Không có gì thoát khỏi chính trị (Tiếng Dân, 29/01/2018)
Nên đón một đội bóng vừa thi đấu trở về thế nào ? Lệ thường, toàn đội bóng sẽ đứng trên một chiếc xe buýt mui trần đi diễu hành qua các đường phố với người hâm mộ vẫy cờ hoa hai bên đường. Các chính trị gia nếu muốn tham gia có thể chọn một vị trí dễ thu hút ống kính truyền thông, ví dụ ban-công của một toà nhà nào đó trên đường đoàn diễu hành ngang qua, chính trị gia cũng vẫy cờ phất hoa không khác gì một người dân thường. Đội bóng diễu hành về tổng hành dinh, vây quanh bởi người hâm mộ, không có diễn văn, không có báo cáo, và tuyệt đối quan chức chính phủ không tham gia vào sự kiện này. Quan chức có thể tiếp đón đội bóng sau đó, còn niềm vui diễu hành đón đội bóng là của người dân, nếu muốn tham gia xin mời làm dân một hôm. Đó là câu chuyện của một nền thể thao phi chính trị.
Các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng của Quang Hải trong trận trung kết với Uzebekistan tại giải U23 Châu Á. Ảnh : internet
Như thường khi có sự kiện, trên mạng xã hội chia ra những cuộc tranh luận gay gắt. Lần này không khác. Có người đòi chỉ nên coi bóng đá là trò chơi, đừng hô hoán đó là "tinh thần dân tộc" hay "vận nước" vì vận nước thật sự đang còn nhiều điều đau nhức. Phía đối diện là một đám đông cũng đòi coi bóng đá chỉ là bóng đá, đừng lôi chính trị vào, lâu lâu có dịp ăn mừng thì cứ mừng chứ đừng nói chi những Formosa, xăng tăng hay BOT.
Trên thế giới, không có người dân nước nào lại không đổ ra đường ăn mừng khi đội tuyển thể thao của họ thi đấu đẹp mắt, có thành tích. Chuyện đó vô cùng bình thường và chẳng ai hỏi tại sao đám đông ấy chỉ biết vui với thể thao mà không màng đến thời sự còn nhiều vấn đề với vận mệnh quốc gia. Tại sao vậy ?
Bởi vì, ở những đất nước đó đám đông cũng có cả quyền bày tỏ và biểu lộ quan điểm khi họ thấy bất bình với một hay nhiều vấn đề trong xã hội. Báo chí của họ ngoài việc phân tích – phê bình thành tích thi đấu thể thao, chứ không tung hô lố bịch, thì cũng có quyền bình luận – điều tra các vấn đề xã hội. Doanh nghiệp của họ không ký đơn cho nhân viên nghỉ làm đi coi đá bóng cũng không tìm cách can thiệp "giật mối" chở đội tuyển thể thao trên một chuyến máy bay ngồn ngộn da thịt.
Vì mọi quyền bày tỏ đều như nhau, từ thể thao đến chính trị, nên chẳng có gì phàn nàn nếu toàn dân vui mừng trong một sự kiện thể thao. Chỉ nên phàn nàn vì có những xứ sở đám đông vui mừng như lễ hội vì thể thao mà thờ ơ với những gì quyết định cuộc sống của mình và gia đình.
Tại sao những người yêu cầu chỉ nên ăn mừng sự kiện thể thao thuần tuý không được đem chính trị vào lại không phản ứng khi người ta dùng chính hình ảnh các chính trị gia để cổ vũ bóng đá ? Tại sao không phản ứng khi việc đón một đội tuyển bóng đá lại trở thành một sự kiện chính trị với sự tham gia của người có vị trí cao nhất Chính phủ ? Chính trị hóa thể thao là đấy chứ còn đâu. Hay, các bạn nghĩ rằng chỉ có Formosa, phản đối BOT "bẩn", xăng tăng… thì mới là chính trị ?
Chính trị không tha cho thứ gì, kể cả các bạn, nhất là khi bạn sống trong một đất nước mà cụm từ "xã hội dân sự" vẫn còn bị kiểm duyệt trên báo chí. Cho nên, hãy cứ vui niềm vui bóng đá của bạn và đừng đòi người khác phải phi chính trị. Vì các bạn cũng là một thứ công cụ chính trị.
Trung Bảo
******************
Ăn bẩn (Tiếng Dân, 28/01/2018)
U23 Việt Nam được hứa thưởng rất nhiều, kể cả khi họ không vô địch. Điều này làm tôi nhớ đến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008 cũng với 1 "núi" tiền thưởng. Vấn đề là toàn bộ số tiền ấy có đến tay cầu thủ và Ban huấn luyện đầy đủ hay không ?
Ông Nguyễn Lân Trung cạnh huấn luyện viên Park Hang Seo trên xe diễu hành cùng các cầu thủ. Ảnh : Nam Trần/ báo Tuổi Trẻ
Ngày 29/6/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định thành lập đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 tại Malaysia từ ngày 11/8 đến 1/9 với tổng cộng 693 thành viên, trong đó có 1 trưởng đoàn, 10 phó đoàn, 18 cán bộ, 22 bác sĩ, 32 lãnh đội, 28 chuyên gia và 106 huấn luyện viên.
Vấn nạn "lạm phát phó đoàn" bị phản đối dữ dội vì năm SEA Games trước đó Việt Nam đi ít hơn 123 vận động viên, thi đấu ít môn hơn cũng có tới 7 phó đoàn. Quy định của Ban tổ chức SEA Games 29 đã nêu rõ : mỗi đoàn thể thao chỉ được phép đăng ký 1 chức danh trưởng đoàn và 2 chức danh phó đoàn. Vậy quan chức Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không… biết đọc ?
Trưởng đoàn bóng đá nữ dự SEA GAMES nhận khoảng 100 triệu đồng dù không có công lao gì. Điều này bị chính các nữ cầu thủ tố vào năm 2014 !
Hơn 10 năm trước, vài đứa em tôi là tuyển thủ quốc gia (bộ môn khác) cũng uất ức vì tiền thưởng bị cắt xén. Nhưng những vận động viên uy lực trên các đấu trường lại non nớt trước cuộc đời. Họ chỉ có thể nói : "Tụi em tin anh nên nói cho anh biết để đỡ tức nhưng anh viết lên thì tụi em hết đường lên tuyển". Buổi sáng hôm sau lật tờ báo thể thao xem công bố mức thưởng vận động viên mà giận run.
Những "chú, bác" đi bằng tiền ngân sách (tôi nhấn mạnh là ngân sách) không phải ai cũng vô trách nhiệm. Nhưng thực sự có trách nhiệm hay không thì để vận động viên nhận xét là rõ nhất. Dĩ nhiên, không phải nhận xét kiểu bị "mớm" mà từ đáy lòng của những người bị ăn chặn thực sự.
Bóng đá là môn thể thao khơi gợi cảm xúc nhất nên cũng dễ thưởng nhất. Khoan nhìn những con số "hứa mồm" của các đại gia mà chỉ cần công bố mức thưởng thật sự đã đến tay các cầu thủ và huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên, bác sĩ là bao nhiêu. So nó với mức thưởng của các trưởng đoàn, phó đoàn cũng từ tiền thưởng chung sau khi trừ thuế là sẽ ra.
Với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Tổng cục Thể dục thể thao thì bất kỳ cán bộ nào đi theo đoàn cũng là nhiệm vụ. Họ dùng ngân sách từ thuế dân để đi các nước và dĩ nhiên ăn lương cũng từ thuế dân. Vậy "ăn phần" làm gì khi nhiệm vụ anh phải làm là dẫn đoàn và đã có lương ? Vậy "ăn phần" làm gì khi có những ông bầu sẵn sàng "dẫn đội" mà còn bỏ tiền túi ?
Còn nói về VFF (Vietnam Football Federation) thì càng kinh tởm hơn !
Nếu nhìn vào điều hành Vietnam League của VFF thì chỉ cần tìm hiểu Hội đồng trọng tài và các bê bối của nó. Về ứng xử thì hãy hỏi những Tavares, Weigang, Letard, Miura,… đã bị đối xử ra sao. Kể cả việc vé lậu xem các cấp đội tuyển hoành hành thế nào nhiều năm nay. Và chỉ cần bạn xem ảnh và nội dung chat mà tôi chụp ảnh up lên (xem ở comment) sẽ hiểu sự thật kinh tởm đến độ nào !
Cái cách mà ông Nguyễn Lân Trung leo lên đứng trên xe diễu hành của cầu thủ U23 trưa nay làm tôi phải quay mặt không nhìn màn hình. Cái cách ông Trần Quốc Tuấn chụp hình chung với cầu thủ làm tôi bỏ bữa.
Quý vị có làm điều có ích cho bóng đá Việt Nam ư ? Hay là những ông bầu tư nhân bỏ tiền ra làm đào tạo trẻ bài bản để có hôm nay ?
Hãy dừng lợi dụng những người hâm mộ ngây thơ !
Hãy dừng "ăn bẩn" trên công sức các cầu thủ đã chiến đấu vì danh dự Việt Nam !