Nhà tâm lý học và ngôn ngữ học nổi tiếng Steven Pinker, trong tác phẩm "The Better Angels of Our Nature", đưa ra cái nhìn lạc quan về con người. Với bao dữ kiện và bằng chứng hùng hồn, ông đã thuyết phục người đọc rằng con người ngày càng văn minh hơn, nhân bản hơn, và bớt bạo động hơn. Bill Gates nhận xét đây là cuốn sách truyền cảm hứng nhất mà ông đã từng đọc.
Hai cảnh sát viên tại Seabrook, New Hampshire, quỳ gối cùng người biểu tình, 1 tháng Sáu.
Nhưng cũng có những người phản bác lại nhận định này. Như Tanisha M. Fazal and Paul Poast trong bài "War Is Not Over " trong tạp chí Foreign Affairs.
Bạn lạc quan hay bi quan về con người ?
Riêng tôi, trong những ngày qua cảm thấy mình trở nên lạc quan hơn về cuộc đấu tranh cho nhân quyền, nói riêng, và về con người, nói chung.
Nhưng cái giá phải trả là cái chết của ông George Floyd.
Ban đầu, thật ra, tôi cũng hơi bi quan. Vì tính ra đã gần 72 năm từ khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được công bố mà tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra tại cái nôi của văn minh, dân chủ và tự do, quốc gia đã bảo trợ và vận động cho bản tuyên ngôn này.
Bi quan hơn nữa khi biết rằng rất nhiều người Việt, trong lẫn ngoài nước, còn mang nặng óc kỳ thị, qua sự kiện này. Nặng đến độ Gs Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn The Sympathizer, đoạt giải Pulitzer năm 2016, cũng phải mạnh mẽ lên tiếng "Hãy tiếp tục vào các post của tôi mà ‘còm’ tiếp đi hỡi những người Việt kỳ thị chủng tộc…". Trước đó anh bị phê phán nặng nề vì ủng hộ các cuộc biểu tình và phong trào Black Lives Matter.
Có một số thành phần người Việt không tán đồng quan điểm này. Trong khi đó đại đa số người Việt tại Mỹ và trên toàn thế giới đều là những người lánh nạn cộng sản, độc tài. Phần lớn chúng ta bỏ nước ra đi vì bị áp bức và phân biệt chính trị. Những cái chết trong đồn công an xảy ra quá thường xuyên tại Việt Nam trước đây lẫn hiện nay. Cho nên lẽ ra chúng ta phải hiểu mọi sự bất công, áp bức, và tội ác là điều phải chống tối đa. Và chúng ta cần phải nỗ lực bảo vệ tối đa công bằng bình đẳng nhân phẩm cho mọi công dân trên mảnh đất mình đang sống. Những quốc gia này đã mở cửa đón nhận chúng ta và cưu mang chúng ta. Lẽ ra chúng ta cần chia sẻ các giá trị này với những người đang sống trên mảnh đất chung với mình, bất kể màu da tôn giáo nào, bất kể đến từ đâu, bằng cách nào đi nữa.
Xin nhớ rằng ngày nay những người Việt nào đi xin tị nạn, nếu thành công, nghĩa là được công nhận là người tị nạn đích thực, thì phải đạt được một trong hai quy định căn bản sau đây. Một, phải chứng minh được rằng mình có nỗi sợ chính đáng rằng mình có thể bị hãm hại nghiêm trọng vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm đặc biệt nào đó, hoặc vì quan điểm chính trị (Điều 1A(2) Quy Ước Tị Nạn 1951 ). Hai, nếu không thì phải chứng minh được rằng nếu bị trả về thì mình sẽ bị hãm hại đáng kể (significant harm, Complementary Protection).
Nhiều người Việt đã may mắn được chấp nhận vào các quốc gia văn minh tiến bộ trên toàn thế giới mà không phải trải qua quá trình thanh lọc tị nạn này những năm liền sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nếu đã trải qua quy trình thanh lọc thành công này, mà còn có óc kỳ thị nữa, thì quả thật tôi không thể hiểu được.
Óc kỳ thị, phân biệt, nhất là phân biệt chủng tộc (racism), như đã nói trước đây, là một loại niềm tin bệnh hoạn, bởi vì cuối cùng những kẻ cuồng tín tự cho mình đứng trên các sắc tộc khác, và đối xử tồi tệ với các sắc tộc họ coi thường.
Dù sao, trong những ngày qua, phong trào Black Lives Matter tại Mỹ và trên toàn thế giới đã cho tôi thêm niềm tin về con người. Những cuộc biểu tình bạo loạn, đánh cắp và phá hoại tài sản của người khác, tất nhiên là điều đáng lên án, không thể tán đồng. Nhưng phần lớn đều là ôn hòa, và cho mục tiêu hoàn toàn chính đáng. Chống lại cái sai, cái ác. Chúng ta đều biết rằng cái ác tiếp tục tồn tại bởi do sự lặng thinh của những người hiểu biết.
Tôi cũng lạc quan hơn khi thấy các bạn trẻngười Mỹ gốc Á, và nhiều cuộc biểu tình trên toàn thế giới trong gần hai tuần qua. Nó cho thấy người dân khắp nơi đã xuống đường bày tỏ sự đồng cảm với những người da màu ; với những mất mát lớn lao mà họ đã trải qua hơn 400 năm nay từ những óc kỳ thị chủng tộc. Lẽ ra, người Việt tự do cần nên tham gia ủng hộ mạnh mẽ vào các phong trào này. Bởi phong trào này và phong trào đấu tranh của Việt Nam hiện nay có cùng chung mục tiêu : nhân quyền. Quyền bình đẳng của mọi con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hay vì là thành viên của một nhóm đặc biệt nào đó. Mục tiêu chung khác là lên án mọi cái ác, lên án những cái chết trong hay ngoài đồn công an, dù người đó có vi phạm luật ra sao. Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Tất cả mọi vấn đề đều phải giải quyết bằng pháp luật hẳn hoi.
Nạn kỳ thị chủng tộc, đặc biệt đối với người Á Đông, gia tăng đáng kểtại Úc và nhiều nơi trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng lên toàn cầu. Tình trạng kỳ thị người Á Đông hay người Trung Quốc qua vụ này là hoàn toàn sai lầm về mặt đạo đức lẫn chiến lược. Đại đa số người dân Trung Quốc là nạn nhân của đại dịch này do chính sách bưng bít của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Người Trung Quốc không có tội tình gì nhưng lại bị kỳ thị. Lẽ ra chúng ta cần nêu đích danh những người có tội tại Bắc Kinh và Vũ Hán đã để hơn 7,5 triệu người trên toàn cầu trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19, với hơn 420 ngàn người chết cho đến nay. Nhưng vơ đũa cả nắm, nói rằng người Trung Quốc là nguyên nhân, thì không những vô lý, mà còn là cớ và cách chạy tội cho lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay. Không những thế, điều đó còn làm cho người dân Trung Quốc đứng về phía Bắc Kinh hơn.
Lẽ ra kỳ thị chủng tộc không nên có trong người Việt tự do. Bởi chúng ta là nạn nhân của tất cả sự phân biệt đối xử này. Nếu còn nhớ "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" thì chúng ta nên mang các quả thơm này tặng cho những người đến sau, và mang hạt mầm dân chủ đến người dân Việt Nam và trên toàn thế giới. Được như thế, đó là món quà đáng giá nhất để đền ơn cho những quốc gia đã cưu mang hàng triệu người Việt trên toàn thế giới suốt 45 năm qua.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 12/06/2020
Năm 2020, dù nhìn ở góc độ nào, soi dưới lăng kính nào thì cũng chỉ có thể nói rằng đây là một năm của biến cố, nhưng là biến cố do con người gây ra, có mức độ thiệt hại trầm trọng hơn gấp nhiều lần biến cố thiên nhiên. Bởi biến cố thiên nhiên có thể tạo ra một hoang địa, nhưng chỉ còn vài người sống sót thì hơi ấm tình người sưởi lấy họ để họ tiếp tục sống và sinh sôi. Nhưng biến cố do con người gây ra có mức độ thiệt hại và sát thương đến tàn khốc, bởi nó không chỉ sát thương thân thể, tàn phá đời sống mà nó sát thương tâm hồn và tàn phá trí tuệ, đẩy thế giới vào chỗ bi khốn. Và đáng sợ là những bóng ma cộng sản đã đội mồ đứng dậy giữa thế giới dân chủ.
Dấy động tinh thần dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cực đoan hay chống kỳ thị chủng tộc cực đoan… tất cả đều là sự ích kỉ, để đạt mục đích quyền lực, người ta đạp qua mọi thứ.
Tình trạng những quốc gia có thể chi phối thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Úc, Trung Quốc… trở nên bất ổn, vàng thau lẫn lộn, mọi thứ có thể bùng nổ bất kì giờ nào và trật tự thế giới có thể bị đảo lộn, rất khó để có thể yên tâm trước chính sự thế giới. Điều này đều do con người, do nhân tâm mà ra, mà nói chính xác hơn là do Trung Quốc gây ra.
Điều đáng sợ trong câu chuyện thế giới không phải là Trung Quốc đã ném ác vào nhân loại gây ra chết chóc mà vấn đề lại nằm ở chỗ chủ nghĩa cộng sản đã chết mấy chục năm nay ở các nước tư bản và những tưởng rằng nó vĩnh viễn chết dưới ngôi mộ của Marx nhưng không ! Ngôi mộ của Marx lại là một thứ trung tâm Vũ Hán khác và mọi thứ nguy hiểm nó để lại vẫn tiềm tàng, bàng bạc hiện hữu cho đến khi có chất xúc tác để nó lộ nguyên mặt.
Đảng cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc tung ra một phiên bản Corona mới có tên Covid-19 để làm cho thế giới điêu đứng vì dịch bệnh, chết chóc. Nhưng đó không phải là mục đích tối hậu, thứ họ cần lại là khơi dậy con virus cộng sản đang ngủ quên, và nó sẽ hoành hành thế giới theo một cách thế mới, một phiên bản mới, phiên bản "chống phân biệt chủng tộc" thay vì đấu tranh giai cấp hay chiêu bài "chủ nghĩa dân tộc" như trước đây. Đương nhiên, chống phân biệt chủng tộc là câu chuyện vốn dĩ lâu đời trên đất Mỹ, nhưng vấn đề chống theo phiên bản tân cộng sản dưới sự bảo trợ của các nhà pháp trị giả cầy là một bước mới trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản.
Bởi đừng nghĩ rằng cộng sản là các đảng viên cộng sản hoặc là những người lãnh đạo cộng sản, điều này chỉ đúng một phần với cộng sản Trung Quốc, với Tập Cận Bình, gia đình họ Kim hoặc một nhóm cực đoan ở trung ương cộng sản Việt Nam. Thực ra, hình thức và nội dung của cộng sản Việt Nam có thay đổi đáng kể so với Trung Quốc và các nước cộng sản khác, và trong một chừng mực nào đó, họ đã lai căng tư bản. Ngược lại, chính những người ăn cơm Tây, ở nhà Tây, làm việc trong cơ xưởng tư bản, học hành từ ngôi trường tư bản vẫn có thể là những tay đảng viên cộng sản ghê gớm, gắt máu. Lấy Việt Nam làm một ví dụ, trong sáu triệu đảng viên cộng sản, chắc chắn có chừng hai đến ba triệu là đảng viên cộng sản thứ thiệt, số còn lại, chẻ dọc từ trung ương xuống địa phương, tuy mang hình thức, dáng dấp cộng sản nhưng hầu như tư duy, nếp nghĩ của họ lại có gì đó rất chống cộng và "phản động".
Một ông bán bánh mì, một bà bán phở, một tay ma cô, một người bán vé số hay một cô làm gái điếm… (họ không có quyền lực, không có chỗ đứng trong xã hội) nhưng đầu óc luôn nuôi âm mưu, luôn rắp tâm đạp lên người khác để phát triển, ông bán bánh mì thì muốn hất bà bán phở ra khỏi lề đường để chỗ bán bánh mì rộng hơn và độc quyền bán thức ăn, gái điếm thì muốn hất bạn đồng nghiệp ra chỗ khác để giành khách, để độc quyền, tay ma cô cũng muốn hất bạn bè vào chỗ chết để trấn uy một cõi… Tất cả đều là thứ tư duy độc tài phái sinh và đó mới là cộng sản. Thế nên chi, trong đất nước hơn trăm triệu dân này, không chừng có đến 50 triệu mang máu cộng sản, mà cái đó mới đáng bàn, mới thành môi sinh cho cái cây cộng sản vươn cành đẻ nhánh.
Cũng như ở Mỹ, một quốc gia dân chủ, pháp luật, quản lý và mọi hành xử đều dựa trên căn bản dân chủ, tự do. Thế nhưng trong đại dịch, những người dân chủ quá khích đã mang súng xuống đường để phản đối cách ly, sau cái chết đáng thương của công dân gốc Phi, George Floyd hôm 25/5 thì liền sau đó, một trào lưu biểu tình kêu gọi chống kỳ thị chủng tộc có đan xen cướp bóc, phá hoại, thậm chí càng lúc càng phát triển tới đỉnh điểm, đốt phá, giết chóc… Tất cả những hành động này có gì đó giống với bạo động cách mạng của người cộng sản, để đạt mục đích, người ta bất chấp phương tiện man rợ cỡ nào. Và ở đây, đáng sợ hơn là có những người từng là lãnh đạo, mang danh dân chủ nhưng lại kêu gọi xuống đường ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng, ngay trong lúc tao loạn mà họ thừa biết rằng bất kì cuộc xuống đường nào cũng lẫn trong đó các thành phần hôi của, cướp bóc và đập phá, thậm chí bạo lực. Thế nhưng họ vẫn kêu gọi nhằm tạo dựng ra một thứ trào lưu mới xoay quanh vấn đề màu da và trên hết là mượn gió bẻ măng, mượn câu chuyện chủng tộc, mượn câu chuyện đại dịch Covid-19 để tranh thủ lá phiếu cử tri. Nghĩa là bất chấp !
Mà bất chấp lương tri, bất chấp phẩm hạnh, bất chấp đồng loại rên xiết, bất chấp nguy cơ thụt lùi của dân tộc để dấy động tinh thần dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cực đoan hay chống kỳ thị chủng tộc cực đoan… Tất cả đều là sự ích kỉ, để đạt mục đích quyền lực, người ta đạp qua mọi thứ. Thử nghĩ, đây có phải là cách làm của người cộng sản ? Rõ ràng, đây là hành động của người cộng sản. Và vô hình trung, chủ nghĩa cộng sản tái sinh, hoành hành trên đất Mỹ dưới vỏ bọc dân chủ, ngay trong những con người quen hô hào dân chủ. Và điều đó là một phát lộ đáng kể.
Có thể nói rằng cúm Vũ Hán là một cú bộc phá vào thành trì tưởng an toàn của y tế thế giới và tiếp theo đó, sự chết chóc, mức độ gây mỏi mệt kinh hồn của nó tiếp tục đánh phá vào thành trì dân chủ thế giới, để từ chỗ chết chóc và bệnh hoạn, thay vì người ta cảm nghiệm về sinh tử thì không, người ta đâm ra ích kỉ, nhỏ nhen và muốn chiếm đoạt càng nhiều càng tốt. Bởi có một móc xích cực kì quan trọng là hầu hết các nước thuộc thế giới tiêu dùng, thuộc nhóm tiến bộ đều ít quan tâm đến cái đói, miếng ăn, và khi sự cố xảy ra, người ta trở nên lúng túng về chuyện dự trữ cái ăn, mọi thứ trở nên cạn kiệt cấp thời. Tiếp theo là mức độ bức bối của người dân vốn quen đi lại, tự do theo nghĩa rộng vốn rất khác với sự chịu đựng của người dân xứ mất tự do. Điều này nhanh chóng dẫn đến hệ quả là các nước phương Tây nhanh chóng vỡ trận trước đại dịch, các nước phương Đông có thể chịu đựng và chống cự tốt hơn.
Đây cũng là lúc các bóng ma cộng sản đội mồ đứng dậy, mà đáng sợ hơn là chỗ, nếu gặp Marx, không chừng chúng cũng sẽ ăn tươi nuốt sống linh hồn ông bởi ông đã quá lạc hậu và quá hiền so với chúng ! Và thế giới sẽ ra sao ? Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của con người, cũng có thể là chấm dứt bởi những con ma tân cộng sản nhanh chóng lớn mạnh hoặc ngược lại, chúng lại phải tiếp tục ngủ yên dưới nấm mồ và ôm hận chờ đợi một lần nữa. Bởi, chắc chắn bóng ma cộng sản không bao giờ chết hẳn, chúng sẽ sống dậy khi sức mạnh dân chủ yếu đi và lòng đố kị, ích kỉ trỗi dậy ! Và đương nhiên, các gián điệp Hoa Nam sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội đổ thêm dầu vào lửa này
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/06/2020 (VietTuSaiGon's blog)
Biểu tình đang biến thành bạo động và gây hỗn loạn ở nhiều nơi trên nước Mỹ, nhưng vẫn mang lại nhiều cảm hứng lẫn tranh cãi về quyền biểu tình và giá trị của tự do trong cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam.
Người dân Đồng Tâm "biểu tình" đòi quyền lợi về đất đai.
So sánh giữa vụ đụng độ mới nhất giữa lực lượng công an và người dân tại Việt Nam dẫn đến chết người là vụ Đồng Tâm với vụ biểu tình đang diễn ra tại Mỹ vì cái chết của George Floyd – một người da đen bị cảnh sát da trắng người Mỹ ghì cổ dẫn đến tử vong – Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt từng tham gia biểu tình, bị bắt và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 2018, cho rằng yếu tố góp phần tạo ra tất cả các khác biệt trong hai trường hợp ở hai quốc gia là sự hiện diện của "một nền báo chí độc lập".
"Ở Mỹ, chúng ta thấy nhiều có cơ quan truyền thông tường trình những vụ hành xử tàn bạo của cảnh sát. Người dân, do được thông tin chính xác về những gì xảy ra, sau đó có thể gây áp lực lên chính quyền để đòi hỏi giải quyết bất công. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta không có nhiều tiếng nói để buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm. Việc tìm hiểu thông tin, chứng cứ trên thực tế rất khó khăn, nên cũng khó có công lý", Will Nguyễn nói với VOA.
Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình vào cuối tuần qua trên khắp nước Mỹ và ngay trước Nhà Trắng, khiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và gia đình phải xuống hầm trú ẩn một thời gian ngắn, CNN dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho hay.
Thông tin này và nhiều hình ảnh hỗn loạn của các cuộc biểu tình tại Mỹ đều được báo chí Việt Nam cập nhật chi tiết và liên tục, gây ra các cuộc tranh luận và so sánh trong cộng đồng mạng xã hội về sự khác biệt giữa biểu tình tại Việt Nam và tại Mỹ.
Đồng quan điểm với Will Nguyễn, Nguyễn Phúc Gia Huy – một nghệ sĩ diễn hài độc thoại và Vlogger được biết tiếng tại Việt Nam – nhận định trên Facebook cá nhân rằng "CHÍNH NGƯỜI MỸ đang ĐƯA TIN cho THẾ GIỚI thấy MỸ TỒI TỆ thế nào. Để làm gì ? Để LÃNH ĐẠO MỸ phải TÌM CÁCH làm cho HẾT TỒI TỆ".
Vlogger này nói thêm rằng ở nước Mỹ không có chuyện "giơ tay cao, khẽ giơ chân quá trớn" rồi "xử lí sau, khiển trách, kiểm điểm", mà cảnh sát bị bắt ngay sau khi gây chết người.
"Và không hề có chuyện giựt phone đang ghi hình, không hề có chuyện phạt toà soạn báo, phạt phóng viên, phạt người dân vì đã đưa hình ảnh xấu xí của Mỹ cho thế giới thấy", Vlogger của kênh "Dưa Leo" nhận xét.
Trong khi đó, Trịnh Kim Tiến, người từng trải nghiệm quá trình đòi công lý cho bố là ông Trịnh Xuân Tùng, người đã bị công an đánh vào cổ dẫn đến tử vong vào năm 2011, nói với VOA rằng tại Việt Nam, người dân "không có điều kiện để đi tìm công lý như bên Mỹ".
"Ở Việt Nam khác với Mỹ là khi có người dân chết mà liên quan đến công an, thì họ không có các (video) clip hay bằng chứng để đưa ra trước công luận. Rất ít bằng chứng được đưa ra trước công luận bởi vì không có sự giám sát độc lập cũng như việc những người xung quanh không dám đứng ra làm chứng".
Người phụ nữ đã biến thành "nhà hoạt động" bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam sau cái chết của bố nói thêm với VOA rằng : "Rất nhiều trường hợp người dân đã không thể đưa ra kêu cầu công lý vì khi họ biểu tình để đòi hỏi công lý cho việc người dân bị đánh chết thì lập tức những tham gia biểu tình bị quy kết vào các tội danh như chống người thi hành công vụ và phá hoại".
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người Việt cũng lên án những hành động cướp bóc, bạo lực, biến biểu tình ôn hoà trở thành bạo loạn tại một số nơi trên nước Mỹ. Nhưng như nhận xét của Tuấn Khôi, một người dân tại Vũng Tàu, với VOA, nhiều người cho rằng biểu tình ở Mỹ "là chuyện quá đỗi bình thường với một đất nước tự do".
"Đó là quyền đáng có của mỗi công dân, chính quyền ở Mỹ dựa vào điều đó để cải thiện đất nước", anh Tuấn Khôi nói.
Will Nguyễn tham gia cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Việt Nam vào tháng 6/2018.
Trong những năm gần đây, sau nhiều sự kiện lớn người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, phản đối Formosa gây ô nhiễm môi trường, phản đối dự luật đặc khu…, nhu cầu cần có Luật biểu tình tại Việt Nam đã được nhiều tầng lớp người dân lên tiếng và thúc đẩy.
Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, tại cuộc họp Quốc hội vào tháng trước, Bộ Công an viện lý do luật này "ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm" nên cần phải có thời gian "nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá", đồng thời phải hoàn thiện các luật liên quan như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí…
Kết quả là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình làm việc năm 2021, và dự luật tiếp tục rơi vào tình trạng "hoãn vô thời hạn" khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc.
"Thoạt nhìn, có vẻ như nguyên nhân gốc rễ của cái cuộc biểu tình là hoàn toàn khác nhau", ông Will Nguyễn so sánh các cuộc biểu tình ở Việt Nam và ở Mỹ. "Ở Việt Nam, đó là dự luật đang được xem xét tại Quốc hội. Ở Mỹ, biểu tình là để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng phân tích sâu hơn cho thấy cả hai sự kiện đều liên quan đến các vấn đề cốt lõi, nhạy cảm đã tồn tại kể từ khi lập quốc : Tại Việt Nam, nguy cơ mất chủ quyền khiến mọi người xuống đường ; Ở Mỹ, đó là lý tưởng chưa được hoàn thành, là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng".
Thạc sĩ Chính sách Công của Đại học Quốc gia Singapore nói thêm rằng "trong khi quyền biểu tình được đảm bảo bởi Hiến pháp của cả hai quốc gia, thì chỉ có ở Việt Nam, biểu tình vẫn bị xem là ‘bất hợp pháp’".
Theo Will Nguyễn, đây chính là lúc mà các nhà lập pháp Việt Nam nên "trả nợ người dân" bằng cách đưa ra Luật biểu tình để họ có thể thực thi các quyền căn bản của mình.
Khánh An
Nguồn : VOA, 01/06/2020