Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/06/2019

Khui lại vụ Việt Nam đuổi quân Khmer Đỏ và ở lại Campuchia để làm gì ?

Nhiều tác giả

‘Việt Nam xâm lược Cambodia’ : Thủ tướng Singapore khuấy động cuộc tranh cãi về thời Khmer Đỏ (Người Việt, 06/06/2019)

T.K, Người Việt, 06/06/2019

Hôm 6/6, mạng xã hội vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh một post của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói Việt Nam "xâm lược Cambodia".

khmer1

Thủ đô Phnom Penh của Cambodia. (Hình : BBC Việt ngữ)

Tính đến sáng cùng ngày (theo giờ Việt Nam), post gây xôn xao của ông Lý đã nhận được hơn 31.000 lượt like, 24.000 lượt comment . Nhiều Facebooker Việt Nam vẫn đang ào ạt post hình cờ đỏ và comment những lời nhục mạ bằng tiếng Việt trên trang cá nhân của ông Lý.

Liên quan vụ này, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hồng Kông hôm 6/6 cho biết : "Việt Nam đã xâm lược Cambodia hay giải cứu nước này ? Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khuấy động một cuộc tranh cãi về thời Khmer Đỏ. Hành động đưa quân sang xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ của Việt Nam vào cuối thập niên 1970 vẫn là nguồn cơn gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Singapore nằm trong số những nước coi hành vi của Hà Nội là ‘nước ngoài xâm lược’ trong lúc Cambodia và Việt Nam đến nay vẫn quả quyết đó ‘không phải là sự thật.’"

Tờ báo cũng dẫn lời ông Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp phụ trách vấn đề Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ : "Chủ đề Việt Nam xâm lược Cambodia vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Việc Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực ủng hộ các nhóm đồng minh của Khmer Đỏ sau cuộc xâm lược này là điều không hay trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Cambodia luôn nhạy cảm khi bị cho là phụ thuộc vào Việt Nam, và trong khi nhiều người dân Cambodia xem quân Việt Nam là người giải phóng, vẫn có những chính trị gia của nước này khuấy động chủ nghĩa bài Việt Nam".

Đáng lưu ý, Bộ Ngoại giao Singapore không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng về vụ này.

Trong khi đó, một số blogger chỉ trích ông Phạm Sanh Châu, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của cộng sản Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan vì ông này viết trên trang cá nhân : "Phẩm hạnh cao quí nhất của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua suốt hàng nghìn năm tồn tại là lòng vị tha và năng lực tha thứ. Tinh thần nhân văn này được chuyển hoá vào phương châm đối ngoại mà Việt Nam kiên định theo đuổi : Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vì thế mà trong suốt 40 năm qua kể từ khi nhân dân Cambodia thoát khỏi hoạ diệt chủng, thế giới vẫn nợ Việt Nam một lời xin lỗi mà Việt Nam chưa bao giờ đòi. Và hôm nay lại nợ thêm Việt Nam một lời xin lỗi nữa. Hãy dừng lại và đừng làm tổn thương lòng tự tôn của một dân tộc vốn đã chịu quá nhiều đau thương của chiến tranh !".

Cùng thời điểm, Đại sứ Việt Nam tại Cambodia Vũ Quang Minh cũng bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân : "Mặc dù có một vài bạn giỏi tiếng Anh có băn khoăn là hay chúng ta hiểu nhầm hoặc tiêu cực hóa cách dùng từ ‘invade’ và ‘occupy’ của ông Lý Hiển Long, tôi tin chắc đa số chúng ta hiểu rõ, đúng là các từ trong tiếng Anh có nhiều nghĩa, nhưng với văn cảnh, context, mà ông Lý đăng trên trang Facebook và đưa vào phát biểu của ông tại Đối Thoại Shangri-La ngay sau đó, thì không có gì nghi ngờ về ý mà ông muốn nói. Cảm ơn ông Lý Hiển Long ! Nhờ ông phát biểu như thế, dư luận quốc tế và trong nước có dịp quan tâm hơn tới những gì đã xảy ra 40 năm trước, khi những người đồng đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ mặt trận Cambodia sát cánh bên nhau giải phóng đất nước Cambodia khỏi nạn diệt chủng, khi nhân dân Việt Nam phải hy sinh không chỉ xương máu, mà còn chịu cấm vận và các xung đột quân sự kéo dài cả thập kỷ, và cả một cuộc chiến biên giới phía Bắc…" (T.K.)

Link tham khảo :

https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3013336/did-vietnam-invade-cambodia-or-save-it-singapore-pm-lee-hsien

******************

Bàn về phát ngôn thủ tướng Lý Hiển Long vô tình khơi lại vấn đề chiến tranh Việt – Cam

Phùng Hoài Ngọc, VNTB, 06/06/2019

Bàn cờ thế giới ngày nay đã khác.

Bắt bẻ thủ tướng Lý Hiển Long làm chi khi quan hệ hai nước đang yên đang lành. 

Vì sao Bộ ngoại giao sao không lên án, "lấy làm tiếc" bọn Trung Quốc đích danh thủ phạm gây ra thảm họa Campuchia và đòi họ xin lỗi ?

khmer2

Status Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long.

***

Tuần này công luận và mạng xã hội tập trung theo dõi nghị trường Quốc hội đang tự bộc lộ hết các căn bệnh ghẻ lở và ung thư chính trị, dân mạng đang sôi sùng sục. Bỗng nhiên xảy ra vụ thủ tướng Singapore viết một Status vô tình trên Facebook của anh ta khiến Mạng Xã Hội và báo chí Việt Nam dậy sóng, làm nhạt mất các chủ đề nóng hổi ở Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại giao cũng đăng đàn "lấy làm tiếc", phàn nàn oán trách thủ tướng Singapore đang khi quan hệ hai nước khá êm thuận.

Tôi đành phải góp bàn một lần, dứt điểm vụ này.

Dưới đây xin dẫn và trích nguyên văn FB của Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) 

Long nói cảm tưởng về ông tướng Prem người Thailand vừa qua đời.

"His leadership also benefited the region. His time as PM coincided with the ASEAN members (then five of us) coming together to oppose Vietnam’s invasion of Cambodia and the Cambodian government that replaced the Khmer Rouge. Thailand was on the frontline, facing Vietnamese forces across its border with Cambodia. General Prem was resolute in not accepting this fait accompli, and worked with ASEAN partners to oppose the Vietnamese occupation in international forums. This prevented the military invasion and regime change from being legitimised. It protected the security of other Southeast Asia countries, and decisively shaped the course of the region" (1).

Tôi dịch sát nghĩa, trung tính (không biểu cảm) :

"Sự lãnh đạo của ông cũng mang lại lợi ích cho khu vực. Thời gian làm thủ tướng trùng hợp với các thành viên ASEAN (lúc đó là năm người chúng tôi) cùng nhau chống lại Việt Nam xâm nhập, lan tràn Campuchia và chính phủ Campuchia mà thay thế Khmer Đỏ. Thái Lan ở tiền tuyến, đối mặt với các lực lượng Việt Nam vượt qua biên giới của họ với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận việc đã rồi này, và làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản cuộc xâm nhập, lan tràn quân sự và thay đổi chế độ khỏi bị hợp pháp hóa. Nó bảo vệ an ninh của các quốc gia Đông Nam Á khác, và quyết định sự định hình dòng chảy của khu vực".

Xin hãy lưu ý một số từ ngữ sau :

Xâm lược (từ gốc Hán) : 侵剠vốn là từ ghép :

- Xâm : (ngầm) đem binh vào bờ cõi nước khác 

- lược : tước đoạt, chiếm dụng (lãnh thổ, sinh mạng, của cải…) 

"Xâm lược"tương đương với tiếng Anh : Aggression.

Aggression : gây hấn và chiếm đóng lãnh thổ.

Khi Lý Hiển Long viết trên FB, ông ta hẳn rành chữ Hán và tiếng Anh nên dùng khá chính xác hai từ ngữ sau :

Invasion : xâm nhập, lan tràn

Occupation : đóng quân.

Sự thật lịch sử là : cả hai Việt- Cam chẳng ai phủ nhận rằng : quân đội Việt Nam vượt qua biên giới tiến vào đất Cam, truy kích Khmer Đỏ, đóng quân 10 năm.

Người Việt ưa dịch dễ dãi tất cả 3 từ "Invasion, Occupation, Aggression" đều là "xâm lược" với nghĩa cực xấu, có thể gây hiểu lầm (nhiều cuốn từ điển Anh- Việt kém chất lượng cũng cho nghĩa từ như vậy). Thực ra ba từ đó chỉ gần nghĩa với nhau thôi.

Tay thủ tướng Singapore dùng từ trung tính, nhắc một sự thật khách quan, không biểu cảm (dù sao ít nhiều Lý tổng tài vẫn nghiêng theo quan điểm cũ khi sự kiện xảy ra lúc ấy, 1978- 1988).

Hóa ra Bộ ngoại giao Việt Nam và cô nàng Lê Thị Thu Hằng cũng chưa thấm nhuần ngoại ngữ cho lắm, dịch đơn giản Invasion là "xâm lược" (thay vì xâm nhập…), Occupation là "chiếm đóng" (thay vì đóng quân) khiến kích động người Việt bừng bừng nổi giận, lãng quên thời sự nóng hổi trong nước.

Lý Hiển Long đứng trên lợi ích khu vực ASEAN mà bàn bạc. Ông ta lúc ấy đồng minh với Thái lan và phần lớn ASEAN cũng không ủng hộ cuộc chiến Việt-Cam vì sợ ngọn lửa lan rộng. Ông ta chẳng biết gì và chẳng cần biết đến nội tình hệ thống cộng sản còn kinh khủng hơn nhiều. Tuy nhiên giá như bây giờ gã Long tế nhị hơn một chút thì củng tốt hơn, khỏi bị ngay cả chính phủ Hun Sen phản đối.

Trở lại thời điểm chiến tranh Việt- Cam 10 năm ấy, bàn cờ thế giới vẫn là chiến tranh "lạnh" đối đầu giữa hai phe :

Hai phe dân chủ và cộng sản đối đầu.

Mỹ, Tây Âu và hầu hết ASEAN cùng một phe (Singapore, Malaysia, Thái Lan…)

Đồng thời cộng sản cũng phân liệt ra hai phe.

Hai phe cộng sản đấu nhau với hai trùm Liên xô và trùm Trung Quốc. 

Khmer Đỏ theo Trung Quốc, Bắc Triều tiên…

Việt cộng theo Liên xô…

Singapore của Lý Hiển Long đâu có theo phe Khmer Đỏ ?

Trong những cuộc giằng xé nội bộ cộng sản, nước nào yếu phải làm con tốt thí, làm bàn đạp, tiền đồn hoặc kẻ lót đường. 

Việt Nam vừa thoát thân phận con tốt thí sau khi trả giá máu xương nặng nề kết thúc năm 1975.

Thì kế đó tới lượt Campuchia, Khmer Đỏ được lệnh của Trung Quốc đâm sau lưng Việt Nam sau khi đạp sâu dân tộc họ vào vũng máu man rợ.

Canpuchia tan nát với cộng sản Khmer Đỏ. Trận chiến huynh đệ cộng sản tương tàn 1978-1988 mong rằng sẽ là trận cuối.

Bàn cờ thế giới ngày nay đã khác.

Bắt bẻ thủ tướng Lý Hiển Long làm chi khi quan hệ hai nước đang yên đang lành. 

Vì sao Bộ ngoại giao sao không lên án, "lấy làm tiếc" bọn Trung Quốc đích danh thủ phạm gây ra thảm họa Campuchia và đòi họ xin lỗi ?

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 06/06/2019

(1) https://www.facebook.com/leehsienloong/posts/2475835199145838

*******************

Về chủ nghĩa dân tộc và phát ngôn 'invade' của ông Lý Hiển Long

An Viên, VNTB, 06/06/2019

Việc Lý Hiển Long lên tiếng cải chính là một hành động khôn ngoan và nên được làm sớm. Bởi "xâm lược" không phải là ý chính yếu trong toàn bộ phát ngôn của ông ta, và loại bỏ "xâm lược" ra khỏi quan điểm phát ngôn liên quan đến sự hình thành ASEAN, hay đoàn kết ASEAN chính là "đoàn kết", "xoa dịu nỗi đau", và không vấp phải những phản ứng trái chiều.

khmer3

Sử dụng "xâm lược" chính là đá đổ những nỗ lực của Việt Nam trong quá khứ, không coi Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng và nhiều đồng lõa với những tội ác chiến tranh mà Polpot gây ra.

Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, người mới đây làm dậy sóng với phát ngôn của ông tại Hội nghị Quốc 

phòng Shangri La. Theo đó, để diễn giải về việc "biến thù thành bạn", ông đã dẫn chứng câu chuyện Lào, Campuchia, Việt Nam, và Myanmar. Trong đó, Việt Nam được ông coi là "đã xâm lược Campuchia và vì thế đã tạo ra một mối đe dọa với các nước láng giềng" (Vietnam had invaded Cambodia, thus posing a serious threat to its non-communist neighbours).

Về phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-la 2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng "Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận...".

Cây bút của tờ Khmer Times coi lời ông Lý Hiển Long là "chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, khuấy động lại ký ức buồn". Nghị sĩ của nước này, ông Hun Many đã lên tiếng về phát ngôn của ông Long, nhấn mạnh là "không đúng sự thật". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia cũng cho rằng, việc nói Việt Nam xâm lược Campuchia là sai trái, và "muốn ông ấy phải cải chính".

Chủ nghĩa quốc gia và hiện thực lịch sử ?

Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đã dùng cụm từ "invade" có nghĩa là "xâm lược", nhưng cụm từ này lại được coi là "trung lập", nghĩa là nó ám chỉ một hiện tượng với quy trình xảy ra như thế.

Theo hệ từ điển Cambridge, thì đây được coi là từ sử dụng để ám chỉ việc xâm nhập vào một đất nước với số lượng quân lớn, trong sự trật tự và chiếm lấy quốc gia đó (to enter a country by force with large numbers of soldiers in order to take possession of it).

Tại phần ví dụ của trang từ điển này, có đề cập đến việc Hạm đội Tây Ban Nha, được vua Tây Ban Nha cử đi xâm lược nước Anh vào năm 1588, thông qua ý định lật đổ Nữ hoàng Anh Quốc Elizabeth I.

Ở một ví dụ khác, là cuộc xâm lược của quân Đồng Minh vào Normandy thông qua cuộc đổ bộ nổi tiếng D-Day.

Như vậy, "invade" không phản ánh được bản chất của việc đem quân đó là gì, nó chỉ mô tả hành vi đó. Chính vì vậy, về mặt ngữ nghĩa học thuật, có thể hiểu cách ông Lý Hiển Long sử dụng cụm từ "xâm lược" như một cuộc đem quân vào nước Anh của Hạm đội Tây Ban Nha, hoặc việc đổ quân vào Normandy của Đồng Minh (vốn là cuộc chiến chống lại phát xít Đức, và nơi đây quân đồng minh đã chết rất nhiều).

Về nhận thức lịch sử, chính thống Việt Nam coi đây là "nghĩa vụ quốc tế", bản thân những người Campuchia cũng coi đây là sự giúp đỡ của đội quân nhà Phật. Tuy nhiên, ở ý kiến trái chiều khác, không ít nghiên cứu lẫn quan điểm của người dân Campuchia (thậm chí trong đội ngũ chính quyền Campuchia) coi đây là một hành động "xâm lược" nhằm "thôn tính Campuchia". Đề cập đến điều này để thấy rằng, ngay một sự "cứu giúp", hay "chống lại cuộc diệt chủng" cũng không khiến các quan điểm khi đánh giá về sự kiện này trở nên đồng nhất, và sự trái chiều này chắc chắn sẽ khó chấm dứt trong tương lai gần, và khó có thể có được một "khách quan thực tế lịch sử" dựa trên nỗi đau lịch sử, tinh thần học thuật, và góc nhìn về phương diện đem quân của Việt Nam.

Việc ông Lý Hiển Long, mặc dù ông sử dụng cụm từ mang tính trung lập như "invade", đã vô tình dẫn ông rơi tình vào tình trạng, dù ông không muốn, nhưng ông cũng đã "chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, khuấy động ký ức buồn" của không ít người Campuchia và cả người Việt Nam. Bởi lẽ, với họ, "diệt chủng" là có, và Việt Nam đem quân ngăn chặn nạn diệt chủng trên tinh thần thiện nguyện là hiện thực. Sử dụng "xâm lược" chính là đá đổ những nỗ lực của Việt Nam trong quá khứ, không coi Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng và nhiều đồng lõa với những tội ác chiến tranh mà Ponpol gây ra.

Trên hết, phát ngôn của ông Lý Hiển Long chạm vào chủ nghĩa dân tộc, điều mà Stephen M. Walt cho rằng, nó có sức mạnh quyền lực lớn hơn cả răn đe hạt nhân, Internet, Chúa, hay thậm chí là thị trường trái phiếu.

Tại Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc như cơn sóng dữ, có thể thổi bùng lên ngọn lửa và thiêu đốt hết tất cả. Và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam không thua kém chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phản ứng đầu tiên về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long là từ người Campuchia, nhưng dữ dội và đến cùng nhất sẽ là người Việt Nam, và điều này có thể thấy trên trang Facebook của vị Thủ tướng Singapore này.

Quan điểm của Thủ tướng Lý Hiển Long tưởng chừng như là "hòa hợp" lại vô tình tạo ra sự "phi hòa hợp", phát biểu biến thù thành bạn, nay biến bạn thành thù. Và đây có thể là một lỗi chính trị mà người đứng đầu đảo quốc Sư tử gặp phải.

Việc Lý Hiển Long lên tiếng cải chính là một hành động khôn ngoan và nên được làm sớm. Bởi "xâm lược" không phải là ý chính yếu trong toàn bộ phát ngôn của ông ta, và loại bỏ "xâm lược" ra khỏi quan điểm phát ngôn liên quan đến sự hình thành ASEAN, hay đoàn kết ASEAN chính là "đoàn kết", "xoa dịu nỗi đau", và không vấp phải những phản ứng trái chiều.

Hãy để "xâm lược" nằm trong những nghiên cứu từ các học gia, hơn là tồn tại trong một bài phát biểu. Bởi khi nghiên cứu, thì tính khách quan hiện thực lịch sử mới xuất hiện và tồn tại, còn nếu trong một phát ngôn, thì nó trở thành mũi dùi chính trị, thể hiện sự chủ quan, thiếu thận trọng và đánh giá thấp chủ nghĩa quốc gia ở một số quốc gia có liên quan đến sự kiện được đề cập.

An Viên

Nguồn : VNTB, 06/06/2019

*******************

Lật đổ Pol Pot : Khó khăn khi Việt Nam thuyết phục quốc tế ? (BBC, 06/06/2019)

Liệu Việt Nam có thể làm gì khác để thuyết phục quốc tế không trừng phạt, sau khi lật đổ chính quyền Pol Pot năm 1979 ?

khmer4

Khieu Samphan (giữa), Phó Chủ tịch Chính quyền Liên minh của Kampuchea Dân chủ và Ieng Sary (phải), Bộ trưởng Ngoại giao, ăn mặc đẹp để ra đón phái đoàn Trung Quốc ở căn cứ Dong Rek của Khmer Đỏ năm 1985. Ieng Sary, tên là Kim Trang, sinh ra ở Châu Thành, Trà Vinh trong gia đình cha là người Khmer, mẹ người Việt gốc Hoa

Khi nhìn lại, một số học giả đã chỉ ra luận cứ yếu ớt của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc sau biến cố.

Nhưng mặt khác, trong bối cảnh tranh đấu Chiến tranh Lạnh, phải chăng dù Việt Nam có làm gì, cũng không thể thay đổi phản ứng quốc tế ?

Việt Nam đưa quân đánh sang Campuchia vào dịp Giáng sinh 1978, nhanh chóng đánh bại quân của Pol Pot.

Pol Pot bỏ chạy khỏi thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979. Ngoại trưởng của Pol Pot, Ieng Sary, đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp để lên án Việt Nam.

Trong sách Saving Strangers : Humanitarian Intervention in International Society (2000), Nicholas J. Wheeler cho hay Hội đồng Bảo an mở cuộc họp ngày 11/1/1979. Tại đây, Đại sứ Việt Nam Hà Văn Lâu tuyên bố Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ Pol Pot.

Ông này thừa nhận bộ đội Việt Nam có giao chiến với Khmer Đỏ nhưng nói đây chỉ là tự vệ. Theo ông, có hai cuộc chiến đang diễn ra, một là chiến tranh biên giới của Pol Pot chống Việt Nam, và hai là chiến tranh cách mạng của nhân dân Campuchia.

Việt Nam khăng khăng chỉ có chiến tranh cách mạng của nhân dân mới lật đổ Pol Pot, còn Việt Nam chỉ tự vệ mà thôi.

Bất chấp sự có mặt của 100.000 lính Việt Nam ở Campuchia, ông Hà Văn Lâu cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an rằng nhà nước Campuchia Dân Chủ do Pol Pot dẫn dắt bị lật đổ vì quân du kích của Mặt trận và nhân dân Campuchia nổi dậy mà thôi.

Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler đặt câu hỏi : Luận điểm hai cuộc chiến dễ dàng bị vạch ra là xạo, vậy vì sao Việt Nam sử dụng ?

Có vẻ như ban đầu Việt Nam tưởng rằng thế giới sẽ nhanh chóng quên luôn chuyện Việt Nam tiến vào Campuchia. Trong thập niên 1980, ngoại trưởng Singapore Kishore Mahbubani viết trên Foreign Affairs rằng Đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đã nói với ông ta ngay từ tháng 1/1979 rằng "trong hai tuần, thế giới sẽ quên vấn đề Campuchia thôi".

Suy nghĩ này hóa ra là sai lầm, và Việt Nam phải trả giá.

Trong sách Vietnam's Intervention in Cambodia in International Law (1990), Gary Klintworth nói Việt Nam lẽ ra đã có thể giảm bớt sức ép quốc tế nếu biết nói lý lẽ tốt hơn.

Theo Gary Klintworth, lẽ ra Việt Nam nên nói chúng tôi can thiệp vừa vì tự vệ vừa vì can thiệp nhân đạo. Gary Klintworth có cảm tình với Việt Nam, nói rằng lật đổ Pol Pot là "hành vi tự vệ có lý (reasonable)".

Klintworth thậm chí cho rằng việc Việt Nam thay đổi chế độ ở Phnom Penh cũng chấp nhận được vì Việt Nam cần một chính quyền bớt thù địch. Klintworth thậm chí so sánh Việt Nam với việc đồng minh chiếm đóng Đức và Nhật năm 1945.

Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler không hoàn toàn tin vào luận cứ của Klintworth nhưng thừa nhận : "Luận điểm hai cuộc chiến bị chế giễu ở Hội đồng Bảo an, nên Việt Nam rõ là để lỡ cơ hội khi không sử dụng lý lẽ trên để mà biện hộ cho sử dụng vũ lực".

khmer5

Quân Khmer Đỏ với vũ khí Trung Quốc trên một chiếc xe mới toanh do Trung Quốc cung cấp gần Anlong Veng trong ảnh chụp của Thierry Falise ngày 1/12/1990

Việt Nam không đề cập 'lý do nhân đạo'

Sẽ thế nào nếu việc dùng vũ lực ở Campuchia được biện hộ thêm với lý do nhân đạo ?

Đây là một câu hỏi thú vị, nhưng Nicholas J. Wheeler chỉ ra rằng Việt Nam khi đó không hề nhắc tới lý do nhân đạo để biện hộ cho mình. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch được dẫn lời nói Việt Nam chỉ quan tâm về an ninh, còn nhân quyền là quan ngại của nhân dân Campuchia.

Nicholas J. Wheeler đặt ra ba khả năng vì sao Việt Nam không dùng lý do nhân đạo.

- Một, có thể Việt Nam âm thầm thừa nhận quy tắc quốc tế về chủ quyền, không can thiệp và không dùng vũ lực. Việc Đại sứ Hà Văn Lâu dùng luận điểm hai cuộc chiến là cách biện minh hành động dựa trên luật quốc tế.

- Hai, có thể Việt Nam nghĩ rằng đưa ra lý do nhân đạo nghe cũng kỳ khôi khi mà chính Việt Nam đã im lặng về vi phạm nhân quyền trong bốn năm Pol Pol cầm quyền từ 1975 đến 1979.

- Ba, có thể Hà Nội sợ rằng đặt ra lý do nhân đạo thì tạo thành cớ để quốc tế tấn công Việt Nam trong tương lai.

khmer6

Ảnh tư liệu thập niên 1970 : Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot (giữa) và Ieng Sary

Môi trường quốc tế khi đó là 'thù địch'

Phản ứng thù địch của quốc tế lúc này xuất phát từ ba nhóm :

- Mỹ và các đồng minh xem hành vi của Việt Nam là một phần trong Chiến tranh Lạnh.

- Asean lo sợ Việt Nam can thiệp vào Campuchia báo hiệu tham vọng bá chủ khu vực.

- Các nước trung lập lo ngại Việt Nam vi phạm luật quốc tế.

Vấn đề đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tại Đại hội đồng, Hoàng thân Sihanouk, đại diện chính quyền Campuchia Dân Chủ, nói hành vi của Việt Nam là "xâm lấn, chiếm lãnh thổ".

Trung Quốc ủng hộ, nói rằng luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam là "dối trá".

Mỹ thì thừa nhân vi phạm nhân quyền tại Campuchia, và còn thừa nhận Việt Nam có lo ngại an ninh chính đáng khi Campuchia tấn công vùng biên giới. Nhưng Mỹ nói "tranh chấp biên giới không cho phép một quốc gia quyền áp đặt một chính phủ thay chính phủ khác bằng vũ lực".

Châu Âu và Nhật ngừng mọi viện trợ kinh tế cho Việt Nam.

Anh Quốc nói "dù nhân quyền ở Campuchia có thế nào, không thể tha thứ cho Việt Nam, vốn có nhân quyền cũng đáng lên án, khi vi phạm lãnh thổ Campuchia Dân Chủ".

Đại sứ Pháp thậm chí bác bỏ lý do nhân đạo :

"Quan niệm rằng vì một chính quyền đáng xấu hổ, mà có thể biện minh cho can thiệp nước ngoài và lật đổ, thật là nguy hiểm".

Đại sứ Na Uy nói Na Uy "mạnh mẽ phản đối" các vi phạm nhân quyền của Pol Pot, nhưng vi phạm nhân quyền này "không thể biện hộ cho hành động của Việt Nam".

Bồ Đào Nha nói hành động của Việt Nam "vi phạm rõ rệt nguyên tắc không can thiệp" bất chấp hồ sơ nhân quyền "tệ hại" ở Campuchia.

New Zealand cũng nói Campuchia Dân Chủ của Pol Pot có nhiều cái xấu, nhưng "việc xấu của một nước không biện minh cho sự xâm lăng lãnh thổ của một nước khác".

Australia chỉ ra rằng nước này không hề có quan hệ ngoại giao với Pol Pot nhưng lại "hoàn toàn ủng hộ quyền của Campuchia Dân Chủ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".

Singapore phát biểu :

"Không nước nào có quyền lật đổ chính phủ Campuchia Dân Chủ, dù chính phủ này có đối xử tàn tệ nhân dân thế nào. Đi ngược nguyên tắc này có nghĩa là thừa nhận chính phủ nước ngoài lại có quyền can thiệp và lật đổ chính phủ nước khác".

Singapore nói thêm họ lo ngại Việt Nam đe dọa an ninh của Singapore và an ninh khu vực.

Đến phiên các nước không liên kết như Bolivia, Gabon, Kuwait, Nigeria, Bangladesh. Các nước này tránh lên án trực tiếp Việt Nam nhưng cũng không ủng hộ Việt Nam, nhấn mạnh quy tắc không can thiệp.

khmer7

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch năm 1984

Nhưng tại Hội đồng Bảo an, phe xã hội chủ nghĩa, dẫn đầu là Liên Xô và Tiệp Khắc, lại ủng hộ luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam.

Liên Xô bảo chính Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ Pol Pot.

Đại sứ Liên Xô Troyanovsky còn nhấn mạnh "tội ác ghê tởm" của chính phủ Pol Pot. Nhưng Anh phản bác lại, nói rằng khi Anh nộp dự thảo nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền của Pol Pot, chính Liên Xô và Cuba đã phản đối.

Vài ngày sau phiên họp ở Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc kéo quân sang Việt Nam, mở đầu cuộc chiến biên giới ngắn ngày.

Ngày 16/3, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về một nghị quyết do Asean bảo trợ, kêu gọi ngừng bắn trong toàn khu vực, rút quân đội nước ngoài, và giải quyết bằng hòa bình.

Liên Xô buộc phải dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này.

Đến cuối năm 1979, Đại hội đồng họp bàn việc ai sẽ đại diện cho Campuchia tại Liên Hiệp Quốc.

Tại đây, 71 nước bỏ phiếu bác bỏ chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (được Việt Nam và Liên Xô ủng hộ).

Tại phiên họp này, các nước như Singapore bác bỏ lý do nhân đạo.

Singapore nói : "Nếu chúng ta thừa nhận học thuyết can thiệp nhân đạo, thế giới sẽ càng nguy hiểm hơn cho các nước nhỏ như chúng tôi".

Nhiều nước trong Đại hội đồng cũng nói rằng việc họ phản đối Việt Nam không có nghĩa họ ủng hộ hành động vi phạm nhân quyền của Pol Pot.

Asean tiếp tục gây sức ép với phiên thảo luận ba ngày trong tháng 11/1979 tại Đại hội đồng.

Malaysia, đại diện cho Asean, nói can thiệp nội bộ vào Campuchia là nguyên nhân khiến an ninh suy sụp ở Đông Nam Á. Asean nói họ lo ngại xung đột sẽ lây lan sang Thái Lan.

Đại sứ Malaysia lúc này nói họ thừa nhận Khmer Đỏ đã gây ra cái chết hàng trăm ngàn người, nhưng việc này không biện minh cho can thiệp của Việt Nam.

Malaysia nói nguyên tắc không can thiệp bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh.

khmer8

Oleg Troyanovsky là đại sứ Liên Xô ở Liên Hiệp Quốc từ 1977 tới 1986

'Thuyết phục về nhân đạo'

Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler nêu quan điểm của ông rằng sự can thiệp của Việt Nam ban đầu rõ ràng được nhân dân Campuchia chào đón vì đã cứu rỗi họ.

Trong cuốn Brother Enemy, Nayan Chanda mô tả : "Tại hàng trăm ngôi làng Campuchia, cuộc xâm lấn của Việt Nam được chào đón bằng niềm vui và cảm giác không thể ngờ được".

Như vậy, Nicholas J. Wheeler khẳng định hành động của Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết cho can thiệp nhân đạo.

Nhưng ông cũng nói, từ góc nhìn luật pháp, liệu việc dùng vũ lực của Việt Nam được nhìn ra sao ? Yêu cầu luật quốc tế ở đây là không để nước khác bị mất đất, không thay đổi chế độ, và quân can thiệp phải rút ngay lập tức.

Thế thì, Việt Nam lại chỉ đáp ứng được tiêu chí một (không làm mất đất), nhưng hai tiêu chí sau thì không.

Trong phần kết luận, Nicholas J. Wheeler chỉ ra rằng :

"Không có bằng chứng rằng vi phạm nhân quyền của Pol Pot đóng vai trò gì trong quyết định xâm lược Campuchia : Việt Nam chỉ trích vi phạm nhân quyền chỉ khi tiện lợi về chính trị".

"Nếu giải pháp ngoại giao đạt được với Campuchia Dân Chủ ở biên giới, Việt Nam cũng sẽ sống chung với kẻ láng giềng giết người".

Nicholas J. Wheeler cho rằng chính vì Việt Nam tin rằng các lợi ích an ninh quan trọng bị rủi ro nên mới tiến vào Campuchia.

"Giống như Ấn Độ can thiệp Đông Pakistan, Việt Nam sẵn lòng đặt cược mạng sống của bộ đội và chi vật lực thiếu thốn chỉ vì thấy có đe dọa căn bản cho an ninh từ Trung Quốc ở Bắc và Campuchia ở Nam".

Klintworth cũng nói : "Cứu người là kết quả dĩ nhiên nhờ Việt Nam can thiệp…nhưng đó luôn là quan tâm thứ hai theo sau lo ngại cho lợi ích an ninh quan trọng".

Nhưng dẫu vậy, Klintworth cho rằng hành vi của Việt Nam cũng có thể chấp nhận được "vì kết quả của sự can thiệp là ngừng việc giết chóc" ở Campuchia.

Nhưng Việt Nam đã không hề dùng lý do can thiệp nhân đạo để nói với quốc tế, có thể một phần vì lo ngại lý do này lại được dùng để đánh chính Việt Nam sau này. Ngoài ra, sau khi Việt Nam đã im lặng về Pol Pot suốt bốn năm, Liên Hiệp Quốc cũng có thể nói Việt Nam đạo đức giả.

Nhưng dẫu sao, nếu Việt Nam đã sử dụng lý do can thiệp nhân đạo, nó cũng còn thuyết phục hơn luận điểm hai cuộc chiến.

Mặt khác, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi phương Tây xem Việt Nam là quân cờ của Liên Xô, có thể mọi tranh luận pháp luật thực ra chỉ là thứ yếu. Dù Việt Nam có nói gì đi nữa, hành động của Việt Nam khi ấy vẫn sẽ bị đặt trong bối cảnh tranh đấu của hai phe cộng sản và tư bản ở Đông Nam Á.

Ngày 24/12/1979, Liên Xô kéo quân vào Afghanistan, lấy lý do thực thi Hiệp định hữu nghị song phương ký năm 1978.

Ba ngày sau, Babrak Karmal được Liên Xô đưa lên làm lãnh đạo đất nước.

Đến tháng 2/1980, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết "lên án" sự can thiệp của Liên Xô, đòi rút quân khỏi Afghanistan.

Tháng 10/1983, 2.000 thủy quân lục chiến Mỹ tiến đánh hòn đảo Grenada, lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa Marx, thay bằng một chính phủ tạm quyền.

Tháng 11 năm đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết nói hành động của Mỹ "vi phạm trắng trợn luật quốc tế".

Một ví dụ tương tự mà khác biệt cùng năm 1979. Tanzania kéo quân vào Uganda lật đổ chế độ độc tài, vi phạm nhân quyền của Idi Amin tháng 4/1979.

Giống như trường hợp Việt Nam, biến cố này vi phạm nguyên tắc chủ quyền và phi can thiệp.

Tuy vậy, các nước phương Tây hoan nghênh kết quả ở Uganda, và ngầm chấp nhận phương pháp vũ lực.

Có thể vì ở Uganda khi đó, chả có lợi ích chiến lược nào.

BBC tiếng Việt

*****************

Việt Nam xâm lược hay giúp giải phóng Campuchia ?

Diễm Thi, RFA, 05/06/2019

Hôm 30/5/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên facebook cá nhân của mình rằng Việt Nam xâm lược Campuchia và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Sự việc này lập tức gây phản ứng từ nhiều phía, cả Việt Nam và Campuchia.

campu3

Bộ đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia hôm 21/9/1989. AFP

Khác biệt về quan điểm

Trong bài viết chia buồn với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha về sự qua đời của cựu Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prem Tinsulanonda, Thủ tướng Singapore viết rằng "Thời ông ấy là Thủ tướng trùng với thời gian các thành viên ASEAN (5 nước) cùng nhau chống lại việc xâm lược Campuchia của Việt Nam và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Thái Lan là tuyến đầu, đối mặt với lực lượng của Việt Nam trên biên giới với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự đã rồi và làm việc với các đối tác ASEAN để chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế".

Một ngày sau đó, ông Hun Many - con trai Thủ tướng Campuchia, Hun Sen - phản hồi trên facebook cá nhân của mình rằng ông ngạc nhiên với bài viết của Thủ tướng Lý Hiển Long. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng và 20 ngày người dân Campuchia phải chịu đựng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân vô tội đã chết mà thế giới làm ngơ, nước láng giềng Việt Nam đã cứu giúp người dân Campuchia.

Tối ngày 4/6/2019, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng với báo chí trong nước rằng "Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ".

Tờ Khmer Times hôm 4/6/2019 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh vào tối 3/6/2019, khi trở về từ Đối thoại Shangri-La đã phản đối gay gắt nhận xét của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về Khmer Đỏ và về quân tình nguyện Việt Nam. Ông Tea Banh yêu cầu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phải cải chính nhận xét của mình. Ông nói "Chúng tôi không thể chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã làm rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến đây là để giải phóng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi vẫn coi họ đến đây là để cứu mạng sống của người dân chúng tôi. Điều này có ý nghĩa cực lớn đối với chúng tôi".

Trên trang facebook cá nhân của mình, đại sứ Việt Nam ở Campuchia, ông Vũ Quang Minh cũng có bài viết liên quan. Ông nhắc lại năm nay kỷ niệm 40 năm Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông cám ơn ông Lý Hiển Long vì "Nhờ ông phát biểu như thế, dư luận quốc tế và trong nước có dịp quan tâm hơn tới những gì đã xảy ra 40 năm trước, khi những người đồng đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ Mặt trận Campuchia sát cánh bên nhau giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng, khi nhân dân Việt Nam phải hy sinh không chỉ xương máu, mà còn chịu cấm vận và các xung đột quân sự kéo dài cả thập kỷ, và cả một cuộc chiến biên giới phía Bắc".

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nêu quan điểm của mình :

"Bây giờ nói là Việt Nam vào giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ hay Việt Nam xâm lược Campuchia thì theo tôi đó là cách cách nhìn theo quan điểm chính trị của mỗi bên. Nhưng sự thật mà thế giới phải nhìn nhận là nếu năm 1979 không có lực lượng Việt Nam tấn công lực lượng Khmer Đỏ thì tình hình không biết Campuchia lúc đó sẽ ra sao và bây giờ sẽ như thế nào".

campu4

Bộ đội Việt Nam chuẩn bị rời thị trấn Battambang, Campuchia hôm 20 tháng 9 năm 1989. AFP

Ông nhận xét rằng có một sự thay đổi rất lớn trong cách nhìn của các quốc gia trong khu vực đối với Việt Nam, đặc biệt là Singapore. Với phát biểu mới nhất của ông Lý Hiển Long, một lần nữa cho thấy rằng dù Hà Nội có bao nhiêu đối tác chiến lược đi chăng nữa hay chính sách muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì Đcộng sản Việt Nam vẫn cô đơn, và tệ hơn nữa là chẳng có bạn bè thân thiết gì cả.

Đem quân sang Campuichia và ở lại 10 năm

Theo sách sử Việt Nam thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam có nguyên nhân từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 đến 1978.

Cũng theo tài liệu của Việt Nam, từ cuối năm 1978 đến tháng 5/1979, Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.

Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ, từng tham chiến ở Campuchia nhận định :

"Theo tôi thì ông Lý Hiển Long nói Việt Nam xâm lược Campuchia vào thời kỳ đó là thiếu chín chắn, thiếu hiểu biết. Sau năm 1975 Khmer Đỏ đã bắt đầu khiêu khích Việt Nam. Từ đảo Thủ Chu đến Kiên Giang, các tỉnh biên giới, nhất là thời điểm năm 1977 thì hàng loạt các tỉnh biên giới Tây Nam đều bị khiêu khích và họ giết dân Việt Nam.

Qua tìm hiểu của tôi thì sau hàng loạt các vụ giết hại dân thường thì Việt Nam mới bắt đầu cảnh giác và lúc đó ông Hun Sen (Thủ tướng Campuchia bây giờ) là một lính Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam cầu cứu khi ông nhận thức được chính phủ Khmer Đỏ là một chính phủ diệt chủng, giết dân. Thực sự Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia vào năm 1979 là để giúp đánh đuổi Khmer Đỏ và xây dựng chính quyền".

campu5

Một vở diễn tưởng niệm 40 năm ngày thoát khỏi Khmer Đỏ ở Campuchia. Ảnh chụp hôm 20/5/2019. AFP

Tháng 12/1978, Việt Nam đã đưa 150.000 quân tràn qua biên giới Campuchia và chỉ trong khoảng một tuần đã tiến về thủ đô Phnom Penh, lật đổ chính phủ Khmer Đỏ để lập lên chính phủ Campuchia mới.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết trên facebook cá nhân của mình :

"Chuyện đưa quân vào Kampuchia năm 1979 cần nhận định lại cho rõ.

Khờ Me Đỏ mang quân qua cướp hiếp giết chóc đồng bào biên giới là lý do trước mắt, còn về lâu dài, nó là tay chân của Tàu cộng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho VN, vì vậy Việt Nam mang quân qua tiêu diệt nó là cần thiết. Mục đích chính của chiến tranh qua biên giới là vậy chứ không có chuyện Việt Nam đem quân qua để làm nghĩa vụ quốc tế giải cứu dân Kampuchia".

Việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và ở lại đã gây ra những phản ứng gay gắt từ quốc tế và Việt Nam phải chịu cấm vận, cô lập khỏi quốc tế trong nhiều năm cho đến Đảng Cộng sản Việt nam vào năm 1987 ra nghị quyết rút toàn bộ quân khỏi Campuchia để mở cửa kinh tế. Năm 1989, Việt Nam chính thức rút toàn bộ quân khỏi Campuchia.

Mặc dù vậy, các tài liệu của chính phủ Việt Nam khi đó viết rằng sau khi thấy chính phủ Campuchia mới có thể đứng vững, Việt Nam mới có thể rút quân. Luật sư Vũ Đức Khanh nêu ý kiến của mình :

"Nói rằng Việt Nam có xâm lược Campuchia hay không thì tôi nghĩ điều đó không có giá trị vì trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong 10 năm liên tục từ 1979 đến 1989 đều nhắc tới việc các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng Campuchia nhưng không có một chữ nào liên quan tới Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng Việt Nam có chiếm đóng thật sự".

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đóng quân 10 năm ở Kampuchia :

"Hồi đó mới đánh tan, nhưng chưa tiêu diệt hết lực lượng Khờ Me Đỏ, chúng vào rừng và chạy qua Thái Lan lập chiến khu nhận viện trợ của Tàu cộng phản công trở lại. Nếu Việt Nam rút quân thì vài ngày sau Pôn Pốt trở lại Phnompenh, mọi chuyện quay lại xuất phát ban đầu. Tiếp tục ở lại tiêu diệt bằng hết Khmer Đỏ và giúp Kampuchia xây dựng nhà nước là điều phải làm, không có cách nào khác".

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì mọi chuyện lúc đó như thế nên phải làm thế để cứu nước khỏi tay Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả trở nên vô nghĩa sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chết, Liên Xô sụp đổ, và chính quyền Việt Nam phải tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sau nhiều năm xung đột.

Cựu sĩ quan quân đội, ông Võ Minh Đức nhận xét rằng không tự nhiên mà Việt Nam đem quân qua giúp Campuchia. Nếu Việt Nam muốn ổn định thì phải giữ Campuchia ổn định. Ông nói thêm :

"Lợi ích của giới chóp bu Việt Nam lúc đó là họ muốn xây dựng, hình thành một chính phủ, một Nhà nước Campuchia giống như chính phủ Việt Nam, tức Nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên facebook cá nhân của mình vào tối ngày 5/6/2019 :

"Dưới góc độ công pháp quốc tế, không điều gì có thể biện minh được cho việc quân đội của quốc gia này chiếm đóng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác. Gọi đúng tên, đó là hành vi xâm lược".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 05/06/2019

******************

Việt Nam ‘lấy làm tiếc’ về bình luận ‘Việt Nam xâm lược Campuchia’ của Thủ tướng Singapore (VOA, 04/06/2019)

Người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam Lê Th Thu Hng nói Vit Nam "ly làm tiếc" khi Th tướng Lý Hin Long ca Singapore nói Vit Nam "xâm lược" Campuchia trong bài viết chia bun sau khi cu Th tướng Thái Lan qua đi.

campu6

Người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam Lê Th Thu Hng.

Viết trên trang Facebook hôm 30/5, Thủ tướng Lý Hin Long nói rng c Th tướng Thái Lan, Tướng Prem Tinsulanonda, là mt nhà lãnh đo có kh năng và rt được kính trng vì đã "lèo lái đưa Thái Lan qua thi kỳ phát trin dân ch".

Thủ tướng Singapore viết tiếp : "S lãnh đo ca ông cũng mang lại li ích cho khu vc. Thi gian ông làm Th tướng trùng vi lúc các thành viên ASEAN (lúc đó ch có 5 nước) cùng nhau chng li s xâm lược ca Vit Nam đi vi Campuchia và chính ph Campuchia thay thế Khmer Đ. Thái Lan tin tuyến, đi mt vi các lực lượng ca Vit Nam qua biên gii nước này vi Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chp nhn vic đã ri, và đã cùng vi các đi tác ASEAN, phn đi hành đng xâm chiếm ca Vit Nam trên các din đàn quc tế".

campu7

Bài viết trên trang Facebook ca Th tướng Lý Hin Long.

Trả li phóng viên hôm 4/6 v phát biu ca Th tướng Lý Hin Long, người phát ngôn Lê Th Thu Hng nói : "Vit Nam ly làm tiếc khi đã có mt s ni dung phát biu phn ánh không khách quan thc tế lch s, gây tác đng không tt đến dư lun. B Ngoi giao Việt Nam đã trao đi vi B Ngoi giao Singapore v vn đ này".

Trước đó, ti 3/6, phía chính ph Campuchia cũng đã t chc hp báo và lên tiếng v phát biu này.

"Chúng tôi không thể chp nhn nhng gì ông y nói. Chúng tôi đã nói rõ rng đi quân tình nguyện Vit Nam đã đến đ gii phóng nhân dân chúng tôi", Khmer Times dn li B trưởng Quc phòng Campuchia Tea Banh nói.

Tướng Tea Banh còn yêu cu Th tướng Singapore phi "điu chnh" v phát biu "không đúng s tht chút nào" khi cho rng quân đi Vit Nam đã xâm lược Campuchia.

Khánh An

*********************

Báo Việt Nam phê phán Thủ tướng Singapore vì phát ngôn về cuộc chiến Campuchia (BBC, 05/06/2019)

Báo chí nhà nước Việt Nam ngày 5/6 đăng nhiều bài phê phán Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vì phát ngôn liên quan tới vấn đề Campuchia trong thập niên 1980.

khmer9

Tù binh Campuchia, ảnh chụp tháng 8/1978. Quân đội Việt Nam đánh sang nước này sau các vụ xâm nhập và giết chóc dân thường các tỉnh biên giới của Việt Nam bởi lực lượng Khmer Đỏ

Tờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói ông Lý "đưa ra những nhận định hoàn toàn trái với sự thật lịch sử về giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo".

Hôm 31/5, ông Lý đăng bài trên Facebook về cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan Tướng Prem Tinsulanonda, nhắc lại quan hệ thân thiết của ông này với cố thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu.

Nhưng trong đoạn đăng trên mạng xã hội, ông đã viết :

"Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ".

Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa".

Ngày 4/6, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nói :

"Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này".

khmer10

Từ trái sang : Đại tướng Prem Tinsulanonda, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và phu nhân Nane Annan. Ông Prem Tinsulanonda khi đó là Chủ tịch Viện Cơ mật của Hoàng gia Thái Lan. Tên tuổi ông được nhắc lại trong bài tưởng nhớ ông, viết trên Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, gây ra tranh cãi tại Việt Nam và Campuchia - Bangkok tháng 5/2006

Truyền thông Việt Nam phản ứng

Sang ngày 5/6, tiếp tục các báo Việt Nam đưa tin bài phê phán.

Tờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói : "Phát ngôn của thủ tướng Long không hề đếm xỉa đến tiến trình lịch sử diễn ra khi đó".

Báo An ninh Thủ đô thì dẫn lại bài trên báo Campuchia Khmer Times, cho biết chính Campuchia cũng phê phán ông Lý.

Tờ này cho hay nhà phân tích chính trị người Campuchia Leap Chanthavy đã có bài viết dài phản đối phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Trong khi đó, trang VTC News đăng hàng tít lớn "Ông nợ nhân dân Việt Nam và các chiến sĩ quân tình nguyện một lời xin lỗi".

Theo bài mạnh mẽ của VTC, Thủ tướng Singapore có "một phát biểu hồ đồ, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, của nhân dân Việt Nam về một giai đoạn khổ đau và đen tối nhất trong lịch sử".

Facebook người Việt 'có bão'

Rất nhiều người Việt đã có bình luận trên Facebook, phần lớn phê phán ông Lý Hiển Long.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, một cựu chiến binh viết :

"Quân đội Việt Nam đã đổ máu xương để giúp nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot và vững mạnh đủ sức tồn tại và phát triển. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận và bác bỏ".

Ông Phạm Gia Hiền nói :

"Lý Hiển Long - người đứng đầu Singapore đã có phát ngôn cực kỳ thiển cận về sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng".

Trên nhiều trang Facebook tiếng Việt cũng đang có cuộc tranh luận việc dùng từ tiếng Anh 'invasion' của ông Lý Hiển Long là đúng, sai ra sao.

Có ý kiến nói 'invasion' dịch thành 'đem quân vào' hay 'xâm lăng' là tùy cách người ta cảm nhận ; những ý kiến khác cho rằng cả đoạn văn chính trị gia Singapore viết thể hiện rõ thái độ chỉ trích hành động của Hà Nội khi đó ở Campuchia.

Cho đến 05/06/2019 chưa th́ấy ông Lý Hiển Long hồi đáp gì trên trang Facebook của ông về việc này.

Được biết trang này đã nhận được khá nhiều bình luận tiếng Anh của bạn đọc, người dùng Việt Nam.

Theo quan điểm của chính phủ Việt Nam và chính quyền hiện nay ở Phnom Penh, từ 1979 đến 1989, quân đội Việt Nam ở Campuchia giúp nhân dân Campuchia ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot và và giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.

Cuối 1989, Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia.

Liên Hiệp Quốc từng nói gì ?

Trong giai đoạn 1979-1989, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết nói về Campuchia.

Nghị quyết 14/11/1979 :

"hối tiếc sâu sắc (deeply regretting) về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia".

"kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia, kêu gọi các nước kiềm chế không có hành động hay đe dọa gây hấn (aggression) và mọi hình thức can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Nam Á"

Nghị quyết 22/10/1980 :

"hối tiếc sâu sắc rằng can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì vậy nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".

Nghị quyết 21/10/1981 :

"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".

Nghị quyết 14/10/1987 :

"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".

Nghị quyết 3/11/1988 :

"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài vẫn ở lại Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".

Nghị quyết 16/11/1989 :

"lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế".

"khẳng định (affirms) rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có Liên Hiệp Quốc giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện".

Quay lại trang chủ
Read 1142 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)