Cựu Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị án tù 7-8 năm (RFA, 27/12/2019)
Cựu Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hựu Tín bị đề nghị mức án 7- 8 năm tù do những sai phạm trong vụ ‘đất vàng 15 Thi Sách’, phường Bến Nghé, Quận 1, liên quan đến cựu Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Hình minh họa. Cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín tại phiên tòa Courtesy of cand.com.vn
Ông Nguyễn Hữu Tín cùng 4 quan chức khác của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đưa ra xét xử với tội danh ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Vào ngày 27 tháng 12, tức ngày thứ hai của phiên xử, Đại diện Viện Kiểm Sát đề nghị án tù đối với cả 5 bị cáo.
Ngoài mức 7-8 năm tù cho ông Nguyễn Hữu Tín, Viện Kiểm sát đề nghị xử ông Đào Anh Kiệt- nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mức án tương đương ông Tín ; ông Trương Văn Út-nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Thanh- nguyên Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ông 5-6 năm tù ; ông Nguyễn Thanh Chương- nguyên Trưởng phòng Đô Thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh 4-5 năm tù.
Cáo trạng công bố tại tòa nêu rằng vào năm 2014, Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, lợi dụng danh nghĩa "Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an", tự ký hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản này đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để Vũ Nhôm được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên Vũ Nhôm không làm đúng theo các văn bản mà xây các công trình trên đó, hậu quả thiệt hại là Nhà nước thất thoát số tiền gần 6,8 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được.
*****************
Xử cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín (RFA, 26/12/2019)
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng những đồng phạm vào sáng ngày 26/12/2019 bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đem ra xét xử vì có liên quan đến cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Ông Nguyễn Hữu Tín tại tòa hôm 26/12/2019 - Courtesy of hcmcpv.org.vn
4 thuộc cấp bị truy tố cùng với ông Tín gồm : Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ; Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; và Trương Văn Út, cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường.
Cả 5 quan chức cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh cùng bị truy tố vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" có khung hình phạt từ 10-20 năm.
Ông Nguyễn Hữu Tín trước tòa thừa nhận sai nhưng đổ lỗi cho Bộ Công an. Ông Tín nói với Hội Đồng Xét Xử là ông biết sai trong vụ việc, nhưng những bút phê của ông mang tính chất nội bộ chứ không phải văn bản chỉ đạo chính thức.
Báo Người Lao động trích lời ông Tín tại phiên tòa rằng ông chấp nhận nội dung tham mưu, sau đó ký công văn đồng ý chủ trương chấp thuận doanh nghiệp bình phong của Bộ Công an thuê đất xây dựng văn phòng phục vụ công tác an ninh. Vì đây là doanh nghiệp đặc thù nên ông Tín xem xét, căn cứ trên đề nghị của Bộ Công an đưa ra. Nếu doanh nghiệp bình thường xin thuê đất do nhà nước quản lý thì quy trình duyệt hồ sơ sẽ không như thế. Ông Tín nói theo quy định, việc thuê đất phải qua đấu giá nhưng bị cáo không chỉ đạo làm đúng quy trình cũng vì lý do vừa nêu.
Tin trong cùng ngày dẫn thông báo của Tòa án cho biết gia đình ông Nguyễn Hữu Tín đã nộp 1,5 tỷ đồng. Ông này trình bày với Hội đồng xét xử là do thấy có trách nhiệm đền bù tài sản cho Nhà nước nên bàn với vợ chạy tiền đề bù đắp thiệt hại do bản thân ký văn bản gân nên.
Tin cũng nói gia đình của các ông Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh, Trương Văn Út cũng nộp tiền khắc phục hậu quả. Mỗi người được gia đình nộp 500 triệu đồng.
Gia đình ông Đào Anh Kiệt nộp 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả do ông này gây nên.
Theo cáo trạng công bố tại toà, năm 2014, Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 lợi dụng danh nghĩa "Tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an", tự ký hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản này đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để Vũ Nhôm được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên Vũ Nhôm không làm đúng theo các văn bản mà xây các công trình trên đó, hậu quả gây thiệt hại là Nhà nước thất thoát số tiền gần 6,8 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được.
******************
Cựu trưởng Công an Thanh Hóa bị truy tố (RFA, 26/12/2019)
Cựu trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa, ông Nguyễn Chí Phương, bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’ theo qui định tại Điều 354, Khoản 2, điểm C- Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Hình minh họa. Ông Nguyễn Chí Phương, cựu Trưởng Công an Thành phố Thanh Hóa Courtesy of Đại Đoàn Kết
Tin từ báo chí trong nước cho biết Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao vào ngày 26 tháng 12 ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Chí Phương sinh năm 1961, cựu trưởng công an Tp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Cáo trạng nêu rõ vào ngày 18 tháng 7 năm ngoái, một cán bộ Đội Cảnh sát Trật tự Công an Thành phố Thanh Hóa có tên Đỗ Đức Hiếu lấy trộm 1 chiếc xe để tại nhà để xe của công an Thành phố Thanh Hóa. Một ngày sau đó ông Nguyễn Chí Phương và Đội Điều Tra Tổng hợp CA Tp Thanh Hóa làm việc với Đỗ Đức Hiếu và người này nhận tội.
Bản thân ông Nguyễn Chí Phương trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu có hành vi ‘trộm cắp tài sản’.
Trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Chí Phương ba lần nhận tiền của Hiếu, tổng cộng 260 triệu đồng để không bị xử lý kỷ luật và không bị xử lý hình sự.
Nhận tiền của Hiếu nên ông Phương chỉ đạo cán bộ dưới quyền hướng dẫn Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ ; trao đổi với lãnh đạo Viện Kiểm Sát Nhân dân Tp Thanh Hóa không xử lý hình sự Đào Đức HIếu. Ông Phương còn báo cáo lãnh đạo Công an Tỉnh Thanh Hóa xin xử lý nội bộ Đào Đức Hiếu. Tuy nhiên yêu cầu này không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Chí Phương phải làm thủ tục đề nghị xử lý kỷ luật tước danh hiệu công an ; khởi tồ và đề nghị truy tố đối với Đào Đức Hiếu. Do vậy Hiếu đòi lại tiền ; và ông Phương chỉ trả 150 triệu đồng.
Đào Đức Hiếu bị ra tòa vào ngày 22 tháng 1 năm 2019 và nhận mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ. Sau phiên xử, Hiếu đã làm đơn tố cáo ông Phương.
Về tình hình công tác cán bộ cấp cao, tin trong nước cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 26 tháng 12 chủ trì cuộc họp Bộ chính trị để xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Từ năm 2016 đến nay có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng, đã bị xử lý kỷ luật về những vi phạm trong thời gian công tác.