Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bé 3 tuổi bị xâm hại tình dục và hành trình nhọc nhằn của công lý

"Mẹ ơi ! Con đau chim". Bé gái L đã nói như vậy với mẹ trong cơn sốt cao kéo dài sau khi đi chơi quanh nhà về. Bằng mắt thường, mẹ bé L quan sát bé thấy bộ phận sinh dục sưng đỏ, lỗ âm đạo to giãn bất thường, nhưng chỉ nghĩ do thời tiết thay đổi nên đã dùng khăn và nước ấm để vệ sinh cho bé.

be1

Bé P.N.L. (bên trái) và bản tường trình của cha bé về vụ việc - Hình do gia đình cung cấp

Ngày 15/4, thời điểm xảy ra sự việc ấy đã đánh dấu khởi đầu của một chuỗi ngày nhọc nhằn trong hành trình đi tìm công lý chưa có hồi kết cho bé L của gia đình chị Hoàng Thị Phương Thảo (mẹ bé L) và anh Phạm Quan Liêm (bố bé L).

Bé L vẫn sốt như vậy đến hôm sau, khi anh Liêm đi công tác về. Thấy bé L liên tục nói "Con đau chim", anh Liêm nghĩ đến khả năng con mình bị xâm hại, bèn hỏi : "Có ai sờ chim con không ?". Bé đáp : "Ông Bảy"... "Ông già".

Hai vợ chồng anh Liêm lúc này bảo bé L chỉ nhà của "ông già" thì được bé dẫn đến nhà có địa chỉ 21/2H Nguyễn Bình, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), gần nhà bé L. Khi ấy là 1 giờ sáng ngày 17/4.

Ngay sau đó, gia đình trình báo sự việc đến công an xã Phú Xuân nhưng cán bộ trực không tiếp nhận nên phải trở lại vào 8 giờ sáng cùng ngày.

Công an xã Phú Xuân đã lấy lời khai của bé L, và được bé trả lời nhất quán nhiều lần rằng "ông già" làm "đau chim". Khi được hỏi "Đau ở chỗ nào ?", bé chỉ vào âm hộ. Công an xã lúc đó đã ghi nhận các vật chứng bao gồm quần áo và tã.

Công an điều tra huyện Nhà Bè cũng xuống làm việc và lấy lời khai của bé thì bé cũng trả lời như trên. Bên cạnh đó, họ còn cho bé nhận dạng thủ phạm bằng hình trên điện thoại và tiếp đến là nhận dạng thực tế trong số 20 người. Trong cả hai trường hợp, bé L đều chỉ ông Huỳnh Thanh Tâm (khoảng 70 tuổi). Quá trình nhận dạng này được thực hiện khoảng 10 lần.

Buổi làm việc ngày 17/4 của công an điều tra huyện Nhà Bè đã không được ghi biên bản, với lý do mà họ đưa ra là "Cháu còn nhỏ, chưa đủ ý thức". Không những thế, họ cũng không nhận quần áo, tã lót của bé làm chứng cứ cũng như các file ghi âm, ghi hình mà gia đình thực hiện vốn có tác dụng cung cấp thêm thông tin. Sau khi luật sư bảo vệ cho bé L vào cuộc và chỉ ra các sai phạm, họ đã thực hiện lại việc lấy lời khai và nhận dạng vào ngày 24/4.

Cũng trong ngày 17/4, bé L được công an điều tra huyện Nhà Bè đưa đi giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y đề ngày 25/4, mà mãi đến ngày 13/5 mới được thông báo cho anh Liêm, ghi rằng "Màng trinh không rách ; Không thấy tinh trùng trong dịch phết vùng âm hộ và vùng hậu môn ; Có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn nhưng không đủ cơ sở để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam" [1].

Thật kỳ lạ ! Chỉ dựa vào kết quả này, cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát. Khi luật sư liên hệ với viện kiểm sát để hỏi lý do không khởi tố vụ án thì viện kiểm sát từ chối cung cấp.

Trước đề nghị của luật sư, viện kiểm sát và cơ quan điều tra cho biết sẽ xem lại hồ sơ vụ án để xác minh có hay không dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, từ khi được đề nghị xác minh đến nay, họ không có bất cứ thông tin gì cho gia đình anh Liêm.

Vụ án dường như bị bỏ lửng một cách cố ý bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát, mặc dù với chuyên môn và nghiệp vụ của mình, họ lẽ ra phải khởi tố vụ án với các dấu hiệu tội phạm rõ ràng mà lời khai cùng các hành vi xác định thủ phạm một cách nhất quán của bé L, vốn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, là chứng cứ không thể chối cãi.

Nghi vấn trên càng có cơ sở khi cơ quan điều tra đã mắc nhiều sai phạm như bỏ qua chứng cứ, chậm trễ thu thập chứng cứ dẫn đến mất dấu hoặc làm mờ chứng cứ, không ghi hoặc ghi không đầy đủ lời khai của bé L, ghi sai lời khai của anh Liêm, sai hẹn với anh Liêm nhiều lần, làm khó anh Liêm trong việc nhận thông báo kết quả giám định pháp y và nhiều thông tin khác, v.v. Đó là chưa kể công an xã từng đến nhà anh Liêm dọa dẫm và yêu cầu không tố cáo tội phạm.

Diễn biến đáng thất vọng còn bao gồm cả những ngày anh Liêm và chị Thảo đưa bé L đi khám ở 6 bệnh viện và 2 phòng khám tư để có kết quả xác đáng, nhằm làm rõ tình trạng của bé L và có phương hướng điều trị thích hợp, nhưng nhiều nơi đã từ chối khám, hoặc khám nhưng không ghi kết quả rõ ràng, vì... sợ. Ngoại lệ duy nhất là bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, khi một bác sĩ cho biết rằng màng trinh của bé "bị tưa ra".

Dồn thêm vào những khó khăn đó là những chuyện tệ hại xảy ra sau sự việc. Một nhóm côn đồ khoảng 20 người, được cho là có liên quan tới thủ phạm, đã đến nhà anh Liêm vào ngày 20/4 dọa giết khiến gia đình phải chuyển đi nơi khác [1], cách nơi cũ khoảng 30 km. Không những thế, trong thời gian gia đình còn ở nơi cũ, một người hàng xóm còn kiếm chuyện và chửi rủa gia đình anh, như thể anh vu khống, bịa đặt, hay như thể anh đã làm một việc không nên làm là tố cáo một ông già 70 tuổi (!).

Thời gian qua, tuy nhiều tờ báo đã đưa tin về sự việc nhưng chưa đủ mạnh mẽ để khiến các cơ quan điều tra và viện kiểm sát thấy hổ thẹn mà trở nên có trách nhiệm và khách quan hơn trong việc giải quyết vụ án.

Bé L đến nay vẫn đang chịu những tổn thương thể chất lẫn tâm lý đến mức nghiêm trọng, biểu hiện bằng việc bỏ ăn, sụt cân, khó ngủ, thường xuyên gây hấn như đánh, cắn em trai, ngoài ra là liếm khắp cơ thể mình và cơ thể em trai, thậm chí là gây bạo lực đối với vùng kín của em trai mình.

Liệu diễn biến tiếp theo sẽ ra sao ? Khả năng nào cho sự hiện diện của công lý ? Các câu trả lời hẳn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc dư luận và các cá nhân, tổ chức có thể làm gì cho gia đình bé L. Nếu nhiều người sẵn lòng góp tiếng nói và hành động của mình, dù nhỏ nhất, với sự đồng cảm, hiểu biết và sẻ chia, chúng ta có thể hi vọng rằng công lý cuối cùng sẽ xuất hiện…

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 05/06/2019

Chú thích :

[1] Công an Nhà Bè yếu kém trong vụ bé gái 3 tuổi nghi bị xâm hại ?

[2] Thành phố Hồ Chí Minh : Gia đình bé gái 3 tuổi nghi bị ông lão 70 tuổi dâm ô bị một nhóm người dọa giết, phải chuyển nhà gấp

(Nhiều thông tin trong bài viết được lấy từ các tài liệu mà gia đình bé L cung cấp cho tác giả.)

Published in Diễn đàn

Vụ tai tiếng xâm phạm tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Mỹ Harvey Weinstein lộ ra làm ngòi châm thuốc nổ. Làn sóng tố cáo tệ nạn quấy nhiễu tình dục đối với phụ nữ trên thế giới ngày càng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, không còn hạn chế trong giới điện ảnh và trở nên công khai. Thế nhưng, tại Việt Nam, do mang đậm nét văn hóa Châu Á, người phụ nữ vẫn còn mặc cảm trong việc đi tố giác.

xam1

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong bộ tranh Tố nữ thuộc thể loại "tranh Tứ Bình", dòng tranh dân gian Hàng Trống. Wikipedia

Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, Ban tiếng Việt đài RFI có buổi nói chuyện với bà Lê Tuyết Ánh, cựu giảng viên, nguyên trưởng khoa Tâm Lý học trường đại học Khoa học-Xã hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, về cảm nhận, quan điểm của phụ nữ Việt Nam về những sự kiện trên. Đồng thời bà điểm lại những tiến bộ cũng như những điều chưa đạt trong cuộc đấu tranh bình quyền nam-nữ tại Việt Nam hiện nay.

RFI : Thưa thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, vụ tai tiếng Weinstein xâm hại tình dục được báo chí phương Tây loan báo ầm ĩ. Vậy báo chí trong nước loan tải vụ tai tiếng này như thế nào ?

Lê Tuyết Ánh : Đưa rất là hời hợt. Họ có đưa một cái tin vậy thôi. ‘Các cô gái kiện ông này xâm hại tình dục người ta’. Tại vì mình không xoáy vào những chuyện đó, nhưng mà có đưa tin.

RFI : Vì sao như vậy ? Phải chăng là báo chí và công luận Việt Nam không quan tâm đến vấn nạn này ?

Lê Tuyết Ánh : Thật ra ở mình đưa ra công luận chính thức rầm rộ là không có. Nhưng mình vẫn có đề cập đến vấn đề này. Bởi vì, ở Việt Nam cũng phát hiện ra nhiều trường hợp vậy, nhưng những chuyện ở công sở hay trong giới điện ảnh họ không có nói, mà là nói chung ở dạng nhân dân thôi (…)

Công sở còn ít đề cập, điện ảnh cũng ít nói đến. Người ta không nói đến nghề nào, mà người ta chỉ nói ở khía cạnh con người, xã hội. Tình trạng xâm hại tình dục là có và người ta cũng lên án hiện tượng đó, vậy thôi.

Họ xem như là một hiện tượng xã hội. Ở phương Tây rầm rộ là vì nó như là một trào lưu bây giờ người ta rộ ra. Ở Việt Nam từ lâu vẫn xem việc xâm hại tình dục là xấu. Người ta nói là vô đạo đức, làm băng hoại nhân tâm, xâm phạm thân thể người khác.

RFI : Xin bà giải thích rõ hơn vì sao Việt Nam không thể có làn sóng tố cáo rầm rộ như ở phương Tây ?

Lê Tuyết Ánh : Bây giờ ai phát hiện người cụ thể thì bị khởi tố, nếu như có tố cáo. Nhưng có một tình trạng, ở Việt Nam, do văn hóa lâu đời của mình, họ vẫn nghĩ rằng nếu nói ra họ bị mất sĩ diện, cho nên chỉ im lìm chịu đựng. Nói gì thì nói tâm lý của người ta vẫn nặng nề, người ta vẫn tổn thương. Nhưng tố giác thì họ lại ít tố giác. Chỉ có ai thật sự mạnh mẽ thì họ mới đưa ra công luận tố giác thôi, chứ không người ta cũng im. Bản thân mình bị xâm hại mà mình im, thì người ngoài đâu có quyền để họ can thiệp mà nói.

RFI : Nếu nói như vậy có nghĩa là phụ nữ Việt Nam không thật sự quan tâm đến những chủ đề này ?

Lê Tuyết Ánh : Người Việt mình, cái quan tâm của họ về chuyện xâm hại như vậy, họ nghe và biết vậy thôi, chứ thật ra họ không quan tâm nhiều. Bởi vì sao ? Thật ra, Việt Nam mình họ quan tâm đến chuyện kiểu như làm ăn thế nào, công việc, rồi con cháu học hành… họ quan tâm đến những chuyện đó nhiều hơn. Ít có quan tâm đến sự việc mà họ cho là liên quan đến cá nhân.

Nhưng cũng sự việc đó mà nếu là con em của họ, của người Việt đưa ra, mà đặc biệt là với những người chưa trưởng thành, những người bị xâm hại là những người chưa trưởng thành thì họ mới nói nhiều. Còn những người lớn rồi, anh đủ chịu trách nhiệm về hành vi của anh, mà anh rơi vào tình trạng như vậy, thì người ta sẽ cho là xã hội rối loạn quá vậy thôi, đạo đức sút kém quá, đánh giá chung chung vậy đó.

RFI : Như bà nói ở Việt Nam cũng có tệ nạn xâm hại tình dục. Vậy làm thế nào để đánh động dư luận, nhất là giới chị em để tự bảo vệ mình ?

Lê Tuyết Ánh : Kể cả báo đài người ta vẫn nói đưa ra vấn đề tăng cường giáo dục con người, ý thức về giới tính như thế nào cho trẻ em để lớn lên sống yên bình tự bảo vệ bản thân. Hướng lên án người này, người kia đi xâm hại tình dục có đề cập nhưng không có phải mà đeo đẳng để mà nói quá mức về các vấn đề đó. Nhưng mà người ta quay trở lại giáo dục đứa trẻ thật kỹ để đứa trẻ lớn lên mà nó có một sự bảo đảm an toàn cho chính mình và ý thức đúng về quan hệ giới tính, tình dục cũng như là ý thức đụng chạm thân thể người khác thế nào… là phải nên dạy nhiều, giáo dục về kỹ năng sống cho đứa trẻ.

RFI : Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, bà đánh giá như thế nào về tình hình bình đẳng nam-nữ hiện nay ở Việt Nam ?

Lê Tuyết Ánh : Mình kêu gọi bình đẳng một cách tương đối thôi. Nhưng nhiều đánh giá trong các hội nghị về phụ nữ, người ta vẫn nói Việt Nam là một trong những quốc gia có bình đẳng về nam - nữ rất là tốt. Ví dụ, lương, vị trí như nhau là hưởng như nhau. Ở một số quốc gia, phụ nữ lương khác nam cho dù cùng một vị trí.

Thứ hai nữa là, cái quyền ở trong gia đình, thì ở nhà thật ra phụ nữ có quyền hơn ở trong gia đình chứ không giống như là một người phụ thuộc vào chồng. Họ vẫn có quyền quyết định trong các công việc xã hội, trong lao động xã hội của họ.

Họ cũng có một khoảng không gian riêng cho cá nhân của họ. Như vậy rõ ràng là nó tương đối hơn trước đây. Nhưng cái điều để thay đổi nó đòi hỏi phải có một thời gian rất là dài, chứ không thể một sớm một chiều để mà tôi bình đẳng ngay.

Bản thân người phụ nữ phải phấn đấu. Cho nên phụ nữ Việt Nam ngày nay họ biết đấu tranh để mà họ có được một sự xứng đáng hơn ở trong gia đình và ngoài xã hội.

Còn tại sao ngày xưa bất bình đẳng là bởi vì phụ nữ họ không chịu. Họ nghĩ mình sinh ra là sẽ phụ thuộc vào gia đình, phụ thuộc vào người đàn ông. Mà một khi phụ thuộc vào ai đó thì bình đẳng không bao giờ có.

RFI : Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhiều than phiền là cánh mày râu chưa thật sự chia sẻ việc quán xuyến gia đình với phụ nữ. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này ?

Lê Tuyết Ánh : Đó là một hiện tượng xã hội. Lý do mà các anh chểnh mảng việc nhà còn có các lý do khác nữa. Rượu chè nè, bạn bè, công sở xong rủ nhau ra quán ngồi, quán bia riết rồi rà rà thì việc đón con về, lo tắm rửa giặt giũ cơm nước cho con, lo cho con bài vở thì bà mẹ, bởi vì mẹ đâu có bỏ con được. Chính vì thế mà tạo cho người đàn ông trong gia đình có cái gì đó tách ra khỏi gia đình. Đi nhậu rề rà rề rà rồi không tham gia, tạo thành một cái nếp. Đó là những tầng lớp trung niên trở lên. Lớp trẻ giờ thì không có nữa.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 08/03/2018

Published in Diễn đàn