Sau khi hai ông Trương Duy Nhất và Thái Văn Đường bị bắt từ bên Thái Lan và đưa về Việt Nam, mới đây nhiều trang báo nước ngoài cho biết : Ông Y Quynh Bdap có thể sẽ bị dẫn độ về, theo một phán quyết vào ngày 30/09/2024, từ tòa án Thái Lan. Dư luận đang chờ các động thái của nhà nước Thái Lan, cùng những lời kêu gọi từ các tổ chức xã hội dân sự quốc tế đang lên tiếng binh vực cho ông ta. Điều đáng băn khoăn, ông Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ trước chỉ một ngày, ông ta có lịch hẹn phỏng vấn tại Đại sứ quán Canada, để được đi định cư.
Ông Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ trước một ngày có lịch hẹn phỏng vấn tại Đại sứ quán Canada, để được đi định cư.
Hiện nay, tại Thái Lan có khá nhiều người Việt Nam, đang được nhận quy chế tị nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn (UNHCR). Cũng khá nhiều người hiểu lầm, khi đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn mặc nhiên là an toàn và chỉ chờ một thời gian nào đó, chắc chắn họ đến được "bến bờ tự do" (!).
Trong một diễn biến có liên quan về tình hình chính trị trong nước, báo Dân Việt ra ngày 28 tháng Chín năm 2024 đưa tin: "Bắt hai mẹ con vì tham gia tổ chức phản động của Đào Minh Quân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" [1]. Đây không phải là vụ đầu tiên liên quan đến tổ chức Đào Minh Quân. Ngày 23/04/2024, đài RFA cho biết: Có đến 10 người tại Gia Lai bị bỏ tù vì theo tổ chức Đào Minh Quân [2]. Và còn nhiều vụ bị bắt khác, với án cao vì cáo buộc liên quan đến ông Đào Minh Quân nói riêng và chính trị nói chung.
Hầu hết người dân bị bắt như kể trên, dường như họ không hiểu những khái niệm căn bản, thí dụ: Nhà nước - Công dân. Bởi muốn hay không, thích hay ghét, phải nhìn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay là Nhà nước. Đừng vô tình cũng như đừng cố ý. Tức là về mặt đối ngoại, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hàng trăm quốc gia công nhận là đại diện cho người Việt Nam và nắm mọi nguồn lực cũng như quyền lực, cho tới ngoại giao cũng mang tính đại diện cho toàn dân Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ ngoại giao quốc tế, hầu như các quốc gia đều đồng thuận một nguyên tắc : Không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau.
Rất nhiều trường hợp bị bắt trong vài năm qua, dường như quên mất khái niệm căn bản : Nhà nước - Công dân. Họ không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu sự khốc liệt khôn cùng, một khi đã sa vào tù đày - đặc biệt trong thời đoạn nhiễu nhương hiện nay.
Có rất nhiều người trải qua 5 - 7 năm tại Thái Lan, với cuộc sống tạm bợ và khốn khó, cùng nguy hiểm chực chờ bị trục xuất. Đừng lầm tưởng, hễ ra vẻ hoặc có hành động "chống Cộng" là được rước đi ! Nhiều người ở Thái đã và đang vỡ mộng mà không có cách gì thoát khỏi, bởi ở lại rất bí bách, về thì nhà tù chực chờ mở cửa đón liền lập tức.
Trang RFA vào ngày 7/6/2019 đưa tin : "Ông Hà Văn Thành, sinh năm 1982, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bắt đầu cuộc đào thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12/05/2018 vì lo sợ sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù..." [3] sau khi ông ta tham gia vào cuộc biểu tình chống Formosa, vào năm 2016. Ông Thành vô đến tận nước Mỹ - theo lời kể của ông ta với đài RFA - bằng cách đi qua Lào rồi tới Thái Lan. Sau đó mua vé máy bay qua Cuba, Panama và cuối cùng đến Mexico, với điểm dừng cuối cùng tại Hoa Kỳ. Ở Mỹ, đối diện với ba lần ra tòa, cuối cùng Hà Văn Thành vẫn bị từ chối cấp quy chế tị nạn và bị trục xuất về cố quốc.
Hầu hết những số phận tạm kể trên, đều được nhìn bằng ánh mắt ái ngại, cảm thông và thương xót cho hoàn cảnh của họ.
Người Việt Nam đều thích lối sống DUY TÌNH. Tuy nhiên, đây là cách sống khiến người ta dễ sa vào mù quáng, vì phàm làm người, ai cũng thích được nhìn nhận là người có lòng cao thượng - vị tha - hiền lành - thương người - thanh nhã v.v... Để rồi, khi cách sống đó tắt phụt như ngọn đèn dầu, bởi bị bọn lừa đảo thò những cái vòi vào hút sạch. Lòng nhơn ái - cao thượng - vị tha nhanh chóng hóa thành giận dữ - phẫn nộ - căm hận cùng vô số lời chửi bới hoặc chôn chặt và gặm nhấm trong nỗi ê chề, vốn chẳng giải quyết được gì mà còn vô hình chung tự phơi lột "đạo đức" vốn mang tính tạm bợ. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số dân Việt Nam dễ dàng đồng nhứt giữa quan hệ xã hội và quan hệ gia đình. Điều này có nghĩa, họ thích dạy dỗ theo trường phái DUY TÌNH, rồi tự phơi bày thói đạo đức giả. Ngoài ra, người Việt Nam cũng thích lấy suy nghĩ của bản thân, để áp lên suy nghĩ người khác. Điều này có nghĩa, họ lấy "chuẩn mực đạo đức" của chính bản thân họ, làm thước đo cho đạo đức người khác. Kèm theo đó là "tiêu chuẩn tuổi tác" với tục ngữ "trứng không bao giờ khôn hơn vịt". Tuy vậy, khi lâm vào hoàn cảnh tương tợ người khác, những "nhà đạo đức học" đó sẵn sàng tranh giành phần lợi - dù vật chất hay tinh thần - cho bản thân là đủ và dễ dàng phớt lờ những lời đạo đức giả trước đó họ răn dạy, không khác những vị "giáo sư khả kính" (!).
Hãy lắng nghe lời nói song song với nhìn kỹ việc làm. Hãy lật ngược lật xuôi và mổ xẻ vấn đề, trước khi quyết định tin hay không tin. Đừng a thần phù sa vào "thương vay khóc mướn" và a dua theo số rất đông, tựa như cục nam châm bị hút lấy một cách vô tri vô giác, cuối cùng bị tống tù hay trục xuất - Đó là cách sống DUY LÝ.
Hãy sống DUY LÝ. Có thấu lý mới trọn tình. Người sống DUY LÝ thường dễ bị nhìn nhận là kẻ máu lạnh và khô khan nhưng quan sát kỹ, họ chưa từng hại bất cứ ai bao giờ, dù vô tình cũng vậy. Tại sao? Vì họ sống DUY LÝ, nên không bao giờ võ đoán và hồ đồ.
Nam Gia
Nguồn : RFA, 15/10/2024
Chiến dịch khủng bố người tỵ nạn cộng sản đã mở màn
Tin tức cho biết Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/9, rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang chờ anh với bản án 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố".
Diễn biến này cho thấy Tòa án Thái Lan - hay nói chung là chính quyền Thái Lan - đã thỏa hiệp với cộng sản Việt Nam để mở đầu cho một chiến dịch đàn áp xuyên biên giới, bắt và trục xuất người tỵ nạn từ Việt Nam.
Cuộc trò chuyện với chị Huỳnh Thị Tố Nga, một trong những người theo dõi chặt chẽ sự kiện của ông Y Quynh Bdap và cũng là một người chạy trốn gọng kìm đàn áp của cộng sản Việt Nam, giới thiệu thêm về tình cảnh và tâm trạng của người tỵ nạn cộng sản Việt Nam lúc này.
Ngày 30/9/2024, Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết dẫn độ nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam
Nam Việt : Với phán quyết mới nhất của tòa án Thái Lan đối với anh Y Quynh Bdap, là sẽ dẫn độ anh về Việt Nam chịu tội mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức nhân quyền đều lên tiếng phản đối. Chị có cảm giác gì khi nghe về tin tức này, và suy nghĩ của chị nghĩ về nhà nước Việt Nam cũng như tòa án Thái Lan trong sự việc ?
Huỳnh Thị Tố Nga : Việc tòa án Thái Lan vừa có phán quyết chính thức cho dẫn độ anh Y Quynh Bdap, tôi cho rằng đây là một phán quyết mang tính chất áp đặt. Riêng về phía nhà cầm quyền Việt Nam, việc cáo buộc tội danh khủng bố cho anh Y Quynh Bdap trong một phiên tòa vắng mặt mà chứng cứ cho thấy không điều tra trực tiếp nghi can, không được nghi can xác nhận chứng cứ một cách trực tiếp, chỉ điều tra một cách gián tiếp, điều này tương tự như trường hợp nghi can bị "mớm cung".
Về phía chính phủ Thái Lan, để giữ quan hệ ngoại giao chính trị, đã không quan tâm nhiều đến động cơ, nguyên nhân vụ án, cũng như những điều tôi vừa đề cập ở trên, họ chỉ xử lý trên hiện tượng được xác định từ nhà nước Việt Nam, rằng anh Y Quynh Bdap là tội phạm khủng bố đã bị kết án và đồng ý cho Việt Nam dẫn độ. Anh Y Quynh Bdap chỉ còn có 30 ngày để kháng cáo, nhưng theo dõi diễn biến, thì việc kháng cáo này sẽ không khả quan, điều này có thể nói, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục tạo thêm vết nhơ rất lớn đối với việc cam kết công ước nhân quyền quốc tế, công khai thách thức việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam.
Nam Việt : Mới đây trên facebook của mình chị có nói về chuyện dù chị đã ra đi rất lâu, nhưng công an vẫn tiếp tục quấy rối và đàn áp những người thân, lẫn những người quen biết ở quê nhà, tương tự như trường hợp anh Y Quynh Bdap, vì sao công an vẫn tiếp tục theo đuổi và đe dọa như vậy, mặc dù chị đã không còn là mối bận tâm của chính quyền ở trong nước nữa, khi đã ra đi ?
Huỳnh Thị Tố Nga : Điều này mở ra một tiền lệ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện đã công khai chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của những người Việt Nam đang tị nạn ở Thái Lan. Bản thân tôi đang là người tỵ nạn cộng sản ở Thái Lan, và cũng đang là mục tiêu tìm kiếm của nhà cầm quyền.
An ninh Việt Nam đã giữ hộ chiếu của tôi từ 6 năm trước, mục đích của họ muốn cấm xuất cảnh vĩnh viễn đối với tôi. Vậy nên, khi tôi cố gắng đi khỏi Việt Nam để lánh nạn, vì đối mặt với nguy cơ bị bắt vào tù lần thứ hai, nhà cầm quyền Việt Nam đã không để yên cho tôi. Họ tìm mọi cách để truy tìm tung tích tôi ở Thái Lan thông qua bạn bè và những gia đình hàng xóm của tôi ở Việt Nam. Hành động này cho thấy, họ muốn giam tôi ở Việt Nam, chứ không phải tôi đi khỏi Việt Nam thì họ không còn quan tâm nữa.
Đi khỏi Việt Nam là điều không ai mong muốn, đó là quyết định không được chọn lựa. Tù tội là vấn đề cá nhân, nhưng về mặt cộng đồng, nếu tôi tiếp tục ở tù, mà thời gian lần ở tù thứ hai này chắc chắn sẽ rất dài, tôi sẽ không thể tiếp tục công việc đấu tranh của mình. Tôi rời Việt Nam là vì lánh nạn cộng sản, và vì để tiếp tục lý tưởng của mình. Sự trải nghiệm ở các quốc gia văn minh, sẽ là vốn tri thức đáng quý để tôi có thể chuyển tải cho người dân trong nước.
Nam Việt : Trở lại vụ án của anh Y Quynh Bdap, và phán quyết đầy tính áp đặt, được bình luận là đã có hiệp ước bí mật giữa nhà nước Thái Lan và Việt Nam trong việc dẫn độ người tỵ nạn, việc này có cho chị một suy nghĩ là việc ra đi khỏi Việt Nam là một sai lầm hay không ? Và tương lai của những người tị nạn khỏi Việt Nam theo chị sẽ như thế nào sau phán quyết của tòa án Thái Lan ?
Huỳnh Thị Tố Nga : Nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng khắc nghiệt hơn đối với người bất đồng chính kiến, họ triển khai đàn áp từ trong nước cho đến nước ngoài, dùng mọi thủ đoạn một cách bất chấp. Họ có đủ nhân lực, tiền bạc và phương tiện để làm việc này. Vì vậy, việc áp bức trong nước hay áp bức từ xa đều như nhau. Họ dễ dàng thực hiện hành vi áp bức ở mọi nơi.
Hiện tại, người tỵ nạn ở Thái Lan như tôi chỉ an toàn hơn ở Việt Nam chút ít. Bản thân tôi hạn chế đi ra ngoài, không đi đâu một mình, chỉ đi khi cần thiết, cuộc sống như vậy cũng không khác gì bị giam lỏng. Đối với trường hợp những người tỵ nạn bình thường chưa bị kết án, nhà cầm quyền Việt Nam không thể "dẫn độ" như trường hợp anh Y Quynh Bdap, nhưng tệ hại hơn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể bắt cóc để "xử lý" mục tiêu mà họ muốn, và chính phủ Thái Lan cũng không có khuynh hướng can thiệp vì người tỵ nạn cộng sản thuộc dạng nhập cư bất hợp pháp, nên về lý sẽ không được chính phủ Thái Lan bảo vệ.
Nam Việt : Cuối cùng, hãy tưởng tượng điều xấu nhất, là trong một hoàn cảnh nào đó cũng tương tự như anh Y Quynh Bdap, thì chị có thể hình dung được chọn lựa hành động của mình và qua đây, chị sẽ chuẩn bị điều gì cho tương lai hay không ?
Huỳnh Thị Tố Nga : Nếu bản thân tôi bị bắt về Việt Nam, chắc chắn sẽ bị tống vào tù. Vì vậy, để tránh trường hợp xảy ra như anh Y Quynh Bdap, hiện tại chỉ có phương hướng là kêu gọi Cao Ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn ở Thái Lan (UNHCR) tăng cường xét duyệt cấp quy chế tị nạn cho những người thật sự bị cộng sản áp bức. Song song đó, UNHCR cũng nhanh chóng kết hợp với những nước thứ ba có công ước nhận người tị nạn giải quyết cho họ được đi định cư.
Nếu chậm trễ thì những người bị nhà cầm quyền Việt Nam truy bắt như tôi có thể sẽ bị bắt. Nếu đã bị bắt về Việt Nam như anh Y Quynh Bdap, các tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ không có hy vọng để vận động họ ra khỏi nhà tù. Chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đã thay đổi, họ siết chặt việc đàn áp và muốn triệt tiêu tư tưởng người đấu tranh một cách triệt để, bằng cách giam giữ người đấu tranh ở trong nước, chứ không phải "đẩy đi nước ngoài" như ngày xưa.
Bản thân tôi, tôi có thể chịu đựng được tù tội, nhưng tôi không muốn phí hoài thời gian ở tù lần thứ hai, những gì cần trải nghiệm để rèn luyện bản lĩnh, ở tù một lần đã đủ. Tôi cần sự tự do để có thể tiếp tục góp phần cống hiến cho đất nước.
Nam Việt thực hiện
Nguồn : RFA, 30/09/2024
Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam
RFA, 30/09/2024
Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/9, rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông đối mặt với bản án 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố".
Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/ rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam - RFA edited
Phóng viên RFA tại Bangkok theo dõi phiên tòa qua hệ thống truyền hình nội bộ hôm 30/9 cho biết, thẩm phán khẳng định yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh là "có cơ sở". Thẩm phán tuyên bố :
"Tòa án thấy rằng việc dẫn độ (Y Quynh Bdap) có thể được thực hiện...
Không có lệnh cấm nào đối với việc này.
Chính phủ có quyền thực hiện dẫn độ trong vòng 90 ngày, bất kể phán quyết của tòa án là gì".
Tuy nhiên, tòa án cho biết thêm ông Y Quynh có 30 ngày để kháng cáo bản án, nhưng nếu chính phủ Thái Lan không có động thái nào được thực hiện trong vòng 90 ngày thì ông Y Quynh phải được trả tự do.
Nhà hoạt động người Thượng mặc đồng phục tù màu nâu, tỏ ra bình tĩnh và được chuyển đến Trại tạm giam Bangkok.
Luật sư Nadthasiri Bergman, người bào chữa cho nhà hoạt động vì quyền của người Thượng, cho hay ông Y Quynh đã thề sẽ chống án.
"Chúng tôi thất vọng với phán quyết. Chúng tôi đang làm việc để kháng cáo", bà nói.
Bà Nadthasiri khẳng định rằng việc dẫn độ phải được chính phủ chấp thuận khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.
"Tôi hy vọng chính phủ, thủ tướng, sẽ ban hành lệnh hành pháp không dẫn độ ông ấy".
Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói quyết định này của tòa án Thái Lan là "kinh hoàng và vô lý", và không hiểu rằng ông Y Quynh chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự tra tấn nếu bị buộc phải trở về Việt Nam.
Trong tuyên bố gửi Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn, ông Robertson cho rằng tòa án ở Bangkok đã bỏ qua bản chất của phán quyết ban đầu của tòa án Việt Nam là giả mạo và gian lận. Ông khẳng định :
"Đây là một vụ án thử nghiệm cho luật chống tra tấn và cưỡng bức mất tích mới của Thái Lan, và tòa án đã thất bại thảm hại trong cuộc thử nghiệm đó.
Bây giờ chính phủ Thái Lan phải chống lại áp lực công khai của Bộ Công an Việt Nam, nơi đã cử các quan chức đến tòa án để đe dọa những người tham gia vào quá trình tố tụng, và thừa nhận rằng Thái Lan có nghĩa vụ thiêng liêng là phải duy trì sự bảo vệ người tị nạn".
Chuyên gia nhân quyền có nhiều năm quan sát tình hình nhân quyền Việt Nam cho hay, những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn nằm trong tay chính phủ Thái Lan và họ nên làm điều đúng đắn bằng cách để nhà hoạt động người Thượng được tái định cư ở một quốc gia thứ ba, nơi ông có thể nhận được sự bảo vệ thực sự.
Ông Robertson nói danh tiếng của Thái Lan là một quốc gia có quan tâm đến nhân quyền hay không phụ thuộc vào quyết định đó.
Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những lời lên án mạnh mẽ, toàn diện về sự xuyên tạc công lý của tòa án Thái Lan và gây sức ép buộc Bangkok cho phép Y Quynh được tái định cư ở một quốc gia thứ ba.
Nguồn : RFA, 30/09/2024
****************************
Vì sao phiên tòa ở Bangkok xét xử vụ dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam đông nghịt người ?
BBC, 30/09/2024
Tòa án Hình sự Bangkok hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn.
Y Quynh Bđăp - Ảnh minh họa
Luật sư của ông Bđăp nói với BBC tiếng Việt rằng "đây là một phán quyết đáng thất vọng", nhưng chỉ là một phán quyết tạm thời, và ông Bđăp sẽ kháng án trong vòng 30 ngày tới.
"Mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ, nhưng hai nước có thể sử dụng hợp tác ngoại giao mà thực chất là sử dụng Luật Dẫn độ của Thái Lan. Luật này quy định rằng nếu các điều kiện đã hội đủ, thẩm phán có thể ra lệnh tạm giữ ông Bđăp để chờ dẫn độ. Và về cơ bản đó là điều mà thẩm phán xem xét".
"Thẩm phán đưa ra quyết định dựa trên lập luận của công tố viên, rằng ông Bđăp nên bị dẫn độ về Việt Nam do ông cũng là người đã bị kết tội ở Việt Nam. Thẩm phán ở Thái Lan kết luận rằng, như vậy, có một phán quyết hiện hành rằng cáo buộc ở Việt Nam và cáo buộc ở Thái Lan là cùng một cáo buộc và người mà Việt Nam buộc tội và người ở đây là cùng một người", bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Bđăp, nói với BBC tiếng Việt sau phiên tòa.
Toàn bộ buổi xét xử diễn ra chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ.
Khán phòng hôm 30/9 kín người tham dự, trong đó có các nhân viên an ninh Việt Nam, báo chí và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, đại diện đại sứ quán một số nước và các nhà quan sát.
Đây là một buổi xét xử công khai, vào cửa tự do. Tuy nhiên, những người tham dự không được vào phòng xử án mà ngồi ở một phòng riêng, theo dõi qua màn hình ti vi.
Trường hợp ông Y Quynh Bđăp được đánh giá là một vụ án quan trọng, khi giới nhân quyền quốc tế đang theo dõi xem liệu Thái Lan dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ ưu tiên nhân quyền hay quan hệ bang giao.
Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11/6, chỉ vài ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.
Cảnh sát Thái Lan thừa nhận bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền này theo yêu cầu từ phía Việt Nam.
'Khủng bố'
Một hoạt động của các thành viên Tổ chức Người Thượng vì Công lý tại Thái Lan - Người Thượng vì công lý
Việt Nam và Thái Lan chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, nhưng Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về nước.
Xuất hiện tại tòa ở Bangkok hôm 30/9 trong bộ quần áo cam, đeo khẩu trang, ông Y Quynh Bđăp nhìn bình tĩnh nhưng có vẻ mệt mỏi.
Ông Bđăp tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn.
Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý.
Hôm 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bđăp với bản án 10 năm tù về tội "khủng bố" theo Điều 299 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở chính quyền tại hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.
Ông Y Quynh Bđăp luôn khẳng định rằng ông đang ở Thái Lan vào thời điểm đó và phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.
Bộ Công an Việt Nam đánh giá vụ tấn công này là "đặc biệt nghiêm trọng", xếp vào dạng "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Bộ này cũng nói rằng "vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài", trong đó, nhóm "Lính Đêga" thực hiện vụ khủng bố.
Theo Bộ Công an Việt Nam, nhóm "Lính Đêga" móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để "tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập 'nhà nước riêng' ở Tây Nguyên".
Bộ Công an xác định Y Quynh Bđăp là "một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này".
Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hồi tháng 6/2024 ra thông cáo cho hay họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng, "nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam".
Mục sư A Ga, hiện đang tị nạn tại Mỹ, nói với BBC sau hôm ông Bđăp bị bắt rằng chính quyền Việt Nam "lo ngại vì ông Bđăp được đào tạo ở Thái Lan để làm công việc thu thập thông tin và báo cáo lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam bắt bớ, vi phạm tự do tôn giáo".
Tùy thuộc vào 'sự dũng cảm' của tân thủ tướng Thái Lan
Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt sau phiên tòa hôm 30/9/2024
Trao đổi bên lề phiên tòa, một số đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định với BBC rằng đây là một vụ việc đang được theo dõi đặc biệt do đã có những ghi nhận một làn sóng đàn áp xuyên quốc gia mà chính phủ Thái Lan góp mặt.
Quốc tế muốn nhìn thấy đây là một vụ việc điển hình mà Thái Lan cho thấy họ tôn trọng nhân quyền.
Báo cáo gần đây của HRW mang tên "Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn" : Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan đã ghi lại một mô hình đàn áp xuyên quốc gia, trong đó chính quyền Thái Lan giúp các chính phủ láng giềng thực hiện các hành động trái pháp luật nhằm vào người tị nạn và người bất đồng chính kiến đang tìm nơi trú ẩn ở Thái Lan.
Đổi lại, chính quyền Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận "trao đổi" người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.
Vào tháng 5/2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan - Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai - đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã "biến mất".
Một nhà báo của BBC News Tiếng Thái nhận định với BBC News tiếng Việt rằng Y Quynh Bđăp có thể may mắn lần này, vì nếu ở dưới thời thủ tướng trước, ông có thể bị dẫn độ ngay về Việt Nam như chính phủ Thái Lan từng làm với nhiều trường hợp khác trước đó.
Theo nhà báo này, dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, những trường hợp như của Y Quynh Bđăp có thể được xem xét, nhưng "vẫn phải chờ xem".
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra được hi vọng "sẽ tôn trọng nhân quyền" hơn
Luật sư của ông Y Quynh Bđăp, bà Nadthasiri Bergman, nói rằng lập luận của nhóm bà là ông Bđăp không thể bị dẫn độ, dựa trên Điều 9 Luật Dẫn độ của Thái Lan.
Theo Điều 9, có một luật hiện hành là Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực từ tháng 2/2023, cấm các tổ chức hoặc quan chức chính phủ nước này trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác, nơi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc bị mất tích.
"Nhưng thẩm phán Thái Lan không xem xét Điều 9 mà chỉ xem xét Điều 19 Luật Dẫn độ và lập luận rằng quyết định của họ chỉ dựa trên Điều 19, và quyết định sau cùng sẽ là từ chính phủ".
"Hiện chúng tôi đang làm việc để kháng cáo trong vòng 30".
"Phán quyết hôm nay không phải phán quyết cuối cùng. Vì vậy chúng tôi không biết điều gì thực sự xảy ra. Chúng tôi phải chờ".
Bà nói nhóm của bà đang cố gắng để ông Y Quynh Bđăp được định cư ở một nước thứ ba.
Bà Nadthasiri Bergman cũng nói rằng bà có đôi chút lạc quan về việc chính phủ Thái Lan sẽ quan tâm hơn đến nhân quyền.
Và bà hi vọng tân thủ tướng sẽ đủ dũng cảm để thực thi đúng luật pháp, nhưng bà "không dám chắc".
"Chúng tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng bà thủ tướng có thể làm ngay từ bây giờ việc không dẫn độ Y Quynh Bđăp và trả tự do ngay cho ông ấy. Chúng tôi không cần vụ án phải kéo dài và phải đưa ra đến Tòa án Tối cao.
"Bà ấy không cần bất kỳ bằng chứng nào từ tòa án. Bà ấy có quyền hành pháp để bảo vệ nhân quyền".
"Thái Lan muốn trở thành thành viên của Ủy ban Nhân quyền và đang vận động vì điều này, do đó đây là trường hợp mà họ phải giải quyết".
"Đây sẽ là một ví dụ cho thấy họ đang tôn trọng nhân quyền. Bất kể ai đang ở đất nước này thì đều cần được tôn trọng".
Nguồn : BBC, 30/09/2024
********************************
Tòa án Thái Lan ra lệnh dẫn độ Y Quynh Bdap bất chấp phản đối của các nhóm nhân quyền
VOA, 30/09/2024
Một tòa án Thái Lan hôm 30/9 ra lệnh dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đã bị Việt Nam kết án vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố", về nước, nơi mà các tổ chức nhân quyền, gồm cả Liên Hợp Quốc, cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại ông sẽ gặp nguy hiểm.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. (Photo YouTube Dak Lak News)
Theo ghi nhận về phiên tòa của AP, tòa án hình sự Bangkok đã chấp thuận yêu cầu của Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh, người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo đã bị chính phủ Thái Lan bắt giam vào ngày 11/6 sau bản án tại Việt Nam.
Các quan chức Thái Lan hồi tháng 6 xác nhận rằng họ bắt giữ ông Y Quynh theo yêu cầu của Việt Nam.
Ông Y Quynh, người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công Lý (MSFJ), bị tòa án Việt Nam kết án vắng mặt vào tháng 1 về tội khủng bố với bản án 10 năm tù với cáo buộc rằng nhà hoạt động 32 tuổi này đã tham gia vào việc tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính phủ tại tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên vào tháng 6/2023.
Chính quyền Việt Nam vào tháng 3 năm nay xác định MSFJ và một nhóm chính trị khác hoạt động ở Mỹ ủng hộ người Thượng, MSGI, vào danh sách các "tổ chức khủng bố" sau khi cáo buộc họ dàn dựng các cuộc tấn công cũng như thúc đẩy việc ly khai khỏi nhà nước Việt Nam. Hai nhóm này bị Việt Nam cáo buộc gây ra vụ tấn công trụ sở một Ủy ban Nhân dân xã ở Đắk Lắk, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.
MSFJ được ông Y Quynh thành lập để đào tạo người Thượng tại Việt Nam về luật pháp trong nước và quốc tế, về xã hội dân sự cũng như cách thu thập và báo cáo thông tin về đàn áp tôn giáo tới Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Nhà chức trách Việt Nam xác định rằng MSFJ được thành lập ở Thái Lan vào tháng 7/2019 và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2023.
Luật sư bào chữa cho ông Y Quynh tại phiên tòa hôm 30/9 được AP trích lời cho biết bà sẽ làm đơn kháng cáo và đơn này phải được nộp trong vòng 30 ngày tới, cũng như cho biết thêm rằng bất kể kết quả thế nào, chính phủ Thái Lan cũng có thể quyết định bằng ngoại giao không thực thi lệnh dẫn độ.
"Thủ tướng có quyền, nếu họ muốn bảo vệ nhân quyền, họ có thể làm vậy", LS Nadtharisi Bergman nói với các phóng viên bên ngoài tòa án, theo AP. "Nếu ông ấy trở về nước, tính mạng của ông ấy sẽ bị đe dọa, vì vậy chính phủ nên tôn trọng bằng chứng đó".
Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 7 đã kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam. Cùng thời gian đó, 4 dân biểu Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, không dẫn độ nhà hoạt động Việt Nam về nước và nêu quan ngại rằng việc dẫn độ sẽ gây nên nguy cơ bất ổn cho những người tị nạn Việt Nam khác ở Thái Lan vì sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp nếu bị trả về nước.
Trước đây, các nhà hoạt động chỉ trích chính phủ, gồm blogger Đường Văn Thái và nhà báo Trương Duy Nhất, được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về nước kết án nhiều năm tù.
Chính phủ Thái Lan hồi tháng 8 đã nói rằng họ "không thể can thiệp" vào vụ của ông Y Quynh sau khi một số nhà lập pháp Mỹ lên tiếng đề nghị trả tự do cho nhà hoạt động Việt Nam.
Ông Y Quynh đã sống ở Thái Lan từ năm 2018 và được Cao ủy LHQ về người tị nạn (HNHCR) cấp quy chế tị nạn. Tại Bangkok, ông đã nộp đơn xin đi tị nạn ở Canada một ngày trước khi bị chính quyền Thái Lan bắt giữ.
Ông Y Quynh ở Thái Lan vào thời điểm xảy ra cuộc bạo loạn ở Đắk Lắk mà chính quyền Việt Nam xem là một vụ "khủng bố" nhưng vẫn bị Việt Nam truy nã đặc biệt vì việc này. Trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây, ông Y Quynh bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam và nói rằng ông bị "vu khống" và bị gán tội "khủng bố".
Việt Nam đã kết án tù 100 người, trong đó có 10 án chung thân, trong vụ bạo động ở Đắk Lắk. Chính quyền Việt Nam cho rằng nhóm ủng hộ người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ đã kích động người dân Việt Nam thực hiện các hành động "khủng bố" này.
Vài ngày sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng Việt Nam lợi dụng phiên tòa như một cơ hội để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.
Việt Nam từ lâu đã bị các nhóm nhân quyền và những nhà tranh đấu chỉ trích vì cách đối xử với nhóm thiểu số người Thượng trong nước, vốn gồm nhiều nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Thiên chúa sống ở vùng cao nguyên trung phần và nước láng giềng Campuchia.
Hai nhóm công tác và hơn 10 báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam và Thái Lan giải trình về những nỗ lực gây quan ngại" của Hà Nội trong việc cưỡng ép hồi hương người Thượng tị nạn ở Thái Lan và khả năng hợp tác của Bangkok trong những nỗ lực đó.
Nhà hoạt động Lê Văn Thương đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với VOA trong một lần phỏng vấn trước đây rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để bắt người tị nạn hồi hương.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích Thái Lan vì đã cho dẫn độ những người bất đồng chính kiến từ Việt Nam, Campuchia, Lào và Trung Quốc về nước, trong những gì mà tổ chức có trụ sở ở Mỹ cho biết trong một báo cáo ra gần đây rằng đó là một hình thức đàn áp xuyên biên giới có đi có lại, trong đó các quốc gia này gửi những người bất đồng chính kiến bị Thái Lan truy nã về nước.
Nguồn : VOA, 30/09/2024