Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam
RFA, 30/09/2024
Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/9, rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông đối mặt với bản án 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố".
Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/ rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam - RFA edited
Phóng viên RFA tại Bangkok theo dõi phiên tòa qua hệ thống truyền hình nội bộ hôm 30/9 cho biết, thẩm phán khẳng định yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh là "có cơ sở". Thẩm phán tuyên bố :
"Tòa án thấy rằng việc dẫn độ (Y Quynh Bdap) có thể được thực hiện...
Không có lệnh cấm nào đối với việc này.
Chính phủ có quyền thực hiện dẫn độ trong vòng 90 ngày, bất kể phán quyết của tòa án là gì".
Tuy nhiên, tòa án cho biết thêm ông Y Quynh có 30 ngày để kháng cáo bản án, nhưng nếu chính phủ Thái Lan không có động thái nào được thực hiện trong vòng 90 ngày thì ông Y Quynh phải được trả tự do.
Nhà hoạt động người Thượng mặc đồng phục tù màu nâu, tỏ ra bình tĩnh và được chuyển đến Trại tạm giam Bangkok.
Luật sư Nadthasiri Bergman, người bào chữa cho nhà hoạt động vì quyền của người Thượng, cho hay ông Y Quynh đã thề sẽ chống án.
"Chúng tôi thất vọng với phán quyết. Chúng tôi đang làm việc để kháng cáo", bà nói.
Bà Nadthasiri khẳng định rằng việc dẫn độ phải được chính phủ chấp thuận khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.
"Tôi hy vọng chính phủ, thủ tướng, sẽ ban hành lệnh hành pháp không dẫn độ ông ấy".
Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói quyết định này của tòa án Thái Lan là "kinh hoàng và vô lý", và không hiểu rằng ông Y Quynh chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự tra tấn nếu bị buộc phải trở về Việt Nam.
Trong tuyên bố gửi Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn, ông Robertson cho rằng tòa án ở Bangkok đã bỏ qua bản chất của phán quyết ban đầu của tòa án Việt Nam là giả mạo và gian lận. Ông khẳng định :
"Đây là một vụ án thử nghiệm cho luật chống tra tấn và cưỡng bức mất tích mới của Thái Lan, và tòa án đã thất bại thảm hại trong cuộc thử nghiệm đó.
Bây giờ chính phủ Thái Lan phải chống lại áp lực công khai của Bộ Công an Việt Nam, nơi đã cử các quan chức đến tòa án để đe dọa những người tham gia vào quá trình tố tụng, và thừa nhận rằng Thái Lan có nghĩa vụ thiêng liêng là phải duy trì sự bảo vệ người tị nạn".
Chuyên gia nhân quyền có nhiều năm quan sát tình hình nhân quyền Việt Nam cho hay, những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn nằm trong tay chính phủ Thái Lan và họ nên làm điều đúng đắn bằng cách để nhà hoạt động người Thượng được tái định cư ở một quốc gia thứ ba, nơi ông có thể nhận được sự bảo vệ thực sự.
Ông Robertson nói danh tiếng của Thái Lan là một quốc gia có quan tâm đến nhân quyền hay không phụ thuộc vào quyết định đó.
Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những lời lên án mạnh mẽ, toàn diện về sự xuyên tạc công lý của tòa án Thái Lan và gây sức ép buộc Bangkok cho phép Y Quynh được tái định cư ở một quốc gia thứ ba.
Nguồn : RFA, 30/09/2024
****************************
Vì sao phiên tòa ở Bangkok xét xử vụ dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam đông nghịt người ?
BBC, 30/09/2024
Tòa án Hình sự Bangkok hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn.
Y Quynh Bđăp - Ảnh minh họa
Luật sư của ông Bđăp nói với BBC tiếng Việt rằng "đây là một phán quyết đáng thất vọng", nhưng chỉ là một phán quyết tạm thời, và ông Bđăp sẽ kháng án trong vòng 30 ngày tới.
"Mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ, nhưng hai nước có thể sử dụng hợp tác ngoại giao mà thực chất là sử dụng Luật Dẫn độ của Thái Lan. Luật này quy định rằng nếu các điều kiện đã hội đủ, thẩm phán có thể ra lệnh tạm giữ ông Bđăp để chờ dẫn độ. Và về cơ bản đó là điều mà thẩm phán xem xét".
"Thẩm phán đưa ra quyết định dựa trên lập luận của công tố viên, rằng ông Bđăp nên bị dẫn độ về Việt Nam do ông cũng là người đã bị kết tội ở Việt Nam. Thẩm phán ở Thái Lan kết luận rằng, như vậy, có một phán quyết hiện hành rằng cáo buộc ở Việt Nam và cáo buộc ở Thái Lan là cùng một cáo buộc và người mà Việt Nam buộc tội và người ở đây là cùng một người", bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Bđăp, nói với BBC tiếng Việt sau phiên tòa.
Toàn bộ buổi xét xử diễn ra chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ.
Khán phòng hôm 30/9 kín người tham dự, trong đó có các nhân viên an ninh Việt Nam, báo chí và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, đại diện đại sứ quán một số nước và các nhà quan sát.
Đây là một buổi xét xử công khai, vào cửa tự do. Tuy nhiên, những người tham dự không được vào phòng xử án mà ngồi ở một phòng riêng, theo dõi qua màn hình ti vi.
Trường hợp ông Y Quynh Bđăp được đánh giá là một vụ án quan trọng, khi giới nhân quyền quốc tế đang theo dõi xem liệu Thái Lan dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ ưu tiên nhân quyền hay quan hệ bang giao.
Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11/6, chỉ vài ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.
Cảnh sát Thái Lan thừa nhận bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền này theo yêu cầu từ phía Việt Nam.
'Khủng bố'
Một hoạt động của các thành viên Tổ chức Người Thượng vì Công lý tại Thái Lan - Người Thượng vì công lý
Việt Nam và Thái Lan chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, nhưng Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về nước.
Xuất hiện tại tòa ở Bangkok hôm 30/9 trong bộ quần áo cam, đeo khẩu trang, ông Y Quynh Bđăp nhìn bình tĩnh nhưng có vẻ mệt mỏi.
Ông Bđăp tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn.
Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý.
Hôm 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bđăp với bản án 10 năm tù về tội "khủng bố" theo Điều 299 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở chính quyền tại hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.
Ông Y Quynh Bđăp luôn khẳng định rằng ông đang ở Thái Lan vào thời điểm đó và phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.
Bộ Công an Việt Nam đánh giá vụ tấn công này là "đặc biệt nghiêm trọng", xếp vào dạng "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Bộ này cũng nói rằng "vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài", trong đó, nhóm "Lính Đêga" thực hiện vụ khủng bố.
Theo Bộ Công an Việt Nam, nhóm "Lính Đêga" móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để "tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập 'nhà nước riêng' ở Tây Nguyên".
Bộ Công an xác định Y Quynh Bđăp là "một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này".
Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hồi tháng 6/2024 ra thông cáo cho hay họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng, "nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam".
Mục sư A Ga, hiện đang tị nạn tại Mỹ, nói với BBC sau hôm ông Bđăp bị bắt rằng chính quyền Việt Nam "lo ngại vì ông Bđăp được đào tạo ở Thái Lan để làm công việc thu thập thông tin và báo cáo lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam bắt bớ, vi phạm tự do tôn giáo".
Tùy thuộc vào 'sự dũng cảm' của tân thủ tướng Thái Lan
Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt sau phiên tòa hôm 30/9/2024
Trao đổi bên lề phiên tòa, một số đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định với BBC rằng đây là một vụ việc đang được theo dõi đặc biệt do đã có những ghi nhận một làn sóng đàn áp xuyên quốc gia mà chính phủ Thái Lan góp mặt.
Quốc tế muốn nhìn thấy đây là một vụ việc điển hình mà Thái Lan cho thấy họ tôn trọng nhân quyền.
Báo cáo gần đây của HRW mang tên "Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn" : Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan đã ghi lại một mô hình đàn áp xuyên quốc gia, trong đó chính quyền Thái Lan giúp các chính phủ láng giềng thực hiện các hành động trái pháp luật nhằm vào người tị nạn và người bất đồng chính kiến đang tìm nơi trú ẩn ở Thái Lan.
Đổi lại, chính quyền Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận "trao đổi" người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.
Vào tháng 5/2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan - Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai - đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã "biến mất".
Một nhà báo của BBC News Tiếng Thái nhận định với BBC News tiếng Việt rằng Y Quynh Bđăp có thể may mắn lần này, vì nếu ở dưới thời thủ tướng trước, ông có thể bị dẫn độ ngay về Việt Nam như chính phủ Thái Lan từng làm với nhiều trường hợp khác trước đó.
Theo nhà báo này, dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, những trường hợp như của Y Quynh Bđăp có thể được xem xét, nhưng "vẫn phải chờ xem".
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra được hi vọng "sẽ tôn trọng nhân quyền" hơn
Luật sư của ông Y Quynh Bđăp, bà Nadthasiri Bergman, nói rằng lập luận của nhóm bà là ông Bđăp không thể bị dẫn độ, dựa trên Điều 9 Luật Dẫn độ của Thái Lan.
Theo Điều 9, có một luật hiện hành là Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực từ tháng 2/2023, cấm các tổ chức hoặc quan chức chính phủ nước này trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác, nơi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc bị mất tích.
"Nhưng thẩm phán Thái Lan không xem xét Điều 9 mà chỉ xem xét Điều 19 Luật Dẫn độ và lập luận rằng quyết định của họ chỉ dựa trên Điều 19, và quyết định sau cùng sẽ là từ chính phủ".
"Hiện chúng tôi đang làm việc để kháng cáo trong vòng 30".
"Phán quyết hôm nay không phải phán quyết cuối cùng. Vì vậy chúng tôi không biết điều gì thực sự xảy ra. Chúng tôi phải chờ".
Bà nói nhóm của bà đang cố gắng để ông Y Quynh Bđăp được định cư ở một nước thứ ba.
Bà Nadthasiri Bergman cũng nói rằng bà có đôi chút lạc quan về việc chính phủ Thái Lan sẽ quan tâm hơn đến nhân quyền.
Và bà hi vọng tân thủ tướng sẽ đủ dũng cảm để thực thi đúng luật pháp, nhưng bà "không dám chắc".
"Chúng tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng bà thủ tướng có thể làm ngay từ bây giờ việc không dẫn độ Y Quynh Bđăp và trả tự do ngay cho ông ấy. Chúng tôi không cần vụ án phải kéo dài và phải đưa ra đến Tòa án Tối cao.
"Bà ấy không cần bất kỳ bằng chứng nào từ tòa án. Bà ấy có quyền hành pháp để bảo vệ nhân quyền".
"Thái Lan muốn trở thành thành viên của Ủy ban Nhân quyền và đang vận động vì điều này, do đó đây là trường hợp mà họ phải giải quyết".
"Đây sẽ là một ví dụ cho thấy họ đang tôn trọng nhân quyền. Bất kể ai đang ở đất nước này thì đều cần được tôn trọng".
Nguồn : BBC, 30/09/2024
********************************
Tòa án Thái Lan ra lệnh dẫn độ Y Quynh Bdap bất chấp phản đối của các nhóm nhân quyền
VOA, 30/09/2024
Một tòa án Thái Lan hôm 30/9 ra lệnh dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đã bị Việt Nam kết án vắng mặt 10 năm tù với cáo buộc "khủng bố", về nước, nơi mà các tổ chức nhân quyền, gồm cả Liên Hợp Quốc, cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại ông sẽ gặp nguy hiểm.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. (Photo YouTube Dak Lak News)
Theo ghi nhận về phiên tòa của AP, tòa án hình sự Bangkok đã chấp thuận yêu cầu của Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh, người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo đã bị chính phủ Thái Lan bắt giam vào ngày 11/6 sau bản án tại Việt Nam.
Các quan chức Thái Lan hồi tháng 6 xác nhận rằng họ bắt giữ ông Y Quynh theo yêu cầu của Việt Nam.
Ông Y Quynh, người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công Lý (MSFJ), bị tòa án Việt Nam kết án vắng mặt vào tháng 1 về tội khủng bố với bản án 10 năm tù với cáo buộc rằng nhà hoạt động 32 tuổi này đã tham gia vào việc tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính phủ tại tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên vào tháng 6/2023.
Chính quyền Việt Nam vào tháng 3 năm nay xác định MSFJ và một nhóm chính trị khác hoạt động ở Mỹ ủng hộ người Thượng, MSGI, vào danh sách các "tổ chức khủng bố" sau khi cáo buộc họ dàn dựng các cuộc tấn công cũng như thúc đẩy việc ly khai khỏi nhà nước Việt Nam. Hai nhóm này bị Việt Nam cáo buộc gây ra vụ tấn công trụ sở một Ủy ban Nhân dân xã ở Đắk Lắk, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.
MSFJ được ông Y Quynh thành lập để đào tạo người Thượng tại Việt Nam về luật pháp trong nước và quốc tế, về xã hội dân sự cũng như cách thu thập và báo cáo thông tin về đàn áp tôn giáo tới Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Nhà chức trách Việt Nam xác định rằng MSFJ được thành lập ở Thái Lan vào tháng 7/2019 và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2023.
Luật sư bào chữa cho ông Y Quynh tại phiên tòa hôm 30/9 được AP trích lời cho biết bà sẽ làm đơn kháng cáo và đơn này phải được nộp trong vòng 30 ngày tới, cũng như cho biết thêm rằng bất kể kết quả thế nào, chính phủ Thái Lan cũng có thể quyết định bằng ngoại giao không thực thi lệnh dẫn độ.
"Thủ tướng có quyền, nếu họ muốn bảo vệ nhân quyền, họ có thể làm vậy", LS Nadtharisi Bergman nói với các phóng viên bên ngoài tòa án, theo AP. "Nếu ông ấy trở về nước, tính mạng của ông ấy sẽ bị đe dọa, vì vậy chính phủ nên tôn trọng bằng chứng đó".
Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 7 đã kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam. Cùng thời gian đó, 4 dân biểu Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, không dẫn độ nhà hoạt động Việt Nam về nước và nêu quan ngại rằng việc dẫn độ sẽ gây nên nguy cơ bất ổn cho những người tị nạn Việt Nam khác ở Thái Lan vì sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp nếu bị trả về nước.
Trước đây, các nhà hoạt động chỉ trích chính phủ, gồm blogger Đường Văn Thái và nhà báo Trương Duy Nhất, được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về nước kết án nhiều năm tù.
Chính phủ Thái Lan hồi tháng 8 đã nói rằng họ "không thể can thiệp" vào vụ của ông Y Quynh sau khi một số nhà lập pháp Mỹ lên tiếng đề nghị trả tự do cho nhà hoạt động Việt Nam.
Ông Y Quynh đã sống ở Thái Lan từ năm 2018 và được Cao ủy LHQ về người tị nạn (HNHCR) cấp quy chế tị nạn. Tại Bangkok, ông đã nộp đơn xin đi tị nạn ở Canada một ngày trước khi bị chính quyền Thái Lan bắt giữ.
Ông Y Quynh ở Thái Lan vào thời điểm xảy ra cuộc bạo loạn ở Đắk Lắk mà chính quyền Việt Nam xem là một vụ "khủng bố" nhưng vẫn bị Việt Nam truy nã đặc biệt vì việc này. Trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây, ông Y Quynh bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam và nói rằng ông bị "vu khống" và bị gán tội "khủng bố".
Việt Nam đã kết án tù 100 người, trong đó có 10 án chung thân, trong vụ bạo động ở Đắk Lắk. Chính quyền Việt Nam cho rằng nhóm ủng hộ người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ đã kích động người dân Việt Nam thực hiện các hành động "khủng bố" này.
Vài ngày sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng Việt Nam lợi dụng phiên tòa như một cơ hội để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.
Việt Nam từ lâu đã bị các nhóm nhân quyền và những nhà tranh đấu chỉ trích vì cách đối xử với nhóm thiểu số người Thượng trong nước, vốn gồm nhiều nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Thiên chúa sống ở vùng cao nguyên trung phần và nước láng giềng Campuchia.
Hai nhóm công tác và hơn 10 báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam và Thái Lan giải trình về những nỗ lực gây quan ngại" của Hà Nội trong việc cưỡng ép hồi hương người Thượng tị nạn ở Thái Lan và khả năng hợp tác của Bangkok trong những nỗ lực đó.
Nhà hoạt động Lê Văn Thương đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với VOA trong một lần phỏng vấn trước đây rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để bắt người tị nạn hồi hương.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích Thái Lan vì đã cho dẫn độ những người bất đồng chính kiến từ Việt Nam, Campuchia, Lào và Trung Quốc về nước, trong những gì mà tổ chức có trụ sở ở Mỹ cho biết trong một báo cáo ra gần đây rằng đó là một hình thức đàn áp xuyên biên giới có đi có lại, trong đó các quốc gia này gửi những người bất đồng chính kiến bị Thái Lan truy nã về nước.
Nguồn : VOA, 30/09/2024