Giới trẻ gốc Việt và trường quân sự West Point
VOA, 19/06/2020
Một sinh viên sĩ quan gốc Việt vừa tốt nghiệp trường quân sự West Point danh giá của Mỹ nói với VOA rằng ngôi trường này cho phép anh thực hiện ước mơ trở thành sĩ quan quân đội để phục vụ đất nước và kêu gọi những bạn trẻ gốc Việt khác ‘nếu muốn thì cũng sẽ làm được’ như anh.
Lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự West Point hôm 13/6
West Point, tên đầy đủ là Học viện Quân sự Hoa Kỳ, là trường quân sự lâu đời nhất nước Mỹ tọa lạc bên bờ sông Hudson, New York. Đây là ngôi trường danh giá nhất trong hệ thống các trường đào tạo sĩ quan của Mỹ với tiêu chuẩn đầu vào rất khắt khe.
Trong số các cựu sinh viên của trường có hai Tổng thống là Ulysses S. Grant và Dwight D. Eisenhower. Ngoài ra còn có các tên tuổi nổi tiếng khác như Douglas McArthur, Tư lệnh quân đội Mỹ vùng Viễn Đông trong Đệ nhị Thế chiến, tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng hỗ trợ quốc tế ở Afghanistan và Mike Pompeo, đương kim Ngoại trưởng Mỹ.
Lễ tốt nghiệp niên khóa 2020 diễn ra hôm 13/6 với sự hiện diện và đọc diễn văn của Tổng thống Donald Trump. Đây là lần hiếm hoi mà lễ tốt nghiệp West Point không thực hiện đầy đủ các nghi thức do tình hình dịch bệnh Covid-19.
‘Chiến thắng trong chiến tranh’
Trong tổng số 1113 tân sĩ quan tốt nghiệp cấp bậc Thiếu uý có 7 tân sĩ quan người Mỹ gốc Việt – đây là con số đại diện người Mỹ gốc Việt nhiều nhất từ trước đến nay tại ngôi trường quân sự danh giá này.
Trao đổi với VOA, anh Andy Vũ, một trong 7 tân sĩ quan vừa tốt nghiệp ở West Point, cho biết lễ tốt nghiệp năm nay anh ‘cảm thấy hơi buồn vì bố mẹ không thể có mặt để chia vui’ vì tình hình dịch bệnh.
Anh chia sẻ điều anh ghi nhớ sâu sắc từ bài diễn văn của Tổng thống Trump là ‘nhiệm vụ của những người sĩ quan trong quân đội Mỹ là phải chiến thắng trong các cuộc chiến tranh’.
"Bởi vì Andy đi học ở trường West Point là để làm sĩ quan. Bây giờ tốt nghiệp rồi thì phải nghĩ về những điều đất nước mình cần, mà điều đó là người sĩ quan phải chiến thắng trong các cuộc chiến của nước Mỹ", anh giải thích.
Sắp tới anh Andy Vũ, cư dân thành phố Arlington, bang Texas, sẽ phải đến Alabama học lái máy bay trực thăng trong một thời gian trước khi được điều động thực hiện nhiệm vụ vì binh chủng anh tham gia là không quân, anh cho biết.
Anh nói anh cũng như các sinh viên sĩ quan khác ở West Point một khi đã vào trường thì ‘không sợ chiến tranh’. "Ai vào West Point cũng đều biết rằng mình có thể sẽ phải đi chiến đấu, nếu đã học đến cùng thì tức là đã đồng ý rằng nếu đất nước gọi thì mình phải đi thôi", anh nói thêm.
Anh nói anh ‘không sợ chết’ mà ‘chỉ lo cho bố mẹ và lo làm sao hoàn thành 100% nhiệm vụ’. Lúc anh thi vào trường bố mẹ anh có lo lắng nhưng ‘ủng hộ vì biết đó là điều Andy muốn làm’.
‘Muốn giúp đỡ nhiều người’
Andy cho biết lý do anh chọn theo con đường quân sự là do ‘hồi nhỏ rất thích xem mấy phim về lính biệt kích Mỹ như Navy Seals’. "Đi lính thì có thể giúp đỡ được cho nhiều người hơn, còn nếu học bình thường thì không có nhiều cơ hội giúp đỡ những người bên ngoài", anh Andy, vốn sinh ra trong gia đình không có ai theo binh nghiệp, giãi bày.
Ngoài ra, một lý do nữa là học ở trường quân sự, anh không phải lo đóng học phí và khi ra trường không phải lo đi tìm việc làm như những người bạn cùng trang lứa khác, anh nói thêm.
Theo lời anh thì lúc anh đăng ký dự tuyển vào West Point, anh ‘không biết đây là ngôi trường như thế nào mà chỉ muốn thử coi mình có khả năng được nhận vào trường hay không’. Sau đó, anh mới biết ngôi trường này ‘tương đương Đại học Harvard trong hệ thống đại học thông thường’ nên càng quyết tâm theo đuổi.
Anh cho biết để được nhận vào trường, ngoài thành tích xuất sắc ở trung học, anh còn phải có điểm thi SAT cao, phải vượt qua các bài kiểm tra sức khoẻ, kiểm tra thể lực. Ngoài ra, anh phải được vị dân biểu liên bang đại diện cho địa hạt nơi anh ở phỏng vấn và viết thư giới thiệu cho nhà trường.
Anh nói những năm học ở West Point, điều tạo cảm hứng cho anh là ‘các tướng lĩnh cao cấp sau này đều là những học viên bình thường, không có thành tích xuất sắc nhưng với nỗ lực sau đó đều đã thành công và được mọi người nhớ đến’.
"Có một câu nói được các thầy cô nói lại mà tôi rất thích : ‘những người tạo nên lịch sử đã đi ra từ mái trường West Point’", anh tâm sự.
Về áp lực học tập ở ngôi trường quân sự này, Andy Vũ cho biết ‘học nhiều hơn các đại học khác’ với từ 20-22 tín chỉ mỗi học kỳ (so với 16 tín chỉ ở các trường bình thường).
"Cuối tuần còn phải đi huấn luyện quân sự, cộng thêm mỗi năm phải kiểm tra sức khỏe 3, 4 lần vì công việc của lính đòi hỏi về thể lực rất cao", anh cho biết.
"Sinh viên ở trường có rất ít thời gian dành cho mình, mùa hè chỉ nghỉ được mấy tuần so với các bạn trường khác được nghỉ mấy tháng".
‘Mạnh dạn thi vào’
Andy nói mặc dù lịch học căng thẳng và nhiều, nhưng anh thấy ‘không khó lắm’. "Có những đêm không ngủ phải làm bài nhưng điều đó cũng là bình thường vì sinh viên nào cũng phải vậy hết", anh cho biết.
"Điều mà Andy thấy khó nhất là mình không được ở nhà, không được gần bố mẹ nên nhớ nhà. Mình bị lỡ những ngày sinh nhật của em mình hay của ba mẹ mình nhưng mình phải hy sinh", anh bày tỏ.
Khi được hỏi có lời nhắn nhủ gì với các bạn trẻ gốc Việt vốn cũng có ước muốn vào học ở West Point, Andy Vũ cho rằng ‘ba mẹ người Việt thường sẽ không khuyên con cái mình đi lính mà đa số khuyên đi học bác sĩ, kỹ sư, luật sư’.
"Mình đừng có nghĩ là mình là người Việt mà mình sẽ không bằng người ta, đừng nghĩ là người ta sẽ không cho mình vô trường West Point bởi vì mình là người Việt", anh nói.
"Nếu mình muốn làm thì mình có thể làm được, chỉ cần cố gắng không bỏ cuộc. Nếu mình chứng tỏ được khả năng thì người ta sẽ nhận mình vào thôi", anh nói thêm.
Theo lời anh thì giới trẻ Việt nhiều người không biết về cơ hội mà trường quân sự West Point có thể đem lại trong khi các bạn da trắng ‘thường có bố mẹ hay cô chú đã qua trường West Point rồi nên biết về cơ hội ở trường West Point’.
Nguồn : VOA, 19/06/2020
********************
Thư các niên trưởng West Point gởi khóa sinh 2020
The Long Gray Line - Nhã Duy
Lời người dịch : Hồi cuối tuần qua, hơn một ngàn sinh viên sĩ quan West Point khóa 2020 đã làm lễ bế mạc khóa huấn luyện, bao gồm 7 sĩ quan gốc Việt. Ngay trước ngày lễ tốt nghiệp này, hàng ngàn niên trưởng West Point (The Long Gray Line), được xem là một giới tinh hoa và ưu tú của quân lực Hoa Kỳ, đã gởi thư chúc mừng khóa đàn em và tái nhắc nhở lời tuyên hứa cùng các giá trị mà người sĩ quan West Point cam kết sẽ theo đuổi và bảo vệ. Lá thư đăng trên trang Medium tái xác định vai trò phi chính trị và phi đảng phái của quân đội và chỉ bảo vệ hiến pháp, quốc gia cùng người dân. Bức tâm thư xem ra có giá trị với cả quân đội tại những quốc gia khác.
Nhã Duy
Lễ ra trường của khóa sinh West Point - Ảnh U.S. Army/Bryan Ilyankoff
Các chiến hữu đang khởi đầu binh nghiệp của mình tại một thời điểm xáo trộn. Hơn 110 ngàn người dân Mỹ đã chết vì Covid-19, hơn 40 triệu người thất nghiệp và quốc gia chúng ta lại đang bị thương tổn từ sự bất công chủng tộc, xã hội và con người. Hiện hữu trong đời sống thường nhật của quá nhiều người dân là sự tuyệt vọng, nỗi sợ hãi, lo lắng, sự phẫn nộ và bất lực. Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng tôi tin tưởng rằng các chiến hữu sẽ vượt qua thách đố này để tròn vai trò là những cấp lãnh đạo trong quân lực chúng ta.
Tựa như các khóa huấn luyện trước đây, khóa 2020 tụ họp vô vàn nền tảng đa dạng trong khắp và ngoài nước Mỹ . Các chiến hữu đại diện cho sự đa chủng tộc, đa sắc tộc, đa bản sắc và đa tín ngưỡng của quốc gia chúng ta. Hành trình huấn luyện West Point đã đưa các chiến hữu đến giây phút này, khi mà các chiến hữu đưa tay phải lên để tuyên thệ sẽ "bênh vực và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ trước mọi kẻ thù ngoại bang và quốc nội". Lời tuyên thệ này mang giá trị vô thời hạn. Trọng trách cả trách nhiệm và bổn phận sẽ đặt lên vai và ảnh hưởng trong suốt cuộc đời các chiến hữu. Những lời tuyên hứa là trang nghiêm, cam kết với công chúng mang ý nghĩa quan trọng và có trọng lượng của đạo đức. Khi chúng bị phá vỡ, quốc gia bị tổn thất.
Tuyên thệ bởi những người đã chọn phục vụ quân đội Hoa Kỳ là khát khao. Chúng ta tuyên hứa không phục vụ cho kẻ chuyên quyền, cho chính phủ, cho đảng phái, cho bạo chúa. Mà tuyên thệ của các chiến hữu là tập hợp các nguyên tắc và một lý tưởng được thể hiện trong Hiến pháp cùng các Tu Chính án. Hiến pháp của chúng ta thiết lập các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tụ họp, tôn giáo, bảo vệ sự bình đẳng dựa theo pháp luật, bất kể chủng tộc, màu da hay tín ngưỡng, mà chúng ta không thể xem nhẹ những sự tự do được rất nhiều quốc gia trên thế giới ao ước .
Chấp nhận nhiệm vụ, các chiến hữu mang bổn phận và mục đích đầy đạo đức để thực hiện sự bảo vệ thông thường. Làm như vậy là các chiến hữu tạo khả năng cho quốc gia thực hiện trọn vẹn các mục tiêu của mình. Hôm nay, những ước vọng hiến pháp của chúng ta vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn.
Vụ sát nhân ghê tởm với George Floyd đã thúc đẩy cho hàng triệu người xuống đường phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và tình trạng kéo dài của nạn phân biệt chủng tộc. Đáng buồn thay, chính phủ đã đe dọa sử dụng quân đội mà các chiến hữu phục vụ như là một vũ khí chống lại đồng bào mình đang tham gia vào những cuộc biểu tình hợp pháp. Tồi tệ hơn nữa là các cấp chỉ huy quân đội, những người từng tuyên hứa như các chiến hữu hôm nay, lại can dự vào các sự kiện chính trị này. Nguyên tắc kiểm soát dân sự là quan trọng của quân sự vụ. Nhưng nguyên tắc đó không bao hàm sự vâng phục mù quáng. Chính trị hóa các lực lượng vũ trang đặt sự tin tưởng giữa quân đội và xã hội dân Mỹ vào trong rủi ro. Vì nếu niềm tin này bị rạn vỡ thì tổn thất cho quốc gia sẽ là vô lường. Nước Mỹ cần sự lãnh đạo của các chiến hữu.
Cam kết với lời tuyên thệ của các chiến hữu sẽ được thử thách trong suốt sự nghiệp của mình. Lòng trung thành của các chiến hữu sẽ bị nghi ngờ và một số kẻ còn cố gắng dùng nó để chống lại các chiến hữu. Lòng trung thành là biểu hiện bị lạm dụng nhất từ giới lãnh đạo. Các lãnh đạo yếu kém hoặc chỉ biết lợi ích cá nhân sẽ nhấn mạnh lòng trung thành lên trên trách nhiệm qua vỏ bọc "trật tự và kỷ luật tốt". Đáng tiếc là một số kẻ còn bán linh hồn cho quỷ dữ và cố làm hài lòng lãnh đạo để thăng quan tiến chức hơn là chăm lo cho những người lính, cho các thủy thủ, không quân và thủy quân lục chiến đang chiến đấu. Đó không chỉ là vấn nạn mà còn là một sự ô nhục. Nước Mỹ cần sự lãnh đạo của các chiến hữu.
Cam kết với lời tuyên thệ của các chiến hữu sẽ được thử thách trong suốt sự nghiệp của mình- Ảnh : U.S. Army/Bryan Ilyankoff
Chúng tôi, một nhóm sinh viên sĩ quan đa dạng từng tốt nghiệp West Point đang có sự lo ngại . Chúng tôi lo ngại rằng những đồng môn West Point đang phục vụ ở các vị trí chính phủ cấp cao đang thất bại trong việc giữ lời tuyên thệ và cam kết của mình theo khẩu hiệu "Trách Nhiệm, Danh Dự, Quốc Gia" của West Point. Hành động của họ đe dọa đến uy tín của một quân đội phi chính trị. Chúng tôi kêu gọi các chiến hữu hãy cùng chúng tôi khắc phục lỗi lầm và chịu trách nhiệm lẫn nhau bằng những lý tưởng được thấm nhuần từ trường cũ và được mỗi chúng ta xác quyết khi mãn khóa huấn luyện.
Nền giáo dục tại West Point mà các chiến hữu vừa thụ hưởng là một tặng thưởng sâu đậm, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng. Quốc gia đã đầu tư và trao phó cho các chiến hữu để thể hiện những giá trị mà chúng ta mong đợi nơi các nhà lãnh đạo. Họ mong đợi đầy chính đáng sự đáp trả cho sự đầu tư này. Các chiến hữu có sự ủng hộ của cả quốc gia cũng như sự gắn kết chân thành từ những đồng môn chúng tôi.
Các sinh viên sĩ quan tốt nghiệp West Point phục vụ mỗi ngày trong tư cách những lãnh đạo có ảnh hưởng, là điều cần chú trọng. Khi các nhà lãnh đạo phản bội niềm tin của công chúng qua những lời dối trá, ngụy biện hoặc hành vi phi đạo đức, nó xói mòn niềm tin nơi công chúng. Khi có những đồng môn thông đồng việc ngược đãi và không bảo vệ những thuộc cấp đầy danh dự, nó gây tổn hại cho quốc gia và nhóm cựu sinh viên sĩ quan chúng ta. Khi có những đồng môn không tôn trọng cơ chế kiểm soát và cân bằng guồng máy chính phủ, tung hô quyền lực cá nhân lên trên quốc gia hay trung thành với các cá nhân đứng trên các lý tưởng được diễn đạt trong hiến pháp, đó là trò hề với lời tuyên thệ nhậm chức của họ.
Trước ngày tốt nghiệp của các chiến hữu để gia nhập nhóm cựu sinh viên sĩ quan West Point và quân lực Hoa Kỳ, chúng tôi, những người đã đồng ký tên, xin xác quyết bằng mọi nỗ lực về trách nhiệm với các nguyên tắc "Trách Nhiệm, Danh dự, Quốc gia" trong việc phục vụ vô vụ lợi cho quốc gia. Chúng tôi sẽ không dung túng cho những kẻ "nói dối, lường gạt hay trộm cắp" (Người dịch : Từ quân cách West Point, "A cadet will not lie, cheat, steal or tolerate for those who do"). Chúng tôi cam kết bảo vệ nguyên tắc dân chủ đầy thiêng liêng rằng, tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng và mỗi người có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đây không phải là vấn đề đảng phái mà là nguyên tắc. Cam kết trọn đời của chúng ta là trách nhiệm lâu dài được thể hiện trong lời cầu nguyện của khóa sinh : "Chọn lấy điều đúng khó khăn thay sự sai trái dễ dàng và không bao giờ thỏa mãn với một nửa sự thật khi toàn bộ sự thật có thể giành chiến thắng".
Các chiến hữu khóa 2020, xin chào mừng gia nhập hội cựu sinh viên sĩ quan. Chúng tôi tin tưởng nơi các chiến hữu. Chúng tôi ủng hộ các chiến hữu . Khi đời binh nghiệp của các chiến hữu bắt đầu, chúng tôi cầu nguyện rằng phương châm của khóa 2020 là "Chúng ta lãnh đạo với tầm nhìn" ("With Vision We Lead") rồi sẽ chứng minh là sấm ngôn. Nước Mỹ cần sự lãnh đạo của các chiến hữu.
Siết chặt tay,
The Long Gray Line
Nhã Duy chuyển dịch (17/06/2020)
Ghi chú :
Một số cựu sinh viên sĩ quan West Point đang phục vụ cho nội các chính phủ Hoa Kỳ hiện nay bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng vài tướng lãnh quân đội. Trên chính trường có Thượng nghị sĩ John Francis Reed của tiểu bang Rhode Island, Thống đốc các tiểu bang Nebraska, Louisiana và một số Dân biểu quốc hội Hoa Kỳ .
Trong số 985 sinh viên sĩ quan tung mũ lên trời (1), đánh dấu thời điểm tốt nghiệp Học viện Võ bị của Lục quân Mỹ (The United States Military Academy – USMA – thường được gọi tắt là West Point, tên một khu vực thuộc bang New York, nơi USMA tọa lạc), hôm thứ bảy vừa qua (25/5/2019), chỉ có 34 thuộc nhóm thiếu nữ da đen.
Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái - Ảnh minh họa Army Times
Cho đến giờ, tại West Point, nam thanh niên da trắng vẫn là đa số và cả West Point lẫn quân đội Mỹ tiếp tục gia tăng nỗ lực đa dạng hóa chủng tộc, giới tính. Con số 34 nữ sinh viên sĩ quan da đen vừa tốt nghiệp khóa 2019 được xem là một kỷ lục mới (2). Chắc chắn kỷ lục ấy sẽ sớm bị phá vỡ trong tương lai gần.
USMA hay West Point là một trong năm học viện của quân đội Mỹ. West Point đào tạo sĩ quan cho lục quân. The United States Naval Academy (USNA) tọa lạc ở Annapolis bang Maryland đào tạo sĩ quan cho hải quân. The United States Air Force Academy (USAFA) ở Colorado Springs, bang Colorado, đào tạo sĩ quan cho không quân. The United States Coast Guard Academy (USCGA) ở New London bang Connecticut, đào tạo sĩ quan cho lực lượng phòng vệ bờ biển. The United States Merchant Marine Academy (USMMA) ở Kings Point bang New York, đào tạo sĩ quan hàng hải cho cả quân đội lẫn các cơ quan thuộc chính phủ mà hoạt động có liên quan đến hàng hải.
Cả năm học viện của quân đội Mỹ đều tuyển sinh theo cùng một cách : Chọn những học sinh vừa xuất sắc về học vấn, vừa năng động, nổi trội về hoạt động xã hội và cả hai khía cạnh này phải đủ hơn người để một dân cử liên bang (Thượng Nghị sĩ hay Hạ Nghị sĩ) đồng ý viết thư giới thiệu cho các học viện xem xét, lựa chọn từng đương đơn.
Trong bốn năm theo học tại các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan phải học đủ thứ, từ đi, đứng, nói năng, kể cả khiêu vũ… sao cho phong thái chững chạc, lịch thiệp như một quý ông, đến tập luyện đủ loại kỹ năng với cường độ như tù khổ sai để có thể thích nghi, sinh tồn và giúp người khác vượt qua những tình huống khắc nghiệt nhất.
Tốt nghiệp các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan trở thành thiếu úy và có văn bằng cử nhân tương ứng với ngành mà đương sự chọn khi vào học viện (học viện nào cũng có các ngành liên quan đến kỹ thuật, khoa học xã hội). Chi phí trung bình cho đào tạo một sinh viên sĩ quan được ước tính khoảng 400.000 Mỹ kim/người.
Tất cả những yếu tố vừa kể khiến các học viện của quân đội Mỹ trở thành những ngôi trường danh giá, được xem như chỗ tập hợp tinh hoa và những sinh viên sĩ quan vượt qua tất cả các thử thách cả trong học tập tri thức, lẫn rèn luyện kỹ năng cần thiết của một sĩ quan, được xem như những cá nhân đã thẩm định kỹ lưỡng về chất lượng.
Dù luật pháp đặt định nhiều phương thức nhằm ngăn chặn kỳ thị nhưng phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới tính, tuổi tác,… vẫn là một vấn nạn của xã hội Mỹ. Dù là một vấn nạn trong sinh hoạt xã hội song các nhóm thiểu số, có sự khác biệt với đa số về chủng tộc, giới tính, tuổi tác luôn có cơ hội để tự khẳng định.
34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point hồi cuối tuần vừa qua là ví dụ mới nhất. Đến giờ, quân đội Mỹ có ít nhất 38 vị tướng da đen. Sau Rosco Robinson Jr. (tốt nghiệp West Point năm 1947) có thêm chín người da den nữa mang bốn sao trên cầu vai (Đại tướng). Chưa kể một tổng thống, nhiều chính khác da đen khác.
***
Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái (3).
Trước đó, theo tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam, mục tiêu của phần lớn học sinh được sửa – nâng điểm đều là trở thành sinh viên sĩ quan của các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam. Trong vài năm vừa qua, các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam đột nhiên trở thành danh giá vì điểm xét tuyển vọt lên như pháo thăng thiên nhưng chưa ai quan tâm làm rõ xem vì sao phần lớn những trường hợp được sửa – nâng điểm, dù xảy ra tại Sơn La, hay Hòa Bình, Hà Giang,… cũng đều nhắm vào việc tìm cho được một chỗ trong các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam ?
Đã có những người đề nghị thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước 2018 của những sinh viên sĩ quan đang theo học tại tất cả học viện, đại học thuộc quân đội, công an để bảo đảm công bằng, dân chúng không phải thanh toán học phí và hàng loạt chi phí khác (ăn, mặc, ở, sinh hoạt phí) cho những sinh viên sĩ quan bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách. Đã đề cập đến công bằng, đề nghị này dẫu đúng song chưa đủ ! Công bằng thì các học viện, đại học thuộc quân đội, công an phải mở rộng cửa cho tất cả những đứa trẻ hội đủ các điều kiện về học vấn, thể lực, tư cách cá nhân (tự thân chúng không có tiền án, không vướng tiền sự).
Làm sao có thể gọi là "công bằng, dân chủ, văn minh" khi các học viện, đại học của quân đội, công an loại bỏ một đứa trẻ chỉ vì cha từng thế này (4), hoặc ông nội, ông ngoại từng thế kia (5) nên chúng đương nhiên bị xem là "đen", không xài. Các học viện, đại học của quân đội cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ lãnh thổ, các học viện, đại học của công an thì cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật. Chẳng lẽ lãnh thổ không phải của toàn dân, bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật không thật sự vì toàn dân nên dứt khoát sinh viên sĩ quan của các học viện thuộc quân đội, công an phải có ba đời trung thành với… đảng ?
Cha mẹ của những đứa trẻ được sửa – nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang,… đều nằm trong nhóm từng được ví von là "hạnh phúc của dân tộc". Nếu chuyện sửa – nâng điểm không đổ bể thành scandal, chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ sớm tham gia vào nhóm thề "trung với đảng", luôn luôn khẳng định "còn đảng, còn mình". Thêm chuyện này, dân chúng Việt Nam có nên tự vấn rằng họ có cần một đảng mà thành viên chỉ gồm toàn những cá nhân kiểu như thế lãnh đạo quốc gia, dân tộc hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/05/2019
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch ?v=uJicZ6SJ0e8
(4) https://news.zing.vn/them-truong-hop-khong-duoc-xet-tuyen-vao-cong-an-vi-ly-lich-post674752.html