Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sống càng lâu bao nhiêu Đảng cộng sản Việt Nam càng để lộ ra nhiều "chứng tật" bấy nhiêu. Nhưng ngoài chứng suy thoái tư tưởng và đạo đức đang đe dọa sự sống còn của chế độ, cán bộ, và đảng viên còn mắc bệnh "lười đọc báo đảng" khiến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đi đến đâu.

baonhandan1

Báo Nhân Dân ‘dùng để gói đồ là chính’ (Bùi Tín).

Hiện tượng này không mới nhưng nan giải, vì đã diễn ra từ lâu mà không sao chữa được. Thậm chí, nhân dân chỉ dùng báo đảng để "gói đồ" hay "làm vệ sinh", theo lời ông Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân

Nhân Dân, báo hàng ngày, và Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Trung ương đảng do Ban Tuyên giáo phụ trách, là hai tờ báo chính thức được yêu cầu các Ban và Tổ chức đảng mua và đọc để học tập làm theo. Tuy nhiên, rất ít người đã đọc, kể cả cấp lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương, nhân dân lại càng hiếm.

Một nhân vật nguyên là lãnh đạo cao cấp của tờ báo này là ông Bùi Tín, phó tổng biên tập, nói với BBC từ Paris khi còn sống rằng :

"Báo Nhân Dân ‘dùng để gói đồ là chính’.

"Ngay từ khi (tôi còn) ở trong nước, người ta đã nói là báo Nhân Dân để làm những việc phục vụ xã hội như để gói đồ là chính… Thậm chí họ dùng chữ để làm vệ sinh là chính chứ không phải để đọc… Lúc đó tôi cũng tự ái".

Cố Đại tá Bùi Tín đã đào nhiệm khi sang công tác tại Pháp năm 1990. Trước khi qua đời vì bệnh năm 2018, ông là một trong số người lưu vong chống Đảng cộng sản Việt Nam mạnh nhất.

BBC kể : "Bản thân ông Tín từ khi qua Pháp đến nay cũng ‘chẳng bao giờ đọc’ báo Nhân Dân, tờ báo mà ông đã từng là một trong những người chịu trách nhiệm chính".

Ông Bùi Tín nói với BBC : "Với tư cách người đọc báo, tôi quan tâm đến những nguồn cho mình thông tin hay nhất, lạ nhất, mới nhất. Trong khi đó, báo Nhân Dân, cũng chỉ là một kiểu viết cổ lỗ theo công thức và đưa toàn những tin mà người ta ai cũng biết rồi nói mãi".

Ông cũng thừa nhận Nhân Dân là tờ báo ‘ép đọc’.

"Họ (Đảng) ra gần như là mệnh lệnh bắt buộc chi bộ nào cũng dùng tiền nguyệt liễn đóng hàng tháng của Đảng viên để mua báo Nhân Dân về đọc", ông nói.

"Có cơ quan bắt buổi sáng hoặc buổi trưa có giờ đọc báo và tập trung tất cả đảng viên đọc báo", ông cho biết, "Họ ép phải đọc như vậy".

"Ngay cả các đảng viên cao cấp, ông cũng cho rằng chẳng có ai đọc đâu vì có ‘thời gian đâu để đọc những bài mà đọc câu trên đã đoán ra câu dưới rồi’.

Ông nói là ngoài các đảng bộ đặt mua thì báo Nhân Dân gần như không có khách hàng nào khác ngoại trừ ‘một số nơi như khách sạn, nhà nghỉ có sẵn tiền đặt mua để cho đủ thứ báo’ trên kệ" (BBC, ngày 11/04/2012).

Thời Hồ Chí Minh

Tình trạng ngại đọc báo đảng từng được người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh nhắc nhở trong bài viết "Cần phải xem báo Đảng" trên Báo Nhân Dân số 179 ngày 22/6/1954.

Theo Tạp chí Tuyên Giáo, số ra ngày 30/5/2022, thì : "Bài viết "Cần phải xem báo Đảng" ngắn gọn nhưng súc tích… Đến nay, sau 68 năm bài báo ra đời, câu chuyện Bác nêu vẫn còn tính thời sự và có giá trị gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về 2 vấn đề : một là, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của báo Đảng ; hai là, về "bệnh lười" đọc báo Đảng của cán bộ, đảng viên".

Ông Hồ viết : "Đảng ta mạnh vì Đảng ta có tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất… Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết, cần làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta… Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm ; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc…".

Tuy nhiên, vô số cán bộ, đảng viên đã không nghe và làm theo lời dậy của ông Hồ cho nên Ban Tuyên giáo phải cảnh báo : "Nếu mỗi chủ thể không nhìn nhận đúng việc cần làm, phải làm, sẽ có thể dẫn đến làm suy yếu tiếng nói của Đảng, ngọn cờ tư tưởng của Đảng, diễn đàn của nhân dân cũng là làm suy yếu đi một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng ta".

baonhandan2

Báo Công an nhân dân dung để gố bánh mì - Ảnh minh họa

Những dấu hiệu chán báo đảng ?

Nhưng tại sao đảng viên lại dám "chán" báo đảng đến mức phải nhắc nhở ? Tạp chí Tuyên giáo nêu ra những lý do như sau :

- Thứ nhất : "Tư duy "xem nhẹ" việc mua và đọc báo, tạp chí lý luận chính trị ở một bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Có những cấp ủy không sử dụng kinh phí được quy định để mua báo, tạp chí đảng mà dùng vào việc khác, hoặc có mua nhưng không đọc, nghiên cứu".

Như vậy phải chăng họ đã ngán bảo đảng đến tận mang tai vì nội dung tuyên truyền, khô khan, xơ cứng, giáo điều cộng sản mác-lênin và thông tin chậm như rùa, hay vì họ đã lạnh nhạt với Đảng đến độ muốn cắt đứt mọi liên hệ với Đảng ?

- Thứ hai : "Một số tờ báo, tạp chí trong tư duy đổi mới, chưa đồng bộ giữa đổi mới công nghệ và đổi mới đội ngũ, nâng cao chất lượng thông tin. Đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp công nghệ phải bắt đầu từ con người, từ đổi mới tư duy và năng lực tiếp nhận cái mới, làm chủ công nghệ, tổ chức thông tin "đúng" và "trúng" với yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của bạn đọc".

Thì ra, ngoài "bệnh lười mua và chán đọc" của những người có trách nhiệm phải mua và bổn phận cần đọc còn có khuyết điểm chậm đổi mới cách nghĩ và cách làm báo của mỗi Ban Biên tập của tờ báo.

Những "nhà báo cán bộ" đã không sao thoát ra khỏi gọng kìm tư tưởng và định hướng của Ban Tuyên giáo bắt các báo phải ưu tiên đặt quyền lợi Đảng trong mọi thông tin khiến tính hấp dẫn và "tự do báo chí" biến mất trong các tác phẩm.

Đó là lý do mà báo Tuyên Giáo đã phải nhìn nhận để nhắc cán bộ, đảng viên : "Đương nhiên, báo, tạp chí chính trị không phải là loại hình báo giải trí, nên khó hấp dẫn, thu hút người đọc. Nhưng đối với cán bộ, đảng viên, độ hấp dẫn của báo, tạp chí Đảng trước tiên đến từ sự cần thiết, tính định hướng, tính chính thống. Có đọc, có nghiền ngẫm thì mới trang bị được "phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức, phương pháp tư tưởng, có phương pháp đúng thì sẽ có nhận thức đúng, đánh giá đúng vấn đề và giải quyết đúng vấn đề".

Nhưng cứ phải bị nhét vào tai, đập vào mắt những điều "nói dai và nói dài" khô như ngói và chậm hơn rùa bò thì ai còn muốn nghe nữa nên bắt buộc phải "lười" để dành thời giờ cho việc khác hữu ích hơn.

Đối với Đảng, hành động thối thoái này, dù cớ này hay cớ khác, theo Tuyên giáo : "Thực chất là "che giấu bệnh lười". Nguy hiểm hơn, với nhận thức và ứng xử "xem nhẹ" đó có thể vô hình trung làm đánh mất vai trò, suy yếu sức mạnh tiếng nói của Đảng, triệt tiêu một công cụ quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng".

docbao1

Thành phần đọc báo Đảng (Nhân Dân) là ai ?

Trần Quốc Vượng và Tuyên giáo

Vì cậy, khi còn tại chức, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Thông báo số 173-TB/TW và Chỉ thị 44 của Ban Bí thư việc đọc để học tập, trong vòng một tháng, từ đầu tháng 4/2020 cho tới đầu tháng 5/2020, về "việc một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tác dụng của báo, tạp chí của Đảng, sách lý luận chính trị trong sinh hoạt Đảng và cuộc sống".

Theo nhận xét của báo Quân đội nhân dân thì : "Điều này cho thấy Đảng đã nhìn rõ nguyên nhân nhiều tổ chức đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân, đảng viên, cán bộ còn yếu kém có một phần do không chịu đọc, nghiên cứu báo, tạp chí, sách lý luận của Đảng, từ đó dẫn tới sa sút ý chí chiến đấu, dao động tư tưởng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Quân đội nhân dân, 05/05/2020).

Trước những thái độ lạnh nhạt với báo đảng của cán bộ, đảng viên càng ngày càng báo động, Ban Tuyên giáo, ngày 30/05/2022, đã lưu ý các cấp cần "quan tâm đến củng cố và phát triển báo, tạp chí đảng".

Ban Tuyên giáo yêu cầu đảng viên phải : "Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của báo, tạp chí Đảng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, ngọn cờ đầu trong công tác tư tưởng, lý luận, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".

Vì vậy, "Các cấp ủy đảng là cơ quan chủ quản phải luôn quan tâm, theo dõi sát sao, tạo điều kiện, nguồn lực về mọi mặt để tờ báo phát triển xứng tầm, có vị thế xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ".

Để hoàn tất nhiệm vụ này, Tuyên giáo lưu ý : "Các cơ quan báo chí phải thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo, đổi mới nội dung, hình thức, có chiến lược phát triển theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại ; xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng nắm bắt và hành nghề trong hệ sinh thái công nghệ số".

Báo chí cũng được khuyên : "Phải luôn "lắng nghe" để "Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng". Lắng nghe bạn đọc là cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiểu rõ tâm lý, hành vi, nhu cầu của công chúng báo chí trong thời kỳ hiện nay".

Ngoài ra, báo cũng được khuyến cáo phải : "Phát triển "hệ sinh thái" các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, phát huy vai trò của sản phẩm báo in truyền thống với sản phẩm báo chí công nghệ hiện đại" để có thể "song hành dài lâu cùng báo, tạp chí điện tử…".

Bởi vì, Tuyên Giáo cho hay : "Theo phản ánh từ thực tiễn, "nhiều cán bộ chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cấp xã, phường, cán bộ trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố phần lớn là những người lớn tuổi, có hạn chế đối với báo điện tử, rất cần có tờ báo, tạp chí Đảng hằng ngày để vừa cập nhật thông tin thời sự chính trị - xã hội, vừa làm tư liệu tuyên truyền trong nhân dân".

Ngoài "Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản", Đảng còn khuyên dân nên đọc và bảo vệ các báo tỉnh, thành phố, cơ quan của Đảng bộ địa phương, coi đó là "tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Đảng ép dân phải đọc

Nhưng nhân dân chưa bao giờ thừa nhận báo đảng là "tiếng nói của mình" vì dân chưa bao giờ được làm chủ báo và không được giao bất cứ nhiệm vụ gì với báo đảng. Bằng chứng chính quyền ép dân phải đọc báo đảng đã ghi trong Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ký ngày 28/12/1996.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng và tổ chức đảng các cấp, các ban ngành, đoàn thể phải tổ chức tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Chỉ thị còn ra lệnh các cấp đảng phải : "Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mua và đọc báo, tạp chí của Đảng ; đưa tin, viết bài, góp ý kiến xây dựng báo chí đảng".

Ngoài ra còn phải : "Quan tâm chỉ đạo tốt công tác phát hành báo, tạp chí của Đảng (kể cả phát hành lẻ) một cách rộng khắp đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, nhân dân và bạn đọc, đặc biệt quan tâm miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tổng cục Bưu điện tăng cường tổ chức phát hành báo chí của Đảng, xem xét việc giảm giá cước phát hành báo và giá cước truyền báo Nhân Dân".

Chỉ thị còn nhấn mạnh : "Mỗi chi bộ đảng, mỗi ủy ban nhân dân, hội dồng nhân dân xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều có báo Nhân Dân (hằng ngày) và các báo của Đảng bộ địa phương mình. Mỗi đảng bộ cơ sở đều có ít nhất một Tạp chí Cộng sản. Có các hình thức phù hợp để đảng viên, đoàn viên và nhân dân thường xuyên đọc, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng, hiểu rõ, nắm vững và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước". 

baonhandan0

Những tiện ích của báo giấy nhà nước : Nhà xuất bản và dân đều được nhờ

Vậy tiền mua báo đảng lấy đâu ra ?

Chỉ thị của Lê Khả Phiêu quy định : "Các cơ quan đảng, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, các loại doanh nghiệp cần cấp đủ kinh phí để mua báo và tạp chí của Đảng.

Các địa phương, cơ sở, các cấp ủy đảng và chính quyền phải chủ động cấp kinh phí mua báo chí của Đảng. Các tỉnh uỷ, thành ủy phải có sự chỉ đạo để đảm bảo cân đối kinh phí trên địa bàn".

Như vậy rõ ràng tiền dân làm ra lại phải chi tiêu cho báo đảng để nuôi sống cán bộ báo chí làm công tác tuyên truyền cho Đảng.

Điều vớ vẩn là ở chỗ việc gì ở Việt Nam cũng do Đảng nhân danh nhân dân để làm, nhưng không cho phúc lợi của dân mà để phục vụ cho quyền lợi và vị trí cầm quyền của Đảng. Bằng chứng là Đảng đã lạm dụng "nhân dân" để đặt tên cho báo : "Nhân Dân", "Quân đội Nhân dân", hay "Công an Nhân dân".

Những "chiếc bánh vẽ này" là nguyên nhân khiến dân lạnh nhạt với báo Đảng. Ngoài ra trình độ hiểu biết và khả năng sử dụng các phương tiện điện tử để theo dõi tin tức của dân Việt Nam đã cao hơn từ hai thập niên qua nên Đảng không còn lừa dân được nữa.

Phạm Trần

(07/06/2022)

Published in Diễn đàn

Làm rầu nồi canh ở đây không phải chỉ một con sâu trong làng báo, mà là cả bầy sâu bọ nhung nhúc.

Sáng thứ ba 15/1, nhật báo Sài Gòn Giải Phóng và trang báo điện tử của tờ báo này đã đăng bài viết "134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài" (1). Người dân khu vườn rau Lộc Hưng nói rằng bài viết sai sự thật.

sau1

Trưa Chủ nhật 20/1, cô giáo Trần Minh Thi, cư dân khu vườn rau Lộc Hưng đăng tải trên trang cá nhân facebook tấm hình với ghi chú đây chính là cô phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã gặp gỡ bà con hôm đó (xem ảnh). Đầu giờ chiều, tấm hình này được tháo xuống kèm lời chia sẻ (trích nguyên văn, bao gồm cách viết tắt) : "Vẫn biết sự lan tỏa đã có, nhưng với thiện chí tôi sẽ rút bài về phóng viên báo SG vì lòng thiện của con người VrLH".

Bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng của phóng viên ký tên Hoàng Phương được thể hiện theo dạng tường thuật phiếm chỉ lời của một quan chức quản lý cấp quận Tân Bình.

sau2

Phóng viên Hoàng Phương của báo đảng Sài Gòn Giải Phóng

Đoạn mang tính tìm hiểu thực tế của cá nhân phóng viên được sử dụng đại từ nhân xưng ‘chúng tôi’, có nguyên văn như sau :

"Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình ở khu đất này khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay, còn có tình trạng đầu nậu đầu cơ, bảo kê xây dựng trái pháp luật. Một số người dân khu vực còn cho biết có người mua đất nông nghiệp ở đây bằng giấy tay với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh". Qua những lần có mặt tại hiện trường, PV còn được nghe thông tin có hộ dân sau đợt tháo dỡ nhà không phép đã thở phào nhẹ nhõm : "May mà không xây nhà". Số là hộ này đang khai thác đất trồng rau và thấy "phong trào xây nhà trái phép" trong năm 2018 nên người nhà dự định đầu tư 500 triệu đồng để xây phòng trọ. Nhưng may mắn là có người khác can ngăn, vì thấy rằng đây là đất nông nghiệp nên xây nhà là vi phạm".

Lưu ý đoạn trích trên, câu Qua những lần có mặt tại hiện trường, PV còn được nghe thông tin có hộ dân sau đợt tháo dỡ nhà không phép đã thở phào nhẹ nhõm : "May mà không xây nhà", là đặt trong ngữ cảnh "Đại diện UBND quận Tân Bình khẳng định còn có tình trạng "mặt rô" vào chiếm đất người dân đang trồng rau để xây nhà trái phép rồi cho thuê". Nói một cách khác, có thể hiểu là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã đi cùng với người nào đó của UBND quận Tân Bình khi đến ghi nhận ý kiến của cư dân vườn rau Lộc Hưng. Sự khách quan ở đây được giới hạn trong hoàn cảnh ‘người chính quyền’ đi kèm.

Tựa bài viết được đặt ở thể khẳng định : "134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài". Nếu tựa này được kết thúc bằng dấu chấm hỏi của thể nghi vấn thì bài viết sẽ dễ được chấp nhận hơn, mặc dù phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã cố tình không tường thuật đầy đủ các ý kiến của người dân vườn rau Lộc Hưng mà cô đã gặp gỡ.

Cuối giờ sáng Chủ nhật 20/1, trên báo điện tử Người đô thị, có bài viết "Cưỡng chế ‘vườn rau Lộc Hưng’ : Người dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Trung ương" (2).

Cũng ở thể tường thuật, nhưng báo Người đô thị dẫn tên cụ thể (trích) :

"Ngồi bên đống đồ đạc ngổn ngang, bà cho biết gia đình không nhận được "miếng giấy" (thông báo cưỡng chế -PV) từ chính quyền. Đồ đạc chạy không kịp. Cái gì còn cái gì mất cũng không biết. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ mới "thấy" cảnh màn trời chiếu đất. Không biết nương tựa vào đâu. Hai vợ chồng đã lớn tuổi. Sống nay chết mai. Chỉ thương đàn con đàn cháu không biết bám víu vào đâu. Năm cháu, sáu con chưa kể dâu rể đều sống cùng với vợ chồng già.

"Tôi khổ thì mọi người cũng khổ", bà Thái nghẹn ngào, không biết nói gì thêm.

"Ngoài đường" là nơi tá túc của gia đình bà Ngô Thị Nga khi chỉ còn non tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Bà về làm dâu Vườn rau Lộc Hưng từ năm 1986. Trồng rau mà sống. Trải qua hằng chục năm canh tác, đất đai ngày càng bạc màu, chưa kể cánh đồng thường xuyên ngập úng do nước mưa, nước thải… Không thể tiếp tục canh tác, năm 2012 gia đình cất nhà trọ cho thuê, làm kế sinh nhai. Cũng như bà Thái, bà Nga cho biết không nhận được thông báo từ chính quyền trước khi tiến hành cưỡng chế. "Còn tí xà bần cũng không bán được. Tiền nhận rồi phải trả lại vì xe của bên mua không được phép vào", bà Nga uất ức".

Dễ dàng nhận ra đâu là sự thật, nếu so bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng với bài trên tờ Người Đô Thị.

Để một bài báo lên khuôn, ở đây cụ thể là bài "134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài" thuộc chuyên trang xã hội, trước tiên bài viết phải được trưởng ban xã hội duyệt và biên tập lần 1, chuyển ban thư ký tòa soạn. Biên tập nâng cao sẽ có trách nhiệm lần biên tập 2. Những bài có nội dung được cho là nhạy cảm sẽ được chuyển tiếp cho phó tổng biên tập trực xuất bản, duyệt lần nữa. Những bản in đầu tiên sẽ được vị phó tổng đó duyệt lần cuối trước khi chạy in và phát hành.

Bài báo "134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài" đã được một trong hai phó tổng biên tập sau đây đã phê duyệt trong ca trực xuất bản : Lê Tiền Tuyến, Nguyễn Thành Lợi.

Theo Luật Báo chí, trách nhiệm cao nhất ở đây là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên, Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Tấn Phong.

Như vậy, trong trường hợp bài báo "134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài" là cố tình tránh né sự thật, tuyên truyền theo hướng biện minh giảm nhẹ sự sai trái của chính quyền quận Tân Bình, thì làm rầu nồi canh ở đây không phải chỉ một con sâu trong làng báo, mà là cả bầy sâu bọ nhung nhúc.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 22/01/2019

*******************

(1) 134 hộ dân khai thác đất vườn rau Tân Bình đều có nhà bên ngoài

Hoàng Phương, SGGP Thứ Ba, 15/1/2019

Chiều 14/1, đại diện UBND quận Tân Bình (TPHCM) khẳng định, 134 hộ dân đang khai thác 4,8ha đất vườn rau tại phường 6, quận Tân Bình đều có nhà ở bên ngoài. Các công trình được người dân xây dựng không phép ở khu đất nông nghiệp, được quy hoạch làm công trình công cộng là để cho thuê nhà trọ hoặc hàng quán. 

Vì vậy, quận xử lý việc chiếm đất, cất nhà cho thuê tại khu vực vườn rau trên (vào ngày 4 và 8/1) là "không phải đẩy người dân ra đường". Đối với những trường hợp thuê nhà ở trọ tại đây, sau khi địa phương thực hiện tháo dỡ mà không có chỗ ở, quận hỗ trợ kinh phí thuê nhà 3 triệu đồng/tháng cho người có nhu cầu, hỗ trợ trước mắt 2 triệu đồng cho mỗi hộ và sẽ có sự hỗ trợ thêm.

Ngăn chặn "cơn lốc nhà không phép"

Theo UBND quận Tân Bình, trong năm 2018, tình trạng vi phạm xây dựng tại khu đất được quy hoạch làm công trình công cộng này đã "lây lan nhanh chóng như cơn lốc". Sau ngày 1/1-2018 đến trước thời điểm xử lý đã phát sinh thêm 42 công trình không phép tại khu đất này, bằng số công trình không phép của 10 năm trước đó cộng lại.

Đại diện UBND quận Tân Bình phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, rằng địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các công trình vi phạm xây dựng tại đây, như tình trạng xây dựng lây lan rất nhanh, nhiều người rất manh động trong khi chính quyền sợ đụng chạm. Song, vị này cũng nhìn nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước còn yếu kém khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái pháp luật trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. "Trách nhiệm của 2 cấp gồm phường và quận, chúng tôi xin nhận. Cho dù hình thức kiểm điểm của cấp trên thế nào chúng tôi cũng nhận", vị đại diện UBND quận Tân Bình bày tỏ.

Theo UBND quận Tân Bình, việc cưỡng chế hành chính nêu trên nhằm ngăn chặn những công trình xây dựng trái pháp luật đang lây lan một cách nhanh chóng tại khu đất nông nghiệp, được quy hoạch làm công trình công cộng. Việc này cũng nhằm làm giảm tệ nạn xã hội đang bành trướng tại đây - nơi tập trung nhiều đối tượng hút chích, thậm chí xây hầm dưới lòng đất để tổ chức cờ bạc. Sau khi tháo dỡ các công trình trái phép thì đồng thời cũng giải tỏa được các điểm tệ nạn trên. Kết quả này được người dân xung quanh rất phấn khởi, đồng thuận với chủ trương xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia để phục vụ nhu cầu học tập của các cháu học sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình ở khu đất này khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay, còn có tình trạng đầu nậu đầu cơ, bảo kê xây dựng trái pháp luật. Một số người dân khu vực còn cho biết có người mua đất nông nghiệp ở đây bằng giấy tay với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Qua những lần có mặt tại hiện trường, PV còn được nghe thông tin có hộ dân sau đợt tháo dỡ nhà không phép đã thở phào nhẹ nhõm: "May mà không xây nhà". Số là hộ này đang khai thác đất trồng rau và thấy "phong trào xây nhà trái phép" trong năm 2018 nên người nhà dự định đầu tư 500 triệu đồng để xây phòng trọ. Nhưng may mắn là có người khác can ngăn, vì thấy rằng đây là đất nông nghiệp nên xây nhà là vi phạm. Đại diện UBND quận Tân Bình khẳng định còn có tình trạng "mặt rô" vào chiếm đất người dân đang trồng rau để xây nhà trái phép rồi cho thuê.

Không để người dân mất quyền lợi

Đề cập đến quá trình xử lý công trình vi phạm, đại diện UBND quận Tân Bình cho rằng, trước các vụ việc vi phạm, cơ quan chức năng đã lập biên bản (nhưng người vi phạm không hợp tác, không ra mặt nên phải lập biên bản với người chứng kiến theo quy định của pháp luật) đầy đủ theo trình tự và công bố, phát loa cũng như vận động những người ở trọ và người kinh doanh không thuê nhà xây dựng trái pháp luật nhưng vẫn không hiệu quả. Người đang khai thác khu đất nêu trên lại không thừa nhận công trình xây dựng của mình. Do đó, để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái pháp luật và giảm thiệt hại cho những người thuê trọ, kinh doanh cũng như những người mua giấy tay xây nhà trái phép, quận đã lập kế hoạch xử lý các công trình xây dựng không phép. Đây hoàn toàn không phải "đập nhà lấy đất".

Đại diện UBND quận Tân Bình cũng cho hay, qua việc công bố quy hoạch công trình công cộng và chính sách hỗ trợ mới đây, người dân trên địa bàn quận rất đồng tình. "Nhiều người dân đang trồng rau trong khu đất này cũng ủng hộ", vị đại diện này thông tin.

Tuy nhiên, đặc thù khu vực này có một nhóm đối tượng chuyên "khống chế" người dân, ép phải theo sự dẫn dắt của họ. Do đó, trong công tác tuyên truyền vận động, chính quyền phải sử dụng nhiều giải pháp. Tính đến nay đã có 30/134 hộ dân kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ theo chính sách quận mới công bố. Hiện quận đang rà soát xem có chủ sở hữu mới không, để người dân tiếp tục kê khai. Ngoài ra, qua đối chiếu các thời kỳ về công tác quản lý, kê khai tại địa phương của các năm 1991, 1995 và 2005, nếu trùng khớp về diện tích, đối tượng kê khai không thay đổi thì quận sẽ tạm ứng kinh phí hỗ trợ trước Tết Nguyên đán. Số còn lại, dự kiến quận sẽ giải quyết sau. Quận đang khẩn trương cho công tác tạm ứng, dự kiến từ 7 đến 10 ngày tới, nếu không có gì thay đổi, quận sẽ tạm ứng đợt đầu cho những hồ sơ kê khai một chủ, chưa có chuyển nhượng.

Đối với nhóm mua bán giấy tay, quận sẽ thành lập hội đồng, đối chiếu với các thời kỳ kê khai để tính toán thêm. "Tinh thần chung là không để người dân mất quyền lợi qua chính sách của Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước", vị này khẳng định.

HOÀNG PHƯƠNG

***********************

(2) Cưỡng chế ‘vườn rau Lộc Hưng’: Người dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Trung ương

Thượng Tùng & Mai KỳNgường Đô Thị, Chủ nhật, 20/01/2019

Khoảng một tuần sau khi chính quyền quận Tân Bình thực hiện xong đợt cưỡng chế cuối cùng "vườn rau Lộc Hưng" phường 6, quận Tân Bình, hơn 100 hộ dân sinh sống và sử dụng đất tại khu vực này đã làm đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cơ quan thẩm quyền trung ương và TP. HCM cùng báo chí.

Ngày 17/1/2019, người dân Lộc Hưng đã cùng nhau mang đơn kêu cứu khẩn cấp đến một số cơ quan Nhà nước tại TP.HCM. Tại trụ sở Ban tiếp công dân thành phố (thuộc Văn phòng UBND TP.HCM), đại diện cơ quan này đã tiếp xúc với 5 người, đại diện cho 172 hộ dân hiện diện tại Ban tiếp công dân thành phố (theo số liệu ghi trong biên bản tiếp công dân).

Cũng theo biên bản tiếp công dân, đại diện các hộ dân đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp bà con tại khu vườn rau Lộc Hưng - phường 6 quận Tân Bình - để giải quyết ngay việc cưỡng chế khoảng 200 căn nhà vào ngày 4 và 8/1/2019.

Đại diện Ban tiếp công dân thành phố ghi nhận ý kiến và sẽ xem xét xử lý theo quy định. Cuộc tiếp xúc diễn ra từ 8g đến 8g15p cùng ngày.

sau3

Bà Nguyễn Thị Thái vẫn còn thất thần sau cuộc cưỡng chế

Một trong năm đại diện tham gia cuộc tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Thái, cũng là hộ cuối cùng có nhà bị lực lượng cưỡng chế giật sập. "Tôi không dám nhìn", bà Thái bần thần. Người đàn bà 64 tuổi gắn bó với vườn rau từ khi theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Bà lớn lên ở đây. Lấy chồng ở đây. Sinh con cũng ở đây. Sáu người con, 5 đứa cháu cũng thế.

Ngồi bên đống đồ đạc ngổn ngang, bà cho biết gia đình không nhận được "miếng giấy" (thông báo cưỡng chế -PV) từ chính quyền. Đồ đạc chạy không kịp. Cái gì còn cái gì mất cũng không biết. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ mới "thấy" cảnh màn trời chiếu đất. Không biết nương tựa vào đâu. Hai vợ chồng đã lớn tuổi. Sống nay chết mai. Chỉ thương đàn con đàn cháu không biết bám víu vào đâu. Năm cháu, sáu con chưa kể dâu rể đều sống cùng với vợ chồng già.

"Tôi khổ thì mọi người cũng khổ", bà Thái nghẹn ngào, không biết nói gì thêm.

"Ngoài đường" là nơi tá túc của gia đình bà Ngô Thị Nga khi chỉ còn non tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Bà về làm dâu Vườn rau Lộc Hưng từ năm 1986. Trồng rau mà sống. Trải qua hằng chục năm canh tác, đất đai ngày càng bạc màu, chưa kể cánh đồng thường xuyên ngập úng do nước mưa, nước thải… Không thể tiếp tục canh tác, năm 2012 gia đình cất nhà trọ cho thuê, làm kế sinh nhai. Cũng như bà Thái, bà Nga cho biết không nhận được thông báo từ chính quyền trước khi tiến hành cưỡng chế. "Còn tí xà bần cũng không bán được. Tiền nhận rồi phải trả lại vì xe của bên mua không được phép vào", bà Nga uất ức.

sau4

Bà Ngô Thị Nga chưa biết những ngày Tết tới đây sẽ nương náu chỗ nào.

Gương mặt thứ ba là Nguyễn Ngọc Khánh, chủ động tiếp xúc với phóng viên Người Đô Thị. Người đàn ông tái nhợt, hom hem hơn nhiều so với tuổi 50. Làm rể vườn rau, hai vợ chồng được bên vợ chia hơn trăm mét đất, cất vài phòng trọ. Khoản thu nhập này giúp ông trang trải phần nào chi phí chạy thận nhân tạo tại một bệnh viện công. Vợ ông làm lao công trường học. Tương lai bất trắc chờ đợi bệnh nhân này.

Còn nhiều, còn nhiều nữa những gương mặt lam lũ lướt qua những đống đổ nát ngổn ngang. Một số gia đình đã tản mác đi đâu không rõ. Hàng xóm láng giềng vội vã giã biệt nhau. Nhưng cứ đến cuối tuần thì họ lại lục tục trở về, rì rầm cầu nguyện trước đài Đức Mẹ. Công trình duy nhất còn vẹn nguyên trên "vườn rau Lộc Hưng".

Người Đô Thị sẽ tiếp tục phản ánh đa chiều vụ việc này khi có diễn biến mới.

Chùm ảnh những gì còn sót lại sau cuộc cưỡng chế "vườn rau Lộc Hưng" :

sau5

sau6

sau7

sau8

sau9

sau10

sau11

sau12

sau13

sau14

sau15

sau16

Bài, ảnh : Thượng Tùng - Mai Kỳ

Published in Diễn đàn

Người ta dùng từ dẫn dắt để chỉ việc ví dụ như một người anh dẫn dắt đàn em đi đến một nơi nào đó, và hai người có chung một đích, người được dẫn dắt vui mừng và tin tưởng vào người dẫn dắt. Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng thừa nhận rằng báo đảng bị mạng xã hội dẫn dắt vẫn không sát nghĩa. Trong trường hợp này phải nói báo đảng bị mạng xã hội dắt mũi thì mới thực tế hơn.

mang1

Ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban tuyên giáo trung ương

Một cách tổng quát hơn, không chỉ báo chí lề đảng bị mạng xã hội dẫn dắt. Báo chí lề dân, tức là báo chí độc lập, còn gọi là báo chí tự do, cũng bị mạng xã hội dẫn dắt nốt. Những nhà báo chuyên nghiệp ở nhiều phe dù muốn dù không vẫn phải thừa nhận rằng thời đại này thông tin quá nhiều, mà những tin giật gân, tin nhiều người đọc thì là những tin có khả năng dồn hết sức chú ý của xã hội. Vì sao các tòa soạn báo có cương lĩnh, có tinh thần đã được định sẵn từ trước nhưng về sau khi ra thực tế lại không do mình điều khiển nữa ?

Đó là do tối hôm nay đi ngủ không một ai đoán trước được một cách chính xác những gì xảy ra vào ngày mai. Nói như các nhà vật lý học, mỗi một cá thể trong nhân sinh nhân loại này đều sống trong không gian ba chiều. Chúng ta bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời gian, con người trôi đi theo dòng thời gian. Không ai quay ngược được thời gian. Một người lúc ăn tô phở đến giữa trưa bị đau bụng thì không thể quay lại buổi sáng để đừng có ăn tô phở đó, vì người đó bị ràng buộc bởi thời gian. Vì tất cả nhân sinh nhân loại đều bị ràng buộc bởi thời gian, cho nên không ai biết chính xác cục diện chính trị và những cú sốc xã hội sẽ xảy ra trong tương lai, vì ai ai cũng sống trong hiện tại. Những gì xảy ra vào ngày mai sẽ dắt mũi cả xã hội vào đó, dù muốn hay không muốn. Cho dù những người đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin hay bất kỳ chủ nghĩa nào trên đời này có lực lượng mạnh đến đâu, có trang bị súng ống, vàng, đô-la nhiều đến thế nào, họ cũng không thể chắc chắn kiểm soát được để cho một sự kiện đừng có xảy ra vào ngày mai. Báo chí là một trường hợp nhỏ, nhưng là trường hợp minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng tiên tri bị giới hạn của con người, và cũng chính vì tầm nhìn con người bị giới hạn như vậy nên mới sinh ra báo chí.

Immanuel Kant là một triết gia lỗi lạc bậc nhất trong dòng lịch sử triết học Đức và lịch sử triết học thế giới. Trong cuốn sách nổi tiếng nhất của mình, Kritik der reinen Vernunft ( tạm dịch tiếng Anh là Critique of Pure Reasson , tạm dịch tiếng Việt là Phê-Phán về Lý-do Trong-sáng ), Kant đã chứng minh về khả năng giới hạn hiểu biết và do đó là khả năng tiên tri của con người. Ông cho rằng con người sẽ chẳng bao hiểu hết thực tại, bởi con người hiểu và diễn xuất thế giới đang sống này dựa vào những khái niệm được xây dựng một cách siêu hình trong không gian và thời gian, không thể tách rời không gian và thời gian. Bởi vậy, nếu có ai đó hoặc tổ chức nào đó nhận mình là đỉnh cao trí tuệ, học thuật đỉnh cao… thì cũng chỉ là lời kiêu ngạo ; anh chưa đi khắp mọi hiện tượng của thế giới này, chưa thoát ra khỏi không gian và thời gian, thì làm sao nói rằng lý thuyết của mình là ưu việt nhất được ?

Những sự việc xảy ra trong xã hội ở Việt Nam vừa qua là một ví dụ. Dường như báo chí không chú tâm vào những vấn đề thực sự là vấn đề, mà tập trung chạy theo những tình tiết thời sự. Mà những tình tiết thời sự thì nhiều vô kể, ai có triết lý ban đầu sai thì bị cuốn vào đó không gỡ ra được. Không lý giải nổi thế giới này, thậm chí lý giải sai, cho nên Đảng không thể kiểm soát nổi xã hội này. Đảng muốn dùng các báo quốc doanh như Thanh Niên, Tuổi Trẻ để ổn định xã hội, nhưng sự biến BOT Cai Lậy- Tiền Giang xảy ra thì các báo đảng dần dần không nghe lời đảng nữa. Bởi đảng không chuẩn bị trước các biện pháp đối phó với ách tắc tại trạm thu phí từ trước khi tài xế đồng loạt rủ nhau xài tiền lẻ. Đảng cũng chưa kịp ra luật để ngăn chặn, đành dùng công an cảnh sát vào hù dân nhưng cũng chẳng ăn thua, cuối cùng phải xả trạm. Dân tình đòi hỏi dẹp trạm hút máu cướp tiền, các báo đảng sau này như Tuổi Trẻ cũng đã có bài ủng hộ dân và chống lại nhóm lợi ích BOT. Và cũng không riêng gì vụ BOT, còn rất nhiều vụ nữa ở nhiều lĩnh vực nữa, không một chế độ nào trên thế giới kịp ra luật để rào đón trước tất cả các trường hợp, nói chi đến một thể chế lập pháp yếu kém như Việt Nam.

Và khi một sự biến trong xã hội xảy ra, mạng xã hội Facebook, Youtube đã loan tải rất nhanh tin tức cùng quan điểm (chủ yếu của bên chịu thiệt). Sau lúc đó, những bài bình luận của báo chí lề đảng hay báo chí tự do dường như tất cả chỉ còn mang tính chất minh họa, tát nước theo mưa. Tổng kết mà nói, tất cả các tòa soạn đều ít nhiều bị dắt mũi. Nhưng không phải bởi mạng xã hội vì mạng xã hội chỉ là công cụ truyền tải. Lý do là tồn tại những sự việc không ai ngờ trước được, không một ông triết gia nào suy luận ra trước được, vì không ai thoát ra được giới hạn.

Chính vì vậy, trong hai chức năng chủ yếu của báo chí là đưa tin và dự đoán, chỉ có chức năng đưa tin làm nên tên tuổi lâu dài cho các tờ báo.

Kiều Phong

Nguồn : Việt Nam Thời Báo, 11/09/2017

Published in Diễn đàn