Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chất men bóng đá, bài học cho lãnh đạo Việt Nam trong những đô thị thiếu tính người

Ngay bây giờ tại Thái Lan, đội U23 bóng đá Việt Nam đang thi đấu trên sân Buriram, trong vòng chung kêt U23 Châu Á. Hôm nay cũng là 16 tháng chạp ở Việt Nam. Tết nguyên đán đã vào tận cổng. Nên trong cái tất bật cuống cuồng của dân Việt những ngày giáp tết, trận bóng đá này giống như một ly rượu mạnh rót thêm trên bàn tiệc thịnh soạn. Người ta cuống quýt chạy về nhà hoặc réo nhau tấp vào các quán bia, quán cà phê hò hét theo dõi trận bóng. Các nẻo đường Sài Gòn đã náo nhiệt còn náo nhiệt gấp mười lần ngày thường.

men1

Hình minh họa. Người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở SeaGames năm 2019 - Hình do tác giả cung cấp

Cách đây đúng một tháng, vào ngày 11/12/2019, sau khi tuyển U22 Việt Nam thắng Indonesia trong chung kết SeaGames, giành huy chương vàng lần thứ hai sau 60 năm, tôi cũng rời công ty, ra đường để về nhà. Nhưng tôi cố ý chọn một lộ trình vòng vèo và dài hơn thường khi, qua những tuyến đường trung tâm để ngắm nghía không khí ăn mừng của dân Sài Gòn.

Và tôi đã thấy gì :

- Những dòng người chạy xe dừng sát vào dải phân cách, bên kia một dòng người chạy ngược chiều thật chậm, hai bên chìa tay ra hết cỡ đập vào nhau phấn khích.

- Tất cả mọi người đều cười với nhau. Chưa bao giờ trên đường phố những người xa lạ có thể bắt chuyện với nhau dễ dàng và tự nhiên như thế.

men2

Người dân Việt Nam xem bóng đá ở ngoài quán Hình do tác giả cung cấp

- Một anh xe ôm đang ngồi nhậu cùng bạn bè trên lề đường ngắm không khí bão bóng đá, hỏi tôi có muốn qua đường không, anh ấy đưa qua.

- Một cô gái dắt chiếc xe máy đi trên lề. Anh lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 đang đậu xe gần đó hỏi cô ấy xe bị gì, có cần anh ấy xem giùm hoặc đẩy phụ đến chỗ sửa không.

- Một anh chàng phi xe máy đến, quẳng vội nó ra một góc lề đường, rồi vụt ra giữa ngã tư đang dày đặc dòng người đỏ chói từ bốn hướng, phất cao lá cờ nhảy múa.

- Một chị gái áo quần lam lũ mua hết quả pháo hoa nọ đến quả pháo hoa kia nhảy múa giữa dòng người. Trông chị có lẽ là người phụ quán giải khát ở ngã tư Cách mạng tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai. Giá một quả pháo hoa không đắt nhưng cũng không rẻ, và ngày thường chị ấy chắc sẽ phải tính toán giật một quả pháo hoa cho vui hay dành số tiền đó cho một bữa ăn.

- Một chiếc xe bán tải cỡ lớn chở hàng bị kẹt đến nửa tiếng giữa ngã tư. Năm bảy chàng trai cầm cờ và thổi kèn tiến đến, nhảy lên thùng xe, trèo lên nóc, nhảy nhót, vẫy cờ, thổi kèn và hô vang "Việt Nam vô địch". Anh lái xe chỉ mải miết cầm điện thoại quay phim. Anh phụ xe cởi trần ngồi chồm một nửa ra cửa ngắm dòng người, khuôn mặt bình thản mặc cho chiếc xe kẹt cứng giữa đường đến 30 phút.

Tôi thấy một chàng trai cột chiếc băng đỏ trên đầu, hăng say gõ chiếc khay inox úp ngược làm trống bên ngã tư. Khi chiếc que trúc đập gõ nhiều quá tướp ra như mành mành, một chàng thanh niên khác ở đâu không biết chạy ra dúi vô tay anh chàng kia chiếc vá inox để thay thế. Xong đứng bên cạnh thổi kèn toe toe.

men3

Người dân Việt Nam cổ vũ bóng đá Hình do tác giả cung cấp

Tôi thấy những anh cảnh sát giao thông mỉm cười đứng nhìn dòng người dày đặc, khuôn mặt không căng thẳng hay mỏi mệt như thường thấy. Tôi thấy những cô gái đi một mình tiến đến đứng gần các anh cảnh sát đó cùng ngắm đường phố cuồng nhiệt, có lẽ để được yên tâm hơn. Cảnh này, bình thường khó thấy vì cảnh sát Việt Nam hay bị ghét và coi thường.

Tôi thấy những người xa lạ cùng nhau nhảy múa giữa đường.

Tôi ngắm những nụ cười hết cỡ, những cái đập tay, những tiếng reo hò chung quanh.

Và tôi hiểu ra, không phải niềm phấn khích vì một trận bóng đá thắng cuộc khiến đông đảo người dân Việt Nam tưng bừng đến thế. Chúng ta cần lắm không khí thân thiết, vui tươi, phấn khích, bình đẳng này. Nó mới chính là cái những người sống ở thành thị khao khát quá, thiếu thốn quá từ lâu, và dường như chỉ trong những trận bóng đá Việt Nam thắng lợi họ mới có một dịp để tự do bung tỏa.

Vì, bạn ơi, thành thị Việt Nam từ rất lâu nay quá thiếu tính người. Người người bịt kín khẩu trang đi trên phố không ai nhìn ai. Vào thang máy chung một tòa nhà cũng chỉ nín lặng đứng cạnh nhau, không một nụ cười hay tiếng chào. Dù Sài Gòn vẫn được tiếng là thân thiện dễ gần, nhưng vẫn chỉ trong những nhóm nhỏ hoặc khi những khi bạn cần giúp đỡ, còn nói chung vẫn xa cách, lạnh lẽo, dè chừng. Hàng xóm ở cạnh chục năm không biết tên nhau, và nhà nào nhà nấy rào thép gai chi chít.

Đó là do từ quá lâu nay chúng ta buộc phải sống trong những môi trường cạn kiệt niềm tin. Người lớn dặn con "đừng tin ai ngoài người thân". Đồng nghiệp bốn năm năm chỉ biết tên và vị trí công việc. Bạn bè thân thiết quanh quẩn ở những người chơi với nhau từ thuở mặc quần thủng đít… Chúng ta vô cùng thiếu những kết nối xã hội. Xã hội Việt Nam thì chưa được thiết kế và cấu trúc một cách căn cơ để phát triển những sân chơi nhằm thiết lập mối quan hệ cộng đồng. Chúng ta thiếu thiên nhiên, thiếu những bãi cỏ, rừng cây, bờ sông… để những người xa lạ nhìn thấy và trò chuyện cùng nhau. Thiếu những hoạt động cộng đồng vô vị lợi trên quy mô lớn và thường xuyên. Vô cùng thiếu không gian xã hội để chúng ta không cảm thấy cô đơn.

men4

Một người bán hàng trên phố cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam Hình do tác giả cung cấp

Giữa môi trường có quá nhiều lo sợ và cảnh giác bủa vây, khát khao kết nối và được tin ở người khác càng mãnh liệt. Chỉ là sống quen trong đó, chúng ta phải cố bồi đắp những bức tường để tự bảo vệ bản thân nhưng nhất thời không ý thức ra điều đó.

Do vậy, những dịp hiếm hoi như thế này là để người dân bù đắp cảm xúc, tìm một khoảnh khắc giao hòa và vui sướng chung, tìm chút cân bằng cho đời sống.

Chỉ trong những đêm bóng đá-không phải vô cớ bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua- người người mới tự quẳng bỏ hết dè chừng và nghi ngại, dám sát lại với nhau trong cùng một chia sẻ vô tư.

Đó là một giá trị khác của những thành tích thi đấu thể thao đỉnh cao mà có lẽ các ngôi sao bóng đá cũng không biết đến.

Những dịp này cũng là cơ hội vàng cho các nhà chính trị và quản lý của Việt Nam quan sát và định hướng cấu trúc xã hội.

Khoảng hơn 20 năm trước, cũng trong một dịp bóng đá Việt Nam chiến thắng như hôm nay, chúng tôi- những thanh niên mới hơn 20 tuổi, cũng như mọi thanh niên hôm nay, hẹn hò rộn ràng từ sớm, xem bóng thì ít mà kiếm cớ tụ lại với nhau thì nhiều, cùng la hét, rồi cầm cờ, nhặt vội cái nồi, lao ra đường chen lấn vào đám đông, gõ ầm ĩ và reo hò khản giọng như hôm nay, như tất cả những dịp tương tự. Một niềm vui chung không cần lý giải, một niềm tự hào không cần nói rõ căn nguyên.

Nhưng cũng từ hơn 20 năm trước cho đến tận giờ, ở Việt Nam vẫn không có hoạt động nào của tổ chức xã hội nào có thể lôi kéo người dân tham gia tưng bừng đến vậy. Không có những dịp nào người dân tự nguyện phất cao cờ tổ quốc và hăng say hô vang hai tiếng Việt Nam đến vậy. Tràn trề và cảm động biết bao !

Hôm nay lại là một trận bóng nữa. Những nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhân những dịp này để quan sát và nghiền ngẫm thật kỹ. Hãy biết ơn người dân. Trong một xã hội mà sự thờ ơ, vị kỷ, cá nhân đã trở thành những chân lý sống an toàn, thì chất men rừng rực kia nếu được cấy vào một môi trường thực sự đặt quyền lợi nhân dân lên hàng đầu như những gì chính phủ Việt Nam vẫn kêu gọi nhiều năm nay, sẽ giúp kết nối người dân, khơi dậy những động lực tiềm tàng giúp mang lại những đổi thay sâu sắc hơn mà chúng ta mong ước.

Vũ Ngọc Mai

Nguồn : RFA, 10/01/2020

Published in Diễn đàn

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam có cái tên rất dài là "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nó được ban hành vào tháng 10/2016.

nghiquyet1

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Nghị quyết này là cẩm nang của các đảng viên, được xem là cơ sở, căn cứ nền tảng để dựa vào đó đảng viên thực hiện các hoạt động đặc thù như "phê bình" và "tự phê bình", chấn chỉnh nội bộ. Nhưng sau ba năm từ ngày ban hành, xem ra nó cũng đi vào con đường giống hầu hết các chính sách khác về chống tham nhũng của Việt Nam. Tức là không hiệu lực.

Nguyên nhân thì cũng y chang các "chính sách giấy". Đó là do các giải pháp đề ra trong đó đã không đụng chạm đến phần cốt lõi, nguyên lý nền tảng tạo nên tham nhũng.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được chia làm 4 phần gồm : Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình ; Về cơ chế, chính sách ; Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị. Mỗi phần có từ 5 đến 10 mục nhỏ quy định chi tiết từng việc một.

"Nói một đằng làm một nẻo"

Phần 1 về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình dài nhất với 10 nhóm giải pháp nhỏ, được xếp đầu tiên trong 4 phần. Có lẽ do chính trị tư tưởng được đánh giá là quan trọng nhất với đảng viên.

Quan trọng nhất của quan trọng là nhóm 1 là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trên nền tảng này, các giải pháp tiếp theo đều nhắm vào việc bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị qua việc dạy, học (bắt buộc hàng năm), khuyến khích nghiên cứu, phát triển tư duy lý luận, đề ra mô hình dạy-học mới, nắm diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên... để thấm nhuần quan điểm và tư tưởng của đảng.

Nhưng, đối mặt với cả một hệ thống các khuyết điểm trầm trọng của cán bộ đảng viên mà chính Nghị quyết này đã nêu ở phần đầu, gồm : không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ lấy lòng nhau hoặc vu khống bôi nhọ người khác ; nói một đằng làm một nẻo, hứa nhiều làm ít ; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, ganh ghét, đố kỵ ; giả dối, hình thức, trục lợi ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu ; lợi dụng quyền lực cấu kết với doanh nghiệp hoặc đối tượng khác để trục lợi ; trực tiếp tham nhũng hoặc dung túng, tiếp tay cho tham nhũng…. thì các giải pháp nêu ra lại rất mơ hồ và không trọng tâm.

Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu "tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế ; chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương xử lý…".

nghiquyet2

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 - Ảnh minh họa

Nhưng, thực tế nhiều năm qua, đặc biệt năm 2019 với biệt hiệu "lò cụ Trọng", những đảng viên gây ra tổn thất lớn nhất cho đất nước lại chính là những quan chức cao cấp nhất. Năm 2019 mới liệt kê sơ đã có 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 Uỷ viên Trung ương Đảng, 14 là nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một cựu Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 cựu Bí thư Tỉnh ủy, 17 tướng lĩnh ; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tổng cộng có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019. Trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018 (trích báo cáo của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng công bố tại phiên họp ngày 26/7/2019).

70 cán bộ cao cấp đứng đầu hẳn đã được bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận chính trị cũng như thể hiện niềm tin chính trị nhiều, dày, kiên định và vững chắc hơn hẳn những đảng viên mới hoặc không chức không quyền khác. Vậy tại sao họ vẫn vi phạm kỷ luật đảng ? Không những vi phạm kỷ luật mà còn phạm tội nghiêm trọng một cách tinh vi, có hệ thống và lâu dài ?

Như thế, rõ ràng lý luận chính trị không phải là hành lang quyền lực bắt buộc đảng viên tuân thủ kỷ luật đảng. Việc đảng đổ tiền của vào để tăng dày đặc số lớp học, nghiên cứu, "mài sắc"… cho hàng triệu đảng viên chỉ gây thêm tốn kém và lãng phí tiền của đất nước.

"Anh ơi anh đừng tham nhũng nữa nhé"

Trong ba nhóm nhiệm vụ bắt buộc khác để bổ trợ cho các giải pháp tăng cường lý luận chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 buộc cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, khắc phục tình trạng quan liêu ; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở ; Lập ra quy chế đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả thực hiện cam kết giữ gìn phẩm chất đảng viên và sự nêu gương của lãnh đạo, quản lý.

Dễ thấy rằng ba nhóm nhiệm vụ này lại tiếp tục lờ mờ, cảm tính và chắc chắn tiếp tục vô hiệu lực. Đó là vì tất cả chúng đều được xây dựng trên nền tảng ý thức chủ quan của người thực hiện.

Giới nghiên cứu dùng nhiều bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một chính sách. Trong đó, bộ tiêu chí ROCCIPI được dùng nhiều do phân tích được nhiều yếu tố tác động căn bản đến quy trình xây dựng một chính sách. ROCCIPI là viết tắt từ chữ cái đầu của các chữ : Rule (luật lệ) ; Oppoturnity (cơ hội) ; Capacity (năng lực) ; Communication (truyền thông, thông đạt) ; Interest (lợi ích) ; Process (quy trình) và Ideology (ý thức hệ). Chỉ khi đạt được cân bằng giữa các yếu tố này, một chính sách mới có hiệu quả và thực thi.

Thử dùng ROCCIPI để phân tích nhóm giải pháp nêu trên của Nghị quyết, dễ thấy nhóm giải pháp này chỉ tập trung vào khâu cuối Ideology ; tác động, thay đổi ý thức chủ quan của người bị tác động. Nhưng đã là con người thì mặc nhiên có sai lầm, có tâm lý che giấu sai lầm, có tâm lý thích được khen ngợi, có tâm lý thích việc dễ và nhiều lợi ích, ghét việc khó. Sống thoải mái theo ý thích cá nhân thì vui sướng hơn nhiều việc phải nghiêm ngắn làm tấm gương cho ai. Lấy Ideology làm nền tảng xây dựng một chủ trương, rõ ràng là bất khả.

Đó là nói về tâm lý cá nhân.

Đánh giá về phong cách làm việc khoa học cũng mơ hồ không kém. Thế nào là phong cách làm việc khoa học ? Cả trăm năm nay những nhà nghiên cứu phương pháp quản lý giỏi nhất thế giới đề ra phương pháp ISO (tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế) rồi nâng cấp nó liên tục mà vẫn chưa thể hoàn thiện 100%, vậy thì đảng lấy tiêu chí nào để đánh giá tính khoa học trong phong cách làm việc ? Sao không áp dụng luôn ISO vào cho nhanh chóng và đỡ tốn kém ?

Những việc làm cụ thể như xây dựng quy trình phê bình và tự phê bình, cam kết, nêu gương, cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự và chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, hoàn thiện phong cách làm việc khoa học, đừng quan liêu nữa… cũng đều không thể thực hiện.

nghiquyet3

Một công nhân đang chăm vườn hoa ngay trước tấm biển chào mừng đại hội đảng ở Hà Nội hôm 8/1/2016  - Ảnh minh họa

Vì nó chỉ là một tập hợp các tiêu chí có tính ước ao mong muốn của người soạn thảo nghị quyết.

Mong muốn thì rõ ràng là chủ quan : nếu tôi yêu anh, tôi sẽ gắng đáp ứng mong muốn của anh cho anh vui lòng. Không yêu thì mặc xác. Không ai có nghĩa vụ hoàn thành mong muốn của người khác cả, đảng viên thì cũng thế ! Nhất là họ lại luôn được đặt trước vô vàn cám dỗ để đi ngược lại mong muốn của các vị thánh viết ra luật, ngồi trong tháp ngà, mơ màng ngắm từng đám mây hồng trôi lững lờ ra cửa sổ. Và nếu đói, chỉ bấm nút thì Thạch Sanh xuất hiện.

Nghị quyết là một bộ luật nội bộ của đảng, nếu không có tiêu chuẩn rõ ràng và cụ thể thì chỉ là nói suông.

Riêng phần này, bộ phận soạn thảo kỷ luật Đảng nên học tập cái thước đo đơn giản mà các phòng vé xe đò áp dụng với hành khách : trên 12 tuổi buộc phải mua vé, dưới 12 tuổi thì không.

May ra tránh khỏi tình trạng các đảng viên "đầu đội chủ trương, vai mang nghị quyết" mà cứ nối nhau nườm nượp vào tù.

Vũ Ngọc Mai

Nguồn : RFA, 09/12/2019

Published in Diễn đàn

Bản nghị quyết Trung ương 4 – Khóa 12 được ký ban hành vào ngày 30/10/2016, ngay sau đó được đăng nguyên văn trên một số báo chí trong nước như báo Tuổi Trẻ, và trên các trang web của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi xin gửi lời khen ngợi chân thành đến những người soạn thảo phần về các biểu hiện yếu kém, suy thoái của đảng viên trong Nghị quyết này. Đây có thể gọi là thống kê khách quan, chính xác, súc tích và đầy đủ nhất về các đặc điểm tiêu cực của những đảng viên có chức quyền. Đặc biệt, so với trên các mặt báo chính thống, ngôn ngữ phê phán trong bản Nghị quyết thẳng thừng tuyệt đối. Thì chính trong nhà phát ngôn nên không phải phải xoắn não tìm cách nói giảm, nói tránh. Đấy là điều vô cùng thú vị.

nghiquyet1

Hình minh họa. Đại biểu dự Đại hội Đảng ở Hà Nội đang hát tại lễ bế mạc hôm 28/1/2016 - AFP

Xin trích nguyên văn cho quý vị một số nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi đã giản lược để lại ý chính và sắp xếp lại cho dễ đọc.

Phần nói chung, Nghị quyết nói rõ : "Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Những hạn chế khuyết điểm đó là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu".(Lời bình của người viết : Vô cùng hoan nghênh thái độ khách quan, nhận định như thế là dũng cảm).

222222222222222

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ có nội dung Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa 12 - Courtesy of Tuổi Trẻ

Nguyên nhân chủ quan được thống kê gồm : (…) tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế. Một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi và chế tài xử lý

(Lời bình của người viết : ta có thể gọi tắt là chém gió).

"Việc xử lý cán bộ đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Đánh giá, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng ; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức".

"Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới". Chưa có cơ chế bảo vệ người đấu tranh phê bình. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng".

(Lời bình của người viết : trời ơi xuất sắc ; nếu không phải người ở trong bụng nói ra thì cứ tưởng phê bình và tự phê bình vẫn còn là vũ khí chiến lược ghê lắm !).

Về các biểu hiện sai trái của cá nhân các đảng viên, bản Nghị quyết liệt kê :

Trong đời sống cá nhân thì :

"Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Kê khai tài sản thu nhập không trung thực".

Trong công việc thì :

"Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu".

(Lời bình của người viết : dân gian gọi là nói dối, ba xạo, múa mép, ba voi không được bát nước xáo. Thời thượng và bình dân gọi là XXXXL, tức là xạo đến đẳng cấp cực đại. Này tôi hỏi thật : bạn đang nghĩ gì thế ?)

"Tham vọng chức quyền, kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh".

(Lời bình của người viết : Xuất sắc ! Xuất sắc ! Xuất sắc !)

"Tư duy nhiệm kỳ", chỉ giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không có đủ tiêu chuẩn điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hoặc sắp xếp họ vào nơi có nhiều lợi ích".

(Lời bình của người viết : Dân gian gọi cái nơi tập trung người nhà lãnh đạo vào để kế nhiệm hoặc giữ chức thơm là "Vườn trẻ Trung ương", rất chi là phát triển bền vững)

"Gây mất đoàn kết nội bộ hoặc đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ".

Biểu hiện ra ngoài thì :

"Kê khai tài sản thu nhập không trung thực".

(Lời bình của người viết : Chắc tài sản ít lắm, nghèo quá sợ nhân dân biết thì làm xấu mặt tập thể, nên phải khai khống lên cho người ta tưởng mình giàu. Càng nghĩ càng thương lắm).

"Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi (nghe quen lắm, mà từ lâu lắm) chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, "chạy thành tích", chạy khen thưởng, chạy danh hiệu".

(Lời bình của người viết : Tính ra làm quan không dễ, vừa "giấu", vừa "thổi", vừa "đánh bóng", vừa "tranh", vừa"chạy" các thể loại hộc xì dầu. Gấp tỷ lần vận động viên các môn phối hợp.)

"Quan liêu, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân". 

(Lời bình của người viếtRơi nước mắt. Tôi muốn tặng bằng khen cho người viết câu này)

"Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính ngân sách, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, sử dụng tài sản công vượt quy định, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động".

"Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng trục lợi".

(Lời bình của người viết : "Chạy" rời cả chân đến khi cờ vào tay lại bảo phải làm quan thanh liêm ư ; đời có cái lý nào như thế !)

----

Tóm lại, tôi xin khuyến cáo toàn dân hãy dành thời gian để đọc kỹ và thấm thía bản Nghị quyết này. Xin dành lòng kính phục cho sự am hiểu sâu sắc và thẳng thắn của người soạn thảo.

Cuối cùng, xin hỏi một câu nho nhỏ : Tại sao các đảng viên thối nát, bần tiện, hèn hạ, bỉ ổi đến như thế đảng không giữ lại để "chỉnh" và "đốn", lại cứ một mực đưa ra nhân dân ? Chúng tôi có đẻ ra họ đâu ! Những cái tác nhân thối rữa ấy ra báo hại nhân dân chúng tôi thì ai chịu trách nhiệm ?

Vũ Ngọc Mai

Nguồn : RFA, 06/12/2019

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/toan-van-nghi-quyet-trung-uong/04/khoa-xii-1211059.htm

https://www.moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/van-ban-chi-dao/toan-van-nghi-quyet-trung-uong/04/khoa-xii-38020.html

Published in Diễn đàn