Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Ngọc Ánh (VNTB, 08/06/2019)
Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà hoạt động môi trường này.
Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh đã bị kết án 6 năm tù vì các bài đăng trên Facebook "chống phá nhà nước".
"Phiên tòa công khai nhưng nó rất nhàm chán, áp đặt. Thẩm phán, Viện Kiểm sát chỉ có đọc văn bản và đọc rất lủng củng, giống như bị bắt đọc".
Một "cuộc đàn áp đang diễn ra" đối với giới bất đồng chính kiến !
Nguyễn Ngọc Ánh xuất hiện tại tòa hôm 6/6
Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp nhân quyền.
Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà hoạt động môi trường này.
Ông Ánh bị kết tội gì ?
Ông Ánh, 39 tuổi, bị kết tội "làm, phổ biến và truyền bá thông tin và tài liệu nhằm phá hoại" đất nước, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Theo cáo trạng, ông Ánh viết bài đăng trên Facebook kêu gọi mọi người tham gia biểu tình vào tháng 6 và tháng 9.
Trong các bài viết trên Facebook, ông Ánh phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan, mà chính phủ Việt Nam đã buộc tội làm chết hàng trăm tấn cá ngoài khơi miền trung Việt Nam năm 2016. Ông Ánh cũng lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị.
Ông Ánh sẽ bị quản thúc tại gia trong năm năm sau khi thụ án tù sáu năm tù giam.
Ông Ánh chỉ là vụ mới nhất trong một số vụ bắt giữ tương tự. Tuần trước, một thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị bắt với cùng tội danh, và vào đầu tháng Năm và đã bị kết án tù năm và sáu năm vì các bài đăng trên Facebook phản đối các đặc khu kinh tế mới và luật an ninh mạng.
EU nói gì :
Bộ phận Hoạt động Đối ngoại của EU đã ra tuyên bố rằng :
- Tự do biểu đạt một cách ôn hòa được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết tham gia trong đó bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc kết án này vì vậy là sự vi phạm trực tiếp các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế.
- Quyền tự do ý kiến và biểu đạt - trực tuyến và ngoại tuyến - là những quyền của con người, và rất quan trọng để đảm bảo sự minh bạch, công bằng xã hội, thịnh vượng cũng như phát triển toàn diện và bền vững.
- Liên Hiệp Châu Âu mong đợi các cơ quan chức năng Việt Nam ngay lập tức thả ông Nguyễn Ngọc Ánh cũng như tất cả các blogger và những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ vì việc biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa.
- Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như với các đối tác liên quan khác để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
'Tàn nhẫn'
EU cho biết bản án này là một phần của "sự gia tăng đáng lo ngại". Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam hiện có ít nhất 128 tù nhân chính trị, với 10% trong số đó bị tù giam vì các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Đề án 88, theo dõi các hành vi lạm quyền tại Việt Nam, cho biết nước này hiện đang giam giữ hơn 200 tù nhân chính trị.
Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết hôm thứ Tư, phiên tòa là một phần của "cuộc đàn áp những tiếng nói quan trọng" nhằm "răn đe những người khác dám chất vấn chính phủ".
Trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền , ông Phil tuyên bố : "Việc mở phiên tòa này ngay khi Hội đồng Châu Âu đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU -Việt Nam cho thấy chính quyền Việt Nam có thể tàn nhẫn đến mức nào, và cũng cho thấy vì sao cải thiện nhân quyền cần là một phần trong các thỏa thuận thương mại, thay vì bị gạt sang bên lề nhân danh ngoại giao".
Ân xá quốc tế :
Trước phiên tòa xét xử ông Ánh, Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế Đông Nam Á , cho biết :
- Phiên tòa dàn dựng kết án Nguyễn Ngọc Ánh cho thấy không còn ai an toàn trên Facebook ở Việt Nam nữa.
- Trường hợp của ông Ánh chỉ là trường hợp cuối cùng trong một danh sách ngày càng nhiều cư dân mạng bị truy tố, bắt giữ hoặc giam giữ chỉ vì thảo luận về các vấn đề công cộng hoặc chỉ trích chính phủ một cách ôn hoà.
- Nhà chức trách ở Hà Nội hiện đang mở rộng đàn áp trực tuyến mà họ đã và đang áp đặt lên các quyền công dân và chính trị ở nước này trong hàng chục năm qua, sử dụng Facebook như một công cụ để tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng.
- Tòa nên bác bỏ các cáo buộc với động cơ chính trị và trả tự do cho ông Ánh ngay lập tức và vô điều kiện.
Vai trò của Facebook
Đảng Cộng sản cầm quyền đã cấm các phương tiện truyền thông độc lập và cấm chỉ trích. Nhiều người dân chuyển sang dùng Facebook để lên tiếng phản đối. Vào tháng 1, Facebook đã bị chính phủ Việt Nam cáo buộc vi phạm pháp luật khi cho phép người dùng đăng các bài viết chống chính phủ. Facebook cho biết họ đã tăng số lượng nội dung bị chặn đối với người dùng tại Việt Nam lên hơn 500% trong nửa cuối năm 2018.
Cùng với động thái đàn áp các tiếng nói bất đồng và kiểm duyệt trong nước, trong một thời gian ngắn vừa qua các bài viết của Việt Nam Thời Báo (VNTB) trên trang Facebook cũng liên tục bị xoá bỏ vì các cáo buộc vi phạm quy định của cộng đồng. Những bài viết liên quan đến Thiên An Môn đã bị xoá thẳng thừng, ngoài ra còn có các bài viết liên quan đến đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, hay chính sách tiếp nhận đầu tư Trung Quốc và khai thác khoáng sản đất hiếm trong nước cũng cùng chịu chung số phận.
Phương Thảo
*****************
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị 6 năm tù giam, nhưng vợ tự hào về anh
BBC, 07/06/2019
Hôm 6/6, kỹ sư nuôi tôm, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, bị kết án 6 năm tù giam 5 năm quản chế vì làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu chống phá Nhà nước theo Điều 117, BLHS, theo báo Thanh Niên.
Nguyễn Ngọc Ánh được biết đến là một doanh nhân, kỹ sư nuôi tôm, hay quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội
Trong khi báo trong nước nói rằng ông Ánh thừa nhận đã bịa đặt, vu khống thông tin chống phá nhà nước và "ăn năn hối cải", gia đình ông Ánh phản bác toàn bộ thông tin này.
'Ăn năn hối cải' ?
Theo Thanh Niên, ông Ánh đã dùng "mạng xã hội Facebook để tuyên truyền những nội dung sai sự thật, chống phá Nhà nước".
Cũng theo báo này, từ tháng 3 đến tháng 8/2018, ông Ánh đã "sử dụng nhiều email, mạng xã hội phát trực tiếp (livestream), trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu kết nối với 14 tài khoản Facebook khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, vu khống, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa…".
Và các thông tin nội dung này "đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận".
Tháng 8/2018, ông Ánh bị công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giữ.
Đáng chú ý, cũng theo báo này, ông Ánh đã thừa nhận những thông tin "chống phá Nhà nước" là "tự bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải".
Ngẩng cao đầu tại phiên tòa 'công khai'
Chị Nguyễn Thị Châu, vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, phiên tòa sáng 6/6 ngạc nhiên là 'khá công khai'. Có mặt tại phiên tòa ngoài chị, còn có anh trai, chị dâu ông Ánh và năm người vợ của một số tù nhân lương tâm.
Chị Châu cho rằng có sự dàn xếp trong phiên tòa, khi viện kiểm sát mời một người giúp việc trong nhà lên làm chứng.
"Ông xã tôi có làm một cái cây 60 phân và đục lỗ, để làm hàng rào bảo vệ khu nuôi tôm. Anh người làm đó biết rõ vậy mà lại nói theo lời công an dặn là anh Ánh làm cây đó để đi biểu tình. Khi anh Ánh đi biểu tình anh cũng đâu có cầm theo cái cây đó theo".
Tại phiên tòa, ông Ánh thừa nhận có đăng 74 video live stream, nhưng là để nói lên tiếng nói của mình.
Một trong những video livestream mà được làm bằng chứng tại tòa là video, trong đó ông Ánh nói Miền nam Việt nam là của Việt Nam Cộng hòa và kêu gọi người dân trong và ngoài nước liên kết lại nếu muốn lấy lại Việt Nam Cộng Hòa, theo chị Châu.
"Và hình như cứ nói đụng tới Trung Quốc là họ không thích. Họ bảo mình là chia rẽ tình đoàn kết Việt Nam - Trung Quốc. Anh Ánh mới nói [tại tòa] rằng 'Vì sao tàu Việt Nam bị Trung Quốc đâm như vậy mà nói là tàu lạ đâm ? Tại sao biển đảo mình bị mất mà nói là chưa lấy chứ không phải là không lấy lại ? Có phải hèn với giặc ác với dân không ?'", chị Châu kể lại.
"Những gì [tòa] thấy có lợi cho anh Ánh là họ không nhắc tới, nhưng cái gì bất lợi là họ cứ hay nhắc đi nhắc lại", chị Châu nói khi ông Ánh có thừa nhận rằng một số livestream nói về học đường y tế, nhiều cái ông nói "hơi quá, chưa xác thực và xin sửa sai".
Trước thông tin ông Ánh thừa nhận "bịa đặt, vu khống, vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn hối cải", chị Châu bật cười và nói rằng nếu nhìn vào tấm hình thì sẽ thấy chồng đã rất "kiên cường, bất khuất" như thế nào.
Chị Châu nói, trước khi bị bắt ông Ánh khỏe mạnh nhưng sau khi vào tù, thì chân ông bị đau nhưng chưa tiện nói lý do vì sao.
Tại phiên tòa, khi chủ tọa đề nghị đưa ghế cho ngồi thì ông Ánh nhất quyết đứng và xin vịn vào thành bục khai báo.
"Anh ấy ngẩng cao đầu. Anh ấy ráng đứng từ sáng tới 1 giờ trưa. Người ta cho ghế nhưng ảnh nói 'Tôi Cảm ơn. Tôi không ngồi mà tôi đứng được'".
"Tôi mua một bộ đồ Tây cho anh mặc nhưng anh lại mặc một bộ đồ hết sức bình thường. Chắc anh ấy muốn tỏ ra anh ấy xem thường cái phiên tòa này".
Nói về chồng, chị Châu khẳng định : "Chồng tôi dám đứng thẳng làm người. Tôi tự hào về anh ấy. Tôi chẳng có gì phải sợ".
Ông Ánh ban đầu tính mời thuê luật sư nhưng sau đó, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Khi một số tổ chức nhân quyền quyết định giúp đỡ ông thuê luật sư, thì ông từ chối, nói nên giữ lời hứa với chính quyền.
Tuy nhiên, gia đình có thể sẽ cân nhắc mời luật sư cho phiên tòa phúc thẩm.
Nguyễn Ngọc Ánh là ai ?
Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, là một doanh nhân và kỹ sư nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Theo chị Châu, ông Ánh bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường từ năm 2014-2015, khi đó anh chỉ nghiên cứu làm sao để làm sách bãi rác thải quanh khu gia đình ở.
Từ lúc xảy ra sự cố Formosa, ông bắt đầu đi biểu tình, tìm hiểu thêm về môi trường, học đường, y tế và về dân oan về bất tuân dân sự.
Một bài đăng của Nguyễn Ngọc Ánh trên Facebook :
"Lúc đầu tôi bị áp lực từ phía gia đình bên chồng, làm gì thì làm đừng có bỏ con cái ở lại. Lúc đó tôi cũng quan tâm đến chính trị rồi. Thì anh Ánh nói 'Hai vợ chồng mình thì một mình anh làm thôi, còn em ở lại, chứ hai đứa nhảy vô thì con cái không ai nuôi, bố mẹ già không ai chăm' nên tôi chỉ theo dõi thôi. Một mình ông xã tôi chiến đấu".
Kể từ khi ông Ánh, trụ cột của gia đình bị bắt, chị Châu và con cũng gặp nhiều khó khăn.
"Vợ chồng tôi trước đây là một doanh nhân thành đạt, cuộc sống mơ ước của nhiều người. Có nhà cửa, xe cộ, có người làm trong nhà. Giờ thì chỉ có hai mẹ con, tôi phải làm đủ nghề. Cái gì cũng làm nhưng tôi mệt mỏi vì tôi tự hào về chồng. Dù có khổ mấy tôi cũng không thấy mệt".
"Ông xã tôi dám xả thân ra đứng thẳng làm người. Anh ở trong tù thì tôi sẽ tiếp tục đứng thẳng làm người và con tôi cũng vậy.
"Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân thôi. Quan trọng mình sống làm sao để người thân của người mình được hưởng phúc lợi xã hội, đất nước được đa nguyên đa đảng".
'Công an bảo con mở điện thoại'
Chị Châu kể, trưa 30/8/2018, ông Ánh đi làm về và hai vợ chồng tính nấu cơm ăn trưa thì nhận được được một cuộc điện thoại nói phải xuống phường làm giấy tờ tạm trú tạm vắng.
Ông Ánh vừa rời khỏi nhà 5 phút thì công an ập vào nhà đọc lệnh bắt và lệnh khám xét. Ông Ánh bị bắt khi đang đi trên đường.
"[Công an] nói lần này [ông Ánh] đi công tác xa nên cho hai bố con gặp nhau. Tôi không thể đưa con đi được vì đang theo sát vụ khám nhà nên nhờ người thân quen đưa con xuống gặp anh Ánh".
"Lúc con về, tôi hỏi con có gặp bố không, có nói bố yên tâm không, thì nó bảo là 'Con có gặp bố đâu. Năm chú công an bắt con mở điện thoại của bố'".
Chị Châu cho biết khi đó bé trai mới có 3 tuổi rưỡi.
Cha của ông Ánh qua đời hồi tháng 3/2019, nhưng công an vẫn từ chối cho phép ông về chịu tang cha.
Trước đó Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế (AI) đều đã ra thông cáo báo chí một ngày trước khí diễn ra phiên xét xử kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho ông Ánh ngay lập tức.
"Tội duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là anh đã dám nói lên quan điểm của mình chống lại sự bất công và đàn áp", Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của HRW nói.
"Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên xem xét lại các thỏa thuận với Việt Nam cho đến khi họ ngừng lạm dụng quyền và trừng phạt những người bất đồng chính kiến".
***************
Nguyễn Ngọc Ánh đối mặt với phiên tòa ‘dàn dựng’ : HRW
Hoài Hương, VOA, 05/06/2019
Lại có thêm một nhà hoạt động bảo vệ môi trường Việt Nam sắp bị mang ra xét xử vì những chia sẻ trên Facebook, trong điều mà Tổ chức Human Rights Watch mô tả là "một chiến dịch kéo dài tấn công vào quyền tự do biểu đạt". Ông Nguyễn Ngọc Ánh, thường được nhắc đến như một ‘kỹ sư nuôi tôm’ ở Bến Tre, tham gia các cuộc biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan thải chất độc xuống biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc theo vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, bị buộc tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ vào đêm Thứ Tư 5/6 ở Bangkok, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch Phil Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và "nước Mỹ trên hết" đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam. Human Rights Watch gọi vụ xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh là một vụ án được dàn dựng, và kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do lập tức cho ông.
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh
Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một nông dân nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bị cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự. Phiên tòa xét xử ông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/6 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch Phil Robertson nói các chính sách phát triển của Việt Nam, không được nghiên cứu thấu đáo và thi hành không đúng đắn dẫn tới hủy hoại môi trường, đã biến ông Nguyễn Ngọc Ánh từ một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường.
"Những hành động của chính quyền Việt Nam đã biến một nông dân chỉ mong được yên ổn làm ăn trở thành một nhà hoạt động vì nhân quyền và môi trường bởi vì nhà nước quản lý yếu kém và tham nhũng, dẫn tới hủy hoại môi trường do các chính sách phát triển không được nghiên cứu thấu đáo, thi hành một cách không đúng đắn, người làm sai không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tàn phá môi trường tác hại đền người dân địa phương, mà không ai nhận trách nhiệm".
Ông Robertson nói truy tố ông Ánh, Việt Nam không những không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, mà còn vi phạm quyền tự do hội họp.
"Người dân có quyền tụ tập với nhau và thành lập những nhóm cùng làm việc với nhau để đòi các quyền của mình. Trong trường hợp này, ông ấy bị truy tố vì những hoạt động ôn hòa của mình để đòi công lý và thay đổi chính sách".
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều hãng xưởng đã dời từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi đầu tư trực tiếp đổ vào Việt Nam giúp cho nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục. Trong các điều kiện đó, phải chăng áp lực để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền đã được nới lỏng ?
Ông Phil Robertson nói Liên hiệp Châu Âu phải tăng cường sức ép trong lúc này khi mà Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đang được xúc tiến, mặc dù có tin cho rằng Hội đồng Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định này trong nay mai.
"Quan điểm của chúng tôi là hiện nay Việt Nam chưa đạt đủ tiến bộ để có thể biện minh cho mối quan hệ mà Việt Nam và EU đang nói tới. Rõ ràng EU phải đòi hỏi nhiều hơn để buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền trước khi thông qua hiệp định thương mại tự do như vậy".
Ông Robertson nói chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đặt nặng các lợi ích thương mại và "nước Mỹ trên hết" đã tác động tệ hại tới tình trạng nhân quyền Việt Nam.
"Chính sách về nhân quyền của chính phủ Tổng thống Trump là một thảm họa lớn ở Việt Nam. Trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, Hoa Kỳ là một trong những nước chỉ trích Việt Nam mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền. Chính phủ Obama đã thương thuyết để ghi thêm một số điều khoản vào Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà nếu áp dụng, sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, như quyền tự do hội họp của các công đoàn chẳng hạn... Ê-kíp của ông Trump đã vất hết những đòi hỏi đó ra khỏi cửa sổ. Từ đó, ông Trump đã mời các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam tới Tòa Bạch Ốc và không một lần nào, nhắc tới bất cứ khía cạnh nào về nhân quyền".
Ông nói cách hành xử đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam diễn giải như họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn về nhân quyền, mà không sợ bị trừng phạt vì Tổng thống Trump sẽ không lên tiếng chỉ trích.
Ông nói theo cách nào đó, Tổng thống Trump đã góp phần tạo điều kiện để Việt Nam mạnh tay trấn áp giới hoạt động vì nhân quyền hay môi trường, và cả những người có tiếng nói bất đồng ở trong nước.
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh và con trai đầu lòng (Nguyễn Ngọc Ánh Facebook)
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị bắt giữ ở Bến Tre vào ngày 30/12/2018 vì "đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại".
Ngoài đấu tranh cho môi trường, Nguyễn Ngọc Ánh còn lên tiếng bênh vực các tù chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ văn Hải và nhiều người khác.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói "tội trạng duy nhất của Nguyễn Ngọc Ánh là nói lên những điều mình nghĩ, chống lại bất công và đàn áp".
Thông cáo của Tổ chức Human Rights Watch công bố vào đêm 4/6, viết "Trong cuộc đàn áp các tiếng nói phê phán của chính quyền Việt Nam, Nguyễn Ngọc Ánh đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới, ông đang đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và bản án tù dài ngày, nhằm đe dọa những người khác dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức cho Nguyễn Ngọc Ánh.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 05/05/2019
********************
Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho facebooker Nguyễn Ngọc Ánh
RFA, 05/06/2019
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 5/6 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông này.
Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa - Courtesy of FB
Thông cáo được đưa ra ngay trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/6 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, bị cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Thông cáo của Human Rights Watch trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức này cho biết : "Với chủ trương tiếp tục đàn áp các tiếng nói phê phán, chính quyền Việt Nam giờ đang đặt Nguyễn Ngọc Ánh vào vòng ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Human Rights Watch cũng cho rằng việc xét xử ông Nguyễn Ngọc Ánh vì các bài viết của ông đăng trên Facebook về vấn đề môi trường của Việt Nam là một phần của chủ trương tiếp tục tấn công vào quyền tự do ngôn luận của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một doanh nhân sở hữu đầm nuôi tôm tại thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông là người đã tham gia biểu tình phản đối Formosa xả thải gây hại cho môi trường biển miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Ông cũng công khai tẩy chay cuộc bầu cử cấp quốc gia không tự do và công bằng hồi tháng 5 năm 2016 và điều này khiến chính quyền giận dữ. Ông cũng là người thường xuyên lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn…
Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/8/2018. Theo truyền thông trong nước, ông Ánh đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để viết và chia sẻ các bài, video có nội dung tuyên truyền nói xấu đảng và nhà nước.
****************
Việt Nam : Thêm một nhà hoạt động ra tòa vì các bài trên Facebook
Thanh Phương, RFI, 05/06/2019
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch hôm 04/06/2019 ra thông cáo phản đối vụ xét xử một nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam vào ngày 06/06, do các bài đăng trên mạng xã hội Facebook.
Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/8/2018.
Theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Ngọc Ánh sẽ bị đem ra xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre, với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Tổ chức nhân quyền Mỹ yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
Theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, là một doanh nhân sở hữu đầm nuôi tôm ở thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông đã tham gia biểu tình bảo vệ môi trường phản đối công ty Formosa thải chất độc xuống biển và gây ra nạn sinh vật biển bị chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam vào tháng 04/2016. Ông Nguyễn Ngọc Ánh cũng đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Hải và những người khác.
Công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Ánh vào ngày 30/08/2018. Theo báo chí Nhà nước, ông bị bắt vì "đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai viết bài, chia sẻ nhiều bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình, phá hoại".
Trong thông cáo, ông Phil Robertson, phó ban Châu Á của Human Rights Watch, nói : "Với chủ trương tiếp tục đàn áp các tiếng nói phê phán, chính quyền Việt Nam giờ đang đặt Nguyễn Ngọc Ánh vào vòng ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền".
Theo ông Robertson, việc mở phiên tòa này ngay vào lúc Hội đồng Châu Âu đang chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam "cho thấy chính quyền Việt Nam có thể tàn nhẫn đến mức nào, và cũng cho thấy vì sao cải thiện nhân quyền cần phải là một phần trong các thỏa thuận thương mại, thay vì bị gạt sang bên lề nhân danh ngoại giao".
Thanh Phương