11 cầu thủ ‘khủng’ của Việt Nam bị FIFA cấm thi đấu vì ‘dàn xếp tỉ số’ (VOA, 17/07/2020)
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vừa ra quyết định cấm 11 cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tháp (U21) thi đấu trên toàn thế giới vì tham gia dàn xếp tỉ số.
Huỳnh Văn Tiến (hàng dưới, thứ 3 từ phải sang) chịu mức kỷ luật nặng nhất sau vụ bán độ của 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp.
Theo điều tra của cơ quan hữu quan, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến đã cá cược trên mạng cho trận U21 Đồng Tháp gặp U21 Vĩnh Long vào tháng 6 năm ngoái.
Sau đó, Tiến lôi kéo mười cầu thủ trong đội đá chậm lại để đạt được tỉ số chung cuộc trận đấu 1-1 và thắng cược 133 triệu đồng (5.733 USD).
Theo quyết định của FIFA gửi tới Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Tiến sẽ phải đối mặt với hình phạt nặng nhất với lệnh cấm thi đấu 5 năm đối với tất cả các hoạt động bóng đá trên toàn thế giới, bắt đầu từ ngày 11/5.
10 cầu thủ khác là Trần Công Minh, Võ Minh Trọng, Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh và Kha Tấn Tài, bị cấm thi đấu 6 tháng trên toàn thế giới, bắt đầu từ ngày 11/5.
Ngoài ra, Tiến còn bị VFF phạt 5 triệu đồng và 10 cầu thủ khác bị phạt 2,5 triệu đồng.
Các cầu thủ tham gia bán độ trên từng được gọi là "lứa trẻ khủng bậc nhất Việt Nam" vì đã lập được nhiều thành tích trong thời gian gần đây. Nhóm cầu thủ này đã giành giải vô địch quốc gia trong nhiều năm và được xem là những tiềm năng trẻ của nền bóng đá đang phát triển của Việt Nam.
Bê bối bán độ là một thực trạng kéo dài nhiều năm nay của bóng đá Việt Nam. Báo chí cho hay vụ bán độ trên chỉ được VFF điều tra sau khi chịu áp lực lớn từ công luận và truyền thông.
Trước đây, nhiều cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam cũng từng bị phanh phui trong các vụ bán độ tại các giải quốc gia và quốc tế như Quốc Vượng, Văn Quyến (SEA Games 23) hay Vũ Như Thành trong nghi án bán độ trước SEA Games 2003.
***********************
FIFA cấm thi đấu trên toàn thế giới với 11 cầu thủ Việt Nam (nguoiduatin, 16/07/2020)
Liên đoàn Bóng đá Thế giới đã ban hành quyết định cấm thi đấu 11 cầu thủ trẻ U21 Đồng Tháp vì tham gia dàn xếp tỉ số.
Vụ việc các cầu thủ trẻ Đồng Tháp dàn xếp tỉ số tại giải U21 Quốc gia 2019 đã gây chấn động bóng đá Việt Nam. 11 tài năng trẻ bóng đá xứ sen Hồng phải nhận án phạt rất nặng từ VFF.
Mới đây, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng ban hành quyết định cấm 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp thi đấu trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó, chủ mưu vụ bán độ Huỳnh Văn Tiến bị FIFA cấm 5 năm (từ 11/5/2020 - 10/5/2025).
10 cầu thủ còn lại tham gia dàn xếp tỉ số là Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và Trần Công Minh bị FIFA cấm thi đấu 6 tháng (từ 11/5/2020 - 10/11/2020).
Trần Công Minh (8) bị FIFA cấm thi đấu 6 tháng vì tham gia dàn xếp tỉ số.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, Huỳnh Văn Tiến đã cá cược trên mạng trận U21 Đồng Tháp gặp U21 Vĩnh Long kết thúc với một tỉ số 'xỉu' ít hơn 4 bàn thắng. Khi trận đấu diễn ra, Tiến mới dụ dỗ và lôi kéo 10 đồng đội chủ động đá chậm để trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1, qua đó thắng cược số tiền 133 triệu đồng.
Những cầu thủ U21 Đồng Tháp tham gia bán độ thuộc 'lứa trẻ khủng bậc nhất Việt Nam' trong 5 năm qua, khi lập hattrick vô địch ở 3 VCK QG mà họ tham dự là U15 QG 2014, U17 QG 2016 và U19 QG 2018. Ở giải U21 QG 2019, những cầu thủ này đã giành hạng 3, khi chịu thua U21 Hà Nội ở bán kết - đội lên ngôi vô địch sau đó.
Trần Công Minh - cầu thủ xuất sắc nhất giải U17 2016 và U19 2018, thủ môn Nguyễn Nhật Trường - người được kì vọng là Bùi Tiến Dũng mới của bóng đá Việt Nam khi lập hattrick giành danh hiệu 'Thủ môn xuất sắc nhất giải' ở giải U15 2014, U17 2016 và U19 2018. Đáng tiếc cả hai cái tên này đều xuất hiện trong vụ việc dàn xếp tỉ số của Huỳnh Văn Tiến.
Kiên Lê
Chất men bóng đá, bài học cho lãnh đạo Việt Nam trong những đô thị thiếu tính người
Ngay bây giờ tại Thái Lan, đội U23 bóng đá Việt Nam đang thi đấu trên sân Buriram, trong vòng chung kêt U23 Châu Á. Hôm nay cũng là 16 tháng chạp ở Việt Nam. Tết nguyên đán đã vào tận cổng. Nên trong cái tất bật cuống cuồng của dân Việt những ngày giáp tết, trận bóng đá này giống như một ly rượu mạnh rót thêm trên bàn tiệc thịnh soạn. Người ta cuống quýt chạy về nhà hoặc réo nhau tấp vào các quán bia, quán cà phê hò hét theo dõi trận bóng. Các nẻo đường Sài Gòn đã náo nhiệt còn náo nhiệt gấp mười lần ngày thường.
Hình minh họa. Người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở SeaGames năm 2019 - Hình do tác giả cung cấp
Cách đây đúng một tháng, vào ngày 11/12/2019, sau khi tuyển U22 Việt Nam thắng Indonesia trong chung kết SeaGames, giành huy chương vàng lần thứ hai sau 60 năm, tôi cũng rời công ty, ra đường để về nhà. Nhưng tôi cố ý chọn một lộ trình vòng vèo và dài hơn thường khi, qua những tuyến đường trung tâm để ngắm nghía không khí ăn mừng của dân Sài Gòn.
Và tôi đã thấy gì :
- Những dòng người chạy xe dừng sát vào dải phân cách, bên kia một dòng người chạy ngược chiều thật chậm, hai bên chìa tay ra hết cỡ đập vào nhau phấn khích.
- Tất cả mọi người đều cười với nhau. Chưa bao giờ trên đường phố những người xa lạ có thể bắt chuyện với nhau dễ dàng và tự nhiên như thế.
Người dân Việt Nam xem bóng đá ở ngoài quán Hình do tác giả cung cấp
- Một anh xe ôm đang ngồi nhậu cùng bạn bè trên lề đường ngắm không khí bão bóng đá, hỏi tôi có muốn qua đường không, anh ấy đưa qua.
- Một cô gái dắt chiếc xe máy đi trên lề. Anh lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 đang đậu xe gần đó hỏi cô ấy xe bị gì, có cần anh ấy xem giùm hoặc đẩy phụ đến chỗ sửa không.
- Một anh chàng phi xe máy đến, quẳng vội nó ra một góc lề đường, rồi vụt ra giữa ngã tư đang dày đặc dòng người đỏ chói từ bốn hướng, phất cao lá cờ nhảy múa.
- Một chị gái áo quần lam lũ mua hết quả pháo hoa nọ đến quả pháo hoa kia nhảy múa giữa dòng người. Trông chị có lẽ là người phụ quán giải khát ở ngã tư Cách mạng tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai. Giá một quả pháo hoa không đắt nhưng cũng không rẻ, và ngày thường chị ấy chắc sẽ phải tính toán giật một quả pháo hoa cho vui hay dành số tiền đó cho một bữa ăn.
- Một chiếc xe bán tải cỡ lớn chở hàng bị kẹt đến nửa tiếng giữa ngã tư. Năm bảy chàng trai cầm cờ và thổi kèn tiến đến, nhảy lên thùng xe, trèo lên nóc, nhảy nhót, vẫy cờ, thổi kèn và hô vang "Việt Nam vô địch". Anh lái xe chỉ mải miết cầm điện thoại quay phim. Anh phụ xe cởi trần ngồi chồm một nửa ra cửa ngắm dòng người, khuôn mặt bình thản mặc cho chiếc xe kẹt cứng giữa đường đến 30 phút.
Tôi thấy một chàng trai cột chiếc băng đỏ trên đầu, hăng say gõ chiếc khay inox úp ngược làm trống bên ngã tư. Khi chiếc que trúc đập gõ nhiều quá tướp ra như mành mành, một chàng thanh niên khác ở đâu không biết chạy ra dúi vô tay anh chàng kia chiếc vá inox để thay thế. Xong đứng bên cạnh thổi kèn toe toe.
Người dân Việt Nam cổ vũ bóng đá Hình do tác giả cung cấp
Tôi thấy những anh cảnh sát giao thông mỉm cười đứng nhìn dòng người dày đặc, khuôn mặt không căng thẳng hay mỏi mệt như thường thấy. Tôi thấy những cô gái đi một mình tiến đến đứng gần các anh cảnh sát đó cùng ngắm đường phố cuồng nhiệt, có lẽ để được yên tâm hơn. Cảnh này, bình thường khó thấy vì cảnh sát Việt Nam hay bị ghét và coi thường.
Tôi thấy những người xa lạ cùng nhau nhảy múa giữa đường.
Tôi ngắm những nụ cười hết cỡ, những cái đập tay, những tiếng reo hò chung quanh.
Và tôi hiểu ra, không phải niềm phấn khích vì một trận bóng đá thắng cuộc khiến đông đảo người dân Việt Nam tưng bừng đến thế. Chúng ta cần lắm không khí thân thiết, vui tươi, phấn khích, bình đẳng này. Nó mới chính là cái những người sống ở thành thị khao khát quá, thiếu thốn quá từ lâu, và dường như chỉ trong những trận bóng đá Việt Nam thắng lợi họ mới có một dịp để tự do bung tỏa.
Vì, bạn ơi, thành thị Việt Nam từ rất lâu nay quá thiếu tính người. Người người bịt kín khẩu trang đi trên phố không ai nhìn ai. Vào thang máy chung một tòa nhà cũng chỉ nín lặng đứng cạnh nhau, không một nụ cười hay tiếng chào. Dù Sài Gòn vẫn được tiếng là thân thiện dễ gần, nhưng vẫn chỉ trong những nhóm nhỏ hoặc khi những khi bạn cần giúp đỡ, còn nói chung vẫn xa cách, lạnh lẽo, dè chừng. Hàng xóm ở cạnh chục năm không biết tên nhau, và nhà nào nhà nấy rào thép gai chi chít.
Đó là do từ quá lâu nay chúng ta buộc phải sống trong những môi trường cạn kiệt niềm tin. Người lớn dặn con "đừng tin ai ngoài người thân". Đồng nghiệp bốn năm năm chỉ biết tên và vị trí công việc. Bạn bè thân thiết quanh quẩn ở những người chơi với nhau từ thuở mặc quần thủng đít… Chúng ta vô cùng thiếu những kết nối xã hội. Xã hội Việt Nam thì chưa được thiết kế và cấu trúc một cách căn cơ để phát triển những sân chơi nhằm thiết lập mối quan hệ cộng đồng. Chúng ta thiếu thiên nhiên, thiếu những bãi cỏ, rừng cây, bờ sông… để những người xa lạ nhìn thấy và trò chuyện cùng nhau. Thiếu những hoạt động cộng đồng vô vị lợi trên quy mô lớn và thường xuyên. Vô cùng thiếu không gian xã hội để chúng ta không cảm thấy cô đơn.
Một người bán hàng trên phố cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam Hình do tác giả cung cấp
Giữa môi trường có quá nhiều lo sợ và cảnh giác bủa vây, khát khao kết nối và được tin ở người khác càng mãnh liệt. Chỉ là sống quen trong đó, chúng ta phải cố bồi đắp những bức tường để tự bảo vệ bản thân nhưng nhất thời không ý thức ra điều đó.
Do vậy, những dịp hiếm hoi như thế này là để người dân bù đắp cảm xúc, tìm một khoảnh khắc giao hòa và vui sướng chung, tìm chút cân bằng cho đời sống.
Chỉ trong những đêm bóng đá-không phải vô cớ bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua- người người mới tự quẳng bỏ hết dè chừng và nghi ngại, dám sát lại với nhau trong cùng một chia sẻ vô tư.
Đó là một giá trị khác của những thành tích thi đấu thể thao đỉnh cao mà có lẽ các ngôi sao bóng đá cũng không biết đến.
Những dịp này cũng là cơ hội vàng cho các nhà chính trị và quản lý của Việt Nam quan sát và định hướng cấu trúc xã hội.
Khoảng hơn 20 năm trước, cũng trong một dịp bóng đá Việt Nam chiến thắng như hôm nay, chúng tôi- những thanh niên mới hơn 20 tuổi, cũng như mọi thanh niên hôm nay, hẹn hò rộn ràng từ sớm, xem bóng thì ít mà kiếm cớ tụ lại với nhau thì nhiều, cùng la hét, rồi cầm cờ, nhặt vội cái nồi, lao ra đường chen lấn vào đám đông, gõ ầm ĩ và reo hò khản giọng như hôm nay, như tất cả những dịp tương tự. Một niềm vui chung không cần lý giải, một niềm tự hào không cần nói rõ căn nguyên.
Nhưng cũng từ hơn 20 năm trước cho đến tận giờ, ở Việt Nam vẫn không có hoạt động nào của tổ chức xã hội nào có thể lôi kéo người dân tham gia tưng bừng đến vậy. Không có những dịp nào người dân tự nguyện phất cao cờ tổ quốc và hăng say hô vang hai tiếng Việt Nam đến vậy. Tràn trề và cảm động biết bao !
Hôm nay lại là một trận bóng nữa. Những nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhân những dịp này để quan sát và nghiền ngẫm thật kỹ. Hãy biết ơn người dân. Trong một xã hội mà sự thờ ơ, vị kỷ, cá nhân đã trở thành những chân lý sống an toàn, thì chất men rừng rực kia nếu được cấy vào một môi trường thực sự đặt quyền lợi nhân dân lên hàng đầu như những gì chính phủ Việt Nam vẫn kêu gọi nhiều năm nay, sẽ giúp kết nối người dân, khơi dậy những động lực tiềm tàng giúp mang lại những đổi thay sâu sắc hơn mà chúng ta mong ước.
Vũ Ngọc Mai
Nguồn : RFA, 10/01/2020
Trong mục Châu Á, tuần báo Anh The Economist số ra ngày 13/12/2019 đã có một bài viết lý thú về một câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam, mang một cái tên kỳ lạ bằng tiếng Anh : "No U FC". Đối với The Economist, đây là một "câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đang thách thức Trung Quốc".
Một buổi chơi bóng của Câu lạc bộ No-U tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 09/07/2017. HOANG DINH NAM / AFP
Mở đầu bài viết mang tựa đề đơn giản "Thẻ đỏ", gởi đi từ Hà Nội, phóng viên của The Economist đã tả lại một buổi tập luyện của thành viên câu lạc bộ bóng đá này, mà ngay tên gọi đã được nhà báo Anh cho là một "tiếng kêu xuất phát từ trái tim", dùng nguyên văn từ ngữ tiếng Pháp "cri de coeur", một cái tên biểu thị rõ ý muốn bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh đối với Biển Đông
Về cái tên câu lạc bộ bóng đá "No U FC", bài báo đã giải thích rõ rằng chữ U trong tên đội bóng chỉ "đường chín đoạn" hình chữ U mà Trung Quốc dùng để yêu sách chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, ăn vào cả một khu vực rộng lớn mà luật pháp quốc tế công nhận là thuộc về Việt Nam.
Điểm lý thú được The Economist ghi nhận là trong tên gọi của câu lạc bộ đó, chữ tắt FC có thể hiểu theo hai cách, cách thông thường là "Football Club" – Câu Lạc Bộ Bóng Đá – nhưng cũng có người giải thích một cách nôm na hơn là "Fuck China", tức là "đ.m. Trung Quốc".
Đối với phóng viên của The Economist, câu lạc bộ No-U FC được thành lập vào năm 2011 để phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, chiếm cứ các đảo và rạn san hô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đặt các nơi này vào một khu hành chính mới của Trung Quốc, trong lúc tàu Trung Quốc thì tấn công và giết chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển bị Bắc Kinh tranh chấp.
Theo The Economist, chính vì cho rằng Trung Quốc đang xâm lấn vùng biển Việt Nam mà các nhóm xã hội dân sự non trẻ tại Việt Nam đã tổ chức một số cuộc biểu tình. Chuyên gia Vũ Tường thuộc Đại học Mỹ Oregon cho biết là vào năm 2018 chẳng hạn, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế bị cho là có hệ quả là bán rẻ đất nước cho Trung Quốc.
Hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng bị nhà chức trách Việt Nam giải tán, nhưng trước đó một nhóm các nhà hoạt động đã nghĩ ra cách để nói lên quan điểm của mình mà không bị bắt giữ. Và thế là No-U FC ra đời.
Công an Việt Nam tuy nhiên không bị lừa lâu, các trận đấu của Câu lạc bộ đã bị đình chỉ, các nhà quản lý sân bóng được khuyến cáo là không được cho câu lạc bộ này vào chơi bóng, và nhiều thành viên Câu lạc bộ thì bị đánh đập và bỏ tù. Cho dù vậy, đội No U FC vẫn không nản lòng và tiếp tục chơi bóng mỗi Chủ Nhật.
Việc chính quyền đối xử khắc nghiệt với câu lạc bộ No-U FC quả là đáng ngạc nhiên vì Câu lạc bộ này được thành lập chỉ để thể hiện tình cảm ủng hộ Việt Nam. Nhưng theo The Economist, có hai lý do giải thích phản ứng đó.
Trước hết, câu lạc bộ này có thể là đã quá yêu nước so với khẩu vị của chế độ. Mặc dù chính quyền Việt Nam phản đối các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng trong thực tế, phản ứng của Việt Nam thường rất nhẹ nhàng. Nhà nghiên cứu Vũ Tường cho rằng trong Đảng cộng sản cầm quyền có một phe bảo thủ không muốn xúc phạm đối tác Trung Quốc.
Lý do thứ hai là có một kết nối đang phát triển giữa câu lạc bộ và các hoạt động dân chủ. Vì thái độ thận trọng của chính phủ trong vùng biển tranh chấp, nhiều nhà hoạt động cho rằng Đảng còn yếu đuối trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Trong bài biên khảo về hoạt động chính trị ở Việt Nam mang tựa "Nói thẳng tại Việt Nam – Speaking Out in Vietnam", nhà nghiên cứu Ben Kerkvliet cho rằng một số người đã "kết luận rằng, để cứu đất nước Việt Nam, hệ thống chính trị phải được thay thế bằng một nền dân chủ mạnh mẽ".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 14/12/2019
Với hai bàn thắng trên sân khách và một bàn trên sân nhà, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã lần thứ hai vô địch giải đấu bóng đá của các nước ASEAN. Khu vực này là vùng trũng của bóng đá châu Á khi chưa từng có đội tuyển quốc gia nào lọt vào World Cup. Mà tại vùng trũng ấy Việt Nam cũng phải mất 22 năm mới vô địch được hai lần, lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm. Trong khoảng thời gian đó người Thái chạm cúp năm lần, Singapore bốn lần và Malaysia một lần, bằng với Việt Nam cho tới hôm 15/12 vừa qua.
Huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò nâng cao Suzuki Cup sau trận chung kết gặp Malaysia tại Mỹ Đình, 15 tháng 12, 2018. (AP Photo/Minh Hoang)
Ấy vậy mà người dân ăn mừng cứ như Việt Nam vừa thắng World Cup. Ăn mừng tới mức một thanh niên Sài Gòn ngã ra đường bị xe bồn cán chết. Ăn mừng tới mức hai người khác ở Bà Rịa – Vũng Tàu chết khi "bàn nhậu nát bét dưới gầm xe khách". Ăn mừng tới mức ở Lâm Đồng "nam thanh niên bị đâm chết khi xuống đường mừng chiến thắng". Nhưng nếu người ta sẵn sàng chết trong ngày đại thắng thì tôi tuổi gì mà bàn.
Tôi cũng không có ý nói không nên ăn mừng. Cảm xúc ta thế nào cứ thể hiện như thế thôi. Miễn là thể hiện xong nên gói rác mang về nhà mà vứt chứ đừng để lại sân bóng hay dưới lòng đường. Thể hiện nhưng chịu khó đội cái nồi cơm điện để bảo vệ não. Thể hiện nhưng đừng chập mạch tới mức để mất mạng hay làm người khác mất mạng.
Tôi không xem được hiệp một trong trận Việt Nam – Malaysia ở Mỹ Đình nhưng xem hết hiệp hai qua Facebook Live của một kênh Malaysia. Quả thực các cầu thủ Việt Nam ở cả hàng công và hàng thủ đều chơi chắc chắn, xem đỡ thót tim hơn nhiều so với trước đây. Có bạn dè bỉu nói Việt Nam ăn may vì Anh Đức ghi bàn trong tình huống việt vị. Nhưng một số bạn am hiểu bóng đá nói nếu Anh Đức không ghi bàn trước thì Việt Nam đã không đá thiên về phòng ngự trong phần còn lại của trận đấu và tỷ số có khi còn cao hơn. Thực tế là các cầu thủ Việt Nam đã ghi được hai bàn trên sân khách trong khi Malaysia không ghi được bàn nào ở Mỹ Đình. Dù có hoà 0-0 hay 1-1 thì Việt Nam vẫn thắng.
Trở lại với chuyện người Việt chỉ được phép xuống đường khi vui, còn khi sầu xin cứ ở nhà, tôi xin được giải thích rõ thêm. Tôi có đọc ở đâu đó người ta xử lý hàng chục trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ra đường đi bão đêm 15/12, nhưng tôi tin hôm đó số người không đội mũ có lẽ lên tới hàng ngàn hay hàng vạn. Có những clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát thậm chí còn đập tay ăn mừng với cả những người đi xe máy không mang mũ bảo hiểm. Vui là chính mà. Chấp gì.
Thế nhưng mai bạn buồn cứ thử xuống đường mà xem. Nếu bạn bị tư bản truyền thống hay tư bản đỏ bóc lột mà lại trả lương thấp bạn thử xuống đường kêu xem thế nào. Nếu bạn muốn bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh, bạn thử tụ tập lấy 20 bạn và diễu phố xem công an sẽ đập tay với bạn hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nếu bạn có người thân bị đánh cho tới mức phải nhận tội và bị kết án từ tù nhiều năm tới tử hình, bạn thử xuống đường kêu oan xem sao.
Tôi từng có dịp nói chuyện với cây viết Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và thương bạn vô cùng khi thấy bạn bị trục xuất sang Hoa Kỳ sau vài năm ở tù. Cũng chỉ vì bạn hay xuống đường vì những người thấp cổ bé họng, vì những hàng cây, những con sóng biển không biết nói. Mà xuống đường là việc làm được Hiến Pháp khuyến khích các bạn nhé. Chỉ có điều chính quyền sợ các bạn quá nên không dám viết luật hướng dẫn các bạn làm theo đúng hiến pháp thôi.
Cũng chẳng phải vô cớ mà họ sợ đâu. Vừa rồi cháy lò mới ra một đống mặt chuột đấy. Từ uỷ viên Bộ Chính trị tới bộ trưởng, thứ trưởng, tới tướng, tới tá. Thuế bạn đi làm mửa mật mới có mà đóng nhưng chúng đốt hàng tỷ, chục tỷ, ngàn tỷ. Nhưng bạn đừng mơ xuống đường phản đối. Từ nhà tù lớn bạn sẽ vào ngay các nhà tù nhỏ với những cai ngục sẵn sàng chửi mắng và tát vào mặt bạn như Mẹ Nấm đã kể. Hay nếu họ không đánh thì sẽ sai "đại bàng" tẩn bạn. Cho chừa cái thói đủ thông minh để dùng quyền hiến định.
Cách hành xử thô bạo của những người chưa quên "bạo lực cách mạng" làm nhiều người nhụt chí. Nhưng xưa họ chẳng sợ như bạn đâu, họ liều lắm vì họ bảo "đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu, dấn thân vô là phải chịu tù đày". Mà bạn có làm gì đâu ? Bạn xuống đường đi dạo thôi mà. Dạo bộ vì người nghèo, dạo bộ vì môi trường, dạo bộ vì chó mèo. Giống như hàng vạn người dạo bộ vì quyền của người đồng tính hay hàng triệu người vỡ oà với niềm vui vô địch bóng đá trên mọi nẻo đường.
Bóng đá Việt Nam cứ 10 năm mới vô địch một lần trong 22 năm qua. Ở khoảng giữa có lẽ bạn cứ thoải mái ca "đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào". Trong khoảng thời gian chờ được xuống đường mà không bị đánh đập đó, bạn ra đường có nguy cơ bị cảnh sát đòi tiền, bị tai nạn giao thông. Tới chỗ làm có thể bị bắt nạt, bị trả lương thấp một cách bất công mà chẳng có công đoàn nào giúp bạn. Nếu không may bạn có mảnh đất lọt vào mắt quan chức như đã xảy ra ở Thủ Thiêm, Văn Giang hay nhiều nơi khác, bạn sẽ chẳng cãi lại được miệng nhà quan đâu. Còn các quan làm đường theo kiểu vừa làm đã có ổ voi, quy hoạch thành phố cứ mưa là ngập, bệnh viện cứ đến là quá tải. Con bạn đến mẫu giáo không ăn có thể bị ăn tát. Còn đến lớp lớn hơn thì có khi ăn cả trăm cái tát nếu lỡ miệng văng tục. Rừng người ta đã và đang đốn khiến lũ lụt ngày một trầm trọng. Biển ô nhiễm khiến có lúc người ta không còn dám ăn hải sản.
Đấy chỉ là danh sách những thứ ai cũng thấy sờ sờ trước mắt. Còn dưới tấm thảm xã hội chủ nghĩa còn vô số thứ khác mà ông đốt lò đang đổ mồ hôi hột để xử lý. Nhưng tấm thảm đó xét về mặt đẻ ra những thứ vô văn hoá và đồi bại thì phải nói nó đúng là thảm thần. Nên ông đốt lò một mình chống lại mafia có lẽ chẳng được lâu đâu. Còn bạn nếu chỉ khi nào vui mới xuống đường thì những ngày còn lại cứ thoải mái ca "đời là vạn ngày sầu" đi nhé.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/12/2018
Tuần này, liêm sỉ tiếp tục là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội Việt ngữ.
Cổ vũ đội nhà trong trận gặp Myanmar, 20 tháng 11. Hình minh họa.
Tuần trước, người ta từng nhắc đến "liêm sỉ" khi Việt Nam vượt qua Philippines để bước vào lượt trận chung kết của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF 2018) vì tại nhiều nơi, không ít người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng cuồng nhiệt tới mức giống như mất tri giác : Thi nhau hò hét, tụt quần, cởi áo… Cuối cùng, không chỉ giao thông tắc nghẽn, hỗn loạn mà còn khiến vài chục người chết, vài trăm người bị thương và chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương nhắm mắt làm ngơ như đã từng nhắm mắt làm ngơ nhiều lần, bởi nhờ thế họ có thể đu theo chiến thắng của đội tuyển quốc gia, lên hết dây cót… tự hào cho dân chúng.
Tuần này, nhiều người đề cập đến "liêm sỉ" trên mạng xã hội với tần suất cao hơn sau khi Việt Nam thủ hòa trong trận chung kết lượt đi ở Malaysia và báo giới tiết lộ, hai năm vừa qua, ông Park Hang-seo, tuy là Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23 nhưng lại nhận lương từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức !
Trong 24 tháng vừa qua, ông Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai) – người từng bị VFF gạt ra khỏi Ban Chấp hành vì không có… bằng tốt nghiệp đại học - đã tự nguyện trả cho ông Park khoảng 19,2 tỉ (mỗi tháng khoảng 800 triệu đồng) (1).
Ai cũng biết, từ khi ông Park trở thành Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23, bóng đá Việt Nam đã sải những bước rất dài trên con đường dẫn tới đỉnh của bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Châu Á. Trong hai năm vừa qua, Đội tuyển U23 của Việt Nam giành Huy chương Bạc Giải Vô địch U23 Châu Á, Đội tuyển Quốc gia đứng thứ tư Olympic Châu Á và người Việt đang mơ, Đội tuyển Quốc gia sẽ đoạt được Cúp AFF 2018.
Cho dù thiên hạ đã từng đề cập đến vai trò của những ông bầu, trong đó có bầu Đức (bỏ tiền túi để thành lập các Câu lạc bộ Bóng đá, lựa chọn - ươm hàng loạt mầm non để tạo ra diện mạo của đội tuyển quốc gia như hiện nay), song ít ai dè tâm huyết, sức lực, công lao của các ông bầu, như bầu Đức còn hơn cả thế. Đó cũng là lý do "liêm sỉ" trở thành chuyện không thể không nêu…
Thời luận – một group bàn thảo về thời cuộc trên facebook - thắc mắc : VFF có biết "liêm sỉ" là gì không ? Trong số hơn 1.000 người tham gia bình luận về thắc mắc này, không ai trả lời : Có ! Bởi thiên hạ cùng mắng VFF khốn nạn, trâng tráo, điếm đàng. Không ít facebooker nhận định như Bình Dương Nguyên : Một lũ vô liêm sỉ ! Lẽ ra mấy thằng lãnh đạo VFF và ngành thể dục thể thao phải thấy nhục khi thành tích và tiền thì chúng hưởng, công người khác thì chúng chiếm chẳng khác gì chó tranh phân ! – nên Đại Quan – một thành viên trong group Thời luận – đẩy đưa : Quan chức nước ta hay xấu hổ lắm. Họ liêm sỉ và sạch sẽ lắm. Cứ chửi hoài kiểu này, họ… thôi làm lãnh đạo bỏ về quê thì những ghế ấy ai ngồi (2) ?
Từ chuyện bầu Đức bỏ tiền túi nuôi Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đôi tuyển U23, nhiều facebooker như Mạnh Quân nhắc lại chuyện bầu Đức đang nợ ngập đầu mà vẫn ráng gánh thệm các chi phí để bóng đá Việt Nam nở mày, nở mặt với thiên hạ. Quân cảm thấy tiếc là nhiều sản phẩm của bầu Đức, ví dụ như cao su, không phải ai cũng mua được. Quân khẳng định, nếu bầu Đức mở rộng kinh doanh, sản xuất những mặt hàng thiết yếu như : gạo, sữa… Quân sẵn sàng ủng hộ. Quân nhấn mạnh, không đề cập đến VFF như mọi người vì đó một đám mà nhắc tới chỉ… bẩn mồm (3) ! Cũng nhìn vấn đề theo hướng như vậy, Hoàng Linh không phê phán VFF mà chỉ rao : Ai nhặt được lòng tự trọng của VFF làm ơn… trả lại (4).
Họa vô đơn chí, tin bầu Đức đưa lưng gánh vác khoản thù lao phải trả cho ông Park suốt hai năm vừa qua được tiết lộ đúng vào lúc VFF vừa tổ chức tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ thứ bảy. Theo đó, VFF tiếp tục đạt được nhiều… thành tích quan trọng. Ngoài thành công của… Đội tuyển U23, Đội tuyển Quốc gia, thu nhập của VFF năm sau luôn cao hơn năm trước và sẽ phấn đấu để sắp tới, mỗi năm, Ban Chấp hành VFF Khóa 8 sẽ thu về 400 tỉ đồng. Bạch Huệ là một trong những facebooker dựa trên những thông tin ấy để đặt câu hỏi : Không phải nuôi huấn luyện viên, không phải nuôi cầu thủ, hưởng đủ thứ vậy tiền VFF kiếm được đi đâu, chi cho những việc gì mà năm nào cũng than lỗ (5) ?
AFF Cup năm nay, sau khi Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam tiến gần đến đích, VFF lại để lòi ra thêm một vấn nạn khác : Vé ! VFF tuyên bố bán vé online nhưng gần như không ai có thể mua được vé xem các trận Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình qua Internet. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với vé bán tại các quầy vé. Chỉ có vé chợ đen với giá cao hơn từ 15 lần đến 20 lần giá chính thức thì bao nhiêu cũng có. Bạch Huệ nhận định, lối quản lý – điều hành hoạt động như thế là lý do khiến VFF phải "ăn mày" những doanh nhân thất cơ, lỡ vận như bầu Đức. Giống như Huệ, Trinh Son bất bình vì trong Ban Chấp hành VFF Khóa 8 vẫn chỉ toàn những kẻ trâng tráo, dựa hơi bóng đá và vì thế bóng đá Việt Nam khó mà vươn cao. Dưới mắt Son, VFF là một lũ "đĩ điếm", lợi dụng cả những cầu thủ trẻ lẫn tình yêu bóng đá của dân chúng, ngồi chơi rung đùi hưởng lợi trên mồ hôi người khác (6).
Thật ra đâu chỉ có VFF ! Khi Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sải được những bước dài hơn, đi xa hơn trong những đợt tranh tài khu vực, vé xem Đội tuyển Quốc gia trên sân Mỹ Đình trở thành của quý, số viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhào vào kiếm chác cả danh lẫn lợi theo kiểu tủn mủn, vụn vặt, đông hơn nhiều.
Hết ca sĩ Đinh Hiền Anh hồn nhiên khoe đặc lợi vì là… phu nhân của đồng chí Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài Chính, trên facebook : Dân tình sốt xình xịch vì vé khan hiếm và khó mua. Ngoài luồng thì giá cắt cổ. Em vẫn được ưu ái 50 vé mời cho người thân. Đa tạ (7) ! - tới Ban Dân nguyện của Quốc hội thản nhiên soạn công văn, gửi cho VFF, đề nghị bán 200 vé xem trận chung kết lượt về cho lãnh đạo Ban Dân nguyện và công chức Vụ Dân nguyện "trực tiếp theo dõi, cổ vũ tinh thần cho Đội tuyển Bóng đá Quốc gia" (8)…
Chắc chắn không chỉ có phu nhân Thứ trưởng Tài chính hưởng đặc lợi kiểu đó, chắc chắn không chỉ có Vụ Dân nguyện đòi đặc quyền kiểu đó, sẽ có rất nhiều cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia giành đặc quyền này.
***
Chưa biết Đội tuyển Bóng đá Việt Nam có đoạt được Cúp AFF năm nay hay không nhưng Hà Phan dự đoán : Nếu những cầu thủ trẻ của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam qua mặt Đội tuyển Bóng đá Malaysia vào ngày 15 tháng 12 thì… chiến thắng ấy thuộc về VFF. VFF sẽ có đủ đường thu, đủ kiểu để kể công. Trong diễn văn mừng chiến thắng hẳn sẽ có câu "Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của VFF, bóng đá Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác..". và các quan chức của VFF sẽ nhảy bổ lên đầu xe chở đoàn quân chiến thắng diễu hành, sẽ chen vào chỗ đẹp nhất để chụp hình với lãnh đạo. Ngược lại, khi thất bại trách nhiệm chính sẽ thuộc về Huấn luyện viên Park và các cầu thủ, VFF chỉ… rút kinh nghiệm sâu sắc, lấy đó làm bài học quý báu để tiếp tục lãnh đạo nền bóng đá nước nhà và hành hạ người hâm mộ Việt Nam (9)...
Dự đoán của Hà Phan dẫu đúng nhưng chưa đủ. Nào phải chỉ có VFF. Hồi tháng giêng năm nay, khi Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến chung kết Giải vô địch Bóng đá trẻ Châu Á 2018, đối đầu với Đội tuyển U23 Uzbekistan, chẳng phải tờ Nhân Dân vội vàng tuyên bố "Thế nước mạnh, vận nước lên !" đó sao (10). Đừng nghĩ tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – hàm hồ khi khẳng định chắc nịch, chuyện "lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á 2018" cùng với "những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại... trong năm 2017" chính là bằng chứng "thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh" và chắc chắn "việc gì cũng thành công" !
Đâu phải chỉ VFF vô liêm sỉ và đâu phải tự nhiên mà VFF dù tày hoày, toét hoét nhưng vẫn vững như bàn thạch. VFF mà khác Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, khác Quốc hội, khác Nhà nước, khác Chính phủ, VFF có tồn tại được không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/12/2018
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2167175600215129&id=2022680201331337&__xts
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157090084734824&set=a.116500934823&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/1895297357257452
(5) https://www.facebook.com/tocroi2010/posts/2166413100077214
(6) https://www.facebook.com/son.trinhcong.9028/posts/598843563879255
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2252057661470945&set=a.198116233531775&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/phan.ha.7524/posts/10211033422666323
(10) http://www.nhandan.com.vn/thethao/tin-tuc/item/35368102-the-nuoc-manh-van-nuoc-len.html
Muốn biết Việt Nam lụn bại đến đâu chỉ cần bước chân vào các bệnh viện và trường học là có thể nhận ra. Các bệnh viện công hoặc là quá tải hoặc là kém chất lượng. Giáo dục nhồi sọ, chạy theo thành tích. Cô giáo "ra lệnh" cho các em học sinh "tra tấn" bạn mình bằng mấy chục, trăm cái tát... Còn thầy giáo thì dâm ô, tát, đấm đá học sinh mặc kệ hậu quả. Còn đối với học sinh thì nhiều em chọn bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn.
Ở các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải "hóa trang thành Ninja" để đối phó với bụi bặm.
Môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân sống ở các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải "hóa trang thành Ninja" để đối phó với bụi bặm. Hơn 300 người Việt chết vì ung thư mỗi ngày – là số tỉ vong còn cao hơn ở một số quốc gia như Syria, Yemen đang có tranh chấp quân sự đầy bạo lực.
Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Việt Nam thường được nhắc trên báo chí nước ngoài, đi kèm với "trộm cắp", "buôn lậu", "bắt cóc"... và thậm chí là "bán dâm". Theo các bảng đánh giá về mức độ tự do, nhân quyền hoặc minh bạch như Human Rights Index, Freedom House, Corruption Perceptions Index, thì Việt Nam cùng với các nước độc tài khác, luôn nằm gần cuối bảng.
Nhìn chung, Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa... Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày, và không phải đối mặt với một tương lai bất định cũng như sự lụn bại của quốc gia.
Người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày
Thêm nữa, vì duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức cũng như hoạt động xã hội vì nỗi sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, người Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Do đó, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm "tự hào" mà họ luôn khao khát.
Vì thế, đêm 15/12, hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp cả nước đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi mừng chiến thắng bóng đá. Tôi chia sẽ niềm vui chiến thắng, nhưng ngẫm đến sự bất công và ngày càng lụn bại của tổ quốc, khiến tôi chẳng thấy niềm vui mà chỉ là một nỗi buồn đến khó chịu. Bởi chiến thắng bóng đá dù ở cấp độ nào cũng không thể xóa mọi bất công, bất hạnh, tủi nhục mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Làm sao có thể vui vẻ khi mà đại đa số người dân vẫn còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể mừng rỡ "tự hào Việt Nam" khi hàng triệu người vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan ? Làm sao có thể "tự hào Việt Nam"khi hàng chục ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương, để lao động vô cùng khổ cực ở các nước khác, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình ?
Chiến thắng thể thao là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước.
Socrates, được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ : "Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống" (An unexamined life is not worth living"). Thông điệp Socrates nhắn gửi : phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Sẽ thật ý nghĩa nếu nhiều bạn trẻ gào thét, mừng chiến thắng bóng đá cũng dám chất vấn bản thân về thực trạng lụn bại của đất nước.
Tại sao các các bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ ?
Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng ?
Tại sao học sinh Việt Nam phải chấp nhận nền giáo dục nhồi sọ, tha hóa đạo đức ?
Tại sao ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam là được "xuất khẩu lao động" ?
Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước ?
Bạn gào thét cho chiến thắng bóng đá, nhưng lại im lặng đến đáng sợ trước vô số bất công, thối nát, suy đồi đạo đức của xã hội. Cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì ?
Hình ảnh Viêt Nam bị "bôi tro trét trấu" bởi các cán bộ đảng viên "ăn cắp", bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước "quì gối cúi đầu" trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào ? Đúng lý ra, niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần giải thể chế độ độc tài toàn trị, mang tới dân chủ đa nguyên thực sự cho dân tộc.
Chỉ khi biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng của đất nước, thì mới biết nhói đau trước những bất công mà chế độ cộng sản tạo ra và quyết tâm loại bỏ nó. Con cháu bạn và tôi xứng đáng được sống trong một chế độ tự do và công bằng thực sự, trong môi trường sạch sẽ, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo. Những nguyện ước giản dị này không quá khó. Vấn đề là bạn có thực sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để mang lại thay đổi tốt đẹp đó hay không ?
Trong lúc nhiều bạn "xuống đường" vui sướng cho chiến thắng bóng đá, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì nhà nước cộng sản không tạo ra được việc làm cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.
Mặc dù đảng cộng sản dùng bạo lực và dối trá để cai trị dân tộc hơn 80 năm qua, nhưng chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, đã góp tay duy trì sự tồn tại của chế độ độc tài bằng sự vô cảm. Đảng cộng sản ngang nhiên bóp nghẹt nhân quyền bằng luật an ninh mạng, "hút máu" dân bằng hàng đống loại thuế vô lý, và phá nát giáo dục, môi trường cũng như y tế. Thế nhưng, chỉ một số ít ỏi can đảm xuống đường phản đối những thối nát ấy của chế độ ; trong khi rất nhiều người xuống đường mừng cúp vô địch bóng đá. Độc tài, bất công, thua kém, tủi nhục, lạc hậu KHÔNG quan trọng bằng một chiến thắng thể thao.
Sự vô cảm, hèn nhát của người Việt được cụ Phan Châu Trinh viết từ năm 1906 và đến giờ vẫn còn nguyên giá trị : "Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm ; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng".
Cúp vô địch bóng đá KHÔNG giúp Việt Nam thoát cảnh tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ, giáo dục nhồi sọ, và chính quyền độc tài ác ôn. Cúp vô địch bóng đá KHÔNG mang đến tự do ngôn luận và tự do bầu cử là những bí mật của hạnh phúc.
Nếu có xuống đường gào thét và vui sướng, hãy làm cho xứng đáng. Đừng quá hân hoan, mừng rỡ khi trên cổ vẫn còn đeo gông.
Mai V. Phạm
(16/12/2018)
Không có gì thoát khỏi chính trị (Tiếng Dân, 29/01/2018)
Nên đón một đội bóng vừa thi đấu trở về thế nào ? Lệ thường, toàn đội bóng sẽ đứng trên một chiếc xe buýt mui trần đi diễu hành qua các đường phố với người hâm mộ vẫy cờ hoa hai bên đường. Các chính trị gia nếu muốn tham gia có thể chọn một vị trí dễ thu hút ống kính truyền thông, ví dụ ban-công của một toà nhà nào đó trên đường đoàn diễu hành ngang qua, chính trị gia cũng vẫy cờ phất hoa không khác gì một người dân thường. Đội bóng diễu hành về tổng hành dinh, vây quanh bởi người hâm mộ, không có diễn văn, không có báo cáo, và tuyệt đối quan chức chính phủ không tham gia vào sự kiện này. Quan chức có thể tiếp đón đội bóng sau đó, còn niềm vui diễu hành đón đội bóng là của người dân, nếu muốn tham gia xin mời làm dân một hôm. Đó là câu chuyện của một nền thể thao phi chính trị.
Các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng của Quang Hải trong trận trung kết với Uzebekistan tại giải U23 Châu Á. Ảnh : internet
Như thường khi có sự kiện, trên mạng xã hội chia ra những cuộc tranh luận gay gắt. Lần này không khác. Có người đòi chỉ nên coi bóng đá là trò chơi, đừng hô hoán đó là "tinh thần dân tộc" hay "vận nước" vì vận nước thật sự đang còn nhiều điều đau nhức. Phía đối diện là một đám đông cũng đòi coi bóng đá chỉ là bóng đá, đừng lôi chính trị vào, lâu lâu có dịp ăn mừng thì cứ mừng chứ đừng nói chi những Formosa, xăng tăng hay BOT.
Trên thế giới, không có người dân nước nào lại không đổ ra đường ăn mừng khi đội tuyển thể thao của họ thi đấu đẹp mắt, có thành tích. Chuyện đó vô cùng bình thường và chẳng ai hỏi tại sao đám đông ấy chỉ biết vui với thể thao mà không màng đến thời sự còn nhiều vấn đề với vận mệnh quốc gia. Tại sao vậy ?
Bởi vì, ở những đất nước đó đám đông cũng có cả quyền bày tỏ và biểu lộ quan điểm khi họ thấy bất bình với một hay nhiều vấn đề trong xã hội. Báo chí của họ ngoài việc phân tích – phê bình thành tích thi đấu thể thao, chứ không tung hô lố bịch, thì cũng có quyền bình luận – điều tra các vấn đề xã hội. Doanh nghiệp của họ không ký đơn cho nhân viên nghỉ làm đi coi đá bóng cũng không tìm cách can thiệp "giật mối" chở đội tuyển thể thao trên một chuyến máy bay ngồn ngộn da thịt.
Vì mọi quyền bày tỏ đều như nhau, từ thể thao đến chính trị, nên chẳng có gì phàn nàn nếu toàn dân vui mừng trong một sự kiện thể thao. Chỉ nên phàn nàn vì có những xứ sở đám đông vui mừng như lễ hội vì thể thao mà thờ ơ với những gì quyết định cuộc sống của mình và gia đình.
Tại sao những người yêu cầu chỉ nên ăn mừng sự kiện thể thao thuần tuý không được đem chính trị vào lại không phản ứng khi người ta dùng chính hình ảnh các chính trị gia để cổ vũ bóng đá ? Tại sao không phản ứng khi việc đón một đội tuyển bóng đá lại trở thành một sự kiện chính trị với sự tham gia của người có vị trí cao nhất Chính phủ ? Chính trị hóa thể thao là đấy chứ còn đâu. Hay, các bạn nghĩ rằng chỉ có Formosa, phản đối BOT "bẩn", xăng tăng… thì mới là chính trị ?
Chính trị không tha cho thứ gì, kể cả các bạn, nhất là khi bạn sống trong một đất nước mà cụm từ "xã hội dân sự" vẫn còn bị kiểm duyệt trên báo chí. Cho nên, hãy cứ vui niềm vui bóng đá của bạn và đừng đòi người khác phải phi chính trị. Vì các bạn cũng là một thứ công cụ chính trị.
Ăn bẩn (Tiếng Dân, 28/01/2018)
U23 Việt Nam được hứa thưởng rất nhiều, kể cả khi họ không vô địch. Điều này làm tôi nhớ đến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008 cũng với 1 "núi" tiền thưởng. Vấn đề là toàn bộ số tiền ấy có đến tay cầu thủ và Ban huấn luyện đầy đủ hay không ?
Ông Nguyễn Lân Trung cạnh huấn luyện viên Park Hang Seo trên xe diễu hành cùng các cầu thủ. Ảnh : Nam Trần/ báo Tuổi Trẻ
Ngày 29/6/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định thành lập đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 tại Malaysia từ ngày 11/8 đến 1/9 với tổng cộng 693 thành viên, trong đó có 1 trưởng đoàn, 10 phó đoàn, 18 cán bộ, 22 bác sĩ, 32 lãnh đội, 28 chuyên gia và 106 huấn luyện viên.
Vấn nạn "lạm phát phó đoàn" bị phản đối dữ dội vì năm SEA Games trước đó Việt Nam đi ít hơn 123 vận động viên, thi đấu ít môn hơn cũng có tới 7 phó đoàn. Quy định của Ban tổ chức SEA Games 29 đã nêu rõ : mỗi đoàn thể thao chỉ được phép đăng ký 1 chức danh trưởng đoàn và 2 chức danh phó đoàn. Vậy quan chức Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không… biết đọc ?
Trưởng đoàn bóng đá nữ dự SEA GAMES nhận khoảng 100 triệu đồng dù không có công lao gì. Điều này bị chính các nữ cầu thủ tố vào năm 2014 !
Hơn 10 năm trước, vài đứa em tôi là tuyển thủ quốc gia (bộ môn khác) cũng uất ức vì tiền thưởng bị cắt xén. Nhưng những vận động viên uy lực trên các đấu trường lại non nớt trước cuộc đời. Họ chỉ có thể nói : "Tụi em tin anh nên nói cho anh biết để đỡ tức nhưng anh viết lên thì tụi em hết đường lên tuyển". Buổi sáng hôm sau lật tờ báo thể thao xem công bố mức thưởng vận động viên mà giận run.
Những "chú, bác" đi bằng tiền ngân sách (tôi nhấn mạnh là ngân sách) không phải ai cũng vô trách nhiệm. Nhưng thực sự có trách nhiệm hay không thì để vận động viên nhận xét là rõ nhất. Dĩ nhiên, không phải nhận xét kiểu bị "mớm" mà từ đáy lòng của những người bị ăn chặn thực sự.
Bóng đá là môn thể thao khơi gợi cảm xúc nhất nên cũng dễ thưởng nhất. Khoan nhìn những con số "hứa mồm" của các đại gia mà chỉ cần công bố mức thưởng thật sự đã đến tay các cầu thủ và huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên, bác sĩ là bao nhiêu. So nó với mức thưởng của các trưởng đoàn, phó đoàn cũng từ tiền thưởng chung sau khi trừ thuế là sẽ ra.
Với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Tổng cục Thể dục thể thao thì bất kỳ cán bộ nào đi theo đoàn cũng là nhiệm vụ. Họ dùng ngân sách từ thuế dân để đi các nước và dĩ nhiên ăn lương cũng từ thuế dân. Vậy "ăn phần" làm gì khi nhiệm vụ anh phải làm là dẫn đoàn và đã có lương ? Vậy "ăn phần" làm gì khi có những ông bầu sẵn sàng "dẫn đội" mà còn bỏ tiền túi ?
Còn nói về VFF (Vietnam Football Federation) thì càng kinh tởm hơn !
Nếu nhìn vào điều hành Vietnam League của VFF thì chỉ cần tìm hiểu Hội đồng trọng tài và các bê bối của nó. Về ứng xử thì hãy hỏi những Tavares, Weigang, Letard, Miura,… đã bị đối xử ra sao. Kể cả việc vé lậu xem các cấp đội tuyển hoành hành thế nào nhiều năm nay. Và chỉ cần bạn xem ảnh và nội dung chat mà tôi chụp ảnh up lên (xem ở comment) sẽ hiểu sự thật kinh tởm đến độ nào !
Cái cách mà ông Nguyễn Lân Trung leo lên đứng trên xe diễu hành của cầu thủ U23 trưa nay làm tôi phải quay mặt không nhìn màn hình. Cái cách ông Trần Quốc Tuấn chụp hình chung với cầu thủ làm tôi bỏ bữa.
Quý vị có làm điều có ích cho bóng đá Việt Nam ư ? Hay là những ông bầu tư nhân bỏ tiền ra làm đào tạo trẻ bài bản để có hôm nay ?
Hãy dừng lợi dụng những người hâm mộ ngây thơ !
Hãy dừng "ăn bẩn" trên công sức các cầu thủ đã chiến đấu vì danh dự Việt Nam !
Việc đội tuyển U23 Việt Nam sẽ hiện diện tại trận chung kết giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 cùng với đội tuyển U23 Uzbekistan đã trở thành sự kiện chấn động cả sinh hoạt xã hội lẫn dư luận Việt Nam.
Đám đông cuồng nhiệt đổ ra đường phố Hà Nội đêm 23 tháng Giêng.
Người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam vừa hồi hộp, vừa sung sướng, vừa ngỡ ngàng khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam – vốn từng bị xem như vật "lót đường" ở giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 – đột nhiên trở thành "cần gạt", gạt Úc và Syria sang một bên để bước vào tứ kết, sau đó tiếp tục gạt Iraq sang một bên khác để bước vào bán kết, mới đây gạt luôn hy vọng vô địch năm nay của Qatar.
Hoan hỉ, phấn khích dường như là điều tất nhiên và dễ hiểu nhưng giữa đám đông cuồng nhiệt tới mức, xem chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam như một bằng chứng cho thấy "Việt Nam đã đặt cả Châu Á dưới chân"lại khiến nhiều người lo ngại bởi… thái quá bất cập.
Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, nếu 99% dân số nghĩ rằng đá banh thắng là thắng tất cả, thậm chí còn đua xe, cởi đồ để ăn mừng, chẳng có ai cởi trần phản đối giá xăng tăng để "đi bão" tiết kiệm hơn thì đó là… "dân tộc vô phúc" ! Minh nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy, kiểu tư duy đánh đồng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam với việc "đặt cả Châu Á dưới chân" là "điên" khi kinh tế, mức sống của Nhật, Nam Hàn đã vượt xa Việt Nam, khi trẻ con của thiên hạ được ăn học miễn phí thì trẻ con Việt Nam phải đi bán vé số, khi người lớn tuổi của thiên hạ được lo chuyện an sinh thì người già ở Việt Nam phải đi móc bọc, lượm ve chai để có cơm ăn, khi Myanmar bắt đầu chuyển mình từ độc tài sang dân chủ để phát triển thì Việt Nam nghe chuyện chính trị là… "muốn đột quị", khi hàng triệu người đổ ra đường để bày tỏ sự tự hào về Việt Nam thì Formosa tiếp tục xả chất thải độc hại vào môi trường sống, nợ nẫn quốc gia tiếp tục gia tăng, xã hội bại hoại, đạo đức thối nát và Việt Nam "tiếp tục đi giật lùi so với văn minh của nhân loại".
Cương Kim, bạn của Nguyễn Đức Minh, góp thêm, một "bộ tộc" cuồng vui chỉ vì một đội tuyển bóng đá lứa tuổi "mầm non" chiến thắng các đội tuyển "mầm non" khác và hoàn toàn im lặng không dám hé răng khi giá xăng liên tục tăng, phí BOT lưu manh, bất công tràn lan, chứng tỏ "sức chịu đựng của chúng sanh bộ tộc đó là… vô địch".
Nhân Tuấn Trương nhìn những biểu hiện "cuồng vui" trước các chiến thắng vừa qua của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 dưới một góc độ khác : Đó là bằng chứng cho thấy người Việt "khát" ước vọng. Facebooker này lý giải, người Việt ý thức rằng họ không kém, bởi nếu kém thì đã bị hòa tan vào Trung Quốc từ lâu. Người Việt luôn có khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ nhưng dưới sự điều hành của Đảng cộng sản Việt Nam – một tổ chức chính trị vong thân, dối trá (lúc thì đề cao "vô sản", xem "tư hữu" là kẻ thù, cần phải tiêu diệt, khi thì đòi hỏi "đảng viên phải biết làm giàu" – vừa gián tiếp cổ súy "tư hữu", vừa sỉ nhục quá khứ "vô sản" của chính mình), quốc gia giống như một "con tàu say". Cuối cùng, khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị hướng vào những kỷ lục bị nhiều người chỉ trích là "ruồi bu" như đòn bánh tét dài nhất, bánh chưng lớn nhất, tô hủ tiếu to nhất,… Khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị dồn nén trong một thời gian dài bùng lên sau những chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018, người Việt "cuồng vui" vì lâu lắm rồi họ mới có cơ hội "rửa mặt"...
Facebooker có nickname là Lý Luận – một thành viên của nhóm Viet Conservative & Classical Liberal cũng đánh giá các biểu hiện "cuồng vui" theo hướng gần giống với Nhân Tuấn Trương : Đám đông vẫn còn ý thức tự hào về dân tộc của mình. Chỉ đáng buồn là sự tự hào ấy về dân tộc chỉ có thể thể hiện qua những chiến thắng trong túc cầu. Ngoài túc cầu chẳng còn gì để tự hào. Việt Nam giờ là quốc gia xuất cảng cô dâu, đĩ điếm, cu li. Đảo bị chiếm, biển bị ngoại bang kiểm soát, ngư dân bị bắt, bị bắn,… người Việt chỉ biết cúi đầu chịu nhục. Lý Luận nêu thắc mắc : Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc lại trở nên xa xỉ như thời kỳ này không ? Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc của người Việt chỉ còn có thể thể hiện qua môt môn thể thao như thời kỳ này không ? Những cái không vui và tủi nhục vẫn đang đè nặng lên người Việt từ ngày này qua ngày khác, thế hệ này sang thế hệ khác và rõ ràng là không thể rũ bỏ với những chiến thắng trong bóng đá...
***
Sau cuộc đối đầu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq, trên mạng xã hội, một số người bắt đầu so sánh bóng đá với xã hội. Người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam tin rằng, thành quả bất ngờ mà đội tuyển U23 Việt Nam đang gặt hái tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 là kết quả của việc đặt đội tuyển U23 Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Park Hang Seo. Từ chuyện chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 10 năm 2017), ông Park – một người Nam Hàn – đã giúp đội tuyển U23 Việt Nam tự lột xác, không ít người liên tưởng đến vai trò cũng như trách nhiệm "dẫn dắt" Việt Nam của Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo facebooker Văn Thịnh Hà, nếu "Đảng ta" biết đổi thay như bóng đá thì chắc chắn người Việt sẽ có lúc được "ngẩng cao đầu", chắc chắn ông không phải nghe những "sàm ngôn" kiểu như "Đảng ta là… đã tang" ! Văn Thịnh Hà định nghĩa "thay đổi" là đoạn tuyệt với "sàm ngôn" tự cho rằng mình "vĩ đại", đoạn tuyệt với ảo vọng "thiên tài", tự nhận cơ chế "hổng giống ai" này là cội nguồn của các bi kịch, cách thức diều hành quốc gia trước nay khiến Việt Nam thua kém cả Lào, Campuchia là "sự dốt, kém của chính mình". "Thay đổi" còn đồng nghĩa với việc phải xem phản biện là vì yêu nước, không phải phản động. Văn Thịnh Hà nhấn mạnh, nếu không có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách hiểu, cách làm, chắc chắc Việt Nam sẽ luôn luôn cúi đầu, lầm lũi bước theo thiên hạ và chẳng bao giờ có quyền - dẫu chỉ một lần… ngẩng mặt !
Tương tư, Vũ Kận Veo nhận định, nếu Việt Nam có thể lựa chọn đảng cầm quyền giống như đội tuyển bóng đá có thể lựa chọn huấn luyện viên trưởng và ê kíp của ông ta, nếu dân chúng có thể thay đảng cầm quyền như thay ê kíp huấn luyện viên đội tuyển bóng đá thì giờ này, chắc chắn Việt Nam chẳng lẹt đẹt ngửi đ… thiên hạ, ngửi đ… láng giềng Lào, Campuchia như bây giờ.
Trên Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, Thương Nguyễn Thị nêu ra thắc mắc tương tự : Việt Nam thuê đúng Huấn luyện viên nên đội tuyển U23 Việt Nam lập được kỳ tích, giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi ao nhà, bơi ra biển lớn. Tại sao Việt Nam không thuê tiếp, thuê đúng những chuyên gia nước ngoài để thay thế các bộ trưởng của nhiều bộ như Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Tài chính, Giao thông – Vận tải, Tài nguyên – Môi trường,… Theo Thương Nguyễn Thị, thuê chuyên gia nước ngoài chắc chắn sẽ ít tốt kém hơn vì không bị tham nhũng mà hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn. Tuan Hoang, một thành viên của Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, góp thêm thắc mắc : Rõ ràng chúng ta đang bỏ tiền thuế ra để thuê đám công bộc này nhưng tại sao lại không có quyền sa thải chúng ? Thu Thảo, Hongha Pham góp vào, không cần thuê chuyên gia nước ngoài, chỉ cần tuyển dụng công khai và phản biện là mọi chuyện sẽ khác vì Việt Nam có đầy người đủ đức, đủ tài nhưng không được dùng.
Trong bối cảnh càng ngày càng nhiều người đem các chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 so với thực tại, đòi xét lại cả vai trò "lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" lẫn trach nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – vội vàng đăng bài "Thế nước mạnh, vận nước lên !". Theo tờ Nhân Dân, chuyện "lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á 2018" cùng với "những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại... trong năm 2017" chính là bằng chứng "thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh" và chắc chắn "việc gì cũng thành công" !
Ngay lập tức, hàng loạt facebooker chỉ ra sự ngô nghê của lối trấn an "Thế nước mạnh, vận nước lên !" như Lê Phương Thảo : Vận nước đang lên ! Thiệt không ? Người Việt Nam có thể ngây ngô đến thế sao ? Nếu đội tuyển U23 Việt Nam thua trận chung kết thì vận nước sẽ tụt xuống mức nào ?
Facebooker Lưu Trọng Văn nói thẳng "Thế nước mạnh, vận nước lên !" là "ngớ ngẩn, ngây thơ chính trị". Đội tuyển bóng đá của Argentina vô địch thế giới nhưng Argentina vẫn chìm trong khủng hoảng. Đội tuyển bóng đá của Hy Lạp vô địch Châu Âu nhưng kinh tế Hy Lạp vẫn lụn bại, nợ nần chồng chất, dâ chúng khốn khổ. Brazil – quốc gia hàng đầu thế giới về bóng đá nhưng kinh tế, khoa học, công nghệ vẫn không khởi sắc. Lưu Trọng Văn khuyến cáo : Hãy trả bóng đá cho bóng đá. Đơn giản là cuộc chơi, cuộc vui và khẳng định, "gã sẽ chọn đất nước gã giàu có, êm đềm, người dân tử tế đùm bọc tôn trọng nhau, chính thể tự do, dân chủ minh bạch như Phần Lan, Áo... mặc dù bóng đá của họ tà tà thôi". Cũng theo Lưu Trọng Văn : "Vận nước và sự cất cánh của một quốc gia, không bao giờ và sẽ không hề phụ thuộc vào một cuộc chơi dù cuộc chơi ấy là vua các cuộc chơi.
Đừng đánh lận các giá trị. Sẽ có tội với dân tộc nếu đánh lận các giá trị, đánh lạc hướng các giá trị". Cần xem việc hàng triệu người cầm cờ đỏ ùa ra đường hò reo chiến thắng của bóng đá là một thông điệp rất rõ về lòng người. Đó là hãy dâng hiến hết mình, đá thật, đá đẹp cho màu cờ sẽ được nhân dân tôn vinh. Còn ngược lại, nhân dân sẽnguyền rủa và không tha thứ những trò đá cuội, đá gian, đá đểu.
U23 Việt Nam và giấc mơ vượt ngưỡng (BBC, 23/01/2018)
Đêm 20/1/2018, người dân Việt Nam đã được sống qua những giờ khắc lịch sử khi đội tuyển U23 nước nhà quả cảm chiến thắng ứng cử viên vô địch U23 Iraq và lần đầu tiên giành quyền vào vòng bán kết giải U23 Châu Á.
Các cầu thủ U23 Việt Nam mặc ấm trong buổi tập ở Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc
Đội tuyển U23 của chúng ta đã cho người hâm mộ đi qua hết mọi cung bậc cảm xúc từ bất ngờ đến hào hứng, từ lo lắng đến nghẹt thở và cuối cùng là vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Lần đầu tiên, chúng ta đã chơi sòng phẳng ở vòng loại trực tiếp với một đội bóng hàng đầu Châu Á. Lần đầu tiên chúng ta không vỡ trận khi thế trận phòng ngự chủ động sụp đổ trong hiệp phụ.
Chúng ta đã cho quốc tế trầm trồ thán phục với một lối chơi ổn định đến đáng sợ xuyên suốt tất cả các trận đấu của giải. Thật không ngoa khi nói, chúng ta đang vượt ngưỡng.
Dùng từ vượt ngưỡng là bởi đây không phải là một chiến công vụt sáng vụt tắt mà là kết tinh của một quá trình vươn lên lâu dài. Đó là thành quả của nhiều năm phát triển những lò đào tạo trong nước, là lộ trình hợp lý ở nhiều cấp tuyển trẻ, là sự nâng tầm có đồng nhất lối chơi phòng ngự khoa học và kỷ luật kết hợp với tố chất kỹ thuật vốn có của bóng đá nước nhà.
Mới một năm trước đây thôi, làng túc cầu Châu Á cũng đã một phen chấn động khi tuyển U19 Việt Nam lần lượt vượt qua những ông lớn Triều Tiên, UAE, Iraq hay Bahrain để vào bán kết Châu lục, giành quyền đến U20 World Cup 2017.
Điều ít người còn nhớ là đây tuy là chiến công lịch sử nhưng lại không phải lần đầu tiên một đội tuyển U23 Việt Nam ghi dấu ấn tại sân chơi Châu lục. Hơn 10 năm trước, chúng ta đã có một thế hệ tài năng của Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Xuân Hợp, Long Giang, Tiến Thành hay Việt Cường dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên tạm quyền Mai Đức Chung thi đấu xuất thần tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
Họ đã chiến thắng những Lebanon, Oman để giành quyền vào vòng 8 đội cuối cùng. Thế nhưng tiếc thay, với lý do tập trung cho mục tiêu cao nhất là... Sea Games 2007, những người làm bóng đá Việt Nam đã thờ ơ với sân chơi này. Kết quả là chúng ta đã chấp nhận gửi một đội hình 2 tham dự vòng loại vòng loại cuối với Nhật Bản, Ả rập Saudi và Qatar.
Trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, khái niệm momentum dùng để chỉ những kết quả thi đấu tích cực dựa trên những kết quả tốt trước đó. Khi một kết quả tốt tới thì sự tự tin và trạng thái tâm lý hưng phấn dẫn tới những bước nhảy tiếp theo.
'Mới là khởi đầu'
Đội tuyển U23 năm đó cũng trở thành nòng cốt cho một thế hệ vàng son của bóng đá nước nhà. Nhiều người trong số họ sau đó đã cùng đội tuyển quốc gia đã lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007 trong lần đầu tham dự, đăng quang AFF Suzuki Cup 2008 và giành chiếc huy chương Bạc đáng tiếc ở Sea Games 2009.
Than ôi ! Phải dùng từ đáng tiếc bởi năm đó chúng ta đã tới gần nhất với chiếc Huy Chương Vàng SEA Games, cái vòng kim cô ám ảnh những người làm bóng đá Việt Nam suốt bao nhiêu năm. Có lẽ nếu có nó, bóng đá Việt Nam đã mãi chẳng bị giam hãm trong giấc mơ con ao làng. Có lẽ nếu trong suốt những năm đó, chúng ta không buông xuôi và biết chủ động ưu tiên những giải đấu cấp Châu lục (như vòng loại Olympic 2008 hay World Cup 2010) thì niềm vui hôm nay có khi đã đến sớm.
Chúng ta đã được thấy nhiều giấc mơ dần dần mở khóa và tới lúc mơ tiếp những điều lớn hơn, tới lúc thật sự bỏ qua ao làng Đông Nam Á để hòa mình với đại dương. Trước mắt là những ASIAN cup 2019, Vòng Loại Olympics 2020 và thậm chí là những vòng loại World Cup.
Để hiện thực hóa những tham vọng đó, bóng đá Việt Nam không được phép tự mãn và ngủ quên trên những thành công ngày hôm nay. Đây mới là khởi đầu và sự khiêm tốn, cầu tiến cần được giữ cho các cầu thủ của chúng ta nhất là khi nhiều người trong số họ có thể sẽ có cơ hội xuất ngoại sau giải U23 Châu Á năm nay.
Ở tầm vĩ mô hơn, việc quan trọng nhất và cũng là việc mà bóng đá Việt Nam đã làm tốt trong những năm vừa qua là phát triển các lò đào tạo trẻ cũng như mật độ các giải trẻ trong năm. Trọng tâm của việc đào tạo trẻ vẫn phải chú trọng vào yếu tố kỹ thuật ở các lứa tuổi nhỏ kết hợp với các phương pháp thúc đẩy dinh dưỡng và thể hình, thể lực cho các lứa U16-U21.
Điều đáng mừng là nhiều đội bóng ở V-League đã và đang xây dựng lối chơi đẹp mắt xoay quanh các cầu thủ nội mà tiêu biểu là Hà Nội FC, Sài Gòn FC và HAGL. Chúng ta hoàn toàn có thể tin với tính cạnh tranh ngày càng tăng cao của giải quốc gia, những mô hình đào tạo bóng đá theo chuẩn Châu Âu sẽ ngày càng được áp dụng rộng khắp.
Việc giáo dục đạo đức cầu thủ cũng có tầm quan trọng ngang ngửa với huấn luyện chuyên môn. Ngoài trình độ văn hóa và nhận thức xã hội, các lứa trẻ Việt Nam cần được hun đút lòng tự hào dân tộc và ý chí vì màu cờ sắc áo. Tôi luôn ấn tượng cách huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nhắc đến tổ quốc và đồng bào đang trong cơn hoạn nạn bão lụt với tuyển U19, thôi thúc họ làm nên bất ngờ ở giải U19 Châu Á năm 2016. Sức mạnh tinh thần vốn luôn là vũ khí tối thượng của các đội tuyển Việt Nam.
Cuối cùng, ở tầm chiến lược, chúng ta nên xem trọng tâm hướng tới là thành tính cấp Châu lục. Những kết quả vừa qua cho chúng ta thấy bóng đá Việt Nam đã bắt đầu có bản sắc riêng, có thể vươn ra những sân chơi lớn hơn và thậm chí tiệm cận tốp đầu. Việc áp dụng thông suốt và tối ưu hóa lối chơi phòng ngự khoa học sẽ giúp đội tuyển Việt Nam đi xa hơn là chăm chăm vào khu vực Đông Nam Á manh mún, bạo lực và nhiều tiểu xảo.
Tôi cảm thấy cực kỳ an tâm khi ngay từ trước trận tứ kết gặp Iraq, ông Trần Quốc Tuấn đã bắt đầu nói về những lợi thế chúng ta có ở vòng loại Olympics Tokyo 2020 nhờ đi sâu ở giải lần này.
Hiểu về giấc mơ để chúng ta không tự hài lòng sớm, không tự huyễn hoặc trong những điều xa vời và không giam hãm bản thân trong những điều nhỏ bé.
Để sự vượt ngưỡng về đẳng cấp này chỉ là điểm khởi đầu cho nhiều chiến tích mới.
Tôi bắt đầu viết những dòng này từ trước khi trận tứ kết diễn ra và chỉ hoàn thành vài tiếng trước trận bán kết lịch sử với Qatar, trong lòng không thôi tự hỏi vài hôm nữa khi giải đấu qua đi chắc sẽ trống trải lắm.
Rồi những ngày sôi động này cũng sẽ dần trôi vào kỉ niệm. Chỉ mong sao, chúng ta hiểu đúng về những giấc mơ và những niềm vui thế này sẽ còn trở lại trong tương lai không xa !
Sean Nguyễn (London, Anh Quốc)
*********************
U23 Việt Nam vào chung kết Cúp Châu Á, kỳ tích nối tiếp kỳ tích (RFI, 23/01/2018)
Lại thêm một chiến công lịch sử cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường Châu lục. Chiều ngày 23/01/2018, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã loại đội tuyển Qatar bằng tỷ số thi đá luân lưu 11 mét 4-3 trong trận bán kết trên sân vận động Thường Châu Trung Quốc.
Cổ động viên Việt Nam vui mừng chiến thắng sau thành tích lịch sử. Ảnh ngày 23/01/2018. HOANG DINH NAM / AFP
Các cầu thủ U23 đã có 120 phút thi đấu kiên cường, bản lĩnh và tự tin với màn rượt đuổi tỷ số đầy kịch tính với Qatar, một đội bóng mạnh hàng đầu Châu lục. Hai lần bị Qatar dẫn trước, hai lần đội quân của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hangseo đã vươn lên ngoạn mục, san bằng tỷ số.
Cú đúp của Quang Hải đã giúp Việt Nam có được tỷ số hòa 2-2 trong thời gian thi đấu chính thức. Hai đội đá thêm hiệp phụ, tỷ số hòa vẫn được giữ. Qatar và Việt Nam phải so tài bằng màn thi đá luân lưu 11 mét và kết quả cuối cùng là chiến thắng thuộc về các cầu thủ U23 Việt Nam.
Loại Qatar ở trận bán kết, tuyển U23 Việt Nam vào thẳng chung kết của giải đấu Châu lục. Đây là chiến tích lịch sử không chỉ của bóng đá Việt Nam mà còn của cả bóng đá Đông Nam Á. Đây là lần thứ 2, tuyển U23 Việt Nam được dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá U23 Châu Á. Lần trước cách đây 2 năm, Việt Nam đã không vượt qua được vòng bảng.
Bước vào giải đấu tại Trung Quốc năm nay, không mấy ai nghĩ đội bóng của khu vực Đông Nam Á này có thể đi xa quá vòng bảng. Tuy nhiên với một tinh thần thi đấu quả cảm đầy tự tin cộng với đấu pháp khôn khéo của huấn luyện viên người Hàn Quốc, vừa về cầm quân đội bóng mới hơn một tháng, các cầu thủ U23 Việt Nam đã liên tục làm nên những trận địa chấn ở đấu trường Châu lục : Đánh bại các đối thủ lớn, gồm toàn những ứng viên cho chức vô địch như thắng Úc 1-0 ở vòng bảng, loại Iraq bằng tỷ số 5-3 bằng đá luân lưu 11 mét và hôm nay là loại Qatar ở bán kết.
Hàng triệu người hâm mộ ở các thành phố lớn trên khắp Việt Nam đổ ra đường ăn mừng chiến công lịch sử của U23 Việt Nam. Họ đã trải qua hơn 2 giờ đồng hồ theo dõi cổ vũ đội nhà thi đấu qua màn hình với những cảm xúc nghẹt thở.
Đối thủ cuối cùng của U23 Việt Nam sẽ là Uzbekistan, đội đại diện của bóng đá Trung Á vừa hạ tuyển Hàn Quốc bằng tỷ số 4-1 trong trận bán kết ở thành phố Côn Sơn. Trận chung kết sẽ diễn ra trên sân Thường Châu, nơi đội Việt Nam vừa có chiến thắng lẫy lừng trước Qatar, 15 giờ (giờ Việt Nam) ngày 27/01/2018.
Anh Vũ
*****************
Các đường phố Việt Nam tràn ngập người đổ ra ăn mừng cuồng nhiệt sau khi Việt Nam giành quyền đá trận chung kết của Giải vô địch U-23 bóng đá Châu Á (AFC).
Để đi đến kết quả ấn tượng này, Việt Nam đã chiến thắng Qatar trong lượt sút 11 mét luân lưu nghẹt thở.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng là người hùng của đội Việt Nam, anh chặn được hai cú sút 11 mét, giúp đội bóng của đất nước Đông Nam Á đánh bại Qatar 4-3 khi thi đấu tại sân vận động Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc.
Tiến Dũng đã làm thất bại nỗ lực của bộ đôi bên đội Qatar là Ahmad Moein và Sultan Al-Brake, để chốt lại chiến thắng cho Việt Nam.
Đội của anh, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, sẽ tiếp tục cuộc hành trình như mơ, tới đây sẽ thách thức đối thủ là Uzbekistan vào thứ Bảy, 27/1.
Nếu Tiến Dũng là người hùng trong loạt sút 11 mét, thì Nguyễn Quang Hải là người hùng ở mọi thời điểm khác.
Hải ghi hai bàn thắng đem lại tỉ số hòa, một bàn vào phút 69 và bàn kia vào phút 88 - chỉ 60 giây sau khi Qatar vượt lên dẫn 2-1 và có vẻ như đã giúp họ đặt một chận vào trận chung kết.
Việt Nam đã không chịu bỏ cuộc và tinh thần bất khuất của họ đã khiến đội kia phải đá thêm hiệp phụ, và sau đó là loạt đá 11 mét.
Đội Việt Nam đã trào dâng sung sướng mừng chiến thắng sau khi Vũ Văn Thành đá 11 mét thành công, trong khi Qatar buồn bã vì lần thứ hai liên tiếp bị thua ở trận bán kết.
Đã có hàng chục ngàn người Việt Nam xem trận đấu qua các màn hình lớn ở nơi công cộng, sau đó còn nhiều người hơn thế đổ xuống các đường phố để ăn mừng một trong những ngày vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao của Việt Nam.
(Arab News, Fox Sports Asia, Goal)
******************
U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan trong trận chung (RFA, 23/01/2018)
Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam sẽ gặp đội tuyển U23 Uzbekistan trong trận chung kết Giải Vô Địch U23 Châu Á, diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Bảy, 27 tháng Một năm 2018 trên sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.
Các cổ động viên Việt Nam chào mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Qatar ở trận bán kết U23 AFC hôm 23/1/2018 - AFP
Trận so giầy sắp đến diễn ra sau khi các tuyển thủ U23 Việt Nam tạo kỳ tích sau khi thắng đội tuyển U23 Qatar với tỷ số 4-3 bằng loạt sút luân lưu trên chấm 11 mét. Đội quân U23 Ubezkistan cũng hiên ngang lấy vé vào chung kết, thắng đội U23 Hàn Quốc 4-1 ở hiệp phụ.
Đây là lần đầu tiên U23 Việt Nam vào tới chung kết Châu Á, và cả nước lên cơn sốt khi thấy đội nhà thành công ở mức không thể ngờ. Ngay chính ông huấn luyện viên Felix Sanchez của đội Qatar vừa thua Việt Nam ở bán kết cũng lên tiếng ca ngợi, nói rằng Việt Nam xứng đáng góp mặt ở chung kết vì là đội bóng có trình độ cao.
Câu hỏi lớn nhất từ giờ cho tới khi trận chung kết Giải Vô Địch U23 Châu Á diễn ra sẽ là liệu U23 Việt Nam có tiếp tục tạo lịch sử hay không ? Có lẽ ngay lúc này, câu trả lời đúng nhất chính là phát biểu của ông Huấn Luyện Viên Park Hang-Seo, khi ông nói rằng nỗ lực tuyệt diệu mà dàn cầu thủ Việt Nam thể hiện trên sân đã tạo những điều đặc biệt nhất cho nền bóng đá quốc gia.
Ông huấn luyện viên đội tuyển U23 Việt Nam bảo thêm ông tin rằng mọi chuyện không dừng lại ở đây, nhắc nhở mọi người -kể cả dàn cầu thủ con cưng của ông- là còn một trận nữa, đó là trận chung kết diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Bảy, 27 tháng Một năm 2018 trên sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.