Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Mỹ chủ trì thảo luận cải tổ Liên Hiệp Quốc (RFI, 18/09/2017)

Ngày 18/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump mở màn một tuần hoạt động ngoại giao dày đặc tại Liên Hiệp Quốc, qua việc chủ trì cuộc họp - theo sáng kiến của Washington - với đại diện 130 quốc gia. Phiên họp thảo luận và sẽ ra một tuyên bố chính trị không mang tính ràng buộc, nhằm thúc đẩy Liên Hiệp Quốc cải cách, trong đó có những đề xuất của tổng thống Mỹ gây không ít tranh cãi.

my1

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres (trái), tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và đại sự Nikki Haley tại diễn đàn thảo luận về cải cách Liên Hiệp Quốc ngày 18/09/2017 tại New York. Reuters/Lucas Jackson

Phiên họp dự trù sẽ có 3 bài phát biểu của ông Trump, của bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Theo các nguồn tin ngoại giao tại New York, chưa có gì bảo đảm là Nga, Trung Quốc và một số thành viên Hội Đồng Bảo An sẽ nhất trí với văn kiện trên.

Theo AFP, mục tiêu của tuyên bố là nhằm làm cho Liên Hiệp Quốc hoạt động "hiệu quả và hoàn thiện hơn". Tổ chức quốc tế này vẫn bị chê trách vì bộ máy hành chính nặng nề, chi tiêu tốn kém.

Từ khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã ví Liên Hiệp Quốc như là một câu lạc bộ của những người nhàn rỗi. Ông muốn cắt giảm mạnh chi phí hoạt động Liên Hiệp Quốc.

Washington vẫn luôn đóng góp tài chính nhiều nhất với 7,3 tỷ đô la (28,5%) cho các hoạt động giữ gìn hòa bình và 5,4 tỷ (22%) cho việc vận hành các cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Vấn đề cắt giảm ngân sách sẽ vấp phải phản ứng của nhiều thành viên của Liên Hiệp Quốc. Theo một số nhà ngoại giao, chẳng hạn nếu cắt giảm một nửa ngân sách cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR), cơ quan này sẽ bị tê liệt. Hiện tại Mỹ vẫn đóng góp 40% ngân sách của cơ quan trên.

Đề xuất tuyên bố của Hoa Kỳ không đưa ra các con số cụ thể mà chỉ đặt ra các nguyên tắc chính như cắt giảm chi tiêu, tinh giản bộ máy gọn nhẹ.

Dù những đóng góp ngân sách của Mỹ sắp tới ra sao, chương trình cải cách của tổng thư ký Antonio Guterres sẽ phải tiết kiệm, hợp lý hóa các khoản chi tiêu, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả cho các sứ mệnh cũng như sự vận hành của tổ chức quốc tế này.

Ngoại trưởng Mỹ-Nga gặp nhau tại New York

Trước ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hôm qua 17/09, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã gặp nhau tại New York trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rất xấu.

Ngoài việc hợp tác nhằm giảm bạo lực ở Syria, hai ngoại trưởng Mỹ - Nga còn bàn về những hồ sơ ở Trung Đông và thỏa thuận Minsk năm 2015 về xung đột Ukraina. Nhưng thông báo của hai bên không nói rõ là ông Tillerson và ông Lavrov đã đề cập đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không.

Phía Nga vẫn cho rằng các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc, theo yêu cầu của Mỹ, đã không có tác dụng, tuy Moskva đã bỏ phiếu thuận cho những nghị quyết theo hướng này. Phía Washington thì vẫn đòi Nga gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng diễn ra vào lúc hai nước đang trừng phạt ngoại giao lẫn nhau. Washington vừa ra lệnh đóng cửa một toà lãnh sự Nga để đáp lại việc Moskva cắt giảm số nhà ngoại giao Mỹ ở Nga.

Anh Vũ

*********************

Thỏa thuận khí hậu Paris : Mỹ duy trì áp lực (RFI, 17/09/2017)

Nhà Trắng dập tắt hy vọng vừa để ngỏ tại hội nghị khí hậu Montréal khai mạc ngày 16/09/2017. Washington thông báo tái khẳng định lập trường của tổng thống Trump, rút khỏi thỏa thuận Paris nếu như các đòi hỏi của Hoa Kỳ không được chấp nhận.

my2

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris 2015, "tiến trình không thể đảo ngược". Reuters/Stephane Mahe

Trước đó, nhiều nhà đàm phán quốc tế nuôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ thay đổi thái độ trong hồ sơ khí hậu, với việc cử một đại diện đến Montréal, Canada. Hội nghị này quy tụ bộ trưởng Môi Trường của khoảng 30 quốc gia với mục tiêu đẩy nhanh việc thực thi thỏa thuận Paris COP 21. Nhưng ngay tối qua, thông cáo của Nhà Trắng là "một gáo nước lạnh". Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington :

"Ủy viên Châu Âu phụ trách hồ sơ này, Miguel Arias Canete, dẫn lời của thành viên phái đoàn Mỹ, theo đó Hoa Kỳ có thể sẽ xem xét khả năng ở lại trong thỏa thuận khí hậu Paris, mà không cần thương lượng lại. Điều này ngay lập tức được giải thích như là lập trường của Washington có thể sẽ mềm dẻo hơn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã bác bỏ khả năng này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders : ‘‘Không có bất cứ một thay đổi nào trong lập trường của chúng tôi. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ rút, trong trường hợp không đưa được vào thỏa thuận Paris những sửa đổi có lợi cho đất nước chúng tôi’’.

Quả thực là không có dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump đứng về phía những người bảo vệ môi trường. Ông đã loại bỏ gần như tất cả các biện pháp vì môi trường của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng có thể thay đổi quan điểm, như trong trường hợp Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) hay quy chế đón tiếp trẻ em nhập cư (DACA).

Tổng thống Trump đã để ngỏ cánh cửa cho các thương lượng về khí hậu, đặc biệt với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron khi đến Paris dự lễ Quốc Khánh 14 Tháng 7. Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị phát biểu lần đầu tiên trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba tuần tới, cũng có thể là tổng thống Mỹ sẽ tỏ thái độ hòa hoãn hơn, để được cộng đồng quốc tế hưởng ứng hơn".

Thỏa thuận Paris không thể đảo ngược

Lập trường xoay như chong chóng của Mỹ dường như không cản trở cộng đồng quốc tế khẩn trương thực thi thỏa thuận khí hậu Paris, thông qua tại hồi tháng 11/2015, nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. 

Các trận bão Harvey và Irma gây thiệt hại nặng nề cho miền nam Hoa Kỳ cho thấy không quốc gia nào, dù hùng mạnh như nước Mỹ, có thể tránh được các thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên.

Theo AFP, trong buổi họp báo kết thúc hội nghị Montréal, bộ trưởng môi trường Canada Catherine McKenna nhấn mạnh là các quốc gia tham dự khẳng định "Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược, và không thể thương lượng lại".

Ủy viên Châu Âu phụ trách khí hậu Arias Canete cho biết, trước thượng đỉnh COP 24 tại Ba Lan năm tới 2018, cộng đồng quốc tế cần phải thảo ra được các quy định nhằm "theo dõi, kiểm tra và so sánh" mức phát thải của mỗi nước, một bước quan trọng trong việc thực thi thỏa thuận khí hậu. Theo đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, các cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới sẽ cho phép làm rõ "lập trường thực sự" của Hoa Kỳ.

Trọng Thành

***********************

Canada-Châu Âu-Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận khí hậu (RFI, 16/09/2017)

Hôm 16/09/2017, tại Montreal, Canada, khai mạc một hội nghị đặc biệt nhằm thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận về khí hậu Paris 2015, đang gặp nhiều thách thức.

my3

Biến đối khí hậu khiến tình trạng khô hạn gia tăng. Ảnh chụp ngày 24/08/2017 cho thấy nước trong hồ Barrios de Luna, bắc Tây Ban Nha, cạn kiệt. Reuters / Eloy Alonso

Việc chọn Montreal, bang Quebec, làm địa điểm tổ chức mang ý nghĩa biểu tượng mạnh. Thông tín viên Marie Josselin tường trình từ Montreal :

"Hội nghị Montreal được quyết định cách đây ít tháng, giữa Canada, Trung Quốc và các nước Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một cách phản ứng tại Bắc Mỹ về tình trạng thiếu lãnh đạo, trong bối cảnh tổng thống Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Chính tại Montreal, cách đây đúng 30 năm, nghị định thư Montreal đã được ký kết. Đây là thỏa thuận quốc tế lớn đầu tiên về môi trường. Thỏa thuận này có mục tiêu cấm các chất lảm thủng tầng ozon trong khí quyển.

Ba mươi năm trôi qua, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề thời sự, nhưng lần này với sự tham gia của nhiều nước hơn trước. Cụ thể là ngoài các quốc gia tổ chức, còn có Nga, Ấn Độ, Mêhicô, Brazil, những nước rất dễ tổn thương do biến đổi khí hậu như Maldives, những nước nghèo như Ethiopia.

Liên Hiệp Châu Âu muốn đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với hy vọng thực thi toàn bộ và nhanh chóng Thỏa thuận Paris COP 21. Hội nghị này được coi là một cơ hội để tiến nhanh hơn.

Cần nhấn mạnh là hội nghị Montreal diễn ra ngay trước một cuộc họp vào thứ Hai tới, do Hoa Kỳ tổ chức, được quyết định vào phút chót. Nhà Trắng mời các bộ trưởng Môi Trường của hơn 10 nền kinh tế lớn nhất đến Washington trao đổi về vấn đề khí hậu. Bộ trưởng Môi trưởng Canada Cathrine McKenna vẫn tin tưởng là có thể thuyết phục được chính quyền Mỹ từ bỏ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris".

Trước thềm hội nghị Montreal, nhiều cường quốc đã có một số quyết định đột phá trong nỗ lực chuyển đổi sang kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch. Sau Pháp và Anh, đến lượt Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm xe hơi với động cơ xăng dầu, cuối tuần trước. Trong tuyên bố hôm thứ Năm 14/09, tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Juncker khẳng định Ủy Ban sẽ nhanh chóng công bố phương án giảm khí thải cacbon trong lĩnh vực giao thông.

Bộ trưởng môi trường Canada – quốc gia đứng hàng thứ sáu về sản xuất dầu mỏ - khẳng định sẽ nghiêm chỉnh thực thi cam kết COP 21, đầu tư mạnh mẽ cho các công nghệ năng lượng tái tạo. Theo bộ trưởng McKenna, các quốc gia cần "khẩn trương" phê chuẩn điều khoản sửa đổi nghị định thư Montreal, được thông qua hồi năm ngoái.

Mục tiêu của điều khoản sửa đổi này là nhằm nhanh chóng loại trừ khí HFC – được sử dụng nhiều trong máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh -, thủ phạm phá vỡ tầng ozon. HFC mạnh hơn đến 14.000 lần so với khí CO2 - cũng là một thủ phạm chính khiến Trái đất nóng lên nhanh chóng. Theo bộ trưởng Canada, nếu thực hiện đúng nghị định thư Montreal, nhiệt độ thế giới sẽ giảm được 0,5°C trước cuối thế kỷ.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Việc tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris là đề tài được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay.

kethu1

Greenpeace chiếu hình ảnh tổng thống Donald Trump lên tường sứ quán Mỹ ở Berlin, Đức, để phản đối việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ngày 02/06/2017 - REUTERS

Một thế giới nóng lên trên 3°C không thể là một thế giới thịnh vượng. Và như vậy, theo Les Echos, khi Donald Trump hứa biến một nước Mỹ bị ô nhiễm thành một Mỹ quốc vĩ đại, ông ta đã nói dối.

Bên cạnh đó là dự luật của bộ Tư Pháp nhằm "đạo đức hóa đời sống chính trị" nước Pháp, và sự kiện phi hành gia Pháp Thomas Pesquet chiều nay trở về Trái Đất, sau 196 ngày trên trạm không gian quốc tế (ISS). Le Monde dành nhiều trang cho hồ sơ "Monsanto Papers", với bài điều tra về những mánh khóe của tập đoàn hóa chất Mỹ chống lại các công trình khoa học của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư (CIRC), về tính chất gây ung thư của glyphosate, sản phẩm chủ đạo của Monsanto.

Donald Trump, kẻ thù số một của hành tinh

Nếu bên kia bờ đại dương, tờ Newyorker chạy tựa bằng tiếng Pháp "Au revoir Hiệp định khí hậu Paris", thì trang bìa báo Pháp Libération chạy dòng tít hai màu đỏ, trắng, trên nền đen như một mảng dầu tràn : "Goodbye America". Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos cũng là một màu đen u ám với những làn khói xám xịt từ một ống khói nhà máy, với tựa đề "Khí hậu, thế lưỡng nan của nước Mỹ". La Croix chọn màu bìa xanh nhạt mát mẻ, với khối băng sơn trên biển, và dòng tựa màu đen "Trump, mặc kệ khí hậu". Cnews Matin cho rằng "Khí hậu : Trump ra khỏi cuộc chơi", còn tờ 20 Minutes nhận định "Quyết định của Trump không làm ô nhiễm lắm hiệp định khí hậu Paris".

Cái tát vào mặt nhân loại

Trong bài xã luận mang tựa đề "Cái tát", Libération cho rằng việc ra khỏi hiệp định Paris, cuộc thương lượng toàn cầu đại quy mô nhất từ trước đến nay, là một cái tát vào mặt nhân loại. Cơn ác mộng này là di sản để lại cho các thế hệ tương lai.

Sau khi ngỡ ngàng nhận ra Nhà Trắng bây giờ là sào huyệt của những người chống lại việc bảo vệ môi trường, phục vụ cho hoạt động lobby của kỹ nghệ dầu khí, đe dọa các hiệp ước lịch sử như NATO, theo Libération vấn đề khẩn cấp bây giờ không phải là cam chịu, mà là phải hành động. Nếu "Brexit" đã khiến một Châu Âu ù lì phải chuyển động, thì vụ "Amerixit" này có thể làm cho phần còn lại của thế giới phải nỗ lực nhiều thêm nữa.

Thế giới cổ hủ của Trump liệu sẽ bị vượt qua bởi một thế giới mới ít khí carbone, nhờ cố gắng của các nhà nước, các thành phố và cộng đồng ? Không có gì bảo đảm điều đó, nhưng cũng không có gì cấm chúng ta hy vọng. Thế giới không thể tiến đến một cuộc tự sát tập thể, bởi một nhúm giáo chủ bị nhiễm triệu chứng giáo phái Waco.

Đi ngược chiều lịch sử

La Croixnhận định, hội nghị COP21 đã khẳng định một tiến trình mà hầu như không thể đảo ngược, trừ phi muốn đi ngược chiều lịch sử.

Người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường, vì ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Ngay tại Hoa Kỳ, các tập đoàn lớn, kể cả trong lãnh vực dầu khí, hầm mỏ hay nông nghiệp cũng ủng hộ hiệp định khí hậu Paris để không phải đứng ngoài các thị trường đầy hứa hẹn của công nghệ xanh, sẽ tạo ra việc làm và tăng trưởng.

Quan điểm của các nước trong những ngày gần đây đã chứng tỏ việc chuyển đổi sang bảo vệ sinh thái là không thể tránh khỏi. Nhưng theo La Croix, đi theo chiều lịch sử không chỉ là nhằm tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Trước hết, đây là ý thức được rằng chúng ta đang sống trong một thế giới, mà khí hậu không cần biết đến biên giới.

Kẻ thù số một của hành tinh

Trong bài xã luận mang tựa đề "Kẻ thù số một của công chúng", Les Echos gay gắt khẳng định, Donald Trump đã dối trá khi hứa hẹn biến một nước Mỹ "bẩn thỉu" thành một nước Mỹ vĩ đại hơn.

Điều tệ hại nhất, theo tờ báo kinh tế, không phải là mối đe dọa mà tổng thống của đất nước gây ô nhiễm thứ nhì thế giới đã cố tình đè nặng lên hiệp ước quan trọng nhất từ trước đến nay để bảo vệ hành tinh chúng ta khỏi những thiệt hại không thể sửa chữa của hiện tượng trái đất nóng lên.

Về thực chất, việc ông Trump rút khỏi hiệp định khí hậu hiện chỉ mang tính biểu tượng, vì chính thức thực hiện được từ ngày 04/12/2020, tức là sau khi người kế nhiệm của Donald Trump được bầu lên. Thời hạn này giúp hy vọng là sau cơn khủng hoảng, nước Mỹ sẽ vội vàng nhảy lên chuyến tàu lịch sử, con tàu mà Donald Trump đã nhảy xuống nhưng vẫn tiếp tục hành trình mà không có ông ta. Hơn nữa, độc lập với Washington, nhiều tiểu bang của nước Mỹ như California - nền kinh tế thứ sáu thế giới - cùng với Illinois, Michigan, Iowa, và ngay cả Texas cũng có ý định tiếp tục quá trình chuyển đổi phù hợp sinh thái.

Như vậy điều tệ hại nhất không phải là việc "đốc-tờ Folamour" (nhân vật trong bộ phim hài nổi tiếng mang tên "Làm thế nào tôi hết ưu tư và yêu thích quả bom") đùa giỡn với di sản mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu. Đó là việc, không kể đến hiệp định Paris, ông Trump đã cố tình phá hoại những công trình của người tiền nhiệm Barack Obama.

Nước Mỹ không thể vĩ đại nếu không "sạch"

Việc cho tái khởi động dự án ống dẫn dầu khổng lồ Keystone, ngưng lại "Clean Power Plan", kế hoạch giảm khí thải các nhà máy điện, hay lời ca ngợi gây khiếp đảm về "than đá sạch đẹp", đủ để Donald Trump trở thành kẻ thù số một của cư dân một hành tinh có thể sống được. May mắn thay, thế giới đã thay đổi, các tội phạm hàng đầu về khí hậu không hành động theo băng nhóm có tổ chức. Ông Donald Trump đang bị cô lập.

Tại Úc, tập đoàn Engie đã đóng cửa một siêu nhà máy điện, tại Trung Quốc, Ấn Độ và ngay cả Hoa Kỳ, than đá đang bị dần thay thế bởi khí đá phiến để sản xuất ra điện. Khắp nơi, năng lượng hóa thạch đang thụt lùi. Và cách đây sáu tháng, 360 tập đoàn đa quốc gia đã ký vào lời kêu gọi mở rộng cuộc đấu tranh chống thay đổi khí hậu.

Họ hiểu rằng một thế giới nóng lên trên 3°C, không thể là một thế giới thịnh vượng. Đó cũng là thông điệp được Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) đưa ra trước hội nghị G7 ở Taormine (Ý) vừa qua. Và như vậy, khi Donald Trump hứa biến một nước Mỹ bị ô nhiễm thành một Mỹ quốc vĩ đại, ông ta đã nói dối.

Hoa Kỳ hoàn toàn thua thiệt

Trong bài "Ngoại giao, việc làm… vì sao Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn thua thiệt", ông David Lavaï, giám đốc chương trình khí hậu của Viện phát triển bền vững và quan hệ quốc khi trả lời Libération cho rằng : "Nếu Mỹ rút lui sau bấy nhiêu năm thương lượng, chắc chắn các hậu quả về ngoại giao không chỉ trên lãnh vực khí hậu, nhất là khi muốn tìm kiếm các đồng minh".

Hôm 22/5, NATO đã ghi nhận sự thay đổi khí hậu nằm trong "các quan ngại chiến lược" của liên minh. Trong khi ông chủ Nhà Trắng thề chiến thắng "khủng bố Hồi giáo cực đoan", bản báo cáo công bố tháng 10/2016 của cơ quan tư vấn Đức Adelphi khẳng định hiện tượng biến đổi khí hậu giúp phát triển các nhóm khủng bố.

Theo ông David Lavaï : "George W.Bush khi từ chối phê chuẩn hiệp ước Kyoto đã phải hứng chịu những chỉ trích của quốc tế, còn hậu quả bây giờ sẽ lớn hơn nhiều". Tháng trước tại Bonn, 195 nước đã tái khẳng định ý muốn áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu – dù có hoặc không có Hoa Kỳ. Và song song với loan báo của ông Trump, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc hôm nay siết lại một "liên minh xanh". Bắc Kinh và Bruxelles đồng thuận trong việc cụ thể hóa "thành công lịch sử" của hiệp định Paris, đẩy nhanh quá trình "không thể đảo ngược" nhằm từ bỏ năng lượng hóa thạch.

Trái đất tiếp tục nóng lên đáng báo động

Về những tác hại của hiện tượng hâm nóng khí hậu, La Croix khi nhắc nhở năm 2016 là năm nóng nhất từ trước đến nay kể từ năm 1880, cho rằng chỉ có nỗ lực toàn cầu mới giúp kìm hãm được tác hại.

Những đợt nóng ập xuống Châu Á, Trung Đông, Bắc Mỹ, khu vực Nam Phi trong năm 2016. Tại Phalodi, thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ, nhiệt độ lên đến 51°C, 53°C ở Dehloran (Iran), 54°C ở Mitribah (Koweit). Châu Âu cũng không thoát, nhiệt kế lên đến trên 45°C ở Cordoue (Tây Ban Nha), và đợt nóng cũng ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Trung Âu, Đông Âu trong tháng 9/2016.

Hồi tháng Hai, một trận hạn hán lớn khiến ba triệu người Somalia bị nạn đói đe dọa. Cách đó hàng ngàn cây số, đông bắc Brazil phải đối phó với nạn hạn hán tệ hại nhất kể từ một thế kỷ. Nigeria, Nam Soudan, Yemen, Trung Quốc… từ đầu năm đến nay không thể đếm xuể các nước phải gánh chịu các thiên tai, không chỉ hạn hán mà còn là mưa lũ, bão tố, nước biển dâng cao… Nếu tính từ đầu thế kỷ 20, mực nước biển nay đã dâng lên 20 cm. Riêng trong thế kỷ này, đã ghi nhận tổng cộng 16 trong số 17 năm nóng nhất.

Tuy hiện tượng trái đất bị hâm nóng không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng đã góp phần tạo ra các thiên tai này. Ngay từ thập niên 70, các nghiên cứu về khí hậu đã cảnh báo về hiện tượng băng tan, các đại dương nóng lên, liên tục xảy ra những đợt nóng ở khắp nơi. Trong báo cáo 2014, GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu) khẳng định trách nhiệm của con người trong việc thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Còn trong báo cáo tháng 3/2017, GIEC cũng vẽ ra một bức tranh màu xám.

Trump "một mình chống lại tất cả"

Đối với ông Scott Pruitt, giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường do ông Trump bổ nhiệm, hiệp định Paris "không tốt", làm mất việc làm của người Mỹ. Sai ! Báo cáo mới nhất của Cơ quan quốc tế vì năng lượng tái tạo công bố hôm 24/5 bác hẳn lý lẽ này.

Có đến 9,8 triệu người trên thế giới làm việc trong lãnh vực năng lượng tái tạo trong năm 2016, tăng 40% so với năm 2012, và riêng tại Mỹ con số này là 777.000 người. Chỉ riêng về pin năng lượng mặt trời, đã tăng 25% trong vòng một năm, với 242.000 nhân viên. Để so sánh, lãnh vực than đá chỉ thu dụng có 160.119 người, theo báo cáo của bộ Năng Lượng Hoa Kỳ công bố hồi tháng Giêng.

"Cuộc chiến khí hậu vẫn tiếp tục mà không có Hoa Kỳ", La Croix khẳng định. Theo nhiều chuyên gia, sự rút lui của Mỹ không có nghĩa là hồi kết cho hiệp định khí hậu Paris, tuy tất nhiên cũng gây ra không ít hậu quả.

Tác giả Joel Cossardeaux trên Les Echos cho rằng hành động của Donald Trump sẽ không gây ra hiệu ứng domino. Ngoài Syria – đang trong chiến tranh, và Nicaragua – vốn đòi hỏi một hiệp định mang tính ràng buộc cao hơn, tất cả các nước khác trên thế giới đều chấp nhận thỏa thuận.

Theo 20 Minutes, hậu quả đối với Hoa Kỳ còn ở chỗ, ông Trump đã gởi đi tín hiệu cho cộng đồng quốc tế, là không thể thương lượng với chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, vì không thể biết được nước Mỹ có giữ lời hứa và duy trì các cam kết trong quá khứ hay không.

Việt Nam vẫn muốn tin vào nước Mỹ của ông Trump

Nhìn sang Đông Nam Á, "Việt Nam vẫn muốn tin vào Hoa Kỳ của ông Trump", đó là tựa đề một bài viết hiếm hoi trên báo chí Pháp về chuyến công du Washington của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông đến Mỹ để tìm kiếm một lối thoát mới về thương mại.

Trong chuyến viếng thăm ba ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiệm vụ nặng nề là thuyết phục ông Donald Trump để thương mại song phương phát triển như dưới thời Barack Obama. Năm ngoái, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 177 tỉ đô la của Việt Nam, có 42 tỉ đô la xuất sang Hoa Kỳ. Tờ báo nhận xét, lần này khác với thông lệ, tổng thống Trump tỏ ra hòa dịu. Thông cáo chung Mỹ-Việt khẳng định ý hướng tăng cường hợp tác về quốc phòng và thương mại.

Theo Les Echos, bị thiệt thòi khi Mỹ rút khỏi TPP, Hà Nội không muốn đà phát triển bị ngưng lại, sau khi nhiều nhà đầu tư Châu Á đã đón đầu việc gia nhập TPP qua việc xây dựng nhiều nhà xưởng trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu sản xuất hàng giày dép, dệt may để xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 17,4%, đầu tư nước ngoài tăng 10,4%, nhưng quý 1 bị ảnh hưởng bởi việc giảm sản lượng dầu lửa và chỉ riêng sự cố pin điện thoại di động Galaxy 7 của Samsung Electronics đã khiến Việt Nam bị mất đến 1 tỉ đô la trong cán cân thương mại.

Thụy My

Published in Quốc tế
Trang 3 đến 3