Khánh Hòa cấm bán dự án bất động sản du lịch cho người nước ngoài (VOA, 27/12/2019)
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư không được bán bất động sản cho người nước ngoài, giữa lúc giới hữu trách tỉnh này xin Thủ tướng Chính phủ tạm dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong, một trong 3 đặc khu kinh tế nằm trong Dự thảo Luật Đặc khu đã bị người dân phản đối dữ dội dẫn đến phải đình chỉ thông qua vào năm ngoái.
Khánh Hòa: 129 dự án condotel bị cấm không được bán cho người nước ngoài - Ảnh minh họa
Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, bất động sản du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… không phải là nhà ở nên khi các chủ đầu tư đưa loại bất động sản này vào kinh doanh mua bán thì phải tuân thủ theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, không được bán cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua loại bất động sản này để làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ theo công năng sử dụng.
Theo báo Pháp Luật, có 129 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa được yêu cầu không bán cho người nước ngoài, trong đó có những dự án lớn như The Costa, Khu du lịch và dịch vụ du thuyền Đệ Nhất, Cam Ranh Citygate, Khu nghỉ dưỡng Ocean Village...
Khánh Hòa hiện đang là tỉnh đứng đầu của Việt Nam về mảng đón khách du lịch từ Trung Quốc, Saigon Times dẫn số liệu thống kê gần đây của Sở Du lịch tỉnh này cho biết.
Trong 3 quý đầu năm nay, Khánh Hòa đã đón gần 2 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 3/4 tổng số khách nước ngoài đến đây.
Tình trạng du khách ở quốc gia láng giềng ồ ạt đổ tới theo các tour giá rẻ hay tour 0 đồng đã khiến cho giới hữu trách của tỉnh này rơi vào tình trạng "lúng túng" và gần như không thể kiểm soát thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Trả lời trên báo Khánh Hòa, bà Bùi Thị Thanh Nga – Phó trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 2 Cục thuế tỉnh, thừa nhận về tình trạng "phức tạp" của hoạt động lữ hành quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc qua các tour giá rẻ dẫn đến việc hình thành các chuỗi cửa hàng để bù đắp chi phí, cũng như thực tế du khách Trung Quốc sử dụng hệ thống thanh toán điện tử của họ để thanh toán tại Việt Nam khiến cho giới hữu quan địa phương gần như không thể kiểm soát được dòng tiền này.
Ngoài những bất lợi về kinh tế, công luận Việt Nam còn lo ngại về các vấn đề an ninh khi người Trung Quốc tràn vào Việt Nam tham quan, đầu tư và được hưởng các quyền lợi đặc biệt giữa lúc Việt Nam đang nỗ lực đưa ra các chính sách nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Cùng với Vân Đồn và Phú Quốc, Bắc Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa được chọn là 1 trong 3 dự án đặc khu hành chính-kinh tế theo định hướng của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong dự thảo Luật Đặc khu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải phản đối dữ dội từ công luận, thậm chí dẫn đến các cuộc biểu tình trong cả nước vào năm ngoài dẫn đến việc Quốc hội Việt Nam phải tạm hoãn thông qua dự luật này. Công chúng Việt Nam e ngại sẽ "mất chủ quyền" về tay người Trung Quốc khi dự thảo luật có điều khoản cho phép người nước ngoài được thuê đất tới gần cả 100 năm.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, cho đến nay, mặc dù tỉnh này đã thực hiện một số thủ tục để triển khai quy hoạch tổng thể phát triển đặc khu Bắc Vân Phong, nhưng do Luật Đặc khu vẫn chưa được Quốc hội thông qua nên quá trình lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, tỉnh này đã gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ xin tạm dừng lập quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong và điều chỉnh theo quy hoạch chung của Khu kinh tế Vân Phong cho đến năm 2030 cho "phù hợp với tình hình thực tế".
********************
Hải quan : 19 nhóm hàng có nguy cơ bị Trung Quốc gian lận đội lốt hàng Việt xuất sang Mỹ (RFA, 27/12/2019)
Tổng cục Hải quan Việt Nam hôm 27/12 cho biết cơ quan này đang siết chặt việc kiểm soát, phát hiện hàng Trung Quốc gián nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ và đã phát hiện 19 nhóm hàng có nguy cơ bị gian lận cao, có kim ngạch tăng đột biến vào thị trường Mỹ và EU.
Hình minh họa. Giầy bán ở cửa hàng Mỹ sau khi Hoa Kỳ tăng thuế lên hàng nhập từ Trung Quốc. AFP
Những nhóm hàng có nguy cơ bị Trung Quốc gian lận về xuất xứ bao gồm : dệt may, da giày và túi xách, máy vi tính, điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, xe đạp, xe đạp điện…
Tại họp báo vào sáng ngày 27/12 về vấn đề hàng hóa giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho biết đã lập một tổ công tác đặc biệt "tổng tấn công" các doanh nghiệp có dấu hiệu giả mạo xuất xứ.
Tổng cục Hải quan cho biết đã lập danh sách 24 doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để kiểm tra.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, nói tại cuộc họp báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 đến nay đã khiến nhiều dòng hàng của Trung Quốc xuất vào Mỹ bị đánh thuế cao.
Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra 9 doanh nghiệp và phát hiện hành vi gian lận xuất xứ đối với hàng xuất đi Mỹ của 4 doanh nghiệp. Đó là 3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ là giá, kệ bếp.
Các doanh nghiệp Trung Quốc được cho biết thường sản xuất hàng từ Trung Quốc rồi mang vào Việt Nam để gián nhãn, sau đó xuất đi Mỹ để tránh thuế.
***********************
Mỹ mua đèn Giáng sinh Trung Quốc "made in Vietnam" (BBC, 27/12/2019)
Mỹ thường nhập đèn và đồ trang trí Giáng sinh ở Trung Quốc, nhưng năm nay thì khác. Nó đã được "sản xuất" tại Việt Nam.
Đồ trang trí Giáng sinh bán ở phố Hàng Mã, Hà Nội, Việt Nam
Theo Bloomberg, trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất, cung cấp đèn và đồ trang trí Giáng sinh chủ yếu cho thị trường Mỹ.
Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến các nhà nhập khẩu Mỹ phải đổi hướng. Lý do là Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng ở đây tăng giá mạnh.
Trong bối cảnh đó, Mỹ tìm đến Việt Nam.
Các lô hàng đèn và đồ trang trí Giáng sinh nhập khẩu đường biển từ Việt Nam qua Mỹ đã tăng gấp đôi trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian trên, nhập khẩu đèn từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm tới 49%.
Nhưng câu chuyện đằng sau việc này phức tạp hơn nhiều.
Đèn Giáng sinh chỉ là một trong số các hàng hóa nằm trong khuynh hướng lên xuống thất thường của danh sách hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế.
Các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách không dán nhãn "Made in China" vào hàng hóa của mình để tránh bị đánh thuế.
Họ đưa hàng hóa sang qua biên giới những 'người hàng xóm' như Việt Nam và dán lại nhãn, ví dụ "Made in Vietnam", rồi xuất sang Mỹ.
Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, đang thu hút nhiều nhà đầu tư và sản xuất nước ngoài, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã làm tăng nguy cơ buôn bán hàng hóa bất hợp pháp, đẩy Việt Nam vào 'ghế nóng'.
Bà Nguyễn Thị Hà, một người bán đồ Giáng sinh trên phố Hàng Mã, Hà Nội, nói với Bloomberg rằng, có một số công ty địa phương đã nhập khẩu các nguyên liệu, bộ phận từ Trung Quốc về Việt Nam rồi lắp ráp thành đèn Giáng sinh.
Hồi tháng Năm, Tổng thống Trump đã giáng thêm 25% thuế quan lên đèn Giáng sinh Trung Quốc, tăng từ 10% trước đây. Mặt hàng này không nằm trong danh sách của thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đầu tháng này.
Đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn, nói với Bloomberg rằng, kiểm soát dòng hàng hóa bất hợp pháp là trở ngại của Việt Nam hiện nay.
Mới đây, Hải quan nước này đã phát hiện ra 14 trường hợp xuất khẩu hàng hóa với nhãn giả.
Trong khi đó, dữ liệu đến tháng Mười một cho thấy, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2019 đã tăng ba chữ số.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đang trên đà đạt 35 tỷ đô la trong năm nay, tương đương với hai năm trước.
Nhưng thành công cũng đi kèm với cái giá phải trả.
Thặng dư hàng hóa Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng lên 46,3 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm 2019 - tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái - khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của Nhà Trắng.
Ông Trump từng điểm mặt Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại.
Ngay sau đó, Việt Nam đã mua một khối lượng lớn khí đốt hóa lỏng từ Mỹ để giúp giảm thặng dư thương mại.
Mới đây, Mỹ đánh thuế hơn 400% lên thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu được sản xuất ở Việt Nam có sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.
*****************
Malaysia áp thuế chống phá giá thép Việt Nam hơn 20% (RFA, 27/12/2019)
Malaysia vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 7,7% lên đến hơn 20% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/12/19 và kéo dài trong 5 năm.
Ảnh minh họa : Nhà máy sản xuất thép cuộn do nước ngoài đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam. AFP
Truyền thông trong nước vào ngày 27/12 dẫn nguồn theo thông báo của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) công bố thông tin vừa nêu một ngày trước đó.
Thông báo của MITI cho biết Malaysia bắt đầu áp thuế chống phá giá đối với thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim nhập khẩu vào nước này từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Theo đó, sản phẩm thép POSCO-Vietnam bị áp mức thuế 7,7%, một số sản phẩm thép khác nhập khẩu từ Việt Nam phải chịu mức thuế hơn 20%.
MITI, trong thông báo cho biết quyết định mới về áp mức thuế chống bán giá đối với sản phẩm thép nhập khẩu được đưa ra sau khi hoàn tất cuộc điều tra theo đơn kiện của các doanh nghiệp sản xuất thép nguội Malaysia, cáo buộc rằng những sản phẩm thép nhập khẩu từ 4 nước nêu trên có giá thấp hơn giá bán ở thị trường nội địa và thiệt hại cho ngành công nghiệp thép của Malaysia.
Sản phẩm thép nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế thấp nhất 3,84% và sản phẩm thép của Nhật Bản sẽ chịu mức thuế cao nhất đến 26,39% theo quy định áp thuế chống bán phá giá thép mới nhất của Malaysia.