Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thảm họa môi trường biển do công ty Formosa có trụ sở tại Vũng Áng-Hà Tĩnh gây ra hồi tháng 4 năm 2016 trên một khu vực rộng lớn, bao gồm 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã đẩy hàng triệu người dân nơi đây vào một hoàn cảnh vô cùng bi đát.

formosa1

Cuộc tuần hành ra Kỳ Anh để khởi kiện Formosa của giáo dân giáo xứ Song Ngọc xã Quỳnh Ngọc

Sau khi Formosa và các cơ quan chức năng của Việt Nam "cãi chày cãi cối" không được thì Formosa đã đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm và sau một thời gian thỏa thuận với chính quyền Việt Nam, phía Formosa đã chấp nhận đền bù thiệt hại cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung với số tiền 500 triệu đôla Mỹ.

Sự việc vẫn chưa kết thúc ở đây. Do số tiền đền bù quá ít ỏi và không đến được với người dân bị thiệt hại nên các cuộc biểu tình của người dân Hà Tĩnh đã diễn ra liên tục từ đó đến nay.

Ngày 26/9/2016 linh mục Đặng Hữu Nam đã dẫn đầu 600 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên ra tòa án Kỳ Anh để nộp đơn kiện công ty Formosa nhưng tòa không nhận.

Sáng chủ nhật 2/10/2016, người dân từ các giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, Dũ Lộc, Qu‎‎y Hòa, Tây Thành thuộc giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã biểu tình trước cổng công ty Formosa với số người lên đến 18.000 người.

Mới đây nhất là cuộc tuần hành ra Kỳ Anh để khởi kiện Formosa của giáo dân giáo xứ Song Ngọc xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu- Nghệ An ngày 14/2/2017. Cuộc tuần hành đã bị chính quyền tỉnh Nghệ An đàn áp thẳng tay với hàng chục giáo dân bị thương.

Báo chí và chính quyền Việt Nam vẫn như mọi khi, lập tức kích động và vu khống giáo dân Song Ngọc : "16 cán bộ, cảnh sát đã bị thương trong vụ xô xát với hàng trăm giáo dân, giáo xứ Song Ngọc ngày 14/02/2017. Trong số 16 cán bộ, cảnh sát bị thương có Giám đốc công an tỉnh Nghệ An, một người nặng nhất phải phẫu thuật tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình và 3 ô tô bị hư hỏng". Những luận điệu dối trá và vu khống trắng trợn này đã bị cư dân mạng bóc mẽ trên các mạng xã hội.

Trong kỷ nguyên của internet và truyền thông số thì mọi sự thật và giả dối lập tức bị phơi bày. Chính quyền Việt Nam đang cố gắng trong tuyệt vọng để làm công việc "lấy thúng úp voi". Những hình ảnh ôn hòa của giáo dân Song Ngọc và sự đàn áp dã man của chính quyền Việt Nam nhanh chóng được truyền tải đến mọi người dân Việt Nam và dư luận thế giới.

Chúng ta thấy được gì qua những cuộc biểu tình của giáo dân miền Trung ? Thảm họa do Formosa gây ra đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân 4 tỉnh miền Trung cũng như cả nước. Chừng nào Formosa chưa đóng cửa thì thảm họa ô nhiễm đối với người dân Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc. Những bức ảnh vừa được lan truyền trên mạng cho thấy biển miền Trung vẫn đang bị ô nhiễm nặng từ chất thải độc hại của Formosa. Tất nhiên là như vậy. Formosa không thải ra biển thì thải đi đâu ? Hệ thống xử lý nước thải của Formosa muốn đạt chuẩn phải tốn một khoản tiền lên đến 3 tỉ đôla Mỹ. Formosa sẽ không bỏ ra một số tiền lớn như vậy để làm hệ thống xử lý nước thải.

Câu hỏi vì sao chỉ có giáo dân miền Trung biểu tình và phản đối Formosa trong khi những người dân khác thì không? Đất nước này đâu chỉ mỗi mình người công giáo ? Câu trả lời không khó nếu chúng ta nắm bắt được vấn đề. Đúng là thảm họa Formosa đã ảnh hưởng lên tất cả mọi người dân nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ chính quyền đàn áp bắt bớ. Hơn 70 năm sống dưới chế độ cộng sản người dân biết rõ bản chất khủng bố của chính quyền Việt Nam.

Giáo dân cũng vậy, họ biết rõ cái giá phải trả khi đi biểu tình nhưng vì cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề nên họ phải đứng dậy. Lý do để họ có được dũng khí là vì họ có người lãnh đạo, dẫn dắt và vì có đức tin. Chính cũng vì lý do là giáo dân luôn tin tưởng vào những người chủ chăn của họ hơn là tin vào hệ thống tuyên truyền khổng lồ của nhà nước Việt Nam vì thế chính quyền cộng sản rất thù ghét người công giáo.

Trái với sự tuyên truyền của chế độ cộng sản rằng người công giáo là cực đoan và luôn chống đối chính quyền thì ngược lại giáo dân Việt Nam nói chung và giáo dân miền Trung nói riêng rất ôn hòa và hiền lành. Người công giáo chỉ chiếm khoảng 10% dân số Việt Nam. Dù bị chính quyền tấn công gây thương tích nhưng họ vẫn giữ thái độ ôn hòa và nhẫn nhục. Công bằng mà nói thì "dân trí" của giáo dân miền Trung cũng ngang bằng với dân trí của người Việt Nam nói chung chứ không cao hơn. Vậy tại sao họ có thể làm được những việc phi thường như vậy ? Tại sao một giáo xứ chỉ có hơn 2.000 người như giáo xứ Song Ngọc có thể làm cho chính quyền Nghệ An rúng động khi phải điều động đủ mọi ban ngành chức năng, công an, cảnh sát cơ động để đối phó ? Trong ngày 14/2 tại hiện trường có mặt cả bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, giám đốc công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu…Câu trả lời cũng giản dị. Giáo dân Song Ngọc làm được như vậy vì họ có tổ chức và người lãnh đạo. Cụ thể ở đây là linh mục Nguyễn Đình Thục.

Xã luận của báo Thông Luận, cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã khẳng định sự ủng hộ đối với của chúng tôi đối với giáo dân Song Ngọc : "Xin cảm ơn linh mục Nguyễn Đình Thục và giáo dân Song Ngọc. Trong những ngày vừa qua quý vị và các bạn đã là dân tộc Việt Nam". Là một tổ chức dân chủ đối lập chủ chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những đòi hỏi và yêu cầu chính đáng của giáo dân khi khởi kiện Formosa. Chúng tôi xin được "đồng hành" cùng giáo dân Song Ngọc và mọi người dân miền Trung trong các cuộc biểu tình đòi quyền lợi.

Chúng tôi cũng xin được cảm ơn bà con giáo dân Song Ngọc đã dạy cho chúng tôi một bài học bổ ích là muốn có được các cuộc biểu tình thì phải có ít nhất hai yếu tố đó là "phải có tổ chức" và "phải có người lãnh đạo, dẫn dắt". Chúng tôi tin rằng cuộc biểu tình của bà con giáo dân Song Ngọc sẽ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo cho mọi người Việt Nam về một thảm họa môi trường vô cùng nguy hiểm do công ty Formosa gây ra.

Việt Hoàng (20/2/2017)  

Published in Quan điểm

Thảm họa Formosa gây cho môi trường Miền Trung Việt Nam đã đẩy hàng triệu người vào cảnh điêu đứng. Đã gần một năm qua, hàng triệu người mất việc làm, độc tố không chỉ giết chết môi trường biển, các sản vật, hải sản cũng như các loại động, thực vật khác mà còn đưa đi khắp nơi đầu độc giống nòi dân Việt.

Không chỉ các ngư dân, những người trực tiếp khai thác và chế biến hải sản bị ảnh hưởng, mà nền kinh tế bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều ngành nghề khác như du lịch, vận tải, đóng tàu, điện lực, kinh doanh... đều bị ngưng trệ. 

Trước những bức xúc và thiệt hại của người dân, nhà cầm quyền tìm cách giấu giếm, lấp liếm bao che và làm ngơ trước nỗi đau dân chúng.

Thế rồi nhà cầm quyền Việt Nam đã nhanh nhẩu nhận 500 triệu đôla của "thế lực thù địch" và nhận đền bù cho dân nhằm lấp liếm tội ác ngay khi chưa có thống kê thiệt hại. Điều đó gây căm phẫn lòng dân. 

hatinh1 - Copie (2)

Người dân Đông Yên chặn xe trên Quốc lộ 1A biểu tình 14/01/2017 phản đối Formosa đên bù không xứng đáng

Điều lạ lùng nhất, là chỉ một doanh nghiệp nước ngoài như hàng trăm ngàn doanh nghiệ nước ngoài đầu tư "bình đẳng" ở Việt Nam. Nhưng khi gây tai họa cho đồng bào Việt Nam cách nghiêm trọng, thì nhà nước Việt Nam đứng ra lo việc đền bù cho doanh nghiệp này đã đặt lên câu hỏi lớn : Nếu như hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác cũng đều vi phạm, chính phủ Việt Nam liệu có đủ thời gian, súng đạn, công an và các loại nhân tài vật lực huy động từ người dân để giúp đỡ họ nhằm chạy tội ? 

Dự án Formosa là một dự án của Đài Loan, mang yếu tố Trung Quốc hết sức "đậm đà" được đưa vào khu vực Hà Tinh là khu vực trọng yếu của đất nước về an ninh, quốc phòng. 

Với 3,2 triệu mét vuông đất được cho thuê dài hạn 70 năm vượt cả luật lệ hiện hành, nhà cầm quyền Việt Nam đã được các trí thức, những người có tâm huyết với tiền đồ dân tộc cảnh báo ngay khi bắt đầu rằng : "Đây là một dự án bán nước trọn gói" cho Tàu. 

Thế nhưng, tất cả đều bị bỏ ngoài tai. Điều này đã phản ánh một tình trạng hết sức nguy hiểm khi các nhóm lợi ích, phe phái và đảng đã bất chấp vận mệnh đất nước để bằng mọi cách bán chác nhằm kiếm tiền bỏ túi.

Thế rồi thảm họa xảy ra, những động tác của nhà cầm quyền Việt Nam từ chính phủ đến Bộ trưởng Tài nguyên môi trường, các bộ phận khác nhau của chính quyền từ Trung ương đến địa phương chỉ lo trấn áp và lừa đảo người dân mà không hề quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc. Thậm chí, nhiều động tác của cán bộ nhà nước còn khuyến khích người dân ăn cá nhiễm độc, mặc cho sức khỏe và tình trạng suy kiệt giống nòi là điều hiển nhiên trước mắt và lâu dài.

Hệ thống báo chí bị bịt miệng, hệ thống công an, côn đồ và nhiều lực lượng khác được huy động nhằm trấn áp người dân cất lên tiếng nói đòi quyền sống của mình. 

Những động tác pháp lý của người dân bị ngăn chặn thô thiển và bỉ ổi, những người lo cho dân, cho dất nước bị mạ lỵ và bôi nhọ trên hệ thống truyền thông của đảng và nhà nước. 

hatinh1

Người dân Đông Yên chặn xe trên Quốc lộ 1A biểu tình 14/01/2017

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra phản ánh sự bức xúc không thể kiềm chế của người dân. Nhưng hầu như đều bị bỏ ngoài tai những tình cảnh và nguyện vọng của họ.

Việc đền bù được tiến hành nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp, cá nhân và những người buôn bán, du lịch... không được đền bù thiệt hại đã đẩy cuộc sống của họ vào chỗ cuối đường hầm.

Thậm chí, đến nay nhiều nơi vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào.

Và điều gì đến sẽ phải đến. Ngày 14/1/2017 đợt biểu tình của người dân Đông Yên, một vùng đất chuyên sống bằng nghề biển mà cho đến nay một bộ phận bị cố tình bỏ quên đã diễn ra tại đường Quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Con, cách vài chục km trừ hầm Đèo Ngang phân giới địa phận Quảng Bình - Hà Tĩnh.

Nhiều người cho biết, có thể họ đã bị cố tình bỏ quên, chỉ vì họ đã từng không đồng ý với việc cưỡng bức họ từ nơi chôn rau cắt rốn bao đời với biển bên cạnh và cuộc sống đảm bảo từ biển. Nay được chuyển đến vùng đất "Chó ăn đá, gà ăn sỏi và người thì đi ăn mày" tại đây. Trong khi nơi chôn rau cắt rốn của họ bị đập phá, cưỡng chế mà không hề có một dự án nào. (Chúng tôi đã có nhiều bài viết về vấn đề Giáo xứ Đông Yên từ năm 2010 đến nay).

Từ trưa đến chiều nay, bà con ngư dân đã mang lưới lên chặn ngang đường quốc lộ. Bởi họ chẳng biết dùng lưới đó để làm gì khi mà cả năm nay không được xuống biển, đánh bắt cá dù nguồn nào cũng không có ai mua... Đẩy cuộc sống họ đến chỗ diệt vong. Nhưng họ đã không được đền bù nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Người dân Đông Yên cho biết, đến nay, mấy ngàn người dân nơi đây chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào. Số tiền đền bù từ Formosa đang bị chặn lại nhằm loại bỏ, cắt bớt... theo ý muốn của nhà cầm quyền. Trong khi những ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. 

Và họ không còn con đường nào khác là đấu tranh.

Cuộc biểu tình của người dân Đông Yên mở đầu cho những hành động phản kháng trong năm mới đã làm tê liệt hệ thống giao thông qua đường Quốc lộ 1A khu vực Hà Tĩnh. 

hatinh2

Công an và Cảnh sát cơ động trấn áp người dân Đông Yên biểu tình ngày 14/01/2017

Nhiều công an, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động đã được huy động đến ngăn chặn, trấn áp... nhưng đều vô hiệu trước cơn giận dữ của lòng dân. 

Nhiều lái xe, người dân đi qua dù bị tắc đường gây cản trở, nhưng đã hết sức cảm thông và ủng hộ những nạn nhân ở đây. Bởi họ hiểu nạn nhân không chỉ những người biểu tình, mà trong đó có bản thân họ.

Nhà cầm quyền đã dùng công an, cán bộ... qua gặp gỡ và điện thoại, hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề cho người dân. 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là lời hứa như những lời hứa trước đây đối với họ khi bị cưỡng bức di chuyển khỏi nơi ở của mình nhưng đã không được thực hiện.

Người dân đã tạm thời về nhà sau cuộc biểu tình và cho biết : Nếu nhà cầm quyền không đền bù đầy đủ cho họ, họ sẽ tiếp tục biểu tình và đấu tranh.

Một năm mới đã mở đầu bằng con sóng lòng dân với chế độ cộng sản tại đây.

Video và hình ảnh trên mạng xã hội dân Đông Yên biểu tình trưa nay tại Quốc lộ 1A.

{youtube}"0" allowfullscreen{/youtube}

Hà Nội, ngày 14/1/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA tiếng Việt, 14/01/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn