Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bốn ngày sau khi bị phong tỏa để tránh dịch bệnh viêm phổi cấp lây lan, người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết tình hình cuộc sống của họ vẫn ổn định dù "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

vinhphuc1

Hình minh họa. Công an đeo khẩu trang ở chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 14/2/2020 - AFP

Xã Sơn Lôi hiện là nơi có nhiều bệnh nhân dương tính với virus corona (Covid-19) nhất trên cả nước, với 11/16 ca nhiễm bệnh ở Việt Nam.

Khu vực xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có trên 2.800 hộ dân với khoảng 10.600 nhân khẩu đang bị phong toả, cách ly hoàn toàn.

Báo chí nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết xã Sơn Lôi sẽ bị phong tỏa toàn bộ trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 13/2 đến 3/3 để khoanh vùng, dập dịch.

Tinh thần người dân ổn định

Hôm 17/2, ông Dương Công Hoàng, một người dân sinh sống tại xã Sơn Lôi nói về cuộc sống thường ngày của người dân khi đang bị cách ly :

"Đời sống của mọi người thì vẫn bình thường, chỉ có khác là không thể đi làm, đi học được như thường ngày thôi, còn mọi thứ thì vẫn ổn.

Chủ yếu là họ phong tỏa khu vực cách ly thôi chứ đời sống của người dân ở trong địa bàn thì vẫn chủ động ăn uống, tự lo hết mọi thứ chứ không phải Chính quyền can thiệp vào từng gia đình, từng người dân đâu.

Cái chính là cách ly phong tỏa thôi. Người dân chủ yếu là vẫn phải tự mình cách ly. Những người mà có bệnh dương tính thì họ đem đi để cách ly và chữa trị. Chứ còn những người dân thì vẫn bình thường, chỉ khác là không đi ra ngoài thôi, sinh hoạt các thứ ở trong nhà".

vinhphuc2

Hình minh họa. Người dân đeo khẩu trang đi lại trên đường phố ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP

Ông Hoàng cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay tinh thần của bà con là rất tốt, đoàn kết và khá bình tĩnh để đối phó dịch bệnh.

Một người khác cũng đang ở khu cách ly là ông Nguyễn Văn Sủng đánh giá tình hình hiện nay nhìn chung là vẫn còn tốt :

"Tất cả ổn định. Nhà nước và Chính quyền ủng hộ, giúp đỡ. Mọi mặt là ok hết, không có vấn đề gì cả, từ vật dụng cho đến các thứ. Nói chung là ổn định".

Mặc dù người dân cũng khá lo lắng nhưng tinh thần của mọi người nhìn chung là tốt".

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thông báo trong khoảng thời gian cách ly, Chính quyền sẽ dựng hàng rào chắn quanh xã và lập nhiều chốt để ngăn chặn và kiểm soát người dân ra vào khu vực này.

Các chốt được dựng lên sẽ có mặt các lực lượng công an, quân đội, y tế, cán bộ xã canh gác cả ngày lẫn đêm để ngăn ngừa bệnh, chỉ một số trường hợp đặc biệt nhưng phải chịu sự đồng ý, giám sát của cán bộ chức năng mới được qua lại chốt.

vinhphuc3

Hình minh họa. Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua tấm biển cảnh báo dịch bệnh corona ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP

Một người muốn giấu tên ở Hà Nội đã đến tận xã Sơn Lôi để trao tặng khẩu trang cho người dân nơi này cho biết Chính quyền kiểm soát người ra vào rất gắt gao. Ông chỉ được phép đứng ngoài rào chắn để chuyển khẩu trang vào bên trong :

"Khu cách ly có cảnh sát cơ động, công an, bác sĩ và đại diện Chính quyền địa phương, họ dựng barier ở đó và bảo rằng các bác chỉ ở đây thôi chứ không được vô trong đó. Bởi vì đang dịch bệnh phải cách ly hoàn toàn.

Họ không đồng ý cho chụp ảnh cảnh sát cơ động, chỉ được chụp ảnh cái barier và người nhận thôi. Nói chung hôm đó cũng bình thường không có vấn đề gì cả. Họ không cản trở cũng không có ý kiến gì gây khó khăn cho anh em hỗ trợ cả".

Cùng ý kiến, ông Hoàng nói rằng người dân không thể tự ý ra khỏi xã nếu không có sự đồng ý của lực lượng chức năng :

"Đi lại trong khu vực thì ok, nhưng mà đi ra khỏi khu vực thì sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ. Người nào đi ra ngoài khỏi khu vực bị phong tỏa cách ly thì phải có lý do chính đáng và được chấp nhận thì mới được đi ra khỏi khu vực cách ly, và phải được kiểm tra kỹ về vấn đề thân nhiệt. Còn nếu không thì sẽ không được đi, phải đeo khẩu trang và tuân thủ đầy đủ các biện pháp sát trùng sát khuẩn".

Ngày 16/2/2020, Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết đã có 192 người sinh sống tại xã Sơn Lôi rời khỏi địa phương trước khi Chính quyền ra lệnh phong toả, cách ly khu vực này.

Ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết địa phương đã lên danh sách và kêu gọi 192 người này trở về. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì cũng thể ép buộc họ quay về để cách ly được.

Lo ngại thiếu dụng cụ y tế nếu dịch bệnh kéo dài

Cũng theo thông tin từ Chính quyền địa phương, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/ngày nếu cách ly tại nhà và 60.000 đồng/ngày nếu cách ly tập trung. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa hàng hoá thiết yếu vào từng thôn, xóm.

Ông Sủng cho biết mỗi ngày đều có người đi xịt khử trùng và phân chia khẩu trang, xà phòng cho từng hộ dân :

"Ở các chốt đấy thì họ có khử trùng, có nhân viên đi từ nhà để đo thân nhiệt của mỗi người. Còn thuốc hay các vật dụng như xà phòng, nước rửa tay các thứ thì người ta đều chia về phân phối đầy đủ hết".

vinhphuc4

Hình minh họa. Phun thuốc khử trùng ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP

Ông Hoàng nói hiện giờ Chính quyền có phát tiền đúng như thông tin từ báo chí. Ngoài ra thì hiện giờ các dụng cụ sát khuẩn đều được phát chứ người dân không cần phải mua. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì có thể sẽ thiếu :

"Nói chung là họ có cấp lương thực, thực phẩm cho người dân hàng ngày. Ngoài ra thì còn một số đơn vị từ thiện thi thoảng cũng đến làm từ thiện, phát mì tôm, trứng các thứ cho dân. Nói chung là ổn, không có vấn đề gì.

Họ phát hằng ngày, họ sẽ đưa tiền về các địa phương cụ thể để phát.

Khẩu trang cũng được Chính quyền cấp phát và nhiều nhà hảo tâm tài trợ làm từ thiện thì cũng có, nhưng mà còn phụ thuộc vào thời gian dịch, nếu kéo dài thì chắc chắn là sẽ thiếu. Còn hiện tại bây giờ thì vẫn ok".

Xã Sơn Lôi là nơi có người từng đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh Covid 19, và là nguyên nhân khiến xã này có nhiều người nhiễm bệnh nhất trong cả nước.

Trong những ngày gần đây, tại một số nơi xuất hiện tình trạng một số cơ sở dịch vụ lo sợ không dám đón khách từ Vĩnh Phúc vì sợ dịch bệnh lây lan.

Ông Hoàng nói ông mong muốn Chính quyền phải "tuyên truyền" tốt hơn cho người dân nơi khác hiểu đúng về tình trạng dịch bệnh để người xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc không bị kỳ thị :

"Việc tuyên truyền để cho mọi người hiểu về bệnh và thực trạng của địa phương thì dân sẽ hiểu ra vấn đề, sẽ suy nghĩ đúng để tránh được tình trạng kỳ thị".

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 17/02/2020

Published in Diễn đàn

Cải thiện điều kiện sống của nữ công nhân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, giúp họ hiểu được quyền lợi của người lao động và nâng cao kiến thức cơ bản về y tế-cộng đồng là mục tiêu của dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" được hai tổ chức phi chính phủ của Pháp, kết hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, triển khai. 

clb1

Trụ sở Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc.RFI tiếng Việt

Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh chuyển đổi cơ cấu nhanh nhất ở miền bắc Việt Nam. Từ một tỉnh hoạt động chủ yếu về nông nghiệp trong những năm 1990, hiện ngành công nghiệp-xây dựng vượt lên chiếm 54,8% cơ cấu kinh tế. Diện mạo của tỉnh không ngừng thay đổi nhờ thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2016, đã có 227 dự án đầu tư FDI đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,48 tỷ USD (theo cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc).

Số lượng các khu công nghiệp tăng mạnh đồng nghĩa với việc thu hút nguồn lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại đây. Lực lượng lao động này còn rất trẻ, thường tốt nghiệp trung học và đến từ các tỉnh lân cận như tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, trong đó khoảng 54% là phụ nữ.

Giúp cải thiện điều kiện sống của nữ công nhân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, giúp họ hiểu được quyền lợi của người lao động và nâng cao kiến thức cơ bản về y tế-cộng đồng là mục tiêu của dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" (gọi tắt là Dự án Phụ nữ) được Gret và Batik, hai tổ chức phi chính phủ của Pháp, kết hợp với Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, triển khai tại Vĩnh Phúc từ năm 2014 (song song với một dự án khác tại tỉnh Hải Dương với tổng ngân sách là 439.000 euro).

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1988, Gret chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực chống đói nghèo và bất bình đẳng bằng cách cung cấp các giải pháp bền vững và sáng tạo, thúc đẩy quyền của người lao động và nhiều dự án môi trường.

Từ năm 2001, Gret bắt đầu hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay đã gần 20 năm, theo giải thích với RFI tiếng Việt của chị Trần Thị Hương, cán bộ dự án tổ chức Gret :

"Hiện nay, Gret có hai dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc là dự án Phụ nữ và một dự án quản lý về rác thải sinh hoạt. Tất cả các dự án mà Gret làm đều có sự phối hợp với một đối tác địa phương. Trong khuôn khổ dự án Phụ nữ, Gret hợp tác với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc là đối tác chính, Gret còn hợp tác với một số cơ quan ban ngành khác thông qua việc mời họ làm cán bộ nguồn hỗ trợ cho hoạt động của dự án, như Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của tỉnh".

clb2

Văn phòng quản lý Dự án Phụ nữ, tỉnh Vĩnh Phúc. RFI tiếng Việt

Riêng tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), đến cuối năm 2016, dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" ở khu công nghiệp vùng ven đô đã thực hiện được ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, thành lập và tập huấn cho đội ngũ cán bộ nguồn gồm 30 người, là thành viên của các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh các kiến thức về pháp luật, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, kiến thức về kỹ năng mềm.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong các vấn đề luật pháp và quyền lợi, thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ tự quản. Hiện có khoảng 600 phụ nữ tham gia 15 câu lạc bộ trên toàn thành phố Vĩnh Yên. Thành viên ban chủ nhiệm do mỗi Câu lạc bộ bầu ra được đào tạo kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe và kỹ năng điều hành, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ.

Thứ ba, cải thiện điều kiện sống của nữ lao động trong tỉnh thông qua hình thức tài trợ cho một số chủ nhà để nâng cấp các khu nhà trọ. Đổi lại, mỗi chủ nhà trọ cam kết thành lập một câu lạc bộ tại khu nhà của họ.

Cả ba mục tiêu trên nhằm xây dựng khả năng quản lý và hoạt động độc lập cho đội ngũ cán bộ nguồn và thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ trong tương lai. Trong trường hợp dự án tạm ngừng, đội ngũ trên vẫn có thể tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi hoạt động.

clb3

Buổi sinh hoạt về chủ đề an toàn giao thông tại nhà ông Nguyễn Văn Thơ, Thành phố Vĩnh Yên. RFI tiếng Việt

Nâng cao nhận thức về quyền lợi thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ

Đúng 9 giờ tối, buổi sinh hoạt câu lạc bộ tại nhà ông Nguyễn Văn Thơ (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) (*), một trong số chủ nhà trọ tham gia dự án bắt đầu. Buổi sinh hoạt hôm nay có nhiều người tham dự hơn thường lệ vì nói về luật giao thông nên thu hút khá nhiều bạn nam tham gia. Như thường lệ, Linh, chủ nhiệm câu lạc bộ, bắt đầu bằng một trò chơi để giúp các thành viên thư giãn sau một ngày dài làm việc.

Bà Nguyễn Thị Vinh, nguyên ủy viên ban thường vụ, trưởng ban tổ chức Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc, thành viên ban điều phối dự án, giải thích rõ hơn về vai trò của các bạn trong ban chủ nhiệm, được cho là những người giữ lửa cho hoạt động của câu lạc bộ :

"Vai trò của các bạn ban chủ nhiệm câu lạc bộ là tuyên truyền, vận động các bạn đang sinh sống trong nhà trọ của mình tham gia sinh hoạt, từ 4 đến 6 tuần một lần, với chủ đề như tìm hiểu chính sách pháp luật, luật bảo hiểm xã hội, chính sách về tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ; hoặc về các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, như chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con, hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, các bạn còn giao lưu thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, hoặc giao lưu trò chuyện chia sẻ về cuộc sống, giúp nhau để ổn định cuộc sống và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của thành viên của các bạn trong câu lạc bộ"

clb4

Các thành viên Câu lạc bộ tham gia một trò chơi trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt. RFI tiếng Việt

Bản thân bà Nguyễn Thị Vinh cũng ngạc nhiên vì buổi sinh hoạt nói về chủ đề luật giao thông thu hút được nhiều người hơn thường lệ :

"Với đặc thù là các bạn công nhân đi làm ca, thường thường phải đến 8h30 mới sinh hoạt được vì các bạn đi là từ 7 giờ sáng đến 7 giờ 30 tối mới về đến nhà, cho nên các bạn thường sinh hoạt vào tối Chủ Nhật hoặc tối thứ Bẩy. Trong kỳ sinh hoạt thì các bạn phải thống nhất nội dung, thống nhất ngày, với mục đích là làm thế nào để có nhiều thành viên tham gia sinh hoạt. Tuy nhiên, với thời gian đi làm ca thì cũng có nhiều khó khăn, các bạn rất thiếu ngủ, vì đang tuổi thanh niên nữa.

Các bạn trong ban chủ nhiệm sẽ liên hệ với cán bộ phụ trách dự án Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh để chúng tôi mời báo cáo viên đến nói chuyện với các bạn".

Cải thiện điều kiện sống

Tổng cộng có 15 khu nhà trọ, mỗi nhà trọ có khoảng từ 60 đến 100 người thuê nhà, nhận được khoản hỗ trợ tài chính khoảng 8,5 đến 10 triệu đồng từ hai tổ chức Gret và Batik để nâng cấp cơ sở hạ tầng khu nhà. Hơn nữa, tổ chức Gret còn phối hợp với Hội Đồng Công Trình Xanh đến khảo sát, tư vấn cho các chủ nhà trọ để sửa chữa hoặc xây dựng nhà đáp ứng với tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Vinh nêu một số tiêu chí để chọn chủ nhà trọ tham gia dự án :

"Tiêu chí được chọn, thứ nhất là chủ nhà trọ đó phải có đông các bạn nữ lao động nhập cư đang trọ ở nhà mình. Một tiêu chí khác là phải thành lập được câu lạc bộ phụ nữ tự quản.

Ở đây chúng tôi cũng phối hợp với Gret đã hỗ trợ cải tạo được 15 khu nhà trọ. Thứ nhất, nâng cấp, cải tạo hay xây mái nhà cao lên và thay tấm lợp, trước đây là bằng proxi-măng, rất nóng. Một số nhà trọ nâng tường nhà lên và lợp bằng tấm lợp tôn cách nhiệt ; đi khảo sát để giúp các chủ nhà trọ lát lại nền nhà vệ sinh, ốp nền nhà vệ sinh hoặc nâng cấp lối đi ở trong khu nhà trọ, cũng có thể là khơi thông cống rãnh, làm lại hệ thống cống rãnh thoát nước giúp cho các em công nhân thuận tiện hơn về sinh hoạt, về nước, về điện, về nhà ở và nhất là công trình vệ sinh công cộng".

clb5

Một ngôi nhà được nâng cao tường và thay mái chống nóng. RFI tiếng Việt

Khu nhà của ông Nguyễn Văn Thơ có 40 phòng, với khoảng 60 người thuê nhà, nhận được 8 triệu đồng từ dự án. Ông Thơ cho biết đây không phải là khoản tiền lớn so với tổng chi phí cải tạo, nhưng là một nguồn động viên đối với gia đình :

"Nhà trọ cũng mới thôi, từ khi có Gret về thì có hỗ trợ khoản sân hay là cống rãnh nước thải, nâng cấp nền nhà, trước lát bằng xi-măng giờ lát bằng gạch hoa. Gret và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh chịu một nửa chi phí, chủ nhà chịu một nửa nhưng một nửa đó không ăn thua, có hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng, còn nhà mình phải bỏ ra 20 triệu. Nhưng mình cũng cố gắng, đây là một nguồn động viên hỗ trợ, chứ đừng đòi hỏi gì cả, không có cũng phải làm. Chúng tôi làm nhà trọ ở nên cũng phải làm hài hòa, làm sao cho tốt thì công nhân mới ở, không hài hòa thì họ đi nhà khác luôn".

Thu Hằng

(*) Khu công nghiệp Khai Quang - nằm gần thành phố Vĩnh Yên - là một trong số 13 khu công nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Vĩnh Phúc và nằm trong số 4 khu lớn nhất. Vĩnh Yên là thủ phủ kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của Vĩnh Phúc, kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997.

Published in Việt Nam