Làm sao để ‘gánh, gánh, gánh… gánh thóc về’ ?
Mạnh Kim, VOA, 25/10/2019
Một cuộc hội thảo quy mô về Việt Nam Cộng Hòa, từ văn hóa, kinh tế, đến chính trị, vừa được tổ chức tại Trung tâm Châu Á học thuộc Đại học Oregon vào ngày 14 và 15/10/2019, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu Anh-Mỹ, người Mỹ gốc Việt lẫn người Việt từ trong nước…
Một cảnh tại hội thảo "Khuynh Hướng Cộng hòa" tại Việt Nam trước 1975.
Nội dung hội thảo đề cập nhiều chủ đề mang tính nhìn lại lịch sử với mục đích soi rọi lại quá khứ bằng ánh sáng sự thật. Chẳng hạn về Tự Lực Văn Đoàn (Martina Nguyen, Baruch College) ; về cụ Trần Trọng Kim (Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) ; về tự do sáng tạo trong văn chương Việt Nam Cộng Hòa (Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh – Đại học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) ; về viện trợ nước ngoài cho Việt Nam Cộng Hòa (Phạm Thị Hồng Hà, Viện Sử, Hà Nội) ; về Hòa thượng Thích Minh Châu (Wynn Gadkar-Wilcox, Western Connecticut University) ; về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Sean Fear, University of Leeds, Anh) ; về âm nhạc (Jason Gibbs, San Francisco Public Library) ; về tự do báo chí (cựu Tổng trưởng Việt Nam Cộng Hòa Hoàng Đức Nhã)…
Mục đích hội thảo, theo giáo sư Vũ Tường – giám đốc Trung tâm Châu Á học, Đại học Oregon – là : "Ngoài việc tạo ra một diễn đàn để bàn thảo, phân tích và ghi chép về giai đoạn lịch sử bị dư luận và các nhà giáo dục Hoa Kỳ bỏ quên hay bóp méo, chúng tôi còn mong hội tụ và tạo mối giây liên kết giữa những sử gia và các nhà nghiên cứu về Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt để cùng học hỏi và trao đổi. Có như vậy mới hy vọng chúng ta có thể thay đổi dần cái nhìn sai lệch về cuộc chiến Việt Nam, về Việt Nam Cộng Hòa và về người Mỹ gốc Việt"…
Song song việc tổ chức hội thảo, giáo sư Vũ Tường cũng cùng Hội di sản người Mỹ gốc Việt (Vietnamese-American Heritage Foundation) thực hiện một dự án trong năm năm gồm ba phần :
1/ Thành lập quỹ học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt ;
2/ Thành lập quỹ tài trợ giúp các học giả trẻ có cơ hội trình bày nghiên cứu về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt tại các hội thảo quốc tế quan trọng ;
3/ Mời giới nghiên cứu đóng góp vào ba quyển sách viết bằng Anh ngữ lẫn Việt ngữ về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt.
Tất cả cho thấy có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhằm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ngày càng mai một không chỉ với người Việt nước ngoài mà cả với người Việt trong nước. Trong thực tế, một cách lặng lẽ, một phần văn hóa Việt Nam Cộng Hòa đã được khôi phục tương đối đáng kể sau khoảng 30 năm đầu bị ruồng bỏ, kể từ 1975, một cách thô bạo. Lần lượt, nhiều đầu sách cũ, dù bị biên tập chỉnh sửa, đã được tái phát hành và bày bán công khai. Nỗ lực không mệt mỏi trong việc sưu tập tư liệu và viết lại để thế hệ hiện tại thấy được một thời văn hóa hoàng kim của miền Nam trước 1975, như các tập sách về Sài Gòn xưa của ông Phạm Công Luận, là điều rất đáng trân trọng (bộ sách công phu "Sài Gòn chuyện đời của phố" của ông Luận xứng đáng được trao một giải thưởng cấp quốc gia). Cũng không thể không kể sự miệt mài lặng lẽ đóng góp một cách bất vụ lợi của nhiều người "vô danh" khác, chẳng hạn người lập ra trang "tusachtiengviet.com" với việc cung cấp bản PDF chụp nguyên gốc các đầu sách thuộc nhiều thể loại in trước 1975 ; hoặc người lập ra trang "facebook.com/thuchoisach" cũng cung cấp miễn phí các đầu sách cũ bản PDF.
Vấn đề đáng nói hơn hết, thật ra, là không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn là làm thế nào để xây dựng văn hóa cho thế hệ tương lai. Đó mới là mối lo lớn nhất trong mọi mối lo lắng về văn hóa. Để lưu giữ quá khứ và làm rõ những điều chưa minh bạch trong quá khứ không là điều đơn giản nhưng để có một ngôi nhà văn hóa chung để vừa cất giữ viên ngọc quá khứ vừa tạo ra được những giá trị văn hóa tiếp nối để văn hóa dân tộc không bị đứt gãy và mai một mới thật sự khó khăn gấp vạn lần. Gần như ai cũng có thể thấy sự tàn phá văn hóa và hậu quả của nó dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, những biểu tượng văn hóa của một thời rực rỡ ngày càng mất dần. Sau những Tô Thùy Yên, Phạm Đình Chương, Tạ Tỵ… là ai ? Chẳng ai cả. Sau nhà nghiên cứu Phật học Thích Minh Châu là ai ? Ai hiện tại có thể nối tiếp ông Nguyễn Hiến Lê ? Ai đủ sức làm được những gì như ông Nguyễn Hùng Trương với nhà sách Khai Trí từng làm ? Và sẽ có bao nhiêu thế hệ nữa còn biết đến thơ Du Tử Lê và vẫn nghe nhạc Phạm Duy ?
Ngày 9/1/2007, trong chương trình trò chơi truyền hình "Ai là triệu phú", một giảng viên Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình đã thản nhiên nói : "Tự Lực Văn Đoàn ư ? Tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương". Bi kịch, chính xác hơn là thảm họa, của tình trạng nứt gãy văn hóa rõ ràng không là vấn đề của tương lai gần. Nó đã xảy ra. Điều nghiêm trọng, thậm chí có thể gọi là nguy hiểm, là sự không nhận thức đầy đủ mức độ và ảnh hưởng trước tình trạng văn hóa bị tiêu diệt bởi chính những kẻ được xem là cùng dân tộc.
Với chính sách giáo dục hiện tại, khi văn hóa bị cưỡng ép lồng ghép "tính Đảng", có thể thấy, chỉ vài thập niên nữa, khi thế hệ sinh vào thập niên 1960 mất đi, di sản văn hóa miền Nam trước 1975 và của miền Bắc trước 1945 e rằng khó có thể được tiếp tục gìn giữ. Điều này cũng đúng với các thế hệ người Mỹ gốc Việt hoặc người Việt sinh ở nước ngoài nói chung. Ngay thời điểm hiện tại, một số Việt kiều sinh vào thập niên 1990 đã chỉ có thể giữ lại được sự kết nối một phần văn hóa Việt thông qua việc giao tiếp tiếng Việt trong gia đình và qua ẩm thực truyền thống. Tuy nhiên, sự dùng tiếng Việt trong đàm thoại giao tiếp so với việc có được cảm xúc rung động khi đọc một bài thơ hay đoạn văn thuần Việt là điều hoàn toàn khác. Việc có thể cảm thụ được vị ngon một món ăn truyền thống với việc xúc động trước một áng văn viết bằng chữ mẹ đẻ cũng không hề tương đồng.
Một người bạn đã kể với tôi tâm sự riêng sau khi đến Mỹ vài năm đầu tiên. Lần đó, vì quá nhớ nhà, vợ của anh ấy vào YouTube tìm một chương trình ca nhạc trong nước. Ca khúc đầu tiên mà cô ấy nghe, thật bất ngờ, là bài "Gánh lúa" của Phạm Duy. Bài hát, đầy tình tự quê hương, đầy hồn dân tộc, đầy hình ảnh mộc mạc một đất nước xa xôi địa lý nhưng luôn nằm trong sâu đáy lòng, đã như một cú đập choáng váng, đánh thẳng vào tâm can đến nhói tim, làm bật dậy tất cả dồn nén luôn cố dằn xuống trước cuộc sống bề bộn nơi đất khách quê người. Không thể kiềm được cảm xúc, vợ chồng cô đều bật khóc.
Đó là giọt nước mắt không chỉ nhớ nhà, không chỉ vì hoài niệm, không chỉ bởi cảm giác tha hương. Nó đến từ xúc cảm của những tâm hồn luôn mang nặng một tâm cảm, không thể hiểu tại sao và không bao giờ có thể giải thích một cách minh tường, rằng mình, ừ nhỉ, vẫn là người Việt, rằng "gốc rễ tôi", ô hay, vẫn còn ở Việt Nam. Đó là cảm xúc tim óc mà đứa con của họ, tương tự nhiều đứa trẻ Việt khác sinh ở Mỹ, không bao giờ có được. Cảm xúc đó nằm trong tiềm thức của những người không chỉ nói tiếng Việt mà còn ôm nặng cái gánh văn hóa Việt Nam trong tâm hồn, trong trái tim, trong suy nghĩ và trong ý thức.
Có đáng lo không, khi nghĩ ngợi xa xôi rằng, nếu thế hệ như người bạn tôi mất đi rồi thì văn hóa dân tộc đối với người Việt hải ngoại sẽ như thế nào ? Việt Nam, đối với các thế hệ hải ngoại tiếp theo, sẽ là một quốc gia để đến như một địa điểm du lịch, tương tự bao nhiêu quốc gia khác ?
Vấn đề đầy tính thách thức đối với tất cả người Việt hiện tại là rồi đây ai sẽ "gánh, gánh, gánh thóc về" ? Làm thế nào để "nhặt" được "thóc" để mà gánh về chất đầy trong bồ thóc quê hương sao cho thế hệ tiếp theo còn có "thóc" để mà nuôi dưỡng tâm hồn họ, trong khi kho "thóc cũ" đang cạn kiệt, trong khi ngay trên quê hương đang xảy ra một sự đổ nát đến mức tàn tạ của văn hóa nói chung, trong đó có sự đổ đốn của văn hóa tôn giáo, sự thối nát của văn hóa giáo dục, sự tan hoang của văn hóa ứng xử, như hậu quả tất yếu của cái gọi là "văn hóa cộng sản".
Công cuộc nặng nề và phức tạp này không ai có thể gánh vác nổi trừ khi một ý thức chung được hình thành, dẫn đến một hành động chung, để cuối cùng không chỉ có thể giữ gìn giá trị nền tảng cũ mà còn tạo ra được những phẩm chất giá trị mới. Ít nhất thời điểm hiện tại, mỗi cá nhân và từng gia đình đều có thể làm được một điều tối thiểu : cần thay đổi bản thân, cần kiên nhẫn nhặt nhạnh từng hạt thóc văn hóa, cần tự tìm kiếm cách thức riêng trên con đường chọn lựa văn hóa, và cần tự gieo hạt. Nó như một câu "cliché" thường được trích dẫn nhưng luôn luôn đúng : bạn không thể thay đổi thế giới nếu bạn không thay đổi chính mình.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 25/10/2019
********************
Việt Nam Cộng Hòa : 'Những lý tưởng không bao giờ mất đi'
Vũ Tường, BBC, 21/10/2019
Đã có nhận thức mới cho phép lịch sử tái đánh giá vai trò của nhiều nhân vật, biến cố lịch sử và xu hướng chính trị từng bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam, trong đó có giai đoạn Việt Nam Cộng hòa và cả ngay trước đó, với hàng loạt nhân vật từ Trần Trọng Kim, tới Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều người khác, một học giả từ Mỹ nói với BBC sau một hội thảo nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa mới tổ chức vào trung tuần tháng Mười.
Lịch sử giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa đã được phản ánh thiếu khách quan do nhiều nguyên nhân, theo nhà nghiên cứu từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ
Đặc biệt tân khái niệm và cách nhìn mới về "chủ nghĩa cộng hòa" trong chính trị Việt Nam sẽ cho phép giới nghiên cứu sử học và Việt Nam học nhìn nhận vai trò quan trọng hơn của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong lịch sử hiện đại Việt Nam và những lý tưởng này sẽ "không bao giờ mất đi", Giáo sư Vũ Tường, nhà nghiên cứu khoa học chính trị, từ Đại học Oregon, cơ quan tổ chức cuộc hội thảo khoa học trong hai ngày 14-15/10/2019, chia sẻ với BBC qua một trao đổi bằng bút đàm hôm 17/10, mà dưới đây là nội dung.
BBC : Xin Giáo sư vui lòng cho biết những kết quả chính yếu và nhận thức mới đáng kể nhất đã thu lượm được qua Hội thảo ?
Vũ Tường : Hội thảo đề xuất khái niệm và cách nhìn khá mới cho việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử hiện đại của Việt Nam : đó là khái niệm chủ nghĩa cộng hoà trong chính trị Việt Nam. Sự hưởng ứng đông đảo và nhiệt tình của giới học giả từ những vị thâm niên đến giới trẻ ở Việt Nam và bên ngoài, từ những nhà nghiên cứu lịch sử thời thuộc địa đến những học giả về cộng đồng di dân hoặc tị nạn Việt ở nước ngoài cho thấy sự cộng hưởng mạnh về ý tưởng, đề tài, và cách tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử do khái niệm mới đem lại.
Khái niệm mới sẽ cho phép sử gia đánh giá lại vai trò của những nhân vật, biến cố, và xu hướng chính trị thường bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam như Trần Trọng Kim, Hoàng Đạo, Trần Văn Tùng, Phan Quang Đán, Ngô Đình Nhu, và Nguyễn Văn Thiệu, cũng như các nhóm hay nhân vật hoạt động văn hoá như Tự Lực Văn Đoàn, Đoàn Ánh Sáng, Sáng Tạo, Bách Khoa, Lương Kim Định, Thích Nhất Hạnh, Sư Chân Không, Thích Minh Châu, Nguyễn Mộng Giác, Lý Thu Hồ, và Lan Cao.
Khái niệm mới sẽ cho phép giới sử gia nhìn nhận vai trò lớn hơn của chế độ Việt Nam Cộng hoà trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó không phải một chế độ do nước ngoài áp đặt lên Việt Nam như thường đọc thấy trong sách vở ở Việt Nam hay ở Mỹ, mà nó là thể hiện cụ thể, mặc dù không hoàn hảo, những lý tưởng của chủ nghĩa cộng hoà truyền đến Việt Nam từ thời thuộc địa và được giới tinh hoa lúc đó xem như một hướng đi tiến bộ cho Việt Nam tương lai. Những lý tưởng đó không mất đi với chế độ Việt Nam Cộng hoà dù bị đàn áp khốc liệt bởi những người cộng sản sau năm 1975.
Đề tài hứa hẹn
Hội thảo nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa diễn ra trong hai ngày 14-15/10/2019 tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ
BBC : Những nhận thức mới và kết quả này sẽ được giới nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam học tại Mỹ xử lý ra sao ?
Vũ Tường : Tôi hy vọng nghiên cứu về Việt Nam Cộng hoà, chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam học nói chung, sẽ có nhiều tương tác hơn trong tương lai.
Sẽ có nhiều nhà nghiên cứu trẻ quan tâm hơn đến Việt Nam Cộng hoà và nghiên cứu về đề tài này sẽ phát triển hơn.
BBC : Hướng nghiên cứu và chủ đề chính kế tiếp đây, liên quan Nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa, sẽ có thể là gì và sẽ được thi triển ra sao ? Các hội thảo tiếp theo đã được dự liệu, hay lên kế hoạch sơ thảo hay chưa ?
Vũ Tường : Hướng nghiên cứu sẽ mở rộng ra những khía cạnh của Việt Nam Cộng hoà chưa được biết đến nhiều, như văn hoá, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, tư tưởng đa nguyên và tự do, hệ thống đảng phái chính trị, v.v…
Chúng tôi chưa có kế hoạch cho các hội thảo tiếp theo vì trước mắt phải tập trung vào công tác xuất bản các bài viết đã được trình bày trong hội thảo lần này.
Phần lớn các bài viết đều rất chắc chắn với tư liệu mới, cách nhìn mới và lập luận chặt chẽ, có nghĩa là thời gian phản biện và chỉnh sửa sẽ không lâu.
BBC : Giáo sư có thể chia sẻ về quan tâm chính của giới học thuật cũng như trong cộng đồng tại Mỹ về nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt qua hội thảo lần này và lý do ?
Vũ Tường : Mối quan tâm chính của giới học giả và cộng đồng tại Mỹ là những thiếu sót về hiểu biết cũng như những thông tin sai lạc và thái độ miệt thị đối với không chỉ Việt Nam Cộng hoà mà cả xu hướng chính trị cộng hoà trong lịch sử Việt Nam.
Điều này do di sản của phong trào phản chiến ở Mỹ vào thập niên 1960. Phong trào này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuyên truyền của chế độ cộng sản miền Bắc, dẫn đến những thành kiến còn tồn tại đến ngày nay đối với Việt Nam Cộng hoà.
Đưa vào giáo trình
Du khách viếng thăm và chụp hình tại một bảo tàng chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh
BBC : Về lực lượng nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ, sự quan tâm này thể hiện ra sao và các hướng giảng dạy, đào tạo từ nay tới tương lai ở các cấp đại học và sau đại học sẽ thế nào ?
Vũ Tường : Với các công trình nghiên cứu mới được xuất bản, chúng tôi hy vọng cách nhìn mới sẽ được đưa vào giáo trình cho các nghiên cứu sinh và sinh viên đại học.
BBC : Được biết, có một số học giả và đại biểu tới dự hội thảo từ Việt Nam, đã, đang hay sẽ có sự kết hợp, hợp tác nào và ra sao (nếu có) giữa giới nghiên cứu ở hải ngoại (nhất là tại Mỹ) và ở Việt Nam (từ trong nước) về nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa ? Sự kết hợp này có hứa hẹn, triển vọng gì không, nếu có ?
Vũ Tường : Họ đã, đang, và sẽ hợp tác nhiều hơn trong tương lai.
Phía các nhà nghiên cứu Việt Nam cần sự hỗ trợ về cách nhìn, tài liệu thư viện (các công trình nghiên cứu ở nước ngoài), và môi trường để trình bày nghiên cứu.
Các học giả nước ngoài cần tư liệu lưu trữ cũng như tiếp cận những nhân vật lịch sử (nếu còn sống hay qua gia đình) ở Việt Nam.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 21/10/2019
Giáo sư Vũ Tường giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ từ năm 2008. Ông từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton, Đại học Quốc gia Singapore, cũng như tại Naval Postgraduate School ở Monterey, California.
Cuộc hội thảo khoa học "Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, thách thức và tầm nhìn" được Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Đại học Oregon, tổ chức ở thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ trong hai ngày, tháng 10/2019, với khoảng 150 đại biểu, trong số đó có các nhà nghiên cứu, sử gia, Việt Nam học, nhân chứng lịch sử và các thành viên cộng đồng, tham dự.
Sự kiện ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông không có gì mới, chỉ là tiếp diễn xu thế chính sách của Trung Quốc từ năm 2005 hay sớm hơn, có thể đoán được là tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục trong nhiều năm đến khi Trung Quốc dần dần thiết lập quyền kiểm soát trên phần lớn biển Đông, theo một nhà nghiên cứu chính trị học và Đông Nam Á học từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12/11/2017
Với áp lực từ cả ngoài lẫn trong, đã đến lúc ban lãnh đạo Việt Nam cần xem xét thay đổi đối sách mà không chỉ là 'ba không' mà phải gọi là 'bốn không' bao gồm không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, mà như đã thể hiện và thi triển có hệ thống và ổn định lâu nay, vẫn theo ý kiến này.
Chủ trương quan hệ thân thiết và liên Đảng, hơn nữa, đã tỏ ra "mâu thuẫn và làm giảm hiệu lực" của các biện pháp khác nhằm cân bằng với Trung Quốc, nếu nhìn từ góc độ lợi ích lâu dài của quốc gia, nó còn "cản trở" việc thực hiện những cải cách kinh tế - chính trị sâu rộng để tạo sự phát triển bền vững cho Việt nam, ý kiến này nhấn mạnh.
Trả lời BBC News Tiếng Việt qua bút đàm, mà dưới đây là nội dung, về sách lược và tính toán địa chính trị của Trung Quốc qua sự kiện ở khu vực Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019, Giáo sư Vũ Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Oregon, trước hết nêu nhận định :
Sự kiện ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông không có gì mới, chỉ là tiếp diễn xu thế chính sách của Trung Quốc từ năm 2005 hay sớm hơn. Với chính sách này, Trung Quốc ngày càng tăng cường các tuyên bố và biện pháp cưỡng chế thể hiện chủ quyền của mình ở vùng biển Nam Trung Hoa hay biển Đông của Việt nam. Xu hướng này thể hiện một Trung Quốc (cả lãnh đạo và dân chúng) tự tin vào sức mạnh quốc gia về cả quân sự và kinh tế, cũng như nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc để trở thành một cường quốc hải quân sau khi đã là một cường quốc mậu dịch và kinh tế.
Xu hướng này có thể dẫn đến căng thẳng với Mỹ nếu Trung Quốc không khéo léo kiềm chế, nhưng có vẻ họ bất cần - vì tự hào dân tộc quá lớn chăng ? Họ cũng thực sự tin rằng chủ quyền của phần lớn khu vực biển trên là thuộc về Trung Quốc. Họ cho rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay tráo trở lật lọng vì chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng và toàn thể ban lãnh đạo miền Bắc Việt nam (Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa) vào năm 1958 đã công khai thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa 12 hải lý của Trung Quốc quanh các đảo này.
Thực ra là 'Bốn không' ?
Sự kiện ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông không có gì mới, chỉ là tiếp diễn xu thế chính sách của Trung Quốc từ năm 2005 hay sớm hơn
BBC : Việt Nam có nên điều chỉnh chính sách quốc phòng 'ba không' lâu nay và liệu có khả năng xảy ra nguy cơ đối đầu xung đột ở mức cao trên Biển Đông hay không ?
Vũ Tường : Chính sách của chính phủ Việt nam cho đến nay mà thể hiện rõ ràng là phản ứng yếu ớt ; "giữ gìn đại cục" ; đàn áp dân chúng biểu tình ; nhận viện trợ và ưu đãi cho các công ty Trung Quốc đầu tư ; "ba không" - thực ra là bốn không, còn bao gồm không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, làm cho lãnh đạo Trung Quốc càng tin là họ có thể dùng tiền để xoa dịu các phản đối nếu có từ phía Việt nam trước chính sách của họ.
Câu hỏi chính là liệu sẽ có chiến tranh Việt-Trung và Mỹ-Trung ? Từ lâu tôi vẫn tin là căng thẳng ở biển Đông sẽ không dẫn đến chiến tranh Việt - Trung vì chính phủ Việt Nam có quá nhiều thứ để mất, đặc biệt là quyền lực độc tôn của Đảng cộng sản và quyền lợi kinh tế của các công ty nhà nước, nếu để chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh Mỹ-Trung cũng khó xảy ra phần vì Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu (bá chủ phần lớn khu vực biển) mà không chạm đến lợi ích cốt lõi của Mỹ (tự do hàng hải).
BBC : Câu hỏi chính nào đang được đặt ra với giới nghiên cứu và những ai quan tâm tới an ninh, chính trị và bang giao quốc tế ở khu vực, đặc biệt liên quan đối sách của các nước được cho là nhỏ và yếu trong vùng ?
Vũ Tường : Giới nghiên cứu quan hệ quốc tế đã tranh luận nhiều về sự trỗi dậy của Trung Quốc, khả năng trỗi dậy hoà bình cũng như nguy cơ chiến tranh. Dĩ nhiên các nước lân bang của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trước nhất và nhiều nhất khi Trung Quốc trỗi dậy.
Trong tình hình này, các thể chế và tổ chức khu vực như ASEAN hay APEC có thể sẽ thay đổi, thậm chí giải thể và bị thay thế bởi những thể chế mới để phản ánh tương quan lực lượng mới. Ví dụ : khái niệm Ấn-Thái Bình Dương là một khái niệm khá mới. Ý tưởng này có thành hiện thực dưới hình thức một liên minh hay không còn phải chờ xem.
Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu 'nghiên cứu' Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực
Trong trung và dài hạn, các nước tương đối yếu hơn ở khu vực trong đó có Việt Nam sẽ phải tự điều chỉnh theo cách riêng của mình, dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự, vị trí địa lý, khả năng điều hành của lãnh đạo, v.v… Mỗi nước có những thách thức khác nhau và không có câu trả lời chung.
Lý thuyết quan hệ quốc tế cung cấp hai chọn lựa cơ bản cho các nước nhỏ trong khu vực : hoặc chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc hoặc dùng Mỹ và các cường quốc khác cân bằng Trung Quốc (luật pháp quốc tế cũng có thể là một loại đồng minh cân bằng với Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh thổ).
Hai chọn lựa này không loại trừ việc phát triển khả năng tự thân để tự vệ. Phát triển khả năng tự thân trước mắt là mua vũ khí và tăng cường hải quân cũng như phát huy tinh thần dân tộc, nhưng trong trung hạn phải có kế hoạch công nghiệp hóa gấp rút như Hàn Quốc đã làm trong 30 năm. Cân bằng để tự vệ có thể thông qua liên minh quân sự, quan hệ mậu dịch, hay cải tổ chính trị. Trong điều kiện Việt Nam, dân chủ hóa sẽ tăng tính chính danh của chế độ đối với trong nước và thế giới, giúp Việt nam thêm sức mạnh, bạn bè.
Viễn vọng và kịch bản ?
BBC : Quan hệ liên đảng cộng sản giữa chính quyền Việt Nam với Trung Quốc hiện nay có giúp giải quyết vấn đề, hay trở thành 'cái bẫy' lợi bất cập hại ? Viễn vọng và kịch bản nào (kể cả nguy cơ nếu có) đang chờ Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối ?
Vũ Tường : Trong thời gian dài trước năm 2007, ban lãnh đạo Việt nam không quan tâm lắm đến chủ quyền biển đảo. Từ năm đó, họ đã quan tâm hơn, tìm cách tăng cường khả năng tự thân tự vệ bằng quân sự và phát triển quan hệ với các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc như Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Mặt khác, họ từ chối dùng luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc, nâng cấp quan hệ với Mỹ trong một chừng mực hạn chế, đàn áp những biểu hiện của tinh thần dân tộc, và ngăn cản xã hội dân sự phát triển. Tại sao chính phủ Việt nam không làm tất cả những việc có thể làm ?
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hoàng, mới đây phát biểu rằng nước này chưa bao giờ xâm lược một quốc gia nào trong lịch sử từ trước tới nay
Đó là vì đường lối chính, nhưng không công khai, của Đảng cộng sản Việt nam là giải quyết vấn đề trên quan hệ song phương giữa hai Đảng cầm quyền mà cùng gắn nhãn "cộng sản", hai nhà nước mà cùng mô hình độc tài toàn trị, hai quân đội mà cùng gắn nhãn "nhân dân".
Chủ trương này có cơ sở lịch sử, cái thời mà "Bác Hồ ta đó cũng là bác Mao" như trong thơ Chế Lan Viên ghi lại và phản ánh, cơ sở viễn kiến chính trị vẫn được biết tới là "đại cục" hay tương lai toàn thắng của chủ nghĩa xã hội, và cơ sở vật chất với lợi ích kinh tế cho các công ty nhà nước hay "sân sau" của quan chức.
Chủ trương này tốt nhất cho Đảng cộng sản Việt nam vì nó tương thích với mục tiêu và lợi ích của đảng này, nó còn dễ thực hiện vì nó đi theo đường lối sẵn có, không phải cố gắng nhiều mà đem lại lợi ích lớn trước mắt cho cán bộ đương chức đương quyền.
Chủ trương này, mặt khác, mâu thuẫn và làm giảm hiệu lực của các biện pháp khác nhằm cân bằng với Trung Quốc. Nếu nhìn từ góc độ lợi ích lâu dài của quốc gia, chủ trương này còn cản trở việc thực hiện những cải cách kinh tế chính trị sâu rộng để tạo sự phát triển bền vững cho Việt nam.
Quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc không mang lại công nghiệp tiên tiến mà có rủi ro lớn là nợ công, ô nhiễm môi trường, và tham nhũng. Cơ sở lịch sử và chính trị của chủ trương này hoàn toàn sai lệch, "viển vông" như từ ngữ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng.
Tương lai toàn thắng của chủ nghĩa xã hội chỉ là cái bánh vẽ lãnh đạo Đảng cộng sản còn níu kéo nhưng cả thế giới và có lẽ đại đa số Đảng viên đã từ bỏ.
Lịch sử quan hệ hai Đảng cộng sản Việt-Trung không có gì đáng tự hào nếu không nói là thảm kịch kinh tởm của niềm tin và sự phản bội lẫn nhau, dẫn đến chiến tranh và sự hy sinh vô ích của hàng vạn người dân và chiến sĩ.
Rất có thể áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc và của dân chúng, kể cả những Đảng viên có tinh thần dân tộc, sẽ buộc Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng phải thay đổi chính sách.
Vấn đề là Đảng này hiện nay thiếu lãnh đạo có tinh thần dân tộc, tầm nhìn xa, và khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặt. Có thể đoán được là tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục trong nhiều năm đến khi Trung Quốc dần dần thiết lập quyền kiểm soát trên phần lớn biển Đông.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 07/08/2019
------------------------
Giáo sư Vũ Tường giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ từ năm 2008. Ông từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton, Đại học Quốc gia Singapore, cũng như tại Naval Postgraduate School ở Monterey, California. Nghiên cứu của ông về chính trị so sánh, liên quan các chủ để về hình thành quốc gia, phát triển, chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng, đặc biệt tập trung vào Đông Á. Chính sách quốc phòng "ba không" được Việt Nam thi triển bao gồm : không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.