Việt Nam : Cựu bộ trưởng lãnh án tù chung thân về tội tham nhũng (RFI, 28/12/2019)
Hôm 28/12/2019, kết thúc phiên xử về tham nhũng liên quan đến tập đoàn nhà nước MobiFone, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông tin và truyền thông, đã bị tuyên án chung thân.
Tuyên án những bị cáo trong vụ AVG. Cánh Cò - Ảnh minh họa.
Đây là hình phạt tổng hợp cho hai tội danh"vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", và tội "nhận hối lộ".
Trước đó Viện Kiểm sát đã đề nghị bản án tử hình đối với ông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ, nhưng cuối cùng tòa chỉ tuyên án chung thân, do gia đình của ông Nguyễn Bắc Son hôm qua đã nộp lại đủ 66 tỉ đồng tiền mặt, tương đương với 3 triệu đôla tiền hối lộ nhận từ Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG, để thông qua thương vụ Mobifone mua AVG. Vụ mua bán này đã khiến công ty viễn thông của nhà nước MobiFone bị thiệt hại. Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị xem là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong số những người bị khởi tố.
Trong vụ xử này, một cựu bộ trưởng khác của Bộ Thông tin và truyền thông là ông Trương Minh Tuấn lãnh án 14 năm tù, cũng vì đã nhận tiền hối lộ của ông Phạm Nhật Vũ. Ông Phạm Nhật Vũ chính là em trai của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện nay, người sáng lập và hiện là chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Bản thân ông Phạm Nhật Vũ thì bị tuyên phạt 3 năm tù về tội hối lộ hai cựu bộ trưởng nói trên, cũng như hối lộ cho các quan chức khác. Trong vụ xử này, 11 bị cáo khác lãnh án từ 2 đến 23 năm tù, lãnh án nặng nhất là hai cựu lãnh đạo MobiFone Lê Nam Trà (23 năm) và Cao Duy Hải (14 năm).
Theo hãng tin AFP, vụ xử Mobifone mua AVG đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công luận Việt Nam, do các bị cáo là những nhân vật cao cấp. Trước khi xảy ra vụ Mobifone, ông Nguyễn Bắc Son từng là một ủy viên Trung ương Đảng.
Thanh Phương
****************
Sơ thẩm vụ AVG : Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử (VOA, 28/12/2019)
Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 28/12 tuyên án sơ thẩm đối với 14 bị cáo về sai phạm trong vụ mua bán AVG, trong đó một cựu bộ trưởng nhận án chung thân, các bị cáo còn lại nhận án tù giam từ 2 đến 23 năm, các báo Việt Nam cho hay.
Những bị cáo trong vụ tham nhũng AVG - Ảnh minh họa
Tòa tuyên ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, phải chịu hình phạt tù chung thân cho các tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ".
Trong những ngày xét xử vừa qua, tài liệu của cơ quan truy tố cho biết ông Son từng nhận hối lộ 3 triệu đô la từ ông Phạm Nhật Vũ vào thời điểm ông Vũ còn là Chủ tịch của AVG. Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị tòa tuyên án tử hình đối với ông Son.
Một ngày trước khi tòa tuyên án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 3 triệu đô la tiền nhận hối lộ cho nhà chức trách.
Với động thái được xem là bị cáo nỗ lực "khắc phục hậu quả", tòa sơ thẩm cho rằng "không nhất thiết" phải áp dụng biện pháp cao nhất là tử hình như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, các báo trong nước tường thuật.
Về phía bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, ông này bị tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội "đưa hối lộ".
Một cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khác, ông Trương Minh Tuấn, lĩnh tổng cộng 14 năm tù vì hai tội "vi phạm quy định về quản lý đầu tư công" và "nhận hối lộ".
Cũng bị tòa xác định phạm hai tội nêu trên, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà phải nhận tổng hình phạt là 23 năm tù, cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải lĩnh án tổng cộng là 14 năm tù.
Một loạt các bị cáo khác gồm Phạm Đình Trọng, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Võ Văn Mạnh và Hoàng Duy Quang lĩnh án từ 2 đến 5 năm tù cho tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công".
Tin từ các báo Việt Nam nói tòa xét bối cảnh xảy ra vụ án và việc tất cả bị cáo "đã khắc phục hậu quả" và cho rằng "có căn cứ giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho tất cả các bị cáo".
Năm 2015, Tổng công ty MobiFone thuộc Bộ Thông tin và truyền thông dùng vốn nhà nước để mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỉ đồng.
Tài liệu của cơ quan điều tra nói các lãnh đạo của bộ và MobiFone gồm Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và các thuộc cấp đã vi phạm pháp luật trong việc "đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, thẩm định giá".
Việc làm của họ gây thiệt hại "đặc biệt nghiêm trọng" cho tài sản của nhà nước với tổng số tiền thiệt hại là "hơn 6.500 tỉ đồng", nhà chức trách cho biết qua các tài liệu dùng để truy tố các bị cáo.
***************
Trong phiên tòa sáng ngày 20/12, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG.
Hình minh họa. Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son (ngoài cùng bên phải) tại tòa Hình TTXVN
Đến chiều ngày 23/12, tin cho biết gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả sau một quá trình dài bất hợp tác. Tuy nhiên, số tiền này chỉ gần bằng 1/3 số tiền hối lộ ông Son nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ.
Tuy nhiên đến ngày 27/12, một ngày trước khi Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án vụ MobiFone mua AVG, người nhà ông Son đã đem thêm 45 tỷ đồng đến giao nộp.
Như vậy, ông Nguyễn Bắc Son đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng, tương đương với số tiền 3 triệu USD mặc dù trong phiên tòa ông thừa nhận có cầm thêm 200.000 USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.
Số tiền 66 tỷ đồng tiền mặt là một số tiền lớn, tuy nhiên báo chí nhà nước không cho biết số tiền này gia đình ông Son kiếm đâu ra chỉ trong vài ngày, dù con gái ông cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phủ nhận có nhận tiền từ người cha chuyển cho trước đó.
Nhận xét về hành vi nhận hối lộ và khắc phục hậu quả của Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Văn Khánh, nguyên phóng viên ban Khoa giáo báo Tiền Phong cho rằng ông Son thể hiện sự tráo trở, không nhất quán qua các lời khai tại tòa :
"Từ đầu ông nói đưa cho con gái, sau đó ông nói rằng không nhớ gì cả, rồi lại xin Tổng Bí thư tha lỗi cho ông".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự lập luận :
"Trước kia họ không chịu trả, nghĩ rằng có thể ôm trọn được số đó, nhưng vì tòa án dọa tử hình thì họ sợ mạng sống của mình nên phải ‘nôn’ ra thôi".
Ngay sau khi gia đình ông Nguyễn Bắc Son chỉ trong vòng 4 ngày có thể kiếm đủ 66 tỷ đồng tiền mặt nộp lại để khắc phục hậu quả cho ông, dư luận xã hội đồng loạt bày tỏ thắc mắc người nhà ông Son bằng cách nào có thể huy động số tiền mặt lớn như vậy chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn. Phải chăng việc cất giữ nhiều tiền mặt tại nhà đang là cách an toàn cho các quan chức Việt Nam khi thu giữ tiền bất chính ?
Hai ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (ở giữa) và Nguyễn Bắc Son (bìa phải) tham nhũng số tiền hơn 6 triệu USD trong thương vụ Mobifon mua 95% cổ phần của AVG. RFA edited
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng tình hình vì không phải nhà cán bộ lúc nào cũng nhiều tiền. Trong trường hợp ông Nguyễn Bắc Son thì tình hình lại khác :
"Tiền ông Bắc Son nhận hối lộ của người ta bỏ ngân hàng sợ lộ thì để đấy (nhà), chưa di tản kịp nên bây giờ nộp lại. Nếu giải thích theo hướng đó thi tiền nhiều đó không phải ông có từ trước mà tiền mới nhận hối lộ. Ở Việt Nam xài tiền mặt trong nhà không phải là gì cấm kỵ. Hiện giờ chưa có luật mỗi gia đình phải có bao nhiều tiền mặt tại nhà".
Đồng ý với ý kiến Luật sư Thuận, cựu nhà báo Nguyễn Văn Khánh cũng nghĩ rằng thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch cũng như cất giữ của người Việt hiện nay rất phổ biến, tuy nhiên :
"Hiện nay các quan chức có nhiều tiền là đương nhiên rồi, vấn đề tham nhũng ở Việt Nam rất trầm trọng. Còn vấn đề giữ tiền trong nhà tôi cho rằng các ông ấy không dám gửi tiền vô các ngân hàng nhà nước, còn các ngân hàng nước ngoài có thể trong tầm tay các ông đấy".
Giải thích rõ hơn nguyên nhân vì sao, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng các quan chức ở Việt Nam bây giờ thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu không kém gì các doanh nhân giàu có nên việc có nhiều tiền mặt là điều dễ hiểu :
"Thực sự việc giữ tiền mặt, hoặc vàng, đô la, cổ phiếu là những thứ dễ biến thành tiền mặt, độ thanh khoản cao là tập quán ở đâu cũng thế. Ở Việt Nam việc giữ tiền mặt lại càng dễ dàng hơn vì đấy là cách làm cho tung tích đồng tiền khó có thể theo dõi. Nói cách khác, những kẻ tham nhũng và những kẻ rửa tiền đều có điểm chung là thích tiền mặt, vàng, hay những đồ dễ mang và giá trị cao".
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng số tiền hối lộ ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận trước tòa chỉ là phần nổi của tảng băng :
"Tiền hối lộ mà khai ra như ông Nguyễn Bắc Son thì đó là lần đầu tiên khai ra như thế, thực tế qua những sai phạm mà người ta nghi vấn hoặc người ta đặt vấn đề có nhận hối lộ thì không phải 3 triệu (USD) là lớn đâu, còn những khoản tiền lớn hơn chẳng hạn như qua đất đai, doanh nghiệp công ty này thì số tiền nhận hối lộ gấp nhiều lần, không phải tiền ông Bắc Son nhận là lớn đâu".
Xác nhận thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc nhận hối lộ ở Việt Nam không phải chỉ mới đây mà đã có từ lâu.
"Từ thời đổi mới, tức khoảng 25-30 năm trở lại đây thì nó trở nên phổ biến hơn nhiều và quy mô lớn hơn nhiều. Trước kia cũng có nhưng bởi vì cả đất nước nghèo nên sự tham nhũng tương đối cũng là kinh khủng thời đấy, nhưng so với lượng như bây giờ thì thời cách đây 30 năm không gây nên bức xúc như vậy bởi vì nó dễ giấu hơn và không tràn lan nên người ta không để ý lắm".
Vào ngày 26/12 vừa qua, bà Trần Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1967 - một nữ Bí thư huyện ủy Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết bà bị trộm vào nhà khống chế rồi cướp đi 30 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng dư luận lại tập trung vào hình ảnh ngôi nhà bà được báo chí trong nước đăng tải. Nhiều người dân không khỏi thắc mắc với chức vụ Bí thư Huyện ủy mà bà Tuyết đang đảm nhiệm, bằng cách nào bà có thể xây được căn biệt thự rộng lớn như hình và có cả tài xế riêng.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình về thông tin này, một số người dân cho rằng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng cần rà soát lại xem bà Tuyết có trốn thuế hay không.
Nhận xét về tình quan chức tham nhũng, nhận hối lộ hiện nay, cựu nhà báo Nguyễn Văn Khánh cho rằng :
"Tôi nghĩ rằng từ khi lứa thứ hai của những người cộng sản, tôi không nói thế hệ ban đầu thế nào tôi không biết nhưng từ thế hệ thứ 2 đến thứ 3 trở đi thì việc tham nhũng là việc hiển nhiên của một chế độ đã lỗi thời và không còn phù hợp với cả xu hướng thế giới, càng ngày càng trở nên dã man và man rợ".
******************
Vụ AVG : ông Trần Quốc Vượng nói 'trị bệnh cứu người' (BBC, 27/12/2019)
Gia đình cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại toàn bộ số tiền bị truy tố tội nhận hối lộ.
Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa
Truyền thông tại Việt Nam cho hay tổng số tiền 66 tỉ đồng ở dạng "tiền mặt" đã được nộp nhằm khắc phục hậu quả với hành vi nhận hối lộ.
Chứng từ nộp tiền được gia đình gửi đến tòa một ngày trước khi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội theo dự kiến tuyên án hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bị cáo khác trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Hôm 20/12, cơ quan công tố đề nghị mức phạt tử hình với ông Nguyễn Bắc Son cho tội "Nhận hối lộ".
Ông Son cũng bị đề nghị 16-18 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và được cho là "người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất" trong đại án này.
Hôm 24/12 ông Son nói tại phiên tòa rằng "Hôm nay, qua Hội đồng Xét xử, một lần nữa, cho phép bị cáo gửi đến Tổng bí thư, đến Đảng, Nhà nước và nhân dân lời xin lỗi chân thành nhất".
Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng bị đề nghị phạt tù với hai tội giống bị cáo Nguyễn Bắc Son với tổng hình phạt là 14-16 năm tù.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân tại Hà Nội sáng 27/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đề cập tới vụ án AVG.
"Đây là lần đầu tiên làm rõ vụ án đúng là vụ án tham nhũng và tham nhũng với quy mô lớn. Thứ hai, đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, 2 bị cáo nguyên là 2 ủy viên trung ương, đều ở vai trò lớn, ở mức án phải nói là cao nhất.
"...Với tinh thần 'trị bệnh cứu người', nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng", ông Trần Quốc Vượng nói.
Trong khi đó bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG, người đưa hối lộ cho hai cựu bộ trưởng và các bị cáo khác, bị đề nghị phạt từ 3-4 năm tù.
Ông Pham Nhật Vũ chỉ bị đề nghị án 3-4 năm tù
Cơ quan công tố mô tả bị cáo Phạm Nhật Vũ đã "chủ động khắc phục toàn bộ" thiệt hại và "đã tự thú tội và ăn năn hối lỗi".
Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 qui định mức hình phạt cao nhất đối với tội Đưa hối lộ là 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Truyền thông tại Việt Nam đưa tin hơn 2000 cá nhân và tổ chức ký tên xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, một động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng tại Việt Nam và gây phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
Trong quá trình xét xử, vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ nói tại tòa rằng chồng mình là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền lớn như vậy.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, công dân Nga, nói rằng ông Phạm Nhật Vũ "có cơ hội trốn ra nước ngoài nhưng đã ở lại để vay tiền khắc phục hậu quả và "đang mang khoản nợ gần 1.000 tỷ".
Phạm Nhật Vũ, sinh năm 1972, là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an) hồi tháng Chín cho rằng vụ án đã làm lộ rõ lỗ hổng khủng khiếp trong quản lý kinh tế của Việt Nam khi có cả bộ máy nhưng để một vài cá nhân thao túng.
Tướng Cương cũng đề cập đến vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Đó là số tiền thất thoát lên tới gần 9000 tỷ đồng nhưng các bị can khai chỉ dùng khoảng 140 tỷ cho việc đưa - nhận hối lộ.
"Họ dùng số tiền chiếm tỷ lệ rất nhỏ để hối lộ, lại quả cho một số lãnh đạo. Vậy số còn lại vào túi của ai", ông Cương nói.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Vũ Quốc Hùng cũng chia sẻ quan điểm này.
Ông được báo Zing.vn dẫn lời nói rằng "Thu hồi được tài sản là việc tốt nhưng không có nghĩa là thu hồi xong sẽ không tiếp tục xem xét, làm rõ sai phạm nữa. Chúng ta phải tiếp tục điều tra rõ xem còn ai được hưởng lợi từ khoản tiền hàng nghìn tỷ trong thương vụ MobiFone mua AVG".
Trong phiên xét xử vào ngày 18/12, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nói rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án theo "tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
****************
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son vội vã nộp 66 tỷ đồng tiền mặt trước ngày tuyên án (RFA, 27/12/2019)
Hôm 27/12/2019, luật sư bảo vệ quyền lợi cho cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son xác nhận với truyền thông trong nước là gia đình ông Son đã nộp thêm 45 tỷ đồng tiền mặt để khắc phục hậu quả cho hành vi nhận hối lộ.
Hình minh họa. Cựu Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son (ngoài cùng bên phải) tại tòa Hình TTXVN
Cộng với số tiền 21 tỷ đồng nộp sau khi bị đề nghị mức án tử hình, gia đình ông Son đã trả lại tổng cộng 66 tỷ đồng, tương đương với số tiền 3 triệu USD mặc dù trong phiên tòa ông thừa nhận có cầm thêm 200 ngàn USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.
Số tiền 66 tỷ đồng tiền mặt là một số tiền lớn, tuy nhiên báo chí nhà nước không cho biết số tiền này gia đình ông Son kiếm đâu ra chỉ trong vài ngày, dù con gái ông cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phủ nhận việc có nhận tiền từ cha mình.
Việc khắc phục số tiền nhận hối lộ diễn ra trước ngày Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án vụ MobiFone mua AVG (Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu) là ngày 28/12/2019.
Vào sáng ngày 27/12, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố "nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng".
Ông Trần Quốc Vượng nêu ra 6 điểm đặc biệt qua phiên xử 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông về vụ xử các cán bộ cao cấp trong thương vụ MobiFone mua AVG. Trong đó có việc thực hiện tố tụng đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa đối tượng,...
Trong phiên tòa, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ (em trai ông Phạm Nhật Vượng) mặc dù là người đưa hối lộ các quan chức lên đến 6,2 triệu USD nhưng chỉ bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 3-4 năm tù giam.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn bị đề nghị từ 14-16 năm tù giam vì 2 tội danh trong đó có hành vi nhận hối lộ 200 ngàn USD.
Cựu Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị án tù 7-8 năm (RFA, 27/12/2019)
Cựu Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hựu Tín bị đề nghị mức án 7- 8 năm tù do những sai phạm trong vụ ‘đất vàng 15 Thi Sách’, phường Bến Nghé, Quận 1, liên quan đến cựu Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Hình minh họa. Cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín tại phiên tòa Courtesy of cand.com.vn
Ông Nguyễn Hữu Tín cùng 4 quan chức khác của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đưa ra xét xử với tội danh ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Vào ngày 27 tháng 12, tức ngày thứ hai của phiên xử, Đại diện Viện Kiểm Sát đề nghị án tù đối với cả 5 bị cáo.
Ngoài mức 7-8 năm tù cho ông Nguyễn Hữu Tín, Viện Kiểm sát đề nghị xử ông Đào Anh Kiệt- nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mức án tương đương ông Tín ; ông Trương Văn Út-nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Thanh- nguyên Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ông 5-6 năm tù ; ông Nguyễn Thanh Chương- nguyên Trưởng phòng Đô Thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh 4-5 năm tù.
Cáo trạng công bố tại tòa nêu rằng vào năm 2014, Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, lợi dụng danh nghĩa "Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an", tự ký hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản này đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để Vũ Nhôm được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên Vũ Nhôm không làm đúng theo các văn bản mà xây các công trình trên đó, hậu quả thiệt hại là Nhà nước thất thoát số tiền gần 6,8 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được.
*****************
Xử cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín (RFA, 26/12/2019)
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng những đồng phạm vào sáng ngày 26/12/2019 bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đem ra xét xử vì có liên quan đến cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Ông Nguyễn Hữu Tín tại tòa hôm 26/12/2019 - Courtesy of hcmcpv.org.vn
4 thuộc cấp bị truy tố cùng với ông Tín gồm : Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ; Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; và Trương Văn Út, cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường.
Cả 5 quan chức cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh cùng bị truy tố vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" có khung hình phạt từ 10-20 năm.
Ông Nguyễn Hữu Tín trước tòa thừa nhận sai nhưng đổ lỗi cho Bộ Công an. Ông Tín nói với Hội Đồng Xét Xử là ông biết sai trong vụ việc, nhưng những bút phê của ông mang tính chất nội bộ chứ không phải văn bản chỉ đạo chính thức.
Báo Người Lao động trích lời ông Tín tại phiên tòa rằng ông chấp nhận nội dung tham mưu, sau đó ký công văn đồng ý chủ trương chấp thuận doanh nghiệp bình phong của Bộ Công an thuê đất xây dựng văn phòng phục vụ công tác an ninh. Vì đây là doanh nghiệp đặc thù nên ông Tín xem xét, căn cứ trên đề nghị của Bộ Công an đưa ra. Nếu doanh nghiệp bình thường xin thuê đất do nhà nước quản lý thì quy trình duyệt hồ sơ sẽ không như thế. Ông Tín nói theo quy định, việc thuê đất phải qua đấu giá nhưng bị cáo không chỉ đạo làm đúng quy trình cũng vì lý do vừa nêu.
Tin trong cùng ngày dẫn thông báo của Tòa án cho biết gia đình ông Nguyễn Hữu Tín đã nộp 1,5 tỷ đồng. Ông này trình bày với Hội đồng xét xử là do thấy có trách nhiệm đền bù tài sản cho Nhà nước nên bàn với vợ chạy tiền đề bù đắp thiệt hại do bản thân ký văn bản gân nên.
Tin cũng nói gia đình của các ông Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh, Trương Văn Út cũng nộp tiền khắc phục hậu quả. Mỗi người được gia đình nộp 500 triệu đồng.
Gia đình ông Đào Anh Kiệt nộp 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả do ông này gây nên.
Theo cáo trạng công bố tại toà, năm 2014, Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 lợi dụng danh nghĩa "Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an", tự ký hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản này đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để Vũ Nhôm được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên Vũ Nhôm không làm đúng theo các văn bản mà xây các công trình trên đó, hậu quả gây thiệt hại là Nhà nước thất thoát số tiền gần 6,8 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được.
******************
Cựu trưởng Công an Thanh Hóa bị truy tố (RFA, 26/12/2019)
Cựu trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa, ông Nguyễn Chí Phương, bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’ theo qui định tại Điều 354, Khoản 2, điểm C- Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Hình minh họa. Ông Nguyễn Chí Phương, cựu Trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa Courtesy of Đại Đoàn Kết
Tin từ báo chí trong nước cho biết Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao vào ngày 26 tháng 12 ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Chí Phương sinh năm 1961, cựu trưởng công an Tp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Cáo trạng nêu rõ vào ngày 18 tháng 7 năm ngoái, một cán bộ Đội Cảnh sát Trật tự Công an Thành phố Thanh Hóa có tên Đỗ Đức Hiếu lấy trộm 1 chiếc xe để tại nhà để xe của công an Thành phố Thanh Hóa. Một ngày sau đó ông Nguyễn Chí Phương và Đội Điều Tra Tổng hợp CA Tp Thanh Hóa làm việc với Đỗ Đức Hiếu và người này nhận tội.
Bản thân ông Nguyễn Chí Phương trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu có hành vi ‘trộm cắp tài sản’.
Trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Chí Phương ba lần nhận tiền của Hiếu, tổng cộng 260 triệu đồng để không bị xử lý kỷ luật và không bị xử lý hình sự.
Nhận tiền của Hiếu nên ông Phương chỉ đạo cán bộ dưới quyền hướng dẫn Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ ; trao đổi với lãnh đạo Viện Kiểm Sát Nhân dân Tp Thanh Hóa không xử lý hình sự Đào Đức HIếu. Ông Phương còn báo cáo lãnh đạo Công an Tỉnh Thanh Hóa xin xử lý nội bộ Đào Đức Hiếu. Tuy nhiên yêu cầu này không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Chí Phương phải làm thủ tục đề nghị xử lý kỷ luật tước danh hiệu công an ; khởi tồ và đề nghị truy tố đối với Đào Đức Hiếu. Do vậy Hiếu đòi lại tiền ; và ông Phương chỉ trả 150 triệu đồng.
Đào Đức Hiếu bị ra tòa vào ngày 22 tháng 1 năm 2019 và nhận mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ. Sau phiên xử, Hiếu đã làm đơn tố cáo ông Phương.
Về tình hình công tác cán bộ cấp cao, tin trong nước cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 26 tháng 12 chủ trì cuộc họp Bộ chính trị để xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Từ năm 2016 đến nay có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng, đã bị xử lý kỷ luật về những vi phạm trong thời gian công tác.
Liên quan vụ xử Mobifone mua Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG gây thiệt hại 6.500 tỷ vốn nhà nước và các quan chức nhận hối lộ hơn 140 tỷ đồng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay "anh Ba", lại được kéo vào màn tranh tụng tại toà.
Khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, hoàn toàn khắc phục hậu quả.
Báo Thanh Niên giật tít "Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai làm theo ‘tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng’".
Nhưng "tinh thần chỉ đạo" và "chỉ đạo" hẳn là khác nhau. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh trích cáo trạng nêu Văn phòng Chính phủ có công văn số 2678 ra ngày 14/12/2015 mà theo đó ông Dũng "chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
Cáo trạng cũng nói "đây không phải là quyết định chủ trương đầu tư" mà chỉ là thông báo. Hơn nữa thông báo cũng nói việc mua cổ phần phải làm "theo đúng quy định của pháp luật". Nếu Mobifone mua AVG theo đúng giá trị trên sổ sách và thị trường thì đã không có vụ án này.
Như vậy hiện tại khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, hoàn toàn khắc phục hậu quả. Cho tới giờ phút này nhà nước không còn thiệt hại tỷ nào nữa mà "thiệt hại" cả ngàn tỷ đồng giờ dồn về gia đình ông Vũ, theo lời vợ ông.
Những lời khai của ông Son về ông Nguyễn Tấn Dũng từ nay về sau về lý thuyết cũng kém thuyết phục vì tính bất nhất trong những lời khai trong mấy ngày đầu xử án. Lúc ông bác bỏ chuyện nhận ba triệu đô tiền hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, lúc lại thừa nhận đã nhận tiền. Ông Son lúc đầu cũng khai ông đưa ba triệu đô cho con gái, sau lại nói không phải đưa con gái mà "chi tiêu cá nhân". Còn tiêu ba triệu đô vào những việc gì thì ông lại "không nhớ".
Điều có lẽ ít gây tranh cãi hơn là chỉ một ngày sau khi nhận được "tinh thần chỉ đạo" của ông Dũng, ông Son đã lệnh cho cấp dưới phải thực hiện ngay việc mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để rồi 10 ngày sau việc mua bán đã được thực hiện xong vào đúng ngày Giáng Sinh.
Phi vụ mua AVG với giá trên trời để các quan chức được lại quả hơn 140 tỷ đồng, con số có thể nói là khá khiêm tốn so với giá trị hợp đồng, diễn ra chưa đầy một tháng trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tại đó ông Nguyễn Tấn Dũng đã không thể trở thành tổng bí thư như mong muốn. Cú ngã trên chính trường của ông Dũng kéo theo một loạt các hệ luỵ trong đó có vụ AVG hiện nay, vụ dầu khí khiến uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang ngồi tù và vụ gang thép mà uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải bị cáo buộc có vi phạm tới mức "phải xem xét kỷ luật".
Các bị cáo trong phiên xử vi phạm về quy định đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ đều nói họ làm theo lệnh cấp trên. Điều này khiến công chúng không thể không đặt câu hỏi họ là con nít hay những quan chức có suy nghĩ độc lập. Bài học cho các quan chức chưa bị lộ khác và các quan chức nói chung cần nhận ra là sẽ không có ai bảo vệ họ nếu họ "ăn cứt gà sáp" khi bị xui khiến. Bài học khác là đã có gan ăn hối lộ tới cả triệu đô thì cũng nên có gan nhận đã tiêu gì và khắc phục hậu quả đủ để khỏi bị tiêm thuốc độc. Giờ hẳn các bị cáo sẽ tiếc không ủng hộ việc cải cách hệ thống tư pháp bị đảng chỉ đạo vốn coi trọng những lời khai hơn những bằng chứng cụ thể. Có lẽ cựu bộ trưởng tên Son cũng hối tiếc không kêu gọi chính quyền huỷ bỏ án tử hình khi còn có chút chức quyền ngay cả khi lời kêu gọi đó có rơi vào quên lãng.
Ngoài ra, nếu nền tư pháp của Việt Nam thực sự độc lập, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xuất hiện tại các phiên toà tham nhũng tới đây, ngay cả trong vai trò làm chứng, là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kể cả khi nền tư pháp không độc lập, chuyện ông có thể bị kéo vào các vụ án khác cũng không thể loại trừ. Khi các uỷ viên bộ chính trị hiện thời cảm thấy họ có thể và cần phải làm như vậy để phục vụ mục tiêu chính trị trước Đại hội 13 trong hơn một năm nữa, họ sẽ không ngần ngại gì mà không cố.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 21/10/2019
Tổng Giám đốc dầu khí Nghệ An giúp đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài bị bắt (RFA, 27/11/2018)
Ông Đường Hùng Cường, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - thương mại dầu khí Nghệ An bị bắt hôm 21/11 do liên quan đến đường dây đưa ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.
Ông Đường Hùng Cường (bên trái) và Trịnh Xuân Thanh (phải) - Courtesy Cafef & AFP, RFA edit
Mạng báo Tuổi Trẻ ngày 27/11 dẫn nguồn tin giấu tên từ Công an Nghệ An cho hay, việc bắt giữ thực hiện bởi Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an sau đó cùng với công an tỉnh này khám xét nhà ông Cường tại xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An).
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty dầu khí Nghệ An lại cho biết, chưa nhận được thông báo chính thức từ Công an về việc bắt ông Cường.
Ông Đường Hùng Cường, năm nay 41 tuổi, có trình độ Kiến trúc sư và Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế. Ông này giữ chức Tổng Giám đốc công ty dầu khí Nghệ An từ tháng 11 năm 2009 cho đến nay.
Theo báo "The Guardian" của Anh, ông Trịnh Xuân Thanh mang hộ chiếu ngoại giao đã bỏ trốn qua Lào vào khoảng cuối tháng 7/2016, ông đến Thái Lan, sau đó sang Thổ Nhĩ Kỳ để tới nước Đức.
Ngày 31/07/2017, báo chí nhà nước loan tin việc nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đột nhiên xuất hiện tại Trực ban hình sự Bộ Công an tại Hà Nội đầu thú.
Nước Đức sau đó cáo buộc các mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Thanh tại Berlin hôm 23/7 năm ngoái.
Vụ việc này gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Châu Âu như Đức, Slovakia...
Hôm 25/07/2018, Tòa án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Hải Long, quốc tịch Séc vì bị cáo buộc tham gia trợ giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh hồi đầu năm 2018 bị tuyên 2 án chung thân với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", và "Tham ô tài sản" xảy ra tại công ty PVN và PVC.
**********************
Một Tổng Giám đốc dầu khí bị bắt do dính líu đến vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn (VOA, 27/11/2018)
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Việt Nam, cách đây ít ngày đã bắt giữ ông Đường Hùng Cường, lãnh đạo một công ty dầu khí ở Nghệ An do "liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài", theo tin hôm 27/11 trên các trang Sputnik Việt Nam và Msn Tin tức.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa hồi tháng 1/2018
Trang Msn dẫn lại tin của Tuổi Trẻ, trong khi Spunik không thể hiện tin gốc được lấy từ nguồn nào ở Việt Nam, dù nội dung không khác gì tin của Tuổi Trẻ.
Bản tin đăng trên Msn nói một nguồn tin từ Công an Nghệ An cho Tuổi Trẻ biết vụ bắt giữ ông Đường Hùng Cường, 41 tuổi, đã diễn ra hôm 21/11. Ở thời điểm bị bắt, ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - thương mại dầu khí Nghệ An.
Vẫn theo bản tin, Cục Cảnh sát Hình sự của bộ cũng đã phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh Nghệ An khám xét nhà ông Cường ở thành phố Vinh.
Tin tức về vụ bắt giữ được trang web của báo Tuổi Trẻ đăng lên lúc 4h chiều ngày 27/11 nhưng đến khoảng 6h chiều cùng ngày đã không còn tồn tại.
VOA cố liên lạc với Cục Cảnh sát Hình sự để xác nhận tin này song họ không phản hồi. Trong khi đó, một nguồn tin báo chí ở Việt Nam nắm thông tin về vụ việc khẳng định với VOA rằng việc bắt giữ "chắc chắn đã diễn ra", và nhận định rằng có thể Tuổi Trẻ phải rút lại tin vì "đường dây liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh nó lớn thế nào đó".
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, từng là chủ tịch của PVC, một công ty trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã bỏ trốn sang Đức khi bị truy tố liên quan đến một vụ án tham nhũng.
Hồi tháng 7/2017, ông Thanh được đưa trở lại Việt Nam sau một diễn biến mà chính quyền Đức cáo buộc là "các đặc vụ Việt Nam bắt cóc"ông Thanh khi ông đang xin tị nạn. Ngược lại, Hà Nội bác bỏ cáo buộc đó và trưng ra bằng chứng là ông Thanh đã "đầu thú".
Đầu năm nay, ông Thanh bị một tòa án Việt Nam kết án chung thân về tội tham ô.
****************
Lãnh đạo Đà Nẵng nói 'Có quyết tâm rất lớn' để xử Vũ 'Nhôm' (BBC, 27/11/2018)
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói với cử tri thành phố rằng các vụ án liên quan ông Vũ 'Nhôm' sẽ "được xử đến nơi đến chốn".
Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm')
Tin mới nhất trên các báo Việt Nam cho hay ông Phan Văn Anh Vũ 'có hộ chiếu Antigua'.
Ông Nghĩa tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, cùng lúc khi ông Phan Văn Anh Vũ, lần thứ hai ra tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Vũ, cùng ông Trần Phương Bình nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), và 24 người ra tòa hôm 27/11.
Từ Đà Nẵng, nói với cử tri, ông Trương Quang Nghĩa phát biểu rằng ông Vũ "nhôm" đã và sẽ trải qua ít nhất ba phiên tòa của ba vụ án khác nhau.
Mới đây, ông Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, được tòa ở Hà Nội giảm một năm, còn 8 năm tù trong vụ xử vì tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Trong vụ thứ hai ở Ngân hàng Đông Á, ông Vũ bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, ông Vũ đã chiếm đoạt 12,73% cổ phần của ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại cho đơn vị này 200 tỷ đồng.
Phát biểu với cử tri Đà Nẵng ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói về vụ án ở ngân hàng Đông Á : "Vụ này cũng rất nặng nề, tội của Vũ nhôm rất nặng nề, mức án có lẽ rất cao".
Ông Trương Quang Nghĩa nói tiếp : "Còn vụ thứ ba là lạm dụng chức vụ quyền hạn, vụ này có liên quan trực tiếp Đà Nẵng".
"Với quyết tâm của Đảng, chính phủ, các vụ án như Vũ nhôm sẽ được xử đến nơi đến chốn. Tới đây, không xa lắm, cử tri sẽ thấy các bước tiếp theo".
"Có những người bị kỷ luật Đảng, nhưng có những người bị điều tra, khởi tố. Riêng vụ án Vũ nhôm, đang có sự quyết tâm rất lớn", ông Nghĩa nói.
Vụ Tất Thành Cang
Ông Nghĩa cũng nói thêm về vụ kỷ luật Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang.
"Về ông Tất Thành Cang, quý vị cử tri hơi sốt ruột về xử lý".
"Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang có những sai phạm rất nghiêm trọng. Mà ủy ban kết luận rất nghiêm trọng, quý vị cử tri có thể hình dung mức độ kỷ luật đến đâu".
"Theo quy trình, hiện nay ông Tất Thành Cang đang phải dự các cuộc họp kỷ luật từ cấp chi bộ trở lên. Trong thời gian sớm nhất của Hội nghị Trung ương, mức độ sai phạm, kỷ luật ông Cang thế nào, cũng sẽ sớm được biết thôi", ông Nghĩa cho hay.
Trong khi đó, chiều 27/11, gặp cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói về trường hợp ông Tất Thành Cang.
"Tháng 12 tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ có mức kỷ luật chính thức đối với ông Cang", ông Nhân nói.
*******************
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin 13 lãnh đạo các ban của Báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên cộng sản.
Một người đọc báo Thanh Niên trên vỉa hè ở Hà Nội hôm 22/9/2018 AFP
Nhà văn Nguyễn Viện, Cựu Trưởng ban Văn Nghệ báo Thanh Niên tối ngày 24/11 xác nhận với Đài Á Châu Tự Do thông tin "13 lãnh đạo các ban của báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải là đảng viên Cộng sản"là đúng, nhưng ông cho rằng đây là "việc chẳng đặng đừng". Ông Nguyễn Viện cho biết ông nhận được thông tin này từ những nguồn tin cẩn ở báo Thanh Niên.
Ngày 26/11, Đài Á Châu Tự Do gửi email tới tòa soạn báo Thanh Niên để hỏi về vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.
Các tờ báo nhà nước không đưa dòng nào về vụ việc. Đài Á Châu Tự Do cũng không có nguồn độc lập để xác nhận.
Ngày 23/11, thông tin từ tài khoản Facebook cá nhân của nhà báo Ngô Thị Kim Cúc từng làm ở tờ báo này cho hay có tổng cộng 13 người thâm niên ở tờ báo này bị xuống chức.
Cụ thể, có 2 Trưởng ban Văn Nghệ và Mạng xã hội là Thu Nga và Kim Trí bị cho thôi chức, các ban còn lại như Giáo dục, Thể Thao, Công tác bạn đọc, Phóng viên Báo Điện tử chức Phó bị "rớt".
Các ban không quan trọng như Tài vụ hay Quảng cáo, chức vụ Phó ban cũng bị "sờ tới"; riêng Tòa soạn tiếng Anh thì có ông Thế Vinh, Thư ký tòa soạn.
Theo nhà văn Nguyễn Viện, cho đến tối 24/11 những người bị cho thôi chức chưa nhận được văn bản chính thức và xảy ra sự việc nhiều người nòng cốt của tờ báo không phải là đảng viên Cộng sản bắt nguồn từ việc chống chủ nghĩa lý lịch của Tổng Biên tập cũ Nguyễn Công Khế.
"Thông tin đó tất nhiên có lẽ trong tòa soạn thì ai cũng biết, cái lý do gì dẫn đến tình trạng trên thì tôi biết do quy định chung tất cả các Trưởng Phó ban nói riêng hay nói chung, những người tạm gọi là các quan chức trong chính quyền này đều phải là Đảng viên. Riêng trường hợp báo Thanh Niên sở dĩ xảy ra sự việc như hôm nay là nó có tiền sử của nó, bởi vì trước kia ông Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, có lẽ ổng là người đầu tiên phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa lý lịch. Bởi thế khi mà tuyển phóng viên vào Thanh niên hay đề bạt các chức vụ thì không bao giờ báo Thanh Niên đặt vấn đề có đảng viên hay không, hay là lý lịch gốc gác như thế nào mà chủ yếu xét trên năng lực. Và chính vì lý do đó mà nó có hiện tượng là cho đến hôm nay có mười mấy trưởng phó ban không phải là Đảng viên",nhà văn Nguyễn Viện nói với RFA qua ứng dụng Skype.
Hồi tháng 8/2017, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 89 có chữ ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong quyết định này thì về mặt chính trị tư tưởng, cán bộ quản lý, lãnh đạo phải "chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình".
Ngoài ra, cán bộ phải "đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân", một quy định khác mà nhiều người nói tới là "có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
"Những gì mà tôi biết được thì báo Thanh Niên cũng bị thúc ép về vấn đề này, tất là phải làm theo quy định là Trưởng, Phó ban phải là Đảng viên. Mà đến giờ này mới phải thi hành thì tôi nghĩ lý do riêng của nó phải thuộc về tổ chức cơ quan, mà có lẽ mình nhìn cách tổng thể bên ngoài nhìn vào báo Thanh Niên thì hiện nay đây là lực lượng nòng cốt của tờ báo. Trong tình trạng hiện nay mà những người này bị cho thôi chức thì báo Thanh Niên rất khó khăn trong việc điều hành công việc. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay Thanh Niên mới phải thi hành việc này, có lẽ là việc chẳng đặng đừng",nhà văn Nguyễn Viện nhận định.
Ông Viện cũng cho rằng, giải pháp tạm thời hiện nay là 13 người này vẫn sẽ xử lý các công việc như Trưởng, Phó ban bình thường, tuy nhiên sau này "nếu ai cảm thấy có thể vào Đảng được thì họ sẽ cứu xét và phục chức sau".
Danh sách các lãnh đạo báo Thanh Niên bị thôi chức được lan truyền trên FB - Courtesy FB
"Còn như người nào cảm thấy mình không thích hợp để vào đảng thì họ vẫn giữ lập trường của họ và báo Thanh Niên sẽ kiếm người khác", nhà văn từng có thâm niên 7 năm ở báo Thanh Niên chia sẻ.
Báo Thanh Niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam ra đời vào năm 1986, khi đó gọi là Tuần Tin Thanh niên.
Tháng 7/2017, báo Thanh niên bị Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng vì bị cho là thông tin sai sự thật trong bài "Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh "xử nhẹ"sai phạm".
Tháng 12/2016, Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Hoa (Đặng Việt Hoa) bị thu thẻ nhà báo vì đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Một lãnh đạo khác là ông Võ Văn Khối cũng bị thu thẻ nhà báo vì bị xử lý kỷ luật cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in báo Thanh niên tiếng Việt.
Trước đó vào tháng 10/2016, báo Thanh Niên cùng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nhiều loại nước mắm của Việt Nam có nhiễm thạch tín gây xôn xao dư luận.
Báo này bị xử phạt 200 triệu trong vụ "mập mờ giữa Arsen hữu cơ và vô cơ".
Tháng 9/2015, ông Đỗ Hùng - Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh niên bị miễn nhiệm chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài trên Facebook kể về "cách mạng Việt Nam" với toàn dấu sắc mang tính chất trào phúng.
Cuối năm 2018, đồng sáng lập tờ báo và là Tổng Biên tập có thâm niên nhất Nguyễn Công Khế bị mất chức và điều chuyển sang "giữ ghế" Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên.
Thanh Niên là một trong số hơn hàng trăm cơ quan báo chí được phép hoạt động ở Việt Nam. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam dù có các tổng biên tập riêng nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chung về nội dung của đảng.
*****************
Chục lãnh đạo báo Thanh Niên bị cho thôi chức vì không phải đảng viên : "Việc chẳng đặng đừng !"
Nguồn : RFA, 28/11/2018
Hôm 5/4, Báo Thanh niên có bài 'Bộ công an tiếp nhận hồ sơ thanh tra vụ MobiFone mua AVG'.
Vụ án AVG-Mobifone xảy ra trong dịp Bộ luật tố tụng hình sự mới vừa có hiệu lực
Bài báo cho biết, hai tuần sau khi công bố toàn văn kết luận thanh tra MobiFone mua AVG, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ và văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang Bộ công an.
Đến trưa 6/4, Báo Thanh niên có bài cải chính và cáo lỗi, theo đó thông tin về bài báo 'Bộ công an tiếp nhận hồ sơ thanh tra vụ MobiFone mua AVG' là không chính xác.
Là một luật sư hình sự quan tâm đến vụ án, tôi thấy đây cũng là dịp phân tích xem cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án này.
Tìm hiểu thì thấy, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ công an đã có sự thay đổi thu hẹp lại so với trước. Cụ thể theo Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 quy định về thẩm quyền điều tra thì :
Về nguyên tắc ranh giới địa phương 'Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt'.
Về thẩm quyền trên dưới thì 'Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện ; Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra'.
Như thế, Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 trao quyền rộng rãi cho cơ quan điều tra cấp trung ương, sự 'xét thấy cần thiết' thuộc về ý chí của cơ quan này. Họ được tùy nghi xác định về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Đã thay đổi
Nhưng đến Bộ luật tố tụng hình sự mới năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 đã thay đổi quy định về thẩm quyền điều tra, theo đó luật mới quy định.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự mới thì vụ án AVG - Mobifone có thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Bộ công an ?
'Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại ; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra'.
Luật mới đã bỏ đi tình huống trao quyền tùy nghi 'xét thấy cần thiết' ở luật cũ và giới hạn rõ ràng về những trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Bộ công an.
Vậy theo quy định mới thì liệu vụ án AVG - Mobifone có thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Bộ công an ?
Tôi cho rằng cần xác định xem vụ việc mua bán giữa AVG và Mobifone có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không ? Điều này tùy thuộc vào những yếu tố pháp lý có trong hồ sơ và đánh giá của những người liên quan.
Nếu xét thông thường thì thấy việc mua bán giữa AVG và Mobifone do một số người thực hiện ngồi ký với nhau tại một điểm, một chỗ, tức là tại một tỉnh, thành phố.
Hành vi cơ bản là như vậy và tính chất nghiêm trọng của sự việc là ở chỗ các bên bị quy buộc là đã định giá sai giá trị thực của tài sản khiến việc mua bán gây thất thoát tiền của nhà nước, mà điều này thì lại không phụ thuộc vào vùng lãnh thổ địa lý.
Như thế vụ án có thể được đánh giá là không phải xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, và do vậy thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh.
Còn nếu cho rằng công ty AVG có trụ sở ở Bình Dương, còn Tổng công ty viễn thông Mobifone có trụ sở tại Hà Nội, như thế là đủ để cho rằng vụ án liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, theo đó thẩm quyền thuộc Cơ quan điều tra của Bộ công an. Thì cơ sở này còn kém thuyết phục.
Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao ?
Cũng trong tuần vừa rồi, hôm 2/4 báo Tiền phong điện tử có bài 'Hàn Quốc mở lại điều tra Samsung ngăn cản thành lập công đoàn'
Bài báo cho biết Văn phòng Công tố Quận trung tâm Seoul đã thu thập tài liệu và họ sẽ mở lại cuộc điều tra về việc tập đoàn Samsung ngăn cản việc thành lập các liên đoàn lao động trong tập đoàn này.
Tôi rất lưu ý bài báo này vì nó cho thấy thẩm quyền to lớn của cơ quan công tố Hàn Quốc. Nếu coi những sai phạm của tập đoàn Samsung cũng là một dạng 'đại án' thì bên đó thẩm quyền giải quyết thuộc về Viện công tố thay vì cơ quan điều tra.
Không chỉ trong vụ việc này mà trong nhiều vụ án lớn trước đây đều chỉ thấy vai trò của Viện công tố Hàn Quốc (cơ quan có vai trò như Viện kiểm sát ở Việt Nam nhưng khác về thẩm quyền) mà tôi không hề thấy họ nhắc đến vai trò của cơ quan điều tra.
Ví như hôm 19/3 vừa rồi Viện công tố quận trung tâm Seoul đã yêu cầu Tòa án ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung-bak với cáo buộc liên quan tới tham nhũng và nhận hối lộ. Hay như năm ngoái cũng cơ quan này đã tiến hành điều tra và đề nghị tòa án bắt giữ một cựu Tổng thống khác là bà Park Geun Hye.
Hay xa hơn nữa cũng Viện công tố là cơ quan đã tiến hành điều tra đề nghị bắt giữ đối với Phó chủ tịch tập đoàn Samsung hồi tháng 1/2017, Chủ tịch tập đoàn Lotte năm 2016 và Chủ tịch tập đoàn Posco năm 2015.
Những thông tin này cho thấy vai trò quyền hạn to lớn của Viện công tố Hàn Quốc mà hoàn toàn đối ngược với vị thế yếu kém của cơ quan Viện kiểm sát ở Việt Nam.
Có một điều ít ai biết, phải là người chuyên sâu về pháp luật hình sự mới hiểu, đó là theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì thực chất quyền hạn pháp lý của Viện kiểm sát lớn hơn rất nhiều so với Cơ quan điều tra.
Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn hay hủy bỏ tất cả các quyết định của cơ quan điều tra bao gồm quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định bắt giữ, quyết định khám xét hay thu giữ đồ vật.
Viện kiểm sát có quyền giải quyết trực tiếp đối với những khiếu nại tố cáo việc làm sai của cơ quan điều tra trong các hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, đưa ra yêu cầu tiến hành điều tra hoặc trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Đặc biệt theo luật mới Viện kiểm sát còn nắm giữ thẩm quyền về việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm : Ghi âm, ghi hình bí mật ; Nghe điện thoại bí mật ; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Thẩm quyền to lớn như vậy nhưng thực tế lâu nay Viện kiểm sát vẫn giữ vị thế vai trò yếu kém so với cơ quan điều tra, đó là do bởi vị thế chính trị đã khiến thay đổi cái thẩm quyền theo pháp luật. Pháp luật theo đó đã không được thượng tôn.
Cũng theo luật hiện nay thì thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát tối cao chỉ giới hạn trong những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, hoặc những vụ án tham nhũng, chức vụ có liên quan tới cán bộ tư pháp.
Quay lại vụ AVG
Vụ án AVG -Mobifone xảy ra trong dịp Bộ luật tố tụng hình sự mới vừa có hiệu lực, nhiều quy định mới được ban hành, nhiều vấn đề về thẩm quyền cần được lưu tâm xem xét.
Do vậy việc xác định thẩm quyền điều tra trong vụ án này là một phần việc quan trọng, mà nếu làm đúng sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án có được công lý.
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Hà Nội)
Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam được nhiều thông tin cho biết có thể diễn ra vào tháng Năm, 2018, nhưng cũng có thể sẽ xảy đến sớm hơn vào tháng Tư. Nếu khả năng này xảy ra, khá rõ ràng là đang có một sức ép về "công tác nhân sự cao cấp" – có thể biến động lớn "người vào, kẻ ra" trong Bộ chính trị, kéo theo thay đổi về lịch họp của Hội nghị trung ương 7.
Ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch MobiFone, được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)
Sức ép thời gian
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 khoảng 3 tuần, không khí chính trường Việt Nam lại sôi sục cùng sức nóng hầm hập bốc ra từ "lò" của Tổng bí thư Trọng. Liên tiếp các vụ "công an đánh bạc" bắt Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, mở phiên tòa xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vụ "800 tỷ", tiếp tục điều tra vụ Vũ "Nhôm", chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG"…
Một tuần sau ngày 12 tháng Ba là thời điểm ông Trọng cùng dàn tham mưu là ban bí thư họp để chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG", nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết cơ quan này đã phân công người tiếp nhận hồ sơ thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và sẽ sớm lập đoàn kiểm tra, xử lý trách nhiệm chính trị những người có khuyết điểm liên quan.
Tuy nhiên, việc "phân công tiếp nhận" trên có thể chỉ là một cách nói mang tính bề mặt. Bởi nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, sức ép về thời gian đối với Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ rất lớn. Sẽ rất cập rập và có thể dẫn đến hiệu quả kiểm tra kém chất lượng nếu sắp tới mới "lập đoàn kiểm tra", chưa kể còn phải có thời gian hoàn tất báo cáo kiểm tra, trình Ban bí thư và Tổng bí thư.
Rất có thể, ngay vào lúc này bản dự thảo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG" đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ "kiểm tra bổ sung" và gia cố thêm một số tình tiết, đánh giá mới, liên quan những nhân vật cao cấp "đến lúc này mới chịu khai".
Có một "kinh nghiệm" làm báo cáo bảo đảm tính tốc độ và còn ghi kỷ lục của ngành tư pháp Việt Nam : trong quá tình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ mất có 6 ngày để hoàn tất bản cáo trạng. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ công an chỉ mất có 11 ngày để hoàn tất kết luận điều tra.
Trên phương diện cơ học, chẳng có gì quá đáng ngạc nhiên đối với Cơ quan điều tra nếu cơ quan này mang bản kết luận điều tra – đã được cơ bản hoàn tất từ sau khi có kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào tháng Tư, 2017 – để "tân trang" thành báo cáo kết luận điều tra chính thức. Và cũng chẳng có gì lạ nếu Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại "sao y bản chánh" kết luận điều tra thành cáo trạng, chỉ thay ngày tháng năm, tên cơ quan, chữ ký và con dấu.
Vào ngày 16 tháng Giêng, 2018, thanh tra chính phủ đã báo cáo với Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG". Đó cũng là lần đầu tiên dự thảo thanh tra về vụ việc này được chính thức báo cáo và đưa tin, ngay sau khi một phó tổng thanh tra là Ngô Văn Khánh vừa nghỉ hưu. Ngô Văn Khánh vốn được biết đến có nhiều tài sản "khủng" hết sức bất thường, lại phụ trách thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" nhưng đã cố ý "ngâm tôm" không công bố kết luận thanh tra hơn một năm trời.
Rất có thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã "copy" kết luận thanh tra từ tháng Giêng, 2018, để đến lúc này đã có trong tay một cơ sở dữ liệu đồ sộ trên cơ sở "kế thừa" từ thanh tra chính phủ.
Tiến độ xử lý vụ "Mobifone mua AVG" cũng bởi thế có thể sẽ nhanh, thậm chí rất nhanh.
Nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ phải hoàn tất báo cáo kết luận kiểm tra vụ này và công bố – nếu được phép của ông Trọng cho công bố – chậm nhất vào giữa tháng Tư. Động thái này cũng có thể diễn ra dồng thời, hoặc lệch pha không nhiều về thời gian với việc Bộ công an ra quyết định khởi tố vụ án "Mobifone mua AVG".
Vào tháng Tư, 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã bất ngờ tung ra bản kết luận kiểm tra đối với sai phạm "rất nghiêm trọng" của Đinh La Thăng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 5 mà đã loại ông Thăng khỏi Bộ chính trị.
Và sẽ khác với kết luận thanh tra, trong kết luận kiểm tra đảng có thể sẽ hiện ra những cái tên cụ thể của quan chức sai phạm "rất nghiêm trọng". Sẽ có ít ra vài ủy viên trung ương bị "điểm danh" và do đó sẽ tiếp bước số phận "bị loại khỏi vòng chiến đấu" như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười, 2017.
Ai ?
Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất hai cái tên ủy viên trung ương đảng rất nhiều triển vọng "bị loại khỏi vòng chiến đấu" tại Hội nghị trung ương 7 : Trần Quốc Cường và Trương Minh Tuấn.
Vào tháng Ba, 2018, một bản thông cáo báo chí kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã hé lộ "Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên bí thư Đảng ủy, cục trưởng Cục chính trị – hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ công an".
Tổng cục V lại chính là Tổng cục tình báo – "cái nôi" của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ. Vào thời gian này đã xuất hiện một số đánh giá cho rằng "đồng chí Trần Quốc Cường" và "một đồng chí thứ trưởng Bộ công an" có liên đới trách nhiệm trong vụ Phan Văn Anh Vũ.
Với người còn là bộ trưởng Thông tin và truyền thông trên danh nghĩa là Trương Minh Tuấn, sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước. Ông Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy vào hành vi "cố ý làm trái" – một tội danh mà vào tháng Giêng năm 2018, cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa "119 tỷ" và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam.
Số phận Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn coi như đã "xong", hoặc chỉ còn rất ít hy vọng "thoát" tại Hội nghị trung ương 7 và vòng lao lý ập đến ngay sau, hoặc ngay trước hội nghị này.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 25/03/2018