Cải thiện điều kiện sống của nữ công nhân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, giúp họ hiểu được quyền lợi của người lao động và nâng cao kiến thức cơ bản về y tế-cộng đồng là mục tiêu của dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" được hai tổ chức phi chính phủ của Pháp, kết hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, triển khai.
Trụ sở Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc.RFI tiếng Việt
Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh chuyển đổi cơ cấu nhanh nhất ở miền bắc Việt Nam. Từ một tỉnh hoạt động chủ yếu về nông nghiệp trong những năm 1990, hiện ngành công nghiệp-xây dựng vượt lên chiếm 54,8% cơ cấu kinh tế. Diện mạo của tỉnh không ngừng thay đổi nhờ thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2016, đã có 227 dự án đầu tư FDI đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,48 tỷ USD (theo cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc).
Số lượng các khu công nghiệp tăng mạnh đồng nghĩa với việc thu hút nguồn lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại đây. Lực lượng lao động này còn rất trẻ, thường tốt nghiệp trung học và đến từ các tỉnh lân cận như tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, trong đó khoảng 54% là phụ nữ.
Giúp cải thiện điều kiện sống của nữ công nhân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, giúp họ hiểu được quyền lợi của người lao động và nâng cao kiến thức cơ bản về y tế-cộng đồng là mục tiêu của dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" (gọi tắt là Dự án Phụ nữ) được Gret và Batik, hai tổ chức phi chính phủ của Pháp, kết hợp với Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, triển khai tại Vĩnh Phúc từ năm 2014 (song song với một dự án khác tại tỉnh Hải Dương với tổng ngân sách là 439.000 euro).
Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1988, Gret chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực chống đói nghèo và bất bình đẳng bằng cách cung cấp các giải pháp bền vững và sáng tạo, thúc đẩy quyền của người lao động và nhiều dự án môi trường.
Từ năm 2001, Gret bắt đầu hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay đã gần 20 năm, theo giải thích với RFI tiếng Việt của chị Trần Thị Hương, cán bộ dự án tổ chức Gret :
"Hiện nay, Gret có hai dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc là dự án Phụ nữ và một dự án quản lý về rác thải sinh hoạt. Tất cả các dự án mà Gret làm đều có sự phối hợp với một đối tác địa phương. Trong khuôn khổ dự án Phụ nữ, Gret hợp tác với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc là đối tác chính, Gret còn hợp tác với một số cơ quan ban ngành khác thông qua việc mời họ làm cán bộ nguồn hỗ trợ cho hoạt động của dự án, như Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của tỉnh".
Văn phòng quản lý Dự án Phụ nữ, tỉnh Vĩnh Phúc. RFI tiếng Việt
Riêng tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), đến cuối năm 2016, dự án "Hòa nhập Kinh tế-Xã hội Phụ nữ" ở khu công nghiệp vùng ven đô đã thực hiện được ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, thành lập và tập huấn cho đội ngũ cán bộ nguồn gồm 30 người, là thành viên của các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh các kiến thức về pháp luật, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, kiến thức về kỹ năng mềm.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong các vấn đề luật pháp và quyền lợi, thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ tự quản. Hiện có khoảng 600 phụ nữ tham gia 15 câu lạc bộ trên toàn thành phố Vĩnh Yên. Thành viên ban chủ nhiệm do mỗi Câu lạc bộ bầu ra được đào tạo kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe và kỹ năng điều hành, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ.
Thứ ba, cải thiện điều kiện sống của nữ lao động trong tỉnh thông qua hình thức tài trợ cho một số chủ nhà để nâng cấp các khu nhà trọ. Đổi lại, mỗi chủ nhà trọ cam kết thành lập một câu lạc bộ tại khu nhà của họ.
Cả ba mục tiêu trên nhằm xây dựng khả năng quản lý và hoạt động độc lập cho đội ngũ cán bộ nguồn và thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ trong tương lai. Trong trường hợp dự án tạm ngừng, đội ngũ trên vẫn có thể tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi hoạt động.
Buổi sinh hoạt về chủ đề an toàn giao thông tại nhà ông Nguyễn Văn Thơ, Thành phố Vĩnh Yên. RFI tiếng Việt
Nâng cao nhận thức về quyền lợi thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ
Đúng 9 giờ tối, buổi sinh hoạt câu lạc bộ tại nhà ông Nguyễn Văn Thơ (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) (*), một trong số chủ nhà trọ tham gia dự án bắt đầu. Buổi sinh hoạt hôm nay có nhiều người tham dự hơn thường lệ vì nói về luật giao thông nên thu hút khá nhiều bạn nam tham gia. Như thường lệ, Linh, chủ nhiệm câu lạc bộ, bắt đầu bằng một trò chơi để giúp các thành viên thư giãn sau một ngày dài làm việc.
Bà Nguyễn Thị Vinh, nguyên ủy viên ban thường vụ, trưởng ban tổ chức Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Vĩnh Phúc, thành viên ban điều phối dự án, giải thích rõ hơn về vai trò của các bạn trong ban chủ nhiệm, được cho là những người giữ lửa cho hoạt động của câu lạc bộ :
"Vai trò của các bạn ban chủ nhiệm câu lạc bộ là tuyên truyền, vận động các bạn đang sinh sống trong nhà trọ của mình tham gia sinh hoạt, từ 4 đến 6 tuần một lần, với chủ đề như tìm hiểu chính sách pháp luật, luật bảo hiểm xã hội, chính sách về tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ; hoặc về các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, như chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con, hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, các bạn còn giao lưu thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, hoặc giao lưu trò chuyện chia sẻ về cuộc sống, giúp nhau để ổn định cuộc sống và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của thành viên của các bạn trong câu lạc bộ"
Các thành viên Câu lạc bộ tham gia một trò chơi trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt. RFI tiếng Việt
Bản thân bà Nguyễn Thị Vinh cũng ngạc nhiên vì buổi sinh hoạt nói về chủ đề luật giao thông thu hút được nhiều người hơn thường lệ :
"Với đặc thù là các bạn công nhân đi làm ca, thường thường phải đến 8h30 mới sinh hoạt được vì các bạn đi là từ 7 giờ sáng đến 7 giờ 30 tối mới về đến nhà, cho nên các bạn thường sinh hoạt vào tối Chủ Nhật hoặc tối thứ Bẩy. Trong kỳ sinh hoạt thì các bạn phải thống nhất nội dung, thống nhất ngày, với mục đích là làm thế nào để có nhiều thành viên tham gia sinh hoạt. Tuy nhiên, với thời gian đi làm ca thì cũng có nhiều khó khăn, các bạn rất thiếu ngủ, vì đang tuổi thanh niên nữa.
Các bạn trong ban chủ nhiệm sẽ liên hệ với cán bộ phụ trách dự án Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh để chúng tôi mời báo cáo viên đến nói chuyện với các bạn".
Cải thiện điều kiện sống
Tổng cộng có 15 khu nhà trọ, mỗi nhà trọ có khoảng từ 60 đến 100 người thuê nhà, nhận được khoản hỗ trợ tài chính khoảng 8,5 đến 10 triệu đồng từ hai tổ chức Gret và Batik để nâng cấp cơ sở hạ tầng khu nhà. Hơn nữa, tổ chức Gret còn phối hợp với Hội Đồng Công Trình Xanh đến khảo sát, tư vấn cho các chủ nhà trọ để sửa chữa hoặc xây dựng nhà đáp ứng với tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Vinh nêu một số tiêu chí để chọn chủ nhà trọ tham gia dự án :
"Tiêu chí được chọn, thứ nhất là chủ nhà trọ đó phải có đông các bạn nữ lao động nhập cư đang trọ ở nhà mình. Một tiêu chí khác là phải thành lập được câu lạc bộ phụ nữ tự quản.
Ở đây chúng tôi cũng phối hợp với Gret đã hỗ trợ cải tạo được 15 khu nhà trọ. Thứ nhất, nâng cấp, cải tạo hay xây mái nhà cao lên và thay tấm lợp, trước đây là bằng proxi-măng, rất nóng. Một số nhà trọ nâng tường nhà lên và lợp bằng tấm lợp tôn cách nhiệt ; đi khảo sát để giúp các chủ nhà trọ lát lại nền nhà vệ sinh, ốp nền nhà vệ sinh hoặc nâng cấp lối đi ở trong khu nhà trọ, cũng có thể là khơi thông cống rãnh, làm lại hệ thống cống rãnh thoát nước giúp cho các em công nhân thuận tiện hơn về sinh hoạt, về nước, về điện, về nhà ở và nhất là công trình vệ sinh công cộng".
Một ngôi nhà được nâng cao tường và thay mái chống nóng. RFI tiếng Việt
Khu nhà của ông Nguyễn Văn Thơ có 40 phòng, với khoảng 60 người thuê nhà, nhận được 8 triệu đồng từ dự án. Ông Thơ cho biết đây không phải là khoản tiền lớn so với tổng chi phí cải tạo, nhưng là một nguồn động viên đối với gia đình :
"Nhà trọ cũng mới thôi, từ khi có Gret về thì có hỗ trợ khoản sân hay là cống rãnh nước thải, nâng cấp nền nhà, trước lát bằng xi-măng giờ lát bằng gạch hoa. Gret và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh chịu một nửa chi phí, chủ nhà chịu một nửa nhưng một nửa đó không ăn thua, có hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng, còn nhà mình phải bỏ ra 20 triệu. Nhưng mình cũng cố gắng, đây là một nguồn động viên hỗ trợ, chứ đừng đòi hỏi gì cả, không có cũng phải làm. Chúng tôi làm nhà trọ ở nên cũng phải làm hài hòa, làm sao cho tốt thì công nhân mới ở, không hài hòa thì họ đi nhà khác luôn".
Thu Hằng
(*) Khu công nghiệp Khai Quang - nằm gần thành phố Vĩnh Yên - là một trong số 13 khu công nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Vĩnh Phúc và nằm trong số 4 khu lớn nhất. Vĩnh Yên là thủ phủ kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của Vĩnh Phúc, kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997.