Có bốn lý do : Thứ nhất,lãnh đạo Việt Nam sợ chính quyền Trung Quốc phật ý. Thứ hai, sợ người dân Việt Nam biết sự thật về Trung Quốc. Thứ ba,thật sự Ban Tuyên giáo đang lúng túng không biết xử lý ra sao.Và thứ tư, nguyên nhân bao trùm nhất : Đấu tranh nội bộ trên thượng tầngBa Đình hiện đangvào hồi bung bét.Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương không đưa tin về những vụ biểu tình trên "đất nước bạn".
Dân Thượng Hải đụng độ giới y tế trong trang phục bảo hộ tại Thượng Hải, 30 tháng 11.
Lý do thứ nhất là hết sức thuyết phục
Đảng trưởng Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm "lịch sử" Trung Quốc cách đây một tháng. Tại đấy, chắc hẳn ông Tập đã "dặn dò" ông Trọng, về nhà phải hết sức nâng cao cảnh giác trước các "cuộc cách mạng màu", đặc biệt là phải hết sức canh chừng, không được để cho bất cứ ai can thiệp vào bước tiến chung giữa hai đảng hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay "nền tảng thể chế" trong sự phát triển giữa hai nước.Cho dù cam kết này chỉ được tìm thấy trên Đài truyền hình Trung Quốc, chứ không có trong các bản tin của TTXVN.
Không để truyền thông trong nước cho người dân Việt Nam biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu thâm ý sâu xa "lời dặn" của Tập. Bằng chính sách "Zero Covid", Đảng cộng sản Trung Quốc muốn khẳng định với thế giới rằng, Bắc Kinh có một giải pháp "ưu việt hơn" so với các giải pháp của Mỹ và các nước phương Tây về chống dịch. Kiểm soát và phong tỏa là những công cụ hiệu quả nhất. Qua đó, Bắc Kinh muốn chứng minh "thế thượng phong" của một chế độ "độc tài và toàn trị" đối lập với mô hình "dân chủ và tự do". Vậy, một khi công luận Trung Quốc không còn bị ru ngủ nữa, thì làm thế nào elites lãnh đạo ở Trung Nam Hải có thể giữ được uy tín cho Đảng cộng sản Trung Quốc và uy tín của chính Tập Cận Bình ? Cho nên "đánh bài lờ" là cách tốt nhất !
Lý do thứ hai, liên quan rất chặt chẽ với lý do thứ nhất
Đảng cộng sản Việt Nam run sợ, nếu người dân Việt Nam biết hết mọi sự thật về Trung Quốc của Tập Cận Bình sau Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc. Khi Trung Nam Hải đón ông Trọng tại Bắc Kinh hôm 1/11/2022, dường nhưcả hai Tổng bí thư vẫn chưa hết xúc động sau 21 loạt đại bác chào mừng. Xem cách Tổng bí thư "khoe" với cử tri Hà Nội về việc Trung Quốc đã nghênh tiếp ông như thế nào, cho thấy ông Trọng vẫn còn choáng ngợp trước :
"bốn hướng mênh mông, bao la trời đất
… bánh xe quay trong gió, bánh xe quay
cuốn hồn ta như tỉnh như say
như lịch sử chạy nhanh trên đường thép
đưa ta đến một ngày mai tuyệt đẹp…" (*)
Vì vậy, Hà Nội không bao giờ muốn – và cũng không bao giờ dám – lan truyền những hình ảnh mang tính đoàn kết và chia sẻ sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc từ khắp 30 thành phố, với bối cảnh cũng rất quen thuộc như Việt Nam vào một năm trước. Món nợ của chính quyền Bắc Kinh bất lực không thể đối phó được với giải pháp chống dịch, chỉ có cách duy nhất là giam nhốt người dân, dường như là một mô tả gián tiếp về sai lầm đang được chia đôi của hai nước có "vận mệnh tương thông". Nếu Việt Nam có một nền kinh tế dẻo dai và đủ mạnh, có thể "đóng cửa" như Trung Quốc hiện nay, thì có lẽ giờ này, nhiều thành phố ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục trong tình cảnh phong tỏa tương tự. Với "metaphor" còn ngây ngất trước nhựng tụng ca dành cho nhau,
"hai ngọn cờ đỏ máu thơm tươi
chiến thắng ôm nhau, biên cương mở hội..."(**)
Việt Nam không thể đưa bất cứ tin tức gì bất lợi cho "nước lạ" là điều dễ hiểu.
Lý do thứ ba, hiện Ban Tuyên giáothật sự đang lúng túng không biết xử lý ra sao
Từ trước tới nay cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã hô hào nhiều về những thành tích vượt bậc của các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc… Vậy làm thế nào để đảo ngược thế cờ ? Một thế khó nữa của Trung Quốc đó là đích thân ông Tập Cận Bình đã mang hết uy tín của mình ra để áp đặt chính sách "Zero Covid", vậy làm thế nào để tìm được một ngõ thoát mà tránh để "lãnh tụ tối cao" này phải nhìn nhận sai lầm. Trong những điều kiện đó, giới phân tích cho rằng chế độ Trung Quốc không sợ những người biểu tình trên 30 thành phố, vì Đảng và Nhà nước đang có trong tay nhiều công cụ đàn áp khá hữu hiệu. Điều mà ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ hơn cả, có lẽ là sự hoài nghi, chán ngán ngấm ngầm lan rộng trong số gần 1,5 tỷ dân tại quốc gia này.
Ban Tuyên giáo của Hà Nội không hiểu được, tại một quốc gia với một bộ máy kiểm duyệt và theo dõi công dân càng lúc càng chặt chẽ như ở Trung Quốc, động cơ nào thúc đẩy người dân xuống đường, thanh niên tập hợp nơi các cư xá đại học ? Người biểu tình giương cao một tờ giấy trắng, họa hoằn lắm mới vang lên những khẩu hiệu "đòi tự do", hay khẩu hiệu "không cần xét nghiệm mà cần thức ăn". Cũng có những biểu ngữ thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Tân Cương sau vụ một chung cư bị hỏa hoạn. Nhân viên cứu hỏa chậm đến hiện trường do các biện pháp "phong tỏa chống dịch". Chỉ có một vài nơi hô hào đòi lãnh đạo Trung Quốc "từ chức". Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trước làn sóng phẫn nộ này từ một phần công luận Trung Quốc và kèm theo là câu hỏi khát vọng "tự do" đó có là một mối đe dọa đối với Đảng cộng sản Trung Quốc hay không ? Theo chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, thuộc trường Cao đẳng Thương mại Pháp ESSEC và Harvard Kennedy School, trước hết đâ y là tình trạng "bất mãn đã âm ỉ trong xã hội" từ cuối 2019 tới nay. Chủ trương chống dịch triệt để của Bắc Kinh với người chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Tập Cận Bình, đã đẩy hàng chục triệu dân Trung Quốcvào tình cảnh như "những tù nhân bị giam lỏng" và biến nhiều thành phố thành "những nhà tù khổng lồ".
Lý do thứ tư, và có thể đây là lý do bao trùm, đấu tranh nội bộ trên thượng tầng Ba Đình hiện đang vào hồi bung bét
Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương không "khuấy đảo" những vụ biểu tình trên "đất nước bạn" làm gì cho thêm phần phức tạp. Đấu tranh nội bộ trên thượng tầng Ba Đình không phải xuất hiện trong tuần này, tháng này. Nó như một cơn "địa chấn" đang rung lắc cả bốn cái ghế trong "Tứ trụ" suốt cả một năm nay. Sáng sáng, người dân trong cả nước thức dậy với câu hỏi đầu tiên là, hôm nay có vụ "té lầu" (hay "đẩy té lầu" nào thêm không ?). Lại có tin lan truyền khắp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, hoặc cũng có thể trong tháng này, sẽ có họp Trung ương bất thường, sau đó sẽ có họp Quốc hội bất thường.Cái tin Quốc hội thì đã được kiểm chứng. Còn tin Trung ương họp bất thường thì chưa, nhưng Quốc hội xử lý những vấn đề "cấp bách" nào thì dứt khoát phải do Trung ương "cầm tay chỉ việc" chứ !
Một ngẫu nhiên của lịch sử, 25 năm sau sự biến Thái Bình (nổ ra năm 1997), năm nay, tổng kết của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về vụ "nổi dậy" ngày ấy đang được ôn lại. Rằng, ngọn lửa của sự bất bình từ người dân đang cháy lên ngay dưới những chiếc ghế của lãnh đạo. Và bây giờ, sự bất mãn ấy đã biến thành những con mối. Chưa biểu hiện ra bên ngoài, nhưng chúng âm thầm ăn ruỗng nát trụ đỡ của lòng dân, kể cả vào các thiết chế cao nhất. Nếu suốt 25 năm trời mà những người cầm quyền vẫn hư hỏng, vẫn thoái hóa, biến chất, đè nén, áp bức… thì đó không còn là lỗi thuộc về những cá nhân cụ thể nữa. Nó đã trở thành khiếm khuyết trầm trọng của cả hệ thống. Ôi ! Chỗ này thì Việt Nam và Trung Quốc quả thực là "song song đôi mặt như gương với hình" (***). Vậy thì đưa tin tiêu cực về "nước lạ" làm gì cho rách việc.
Hải Lê
Đảng sợ gì ?
Ngày 27 tháng 11, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về các cuộc biểu tình đang lan rộng ở Trung Quốc. Nguyên nhân là do người dân Trung Quốc bất mãn với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quá nghiêm ngặt.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trong đêm thứ Bảy và sáng Chủ Nhật ngày 27/11/2022, sau khi xảy ra một vụ hỏa hoạn gây chết hàng chục người.
Vụ cháy xảy ra tại một toà nhà ở Urumqi, Tân Cương. Ngọn lửa bốc lên tại một căn hộ ở tầng 15 và lan rộng đến tầng 17. Toà nhà này nằm trong vùng thuộc diện rủi ro Covid thấp, nghĩa là không bị phong tỏa. Nhưng khi xe cứu hỏa đến thì phải chờ công nhân dỡ bỏ các rào chắn bao bọc xung quanh tòa nhà. Mất rất nhiều thời gian mới khai thông được lối vào hiện trường, làm cho người dân phải thiệt mạng oan ức. Ngọn lửa đã thiêu chết 10 người và làm 9 người khác bị thương nặng.
Bị dồn nén lâu ngày, người dân vùng lên biểu tình khắp nơi. Sinh viên trường Đại học Công nghệ ở thủ phủ của Hà Bắc đã xếp nến trên nền đất, tạo thành các con số 11.24, để tưởng niệm thảm kịch xảy ra hôm thứ Năm 24/11.
Tham gia vào phong trào biểu tình rộng khắp có thành phần sinh viên, một thành phần vừa có kiến thức vừa có lòng nhiệt huyết. Sinh viên Viện Thông tin và Truyền thông Nam Kinh xuống đường hô to khẩu hiệu : "Nhân dân muôn năm, cầu cho người đã mất được yên nghỉ !". Ở Bắc Kinh, học sinh mắc những chiếc khẩu trang màu xanh dương nhuốm mực đỏ trên các lan can cầu thang của Học viện Điện ảnh. Còn tại Đại học Nông nghiệp Cáp Nhĩ Tân, những thông điệp dán trên kính cửa sổ với hàng chữ màu đỏ : "Không tự do là chết ! Tưởng nhớ các nạn nhân ở Urumqi". Biểu tình cũng lan tới Thượng Hải.
Những hình ảnh và tiếng kêu la của nạn nhân được lưu truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, đánh thức một giới trẻ đã quá mệt mỏi vì những đợt phong tỏa lặp đi lặp lại nhiều lần. Những cuộc tưởng niệm, phần lớn là thầm lặng, vì chính sách kiểm duyệt gắt gao. Ở Nam Kinh, sinh viên đứng bất động như những bức tượng, tay cầm những tờ giấy màu trắng giống như những cuộc biểu tình tại Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Tình hình Trung Quốc căng như dây đàn, báo chí quốc tế đưa tin rầm rộ. Vậy mà 800 tờ báo của Việt Nam im thin thít không có một mẩu tin nào, cho dù rất ngắn. Nếu là biểu tình vì chống chính sách phòng chống dịch Covid hà khắc, thì sao báo chí Nhà nước không dám đưa tin. Đảng Cộng sản Việt Nam đang sợ điều gì ?
Chế độ Cộng sản Trung Quốc vốn là hình mẫu của Cộng sản Việt Nam. Những mâu thuẫn nội tại bên trong xã hội Trung Quốc thì Việt Nam cũng gặp phải. Có điều, Trung Quốc đi trước và thường hành động quyết liệt hơn nên khủng hoảng cũng xảy ra trước và gay gắt hơn.
Biểu tình ở Thượng Hải
Những bức xúc trong xã hội Việt Nam tương tự như Trung Quốc, chỉ cần một ngòi nổ thích hợp thì nó có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ định ngầm cho báo chí không được hé răng về vấn đề này. Nếu dám nói về nó, sợ rằng sẽ đánh thức tinh thần yêu tự do của người dân thì Đảng sẽ lâm nguy.
Việc ông Tập cận Bình ở lại nhiệm kỳ thứ ba không những gây bất mãn trong Đảng mà còn gây bất mãn trong dân. Cộng với chính sách cấm đoán hà khắc đã làm cho người dân bị đẩy tới giới hạn chịu đựng. Tại Việt Nam, dù phong toả Covid đã qua, nhưng khủng hoảng kinh tế thì ngày một lộ diện, nếu giải quyết không xong, rất có thể người Việt Nam cũng sẽ xuống đường phản đối.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương không cho báo chí đăng tin về biểu tình ở Trung Quốc
Đảng Cộng sản Việt Nam đang lo đấu đá nhau tranh giành ghế rất khốc liệt. Kinh tế thì tan nát và người dân thì đang bị mất tiền mà không biết cầu cứu ai. Chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã cho thấy sự yếu kém của nó. Mà những yếu kém đó đang đổ hậu quả lên đầu người dân lương thiện. Dù cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa có bóp miệng báo chí nhưng tin tức vẫn tới được với người dân. Các tờ báo tiếng Việt không thuộc sự quản lý của Nhà nước Cộng sản sẽ thực hiện điều đó, trong đó có Thoibao.de.
Minh Tâm (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 30/11/2022