Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời đầu tiên, các ý kiến trong bài viết chủ yếu được lấy từ cuốn ‘Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường tài chính’ của tác giả Frederic Mishkin (The Economics of Money, Banking and Financial Markets) xuất bản năm 1986. Mọi ý kiến phản biện vui lòng phản biện trực tiếp tác giả cuốn sách bằng các nghiên cứu khoa học. Người viết bài không có trách nhiệm giải trình những yêu cầu về vấn đề mang tính xác thực. Một lưu ý khác là tất cả những ý kiến thảo luận trong bài viết này mang tính lý thuyết để giải thích những vấn đề của bất động sản tại Việt Nam, mọi sự trùng hợp đều là do tính thực nghiệm của lý thuyết và lý luận của người viết.

Tiếp nối bài viết ‘Bất động sản và vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam’ của tác giả Quốc Bảo đăng trên website Thông Luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày 20/3/2023, bài viết này hi vọng cung cấp một số kiến thức kinh tế mang tính đại chúng (phổ cập) nhằm cung cấp một góc nhìn rõ ràng hơn về căn bệnh kinh tế tại Việt Nam.

1. Kim tự tháp Ponzi

Vào những năm 1920, Charles Ponzi đã gây ra vụ lừa đảo kinh tế tai tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ đến mức mô hình lừa đảo được đặt theo tên của ông. Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi giống với cách mà người Việt Nam hay gọi là “lừa đảo đa cấp”, trong đó một người hoặc tổ chức vận động những người dân và nhà đầu tư mang tiền về cho họ với lời hứa lợi suất cao trong thời gian ngắn nhất, nhưng thực tế công việc hằng ngày của những người đứng đầu không phải là tập hợp nguồn tiền đó để đi đầu tư vào các hoạt động mang lại lợi nhuận mà sẽ cố gắng “chiêu dụ” càng nhiều người mới càng tốt và dùng tiền của người mới để trả cho các nhà góp vốn cũ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người ta nhận thấy rằng những ngân hàng không còn đảm bảo khả năng thanh khoản nữa sẽ vô tình hoặc cố ý dùng cách làm của kim tự tháp Ponzi với hy vọng kéo dài đời sống ngân hàng nhưng trớ trêu thay, càng nhúng sâu càng khó thoát, mô hình Ponzi từ khi sinh ra đã định sẵn số phận sẽ phải sụp đổ khi sức nặng của kim tự tháp quá lớn.

Cụ thể hơn, các ngân hàng Mỹ lúc đó đã có một cải tiến mới giúp hoạt động kinh doanh bất động sản trở nên sầm uất: chứng khoán hóa nợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần vốn vay, họ sẽ huy động từ nhiều kênh và ngân hàng là một trong số đó, tâm lý của các nhà quản lý doanh nghiệp vào thời điểm trước cuộc khủng hoảng rất lạc quan, họ nghĩ rằng thay vì huy động bằng cổ phiếu, nợ sẽ là đòn bẩy tuyệt vời để nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và họ vay ngân hàng số tiền lớn.

Các ngân hàng Mỹ lúc đó cũng thấy tín hiệu thị trường rất lạc quan và họ thấy rằng việc chờ khoản nợ đáo hạn sẽ gây ra chi phí cơ hội không đáng có, họ ‘chứng khoán hóa’ các khoản nợ doanh nghiệp và đem đi bán để lấy tiền cho vay tiếp, vòng lặp đó liên tục được lặp đi lặp lại cho đến khi nhu cầu nhà ờ đã bão hòa và cung nhà ở thì quá thừa, kết quả là giá bất động sản giảm. Một cơn bão nổi lên, các nhà đầu tư hoảng loạn rút vốn tại các doanh nghiệp và công ty tài chính, ngân hàng thì ngắc ngoải vì không thu hồi được nợ và để duy trì hoạt động ngân hàng, họ phải dùng “chiêu lừa đảo Ponzi” (lấy tiền gửi của người đến sau để trả tiền cho người gửi tiền trước), vòng xoáy khủng hoảng thanh khoản chưa giải quyết được hết thì lại gặp vòng xoáy Ponzi kéo theo hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư phá sản, giá cổ phiếu của các công ty được đánh giá là có triển vọng tốt nhất tụt thảm hại chỉ sau vài giờ cuộc khủng hoảng được kích hoạt. Cho đến bây giờ, hai quốc gia đam mê GDP là Việt Nam và Trung Quốc vẫn chấp nhận chơi trò chơi rủi ro này để bây giờ nhận hậu quả giống nhau – nền kinh tế yếu về công nghiệp phụ trợ và phụ thuộc nặng vào ngành xây dựng.

KOREA NORTH

Cho đến bây giờ, hai quốc gia đam mê GDP là Việt Nam và Trung Quốc vẫn chấp nhận chơi trò chơi rủi ro này để bây giờ nhận hậu quả giống nhau – nền kinh tế yếu về công nghiệp phụ trợ và phụ thuộc nặng vào ngành xây dựng.

2. Bảo lãnh – một cách dùng từ gian trá

Những người có nghiên cứu ngành tài chính đều hiểu rằng các nhà môi giới sẽ được hưởng mức phí hoa hồng tỷ lệ thuận với số chứng khoán họ đã chào bán được cho nhà đầu tư vì thế các nhà môi giới có xu hướng phóng đại tiềm năng của chứng khoán đó với những lời hứa hẹn về tỷ suất sinh lợi cao hơn lãi suất ngân hàng. Thủ thuật thuyết phục khách hàng thiếu hiểu biết rất đơn giản: “bảo lãnh + chênh lệnh lãi suất = lùa gà”, chữ “bảo lãnh” thường được nhà đầu tư Việt Nam hiểu là “bảo lãnh thanh toán” chứ không phải là “bảo lãnh phát hành” nên đã tạo điều kiện cho nhà môi giới dắt mũi. Do đó việc các ngân hàng (thường đóng vai trò nhà môi giới, bên trung gian phát hành chứng khoán) từ chối nhận trách nhiệm và thanh toán số tiền vốn cho các nhà đầu tư là chuyện bình thường vì họ không bảo lãnh thanh toán nhưng xét về khía cạnh đạo đức thì họ đã lợi dụng uy tín của bản thân để “lùa” các nhà đầu tư vào những dự án dưới chuẩn của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp tốt sẽ có đủ điều kiện để phát hành chứng khoán trên sàn giao dịch nhưng một doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả thì họ không có khả năng huy động vốn như vậy nên con đường họ buộc phải đi là huy động trực tiếp từ nhà đầu tư qua môi giới là các định chế tài chính. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam không thể niêm yết trên sàn chứng khoán được nữa vì khoản thua lỗ do giá bất động sản đóng băng khiến bản báo cảo tài chính và bản cáo bạch của họ kém hấp dẫn trong mắt Ủy ban chứng khoán nhà nước. Các doanh nghiệp bất động sản cũng không thể huy động vốn từ ngân hàng vì chính ngân hàng đang là chủ nợ của họ và cũng là con nợ của các ngân hàng khác nên rất khát thanh khoản. Họ cũng không thể huy động vốn bằng cách bán bớt tài sản cố định dài hạn của doanh nghiệp vì nền kinh tế đang chậm lại, việc mua bán các tài sản có tính thanh khoản thấp như vậy không khả thi và trong khi đó thời kỳ “lùa gà” chấm dứt sau sự sụp đổ của Vạn Thịnh Phát.

Kết quả họ cầu cứu chính phủ cứu họ vào ngày 17/2/2023, kết luận của 'Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững' mang tính chung chung, nặng về chỉ thị và quan trọng nhất là vẫn muốn cứu những kẻ hút máu nền kinh tế. Giải pháp an toàn và lâu dài đó là để sụp đổ các tập đoàn bất động sản một cách từ từ trong khi đó phải chú trọng đến ngành sản xuất nhưng tiếc thay, người Việt vẫn thích tư duy “không làm mà vẫn có ăn”.

3. Hiệu ứng domino

Khi một ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản (đến mức dùng cả dự trữ bắt buộc) như trường hợp của SCB thì hệ thống ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng vì:

Thứ nhất là các ngân hàng thương mại nợ nhau với lãi suất qua đêm để giải quyết nhu cầu thanh toán trong một ngày, khi một ngân hàng khủng hoảng, những ngân hàng khác cũng gặp vấn đề thanh khoản ngắn hạn trong ngày.

Thứ hai, việc không thu hồi được các khoản nợ xấu sẽ khiến ngân hàng thương mại sử dụng “mô hình Ponzi” để giải quyết nhu cầu thanh khoản, làm tăng tính trầm trọng của vấn đề. Đặc biệt nếu ngân hàng này dùng khoản tiền gửi của người dân để trả nợ cho các định chế tài chính khác.

Thứ ba, khi một ngân hàng đang khủng hoảng tăng lãi suất để cứu vãn tình thế (trường hợp nó tăng lãi suất cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại khác là vì nó đang dùng lãi suất chiết khấu của ngân hàng trung ương có nghĩa là nó đã bị ngân hàng trung ương tiếp quản), nó buộc các ngân hàng khác cũng phải tăng lãi suất để giữ vững tính thanh khoản, điều này sẽ rất tệ trong một nền kinh tế ảm đạm vì lãi suất tăng cao nghĩa là các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất được nữa.

Thứ tư việc một ngân hàng khủng hoảng sẽ khiến người dân đổ xô nhau đi rút tiền nhưng không chỉ rút tiền tại ngân hàng khủng hoảng, tâm lý bầy đàn sẽ khiến mọi người rút tiền ở cả những ngân hàng khác vì họ cảm thấy bị đe dọa khi gửi tiền tại ngân hàng và muốn chuyển sang kênh trú ẩn an toàn hơn là vàng, ngoại tệ.

Thứ năm, ngân hàng trung ương nếu cứ phải in tiền để cứu các ngân hàng thương mại thì lạm phát sẽ vượt mức kiểm soát và kết quả là sự sụp đổ của cả nền kinh tế lẫn chế độ chính trị.

Thường các ngân hàng thương mại khi gặp khủng hoảng sẽ được xử lý theo hai bước: ngân hàng trung ương mua lại giấy tờ có giá trị của ngân hàng thương mại (trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ngân phiếu…) và tái cấp vốn (ngân hàng trung ương tiếp quản với giá 0 đồng cùng khoản nợ của ngân hàng thương mại và đổ thêm tiền vào ngân hàng thương đó). Cách làm này chỉ phổ biến tại các quốc gia mà chính quyền ít có sự tín nhiệm của dân chúng. Làm sao có thể ngủ ngon trong khi tiền của bản thân sẽ không được hoàn trả lại khi một ngân hàng sụp đổ và nhà nước nói “nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư”? Một nhà nước như vậy là một nhà nước vô dụng vì chí ít nếu không thể hoàn trả được tiền mà nhà đầu tư đã mất, nhà nước đó phải tạo ra một thị trường tiệm cận với thị trường hoàn hảo nhất có thể để mọi thông tin đầu tư được công khai minh bạch và ai cũng có thể tiếp cận với nguồn thông tin đó thì nhà nước mới có quyền từ chối chịu trách nhiệm.

Tiếp theo hãy xem xét hiệu ứng domino có ảnh hưởng tới tài chính của các doanh nghiệp như thế nào.

Khi một doanh nghiệp gặp khủng hoảng và có nguy cơ phá sản, điều đầu tiên mà ngân hàng làm đó là siết nợ để “chuồn” trước, còn các công ty tài chính quản lý các quỹ đầu tư chứa danh mục đầu tư bao gồm các loại chứng khoán của doanh nghiệp khủng hoảng đó, họ sẽ cố cân bằng lại danh mục bằng cách bán tháo (nếu nhà đầu tư từ chối thực hiện việc nộp tiền sau lệnh “call margin”), sau khi bán hết các loại chứng khoán của doanh nghiệp khủng hoảng nhưng vẫn không thu hồi đủ số vốn, các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục bán tháo các loại chứng khoán của các doanh nghiệp khác dẫn đến sự sụt giảm giá chứng khoán trên thị trường, kết quả những doanh nghiệp đang hoạt động tốt vẫn có thể bị “bay màu” nếu giá chứng khoán rớt quá thảm do các quỹ đã bán tháo chứng khoán của nó.

Hiện tại khoảng hơn 70% nợ mà Vietcombank đang nắm giữ là bất động sản – một tài sản có tính thanh khoản thấp trong thời điểm khó khăn hiện nay và để xử lý cục nợ này, Vietcombank đã đem đi đấu giá kể cả khi có những khoản nợ mà công ty đã mất khả năng thanh khoản. Để tránh bị nhầm lẫn, cần phân biệt với “phát mại”, phát mại là hành động của ngân hàng bán các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp khi doanh nghiệp không trả được nợ. Ở trường hợp của Vietcombank thì tệ hơn, các doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo để trả nợ nên ngân hàng phải đi bán nợ của doanh nghiệp.

Việc bán nợ bản chất không vi phạm pháp luật, cái làm nên “thương hiệu” của Việt Nam là hạn chế thông tin nên nhiều khi việc đẩy nợ như vậy sẽ gây thiệt hại cho bên mua lại nợ, đương nhiên có một số quý độc giả sẽ thấy khó hiểu vì họ chỉ cần biết số nợ nhưng các nhà phân tích tài chính cần nhiều hơn thế, họ cần biết những thông tin nội bộ của công ty đang trên bờ vực phá sản như cấu trúc quản lý, thông tin các dự án, dòng tiền của công ty, lợi suất của mỗi dự án, chính sách chi trả cổ tức…Một doanh nghiệp có vòng quay bán hàng thấp thì không còn lý do gì để cứu nữa và đó chính là trường hợp của các công ty bất động sản.

xangdau0

Khoảng nửa năm trước, tình trạng thiếu hụt xăng dầu trở nên sôi nổi và đề tài bàn luận lúc đó là “tiền đâu”? Thực chất lúc đó tiền không thiếu, tiền rất nhiều trong nền kinh tế nhưng vì các vụ tai tiếng của bất động sản và ngân hàng nên tiền không chạy vào nền kinh tế nữa mà ứ đọng trong các hộ gia đình vì họ lo sợ nền kinh tế sẽ xấu và muốn tiết kiệm tiền.

4. Khát nhưng no

Khoảng nửa năm trước, tình trạng thiếu hụt xăng dầu trở nên sôi nổi và đề tài bàn luận lúc đó là “tiền đâu”? Thực chất lúc đó tiền không thiếu, tiền rất nhiều trong nền kinh tế nhưng vì các vụ tai tiếng của bất động sản và ngân hàng nên tiền không chạy vào nền kinh tế nữa mà ứ đọng trong các hộ gia đình vì họ lo sợ nền kinh tế sẽ xấu và muốn tiết kiệm tiền. Ngân hàng nhà nước có 2 cách chính để hút VND (Việt Nam Đồng) ngược trở về phía họ: bán ngoại tệ mua lại VND, bán trái phiếu và các loại giấy tờ có lãi suất phi rủi ro bởi lẽ nếu bơm tiền vào nền kinh tế một lần nữa để cứu thị trường bất động sản và tài chính thì lạm phát sẽ tăng lên vì tiền vẫn còn trong túi các hộ gia đình.

Sự không sẵn sàng của các định chế tài chính trong vấn đề cấp vốn cho các doanh nghiệp trước tình hình nền kinh tế khó khăn sẽ buộc ngân hàng nhà nước hạ lãi suất dự trữ vượt mức (các ngân hàng thương mại sẽ phải đóng thêm phí nếu gửi tiền vào ngân hàng nhà nước với lãi suất dự trữ âm nên việc hạ lãi suất này kích thích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay bên ngoài hơn là gửi lại tiền về cho ngân hàng nhà nước).

Chúng ta có thể hiểu rằng lúc đó thị trường thừa tiền nhưng tiền không ở trong các doanh nghiệp mà ở trong các hộ gia đình nên nền kinh tế Việt Nam khi ấy “vừa khát vốn nhưng cũng vừa no tiền” vì dòng vốn không được dẫn dắt đến nơi nó cần. Lúc đó ngân hàng nhà nước Việt Nam muốn đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trên thế giới bằng cách bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá hối đoái nhưng họ không đủ nguồn lực để chơi sát ván và kết quả họ phải tăng lãi suất bằng phương pháp nâng lãi suất trần là lãi suất chiết khấu và điều này làm tăng lo ngại lạm phát trong tương lai (hiệu ứng Fisher) và vì thế mọi người đổ xô đi mua các mặt hàng trong hiện tại để tránh đồng tiền mất giá trong tương lai (chúng ta có thể thấy người dân xếp hàng mua xăng trong thời điểm đó), một vòng xoáy như thế có thể khiến lạm phát kỳ vọng trở thành lạm phát thật sự và nó khiến đồng tiền bị mất giá nhanh hơn. Vấn đề bán trái phiếu và các giấy tờ có lãi suất phi rủi ro tôi không bàn đến vì bản chất của chính phủ Việt Nam không giống như các đảng cầm quyền khác. Kết quả thì ngân hàng nhà nước lúng túng, lúc thì bơm tiền ra lúc thì hút tiền vào và nhiều người nói vui là ngân hàng nhà nước “vừa uống nước vừa bài tiết nước”.

Giải pháp thực chất rất đơn giản: tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu, thông qua hai kênh này thì việc điều chỉnh tỷ giá sẽ diễn ra theo quy luật cung cầu mà vốn thì đến đúng nơi nó cần để phát triển kinh tế. Tuy nhiên với đầu óc lợi ích nhóm của các cơ quan chính phủ, điều đó sẽ không xảy ra. Một mở ngoặc cần lưu ý là ban đầu tôi có nói hộ gia đình tăng tiết kiệm nhưng sau đó lại tăng chi tiêu thì có nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu, thực ra vẫn có trường hợp tăng chi tiêu để tiết kiệm, cụ thể hơn là mua vàng để tránh trường hợp đồng tiền mất giá quá nhanh và nên nhớ rằng tiền bản chất của nó chỉ là giấy xác nhận ngân hàng nợ công sức lao động của người dân chứ không đơn thuần là tài sản nên tăng chi tiêu trong thời điểm hiện tại khi lạm phát kỳ vọng có thể tăng là tiết kiệm sức lao động ở thời điểm hiện tại chứ không phải là tiết kiệm tiền.

5. Phá luật

Khi các ông lớn bất động sản không còn khả năng trả nợ nhưng họ vẫn không muốn phá sản thì họ sẽ làm gì? Phá luật – cách đơn giản nhất để thay đổi thế giới theo ý mình thích. Novaland của ông chủ Bùi Thành Nhơn là ví dụ sinh động cho vấn đề này. Doanh nghiệp này không thể thanh toán được đúng hạn những trái phiếu mà họ đã phát hành và “yêu cầu” chính phủ phải cứu họ vì chính lỗi lầm của họ. Bộ tài chính đòi chính phủ cho phép các doanh nghiệp được trả nợ bằng tài sản khác và được giãn nợ hai năm còn bên quốc hội thì đòi chính phủ chỉ đạo các chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chánh (câu từ mỹ miều hơn nằm ở nghị quyết 69/2022 của quốc hội, nói thẳng ra ông Vương Đình Huệ đòi ông Phạm Minh Chính ra lệnh các chính quyền địa phương nhanh cấp sổ đỏ cho các dự án bất động sản) lập luận chung của hai cơ quan này là nếu không cứu ngành bất động sản, để bất động sản đóng băng thì nền kinh tế không phát triển.

Chính phủ và chính quyền địa phương đã làm gì sai? Họ chẳng làm gì sai cả, họ chỉ thi hành đúng luật khi từ chối cấp sổ đỏ cho các doanh nghiệp muốn bán trước nhà ở dự án khi chưa xây dựng hoặc sắp hoàn thành (mô hình này tương tự như của các doanh nghiệp Trung Quốc để giải quyết nguồn vốn cần để thực hiện dự án và nó sụp đổ theo mồ chôn của tập đoàn Evergrande). Cách làm này có những rủi ro tiềm ẩn mà lớn nhất là rủi ro đạo đức, thử tưởng tượng bạn trả tiền trước cho một thợ xây, thợ xây đó sẽ có xu hướng làm chậm tiến độ xây dựng để đòi bạn trả thêm các phụ phí phát sinh khi dự án kéo dài. Đó là những gì đã xảy ra với các doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc, khi các nhà đầu tư vào nhà ở trở nên mất kiên nhẫn và chấp nhận chịu phạt hơn là tiếp tục đưa tiền cho một dự án mà họ không biết là đến bao giờ mới nhận được. Đương nhiên cách làm này không có gì là phạm phát cả, vấn đề nằm ở chỗ Novaland không cung cấp đủ hồ sơ để thực hiện đánh giá và thẩm định dự án Aqua City cho VPComBank và VPComBank từ chối cấp tín dụng cho Novaland trong khi chính quyền tỉnh Đồng Nai thì từ chối cấp sổ hồng. Nay để cứu “đám cướp” với lập luận “cứu nền kinh tế” thì nó sẽ tạo ra tiền lệ để những đám cướp khác “giãy đành đạch vì chính lỗi lầm của mình” như Chí Phèo trước chính phủ. Khi nền dân chủ được tổ chức lệch lạc như đại diện ủy quyền, các nhóm lợi ích sẽ có khả năng khuynh đảo chính sách và sinh hoạt chính trị của nhà nước. Về vấn đề đại diện ủy quyền và đại diện độc lập – các nghị viên có phải nghe lời cử tri không, tôi sẽ có bài viết trong tương lai.

Lời cuối cùng tôi xin cáo lỗi với độc giả khi chậm ra chuỗi bài viết “Công pháp Quốc tế nào dành cho Ukraine” vì bản thân tôi không chuyên về công pháp quốc tế và bản thân cũng bận chuyện cá nhân. Việc viết những bài viết cần dẫn chứng như chuỗi bài viết mà tôi đề cập là quá sức nhưng nếu là những chủ đề mà tôi đã có kiến thức sẵn như bài viết này thì tôi có thể viết mà không cần tham khảo quá nhiều. Kính mong độc giả lượng thứ cho sự chậm trễ này, có lẽ chúng ta sẽ gặp lại nhau trong chuỗi bài viết về Ukraine trong một dịp nào đó khi chế độ Putin sụp đổ và Trung Quốc khốn đốn. Dân chủ tự do nhất định sẽ thắng lợi trước các chế độ độc tài, những giá trị văn minh một lần nữa lại được xiển dương và hãy hi vọng làn sóng dân chủ thứ Tư sẽ để lại di sản quý giá cho thế hệ con cháu của chúng ta.

Thiên Cầm

(25/2/2023)

Additional Info

  • Author Thiên Cầm
Published in Quan điểm

Quy mô nợ, tích sản, lãi suất trái phiếu, giá trị cổ phiếu, các chỉ số tài chính và hiệu quả kinh doanh của Evergrande là những dữ kiện vô tri nếu chúng ta không gắn chính trị vào với nó. Sự sụp đổ của Evergrande cần được nhìn thấu đáo ở 2 phương diện : Mô hình phát triển kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hệ luỵ với doanh nghiệp, chính quyền và xã hội Trung Quốc. Evergrande đã nhắn nhủ thông điệp gì cho Việt Nam ?

Điều gì đang diễn ra ?

Một tổ hợp đa ngành với tỉ trọng về bất động sản, xây dựng thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Evergrande có tổng tài sản khoảng 355 tỉ, đang bị toàn cầu đánh giá có thể vỡ nợ với khối nợ hơn 300 tỉ USD. Trước mắt là chưa thanh toán được khoản lãi 83,5 triệu USD vào kì hạn cuối tháng 9/2021. Điều gì bình thường và bất bình thường cần được nhìn nhận ?

Điều bình thường rất dễ chấp nhận : Bất kỳ công ty nào cũng có thể bị phá sản khi mất khả năng thanh toán các khoản nợ và tích sản cũng không đủ cả giá trị lẫn niềm tin của cả cổ đông lẫn bên cho vay để thanh toán hoặc vay bù đắp. Evergrande kinh doanh không hiệu quả với tổ hợp gồm cả kinh doanh bóng đá, nông nghiệp, nước giải khát, bất động sản, xây dựng và mới đây là xe điện. Đó là những gì họ đang trải qua. Chúng ta cần quan sát về sự bất bình thường, và điều bất bình thường đó, có thể lại rất bình thường trong mô hình phát triển chung của Trung Quốc trên hai phương diện : Evergrande rất lớn nhưng lại là người khổng lồ chân đất sét, và nếu người khổng lồ sụp đổ, hệ lụy nào sẽ diễn ra.

Đó là một hành trình thần kỳ và rất hợp thời : Năm 1996, tại Thâm Quyến, doanh nhân Hứa Gia Ấn gần 40 tuổi khởi nghiệp với ngành bất động sản. Vài năm sau đó, Trung Quốc bùng lên làn sóng đô thị hóa. Tư bản được tích luỹ hơn hai thập kỉ trước đó cho phép chính quyền Bắc Kinh tự tin quy hoạch những bộ mặt đô thị mới với tầng lớp dân cư trung lưu kèm theo các điều kiện sống khá giả hơn, với nhiều dịch vụ và tiện nghi hơn, cư trú trong những khu đô thị mới hơn, tập trung nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Đi tắt đón đầu. Evergrande bật dậy đón làn sóng ấy. Họ ‘lấy được đất’ và dùng đất thế chấp, đất sinh ra tiền, bán các khoản nợ cũng sinh ra tiền và tiền sinh ra tiếp tài sản đầu tư khác. Cứ thế, vòng quay tiến lên không ngừng và ngành nghề mới cũng được triển khai không ngừng. 20 năm sau, Evrgrande có doanh số nhà đất lớn nhất Trung Quốc (hơn 30% doanh số hiện tại đến từ Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Tứ Xuyên) và ông Ấn trở thành một trong những người giàu nhất đất nước với tổng tài sản hơn 30 tỉ USD. Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 234 thành phố, dự kiến xây dựng khoảng 1,4 triệu bất động sản riêng lẻ thông qua hơn 200 công ty con ở nước ngoài và 2.000 công ty thành viên trong nước, bao phủ 231 triệu m2 đất (tài sản Evergrande chiếm 2% GDP của Trung Quốc theo số liệu công khai).

ever1

Nhiều nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc sẽ mất hết tiền khi Evergrande phá sản.

Giấc mơ sinh ra tiếp những giấc mơ : Giá nhà tiếp tục tăng, tiền vay được bơm vào dễ dàng, tín dụng từ các ngân hàng, quỹ đầu tư cho đến người dân trở nên dễ dàng hơn vì niềm tin vào tài sản khổng lồ của Evergrande hiện ra trước mắt. Niềm tin ấy hẳn phải có sự ‘bảo trợ’ của chính quyền Bắc Kinh. Ông Ấn nói mình đã mang ơn Đảng và nhà nước. Đế chế của ông trương nở và khoản nợ phình to theo. Nhưng trước tiên, hãy nhìn qua vài số liệu tài chính cơ bản để nhận định tiếp về Evergrande.

(Trích Báo cáo tài chính 2020 từ Wall Street Journal. Đơn vị tiền tệ đối chiếu là HKD, tỉ giá quy đổi ra USD là 0,13 - Các con số có thể sai số nhỏ, tính theo tỉ giá USD và được làm tròn với mục đích giản tiện cho người theo dõi)

- Nợ dài hạn : 60 tỉ.

- Nợ ngắn hạn : 52 tỉ.

- Nợ thuế : 6,8 tỉ.

- Các khoản nợ khác : 182 tỉ. Các khoản nợ này có thể là các hợp đồng còn phải thanh toán cho nhà cung cấp, lãi trả chậm, hoặc khách hàng trả trước tiền mua bất động sản.

- Vốn chủ sở hữu (thông qua giá trị cổ phiếu, tiền lãi, các khoản dự trữ) khoảng 54 tỉ.

- Hàng tồn kho (bao gồm công trình xây dựng dở dang) khoảng 206 tỉ (58% tổng tài sản).

- Chỉ số nợ/tổng tài sản là : 0,85.

- Số tài sản khác trong bảng cân đối kế toán khoảng 243 tỉ. Có thể đây là các tài sản lũy kế từ các hoạt động đầu tư.

- Doanh thu 2020 khoảng 75 tỉ, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu nhập ròng 1,2 tỉ, giảm 53% so với 2019 do chi phí lãi vay tăng cao.

- Năm 2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần là 12,7 tỉ (nhưng trong đó có các khoản phải trả 22,6 tỉ).

- Hoạt động đầu tư của Evergrande 2020 là âm 5,9 tỉ, thấp hơn 2019 và gần bằng 2018. Năm 2016, con số này là 16,7 tỉ, cao nhất trong 5 năm. Công ty đã đầu tư liên tục khoảng 35 tỉ vào các hoạt động mua bán sát nhập khác trong khoảng thời gian này. 2016 là năm Evergrande đạt doanh thu cao nhất Trung Quốc ngành bất động sản.

- Trong dòng tiền của hoạt động tài chính 2020, dòng tiền tự do (có thể hiểu là tiền doanh nghiệp có thể sử dụng để thanh toán các khoản ngắn hạn) là 10,4 tỉ. Có gì khác khi so với 5 năm trước đó : Các khoản phải trả tăng lên và lượng hàng tồn kho giảm hẳn.

Đến đây, có lẽ chúng ta cũng không dễ hình dung được vì sao Evergrande sắp bị vỡ nợ. Và thực tế, con số không thể nói đủ về khủng hoảng tài chính.

Câu hỏi là vì sao, ngay bây giờ, Evergrande lại bị cho là sắp phá sản ?

1. Truyền thông đều đã nói về ảo vọng bắt đầu thay thực tế kinh doanh của Evergrande, rồi vòng quay tiến lên của họ trở thành vòng xoáy ngược. Khi năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu : "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ" và "Ba lằn ranh đỏ" là : nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty (ngưỡng 100%) ; Tiền/nợ vay ngắn hạn (ngưỡng 1) ; Nợ phải trả/tổng tài sản (ngưỡng 70%). Evergrande đã vượt 2 "lằn ranh đỏ", đó là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản. Thực tế có thể Evergrande đã vượt cả ba.

Mọi sự bắt đầu thay đổi. Giá nhà không tăng nữa, tín dụng cả nổi lẫn chìm không còn dễ như trước. Rồi các khoản đầu tư để tăng trưởng nóng của Evergrande cũng được báo là chưa hiệu quả và ngốn quá nhiều vốn. Nghe như một lời than vãn của một nhà đầu tư mất hàng trăm tỉ USD nhẹ nhàng như mất vài chục Yuan. Rồi 5 năm sau giai đoạt đột phá tăng trưởng (2016-2020), đột nhiên Evergrande như sắp vỡ nợ. Dù đã chuyển sang xây dựng các mô hình nhà giá trong phân khúc thấp hơn, tình hình có vẻ vẫn không đổi. Nhưng tình hình là tình hình nào ?

2. Số liệu tài chính không nói lên việc vỡ nợ. Cần nói thêm lúc này, Evergrande không phải là công ty có tỉ lệ vay nợ cao nhất trong ngành bất động sản, dẫn đầu đang là Guangzhou R&F và GreenTown. Chúng ta có thể thấy điều gì bất thường không. Thực không dễ thấy. Điều có thể thấy là Evergrande vẫn bán hàng tốt, vẫn có dòng tiền trả nợ (mà chưa chịu trả), vẫn tồn tại những giá trị xây dựng cơ bản dở dang và các thành phẩm có thể bán. Và vẫn đi đầu tư liên tục trong 5 năm qua khoảng 35 tỉ USD. Nghĩa là các công ty con của Evergande vẫn phát triển do nhận được đầu tư từ công ty mẹ. Chỉ có 3 lằn ranh đỏ như chiếc vòng kim cô. Nói rằng đã có một cuộc chạy trốn về phía trước đối với vấn đề thoát nghèo là một cách biểu đạt lượng thứ. Thực tế có thể còn tàn nhẫn hơn : ‘Ai đó’ đã tạo ra chiến dịch truyền thông như một đòn tâm lý về việc sắp vỡ nợ trước và diễn biến theo sau : Evergrande dùng dằng một vài khoản nợ đáo hán, tạo ra một làn sóng ớn lạnh trong giới đầu tư lẫn cho vay, tẩu tán tài sản sang các công ty thành viên bằng cách bán giá rẻ hơn giá thực, bán cổ phần cho nhà đầu tư được chính quyền chỉ định. Cuối tháng 9, lãi suất trái phiếu Evergrande có lúc vọt lên 28,5% ! Không chỉ cần tiền, chỉ số đó còn cho thấy sự rủi ro cao trong việc hoàn vốn.

Khi một công ty khổng lồ vẫn có thể sinh tồn mà lại bị xếp vào dạng sắp sụp đổ thì đó chỉ có thể là một kịch bản quỵt nợ được dàn xếp. Khi Evergrande phình to bằng vốn vay, tạo ra liên tục các dự án để vay vốn, hình thành tài sản và rồi biển thủ bằng xóa nợ. Evergrande không thể tự tiện làm chuyện đó. Cả một kế hoạch được tính toán, đồng lòng thực thi giữa họ và chính quyền Bắc Kinh. Chúng ta không biết, nhưng có quyền suy luận một kịch bản được chuẩn bị từ 5 năm trước cho việc phá sản để xóa nợ.

Evergrande có thể tạo ra một cú sốc toàn cầu ? Không, vì số nợ quá nhỏ. Nhưng với các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật và các quỹ đầu tư khác, họ sẽ bị mất tiền thông qua quá trình cho chính các ngân hàng Trung Quốc vay, và các ngân hàng này cấp vốn cho Evergrande. Còn ai dám làm ăn với Trung Quốc nữa ?

ever2

Evergrande vỡ nợ để quỵt nợ khiến cho các công ty Trung Quốc, từ nay khó vay tiền từ các định chế quốc tế.

Khôn nhà dại chợ

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc đánh đổi sự ổn định quốc nội để đổi lại khối nợ mà theo chính họ công bố, chỉ chiếm 2% GDP. Mức tín nhiệm của Trung Quốc không những sẽ bị hạ, mà uy tín quốc tế trong giao thương sẽ biến mất. Cần nói thêm rằng, mức nợ công của Trung Quốc thực tế có thể hơn 300% GDP. Với một quốc gia có GPD bình quân đầu người chưa tới 10.000 USD, mức nợ đó là một gánh nặng kinh khủng.

Câu trả lời là Đảng cộng sản Trung Quốc không có lựa chọn nào. Thế giới đã nhìn ra mối nguy và đang cô lập Trung Quốc. Chủ động phá sản để quịt nợ và co cụm còn hơn là phải giao thương và trả khoản nợ mà họ không có khả năng trong thế bị bủa vây. Tại sao lại đến nông nỗi này :

Một, Trung Quốc không thể dừng tăng trưởng như Ôn Gia Bảo từng thú nhận là phải duy trì mức 8% để tránh bạo loạn. Để tăng trưởng chủ yếu về lượng, phải vay để làm. Thứ hai, tiền đã thất thoát từ sáng kiến "vành đai và con đường". Chính quyền Bắc Kinh phải tìm cách đoạt lại tài sản sau khi đầu tư cho sáng kiến những "vành đai" và "con đường" bỏ đi. Tiền mất phải được đoạt lại để sống bằng mọi giá. Dù thế nào, đó là những tổn thất không thể bù đắp nổi. Covid-19 chỉ là cái cớ của phá sản và để tuyên bố việc xiết chặt bất động sản. Ưu tiên chuyển đổi sang mô hình kinh tế công nghệ cao của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng chỉ là cái cớ. Công nghệ cần sự sáng tạo, nhưng chỉ có tự do và cảm xúc tích cực mới mang lại sáng tạo. Làm thế nào người dân đến tiêu tiền cho bản thân cũng không dám mà có thể sáng tạo ? (Mức chi tiêu nội địa của Mỹ và EU lần lượng là 70% và 60% trên GDP so với 35% của Trung Quốc).

Chính quyền Bắc Kinh có cố thủ thành công sau khi quịt nợ ? Có mọi khả năng câu trả lời là KHÔNG. Thế giới đã thay đổi, con người đã thay đổi theo hướng dân chủ hơn, hiểu biết về nhân quyền hơn và cũng có yêu cầu cao hơn hẳn không chỉ về vật chất, mà còn tinh thần. Người Trung Quốc không thể sống như thời 40 năm trước, trước thời điểm họ cải cách và khai quan. Không ai trả một cái giá đắt để rồi quay về âm hơn mức xuất phát.

Khối 1,4 tỉ người Hoa giờ đây không chỉ đã đi qua thời kỳ dân số vàng, mà còn suy giảm nhiều về sức lực qua hơn 40 năm tăng trưởng. Chất lượng không khí xuống cấp trầm trọng. Nước uống thiếu và miền Bắc bị sa mạc hóa không thể canh tác. Thế giới thu nhỏ trong hình dung của lãnh đạo Trung Quốc bị phá sản bởi chính thoả ước với dân chúng về mức tăng trưởng 8% và chất lượng sống. Trước nay, tiền tiết kiệm nội địa là nguồn đảm bảo cho các ngân hàng Trung Quốc với tỉ lệ có thể tới 50% so với mức trung bình toàn cầu khoảng 22%. Tiền đó đã bị mất một phần bởi những Evergrande. Động tác bơm tiền của Đảng cộng sản Trung Quốc vào hệ thống tài chính sau vụ Evergrande, chỉ có tác dụng câu giờ cho sự chuẩn bị chạy trốn.

Trung Quốc không thể bảo lãnh các khoản nợ xấu bằng khoản vay mới với sự hỗ trợ từ các tập đoàn trong nước, vì các tập đoàn này phần lớn cũng sống bằng nợ, nghĩa là có cùng bản chất phát triển như Evergrande. Họ cũng không thể làm chậm tăng trưởng để thanh lọc quá trình phát triển và tạo ra hệ tín dụng lành mạnh. Evergrande chỉ là điểm khởi đầu, nhưng rất lớn, của quá trình quịt nợ sau khi thế giới chứng kiến tập đoàn Hàng không Hải Nam giải thể (HNA). Công thức Evergrande sẽ được lặp lại. Người Trung Quốc có thể làm những điều phi thường trong lịch sử, bằng những nỗ lực phi thường đến bất chấp tất cả. Nhưng sự sụp đổ từ trong lòng đất nước thì không phi thường. Nó bình thường và phải đến vì những điều phi thường không phục vụ con người, thảm họa sẽ không tránh được.

Tại sao lại khôn nhà dại chợ ? Chúng ta hình dung giản dị thế này : Một người trong gia đình, được trao mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Anh ta phát đạt, sau đó không giúp gì được cho ai trong nhà vì luôn cho rằng tự mình giỏi giang và làm ra mọi thứ. Cuối cùng, anh ta đã dại dột và làm mất mát hết trong lúc đầu tư. Đó là bản chất mối quan hệ thu nhỏ của Đảng cộng sản Trung Quốc và người dân trong nước.

ever3

Liệu Việt Nam có xảy ra tình trạng các tập đoàn bất động sản vỡ nợ như Evergrande ?

Thông điệp Việt Nam

Chúng ta vừa đi qua một hành trình cô đọng nhất có thể về kịch bản Evergrande và những gì đang và sắp diễn ra tại Trung Quốc. Giờ là lúc ngoảnh đầu nhìn lại mình. Sự đồng dạng về thể chế của Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam không phản ánh tầm vóc của 2 đảng. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ bắt chước và cũng chỉ có thể rập khuôn ‘đàn anh’ như một người mù lòa đi theo người chột mắt. Người đàn anh của họ nay đã triệt thoái và khủng hoảng, và kẻ theo sau là Đảng cộng sản Việt Nam thì đã bỏ đàn anh đi tìm miền đất mới với các nước dân chủ với tỉ lệ 80%. 20% chưa dám bỏ hẳn là vừa sợ, vừa muốn giữ chế độ cộng sản. Vậy thông điệp nào cần được gửi tới Việt Nam :

Gửi chính quyền Việt Nam : Trung Quốc sẽ không thể chuyển hóa về dân chủ mà không tan rã ra thành từng khối về mặt địa lý và con người. Nhưng Việt Nam thì có thể giữ được sự vẹn toàn lãnh thổ và lòng người khi có dân chủ. Đó là điều quan trọng nhất. Đảng cộng sản Việt Nam đã không thể đáp lại tiếng gọi quan trọng nhất lúc này là dân chủ và nhân quyền để đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng do Covid-19 và từ chính những thảm họa trong quá trình cai trị đất nước của họ. Họ chỉ có thể triệt thoái nội bộ, chia rẽ, ngột ngạt và tan vỡ. Đất nước cần những lãnh đạo dân chủ có tầm nhìn và kiến thức, một thể chế dân chủ sẽ tạo ra liên kết đồng dạng để giúp Việt Nam ra khỏi khó khăn. Cơn điên trong tăng trưởng hoang dại của Trung Quốc sẽ không bị lặp lại với Việt Nam.

Gửi những tập đoàn kinh tế : Các ngân hàng Việt cũng không cho Trung Quốc vay và vì vậy Evergrande không ảnh hưởng gì đến họ. Trung Quốc đã thoát nghèo từ một xuất phát điểm rất thấp bằng trọng điểm là các nhà máy sản xuất và đầu tư hạ tầng. Rồi từ đó họ sản sinh ra những Evegrande. Điều này không hoàn toàn giống các tập đoàn kinh tế hiện nay ở Việt Nam. Chúng ta chỉ mới tập trung xuất khẩu hàng hóa giản đơn, nông sản và gia công chất lượng thấp. Việt Nam chưa đạt được chu kỳ căn cơ của sản xuất. Vì vậy, các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam phình to chỉ dựa vào bất động sản và trục lợi. Họ mong manh hơn hẳn bên Trung Quốc.

Nhưng bây giờ nếu cảm nhận rủi ro do chế độ thay đổi, thì họ rút cũng không được nữa. Có nhiều khả năng trong cơn kiệt quệ, Đảng cộng sản Việt Nam đã ra lệnh các tập đoàn phải ‘ở lại’ và tiếp tục đóng góp. Họ sẽ vẫn ăn nên làm ra ở phương diện kinh doanh bất động sản và tiêu dùng, nhưng trong vòng xoáy cạn nguồn tiền của Đảng cộng sản Việt Nam, tiền họ kiếm ra sẽ bị hút hết vào đó và họ sẽ là những nạn nhân bất kỳ lúc nào, dù chính họ chưa chắc vô tội. Tạo ra các công ty đủ lớn để tham gia vào cấu trúc xã hội chỉ có thể diễn ra ở xã hội dân chủ, qua nhiều năm tích luỹ nhân lực và công nghệ, chứ không bao giờ là tăng trưởng nóng và đa ngành. Làm gì tiếp theo đây ?

Cho đồng bào Việt Nam : Hãy cảm nhận những gì người dân Trung Quốc đang chịu đựng và trải qua. Chúng ta cũng đã phải chịu đựng không ít hơn họ và chúng ta đã là chúng ta như ngày nay, vì phần nào chúng ta xứng đáng với chế độ cộng sản. Nhưng thế giới đã thay đổi, tiến hóa về cả dân chủ và nhân quyền. Phải dám tin rằng thực sự chúng ta cũng đã khác, vì Việt Nam đã có những trí thức chính trị, cùng làm việc trong một tổ chức chính trị và kiến tạo ra một Dự án chính trị có tên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đó là những gì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thực hiện. Tổ chức duy nhất đến lúc này đưa ra một truyện thuyết mới cho dân tộc. Những gì bạn cần làm trước tiên là đọc Dự án chính trị của chúng tôi một cách lắng đọng và cởi mở.

Để rồi chúng ta sẽ tìm đến với nhau, và xứng đáng với một tương lai khác.

Quốc Bảo

(6/10/2021)

Additional Info

  • Author Quốc bảo
Published in Quan điểm

Ngoài vụ khủng hoảng Bắc Hàn, Trung Quốc còn gặp sức ép về mậu dịch của Hoa Kỳ, mà bên trong lại có một bài toán nghiêm trọng hơn cho kinh tế Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những hồ sơ rắc rối này.

chui1

Trước cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 15 tháng 8 năm 2017. AFP

Sức ép mậu dịch của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chấp hành Nghị quyết Trừng phạt của Hột đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề nghị, hôm Thứ Hai 14, Bộ Thương Mại Bắc Kinh thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, chì và thủy sản của Bắc Hàn. Nhưng hôm sau, cũng Bộ Thương Mại Bắc Kinh lại hăm dọa trả đũa Hoa Kỳ vì Tổng thống Donald Trump vừa chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ điều tra để xác định xem chính sách thương mại của Trung Quốc có làm doanh nghiệpMỹ bị thiệt hại về sở hữu trí tuệ hay không. Hai động thái trái ngược ấy khiến ta nên tìm hiểu thêm về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong vụ này, tôi cho rằng chúng ta có một lúc khá nhiều vấn đề, trước hết là chuyện Bắc Hàn, sau đó là quan hệ buôn bán giữa kinh tế Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới còn có nhiều chỉ dấu đáng ngại hơn ngay trong nội tình Trung Quốc.

Trước hết, về vụ Bắc Hàn thì dư luận cho rằng kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để tấn công Hoa Kỳ sẽ gây nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Hàn. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy và sau một tuần e ngại đại chiến, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề không là quan hệ giữa xứ Bắc Hàn nghèo đói và hung hăng với một siêu cường toàn cầu là Hoa Kỳ mà liên can tới sáu nước và chúng ta nên dùng "thuyết đấu trí" hay "game theory" thì hiểu ra những tính toán của từng nước mà dự báo tình hình. Trong cuộc đấu, ta thấy có sáu nước là Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Mối tương tác giữa các nước ấy mới có ảnh hưởng thật. Thứ hai, trong quan hệ đa diện ấy, Bắc Hàn, Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn gì ?

Nguyên Lam : Nếu vậy, xin ông khởi sự từ ba quốc gia này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cả ba nước đều muốn tránh chiến tranh, kể cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà ta quen gọi là Bắc Hàn. Lãnh đạo xứ này vốn chẳng tin ai, từ Liên Xô thời xưa tới Trung Quốc hay Liên bang Nga ngày nay mà chỉ muốn chế độ tồn tại với giấc mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự thống trị của mình. Họ đóng một lúc ba vở kịch là một chế độ hung đồ hiếu sát, có nền kinh tế kiệt quệ rất dễ sụp đổ và gieo họa cho lân bang là Trung Quốc và có lãnh đạo khùng điên khiến ai cũng sợ mà tránh gây hấn với một chế độ bất thường. Việc chế tạo võ khí hạch tâm theo đuổi từ mấy chục năm nay là để có thế mạnh nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ sự tồn tại của chế độ rồi việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo.

Nhưng giấc mơ thống nhất đó của Bắc Hàn lại khiến Bắc Kinh e ngại, vả lại, Nam Hàn là cường quốc bạn hàng của Trung Quốc và việc Mỹ duy trì quân đội tại Nam Hàn sau hiệp ước đình chiến năm 1953 là điều khó chịu cho Bắc Kinh mà họ chẳng làm gì được. Vì vậy, nếu Bắc Hàn gây hấn vừa đủ thì Bắc Kinh có thế đàm phán với Nam Hàn và Mỹ để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng nếu Kim Chính Ân làm quá thì Bắc Kinh cũng ngại. Các mục tiêu mâu thuẫn đó giải thích vì sao Bắc Kinh đồng ý với nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn và vừa tuyên bố là sẽ cho thi hành mà chưa chắc đã thật lòng. Nghịch lý ở đây là Bắc Kinh không muốn Bắc Hàn sụp đổ mà cũng chẳng muốn Bắc Hàn hung hăng quá mức.

Nguyên Lam : Thưa ông, còn Hoa Kỳ tính toán những gì về bán đảo Triều Tiên và cả cục diện Đông Á ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ là siêu cường có thể quyết định về số phận của bán đảo mà còn có ba mục tiêu trong cả khu vực Đông Á : 1/ là tránh việc Bắc Hàn tiến hành và phổ biến võ khí hạch tâm qua nơi khác, là chế độ Hồi giáo hung đồ như Syria hay Iran hay các tổ chức khủng bố Hồi giáo ; 2/ duy trì tương quan lực lượng bấp bênh hiện nay để không xứ nào có thể thách đố quyền tự do lưu thông ngoài biển từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ; và 3/ trấn an các đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á về khả năng bảo vệ chiến lược của mình. Vì ba mục tiêu ấy, Hoa Kỳ phải chống một lúc hai việc là hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm của Bắc Hàn, lẫn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh, mà không gây ra rủi ro chiến tranh. Phải nói thêm là ông Donald Trump ra vẻ hung hăng không chỉ để răn đe Bắc Hàn mà còn nhắm vào Bắc Kinh và các chế độ Hồi giáo chống Mỹ.

Yếu tố mới là Chính quyền của ông lại giàng an ninh vào quan hệ kinh tế và dùng cả hai vế an ninh lẫn kinh tế làm đòn bẩy khi đàm phán với Bắc Kinh. Việc đòi trừng phạt Bắc Kinh tội vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ nằm trong hướng đó. Có lẽ ta đang chứng kiến màn đấu khẩu thay cho đấu lực trong khi Bắc Kinh vẫn thích chuyện buôn bán chui ! Vả lại, trước khi có Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn thì Bắc Kinh đã đơn phương hạn chế việc nhập khẩu quặng sắt từ xứ này mà chẳng ngăn được Bắc Hàn cứ thử nghiệm võ khí tàn sát. Ta có thể suy ngẫm rằng Bắc Hàn không sợ vì sức ép của Bắc Kinh cũng chỉ là một màn kịch thôi và chính vì vậy Hoa Kỳ càng phải gây thêm áp lực kinh tế với Trung Quốc.

chui2

Tàu hàng Trung Quốc bị mắc cạn được chụp ngày 14 tháng 8 năm 2017.AFP

Nguyên Lam : Thưa ông, những áp lực đó từ phía Hoa Kỳ sẽ thể hiện ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới bên ngoài ít biết là Hoa Kỳ có một rừng luật lệ phức tạp về ngoại thương, nhưng chủ yếu lại cho Hành pháp lấy nhiều quyết định mà khỏi cần thông qua Quốc hội. Khi Chính quyền Trump quan niệm ngoại thương cũng là an ninh, Nội các của ông có thể vận dụng nhiều đạo luật cho phép trừng phạt mọi đối tác xâm phạm an ninh của Hoa Kỳ. Chuyện Bắc Hàn hiển nhiên là yếu tố an ninh, nhưng việc bảo vệ ngành thép của Mỹ cũng vậy, là điều có quy định trong một đạo luật thương mại mở rộng vào năm 1962 và đã được Chính quyền Trump viện dẫn để trừng phạt ngành thép của Trung Quốc.

Bây giờ, Nội các Donald Trump vừa viện dẫn khoản 301 trong đạo luật thương mại năm 1974 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ. Lý do là Bắc Kinh bắt doanh nghiệp Mỹ mà liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc thì phải chia sẻ kiến năng về tổ chức kinh doanh, và nhất là loại công nghệ hay thuật lý tiên tiến, là high technology. Chính sách thương mại ấy giúp Bắc Kinh thủ đắc kỹ thuật của thiên hạ để có lợi thế cạnh tranh và gây thiệt hại cho Mỹ. Thành thử, lồng trong hồ sơ an ninh của Bắc Hàn ta còn thấy một nguy cơ khác là chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều thật ra Bắc Kinh cũng ngại và muốn tránh. Nhưng thà là chiến tranh mậu dịch hơn là chiến tranh hạch tâm ở gần biên giới của Trung Quốc !

Nội tình kinh tế Trung Quốc

Nguyên Lam : Như ông vừa phân tích thì các quốc gia theo đuổi một lúc nhiều mục tiêu nên bật ra nhiều tín hiệu đôi khi trái ngược khiến cho nước kia khó đoán và tất cả có thể nằm trong một cuộc đấu trí kinh tế để tránh đấu lực quân sự. Bây giờ, thưa ông, bước qua chuyện kinh tế thì ông thấy có chỉ dấu gì là đáng ngại trong nội tình của Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Bắc Kinh cứ thích buôn bán chui với chế độ hung đồ, chẳng ngờ là bị một mối nguy khác ở bên trong là hiện tượng "ngân hàng chui" hay shadow banking !

Một cách đơn giản thì khi ngân hàng cấp phát tín dụng, luật lệ ngân hàng đòi hỏi bút ghi các khoản nợ đó trong sổ sách ngân hàng, cụ thể là trong bảng kết toán tài sản, với một bên là tiền ký thác nhận vào và bên kia là tiền cho vay ra. Nhiều ngân hàng Trung Quốc đã sáng tạo để tránh luật, bằng cách cho vay ngoài sổ sách, là không bút ghi nghiệp vụ tín dụng hay đầu tư vào loại sản phẩm gọi là "quản lý tài sản". Vì vậy tôi mới gọi là ngân hàng chui. Lý do của họ là kiếm lời, nhưng lại gây rủi ro vì cho vay ra mà không có mức dự trữ ngự phòng tương ứng.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị một tai ách là có núi nợ quá lớn, bên trong có loại nợ xấu, là nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Nhưng trong loại ngân hàng chui thì tỷ trọng nợ ung thối còn cao gấp bội. Xưa nay, chẳng ai biết khối nợ ngoài sổ sách ấy lên tới bao nhiêu mà chỉ có thể phỏng đoán. Gần đây, Bắc Kinh ra lệnh khảo sát và công bố loại nợ ấy mà ta mới thấy nó cao gấp ba những dự đoán trước đây, có thể là bằng bốn ngàn tỷ đô la.

Nguyên Lam : Thưa ông vì sao chuyện ấy mới là một mối nguy đáng sợ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thời lượng có hạn, tôi xin được giản lược trình bày cái chuỗi nhân quả như thế này và sẽ phân tích thêm vào một chương trình khác. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn kiếm lời trong lĩnh vực bất động sản và thiếu tiền thì đi vay, kể cả vay hệ thống ngân hàng chui. Lĩnh vực đó có kích thích khu vực xây dựng và tạo ra việc làm nhưng với tiền quá rẻ và vay quá dễ thì cũng thổi lên bong bóng đầu cơ. Bây giờ bóng bể thì giá nhà đất hay tài sản đầu tư đều sụt, các doanh nghiệp phá sản, ngân hàng mất nợ và kế tiếp sẽ là khủng hoảng tài chính lẫn suy trầm kinh tế, khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 vào vài tháng tới. Chuyện ấy còn nguy hơn vụ Bắc Hàn !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin hẹn một kỳ khác ta sẽ nói vệ hệ thống ngân hàng chui của Trung Quốc.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 17/08/2017

Published in Diễn đàn