Biểu tình đang biến thành bạo động và gây hỗn loạn ở nhiều nơi trên nước Mỹ, nhưng vẫn mang lại nhiều cảm hứng lẫn tranh cãi về quyền biểu tình và giá trị của tự do trong cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam.
Người dân Đồng Tâm "biểu tình" đòi quyền lợi về đất đai.
So sánh giữa vụ đụng độ mới nhất giữa lực lượng công an và người dân tại Việt Nam dẫn đến chết người là vụ Đồng Tâm với vụ biểu tình đang diễn ra tại Mỹ vì cái chết của George Floyd – một người da đen bị cảnh sát da trắng người Mỹ ghì cổ dẫn đến tử vong – Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt từng tham gia biểu tình, bị bắt và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 2018, cho rằng yếu tố góp phần tạo ra tất cả các khác biệt trong hai trường hợp ở hai quốc gia là sự hiện diện của "một nền báo chí độc lập".
"Ở Mỹ, chúng ta thấy nhiều có cơ quan truyền thông tường trình những vụ hành xử tàn bạo của cảnh sát. Người dân, do được thông tin chính xác về những gì xảy ra, sau đó có thể gây áp lực lên chính quyền để đòi hỏi giải quyết bất công. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta không có nhiều tiếng nói để buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm. Việc tìm hiểu thông tin, chứng cứ trên thực tế rất khó khăn, nên cũng khó có công lý", Will Nguyễn nói với VOA.
Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình vào cuối tuần qua trên khắp nước Mỹ và ngay trước Nhà Trắng, khiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và gia đình phải xuống hầm trú ẩn một thời gian ngắn, CNN dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho hay.
Thông tin này và nhiều hình ảnh hỗn loạn của các cuộc biểu tình tại Mỹ đều được báo chí Việt Nam cập nhật chi tiết và liên tục, gây ra các cuộc tranh luận và so sánh trong cộng đồng mạng xã hội về sự khác biệt giữa biểu tình tại Việt Nam và tại Mỹ.
Đồng quan điểm với Will Nguyễn, Nguyễn Phúc Gia Huy – một nghệ sĩ diễn hài độc thoại và Vlogger được biết tiếng tại Việt Nam – nhận định trên Facebook cá nhân rằng "CHÍNH NGƯỜI MỸ đang ĐƯA TIN cho THẾ GIỚI thấy MỸ TỒI TỆ thế nào. Để làm gì ? Để LÃNH ĐẠO MỸ phải TÌM CÁCH làm cho HẾT TỒI TỆ".
Vlogger này nói thêm rằng ở nước Mỹ không có chuyện "giơ tay cao, khẽ giơ chân quá trớn" rồi "xử lí sau, khiển trách, kiểm điểm", mà cảnh sát bị bắt ngay sau khi gây chết người.
"Và không hề có chuyện giựt phone đang ghi hình, không hề có chuyện phạt toà soạn báo, phạt phóng viên, phạt người dân vì đã đưa hình ảnh xấu xí của Mỹ cho thế giới thấy", Vlogger của kênh "Dưa Leo" nhận xét.
Trong khi đó, Trịnh Kim Tiến, người từng trải nghiệm quá trình đòi công lý cho bố là ông Trịnh Xuân Tùng, người đã bị công an đánh vào cổ dẫn đến tử vong vào năm 2011, nói với VOA rằng tại Việt Nam, người dân "không có điều kiện để đi tìm công lý như bên Mỹ".
"Ở Việt Nam khác với Mỹ là khi có người dân chết mà liên quan đến công an, thì họ không có các (video) clip hay bằng chứng để đưa ra trước công luận. Rất ít bằng chứng được đưa ra trước công luận bởi vì không có sự giám sát độc lập cũng như việc những người xung quanh không dám đứng ra làm chứng".
Người phụ nữ đã biến thành "nhà hoạt động" bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam sau cái chết của bố nói thêm với VOA rằng : "Rất nhiều trường hợp người dân đã không thể đưa ra kêu cầu công lý vì khi họ biểu tình để đòi hỏi công lý cho việc người dân bị đánh chết thì lập tức những tham gia biểu tình bị quy kết vào các tội danh như chống người thi hành công vụ và phá hoại".
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người Việt cũng lên án những hành động cướp bóc, bạo lực, biến biểu tình ôn hoà trở thành bạo loạn tại một số nơi trên nước Mỹ. Nhưng như nhận xét của Tuấn Khôi, một người dân tại Vũng Tàu, với VOA, nhiều người cho rằng biểu tình ở Mỹ "là chuyện quá đỗi bình thường với một đất nước tự do".
"Đó là quyền đáng có của mỗi công dân, chính quyền ở Mỹ dựa vào điều đó để cải thiện đất nước", anh Tuấn Khôi nói.
Will Nguyễn tham gia cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Việt Nam vào tháng 6/2018.
Trong những năm gần đây, sau nhiều sự kiện lớn người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, phản đối Formosa gây ô nhiễm môi trường, phản đối dự luật đặc khu…, nhu cầu cần có Luật biểu tình tại Việt Nam đã được nhiều tầng lớp người dân lên tiếng và thúc đẩy.
Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, tại cuộc họp Quốc hội vào tháng trước, Bộ Công an viện lý do luật này "ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm" nên cần phải có thời gian "nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá", đồng thời phải hoàn thiện các luật liên quan như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí…
Kết quả là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình làm việc năm 2021, và dự luật tiếp tục rơi vào tình trạng "hoãn vô thời hạn" khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc.
"Thoạt nhìn, có vẻ như nguyên nhân gốc rễ của cái cuộc biểu tình là hoàn toàn khác nhau", ông Will Nguyễn so sánh các cuộc biểu tình ở Việt Nam và ở Mỹ. "Ở Việt Nam, đó là dự luật đang được xem xét tại Quốc hội. Ở Mỹ, biểu tình là để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng phân tích sâu hơn cho thấy cả hai sự kiện đều liên quan đến các vấn đề cốt lõi, nhạy cảm đã tồn tại kể từ khi lập quốc : Tại Việt Nam, nguy cơ mất chủ quyền khiến mọi người xuống đường ; Ở Mỹ, đó là lý tưởng chưa được hoàn thành, là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng".
Thạc sĩ Chính sách Công của Đại học Quốc gia Singapore nói thêm rằng "trong khi quyền biểu tình được đảm bảo bởi Hiến pháp của cả hai quốc gia, thì chỉ có ở Việt Nam, biểu tình vẫn bị xem là ‘bất hợp pháp’".
Theo Will Nguyễn, đây chính là lúc mà các nhà lập pháp Việt Nam nên "trả nợ người dân" bằng cách đưa ra Luật biểu tình để họ có thể thực thi các quyền căn bản của mình.
Khánh An
Nguồn : VOA, 01/06/2020