Bé 3 tuổi bị xâm hại tình dục và hành trình nhọc nhằn của công lý
"Mẹ ơi ! Con đau chim". Bé gái L đã nói như vậy với mẹ trong cơn sốt cao kéo dài sau khi đi chơi quanh nhà về. Bằng mắt thường, mẹ bé L quan sát bé thấy bộ phận sinh dục sưng đỏ, lỗ âm đạo to giãn bất thường, nhưng chỉ nghĩ do thời tiết thay đổi nên đã dùng khăn và nước ấm để vệ sinh cho bé.
Bé P.N.L. (bên trái) và bản tường trình của cha bé về vụ việc - Hình do gia đình cung cấp
Ngày 15/4, thời điểm xảy ra sự việc ấy đã đánh dấu khởi đầu của một chuỗi ngày nhọc nhằn trong hành trình đi tìm công lý chưa có hồi kết cho bé L của gia đình chị Hoàng Thị Phương Thảo (mẹ bé L) và anh Phạm Quan Liêm (bố bé L).
Bé L vẫn sốt như vậy đến hôm sau, khi anh Liêm đi công tác về. Thấy bé L liên tục nói "Con đau chim", anh Liêm nghĩ đến khả năng con mình bị xâm hại, bèn hỏi : "Có ai sờ chim con không ?". Bé đáp : "Ông Bảy"... "Ông già".
Hai vợ chồng anh Liêm lúc này bảo bé L chỉ nhà của "ông già" thì được bé dẫn đến nhà có địa chỉ 21/2H Nguyễn Bình, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), gần nhà bé L. Khi ấy là 1 giờ sáng ngày 17/4.
Ngay sau đó, gia đình trình báo sự việc đến công an xã Phú Xuân nhưng cán bộ trực không tiếp nhận nên phải trở lại vào 8 giờ sáng cùng ngày.
Công an xã Phú Xuân đã lấy lời khai của bé L, và được bé trả lời nhất quán nhiều lần rằng "ông già" làm "đau chim". Khi được hỏi "Đau ở chỗ nào ?", bé chỉ vào âm hộ. Công an xã lúc đó đã ghi nhận các vật chứng bao gồm quần áo và tã.
Công an điều tra huyện Nhà Bè cũng xuống làm việc và lấy lời khai của bé thì bé cũng trả lời như trên. Bên cạnh đó, họ còn cho bé nhận dạng thủ phạm bằng hình trên điện thoại và tiếp đến là nhận dạng thực tế trong số 20 người. Trong cả hai trường hợp, bé L đều chỉ ông Huỳnh Thanh Tâm (khoảng 70 tuổi). Quá trình nhận dạng này được thực hiện khoảng 10 lần.
Buổi làm việc ngày 17/4 của công an điều tra huyện Nhà Bè đã không được ghi biên bản, với lý do mà họ đưa ra là "Cháu còn nhỏ, chưa đủ ý thức". Không những thế, họ cũng không nhận quần áo, tã lót của bé làm chứng cứ cũng như các file ghi âm, ghi hình mà gia đình thực hiện vốn có tác dụng cung cấp thêm thông tin. Sau khi luật sư bảo vệ cho bé L vào cuộc và chỉ ra các sai phạm, họ đã thực hiện lại việc lấy lời khai và nhận dạng vào ngày 24/4.
Cũng trong ngày 17/4, bé L được công an điều tra huyện Nhà Bè đưa đi giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y đề ngày 25/4, mà mãi đến ngày 13/5 mới được thông báo cho anh Liêm, ghi rằng "Màng trinh không rách ; Không thấy tinh trùng trong dịch phết vùng âm hộ và vùng hậu môn ; Có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn nhưng không đủ cơ sở để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam" [1].
Thật kỳ lạ ! Chỉ dựa vào kết quả này, cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát. Khi luật sư liên hệ với viện kiểm sát để hỏi lý do không khởi tố vụ án thì viện kiểm sát từ chối cung cấp.
Trước đề nghị của luật sư, viện kiểm sát và cơ quan điều tra cho biết sẽ xem lại hồ sơ vụ án để xác minh có hay không dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, từ khi được đề nghị xác minh đến nay, họ không có bất cứ thông tin gì cho gia đình anh Liêm.
Vụ án dường như bị bỏ lửng một cách cố ý bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát, mặc dù với chuyên môn và nghiệp vụ của mình, họ lẽ ra phải khởi tố vụ án với các dấu hiệu tội phạm rõ ràng mà lời khai cùng các hành vi xác định thủ phạm một cách nhất quán của bé L, vốn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, là chứng cứ không thể chối cãi.
Nghi vấn trên càng có cơ sở khi cơ quan điều tra đã mắc nhiều sai phạm như bỏ qua chứng cứ, chậm trễ thu thập chứng cứ dẫn đến mất dấu hoặc làm mờ chứng cứ, không ghi hoặc ghi không đầy đủ lời khai của bé L, ghi sai lời khai của anh Liêm, sai hẹn với anh Liêm nhiều lần, làm khó anh Liêm trong việc nhận thông báo kết quả giám định pháp y và nhiều thông tin khác, v.v. Đó là chưa kể công an xã từng đến nhà anh Liêm dọa dẫm và yêu cầu không tố cáo tội phạm.
Diễn biến đáng thất vọng còn bao gồm cả những ngày anh Liêm và chị Thảo đưa bé L đi khám ở 6 bệnh viện và 2 phòng khám tư để có kết quả xác đáng, nhằm làm rõ tình trạng của bé L và có phương hướng điều trị thích hợp, nhưng nhiều nơi đã từ chối khám, hoặc khám nhưng không ghi kết quả rõ ràng, vì... sợ. Ngoại lệ duy nhất là bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, khi một bác sĩ cho biết rằng màng trinh của bé "bị tưa ra".
Dồn thêm vào những khó khăn đó là những chuyện tệ hại xảy ra sau sự việc. Một nhóm côn đồ khoảng 20 người, được cho là có liên quan tới thủ phạm, đã đến nhà anh Liêm vào ngày 20/4 dọa giết khiến gia đình phải chuyển đi nơi khác [1], cách nơi cũ khoảng 30 km. Không những thế, trong thời gian gia đình còn ở nơi cũ, một người hàng xóm còn kiếm chuyện và chửi rủa gia đình anh, như thể anh vu khống, bịa đặt, hay như thể anh đã làm một việc không nên làm là tố cáo một ông già 70 tuổi (!).
Thời gian qua, tuy nhiều tờ báo đã đưa tin về sự việc nhưng chưa đủ mạnh mẽ để khiến các cơ quan điều tra và viện kiểm sát thấy hổ thẹn mà trở nên có trách nhiệm và khách quan hơn trong việc giải quyết vụ án.
Bé L đến nay vẫn đang chịu những tổn thương thể chất lẫn tâm lý đến mức nghiêm trọng, biểu hiện bằng việc bỏ ăn, sụt cân, khó ngủ, thường xuyên gây hấn như đánh, cắn em trai, ngoài ra là liếm khắp cơ thể mình và cơ thể em trai, thậm chí là gây bạo lực đối với vùng kín của em trai mình.
Liệu diễn biến tiếp theo sẽ ra sao ? Khả năng nào cho sự hiện diện của công lý ? Các câu trả lời hẳn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc dư luận và các cá nhân, tổ chức có thể làm gì cho gia đình bé L. Nếu nhiều người sẵn lòng góp tiếng nói và hành động của mình, dù nhỏ nhất, với sự đồng cảm, hiểu biết và sẻ chia, chúng ta có thể hi vọng rằng công lý cuối cùng sẽ xuất hiện…
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 05/06/2019
Chú thích :
[1] Công an Nhà Bè yếu kém trong vụ bé gái 3 tuổi nghi bị xâm hại ?
(Nhiều thông tin trong bài viết được lấy từ các tài liệu mà gia đình bé L cung cấp cho tác giả.)