Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) hôm thứ hai, 25 tháng 10 đã raquyết định về trường hợp của Nhà báo Phạm Đoan Trang. Theo cơ chế Liên hiệp quốc (Liên Hiệp Quốc) này, việc chính quyền Việt Nam bắt và giam giữ tiếng nói bất đồng chính kiến này là ‘tùy tiện’ và đi ngược với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Ngay sau khi quyết đinh được công bố, Luật sư nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Kurtuluş Baştimar, người đã kiến nghị với Nhóm Công tác về trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, đã dành cho phóng viên Giang Nguyễn cuộc nói chuyện vào chiều thứ tư, 27 tháng 10. Mời quý vị theo dõi.
Luật sư nhân quyền Kurtuluş Baştimar
Giang Nguyễn : Thưa Luật sư Kurtuluş Baştimar, lần cuối chúng ta nói là hồi tháng bảy khi ông đang trong quá trình kiến nghị lên Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang. Bây giờ thì chúng ta đã có quyết định của Nhóm công tác khẳng định rằng việc tước quyền tự do của bà Phạm Đoan Trang là 'tùy tiện'. Phản ứng đầu tiên của ông khi nhận được quyết định là gì ?
Kurtuluş Baştimar : Cảm ơn cô Giang rất nhiều. Vâng tôi rất vui khi có quyết định này, nó thực sự rất quan trọng đối với luật nhân quyền quốc tế. Tôi nhận được quyết định vào hôm thứ hai (25/10). Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã chuyển quyết định cho tôi sau khi họ gửi nó đến Chính phủ Việt Nam.
Như cô biết, quyết định của Nhóm công tác Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tùy tiện có năm hạng mục và mỗi hạng mục đề cập đến những điều khác nhau. Cơ chế này đã quyết định rằng Khoản 1, Điều 9 của Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị đã bị vi phạm vì việc bắt và giam không có bất kỳ lệnh bắt giữ nào và bà Phạm Đoan Trang không được thông báo về các cáo buộc.
Chính phủ Việt Nam biện minh cho việc không có lệnh bắt bằng cách nói rằng lệnh bắt đã được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn. Nhưng UNWGAD nói rằng Viện Kiểm sát Nhân dân không phải là một cơ quan tư pháp độc lập. Điều này rất quan trọng bởi vì nó nói lên một cách gián tiếp là ngay cả nếu như có lệnh bắt do Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn, nó cũng không giúp gì vì cơ quan tư pháp này không độc lập.
Ngoài ra Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc Về Giam giữ Tùy tiện cũng ra quyết định rằng bà Phạm Đoan Trang đã không được cơ hội phản đối việc giam giữ bà ấy trước tòa án. Đó là lý do tại sao quyền được khắc phục hiệu quả theo Điều 2, Đoạn 3 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng đã bị vi phạm.
Có thêm một điều quan trọng và cốt yếu nữa là Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc cũng có quyết định rằng bà Phạm Đoan Trang đã bị đặt ngoài sự bảo vệ của pháp luật. Điều đó có nghĩa là quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật, theo Điều 16 của Công ước, cũng đã bị vi phạm. Điều này hết sức quan trọng vì đó là mức tối thiểu của quyền con người phải được bảo vệ.
Trong Đoạn 68, Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc đã một lần nữa khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam không thể tước quyền tự do của một cá nhân dựa trên Điều 88 (hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam) bởi vì điều này quá rộng và mơ hồ.
Trong quyết định, Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng một điều luật phải rõ ràng và chính xác. Cụ thể là khi một công dân Việt Nam đọc qua luật này, họ có thể hiểu nó và biết phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với quy định như thế nào. Nhưng khi đọc văn bản điều luật này, cụ thể là Điều 88 hoặc Điều 117 sửa đổi, họ không thể hiểu được loại hành vì nào có thể được xem là ‘tuyên truyền’ hoặc ‘chống Nhà nước’. Họ không biết được vì ranh giới của điều luật này không được xác định rõ.
Giang Nguyễn : Vâng có nhiều người chỉ trích rằng Chính phủ Hà Nội đã cố tình soạn những điều luật thật rộng và mơ hồ để có thể áp dùng tuỳ theo trường hợp và theo ý của họ…
Kurtuluş Baştimar : Chính xác. Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc cũng lập luận rằng bà Phạm Đoan Trang bị bắt sau khi bà tham gia viết bài, tường thuật về các sự kiện dân chủ và chống tham nhũng. Đó là lý do tại sao bà bị bắt. Nhưng với tư cách là một nhà báo hoặc một blogger và một tác giả đã từng đoạt giải thưởng, bà Phạm Đoan Trang có quyền tham gia các hoạt động của công chúng.
Vì vậy quyền tham gia điều hành các công việc xã hội theo Điều 21 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Điều 25 A của Công ước đã bị vi phạm.
Giang Nguyễn : Vâng thưa Luật sư, vậy thì quyết định của Nhóm Công tác rằng nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giữ là tùy tiện có ý nghĩa gì trong lúc này, khi phiên xét xử đã được chỉ định (nay đã bị hoãn lại-pv).
Kurtuluş Baştimar : Chúng ta không thể chối bỏ được sự hiệu quả của những quan điểm này, vì đây là những quyết định dựa trên Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Đây là một quy ước quốc tế và Điều 2 của quy ước này quy định nghĩa vụ của các quốc gia ký kết, buộc họ phải thực hiện tất cả những bước cần thiết để công dân của quốc gia này được hưởng các quyền đó.
Quyết định này có nghĩa là Chính phủ Việt Nam không thể đưa bà Phạm Đoan Trang ra xét xử và tiếp tục bắt giữ bà nữa, bởi vì ngay cả khi nó hợp pháp xét trên luật quốc gia, điều đó vẫn chưa đủ để giam giữ bà vì nó phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này cũng đã được Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lặp lại nhiều lần.
Chính phủ Việt Nam nên tôn trọng quyết định quốc tế này vì khi áp dụng luật quốc gia nhiều điều khoản của Công ước cũng như luật quốc tế đã bị vi phạm.
Giang Nguyễn : Như ông có đề cập, Nhóm Công tác tuyên bố rằng bà Phạm Đoan Trang không nên bị đưa ra xét xử, tuy nhiên chúng tôi cũng biết rằng Chính phủ Việt Nam có khuynh hướng coi thường các quyết định như họ đã làm trong quá khứ. Hiện không có chỉ dấu gì rằng phiên tòa xét xử bà Phạm Đoan Trang sẽ không tiến hành. Vậy Nhóm Công tác có cơ chế nào để buộc Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm trước những giao ước mà họ đã ký kết ?
Kurtuluş Baştimar : Vâng trên cơ bản thì cô nói đúng : Chúng ta biết rằng Chính phủ Việt Nam cố gắng phớt lờ quyết định đó. Họ tiếp tục dựa vào luật quốc gia và quy trình pháp luật của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có quyền và họ có thể tiếp tục phớt lờ những quyết định này.
Nếu chúng ta xem xét tác động của những quyết định này, chúng ta thấy Chính phủ Việt Nam đã phải sửa đổi Điều 88 (Bộ luật Hình Sư). Do đó chúng tôi biết họ phải chịu áp lực rất lớn từ những quyết định này. Tất cả các quốc gia, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, và các quốc gia khác cũng vậy. Những quyết định này không thể được coi là có tác động mơ hồ hoặc không có tác động gì cả.
Còn nói đến quy trình sau khi quyết định được đưa ra, và trong tất cả các giai đoạn sau đó, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc ngay bây giờ đã bắt đầu những thủ tục theo dõi, có nghĩa là họ sẽ theo dõi Chính phủ Việt Nam, họ sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về bà Phạm Đoan Trang, liệu bà đã được thả hay chưa, những vấn đề này đã được khắc phục hay chưa v.v. Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc sẽ theo dõi tất cả các thông tin đó.
Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục không tuân thủ, thì họ sẽ được mời đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bị chất vấn. Họ sẽ được yêu cầu cung cấp lý do tại sao họ không thực hiện những điều được yêu cầu trong quyết định.
Nhưng đặc biệt trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, tôi biết rằng quyết định này sẽ có tác động rất lớn vì chúng tôi được biết từ các luật sư trong nước rằng trước đây bà Phạm Đoan Trang phải đối mặt với mức án 20 năm tù, thì nay mức án có thể được giảm xuống còn ba năm thôi.
Vì vậy mỗi hành động mà chúng ta thực hiện ở cấp độ luật quốc tế đều có tác động lớn đến luật và quá trình xét xử trong nước. Tuy nhiên tôi đồng ý với cô rằng Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện phải có một cơ quan hoặc quy trình có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt trong trường hợp những quyết định bị phớt lờ.
Giang Nguyễn : Và chắc chắn Luật sư sẽ tiếp tục theo dõi trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang ? Kế tiếp luật sư sẽ có những bước gì ?
Kurtuluş Baştimar : Tôi sẽ tiếp tục theo dõi trường hợp của bà Phạm Đoan Trang. Tôi cũng đã kết nối với một số cơ quan và tổ chức nhân quyền quốc tế và vận động được sự hỗ trợ của họ.
Tôi cũng sẽ nỗ lực liên hệ với các nghị sĩ ở Châu Âu. Xin khẳng định, chúng tôi không muốn và chúng tôi không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nhà nước Việt Nam, và chúng tôi cũng không đưa ra bất kỳ lệnh nào cho các tòa án Việt Nam. Chúng tôi chỉ yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy tôn trọng luật pháp quốc tế và quyết định quốc tế rằng bà Phạm Đoan Trang phải được trả tự do và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của bà cho đến khi bà được trả tự do.
Giang Nguyễn : Cảmơn Luật sưKurtuluş Baştimar.