Tuần trước, Airbus cam kết sẽ trả 3,9 tỉ Mỹ kim tiền phạt cho Anh, Pháp và Mỹ để đóng hồ sơ vụ đưa hối lộ nhằm được chọn làm nhà thầu cung cấp phi cơ của Airbus cho 20 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn từ 2008 đến 2015 (1). Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cùng ngậm tăm trước thông tin trong 20 quốc gia ấy có Việt Nam. Airbus nhờ "môi giới" để bán cho Việt Nam ba vận tải cơ quân sự loại C-295 trong giai đoạn từ 2009 đến 2014.
Ngày 26/07/2018, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện, chiến đấu cơ loại Su-22U, mang số hiệu 8551 của Không quân nhân dân Việt Nam đột nhiên rớt xuống khu vực thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hình minh họa
Tuy liên tục khẳng định công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ nhưng rõ ràng, nếu không có áp lực từ dư luận trong nước, hoặc từ các chính phủ bên ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam sẽ ngậm tăm, bất kể tham nhũng trong mua sắm trang, thiết bị quân sự đe dọa nghiêm trọng khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng.
Những thông tin kiểu như vừa kể không hiếm. Năm 2017, dựa trên các nguồn khả tín từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Shephard Media – một cơ quan chuyên thu thập các thông tin liên quan đến tình báo và quốc phòng của Anh, từng loan báo, sở dĩ các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam thất bại vì các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam đòi "lại quả" 25% tổng giá trị hợp đồng. Bởi luật pháp Mỹ cấm "lại quả" nên các đối tác phía Mỹ phải từ chối đáp ứng (2).
***
Cho đến giờ, đối tác chính của Việt Nam trong các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là Nga. Cách nay vài năm, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển, công bố một thống kê, theo đó, Việt Nam là một trong mười quốc gia chi nhiều tiền nhất để mua sắm vũ khí, phương tiên quốc phòng. SIPRI ước tính, riêng giai đoạn từ 2012-2016, Việt Nam đã chi khoảng năm tỉ Mỹ kim để mua vũ khí, phương tiện quốc phòng (3).
Việt Nam có thông lệ trong "lại quả" khi mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng hay không ? Nếu có và tỉ lệ "lại quả" thường là 25% như Shephard Media từng tiết lộ, 25% của năm tỉ Mỹ kim đã chi từ 2012 đến 2016 vào túi những ai ? Bao giờ thì Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ phối hợp với các chính phủ có liên quan để tổ chức điều tra ? Bao giờ thì hệ thống truyền thông chính thức được bật đèn xanh để… "đấu tranh" ?
***
Ngày 26 tháng 7 năm 2018, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện, chiến đấu cơ loại Su-22U, mang số hiệu 8551 của Không quân nhân dân Việt Nam đột nhiên rớt xuống khu vực thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vào thời điểm đó, một số nguồn thạo tin ngay tại Việt Nam, cho biết, chiến đấu cơ lâm nạn nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine "nâng cấp", chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các phi vụ trên đất liền, "nâng cấp" nhằm thực hiện các phi vụ trên biển (4). Theo tờ Sputnik của Nga, các công ty ở Ukraine tham gia "nâng cấp" lô Su-22U cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc "nâng cấp" (5). Tuy nhiên cả Quân chủng Phòng không Không quân lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng làm thinh. Từ đó đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hành xử theo kiểu "tam không" (không thấy, không nghe, không nói).
Ở đâu thì tiền chi cho mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng cũng là tiền thuế. Do đó, thiên hạ luôn luôn tổ chức đấu thầu công khai, luôn luôn bạch hóa kết quả, giải thích tại sao lại chọn nhà thầu này mà bỏ nhà thầu kia. Việt Nam thì khác. Mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ cả an ninh lẫn quốc phòng luôn được xem là "bí mật quốc gia", bất kể những thương vụ loại này chẳng giấu được ai ở bên ngoài Việt Nam. Tác dụng duy nhất của tấm áo khoác "bí mật quốc gia" là không phải giải trình và không bị điều tra.
Không phải tự nhiên mà tại một kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm… Theo ông Bình, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là "nhạy cảm" nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích, thậm chí Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an. Ông Lê Việt Trường, lúc ấy đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam, cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (5)…
Ông Bình, ông Trường không phải loại… xoàng. Trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam với tư cách Ủy viên thường trực rồi Phó Chủ nhiệm của ủy ban này. Những đề nghị như vừa kể của họ chắc chắn không phải cho… vui. Đó là những khuyến cáo nghiêm túc nhưng mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là… "bí mật quốc gia".
Khoảng nửa năm sau, tháng 6 năm 2014, Hải quan Phần Lan tìm thấy một container bên trong chất đầy thiết bị phóng hỏa tiễn được vận chuyển từ Việt Nam tới Hồng Kông, sau đó được đưa từ Hồng Kông đến Phần Lan… Theo thẩm định của Bộ Quốc phòng Phần Lan thì những thiết bị đó là đầu dẫn của Vympel R 73E – một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường được gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga... Việt Nam ngậm tăm suốt một tháng. Chỉ đến khi sự kiện vừa kể trở thành tin chính trên hệ thống truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác nhận, container bị Phần Lan tạm giữ là của Việt Nam, các đầu dẫn hỏa tiễn được Việt Nam gửi sang Ukraine để "bảo dưỡng" (7)...
Tuy Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc gửi "bảo dưỡng" là "bình thường", "đúng luật pháp, thông lệ quốc tế" nhưng Phần Lan không chấp nhận. Phần Lan cho biết sẽ điều tra thêm ít nhất sáu tháng và có thể sẽ tịch thu các đầu dẫn hỏa tiễn do vi phạm luật pháp của Phần Lan về xuất cảng "vật liệu quốc phòng". Về nguyên tắc, vận chuyển các "vật liệu quốc phòng" qua lãnh thổ Phần Lan phải được Bộ Quốc phòng Phần Lan cho phép. Container chứa các đầu dẫn hỏa tiễn có xuất xứ từ Việt Nam đã không thông báo và không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan.
Ai cũng biết đầu dẫn hỏa tiễn là loại hàng hóa không… bình thường. Tại sao lại gửi hàng hóa không… bình thường theo kiểu "bình thường", không khai báo cho "đúng luật pháp, thông lệ quốc tế" để gặp đủ thứ rắc rối ? Việt Nam đã và đang mua nhiều thứ phương tiện – thiết bị quốc phòng của Nga, quan hệ giữa hai bên rất khắng khít, tại sao không gửi các đầu dẫn hỏa tiễn do Nga sản xuất cho Nga "bảo dưỡng" mà lại gửi cho Ukraine ? Phía sau những lựa chọn và cách làm khác thường ấy là những gì ? Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà ngay cả chính quyền Việt Nam cũng xếp chuyện này vào loại công chúng Việt Nam không có quyền biết vì đó là… "bí mật quốc gia" !
***
Đến giờ "bí mật quốc gia" vẫn phủ kín các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng cho dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy những thương vụ này hết sức đáng ngờ vì tạo điều kiện cho nhiều cá nhân nhân danh "an ninh, quốc phòng" biển thủ công quỹ, phung phí nội lực quốc gia và gây nguy hại cho hoạt động duy trì trật tự, trị an, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng. Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà Bộ Công an cũng đang khai thác "bí mật quốc gia" để mua sắm thiếu minh bạch.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an công bố dự tính thay Pháp lệnh Cảnh sát cơ động bằng Luật Cảnh sát cơ động để phù hợp với tình hình mới (8). Vào thời điểm đó, Bộ Công an chỉ mới trình được "Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự luật Cảnh sát cơ động". Tháng sau (11 năm 2019), Bộ Công an cho biết thêm, sẽ đưa vào Dự luật Cảnh sát cơ động đề nghị thành lập một Trung đoàn Không quân (truy đuổi tội phạm) và Trung đoàn Kỵ binh (thực hiện nghi lễ) và giao cho lực lượng Cảnh sát cơ động điều hành (9).
Đáng ngạc nhiên là Bộ Công an chỉ mới soạn - trình được "Dự thảo Báo cáo" về tác động đối với chính sách nếu Luật Cảnh sát cơ động được soạn thảo và thông qua theo hướng Bộ Công an mong muốn, "Báo cáo chính thức" – giải trình về lý do bỏ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, thay bằng Luật Cảnh sát cơ động chưa có vì đang trong giai đoạn thu thập góp ý trước khi soạn – công bố Dự luật Cảnh sát cơ động thì hạ tuần tháng 1, Bộ Công an mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, thăm 105 con ngựa mà Bộ Công an vừa mua của Mông Cổ (10).
Nói cách khác, chưa biết đến bao giờ Quốc hội mới được thấy diện mạo của Dự luật Cảnh sát cơ động, dẫu chính phủ chưa có bất kỳ ý kiến chính thức nào về đề nghị thành lập Trung đoàn Không quân, Trung đoàn Kỵ binh thuộc Cảnh sát cơ động thì Bộ Công an đã sắm xong… ngựa cho Trung đoàn Kỵ binh cho Cảnh sát cơ động ! Thời gian từ lúc Bộ Công an loan báo ý tưởng thành lập Trung đoàn Kỵ binh cho Cảnh sát cơ động cho đến khi quyết định chọn mua ngựa của Mông Cổ, thương lượng, trả tiền, mang 105 con ngựa về Việt Nam để mời Thủ tướng Việt Nam tới thăm chỉ diễn ra trong vòng hai tháng ! Không có ai, kể cả Thủ tướng dám thắc mắc khi Bộ Công an thản nhiên đặt cả chính phủ lẫn Quốc hội trước chuyện đã rồi !
Chính phủ, sau đó là Quốc hội có ưng thuận việc thành lập một Trung đoàn Kỵ binh và giao cho lực lượng Cảnh sát cơ động điều hành hay không đã trở thành loại vấn đề hậu xét, Bộ Công an không bận tâm. Ai sẽ điều tra và trả lời tại sao lãnh đạo Bộ Công an hành xử ngang ngược như vậy ? Vì sao lại sắm ngựa Mông Cổ ? Tổng chi phí là bao nhiêu ? Có hợp lý hay không ?.. Chắc là không có ai vì trong trường hợp này, những con ngựa thấp bé dành cho các nghi lễ ấy thuộc phạm trù "bí mật quốc gia" do liên quan tới "an ninh, quốc phòng" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/world-51335491
(5) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html
(9) https://vnexpress.net/phap-luat/canh-sat-co-dong-se-co-trung-doan-khong-quan-ky-binh-4005896.html
(10) https://baosuckhoecongdong.vn/canh-sat-co-dong-ky-binh-cuoi-ngua-dieu-hanh-150236.html
Vụ việc ở vùng biển bãi Tư Chính là "cực kỳ nguy hiểm" không chỉ với chủ quyền biển đảo mà còn cho an ninh quốc phòng của Việt Nam, "kể cả trên đất liền", một nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau một Tọa đàm Khoa học ở Hà Nội hôm Chủ nhật, 06/10/2019 về vùng biển này và luật pháp quốc tế.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Viện trưởng Việt Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, phát biểu tại Tọa đàm (các hình do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cung cấp)
"Không phải như những lần trước, năm 2016 hay trước nữa, là họ vào rồi họ ra như phép thử, mà lần này nó thể hiện một loạt hành động nhất quán và bây giờ vẫn đang hoạt động", Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), đơn vị đồng tổ chức, tóm lược với BBC kết quả và nội dung chính của Hội thảo.
"Đang có những hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam. Cho nên cái đầu tiên phải nhận diện rõ đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam", nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói.
"Thế nhưng cùng với nguy cơ đó, cũng có ý kiến cho rằng và cũng nhiều người đồng tình là trong nguy cơ này cũng lại có một cơ hội để Việt Nam có thể vượt qua nguy cơ này và phát triển được.
"Đó là phải xác định rõ bạn - thù, đó là việc Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, ở đây cũng đã nhắc đến chính sách 'Ba không', thì cần phải hóa giải chính sách ba không này bởi một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên hiệp quốc - đó là quyền tự vệ chính đáng.
Các đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm khoa học
"Tôi không thể duy trì chính sách "Ba không" nếu như chính sách ba không đó không giúp cho tôi bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển và trong trường hợp nếu tôi bị xâm lăng, thì Liên Hiệp quốc cho phép tôi có được quyền tự vệ chính đáng.
"Và để làm sao đó tránh được cuộc chiến tranh, nếu như Trung Quốc gây chiến, thì Việt Nam phải mạnh lên, mạnh dạn hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là phải tỏ rõ lập trường của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như các nước văn minh, các nước phát triển trong khu vực như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và xa hơn nữa là các nước EU.
"Đấy chính là một trong những giải pháp để mà Việt Nam trong nguy cơ đó, có thể hóa giải được hành vi xâm lăng, bành trướng của Trung Quốc ở bãi Tư Chính, đấy là một nhận định, ý kiến theo tôi rất quan trọng, nhận diện được vấn đề và tìm gia một giải pháp.
"Và cái thứ hai, vấn đề cũng rất lớn, đó là khẳng định rằng đây chính là thời cơ chính muồi, đây chính là thời cơ quan trọng nhất, ở thời điểm quan trọng nhất để khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế".
Thiếu tướng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an Việt Nam, phát biểu tại Tọa đàm khoa học
'Khẳng định thành công'
Nhà nghiên cứu nói thêm về kết luận và nội dung chính rút ra từ hội thảo :
"Và về phía Việt Nam, mọi người khẳng định rằng : thứ nhất chính nghĩa, thứ hai bằng chứng, chứng cứ lịch sử pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa khu vực bãi Tư Chính là có thể nói và khẳng định là không có vấn đề.
"Khẳng định là chắc chắn và việc khởi kiện cũng mang lại thành công cho Việt Nam", ông Hoàng Ngọc Giao nói về cuộc Hội thảo từ quan điểm cá nhân từ Hà Nội.
Cuộc Tọa đàm khoa học hôm Chủ nhật trước đó đã được Ban tổ chức chủ động rời thời gian lại để chuẩn bị tốt hơn và phù hợp hơn với thời gian của khách mời, ông Giao cho biết.
Được biết, trong số các diễn giả, chuyên gia và khác mời tham dự, có các vị như Vũ Ngọc Hoàng, Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Lê Mã Lương, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào.
Căng thẳng và đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc vùng biển bãi Tư Chính đã nóng lên trong suốt các tháng Hè và kéo dài chưa dứt qua mùa Thu năm 2019.
Về phía Trung Quốc, tháng trước, nước này nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.
Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)".
Các đại biểu trao đổi bên lề Tọa đàm hôm Chủ nhật 06/10/2019
Trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.
"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Cảnh Sảng nói.
"Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực".
"Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam", ông Cảnh Sảng nói thêm.
Đầu tháng này, trong một diễn biến liên quan, Việt Nam qua kênh ngoại giao nói sẽ nâng cao nhận thức về tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm với Ấn Độ trong tháng Mười, HinduStan Times trích lời Đại sứ Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu, cho hay.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Trung Quốc ngày càng gia tăng vì sự xâm nhập liên tục của các tàu Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, và Việt Nam dường như đang cố gắng củng cố sự hỗ trợ của Ấn Độ trong vùng biển này.
Trả lời phỏng vấn của thời báo Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại nước Nam Á này cho biết kể từ tháng 7/2019, các tàu Trung Quốc đã bốn lần xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ xâm nhập mới nhất của 28 tàu Trung Quốc bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 và vẫn đang tiếp tục mặc dù Việt Nam đã 40 lần lên tiếng phản đối qua các nẻo ngoại giao, kể từ lần xâm nhập đầu tiên ba tháng trước.
"Chúng tôi nói với họ rằng họ không nên vi phạm vùng biển của Việt Nam và nên rút tất cả các tàu về càng sớm càng tốt", nhà ngoại giao Việt Nam được báo Ấn Độ dẫn lời nói hôm 2/9.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 07/10/2019
********************
Giới nghiên cứu : ‘Nguy cơ lớn’ ở Tư Chính, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trọng vẫn dịu giọng
VOA, 07/10/2019
Giới nghiên cứu và các nhà ngoại giao kỳ cựu cảnh báo rằng trong tương lai Việt Nam sẽ "không có biển" nếu để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc, đồng thời đề xuất Việt Nam "khởi kiện" Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Tọa đàm về bãi Tư Chính, diễn ra ở Hà Nội hôm 6/10/2019
Hai quan điểm nêu trên được đưa ra hôm 6/10 tại cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển tổ chức ở Hà Nội.
Tham gia tọa đàm là nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, cựu quan chức, trong đó có tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, giáo sư Chu Hảo, thạc sĩ Hoàng Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương, các cựu đại sứ Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Trung, Trương Triều Dương, và một số học giả khác.
Ông Hoàng Việt thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông tóm tắt cho biết VOA rằng những người tham gia tọa đàm có nhận định chung là tình hình bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện "hết sức nghiêm trọng".
Các động thái ngày càng leo thang của Trung Quốc ở khu vực này trên Biển Đông đang "đặt Việt Nam vào thế rất nguy hiểm", những người tham gia tọa đàm khẳng định, theo lời tường thuật của thạc sĩ Hoàng Việt.
Theo cập nhật hồi trưa ngày 7/10, giờ Việt Nam, trên trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông, tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải dương Địa chất 8) mới thực hiện đường khảo sát thứ 5, đi sâu thêm 4,7 hải lý vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam chỉ còn khoảng 89,1 hải lý (165 km).
Dự án phi lợi nhuận, phi chính trị - của một nhóm các nhà nghiên cứu tự nguyện thực hiện - cho biết thêm là phạm vi và tính chất hoạt động tàu khảo sát kể trên và các tàu hộ tống "đã thay đổi và có tính thách thức nhiều hơn" so với đợt thứ 4 hồi ngày 28/9.
"Khu vực khảo sát của Haiyang Dizhi 8 đã không chỉ còn quanh quẩn trong một phạm vi gần khu vực các bãi ngầm Tư Chính cho tới Phúc Tần, mà đã kéo dài lên tận phía bắc giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi, trải dài hơn 220 hải lý", trang Dự án Đại sự ký Biển Đông (1) nói hôm 7/10.
Thạc sĩ Hoàng Việt, cũng là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho VOA biết những người tham gia tọa đàm hôm 6/10 đưa ra cảnh báo như sau :
"Nếu để mất khu vực biển này vào sự kiểm soát của Trung Quốc cũng đồng nghĩa là trong tương lai Việt Nam sẽ không có biển. Như vậy, đó là nguy cơn rất lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam".
Tại tọa đàm, ông Trương Triều Dương, cựu Đại sứ Việt Nam tại Philippines, cho rằng "dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại", theo một bài báo của Thanh Niên.
Vị cựu đại sứ tiên liệu rằng "làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc ‘cố sống, cố chết’ làm", vẫn theo tin của Thanh Niên. Củng cố cho nhận định của mình, ông Dương nêu ra lý do: "Vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới".
Để chống lại và chặn đứng các hành động của Trung Quốc, giới nghiên cứu, các cựu quan chức tham gia tọa đàm đề xuất rằng Việt Nam cần đưa vấn đề ra một số diễn đàn quốc tế lớn.
Thạc sĩ Hoàng Việt tường thuật thêm với VOA :
"Tất cả những người tham gia tọa đàm đều đồng ý với nhau một ý kiến là Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn, cụ thể thông qua các hành động. Thứ nhất là khởi kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế nào đó mà có thể kiện được. Và thứ hai, Việt Nam phải đổi mới về chính sách đối ngoại, trong đó là xích lại với phía Mỹ nhiều hơn để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông".
Trong một video về cuộc tọa đàm, do nhà văn Phạm Viết Đào ghi lại và đăng lên YouTube, giáo sư Chu Hảo phát biểu :
"Chắc chắn phải đi đến hành động quyết liệt là phải kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc bây giờ, theo quan điểm của tôi, là đúng thời điểm và là thời điểm quan trọng nhất. Đây là lúc lãnh đạo nhà nước và toàn dân phải lấy quyết định quan trọng nhất vào thời điểm quan trọng nhất".
Một ngày sau buổi tọa đàm, hôm 7/10, trong diễn văn khai mạc một hội nghị của Đảng cộng sản, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới quan sát cho là vẫn dịu giọng về vấn đề Biển Đông khi ông đề cập đến vấn đề này chỉ đúng một lần.
Bản tin của Tuổi Trẻ, VietnamNet, và một số trang tin khác cho hay tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương khóa 12, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua".
Không có tin tức gì thêm cho thấy nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam có phát biểu nào cụ thể hơn về Biển Đông nói chung hay diễn biến ở bãi Tư Chính nói riêng.
Khi được VOA hỏi cuộc tọa đàm hôm 6/10 có phải là một động thái được nhà nước hậu thuẫn nhằm thăm dò dư luận trong nước và quốc tế, hay đó là một hoạt động chuyên môn đơn thuần, thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định cuộc tọa đàm hoàn toàn là "tiếng nói của xã hội dân sự" :
"Việc xin phép, thành lập, tổ chức hội thảo hoàn toàn là tư nhân, không có cái gì của nhà nước trong này. Nhà nước không có liên quan gì trong này. Thậm chí nhà nước còn không muốn cho tọa đàm được mạnh mẽ hơn, lan tỏa nhiều".
Ông Việt cho biết thêm rằng trên thực tế Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể tổ chức được cuộc tọa đàm. Lẽ ra sự kiện này đã diễn ra hôm 22/9 song bị hoãn lại, phải đến hôm 6/10 mới được thực hiện, vị thạc sĩ cho hay.
Trong khi đó, chỉ 1 ngày trước, tại cuộc tọa đàm về bãi Tư Chính do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển tổ chức, các chuyên gia nói rằng hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở khu vực này đặt ra "nguy cơ Việt Nam không có biển". Đồng thời, các chuyên gia đề nghị "Việt Nam cần khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc".
VOA sẽ sớm có bài cập nhật về hai diễn biến nêu trên, mời các bạn đón đọc.
VOA tiếng Việt
(1) Dự án Đại sự ký Biển Đông (PDF)
********************
An ninh tạm giữ các phóng viên độc lập đưa tin hội thảo Biển Đông (RFA, 06/10/2019)
3 phóng viên của truyền hình CHTV (Chấn Hưng TV) - ột kênh truyền thông độc lập ở Việt Nam - đã bị an ninh tạm giữ nhiều giờ đồng hồ, bị thẩm vấn và tịch thu toàn bộ máy quay, điện thoại, sau khi đi đưa tin một tọa đàm về tình hình Biển Đông vào sáng ngày 6/10 ở Hà Nội.
Tọa đàm khoa học Vùng Biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019 - Courtesy of FB Le Dung Vova
Vào tối ngày 6/10, sau khi được thả, ông Lê Dũng, một trong 3 phóng viên bị an ninh tạm giữ nói qua điện thoại với Đài ACTD :
"Hơn chục người mặc thường phục đi trên hai xe bảy chỗ đã ập đến bắt giữ anh em chúng tôi đưa về trụ sở công an ở số 3 Nguyễn Gia Thiều… Họ tịch thu tất cả điện thoại, máy quay và các tài liệu ghi chép về hội thảo của chúng tôi".
Ông Lê Dũng cho biết những an ninh mặc thường phục đã bắt giữ các phóng viên khi họ đi ăn trưa sau hội thảo. Họ bị an ninh thẩm vấn về những gì đã diễn ra trong hội thảo, ai là những người tham dự. An ninh chỉ thả những người này về vào khoảng 6 giờ chiều và hẹn họ phải quay lại làm việc vào sáng ngày hôm sau.
Ông Lê Dũng cho biết nguyên nhân an ninh bắt giữ tịch thu máy móc của các phóng viên CHTV là vì "họ lo sợ chúng tôi là truyền hình độc lập đưa tin về hội thảo này. Họ lo sợ vì hội thảo có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham dự và bức xúc rất lớn".
Theo ông Lê Dũng, trong suốt buổi tọa đàm, khoảng chục an ninh đã có mặt theo dõi và quay phim buổi tọa đàm.
Tọa đàm "Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế" được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, quy tụ nhiều học giả là các chuyên gia về Biển Đông, tướng quân đội, và các cựu đại sứ, ông Lê Dũng cho biết.
Phát biểu của cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang : Dân tộc ta đứng trước thời điểm lịch sử quan trọng bảo vệ chủ quyền biển
Tọa đàm này đã được dự định tổ chức vào ngày 22/9 nhưng sau đó bị hoãn lại đến sau ngày 1/10 với lý do được công bố chính thức là : "Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019".
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/10 có bài viết về buổi tọa đàm, trích lời đại sứ Nguyễn Trường Giang nói rằng dân tộc Việt Nam "đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam".
Buổi tọa đàm diễn ra vào giữa lúc quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có nhưng căng thẳng sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần bãi Tư Chính, từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay. Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 7 đến nay đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sanh Châu mới đây cho trang tin Hindustan Times biết từ ngày 30/9, Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng biển Việt Nam bất chấp việc Việt Nam đã hơn 40 lần gửi phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hồi tháng trước lên tiếng khẳng định vùng biển Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 28/9, trong phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến căng thẳng Biển Đông thời gian qua nhưng tránh nói tới tên Trung Quốc. Ông cũng nói tới việc giải quyết khác biệt một cách hòa bình qua đàm phán, hòa giải, và thậm chí cơ chế tòa quốc tế.