Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2019

Không bản "luận tội" đảng viên nào chính xác bằng Nghị quyết Trung ương 4 - khóa 12

Vũ Ngọc Mai

Bản nghị quyết Trung ương 4 – Khóa 12 được ký ban hành vào ngày 30/10/2016, ngay sau đó được đăng nguyên văn trên một số báo chí trong nước như báo Tuổi Trẻ, và trên các trang web của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi xin gửi lời khen ngợi chân thành đến những người soạn thảo phần về các biểu hiện yếu kém, suy thoái của đảng viên trong Nghị quyết này. Đây có thể gọi là thống kê khách quan, chính xác, súc tích và đầy đủ nhất về các đặc điểm tiêu cực của những đảng viên có chức quyền. Đặc biệt, so với trên các mặt báo chính thống, ngôn ngữ phê phán trong bản Nghị quyết thẳng thừng tuyệt đối. Thì chính trong nhà phát ngôn nên không phải phải xoắn não tìm cách nói giảm, nói tránh. Đấy là điều vô cùng thú vị.

nghiquyet1

Hình minh họa. Đại biểu dự Đại hội Đảng ở Hà Nội đang hát tại lễ bế mạc hôm 28/1/2016 - AFP

Xin trích nguyên văn cho quý vị một số nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi đã giản lược để lại ý chính và sắp xếp lại cho dễ đọc.

Phần nói chung, Nghị quyết nói rõ : "Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Những hạn chế khuyết điểm đó là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu".(Lời bình của người viết : Vô cùng hoan nghênh thái độ khách quan, nhận định như thế là dũng cảm).

222222222222222

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ có nội dung Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa 12 - Courtesy of Tuổi Trẻ

Nguyên nhân chủ quan được thống kê gồm : (…) tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế. Một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi và chế tài xử lý

(Lời bình của người viết : ta có thể gọi tắt là chém gió).

"Việc xử lý cán bộ đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Đánh giá, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng ; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức".

"Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới". Chưa có cơ chế bảo vệ người đấu tranh phê bình. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng".

(Lời bình của người viết : trời ơi xuất sắc ; nếu không phải người ở trong bụng nói ra thì cứ tưởng phê bình và tự phê bình vẫn còn là vũ khí chiến lược ghê lắm !).

Về các biểu hiện sai trái của cá nhân các đảng viên, bản Nghị quyết liệt kê :

Trong đời sống cá nhân thì :

"Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Kê khai tài sản thu nhập không trung thực".

Trong công việc thì :

"Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu".

(Lời bình của người viết : dân gian gọi là nói dối, ba xạo, múa mép, ba voi không được bát nước xáo. Thời thượng và bình dân gọi là XXXXL, tức là xạo đến đẳng cấp cực đại. Này tôi hỏi thật : bạn đang nghĩ gì thế ?)

"Tham vọng chức quyền, kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh".

(Lời bình của người viết : Xuất sắc ! Xuất sắc ! Xuất sắc !)

"Tư duy nhiệm kỳ", chỉ giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không có đủ tiêu chuẩn điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hoặc sắp xếp họ vào nơi có nhiều lợi ích".

(Lời bình của người viết : Dân gian gọi cái nơi tập trung người nhà lãnh đạo vào để kế nhiệm hoặc giữ chức thơm là "Vườn trẻ Trung ương", rất chi là phát triển bền vững)

"Gây mất đoàn kết nội bộ hoặc đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ".

Biểu hiện ra ngoài thì :

"Kê khai tài sản thu nhập không trung thực".

(Lời bình của người viết : Chắc tài sản ít lắm, nghèo quá sợ nhân dân biết thì làm xấu mặt tập thể, nên phải khai khống lên cho người ta tưởng mình giàu. Càng nghĩ càng thương lắm).

"Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi (nghe quen lắm, mà từ lâu lắm) chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, "chạy thành tích", chạy khen thưởng, chạy danh hiệu".

(Lời bình của người viết : Tính ra làm quan không dễ, vừa "giấu", vừa "thổi", vừa "đánh bóng", vừa "tranh", vừa"chạy" các thể loại hộc xì dầu. Gấp tỷ lần vận động viên các môn phối hợp.)

"Quan liêu, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân". 

(Lời bình của người viếtRơi nước mắt. Tôi muốn tặng bằng khen cho người viết câu này)

"Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính ngân sách, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, sử dụng tài sản công vượt quy định, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động".

"Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng trục lợi".

(Lời bình của người viết : "Chạy" rời cả chân đến khi cờ vào tay lại bảo phải làm quan thanh liêm ư ; đời có cái lý nào như thế !)

----

Tóm lại, tôi xin khuyến cáo toàn dân hãy dành thời gian để đọc kỹ và thấm thía bản Nghị quyết này. Xin dành lòng kính phục cho sự am hiểu sâu sắc và thẳng thắn của người soạn thảo.

Cuối cùng, xin hỏi một câu nho nhỏ : Tại sao các đảng viên thối nát, bần tiện, hèn hạ, bỉ ổi đến như thế đảng không giữ lại để "chỉnh" và "đốn", lại cứ một mực đưa ra nhân dân ? Chúng tôi có đẻ ra họ đâu ! Những cái tác nhân thối rữa ấy ra báo hại nhân dân chúng tôi thì ai chịu trách nhiệm ?

Vũ Ngọc Mai

Nguồn : RFA, 06/12/2019

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/toan-van-nghi-quyet-trung-uong/04/khoa-xii-1211059.htm

https://www.moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/van-ban-chi-dao/toan-van-nghi-quyet-trung-uong/04/khoa-xii-38020.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Ngọc Mai
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)