Trung Quốc đang mở ra một mặt trận trận tổng lực và đa diện trên khắp bốn phương, trừ Nga. Dù trong nước có mưa lũ, động đất, thời tiết thất thường : mưa đá, vòi rồng, lũ dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, tái bùng phát dịch Vũ Hán ; thêm nhiều chỉ trích từ các nước về luật an ninh Hongkong, đàn áp, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ. Và nhất là ánh nhìn của thế giới về Trung Quốc giờ đây đã khác xưa. Vậy mà quả bong bóng Trung Quốc vẫn chưa vỡ.
Tom Orlik, tác giả của cuốn sách mới xuất bản "China : The Bubble That Never Pops" nhận định sức mạnh của Trung Quốc nằm ở 3 điểm sau :nguồn vốn vững mạnh cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc, sự can thiệp của chính phủ có thể giúp họ mạnh mẽ thêm thay vì yếu đi và lợi thế cạnh tranh đến từ quy mô khủng (1). Sau nhiều phân tích, Tom Orlik thừa nhận : "Đến một ngày nào đó cuộc khủng hoảng sẽ trở nên quá lớn để Bắc Kinh có thể kiểm soát. Nhưng đại dịch "trăm năm có một" cũng đã không thể chọc vỡ quả bong bóng này thì có lẽ ngày đó vẫn còn rất xa xôi" (2).
Nếu ngày bong bóng Trung Quốc vỡ rất xa xôi thì tình hình Việt Nam sẽ ra sao ?
Trong lúc đó thì Hoa Kỳ, đối thủ chính trị lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới, đang chật vật trong hai mặt trận chống dịch Vũ Hán và bất ổn chính trị từ sự kiện George Floyd tạo nên. Lòng người chia rẽ, hao tổn nhiều nhân mạng và thiệt hại về kinh tế. Cũng như các cuộc tái đàm phán với các nước đồng minh, Châu Âu và Châu Á, làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ ít nhiều bất mãn. Nhưng Hoa Kỳ vẫn đang bảo toàn được sức mạnh trên trường quốc tế.
Vấn đề ở đây là Việt Nam sẽ phải có đồng minh thân cận để nương tựa, và cộng sản Việt Nam đã chọn một đồng minh gần, dẫu có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Tại sao Việt Nam không chọn Hoa Kỳ hay một nước nào đó ? Lý do vì nước xa không cứu được lửa gần, khi mà thằng hàng xóm cơ bắp ngày đêm lăm le bắt nạt, thì thôi đành chọn làm đàn em nó, còn hơn đi chơi với mấy anh cơ bắp xóm bên, lỡ có mâu thuẫn, đợi anh xóm bên đến cứu thì mình cũng đã tang thương, bầm dập hết mình mẩy rồi.
Đó chính là thân phận của các quốc gia nhỏ yếu, thiếu sức cạnh tranh trong các mặt trận kinh tế hay đối kháng. Trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 65 về tổng diện tích (3), và thứ 15 về dân số (4). Tuy nhiên, nếu xét về mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa thì Việt Nam chỉ là một quốc gia đang phát triển, cần gia tăng các chỉ số phát triển về mọi mặt. Vì thế, Việt Nam vẫn là một quyền lực nhỏ.
Điều đang nói ở đây là Việt Nam có vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc, một cường quốc đang khao khát thống lĩnh thế giới và họ không hề dấu diếm lòng tự tôn dân tộc của mình. Chơi với Trung Quốc, Việt Nam đã chịu ngậm bồ hòn làm ngọt để Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò, cấm đánh bắt cá, húc chìm tàu thuyền ngư dân. Thậm chí Việt Nam cũng âm thầm xếp lại các dự án dầu khí dù nó nằm trên thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế nước mình.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Việt Nam còn phải dan díu vào Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, tự biến mình thành các điểm tập kết hay sản xuất hàng hóa. Biến các cảng biển chiến lược quan trọng thành tư hữu của Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế đã mở toang cánh cửa vào VN. Khi dân Trung Quốc qua lại Việt Nam không cần visa, thì người Việt Nam muốn qua Trung Quốc phải dọc dài xếp hàng chờ đợi.
Nói đến đây, chúng ta cần lật lại quyển sách "The Hundred-Year Marathon", của Micheal Pillsbury. Trong đó, tác giả đã cảnh báo thế giới cần chú ý những biện pháp kỹ xảo, trí trá, thâm hiểm của dàn lãnh đạo Trung Quốc. Họ đang âm mưu những chiến lược bí mật giúp Trung Quốc tuần tự nhi tiến và dần thay thế vị trí siêu cường của Hoa Kỳ.
Nói thế để nhấn mạnh đến cán cân quyền lực trên thế giới vẫn chưa đến mức có nước sẽ sụp đổ như cuối thời Chiến Tranh Lạnh. Thế cuộc vẫn chưa ngã ngũ, và Việt Nam vẫn chưa biết sẽ đi về đâu. Những gì đang diễn ra tại Việt Nam cho thấy chơi với bạn 16 vàng 4 tốt chỉ có mất chứ chưa được lợi bao nhiêu. Việt Nam tựa con tốt mà khi cần Trung Quốc sẽ mang ra thí mạng, chứ Việt Nam không được quý chuộng như các quân cờ vai vế khác.
Trong tình huống hiện tại, Việt Nam nên làm gì ? Hiển nhiên là nương tựa vào ai cũng đều ngu cả. Cụ Phan Châu Trinh, trong bài viết Hiện Trạng Vấn Đề, Đăng cổ Tùng báo 1907,nói rằng : "Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu !". Vấn đề ở đây không phải là nhất thiết phải ngả theo cường quốc nào, mà chính là cần gợi lên lòng tự trọng dân tộc : tự lực tự cường để trước hết là đứng trên đôi chân của chính mình. Không có kiểu lép vế, thần phục hay chịu lệ thuộc để rồi câm lặng không dám hó hé, mặc cho mất biển, mất đảo, mất luôn các đặc khu kinh tế vào tay Trung Quốc để gán nợ.
Tình trạng Việt Nam chơi vơi giữa sóng ba đào hiện nay chính là do thái độ nhu nhược, thiếu minh bạch và nhất quán trong đường lối ứng xử, kể cả chiến lược chủ đạo trong nội bộ lẫn ngoại giao của chính quyền cộng sản Việt Nam. Cái tinh thần khiếp nhược, chực chờ gió chiều nào ngả theo chiều ấy, hay mặc ai xâu xé chủ quyền nước nhà. Nó không phải là thái độ của những người làm chính trị chân chính. Họ không hề có tính cách của lãnh đạo quốc gia. Đó chỉ là trò đu dây trẻ con, vốn là thói quen lâu ngày thành quen thói, mà trước đây Việt Nam sử dụng, đu đưa giữa Liên Xô và Trung Quốc. Giờ tái diễn cho thấy bệnh cũ của Việt Nam đã quá nặng không có lối thoát. Cứ quẩn quanh cái trò chơi với ai mà quên mất tu thân, rèn luyện cái tâm, cái khí và cái chí của người dân trong nước.
Chính lối nghĩ nhỏ bé, thiển cận của một số nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại đã góp phần biến Việt Nam mãi là một tiểu quốc : đi năn nỉ nhóm này, chạy sau lưng nước nọ, bám theo đuôi liên minh kia. Và rốt cuộc tự biến mình thành con tốt trên bàn cờ mà không biết tương lai mình sẽ đi về đâu.
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 22/07/2020
Ghi chú :
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_di%E1%BB%87n_t%C3%ADch
(4) https://tuoitre.vn/dan-so-viet-nam-hon-96-trieu-nguoi-la-nuoc-dong-dan-thu-15-the-gioi.htm