Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/12/2019

Lấy chồng Hàn Quốc, cô dâu Việt vỡ mộng khi đời không như là phim

BBC tiếng Việt

Ba trong bốn cuộc hôn nhân của đàn ông Hàn Quốc với phụ nữ nước ngoài là với người Việt Nam. Tuy nhiên, các cô dâu Việt về nhà chồng đối mặt với nhiều khó khăn, theo SCMP.

han1

Facebook của một nhóm mai mối kết hôn Hàn- Việt

Để giải bài toán chênh lệch nam - nữ ngày càng tăng, nhiều đàn ông Hàn Quốc ở khu vực nông thôn đã chọn việc kết hôn với người nước ngoài, theo một bài báo đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post).

Theo số liệu của của chính phủ Hàn Quốc năm 2017, các cuộc hôn nhân có người phối ngẫu đến từ nước ngoài hiện đã chiếm gần một phần năm (18,4%) trong tổng số các cuộc hôn nhân ở nước này mỗi năm.

Trong số các cô dâu nước ngoài, nhiều nhất là đến từ Việt Nam, chiếm 36,1% ; tiếp đó là Trung Quốc (26.1%), theo dữ liệu thống kê năm 2018 của Hàn Quốc.

Nhưng thay vì được hoan nghênh như một phần của giải pháp cho một xã hội đang ngày càng già hoá ở Hàn Quốc, những cô dâu Việt đang phải đối mặt với sự tẩy chay, hoặc trong một số trường hợp, bị lạm dụng thể xác và tinh thần.

Tờ South China Mormning Post dẫn trường hợp một cô gái tên Lien Dinh.

Lien Dinh là người mê phim Hàn Quốc.

Những người đàn ông trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc mà cô xem lúc nào cũng bảnh bao và lãng mạn, giỏi giang và luôn tôn trọng phụ nữ.

Và Lien Dinh muốn đến Hàn Quốc đặng tìm kiếm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và rồi cô gặp chồng - một thợ điện hơn cô 10 tuổi.

Nhưng sau khi định cư ở Daegu, cô mới nhận thấy cuộc sống ở Hàn Quốc không giống như trên phim ảnh.

"Thực tế khác xa với kỳ vọng của tôi. Những người đàn ông lớn tuổi Hàn Quốc kết hôn với cô dâu nước ngoài có cách cư xử không giống với những người đàn ông đẹp trai và lịch lãm trong phim", cô nói, theo South China Morning Post.

Dù đã học tiếng Hàn nhưng Dinh gặp không ít rắc rối với gia đình nhà chồng và những điều mà cô nói là sự phân biệt đối xử với các cô dâu nước ngoài, nhất là những người đến từ Việt Nam.

Cô cũng thường xuyên bị nhìn nhận như một người đang lợi dụng chồng mình.

"Nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng chúng tôi đến từ một quốc gia nghèo và một khi kiếm được quyền công dân sẽ nhanh chóng rũ bỏ cuộc hôn nhân, cũng như trách nhiệm với con cái", cô nói, theo tờ South China Morning Post.

han2

Một cặp chồng Hàn- vợ Việt (ảnh minh họa)

Lên mạng tìm vợ

Một trong những cách tìm vợ của nhiều đàn ông Hàn Quốc là qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Họ thường đăng các quảng cáo tìm vợ trên Facebook và có hẳn Facebook page mang tên "Bạn có muốn tìm một người vợ Việt Nam không ?".

Ngoài ra, những tổ chức môi giới hôn nhân cũng lập các Facebook page để giới thiệu các ứng viên nữ của mình.

Một trong những tổ chức như vậy nói với tờ South China Morning Post rằng, khách hàng của họ đã đặt cọc 2 triệu won trước khi bay sang Việt Nam cho những chuyến đi kéo dài sáu ngày, nơi họ sẽ hẹn hò với tối đa 20 phụ nữ để tìm bạn đời.

Nếu khách hàng gặp được người họ thích, họ có thể kết hôn và hoàn tất quy trình đăng ký kết hôn hợp pháp ngay trong chuyến đi.

Sau đó, cô dâu sẽ tham gia vào một khóa học tiếng Hàn ba tháng trước khi sang Hàn.

Tính ra, mỗi khách hàng sẽ phải trả khoảng 12 triệu won (khoảng 10.350 đô la Mỹ), đã tính cả khoản hồi môn cho gia đình cô gái. Và quá trình từ khi kết hôn đến lúc cô dâu ngoại nhập cư sẽ mất khoảng sáu tháng.

Để cô dâu Việt Nam nhận được thị thực diện kết hôn, người đàn ông Hàn phải khai rõ nơi cư trú, không có tiền sử tấn công tình dục và thu nhập tối thiểu mỗi năm 18 triệu won.

Báo cáo năm 2017 của Bộ Giới, Bình đẳng và Gia đình Hàn Quốc cho hay, tuổi trung bình của đàn ông Hàn Quốc khi kết hôn với cô dâu Việt Nam là 43,6 tuổi ; còn cô dâu trung bình 25,2 tuổi.

"Tất nhiên, điều đó còn tuỳ vào quan niệm liên quan đến việc họ phải trả bao nhiêu và những cô dâu Việt được tự do ở mức nào, nhưng tôi cho rằng, những người đàn ông Hàn Quốc khi kết hôn với các cô dâu nước ngoài hoàn toàn không nghĩ là mình đang đi 'mua' cô dâu.

"Tôi nghĩ, người Hàn Quốc thường xem đây là các cuộc hôn nhân được sắp xếp hơn", Giáo sư Shin Gi-wook, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein tại Đại học Stanford, được South China Morning Post dẫn lời nhận xét.

Báo động bạo lực và lạm dụng cô dâu nước ngoài

Dư luận Hàn Quốc gần đây nổi sóng với những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình và lạm dụng với cô dâu nước ngoài.

Cụ thể là vào tháng 11, cảnh sát tỉnh Yangju, Hàn Quốc, đã bắt giữ nghi phạm là một người chồng khoảng 55 tuổi bị tình nghi sát hại và giấu thi thể người vợ Việt Nam 30 tuổi.

Cặp đôi kết hôn vào năm 2017 tại Việt Nam nhưng người vợ mới chỉ sang Hàn Quốc ba tháng.

Trước đó, vào tháng Bảy, một video dài hai phút rưỡi ghi lại hình ảnh người chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn cô vợ người Việt Nam đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội và truyền thông hai nước Việt - Hàn.

Vụ việc khiến công chúng vô cùng bức xúc và phẫn nộ.

Để đối phó với các sự cố như trên, Bộ Tư pháp Hàn Quốc nói rằng, sẽ áp dụng một luật mới, cấm nam giới có tiền sử về bạo lực gia đình, tấn công tình dục, giết người và cướp tài sản kết hôn với người nhập cư.

Ngoài ra, cảnh sát còn có kế hoạch ra mắt một đường dây nóng đa ngôn ngữ, dành cho những người phối ngẫu là người nước ngoài.

Hơn 35 chính quyền địa phương ở các khu vực nông thôn của nước này cũng đã quyết định trợ cấp từ 3 đến 10 triệu won cho các cặp đôi kết hôn mà một bên phối ngẫu là người nước ngoài, nhưng họ phải sống với nhau trong một khoảng thời gian tối thiểu.

Còn quận Yangpyeong hỗ trợ nam giới chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 35 đến 55 tuổi và làm việc trong các ngành đánh bắt thủy sản, nông nghiệp và lâm nghiệp lên tới 10 triệu won khi kết hôn với một cô dâu từ nước ngoài, theo tờ Korea Herald.

Xã hội cần khoan dung hơn

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, để cải thiện cuộc sống của những cô dâu nước ngoài, các sáng kiến của chính phủ sẽ không đủ, trừ khi chính xã hội trở nên khoan dung hơn với người nhập cư và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Trong khi người nước ngoài hiện chiếm 3,6% dân số quốc gia, người nhập cư vẫn rất khó hòa nhập ở Hàn Quốc.

Một nghiên cứu công bố năm 2019 của ba nhà nghiên cứu Hàn Quốc Misoon Jeon, Okhee Anh và Minjeong An nhận thấy rằng, xã hội đồng nhất và việc nam giới chiếm ưu thế ở Hàn Quốc, nhất là ở khu vực nông thôn, có thể dẫn đến sự chối từ các văn hoá khác và khiến những người phụ nữ di cư sang Hàn Quốc bằng con đường môi giới hôn nhân cảm thấy không được đối xử bình đẳng.

Giáo sư Eun Ki Soo, Đại học Quốc gia Hàn Quốc, trong một nghiên cứu về những khác biệt văn hóa trong đời sống gia đình chồng Hàn - vợ Việt, cũng nhìn nhận rằng "người Hàn Quốc rất hay bài xích và phân biệt đối xử với những người có làn da tối màu. Và họ cũng phân biệt đối xử với những người đến từ các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn Hàn Quốc. Do vậy, khi kết hôn với chồng và đến Hàn Quốc sinh sống thì khả năng bị phân biệt đối xử của người vợ Việt Nam rất lớn".

han3

Các cô gái lấy chồng Hàn Quốc tham gia lớp học về hội nhập văn hóa tại Trung tâm Hàn Quốc về chính sách cho quyền con người tại Cần Thơ.

Giáo sư Shin Gi-wook, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, nới với South China Morning Post rằng, các chính sách của chính phủ có thể tạo điều kiện nhưng chúng không thể làm thay đổi thái độ của người dân.

Bởi vậy, theo ông, điều quan trọng nhất là giáo dục người Hàn Quốc về sự cần thiết phải chấp nhận và quan tâm đến những người đến từ nước ngoài, đánh giá cao sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng và cuối cùng biến xã hội Hàn Quốc mang tính toàn cầu thực sự, vì lợi ích của chính họ.

Còn Giáo sư Xã hội học John Lie, tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, thì nói rằng, chấp nhận sự khác biệt về văn hóa chưa đủ, mà xã hội cũng cần thay đổi cách hành xử kiểu gia trưởng với phụ nữ.

Theo ông giảm bớt những hiện tượng trên xảy ra với các cô dâu nước ngoài phải nằm trong mục tiêu chung là giảm bớt các vấn đề về bạo lực gia đình và lạm dụng đối với tất cả phụ nữ Hàn Quốc.

Ông nói rằng, phụ nữ Hàn Quốc cần có thêm nguồn lực và và sự hỗ trợ tốt hơn. Việc có thêm các cơ sở chăm sóc trẻ sẽ giảm bớt gánh nặng với những người mẹ đi làm ; giảm các tập quán gia trưởng sẽ là hai trong những chính sách như vậy.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)