớ đến thời xưa và ông thậm chí còn thích được xưng hô như thế.
Rồi ông bắt đầu chú ý đến Marisa, Giulia và Carmen. Ông dường như rất thích Carmen, người cao hơn một mét tám, vì ông cứ nhìn chị chòng chọc và muốn chị ngồi bên ông. Nhưng Carmen giữ lời hứa với tôi nên nhường chỗ cho tôi.
Chào hỏi xong, chúng tôi ngồi xuống, ông và tôi ngồi ở giữa, Carmen ngồi ở ghế bành đầu tiên ở bên phải, kế tiếp là Marisa, Giulia, rồi các hướng dẫn viên của chúng tôi Thế, Huân, Hộ, người phiên dịch. Về bên trái là các sĩ quan tham mưu. Trong số sĩ quan này có một người không thoải mái với đôi giày nên bắt đầu tháo dây giày ra hết lỗ này đến lỗ khác cho đến lúc anh cảm thấy dễ chịu.
Trước mặt chúng tôi là chiếc bàn bày đủ loại món ngon : những thanh phó mát, cốm, hạnh nhân, bánh bích quy, các món khai vị khác nhau và những ly đầy rượu đỏ. Rõ ràng, mục đích là có bữa tiệc nhẹ, nhưng tôi cắt ngang câu chuyện để nói tôi muốn bắt đầu cuộc phỏng vấn.
Giáp không nhìn Carmen nữa mà mặt cau có nhìn đăm đăm chiếc máy ghi âm. Võ Thị Thế nói thầm vào tai tôi ông không muốn có máy ghi âm. "Xin Tướng Giáp cho phép", tôi nói. "Tôi dùng nó cho chính xác" và ông đáp : "Ça va, alors ; comme vous voulez". Nhưng với ngay từ câu hỏi đầu tiên, ông đã đổi ý, nên cuối cùng tôi phải chấp nhận không dùng đến máy ghi âm, nhưng cuộc phỏng vấn không vì thế mà thiếu phần chính xác. Huân, Hộ và tôi đều ghi lại hết thảy tất cả mọi lời ông nói. Về sau chúng tôi so sánh với nhau rất kỹ các bản chép tay của chúng tôi.
Người Mỹ bị đánh bại
"Thưa Tướng Giáp", tôi bắt đầu, "trong nhiều tác phẩm của mình, ông hỏi câu hỏi này : 'Ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam ?'. Tôi muốn hỏi ông ngay bây giờ. Trong những tháng đầu tiên năm 1969 này, liệu ông có thể nói người Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh này, về quân sự họ đã thất bại chăng ?".
"Chính họ công nhận như thế", ông đáp. "Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho chị thấy rằng người Mỹ đã bị đánh bại về quân sự lẫn chính trị. Để chứng minh họ thất bại về quân sự, tôi sẽ quay trở lại việc họ thất bại về chính trị, mà đấy chính là nền tảng của tất cả mọi sự.
"Người Mỹ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi chọn Miền Nam Việt Nam làm bãi chiến trường. Ngụy quyền Sài Gòn quá yếu, ngay cả Taylor và McNamara và Westmoreland đều biết điều ấy. Điều họ không biết là do quá yếu nên giới chóp bu Sài Gòn không thể nào sử dụng tốt viện trợ Mỹ.
"Vì mục đích xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là gì ? Để xây dựng thuộc địa kiểu mới dựa trên ngụy quyền. Nhưng để xây dựng thuộc địa như thế, ta cần chính quyền ổn định, nhưng ngụy quyền Sài Gòn cực kỳ không ổn định. Nó không ảnh hưởng gì đối với dân chúng ; nhân dân không tin tưởng nó.
"Từ đấy hãy nhìn thấy người Mỹ đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cho dù họ muốn, họ cũng không thể nào rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam, vì để rút lui họ sẽ phải để lại sau lưng tình hình chính trị ổn định. Nghĩa là, đám tay sai sẽ thay thế họ, nhưng tay sai phải vững vàng và mạnh mẽ, Nhưng ngụy quyền Sài Gòn chẳng mạnh mẽ và cũng chẳng vững chắc. Thậm chí cũng chẳng phải là loại tay sai giỏi giang gì. Nó không thể nào đứng vững nổi ngay cả khi được xe tăng chống đỡ.
"Vậy làm sao người Mỹ có thể rút lui được ? Nhưng họ phải thoát ra. Họ không thể nào duy trì 600.000 quân ở Việt Nam thêm mười hay mười lăm năm nữa. Thất bại chính trị của họ là ở chỗ đấy : bất chấp tất cả bộ máy chiến tranh của mình họ vẫn không thể nào thắng về chính trị.
Đô la Mỹ
Ông nói như thầy giáo đang cố gắng nhồi nhét bài học vào đầu óc học sinh đần độn, và ta hầu như không thể nào ngắt lời ông. Mọi thứ khiến ta nản lòng trước ý muốn ngắt lời ông : ông nói tràng giang, tay ông vung vẫy trước mặt và ông rõ ràng thích thú nghe chính mình nói. Nhưng tôi thử ngắt lời ông.
"Thưa Tướng Giáp điều ấy không có nghĩa là về quân sự họ đã thua trong chiến tranh".
"Hãy kiên nhẫn ; đừng ngắt lời tôi. Tất nhiên nó có nghĩa như vậy. Nếu họ không cảm thấy bị đánh bại thì Nhà Trắng sẽ không nói về hòa bình trong danh dự.
"Nhưng ta hãy trở lại thời Geneva và chính quyền Eisenhower. Người Mỹ đã bắt đầu ở Việt Nam như thế nào ? Theo cách thường lệ của họ, tức viện trợ kinh tế và quân sự cho ngụy quyền. Tóm lại bằng đô la. Vì họ nghĩ họ có thể giải quyết bất kỳ chuyện gì bằng đô la.
"Họ nghĩ họ có thể dựng nên chính quyền độc lập và tự do bằng đô la và ngụy quân được trả bằng đô la ; với 30.000 'cố vấn quân sự' cũng được trả như thế, và 'những ấp chiến lược' được lập ra bằng đô la.
"Nhưng nhân dân bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh, thế là kế hoạch của Mỹ sụp đổ. Ấp chiến lược, 'cố vấn quân sự', ngụy quân… hết thảy đều thất bại, cho nên người Mỹ bắt buộc phải can thiệp quân sự như Đại sứ Taylor đã đề nghị. Rồi bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc xâm lược, tức 'chiến tranh đặc biệt'. Với 150.000 quân và 18 tỷ đô la, họ nghĩ họ có thể kết liễu chiến tranh vào cuối năm 1965, hay muộn nhất vào năm 1966. Nhưng đến năm 1966 chiến tranh vẫn hoàn toàn chưa kết thúc : họ liền gởi qua thêm 200.000 quân, và họ bắt đầu nói về giai đoạn thứ ba, tức 'chiến tranh cục bộ', Chương trình gọng kiềm của Westmoreland : một mặt thu phục được lòng dân, và một mặt tiêu diệt phong trào giải phóng.
"Nhưng hai gọng kiềm đã không kẹp chặt lại, thế là Westmoreland thua trong chiến tranh. Ông thua với tư cách vị tướng vào năm 1967 yêu cầu tăng thêm quân và Washington công bố báo cáo lạc quan rằng năm 1968 sẽ là năm tốt đẹp cho cuộc chiến ở Việt Nam, tốt đẹp đến độ Johnson sẽ tái đắc cử. Ở Washington, Wesrmoreland được đón tiếp như anh hùng, nhưng ông ta không thể nào không biết rằng chiến tranh càng lúc càng trở nên quá tốn kém, điều này thì Taylor đã biết ngay từ đầu.
"Mỹ đã chi ở Triều Tiên hai mươi tỷ đô la, còn ở Việt Nam họ đã chi ra hơn cả trăm tỷ. Năm mươi bốn ngàn người Mỹ chết ở Triều Tiên, ở Việt Nam số người Mỹ chết còn cao hơn nhiều…".
"Thưa Tướng Giáp, người Mỹ nói chỉ ba mươi bốn ngàn người Mỹ chết".
"Hừ... tôi cho là phải nhiều gấp đôi chứ. Người Mỹ luôn luôn nói thấp hơn sự thật ; lúc họ trung thực nhất, thì chết năm họ nói ba. Họ không thể nào chỉ có 34.000 người chết thôi. Chúng tôi bắn hạ hơn 3.200 máy bay của họ ! Cứ năm máy bay bị bắn hạ thì họ chỉ thú nhận có một thôi đấy nhé. Trong năm năm chiến tranh này, tôi cho họ đã mất ít nhất 60.000 quân, có lẽ còn nhiều hơn nữa".
"Thưa Tướng Giáp, người Mỹ nói ông mất nửa triệu quân".
"Hoàn toàn chính xác".
Cuộc tấn công Tết (Mậu Thân)
Ông hé lộ điều này một cách rất hời hợt như thể nó hoàn toàn chẳng quan trọng, một cách rất vội vã như thể, có lẽ, con số thật sự còn lớn hơn nhiều. Rồi ông lặng lẽ tiếp tục rao giảng.
"Trở lại những gì chúng ta đang nói... Vào 1968, năm mà người Mỹ tin chắc chắn thắng lợi. Rồi, bất ngờ, có cuộc tấn công Tết mà chứng tỏ Mặt Trận Giải Phóng có thể tấn công họ bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu Mặt Trận muốn, kể cả những thành phố được bảo vệ kỹ càng, thậm chí kể cả Sài Gòn.
"Cuối cùng người Mỹ thú nhận chiến tranh Việt Nam đã là một sai lầm chiến lược. Johnson thú nhận điều này. McNamara thú nhận điều này. Họ thú nhận rằng chiến tranh diễn ra không đúng lúc và không đúng chỗ, rằng Montgomery đã đúng khi ông ta cảnh cáo không nên đưa quân sang Châu Á. Cuộc tấn công Tết (năm 1968) thắng lợi…".
"Thưa Tướng Giáp, mọi người đồng ý cuộc tấn công Tết là chiến thắng tâm lý rất lớn. Nhưng xét từ quan điểm quân sự, ông không nghĩ đây là thất bại sao ?"
Ông im lặng một giây. Rồi ông tươi cười.
"Chị phải hỏi Mặt Trận Giải Phóng câu hỏi ấy chứ".
"Thưa Tướng Giáp, tôi muốn hỏi ông trước".
Ông đứng lên, đi vòng quanh bàn, rồi ngừng lại và hất tay ra trong cử chỉ tôi có thể cho là thất vọng.
"Chị phải hiểu đây là vấn đề tế nhị. Tôi không thể phán xét vấn đề như thế này, tôi không thể xen vào công việc của Mặt Trận. Đây là vấn đề tế nhị, rất tế nhị... Nhưng chị khiến tôi ngạc nhiên. Mọi người đều biết, xét từ quan điểm cả quân sự lẫn chính trị thì cuộc tấn công Tết...".
"Thưa Tướng Giáp, cuộc tấn công Tết không thành công lắm ngay cả khi xét từ quan điểm chính trị. Dân chúng đã không nổi dậy, và sau một vài tuần người Mỹ lại hoàn toàn làm chủ tình thế. Chỉ ở Huế cuộc chiếm đóng mới diễn ra cả tháng. Ở Huế là nơi có lính chính quy Miền Bắc…".
Khi tôi nói từ cuối cùng này tôi cố gắng nhìn thẳng vào mắt ông. Nhưng ông giả vờ không nghe.
"Tôi không biết Mặt Trận có tiên đoán hay hy vọng nhân dân sẽ nổi dậy hay không, mặc dù nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân tôi không nghĩ Mặt Trận có thể đưa quân vào các thành phố. Tôi không thể thảo luận về cuộc tấn công Tết vì chúng tôi chẳng có liên quan gì đến nó. Mặt Trận tự tiến hành cuộc tấn công ấy.
"Tuy nhiên, sự thật là sau cuộc tấn công Tết, người Mỹ chuyển từ thế tấn công sang thế phòng thủ. Nhưng phòng thủ luôn luôn là sự khởi đầu của bại trận. Tôi nói sự khởi đầu. Chúng tôi chưa thắng, và người Mỹ chưa có thể gọi là thua. Họ vẫn còn mạnh về quân số ; không ai có thể phủ nhận điều ấy. Về phần mình chúng tôi phải mất nhiều công sức mới đánh bại họ hoàn toàn.
"Bây giờ tôi nói với tư cách người lính về vấn đề quân sự... đúng là họ có nhiều vũ khí. Nhưng vũ khí cũng không giúp gì được cho họ, bởi vì chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là vấn đề quân sự. Cho nên sức mạnh quân sự và chiến lược quân sự cũng không thể góp phần vào chiến thắng, hay thậm chí để hiểu được cuộc chiến".
Tinh thần của nhân dân
Ông ngồi xuống, và vẻ khó chịu thoáng qua của ông biến mất khi ông trở lại vai trò người thầy giáo.
"Hoa Kỳ có chiến lược dựa trên số học. Họ hỏi máy tính, họ làm các phép tính cộng và trừ, lấy căn bậc hai, xong rồi bắt đầu hoạt động. Nhưng chiến lược số học ấy không thành công ở đây. Nếu như thành công thì họ đã tiêu diệt chúng tôi rồi. Hãy lấy thí dụ máy bay của họ. Họ nghĩ chỉ trong vài tuần họ có thể khuất phục chúng tôi bằng cách trút lên đầu chúng tôi hàng tỷ chất nổ. Vì, như tôi đã nói với chị, họ tính toán mọi thứ theo hàng tỷ, hàng tỷ đô la.
"Nhưng họ không tính đến tinh thần của một dân tộc chiến đấu cho chính nghĩa, để cứu nước thoát khỏi quân xâm lược. Họ không thể nào nghĩ ra được rằng cuộc chiến tranh Việt Nam phải được hiểu theo chiến lược chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh này không phải là vấn đề về quân số và chiến cụ, chúng không liên quan đến vấn đề.
"Chẳng hạn, lúc đầu họ nói để chiến thắng họ cần tỷ lệ hai mươi lăm trên một. Rồi, khi họ không thể đưa nhiều quân như thế vào chiến trường, họ rút xuống thành sáu trên một, rồi cuối cùng ba trên một, tuy như thế là hơi nguy hiểm.
"Nhưng tỷ lệ ba và sáu và hai mươi lăm trên một sẽ không giải quyết được gì. Chiến thắng phải cần thêm điều khác nữa, và đấy chính là tinh thần của nhân dân. Khi toàn dân đứng lên thì không có gì mà không làm được. Tiền bạc không thể đánh bại nhân dân. Đó chính là nền tảng chiến lược và chiến thuật của chúng tôi mà người Mỹ hoàn toàn không hiểu".
"Thưa Tướng Giáp, nếu ông hoàn toàn chắc chắn cuối cùng họ sẽ bị đánh bại vậy ông có thể cho chúng tôi biết khi nào ?"
"À, đây không phải là cuộc chiến tranh mà có thể thắng trong vòng một vài năm. Chiến tranh chống Hoa Kỳ cần thời gian, thời gian... Theo thời gian họ sẽ trở nên mỏi mệt rồi bị đánh bại. Và để khiến cho họ mỏi mệt chúng tôi phải tiếp tục, phải kiên trì...
"Xưa nay chúng tôi đã luôn luôn làm như thế. Chúng tôi là nước nhỏ, chỉ ba mươi triệu người. Vào lúc bắt đầu Công nguyên chúng tôi chỉ có một triệu người, khi đại quân Mông Cổ bất ngờ tấn công chúng tôi. Nhưng cả triệu người chúng tôi đánh bại họ. Ba lần họ kéo đến, ba lần chúng tôi đánh bại họ. Chúng tôi không có vũ khí giống họ. Chúng tôi vẫn không lùi bước và chiến đấu đến cùng, Lúc đó chúng tôi đã kêu gọi toàn dân phải quyết chiến.
"Và những gì đã đúng vào năm 1200 vẫn còn đúng ngày hôm nay. Vấn đề cũng giống nhau. Chúng tôi là những người lính giỏi bởi vì chúng tôi là người Việt Nam".
"Thưa Tướng Giáp, những người Việt ở Miền Nam đang chiến đấu cùng với người Mỹ cũng là người Việt Nam. Vậy ông nghĩ gì về họ với tư cách người lính ?"
"Họ không thể nào là những người lính giỏi được. Họ không tin điều họ đang làm, cho nên họ không có tinh thần chiến đấu. Người Mỹ cũng biết điều này và ngẫu nhiên lính Mỹ đánh giỏi hơn rất nhiều. Nếu như họ không biết những ngụy quân này không biết chiến đấu thì họ sẽ chẳng mang rất nhiều quân của họ qua".
"Thưa Tướng Giáp, chúng ta hãy nói về Hội nghị Paris. Ông nghĩ hòa bình sẽ đến từ Paris hay từ chiến thắng quân sự như chiến thắng ông đạt được ở Điện Biên Phủ ?"
"Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... sự thật là chúng tôi đã đến Paris chứng tỏ chúng tôi có thiện ý. Và không ai có thể nói Paris là vô ích, vì Mặt Trận Giải Phóng cũng ở đó. Ở Paris, họ phải chuyển sang bình diện ngoại giao những gì diễn ra ở Việt Nam... Madame ơi, Paris dành cho những nhà ngoại giao".
Ông nói chính xác những từ này : "Paris, vous savez, Madame, c'est une chose pour les diplomates". Và ông nói những lời này bằng giọng lãnh đạm khinh thường, đồng thời ông nhăn mũi và lắc đầu, như thể những từ "Hội nghị Paris" khiến ông khó chịu, trái lại ông lặp lại "Điện Biên Phủ" với niềm vui thú như đứng trước cái đẹp.
"Thưa Tướng Giáp, như vậy ông muốn nói chiến tranh sẽ không được giải quyết ở Paris, phải thế không ạ ? Phải chăng chiến tranh cần giải pháp quân sự thay vì giải pháp ngoại giao ? Phải chăng Điện Biên Phủ của Mỹ chưa đến, nhưng chắc chắn ngày nào đấy sẽ đến ?"
"Madame, Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... Lịch sử không phải luôn luôn lặp lại. Nhưng lần này nhất định lịch sử sẽ lặp lại. Chúng tôi đã đánh thắng người Pháp và chúng tôi cũng sẽ đánh thắng người Mỹ. Madame, đúng là Điện Biên Phủ của họ vẫn còn chưa đến. Nhưng nhất định nó sẽ đến.
"Người Mỹ nhất định sẽ thua cuộc chiến tranh này vào lúc sức mạnh quân sự của họ đạt đến đỉnh điểm và guồng máy rất lớn họ đã lắp ráp bấy giờ không còn vận hành được nữa. Nghĩa là, chúng tôi sẽ đánh bại họ vào lúc họ có nhiều quân nhất, nhiều vũ khí nhất và nhiều hy vọng chiến thắng nhất. Vì tất cả tiền bạc và sức mạnh ấy sẽ là gánh nặng lớn cho họ. Điều ấy là tất yếu".
"Thưa Tướng Giáp, tôi có thể sai, nhưng chẳng phải Khe Sanh là Điện Biên Phủ thứ hai sao ?"
"Không, không phải. Khe Sanh đã không phải và cũng không thể nào là Điện Biên Phủ thứ hai. Nó hoàn toàn không quan trọng đến mức như thế. Hay chỉ bởi vì người Mỹ cho nó là quan trọng khi uy tín của họ bị lâm nguy ở Khe Sanh. Quả là nghịch lý thông thường của người Mỹ. Chừng nào họ còn giữ vững được Khe Sanh để giữ gìn uy tính của mình, họ nói nó quan trọng. Còn khi họ bỏ Khe Sanh, họ nói nó chưa bao giờ quan trọng.
"Chị không nghĩ Khe Sanh là chiến thắng đối với chúng tôi ư ? Tôi cho là chiến thắng đấy. Nhưng các nhà báo vốn tò mò, chắc chị biết thế ? Quá tò mò là đằng khác. Vì tôi cũng là nhà báo nên tôi muốn đảo ngược vai trò để hỏi chị đôi câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên : Chị đồng ý rằng người Mỹ đã thua chiến tranh ở Miền Bắc ?"
"Thưa Tướng Giáp, đúng, tôi đồng ý. Nếu chiến tranh ở Miền Bắc như ông nói có nghĩa là các vụ ném bom thì tôi cho họ đã thua. Vì họ không đạt được gì đáng kể, cho nên họ phải ngưng lại".
"Câu hỏi khác : Chị đồng ý rằng người Mỹ đã thua chiến tranh ở Miền Nam ?"
"Thưa Tướng Giáp, không. Họ không thua. Hay chưa thua. Ông đã không đánh đuổi họ đi được. Họ vẫn ở đấy và họ đang ở lại đấy".
"Chị sai rồi. Họ vẫn ở đấy... nhưng trong hoàn cảnh nào ? Bị sa lầy, tê liệt, đang chờ đợi những cuộc thua trận mới mà họ hy vọng tránh được nhưng không biết cách tránh. Những cuộc thua trận đã và đang và sẽ có những hậu quả tai hại về kinh tế, chính trị và lịch sử. Họ đang ở lại đấy, nhưng đã bị trói tay, bị giam cầm trong chính sức mạnh của mình… Họ chỉ có thể hy vọng ở cuộc hòa đàm Paris. Nhưng ở đó họ cũng ngoan cố. Họ không chịu từ bỏ lập trường của họ".
'Chúng tôi có kiên nhẫn'
"Thưa Tướng Giáp, ông gọi người Mỹ ở Paris là ngoan cố. Nhưng họ cũng nói như vậy về ông. Như vậy cuộc hòa đàm phỏng có ích gì ?"
Ông vẫn bất động và im lặng. Như thể cho rằng nó chẳng đáng nhắc đến. Nhưng tôi hỏi dồn ông.
"Thưa Tướng Giáp, lúc này đây mọi người đang bàn về hòa bình, nhưng dường như chẳng ai thật sự muốn hòa bình. Vậy theo ông Hội nghị Paris sẽ kéo dài bao lâu ?"
"Rất lâu ! Đặc biệt nếu người Mỹ không từ bỏ lập trường của họ. Vâng, rất lâu. Chúng tôi sẽ không từ bỏ lập trường của mình. Chúng tôi không cần phải vội. Chúng tôi có kiên nhẫn. Trong khi các phái đoàn đàm phán, chúng tôi vẫn đánh.
"Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng mọi giá, không phải hòa bình bằng thỏa hiệp. Đối với chúng tôi, hòa bình phải có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn ; người Mỹ phải ra đi. Thỏa hiệp tiềm ẩn nguy cơ nô lệ. Nhưng chúng tôi thà chết hơn nô lệ".
"Vậy thì, thưa Tướng Giáp, chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu ? Nhân dân đáng thương này rồi sẽ còn phải chịu hy sinh, đau khổ, và chết chóc biết bao lâu nữa ?
"Chừng nào còn cần thiết-mười, mười lăm, hai mươi, năm mươi năm. Chừng nào cho đến khi như Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi nói, chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng. Đúng ! Thậm chí đến hai mươi, năm mươi năm chăng nữa. Chúng tôi không sợ, và chúng tôi cũng không cần phải vội".
Lần này ông đã đứng lên để trả lời lần cuối. Bây giờ ông không còn là thầy giáo vui với công việc giảng bài, không còn là nhà chiến lược sáng suốt, nói tiếng Pháp như hiệu trưởng trường đại học Sorbonne, con người lịch lãm thích hưởng thụ, rất thích phụ nữ và áo quần đẹp và đời sống vô tư lự. Giờ ông là kẻ cuồng tín với má ửng đỏ và đôi mắt chất chứa đầy căm thù vừa nói vừa khoa tay múa chân khiến ta cảm thấy sợ-một người hoàn toàn khác.
Nhưng ông bình tâm trở lại khi chúng tôi bắt đầu ra về. Ông tiễn chúng tôi ra đến tận bên ngoài rồi đứng đấy, vẫy tay cho tới lúc xe đi khuất. Ông tươi cười và tinh tế, giữa các sĩ quan quanh bên ông, kể cả người sĩ quan với đôi giày đã tháo dây.
"Giờ ông là kẻ cuồng tín với má ửng đỏ và đôi mắt chất chứa đầy căm thù vừa nói vừa khoa tay múa chân khiến ta cảm thấy sợ-một người hoàn toàn khác".
Tối thứ Bảy. Trước mặt tôi là bản giấy than đánh máy trên ba tờ giấy mỏng. Nhìn đi nhìn lại chúng, tôi không thể nào tin tất cả chuyện này thật sự xảy ra. Nhưng đúng là như thế.
Cách đây một giờ Võ Thị Thế mang đến những tờ giấy này đưa cho tôi và bảo tôi đây là một văn bản chính thức và duy nhất về cuộc gặp gỡ của tôi với Tướng Giáp. "Các sĩ quan tham mưu đã mất công soạn thảo văn bản này cho chị, và Tướng Giáp đã phê chuẩn. Ông muốn chị biết rằng ông sẽ không thừa nhận bất kỳ điều gì khác, chỉ văn bản này thôi mới được phép công bố". Bà giơ ngón tay lên đe dọa, như thể muốn nói : "Nếu không thì hãy coi chừng đấy !".
Tôi lẳng lặng cầm lấy đọc. Hầu như chẳng có bất kỳ điều gì tôi đã nghe bằng chính tai mình, đã chép xuống, đã so sánh với các bản ghi chép của Hộ và Huân. Tuyệt nhiên không có câu trả lời của ông cho câu hỏi của tôi về cuộc tấn công Tết : "Chị phải hỏi Mặt Trận Giải Phóng câu hỏi ấy chứ". Tuyệt nhiên không có câu trả lời của ông cho câu hỏi của tôi về Hội nghị Paris : "Madame ơi, Paris dành cho những nhà ngoại giao". Tuyệt nhiên không có giải pháp quân sự cho cuộc chiến : "...Điện Biên Phủ của họ vẫn còn chưa đến". Không, chẳng có câu trả lời nào hết, chỉ toàn là những khẩu hiệu có sẵn, khoa trương, mơ hồ.
Những câu hỏi của tôi cũng không có ở đấy ; thực ra chẳng có gì chứng minh cuộc gặp gỡ từ 3 giờ đến 3 giờ 45 chiều đã diễn ra, hay thực ra cuộc gặp ấy chỉ do tôi tưởng tượng ra. Phải chăng Tướng Giáp xem chúng tôi là lũ ngốc ? Phải chăng ông quên rằng không chỉ có một mình tôi ở đấy, mà còn có ba phụ nữ có tai để nghe có đầu để nhớ ? Tất nhiên, ông có thể tin tưởng ở Hộ, người phiên dịch, ở Thế và Huân và các sĩ quan của ông ; họ sẽ sợ hãi đến độ hoàn toàn phủ nhận bất kể điều gì tôi có thể nói ra. Nhưng Carmen và Giulia và Marisa không phải như thế. Họ không sống trong bầu không khí sợ hãi. Họ đọc ba bản sao rồi lắc đầu. "Đừng lo !", họ nói. "Chị có thể viết bài báo của chị, chị có thể thuật lại đúng những gì đã thực sự xảy ra".
"Vâng, tất nhiên", tôi nói. Nhưng tôi thất vọng và ghê tởm. Chính trong tâm trạng này mà tôi bỏ ra ngoài và may là Thế hay Huân hay Hộ không cố gắng cản tôi lại. Tôi đang trong tâm trạng tức giận.
Tiếng pháo và tiếng súng
Lúc này đây thực sự bắt đầu Tết, và phố xá đông kín những người khoe áo quần Tết. Trên quảng trường kế bên khách sạn Metropole, người ta đã dựng lên sân khấu và họ đang trình diễn vở kịch múa : "Bắt giặc lái Mỹ". Phi công Mỹ có mũi rất dài, và anh ta vặn vẹo mình mẩy như con sâu để van xin lòng thương hại trong lúc những vũ công khác thọc lưỡi lê vào người anh. Chỉ có Trời mới biết tại sao họ lại nhảy múa với lưỡi lê và súng máy.
Rồi nhạc trở nên hào hùng hơn ; các vũ công rút lui và trên sân khấu hiện ra lá cờ đỏ có khuôn mặt Hồ Chí Minh. Đám đông ngoan ngoãn vỗ tay theo.
Ai đấy bắt đầu đốt pháo. Tôi bắt đầu nghĩ về cái Tết năm 1968 ở Sài Gòn khi pháo vừa mới nổ thì tiếng súng cối và súng máy hòa lẫn vào tiếng pháo. Đó là cuộc tấn công mà Giáp tác giả của nó đã chối phăng chỉ cách đây vài giờ. Tôi tự hỏi nếu chuyện như thế xảy ra ở đây thì sao. Không, ở đây chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra. Mọi người ai ai cũng đều suy nghĩ như nhau.
Tôi đi dọc theo bờ Hồ Tây, dưới những chiếc loa phát ra inh ỏi những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh cho tới khi tôi gặp Chùa Cầu Tự, nơi những người Nga và Trung Quốc đang chờ bước vào, và như thường lệ họ không nhìn mặt lẫn nhau. Bên trong chùa đang làm lễ với những sư cụ mặc áo nâu sòng và những cụ bà quỳ lạy trên sàn nhà. Họ vừa cúng những món ăn giả mặn và chay cho Đức Phật bằng đồng và vừa tụng kinh và thắp hương. Đây có thể là hình ảnh Việt Nam thời trăm năm trước. Khi một nhóm các cháu bé trai đeo khăn quàng đỏ bắt đầu ghẹo các sư cụ thì người Trung Quốc cười vang nhưng người Nga có vẻ bất bình.
Tôi về lại phòng. Hai chàng Boris của thông tấn xã Novosti muốn tôi uống rượu champagne với họ, nhưng tôi thích ở một mình. Pháo nổ đùng đùng và khói pháo mù mịt... Sắp đến Giao Thừa rồi. Bây giờ Giao Thừa đã đến. Năm Thân qua đi năm Dậu bắt đầu.
Pháo nổ càng lúc càng to hơn ; giờ thì tiếng pháo nổ dữ dội đến mức rung chuyển cả thành phố. Tưởng như Mỹ lại ném bom. Người Việt thích tiếng ồn inh ỏi. Họ thường cười khi cái gì đấy nổ vang hay tan vỡ. Phải chăng đấy là loại âm nhạc duy nhất họ biết hay muốn biết ? Để Tướng Giáp có ý kiến của ông, còn tôi sẽ có ý kiến của tôi sau. Tôi không thể nào chờ để trở về với thế giới của mình, nơi tiếng ồn ào khiến người ta hoảng sợ và giật mình mỗi khi nghe.
Ngày mốt tôi sẽ phỏng vấn hai phi công Mỹ. Họ cũng có thể khiến tôi thất vọng. Nhưng ý nghĩ thấy họ khiến tôi cảm thấy gần gũi hơn với quê nhà. Có ai ngờ đâu ?
Oriana Fallaci
Nguyên tác : 'American Will Lose', says Gen. Giap, The Washington Post, 06/04/1969, © L'Europeo, 1969
Trần Quốc Việt dịch
*******************
'Văn bản chính thức' của cuộc phỏng vấn của Oriana Fallaci với Tướng Giáp
Trần Quốc Việt dịch
Những ghi chép vắn tắt về cuộc gặp gỡ của phụ nữ Ý với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Về thất bại quân sự của người Mỹ :
"Rõ ràng người Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ đang thua về chính trị và quân sự trong cuộc chiến tranh này.
"Trên đất Việt Nam, người Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác, trước tiên thất bại về chính sách xâm lược chủ nghĩa thực dân mới truyền thống của họ vào thời Ngô Đình Diệm với chính sách gọi là 'giúp đỡ quân sự kinh tế'.
"Thất bại lần nữa trong cuộc chiến tranh 'đặc biệt' nổi tiếng với nửa triệu ngụy quân của 30.000 cố vấn Mỹ. Và rồi hôm nay, đặc biệt sau cuộc tấn công Tết, thất bại của chiến lược 'chiến tranh địa phương', của chiến lược 'chiến tranh cục bộ'. 'Chiến tranh cục bộ' với hầu như chi phí và quân đội không giới hạn, với những quân đoàn viễn chinh hơn nửa triệu quân.
"Người Mỹ đã bị đánh bại trong các mục đích chiến lược và quân sự của họ. Họ bị đánh bại trong các mục tiêu chiến tranh. Bất chấp các nỗ lực của họ về quân sự và chính trị, họ đã không thành công trong việc chống đỡ cho bọn ngụy quyền và ngụy quân ở Miền Nam Việt Nam.
"Người Mỹ đang đánh cho cuộc chiến tranh xâm lược nhưng đã bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh phòng thủ và tìm kiếm 'hòa bình trong danh dự'. Họ đang đối phó với toàn thể nhân dân, và khi toàn thể nhân dân chiến đấu cho độc lập và tự do thì tất cả các lực lượng xâm lăng, kể cả bộ máy chiến tranh Mỹ khổng lồ, đều bất lực.
"Chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến tranh giải phóng có những đặc trưng và những lực lượng mà không thể bị đánh bại. Đây là điều người Mỹ không bao giờ có thể hiểu. Họ đã thua".
Về cuộc nổi dậy của nhân dân Miền Nam :
"Đồng thời với cuộc đấu tranh quân sự, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cũng kêu gọi nhân dân Miền Nam vì độc lập và hòa bình hãy nổi dậy chống lại quân thù. Bè lũ Mỹ và Ngụy Quyền đang tìm mọi cách trấn áp phong trào, nhưng nhân dân Miền Nam Việt Nam vẫn tiến lên. Không có gì cản nổi cuộc đồng khởi của toàn dân vì hòa bình và độc lập".
Về Khe Sanh :
"Đầu tiên, Khe Sanh là biểu tượng uy tín của Mỹ mà phải được bảo vệ bằng mọi giá. Rồi khi cần thiết phải bỏ đi, luôn luôn theo như những tuyên bố của họ, thì Khe Sanh bất ngờ mất tất cả các tầm quan trọng chiến lược. Rõ ràng sau Khe Sanh, với những tổn thất vô cùng lớn, uy tín quân sự Mỹ và các mục tiêu chiến lược của nó đã không còn nữa".
Về vấn đề hội nghị Paris :
"Đoàn đại biểu của chúng tôi đã công bố trước công luận thế giới lập trường và thiện ý hòa bình của chúng tôi. Kết quả của cuộc hội nghị phụ thuộc vào thái độ của người Mỹ. Sẽ có hòa bình ngay lập tức một khi người Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và rút vô điều kiện toàn bộ quân đội của họ ra khỏi lãnh thổ quốc gia của chúng tôi".
Về kết thúc chiến tranh :
"Nhân dân chúng tôi quyết tâm đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng, cho tới khi tên lính Mỹ cuối cùng cút ra khỏi lãnh thổ quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ hòa bình, nhưng hòa bình duy nhất có thể có đối với chúng tôi là nền hòa bình thật sự, hòa bình đi kèm với độc lập và tự do. Ngoài ra, không có kiểu hòa bình nào khác".
Về ngụy quân :
"Ngụy quân là quân đội bù nhìn, một quân đội mà đặc trưng duy nhất là từ trước đến nay đều luôn luôn bị đánh bại".
Đáp lại lời cảm ơn của trưởng đoàn đại biểu Ý, Đại tướng nói :
"Chúng tôi cảm ơn nhân dân Ý, phụ nữ Ý, đã ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi nói, không có gì quý hơn độc lập và tự do. Vì độc lập và tự do, tất cả nhân dân chúng tôi đều được động viên. Chúng tôi nhất định không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào. Đồng thời chúng tôi đang đấu tranh cho các quyền cơ bản của các dân tộc, cho giá trị con người đích thực, cho sự nghiệp hòa bình.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu như bọn đế quốc Mỹ, những tên giặc Hung Nô của thế kỷ hai mươi, thành công trong việc áp đặt ý muốn của chúng bằng vũ lực ? Như thế sẽ trở lại luật rừng. Không. Nhân dân Việt Nam nhất định thắng. Sự nghiệp của nhân dân nhất định thắng. Chiến thắng cuối cùng sẽ là chiến thắng của chúng tôi, nhưng chiến thắng ấy cũng sẽ thuộc về tất cả chúng ta".
Oriana Fallaci
Nguyên tác : The 'Official Text' of the Interview, The Washington Post, 06/04/1969
Đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Europio ở Milan, Ý. Báo The Washington Post đăng bản tiếng Anh vào ngày 6 tháng Tư, 1969. Tựa đề bản tiếng Anh : 'American Will Lose', says Gen. Giap" và "The 'Official Text' of the Interview". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Oriana Fallaci (1929-2006) là nhà báo Ý nổi tiếng với các bài phỏng vấn các nhà lãnh đạo và chính khách trên thế giới trong thời Chiến Tranh Lạnh.
Lời tòa soạn : Tác giả Cao Tuấn chuyển đến Ban biên tập Thông Luận một bài viết về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam hồi tháng 9/2012. Nội dung bài tham luận này cho đến nay vẫn còn tính thời sự, chúng tôi đăng lại nguyên văn bài viết để quý độc giả cùng tham khảo.
Ban biên tập Thông Luận
-----------------------
Lời giới thiệu : BVN nhận được bài viết dưới đây, bước đầu lý giải về con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thông qua việc lý giải này muốn nhìn sâu vào những mối quan hệ bí ẩn và phức tạp nơi đỉnh cao quyền lực của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam một thời. Đây là vấn đề hết sức khó bởi mọi tài liệu tận chốn thâm cung bí sử đến nay đều chưa được bạch hóa. Vì thế dù cố gắng nhìn nhận thật khách quan, tác giả đã không tránh khỏi có chỗ khiên cưỡng, chẳng hạn trong việc xem xét cách ông Hồ Chí Minh sử dụng ông Võ Nguyên Giáp – vừa rất biết tài của ông nhưng lại vừa có phần e sợ uy tín ông cao hơn mình. Sự thật việc đặt ai vào chức Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Việt Nam khóa III (1960) – ông Lê Duẩn được bầu vào chức này mà không phải là ông Giáp vốn đã lừng danh sau Điện Biên Phủ và được đinh ninh như là "người giữ vị trí thứ hai" – có khi không tùy thuộc ở một mình ông Hồ Chí Minh dù bấy giờ ông là nguyên thủ, và ngay chính bản thân ông – một người rất biết lẽ xuất xử chứ không bao giờ là một bạo chúa hám quyền kiểu Mao – hình như cũng đã có lúc không phải không bị vô hiệu hóa ở một chừng mực nào đấy.
Với cách nghĩ như trên, chúng tôi trân trọng đăng bài này lên như một số gợi ý bước đầu để bạn đọc tham khảo ; toàn bộ ý tưởng đề xuất trong bài đều có tính chất giả thuyết của người viết và do người viết chịu trách nhiệm.
Bauxite Việt Nam
---------------------
Bút họa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn uy quyền
Cao Tuấn, 02/09/2012
"Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu !"
vậy mà ông Võ Nguyên Giáp theo âm lịch đã vượt quá 102 tuổi, để trở thành danh tướng sống lâu nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên ông đã nằm liệt trên giường bệnh viện cả năm nay và không còn nhiều sinh khí. ông có thể ra đi bất cứ lúc nào theo luật của Tạo Hoá. Đảng cộng sản Việt Nam chắc đã có những quyết định liên quan đến tang lễ của ông, một biến cố có thể gây nhiều chú ý trong và ngoài Việt Nam : quốc táng hay không quốc táng ? Sẽ truy tặng Nguyên soái Việt Nam cho ông như "tội phạm" Cù Huy Hà Vũ đề nghị trước đây hay một danh hiệu độc đáo nào khác ? Bộ máy thông tin, tuyên truyền của Đảng cộng sản sẽ phải tận dụng cơ hội thế nào để vực dậy uy tín của chế độ vốn đã suy sụp quá thấp vì nạn tham nhũng, bất lực, lạm quyền, sa đoạ... đồng thời phải cố gắng giảm thiểu thế nào những tác hại do những "phản tuyên truyền" của những "thế lực thù địch" sẽ không bỏ lỡ dịp mà cáo giác nhóm Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại bất xứng vì đã phản bội lý tưởng và công nghiệp của Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vị đệ nhất khai quốc công thần.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu được kể là một thành phần của "thế lực thù địch" nói trên – thực ra lại là một người Việt Nam rất đáng kính trọng, một bậc sĩ phu đích thực của thời đại – đã viết một bài thơ hay cách đây hơn 2 năm vào ngày 23/08/2010 mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn một trăm tuổi :
Trăm Năm Nguyên Giáp
Tính sổ Trời cho đã bách niên
Thử cân hạnh phúc với ưu phiền
Tiếc trang ĐỘC LẬP còn dang dở
Thương chữ QUYỀN DÂN chửa đáp đền
Một trận ĐIỆN BIÊN vang quốc sử
Ba thư "BÔ XÍT" động Dân quyền
Một đời ái quốc, VĂN thành VÕ
Chưa cởi chiến bào GIÁP vẫn NGUYÊN
Bài thơ không được phổ biến rộng rãi ở trong nước vì thuộc loại "văn thơ quốc cấm" gần giống như số phận ba thư "Bô Xít" cũng bị hạn chế lưu hành của chính Đại tướng Giáp. Không ai biết chính xác ông Giáp đã tiếp nhận bài thơ với cảm nghĩ như thế nào, rất có thể ông mong đợi một "luồng" dư luận như vậy và cũng rất có thể ông cũng có ấn tượng tốt với nội dung mới mẻ, sâu sắc của bài thơ mà tác giả là một người trí thức "đặc biệt", hơn là với những văn thơ ca ngợi đã trở thành nhàm như "Anh Văn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc của Bác Hồ" hay "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọ sức và đánh thắng 10 Đại tướng của Pháp và Mỹ...".
Bài thơ ngoài việc biểu lộ sự khâm phục thành thực của tác giả đối với ông Võ Nguyên Giáp còn là một tác phẩm văn chưong cổ động việc tranh đấu bảo vệ Tổ quốc trước sự uy hiếp của nước láng giềng phương Bắc, vừa đòi hỏi Dân Chủ Tự Do nên đã nêu lên những thắc mắc khá tự nhiên đối với một số người đã đọc và suy nghĩ về nó : Con người thực của nhân vật lịch sử nổi tiếng Võ Nguyên Giáp là gì ? Có sự mâu thuẫn nào giữa một Võ Nguyên Giáp Cộng Sản và một Võ Nguyên Giáp yêu nước theo Dân Tộc Chủ Nghĩa ? ông Giáp còn có những "ưu phiền" nào quan trọng hơn ngoài vụ chính quyền Cộng sản Việt Nam cho Tàu khai thác mỏ Bô xít ở Cao nguyên Trung phần ? Đảng cộng sản thực sự trọng đãi hay bạc đãi ông Giáp ? Khi phú quý, công danh đã trở thành hư ảo, khi sự sống là ngọn đèn trước gió, ông Giáp muốn lịch sử phán xét ông thế nào ? Và chung cuộc thì lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp thế nào ?
"CÂY THÔNG TRĂM TUỔI ĐỨNG VỮNG GIỮA TUYẾT SƯƠNG, DÔNG BÃO" (lời tựa bài thơ của Hà Sĩ Phu mừng thọ Đại tướng VNG)
Về ông Võ Nguyên Giáp những ghi nhận sau đây là sự thực hoặc rất gần với sự thực :
- Nếu ông Hồ Chí Minh là Hoàng đế trong nước Việt Nam cộng sản thì ông Giáp là đệ nhất khai quốc công thần.
- Ông Giáp được sự ủy nhiệm của ông Hồ đứng ra thành lập đơn vị quân đội đầu tiên của Việt minh ngày 22/12/1944 – Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – nên được coi là người sáng lập ra "Quân đội Nhân dân Việt Nam" ngày nay. Trong thời gian 10 năm ông xây dựng, tổ chức, huấn luyện, phát triển tập thể quân đội ấy từ mấy chục người thành một lực lượng hữu hiệu mấy trăm ngàn chiến binh. Chính ông Giáp đã đào tạo, trực tiếp chỉ huy hàng chục tướng lãnh xuất sắc có tên tuổi trong đó nhiều người gốc nông dân, công nhân như Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Cầm, Vương Thừa Vũ...
- Không phải trải qua các cấp bậc quân hàm ông Giáp được phong Đại tướng vào tháng 5/1948, vị đại tướng đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam.
- Dưới sự lãnh đạo tổng quát của ông Hồ và Bộ Chính trị, ông Giáp điều khiển thắng lợi cuộc chiến đấu quân sự chống Pháp 1945-1954 với cương vị Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương.
- Ông Giáp tiếp tục làm Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương cho tới năm 1975, tổng cộng 30 năm bao gồm cả cuộc chiến tranh chống Mỹ và thôn tính miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) thống nhất đất nước bằng vũ lực.
- Trên mặt nổi thời kỳ vẻ vang nhất của ông Giáp là 30 năm nói trên (1945-1975) vì kèm với chức vụ Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương ông còn là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam và chức Ủy viên Bộ Chính trị là quan trọng nhất.
- Trong thực tế tột đỉnh danh vọng và quyền lực của ông Giáp là chiến thắng Điện Biên Phủ và thời kỳ vàng son nhất của ông Giáp chỉ kéo dài thêm được vài năm sau đó với một cao điểm khác là ngày 29/10/1956 khi ông Giáp thay mặt ông Hồ Chí Minh đọc báo cáo của Hội nghị khoá 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản tại Hà Nội nhìn nhận những khuyết điểm, sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất và xin lỗi đồng bào. Chính ở thời điểm này có nhiều dự đoán ông Giáp sẽ lên thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng nhưng chỉ vài tháng sau chức vụ quan trọng này lại rơi vào tay Lê Duẩn, một người rất ít được biết đến vào lúc đó.
- Mặc dù dư luận chung vẫn xem Võ Nguyên Giáp là Đệ Nhất Công Thần của chế độ, nhưng trong cơ quan quyền lưc tối cao là Bộ Chính trị ông Giáp thường chỉ được sắp hạng 6 hay hạng 7, không những đứng sau Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng mà sau cả Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, chỉ trên Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng.
- Ngôi sao Võ Nguyên Giáp lu mờ hẳn sau chiến thắng 30/04/1975 của đảng cộng sản Việt Nam. Trong khi những người khác thăng quan, tiến chức thì ông Giáp lại bị hạ bệ dần : mất chức Bí thư Tổng Quân ủy năm 1977, phải bàn giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Văn Tiến Dũng năm 1980, bị loại khỏi Bộ Chính trị năm 1982 trong khi Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng vẫn tiếp tục ngôi vị của mình. Không có một lời giải thích chính thức nào về cái lý do của sự hạ bệ trắng trợn này. Mất căn bản quyền lực là Ủy viên Bộ Chính trị, ông Giáp vẫn còn chức "ngồi chơi xơi nước" là Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học, Kỹ thuật kiêm Chủ tịch Uỷ ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch cho đến 1991 mới chính thức nghỉ hưu. Không ai nghe ông Giáp than phiền vì bị đối xử bất công nhưng cũng không ai ghi nhận được với ông Giáp, nước Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể nào về khoa học, kỹ thuật hay sinh đẻ có kế hoạch. Người ta chỉ nghe truyền miệng câu ca dao thời đại nửa bi, nửa hài :
Ngày xưa Đại tướng cầm quân,
Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em !
- Không ai có thể phủ nhận đươc vai trò trội yếu của ông Giáp trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Mặc dù phải tham khảo, thảo luận thường xuyên với ông Hồ và Bộ Chính trị, ông được nhiều tự do hành động, trực tiếp điều binh, khiển tướng quần thảo với quân địch trên khắp chiến trường chính ở Bắc Việt trong suốt 8,9 năm, chủ động tung ra rất nhiều chiến dịch : Việt Bắc 1947, Biên giới 1950, Trung du 1950, Đông Bắc 1951, Đồng bằng 1951, Hoà Bình 1951, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954. Tài năng quân sự của ông Giáp quả thực không thua kém gì đệ nhất danh tướng của Pháp lúc bấy giờ là Đại tướng De Lattre de Tassigny. Chiến thắng vang dội tại Điện Biên Phủ đã gắn liền với tên tuổi Võ Nguyên Giáp. Tuy không thể so sánh – về qui mô và cường độ – với những trận đánh lớn có trăm Sư đoàn, hàng triệu quân tham dự trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai, Điện Biên Phủ vẫn được coi là một trận đánh rất quan trọng trong thế kỷ XX vì đã thúc đẩy và rút ngắn sự cáo chung của chủ nghĩa Thực dân của các đế quốc Âu Châu vốn đã suy yếu nhiều sau Thế chiến thứ Hai.
- Khi ca tụng hay phải ca tụng tài năng, thành tích của ông Giáp, báo chí, sử sách của người cộng sản rất ít khi thiếu vắng cụm từ : "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ...". Nhưng nhấn mạnh quá như thế để làm gì ? Muốn trả lời phải nhìn lại những sự kiện và diễn biến lịch sử : ông Hồ Chí Minh, sinh năm 1890, hơn ông Giáp khoảng 20 tuổi, nên về tuổi tác cũng đáng là bậc tôn trưởng của ông Giáp. ông Hồ sáng lập ra cả một triều đại tất nhiên phải là người làm chính trị xuất sắc, có tài năng và những đức tính cần thiết. ông khôn ngoan, lão luyện, nhạy bén, mưu cơ, biến báo, biết nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Nga, Hoa, Anh vì mấy chục năm lăn lộn ở nước ngoài, và mặc dù chưa có công lao gì với phong trào cộng sản trong nước ông được tôn ngay làm lãnh tụ vì ông đáng mặt lãnh tụ, quan trọng hơn nữa, vì có chỉ thị từ "trên" đưa xuống – ông là người về từ "thánh địa Mạc Tư Khoa", ông là đại diện của Cộng sản Quốc tế đặc trách Việt Nam ! Mặt khác, ông chưa học hết trung học đệ nhất cấp. ông không tốt nghiệp trường học, ông chỉ tốt nghiệp trường đời ; tư tưởng của ông cũng không có gì đặc biệt hay sâu sắc ngoài những nguyên tắc giản dị về tổ chức và hành động. Quả thực ông Hồ Chí Minh là lãnh tụ của ông Võ Nguyên Giáp, là người trọng dụng ông Võ Nguyên Giáp nhưng ông không phải là sư phụ của ông Võ Nguyên Giáp. Lúc gặp ông Hồ lần đầu tiên năm 1939 trên đất Trung Hoa ông Giáp đã gần 30, có bằng Cử nhân Luật khoa và Kinh tế Chính trị học (1937) – rất hiếm hoi vào lúc bấy giờ – và còn là Giáo sư dạy sử ở Hà Nội, nổi tiếng về những bài giảng về chiến tranh, sách lược và chiến lược, đã gia nhập Đảng cộng sản sau khi đã thấm nhuần lý thuyết cộng sản, đã hoạt động cộng sản gần mười năm, đã nếm mùi nhà tù thực dân, đã làm báo tiếng Việt, tiếng Pháp, đã viết sách cùng với Trường Chinh (đồng tác giả cuốn sách Vấn đề dân cày đặt nền tảng dù là sơ lược cho cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam).
Với trình độ và căn bản như thế ông Giáp có cần ông Hồ "dìu dắt" nữa không ? ông Giáp có thể học thêm đuợc gì ở ông Hồ về chủ nghĩa cộng sản ? Về kiến thức quân sự ? Cho nên nói ông Giáp là học trò của ông Hồ cũng phi lý như nói Hàn Tín là học trò của Lưu Bang ! Tóm tắt chỉ có thể giải thích : Sau Điện Biên Phủ, Đảng cộng sản Việt Nam thấy có nhu cầu đưa ông Hồ lên cao hơn nữa và kéo ông Giáp đang nổi tiếng lừng lẫy xuống thấp hơn. Tất nhiên ông Hồ đồng ý với... sáng kiến của chính mình vì học trò phải kém hơn thầy, phải phục tùng thầy và nhất là không bao giờ được phản thầy theo như đạo lý của người Việt Nam. Từ đây danh hiệu "người học trò xuất sắc của Bác Hồ" là vòng kim cô của Đường Tam Tạng tròng vào đầu Tôn Hành Giả. ông Giáp đành tự nguyện chấp nhận danh hiệu vì không có chọn lựa nào khác, vả lại, có thể ông hy vọng, tuy dưới một người nhưng lại trên mọi người. Hy vọng đã sớm thành ảo vọng.
- Tại Việt Nam, người ta không so sánh Võ Nguyên Giáp với Trần Hưng Đạo dù công nghiệp quân sự của hai danh tướng ở hai thời đại cách nhau hơn 6 trăm năm có nhiều điểm tương đồng. Bản thân ông Giáp cũng cố gắng tránh tự so sánh với Trần Hưng Đạo vì nhiều lý do nhưng lý do chính là ông Hồ đã so sánh chính mình, bác bác tôi tôi, với bậc tổ tiên anh hùng của chính ông và của dân tộc Việt Nam trước đó mất rồi !
Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung
Bác đuổi quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi nay đánh Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng sắp thành công [hiện chưa có nguồn tài liệu đích xác nào ghi rõ bài này do ông Hồ Chí Minh sáng tác – BVN chú thêm]
Bài thơ làm trong lúc cao hứng đã rọi ít nhất một tia sáng vào con người thực của ông Hồ Chí Minh và mang một thông điệp mà ông Võ Nguyên Giáp phải hiểu rõ hơn ai hết !
- Tuyệt đại đa số nhân dân trong những nước cộng sản độc tài toàn trị đều khốn khổ vì nghèo, vì áp bức nhưng "chính trị cung đình" triều đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam quả thực không đến nỗi máu me lênh láng như triều đại Stalin ở Liên Xô hay triều đại Mao Trạch Đông ở Trung Hoa. Tuy vậy theo thói đời sự đoàn kết thường chỉ có trong buổi hoạn nạn, hàn vi, còn vinh quang, quyền lực không ai dễ nhường ai cho nên trong triều đình của ông Hồ Chí Minh cũng không hề thiếu những "ma nớp" trong bóng tối, không thiếu những tranh giành ngôi thứ mà người bị thiệt thòi nhất là ông Giáp. Như đã nói ông Hồ trọng dụng ông Giáp : "Việc quân sự thì giao cho chú Văn !" vì "chú Văn" là người có trình độ nhất, có tầm nhìn chiến lược cao nhất, có nhiều năng khiếu quân sự nhất. Nhưng chính ông Hồ cũng là người tìm cách kiềm chế ông Giáp khi ông cảm thấy uy tín của ông Giáp lên quá cao và có thể trở nên nguy hiểm. Vòng "kim cô" chưa đủ làm ông an tâm. Là một kịch sĩ đại tài, trong khi vẫn tỏ ra ưu ái, nâng đỡ, che chở "người học trò xuất sắc" ông phó thác công việc kiềm chế, đè nén ông Giáp cho các Ủy viên khác của Bộ Chính trị là những người có mặc cảm thua kém ông Giáp về trí thức, ghen tức về hào quang ông Giáp được hưởng sau chiến thắng Điện Biên Phủ và lo lắng một ngày nào đó ông Giáp có thể vượt qua họ, lấy mất chức vụ cao cấp của họ trên đường tiến dần đến vị trí tối cao. Phải chăng đó là lý do chính khiến ông Giáp, người có uy tín thứ hai của chế độ sau ông Hồ – cái uy tín có được chủ yếu do công lao chiến trận chứ không phải do kết quả của tuyên truyền phóng đại – cứ phải lẹt đẹt mãi gần cuối danh sách Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam ? Phải chăng đó cũng là lý do Nguyễn Chí Thanh, một Ủy viên khác của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng được phong Đại tướng (1959) để làm đối trọng ngang ngửa với Đại tướng Giáp trong quân đội ? Cũng như trường hợp của Văn Tiến Dũng sau này ? Phải chăng đó cũng là lý do ông Hồ đã chọn Lê Duẩn, một người từ trong bóng tối, thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng thay vì chọn Võ Nguyên Giáp như mọi người chờ đợi vào lúc bấy giờ ? Phải chăng ông Hồ đã sử dụng tuyệt hảo kỹ thuật "balance and check" để duy trì ngôi vị độc tôn ?
- Ông Hồ Chí Minh càng già yếu, cuộc chiến tranh chống Mỹ "giải phóng miền Nam" càng khốc liệt, quyền hành của Lê Duẩn càng gia tăng. Sau khi ông Hồ Chí Minh mất tháng 9/1969 Lê Duẩn từng bước thu tóm trọn quyền hành và trở nên Tổng Bí thư mạnh nhất, quyết đoán nhất trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam với sự phụ tá đắc lực của Lê Đức Thọ. ông Giáp phải làm việc với ông chủ mới khó tính, thiếu thiện cảm, đầy ngờ vực và rất nhiều thành kiến. Nỗi ưu phiền càng thêm chồng chất. Cặp bài trùng Lê Duẩn - Lê Đức Thọ vì nhiều lý do khác nhau vẫn giữ ông Giáp trong các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh nhưng chỉ trên giấy tờ hình thức, quyền hành thực sự của ông Giáp hoàn toàn khác thời chiến tranh chống Pháp. Trái với những biểu hiện bề ngoài, sự đóng góp thực tế của ông Giáp rất mờ nhạt trong thời kỳ này. Trong quân đội ông phải san sẻ quyền hành với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trước kia là đàn em của ông nhưng bây giờ đã chuyển sự trung thành sang phía Lê Duẩn và được cất nhắc lên ngang với ông Giáp trong Bộ Chính trị và sau cùng sẽ thay ông Giáp trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng năm 1980 như đã nói. ông Giáp được ngồi hay bị ngồi ở Hà Nội – quá xa chiến trường chính ở miền Nam Việt Nam, lại không quen thuộc với địa thế, nhân tình người dân Miền Nam bằng chính Lê Duẩn và những cán bộ cao cấp khác. Người điều khiển thực sự cuộc chiến đấu tại chỗ lúc đầu là Nguyễn Chí Thanh (chết năm 1967) sau là Phạm Hùng. Cả hai đều cùng đẳng cấp với Võ Nguyên Giáp trong Bộ Chính trị, nhận lệnh của Lê Duẩn, không nhận lệnh của Võ Nguyên Giáp. Chức Tổng Tư lệnh của ông Giáp có tiếng mà không có miếng, ngay cả chức Bí thư Quân ủy Trung ương cũng vậy. "Đại thắng mùa xuân" tháng 4/1975 là quân công của Văn Tiến Dũng, không phải của Võ Nguyên Giáp. ông Giáp rút cục chỉ là một trong những phụ tá của Lê Duẩn, một phụ tá bất đắc dĩ, một phụ tá không được tin dùng. Thảm kịch là vòng lẩn quẩn : không được tin dùng thì khó có đóng góp xuất sắc, không có đóng góp xuất sắc thì càng không được tin dùng. Trong triều đại Lê Duẩn, ông Giáp bị dồn vào vị trí của kẻ hàng thần lơ láo, rồi bị liên tiếp hạ tầng công tác kể từ 1977 trở về sau. Điều này có nghĩa Ban Lãnh đạo Đảng đánh giá công lao của ông Giáp kém hơn các "đồng chí" khác trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Pol Pot (1978-1979) và chống quân xâm lược Tàu năm 1979. Khi Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có đủ tự tin về quyền lực của mình thì họ đã làm nhục, tước binh quyền, gạt bỏ ông Giáp một cách thô bạo mà không chịu một phản ứng bất lợi nào.
- Lê Duẩn chết tháng 6/1986, Trường Chinh trở lại làm Tổng Bí thư, Phạm Văn Đồng vẫn làm Thủ tướng nhưng ông Giáp, dù còn khoẻ mạnh, minh mẫn vẫn "ngồi chơi, xơi nước". Sau này các đồng liêu, đồng chí, địch thủ cùng thế hệ của ông trong Đảng đã lần lượt chết hết, ông Giáp, "cây thông trăm tuổi đứng giữa tuyết sương", trở thành hiếm quý, được ca tụng nhiều hơn và có vẻ được đối xử tử tế hơn. Các lãnh tụ cao cấp nhất của chế độ gồm các Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng... thường xuyên đến vấn an, chúc Tết, mừng sinh nhật, tặng quà, tặng hoa, luôn luôn cung kính... Họ cung kính là phải : lúc Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh tan quân Pháp tại Điện Biên Phủ thì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (nhiệm kỳ 1997-2001) mới là Chính uỷ cấp Đại đội và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là đứa bé con 5 tuổi. ông Giáp luôn giữ vẻ lịch sự, bình thản với những màn trình diễn để quay phim, chụp hình như thế. ông giữ kín những ý nghĩ thực của mình vì ông biết đằng sau bức màn cung kính vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm chết người – mỗi thời đều có nguy hiểm riêng của nó.
Bí quyết của Đại tướng Tổng Tư lệnh
Vị trí đặc biệt độc nhất vô nhị của Võ Nguyên Giáp trong nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa buộc ông phải hết sức cẩn thận trong mọi hành động, cử chỉ và lời nói. Cơ bản ông là chiến lược gia. Trong nghịch cảnh, bí quyết để tồn tại của Võ Nguyên Giáp là : biết mình, biết người !
Mặc dù quyết định của ông Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn thay Trường Chinh (1957) làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là căn nguyên làm suy sụp sự nghiệp chính trị của Võ Nguyên Giáp sau này, ông Giáp đối với ông Hồ vẫn ơn nhiều hơn oán và trước sau vẫn giữ phận bề tôi trung thành. Tương quan Lê Duẩn-Võ Nguyên Giáp thì khác hẳn, họ là địch thủ từ lúc khởi đầu, có phần tương tự như sự cạnh tranh quyền lực giữa Stalin và Trostky, một người nắm bộ máy Đảng, một người nắm Quân đội. Điều khác biệt là ông Giáp chịu thua ngay. Các sử gia về sau có thể ngạc nhiên tại sao ông Giáp chịu thua dễ dàng như thế. Lý do thực chỉ mình ông Giáp biết rõ : ông không muốn mất mạng như Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Bành Đức Hoài ở Tàu, không muốn bị thanh trừng như Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Zhukov ở Nga ? Lê Duẩn lợi hại, sắc bén gấp mấy lần Tào Sảng trong Tam quốc chí mà ông thì không bằng Tư Mã Ý ? Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã nắm chặt guồng máy Đảng, an ninh, tình báo có mặt khắp nơi, bên quân đội thì Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã là người của "phía bên kia"... ? Là chiến lược gia kiêm thầy giáo dạy sử, ông Giáp đã phải nghiên cứu cuộc đảo chính ngoạn mục của Khrushchev/ Zhukov loại trừ Beria, cuộc đảo chính của Hoa Quốc Phong/ Diệp Kiếm Anh bắt Tứ Nhân Bang, nhưng địch thủ của ông cũng rút tỉa kinh nghiệm từ những biến cố chấn động này tại hai nước cộng sản đàn anh để phòng vệ cẩn thận rồi ? ông Giáp đầu hàng thực sự, "nín thở qua sông", cố gắng chăm chỉ làm công việc chuyên môn quân sự của mình, không phe phái, không bè đảng, không đàn anh, đàn em, không chiêu hiền, đãi sĩ, nêu gưong đảng viên kỷ luật, trong sạch, gưong mẫu, chí công vô tư, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quyết định của thượng cấp, cố gắng loại trừ mọi lý do để có thể bị hãm hại. Tuy vậy ông Giáp biết rõ ông vẫn bị ghét, bị ghen tức vì là "người Việt Nam số 2 sau Bác Hồ", bị ngờ vực, bị theo dõi nhất cử, nhất động... ông tập thiền để bớt căng thẳng, để bình tĩnh sáng suốt, để nhẫn nhục, chịu đựng. Khi nghỉ hưu ông vẫn làm việc, luôn luôn đọc sách, báo, tài liệu, xem tin tức trong nước, ngoài nước, viết ra những kinh nghiệm, những suy nghĩ. ông ăn ngủ rất điều độ, tập thể dục đều đặn... Và đặc biệt hơn nữa, một tờ báo trong nước, tờ ww.vietnam.net ngày 25/08/2012 trong một bài về ông Giáp vô tình tiết lộ "bí mật" của ông Giáp như sau : theo lời của Bác sĩ riêng trong suốt 30 năm (1965-1995) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tá Phạm Văn Ngà, năm nay 90 tuổi, thì ông là người được Đại tướng Giáp tin tưởng tuyệt đối và "Đại tướng có một nguyên tắc bất di bất dịch không bao giờ uống thuốc của ai đưa, kể cả con cái, trừ Bác sĩ Ngà". Phải chăng ông Giáp bị ám ảnh bởi hàng trăm những vụ ám sát chính trị khắp hai miền Nam, Bắc mà Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện trong suốt 30 năm máu lửa chiến tranh, bị ám ảnh với cái chết mờ ám, bất đắc kỳ tử của Đại tướng Hoàng Văn Thái, một người thân cận ? Hay ông Giáp cũng bị ám ảnh với cái chết do thuốc độc nhưng được... quốc táng mà Hitler dành riêng cho Nguyên soái Rommel thời Đức Quốc Xã ?
Lê Duẩn chết, ông Giáp như được giải thoát. Đến nay, ông đă sống thêm 26 năm không có Lê Duẩn trong cuộc đời. Trong guồng máy quyền lực hậu Lê Duẩn không ai coi ông Võ Nguyên Giáp là địch thủ. ông đã quá già để có thể cạnh tranh quyền lực với họ. Các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ sau sẵn lòng kính trọng ông Giáp như một bậc nguyên lão đệ nhất khai quốc công thần. Bởi vì ông Giáp còn sống và Bác Hồ đã chết là bông hoa, là chậu kiểng của chế độ, là lý do "chính đáng" cho họ – "hậu duệ của các bậc tiền bối anh hùng" – được tiếp tục làm "vua tập thể" của gần 90 triệu người Việt Nam. Họ không những kính trọng mà còn hậu đãi ông Giáp – dinh thự, xe cộ, vệ sĩ, giúp việc, phụ tá, nhân viên văn phòng, bác sĩ, y tá thường trực và mọi thứ bổng lộc, phụ cấp... và có thể còn hứa hẹn làm quốc táng cho ông với điều kiện : ông không được can thiệp vào việc cai trị đất nước của họ. Cờ đến tay ai, người ấy phất, thời của ông đã qua rồi, bây giờ là thời của họ, ngay cả Bác Hồ sống lại họ cũng không nhường quyền huống chi ông Giáp ! Trước đây, họ đã mời Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, Đỗ Mười... làm cố vấn chính thức của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng không bao giờ "dại dột" mời Võ Nguyên Giáp. Họ không muốn, không cần ý kiến của ông Giáp. ông càng ít ý kiến họ càng "dễ làm việc". Họ muốn ông Giáp làm tượng gỗ cho họ "cung kính" ngay khi ông còn sống. Sự việc như vậy rất giản dị : ông muốn uống rượu mời hay rượu phạt ?
Đối với ông Giáp, sự chọn lựa tưởng như dễ dàng, thực ra lại rất khó khăn. Một chút suy nghĩ, phân tích khách quan cũng có thể hiểu được nỗi "ưu phiền" của ông Giáp. ông nhìn xuyên qua được những cung kính giả dối. Cuộc đời, sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp không có chỗ cho những tính toán vật chất. ông không thể bị mua chuộc – với một giá rẻ mạt so với những tài sản triệu triệu hay tỉ tỉ đô la của bọn tham nhũng. Chắc chắn ông không ưa đám người cầm quyền hiện thời, thậm chí có thể rất khinh bỉ – một bọn quyền gian làm việc thoán đoạt, một bầy sâu (dùng chữ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) khổng lồ đục ruỗng đất nước, một xã hội truỵ lạc, hèn yếu trước hiểm hoạ bị ngoại bang thôn tính. ông đánh trận Điện Biên Phủ chấn động thế giới chấm dứt "một trăm năm nô lệ giặc Tây" không phải để ngồi nhìn lịch sử "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" đang từng bước, từng bước lập lại ? ! ông Giáp không phải không biết rất nhiều người Việt Nam, trong nước, ngoài nước đủ mọi tầng lớp – cựu chiến binh, trí thức, văn nghệ sĩ, nông dân nghèo khổ, công nhân bị bóc lột, tù nhân chính trị, những người tranh đấu... trông đợi ở ông như nắng hạn mong mưa rào. Nhưng ông phải cân nhắc kỹ – luôn luôn như một chiến lược gia "biết mình, biết người" : nếu ông lên tiếng đáp ứng một người, ông sẽ phải đáp ứng nhiều người và sẽ bị cuốn vào cơn gió lốc chính trị mới... rồi trở thành kẻ thù của những kẻ cầm quyền nguy hiểm. Rồi an toàn của ông, an toàn của con cháu ông..."Cuộc cách mạng có thể phải làm lại" nhưng đó là việc của người khác, ông Giáp không muốn làm chính trị nữa. Bởi thế ông đã không lên tiếng khi chính quyền đàn áp rất thô bạo người dân Việt Nam biểu tình chống Tàu lấn chiếm Biển Đông, không lên tiếng khi tham nhũng lan tràn thành quốc nạn, im lặng trước "vấn đề dân cày mất ruộng", chỉ gửi vòng hoa phúng viếng tỏ lòng thương tiếc khi Trung tướng Trần Độ qua đời. ông không biết, không nghe, không bình luận vụ án nổi tiếng "hai bao cao su đã qua sử dụng" Cù Huy Hà Vũ. ông cũng "quên"cảm ơn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã tặng ông một bài thơ mừng thọ thật hay. ông rất tiếc nhưng mọi người nên thông cảm ! Một cụ già 99 tuổi chỉ có thể làm được đến thế !
Nói cho công bằng, ông Võ Nguyên Giáp cũng không khuất phục hoàn toàn trước quyền lực của đám hậu sinh như ông đã làm trong thời Lê Duẩn – nhân danh sự trung thành với Đảng. Bằng cớ là ông đã gửi công khai và liên tiếp 3 lá thư cho "đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội trong năm 2009 yêu cầu ngưng việc cho người Tàu khai thác mỏ bô xít ở Tây Nguyên vì việc ấy có hại cho quyền lợi quốc gia. Lời lẽ trong thư rõ ràng, đĩnh đạc như văn phong của một bậc lão thần, một bậc trưởng thượng trình lên ấu chúa. Ba lá thư làm sôi nổi dư luận một thời gian, dấy lên bao hy vọng. Bộ Chính trị dĩ nhiên bác bỏ quan điểm của Đại tướng Giáp nhưng không coi ông là "thế lực thù địch". Như thế là nhà chiến lược đã đạt mục đích : Trước công luận ông không phải là tượng gỗ. ông vẫn chú tâm, lo lắng cho đất nước. ông không thể bị đồng nhất với cái chế độ xấu xa mà ông có những bất đồng. Mặt khác ông chọn vấn đề khai thác bô xít là một đề tài vừa phải, trung bình không nặng ký, không quá nhạy cảm như vấn đề tham nhũng chẳng hạn là một vấn đề có thể làm các Ủy viên Bộ Chính trị mất mặt rồi sinh căm thù. Ngoài ra, ông đã ngừng lại đúng lúc. Rất nhiều người đã hy vọng rồi thất vọng nhưng ai nỡ trách ông "đánh trống, bỏ dùi" ? Khi thời gian còn lại đếm từng tháng, từng ngày thì cái quan trọng nhất là chỗ đứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử. ông muốn được nhớ đến như một anh hùng dân tộc có công giành độc lập và suốt đời vì dân vì nước nhưng lịch sử lại có những tiêu chuẩn khách quan riêng... Vậy thì chung cuộc lịch sử sẽ phán xét ông Võ Nguyên Giáp thế nào ???
Cao Tuấn
Cuối thu 2012
Nguồn : BViệt Nam, 02/09/2012
Đúng 1 : Gia đình tướng Giáp bất bình phản đối.
Ai nghe đùa cợt tục tĩu về người thân của mình, đặc biệt là người quá cố, đều có quyền bất bình như vậy cả. Nhẹ thì có thể viết bài phản ứng, nặng hơn thì chửi lại, ức quá thì còn có thể kiện ra tòa.
Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh minh họa
Đúng 2 : Người ngoài gia đình bất bình.
Ai cũng có quyền chọn ai đó, còn sống hay đã khuất, người thân hoặc người lạ, trong nước hay ngoài nước, làm thần tượng của mình. Nghe lời không hay về thần tượng đó thì có quyền phẫn nộ. Nhẹ thì phản bác lại, nặng thì chửi luôn. Bức xúc hơn thì tự mình hoặc lập hội (Hội thần tượng tướng Giáp chẳng hạn) cùng kiện Dan ra tòa, chứng minh mình chịu thiệt hại gì đó (trầm cảm chẳng hạn) sau khi nghe thấy lời lẽ của Dan.
Sai 1 : Lời của Dan xúc phạm người Việt, niềm tự hào dân tộc của Việt Nam, và đi ngược lại thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Có nhiều hơn một cách làm người Việt. Xã hội của chúng ta, nhìn từ quá khứ thăng trầm lẫn hiện thực phong phú của nó, đủ rộng lớn cho vô số cách làm người Việt khác nhau, với vô vàn khuynh hướng nhận thức và quan điểm khác nhau về từng nhân vật, từng sự kiện cả đương thời lẫn lịch sử.
Xã hội càng hiện đại lại càng xa lạ với lối suy nghĩ, đã là người Việt thì phải thế này thế kia, phải yêu người này, ghét người kia, xem người nọ là thần tượng quốc gia ; phải thích món này, thù món kia, tôn món nọ lên hàng quốc hồn quốc tuý. Đồng một lối nghĩ, chung một thần tượng, cùng một nhịp điệu vui buồn ái oán, thì chẳng những là biểu hiện của một cộng đồng đơn điệu, mà tệ hơn, còn làm xói mòn xã hội ngay ở thuộc tính cố hữu đồng thời là vẻ đẹp của nó : tính đa dạng.
Vậy nên chẳng ai cấm bạn chọn ai đó làm thần tượng của mình, nhưng vui lòng nhận ra những giới hạn. Đừng nên áp đặt điều đó với người khác. Đừng coi những ai không chung lối nghĩ với mình không xứng làm người Việt, hoặc không phải là một người Việt thực thụ. Bởi khi làm thế, vô tình bạn đã coi cách làm người Việt của mình là duy nhất. Nghĩa là, đang lẩn khuất đâu đó trong bạn một tia tư duy nguy hiểm : bạn đang coi niềm tự hào của bạn là uy nghiêm quốc gia, tiếng nói của bạn là vọng lại từ lương tri sông núi, lối sống của bạn là bản sắc dân tộc - bạn đồng nhất mình với toàn bộ dân tộc, nghĩa là, bạn bắt đầu trở thành một nhà độc tài nho nhỏ, ngay khi chưa có binh quyền - một dạng độc tài trong tư tưởng. Tia tư duy này khiến bạn xuất hiện trong một cung cách tự mãn kệch cỡm lạ thường nhờ vào khả năng ru ngủ đặc biệt của nó. Nó ru ngủ bạn bằng sự im lặng của các khái niệm trừu tượng : tất cả những "uy nghiêm quốc gia", "lương tri sông núi", "bản sắc văn hoá" đều không thể tự lên tiếng, nên chúng không thể cãi lại bạn dù bạn có nói bất cứ điều gì - và vì thế bạn tự huyễn hoặc rằng mình quả thực là đại diện của dân tộc này rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Đừng như vậy. Hãy cứ phản ứng với Dan bằng niềm tin cá nhân của mình, hoặc với nhóm chia sẻ niềm tin đấy, chứ không nên vũ trang cho niềm tin của bạn bằng thanh kiếm dân tộc, tấm khiên quốc gia, và bắt người khác ngay hàng thẳng lối xung phong sau thanh kiếm và tấm khiên này. Làm thế chỉ thể hiện bạn chưa đủ tự tin với điều cá nhân bạn cho là đúng, nên mới cần viện dẫn quốc gia-dân tộc cho niềm tin của riêng mình.
Sai 2 : Dan nói thế là ăn cháo đái bát, vô ơn với những người trả tiền cho mình.
Điều này thì thậm sai. Dan dạy tiếng Anh, nghĩa là cung cấp một dịch vụ cho khách hàng, là người học. Bản chất là đây là một giao kèo dân sự, thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc. Người dạy và người học, ai phải chịu ơn ai là điều còn cần phải bàn cãi, song cho đến khi nào Dan chưa vi phạm giao kèo, sao có thể chất vấn cậu ấy ở phương diện này ? Mà nếu cậu ấy vi phạm giao kèo thì có thể nói cậu ấy vô trách nhiệm, chứ sao lại bảo cậu ấy vô ơn ? Vô ơn với ai, cụ thể là người nào ? Vô ơn với tướng Giáp thì đương nhiên không rồi, với gia đình tướng Giáp thì cũng càng bất hợp lý ? Hay vô ơn với toàn thể dân tộc Việt Nam thì còn vô lý hơn nữa.
Dĩ nhiên, người học luôn có quyền tẩy chay người dạy nếu thấy điều gì không phù hợp từ người dạy về lối sống, hệ giá trị, tính cách, quan điểm. Chẳng hạn, những người thần tượng tướng Giáp có thể dễ dàng tẩy chay lớp học của Dan, và kêu gọi những người chung niềm tin với mình, làm điều tương tự. Chứ bảo người ta vô ơn thì thật là kỳ quặc, mà lại còn là vô ơn với toàn bộ dân tộc Việt Nam thì chỉ có thể là sản phẩm từ lối tư duy ‘ta là dân tộc’ được nêu ở trên.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 26/01/2048 (nguyenanhtuan's blog)
********************
Nhập gia tùy… lãnh tụ
Trinh Hữu Long, Luật Khoa, 26/01/2018
Có thể nói, trong cái nhìn của phần lớn người Việt Nam chúng ta, vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp chỉ kém Chủ tịch nước Hồ Chí Minh một thứ, đó là một lăng mộ giữa quảng trường Ba Đình.
Daniel Hauer. Ảnh : VietNamNet.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa chính trị của chúng ta. Vị trí ấy đặc biệt đến nỗi chỉ cần tôi viết là "ông Võ Nguyên Giáp", hay loại bỏ đại từ nhân xưng đi, chỉ gọi là "Võ Nguyên Giáp" thôi, cũng đủ để tôi hứng chịu cơn thịnh nộ của không ít người.
Trong bài này, tôi gọi tướng Giáp là "ông", "ông ấy" và dùng các động từ có liên quan đến ông theo những nghĩa bình thường, trung dung của từ đó. Theo tôi, mức độ tôn trọng như thế với một cá nhân đã khuất như ông Giáp là đủ.
Daniel Hauer, không biết vô tình hay cố ý, giờ đã có đủ gạch đá để xây được 10 quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa cộng lại.
Quyền sùng bái lãnh tụ
Văn hóa sùng bái cá nhân của nước ta sâu sắc đến nỗi nó được thể chế hóa thành luật. Thật vậy, bạn có thể bị xử phạt hành chính, hoặc thậm chí bị bỏ tù dựa trên những điều luật mơ hồ nếu xúc phạm đến những người được cho là danh nhân, anh hùng dân tộc, dù họ còn sống hay đã chết.
Nhà nước cũng bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để tuyên truyền cho những danh nhân này, thông qua việc in ấn sách vở, xây tượng đài, thông qua báo chí và loa phường.
Không thể phủ nhận rằng, tất cả những nỗ lực khổng lồ và có hệ thống đó là một trong những yếu tố chính, nếu không muốn nói là yếu tố chủ đạo, hình thành nên văn hóa sùng bái lãnh tụ như đối với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở nước ta.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, tôi cho rằng người ta có quyền sùng bái một ai đó. Gọi sùng bái thì nghe có vẻ chính trị, trên thực tế nó chỉ là một tình cảm vô điều kiện dành cho một cá nhân, nó là niềm tin nội tâm và vượt ra ngoài những suy xét lý tính.
Ta thấy điều đó trong mọi lĩnh vực. Trong chính trị, chúng ta có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trong âm nhạc, chúng ta có những ngôi sao Hàn Quốc đủ sức khiến bao thế hệ người Việt trẻ khóc đứng, khóc ngồi. Trong bóng đá, chúng ta chẳng phải đang có một đội U23 quốc gia được yêu mến đến mức bất kỳ ai đụng đến lông chân của họ thì lập tức sẽ lãnh hậu quả ngay hay sao ?
Chuyện sùng bái này cũng chẳng riêng gì ở nước ta. Những ngôi sao như Michael Jackson, The Beatles đều có những "fan cuồng" của họ, những người mất ăn mất ngủ vì họ, và sẵn sàng bảo vệ họ một cách vô điều kiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có hàng triệu "fan cuồng", sẵn sàng chửi nát nước bất kỳ ai chỉ trích ông ta. (Trong số các "fan cuồng" đó có không ít người Việt Nam, cả trong nước lẫn nước ngoài).
Tình cảm đó biến thành một hành động bảo vệ tự nhiên, đó là tấn công và tẩy chay những ai chỉ trích thần tượng của mình. Daniel Hauer đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công và tẩy chay đó. Đây là cơ chế vận hành bình thường của xã hội, hoàn toàn nằm trong phạm vi dân sự. Daniel Hauer đã phát ngôn và phải chịu trách nhiệm với phát ngôn đó của mình.
Xúc phạm lãnh tụ
Khi buông lời được cho là xúc phạm tới Võ Nguyên Giáp, Dan hoặc là không biết, hoặc là quên mất một trong những giá trị được người Việt Nam hết sức coi trọng : nhập gia tuỳ tục. Ở trong trường hợp cụ thể này, có thể gọi là nhập gia tuỳ lãnh tụ.
Trên thực tế thì việc dành một sự tôn trọng nhất định đến văn hóa tại địa phương mình đến cư trú là một giá trị được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, chứ không riêng gì nước ta. Tuy nhiên, cái thế giới bên ngoài chúng ta cũng muôn hình vạn trạng, chẳng nơi nào giống nơi nào.
Nếu bạn sang Thái Lan và buông lời chỉ trích hoặc xúc phạm hoàng gia hoặc Phật tổ ở nơi công cộng, cứ chuẩn bị sẵn tinh thần vào tù ngồi. Điều luật lèse-majesté về tội phỉ báng hoàng gia khét tiếng của xứ Chùa Vàng không từ một ai. Cơn thịnh nộ của người dân sùng bái hoàng gia sẽ khiến cho bạn không còn dám bén mảng lại đất nước này nữa.
Nếu bạn sang xứ Hồi giáo như Iran hay Arab Saudi mà nói về Muhammad thì có lẽ phải cẩn thận hết mức, lý do vì sao thì chắc không cần phải nói.
Nhưng nếu bạn sang Anh thì mọi chuyện lại khác. Bạn sẽ thấy nhiều show truyền hình chửi hay pha trò chọc Nữ hoàng không thương tiếc, thậm chí còn lôi bộ phận sinh dục của Nữ hoàng ra làm trò cười. Người dân có người phản đối, có người đồng tình, mọi chuyện rồi cũng qua, không ai bị phạt gì. Bạn có muốn chửi góp cũng chẳng sao.
Ở Mỹ cũng tương tự. Bạn có thể đến trước Nhà Trắng giơ biển "Fuck Trump", chẳng mấy ai thèm đoái hoài đến bạn ngoại trừ mấy người hiếu kỳ (có thể là từ Việt Nam tới). Bạn muốn dựng hình nộm ông Trump khoả thân và tiện tay sờ "chim" ông ấy ở vỉa hè cũng chẳng ai làm gì bạn.
Chẳng riêng gì lãnh tụ Trump, các lãnh tụ khác cũng chẳng thoát.
Khi tới thủ đô Washington vào năm 2016, tôi mê cái Văn khố Quốc gia của họ quá mà dành hẳn hai buổi lang thang trong đó. Ở đó có một quầy hàng lưu niệm bán những thứ liên quan đến lịch sử Mỹ. Tôi đến gian bán tất và thấy mặt mũi của đủ các tổng thống, kể cả Abraham Lincoln, được (hoặc bị) in lên những đôi tất này. Có nghĩa là khi bạn mang những đôi ấy vào thì mặt mũi các ông ấy sẽ nằm dưới chân bạn. Không tin bạn xem hình dưới đây thì biết.
Ảnh : Trịnh Hữu Long/ LK
Đó là thế giới mà cái cậu Dan sinh ra và lớn lên, nhưng cái thế giới bên ngoài nước Mỹ thì khác rất nhiều.
Gia đình tướng Giáp có kiện được không ?
Khi vụ Dan nói về tướng Giáp trong một nhóm kín trên Facebook bị lộ ra ngoài, nhiều người thắc mắc liệu gia đình tướng Giáp có kiện được không ?
Câu trả lời là có. Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ như sau :
Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên ; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. (Khoản 2, Điều 34)
Như vậy, các con của ông Võ Nguyên Giáp hoàn toàn có thể khởi kiện Daniel Hauer ra tòa dân sự. Đến đây, mọi việc vẫn dừng lại ở đúng chừng mực hợp lý của nó là một vấn đề thuần tuý dân sự, do các bên tự dàn xếp với nhau. Hai bên có thể thoả thuận về việc có tiếp tục ra tòa hay không, hay tự đàm phán, họ cũng có thể thoả thuận xem có phải bồi thường không, nếu bồi thường thì là bao nhiêu. Gia đình tướng Giáp hoàn toàn có thể rút đơn kiện và tòa án hết phận sự.
Nhưng sẽ rất khác nếu như nhà nước nhúng tay vào vụ này và xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với Daniel Hauer, bởi khi đó nó sẽ vượt quá giới hạn công quyền và can thiệp vào một quan hệ dân sự. Ở dưới đây tôi sẽ nói rõ hơn.
Yêu thôi, đừng yêu quá ?
Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng, việc bạn yêu ai đó cũng chính đáng ngang ngửa với việc bạn ghét ai đó. Vậy nên nếu có ai đó ghét người mà bạn yêu thì đó là cũng chuyện bình thường. Nếu họ có lỡ ghét, hay không yêu không ghét người mà bạn yêu thì đó cũng chẳng phải là việc gì to tát.
Cũng giống như mọi người khác trên đời, lãnh tụ cũng có cái hay và cái dở. Cái hay của họ được tôn vinh, cái dở của họ bị phê phán. Đó là lẽ bình thường. Sẽ là bất bình thường nếu như chúng ta chỉ được tôn vinh mà không được phê phán người đó, hoặc chỉ được phê phán mà không được tôn vinh.
Các lãnh tụ chính trị, những người đứng dưới ánh đèn công cộng của đời sống xã hội, lại càng bị soi xét kỹ hơn nữa.
Trong chuyện của cậu Dan, mọi thứ không dừng lại ở việc phê phán, mà còn là tấn công một cá nhân.
Tôi không bàn tới khía cạnh tình cảm và đạo đức vì yêu ghét là chuyện riêng của mỗi người. Tôi không thấy có vấn đề gì với việc ai đó sùng bái tướng Giáp, hay ghét tướng Giáp, hay chẳng yêu chẳng ghét tướng Giáp. Tôi cho đó là chuyện giữa người đó và tướng Giáp, không liên quan gì đến mình, mặc dù tôi cũng có những nghi ngờ và phán xét riêng của mình về văn hóa ứng xử của cậu Dan, cũng như những người phản đối cậu ấy.
Tuy vậy, sự giận dữ của những người sùng bái tướng Giáp sẽ có hại nếu nó hậu thuẫn cho việc nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế của mình để trừng phạt cậu Dan. Bởi ngày nay nó trừng phạt cậu Dan, ngày mai nó sẽ trừng phạt cậu Đàn, ngày mốt nó sẽ trừng phạt cậu Đản, và nó không dừng lại ở việc trừng phạt một người nước ngoài.
Ban đầu nó trừng phạt những ai xúc phạm tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán những quyết sách quân sự của tướng Giáp, sau đó nữa nó trừng phạt những ai dám nghi ngờ vai trò của tướng Giáp trong những sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, những sai lầm mà chính họ đã thừa nhận.
Rồi ban đầu nó chỉ trừng phạt những ai phê phán tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau đó nữa nó trừng phạt những ai phê phán một ông chủ tịch tỉnh. Những chuyện như vậy đã xảy ra rồi.
Cơn giận dữ của những người sùng bái ông Giáp, có thể không có hàm ý ủng hộ chính quyền vi phạm tự do ngôn luận, nhưng sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tham vọng kiểm soát ngôn luận của chính quyền. Đến đây, tất cả chúng ta sẽ là bị hại.
Một lúc nào đó, chính những điều luật hôm nay dùng để trừng phạt cậu Dan sẽ được dùng để phạt chúng ta.
Điều này cũng giống như điều luật chống phỉ báng hoàng gia ở Thái Lan. Ban đầu nó chỉ được áp dụng cho những ai chỉ trích hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang bảo vệ họ hàng của hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang các công ty của hoàng gia, rồi sau đó nữa nó mở rộng sang những đối tác làm ăn với hoàng gia.
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới chuyện nghe được từ một số nhà hoạt động người Myanmar. Họ cho rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của phong trào dân chủ Myanmar là đã đặt toàn bộ niềm tin vào bà Aung San Suu Kyi, biến bà thành một dạng lãnh tụ và kêu gọi quần chúng sùng bái bà. Kết quả là ngày nay, Suu Kyi đã biến thành một lãnh tụ bất khả xâm phạm nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, và phản bội lại những lý tưởng tự do mà bà đã tuyên bố trước đây mà chẳng ai làm gì được bà.
Cái giá của việc sùng bái lãnh tụ là có thật, vì nó biến thế giới của chúng ta trở nên đơn sắc, trong khi thực tế cuộc sống lại là cầu vồng.
Trịnh Hữu Long
Nguồn : Luật Khoa, 26/01/2018
********************
Thầy giáo Mỹ bị ‘mời làm việc’ vì xúc phạm tướng Giáp (VOA, 26/01/2018)
Một thầy giáo dạy tiếng Anh người Mỹ vừa bị Bộ Thông tin và truyền Thông gửi giấy mời làm việc vì xúc phạm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mạng Facebook.
Ông Daniel Hauer xin lỗi vì đã xúc phạm cố đại tướng Võ Nguyên Giáp (GDVN)
Báo Tuổi Trẻ chiều ngày 26/1 loan tin Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin Truyền thông có giấy mời ông Daniel Hauer, chủ tài khoản Facebook Daniel Hauer - đến làm việc vào sáng 30/1 tới, sau khi bị nhiều người chỉ trích vì dùng lời lẽ đùa cợt xúc phạm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tờ báo nói rằng những thông tin mà thầy giáo dạy tiếng Anh đăng tải vi phạm pháp luật Việt Nam. Một số lời bình luận có phần "thiếu phù hợp với văn hóa Việt" của Daniel Hauer trong một nhóm trên Facebook, xoay quanh nội dung người hâm mộ Việt thể hiện kỳ vọng vào chiến thắng của đội bóng U23 Việt Nam.
Chiều 26/1, nguồn tin từ Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định Bộ ngoại giao không ra thông cáo trục xuất ông Daniel Hauer trước thềm trận Chung kết U23 Châu Á, như thông tin đang lan truyền trên mạng.
Báo Người Lao động hôm 26/1 cho biết ông Daniel Hauer từng cộng tác với Trung tâm Ngoại ngữ Language Link Việt Nam từ tháng 7/2013 đến 10/2016, sau đó ông hợp tác với Trung tâm tiếng Anh Elsa Speak ở Hà nội để thực hiện một chương trình khuyến mại, tuy nhiên Elsa Speak đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Daniel Hauer kể từ ngày 26/1.
Lời bình của Daniel Hauer là để đáp lời một người Việt Nam nói rằng sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên ngực nếu đội tuyển U23 Việt Nam giành chức vô địch. VOA không đăng lời của Daniel chiếu theo các quy định sử dụng ngôn ngữ của đài.
Báo trong nước nói câu phát biểu của Dan Hauer nếu được dịch ra mang một hàm ý khá tục tĩu, đặc biệt lại "đụng chạm đến vị tướng tài được cả dân tộc Việt Nam tôn kính, vì thế đã nhanh chóng phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ dữ dội từ cộng đồng mạng Việt Nam".
Trên trang Facebook cá nhân của Võ Thành Trung (Trung Võ), một người mà báo Thanh Niên khẳng là cháu nội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 25/1 nói rằng ông Daniel Hauer đã có những lời lẽ xúc phạm gia đình ông trên mạng xã hội khi mỉa mai đội tuyển U23 Việt Nam và so sánh hình ảnh một cách khiếm nhã.
Người mẫu Vũ Hà Anh hôm 26/1 cũng có phản ứng mạnh mẽ. Cô nặng lời chỉ trích ông Dan trên Facebook về "những cợt nhả bẩn thỉu và vô học".
Thầy giáo người Mỹ hôm 26/1 cũng đã đăng một đoạn video để giải thích và xin lỗi về vụ việc này tuy nhiên vẫn không nhận được sự tha thứ từ cộng đồng mạng. Trong video xin lỗi, ông nói thêm : 'ở Mỹ, việc lôi George Washington (Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ) hay bất cứ ai nổi tiếng để đùa như thế này cũng chẳng có ai quan tâm.'
Ông Daniel Hauer có vợ Việt Nam và đã sống tại Việt Nam từ 5 năm nay.
Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.
Tướng Giáp trong một lần tiếp cựu Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara.
***
Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.
Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hề cải chính.
Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cái cơ chế chính trị Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo theo chế độ toàn trị ?
Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài "Sông Đa-núyp xanh" - Le Danube bleu.
Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung quốc, Ba lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu : Fidel Castro của Cuba, đại tướng Hoffman của Cộng hòa dân chủ Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước Châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.
Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh gia yếu lược, Vạn kiếp tông bí. Ông say sưa nói về "ngụ binh ư nông", dân binh, dân quân, về chủ trương "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" thời đầu đến Đại Đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý "đánh chắc thắng", về yếu tố nghi binh, bất ngờ - Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên ; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.
Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh - lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Quốc có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" và "Nền dân chủ mới" đều là bản dịch 2 cuốn "Trì cửu chiến" và "Tân dân chủ chủ nghĩa" của ông Mao.
Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến "tốc chiến - tốc quyết" - đánh nhanh - giải quyết nhanh.
Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành "đánh chắc, tiến chắc", rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.
Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay ? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra "vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài", vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, đại tá Đỗ Đức Kiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức trung ương đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi Bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng "đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác".
Sau chiến thắng Điện biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.
Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ - vin cớ rằng Bác cao tuổi, bát đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi, hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.
Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.
Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đoàn, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan "sinh Bắc tử Nam", phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.
Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.
Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Quốc, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.
Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng về "Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2", về "Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên", nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Quốc.
Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.
Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.
Nguồn : VOA, 29/09/2017