Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào ngày 4 tháng 7, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Linh Ngọc khẳng định vật liệu mà Bộ tài nguyên và môi trường cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện mà là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng.

Résultat de recherche d'images pour "Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện"

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Photo of RFA

Những vật chất được cấp phép nhấn chìm xuống biển có thật sự không phải là chất thải nguy hại ?

Ngấm trong bùn đất

Năm ngày sau khi Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường cấp phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau khi nạo vét.

Thông tin này gây lo ngại rất lớn cho các chuyên gia môi trường và những người quan tâm đến môi trường biển. Qua những diễn đàn và các trang mạng xã hội, họ đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án nhấn chìm bùn thải vì cho rằng lượng bùn thải khổng lồ đó sẽ bức tử hệ sinh thái biển của Bình Thuận.

Để phản hồi bức xúc của công luận, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường phát biểu tại buổi giao ban báo chí ngày 4 tháng 7 rằng vật liệu nhận chìm không bao gồm xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện và cơ sở pháp lý của việc nhận chìm chất thải đã được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982- UNCLOS 1982.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động chính thức năm 2015, mỗi ngày sản xuất hơn 23 triệu kWh. Còn dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào sáng ngày 18/7/2015, có công suất 1.200MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.

Với thời gian và khối lượng điện sản xuất như thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia môi trường từ Hà Nội, khẳng định không thể cho rằng chất bùn thải được cấp phép “nhấn chìm” xuống biển Bình Thuận là không chứa chất thải từ quá trình vận hành sản xuất điện của nhà máy.

Résultat de recherche d'images pour "Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện"

Ống xả khói từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 Photo of RFA

“Khi mà những cơn mưa, lũ xảy ra, nước chảy từ đất liền ra biển. Khi chảy như thế thì nó cuốn theo tất cả rác, ngay cả thuốc trừ sâu, thì ngay cả nước bao gồm rác chảy ra, nó đã mang theo rất nhiều chất độc hại.

Vậy thì ở những nhà máy này, trong quá trình người ta đang xây dựng, đã xây dựng xong, có thể chưa vận hành thì cũng đã có rất nhiều loại rác.

Cái thứ hai, nếu người ta chạy thì phải có than, phải có nơi để than, rồi chất thải, và chúng ta thừa biết rằng rác thải của nhà máy nhiệt điện nó có những gì. Thế và, nước mưa nó chảy thì nó không chừa chỗ nào».

Dựa trên cơ sở hóa học, ông cho biết khi trời mưa, chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ bay tản ra vùng chung quanh, hoặc tích tụ thành mây để mưa xuống. Nói chung tất cả những chất độc hại từ bụi xỉ than sẽ ngấm vào đất và bùn cát.

Theo các nhà khoa học phản biện trên báo chí trong nước, việc nhận chìm khối lượng chất nạo vét gần 1 triệu m3 vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép và 2,4 triệu m3 đang được đề nghị là nguy cơ đe doạ trực tiếp hệ sinh thái biển.

Chất nạo vét hay bùn thải ?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tùng – vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo – Bộ Tài nguyên và môi trường, có mặt tại buổi toạ đàm “Hòn Cau, Biển và Lời nguyền…” tổ chức ở Nha Trang ngày 15 tháng 7 cho biết “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.

Giải thích sự khác nhau dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải Thế giới, ông cho biết.

“Chất nạo vét cơ bản là chất lắng đọng từ tự nhiên bao gồm các thành phần chủ yếu như cát, sỏi, đá và các chất hữu cơ tự nhiên. Thế còn bùn thải là chất lắng đọng từ quá trình xử lý đất thải. Trong nghị định thư Luân Đôn 1996 có 1 danh mục qui định có 8 nhóm chất để xem xét nhận chìm xuống biển. Trong đó họ cũng phân biệt chất nạo vét và bùn thải».

Vị này nói thêm rằng thành phần của chất nạo vét đã được phân tích trong dự án nhận chìm bùn cát thải hoàn toàn không có chất ô nhiễm và rất bình thường trên thế giới. Những thành phần chất khác đều dưới ngưỡng cho phép.

4 nhà máy nhiệt điện

Ông Phạm Văn Chi, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình trạng thực tế hiện nay ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có 4 nhà máy điện với tổng công suất là 4,400 MW.

“Thế thì tôi chỉ nói rằng 1 nhà máy ở Khánh Hoà, 2,400MW là chúng tôi đã toát mồ hôi. Mà tôi đang kiến nghị với địa phương, chính phủ, chỉ nên đầu tư tốt nhất là 600 MW, là 1 trong 4 tổ máy. Nhưng mà người ta đã xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn đầu là 1,200 MW và giai đoạn 2 là 2,400 MW và hình như đã được phép.

Ba cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than.

Than của Việt Nam mình gần như là người ta không sử dụng mà người ta phải sử dụng than của Malaysia, của Úc, có hàm lượng Carbon cao hơn. Và tôi cho rằng nếu chúng ta lấy loại than tốt nhất là khoảng 85% Carbon, 15 % và xỉ và các loại không cháy được, thì như vậy nếu nhà máy Vĩnh Tân 2 khoảng 1,200 MW thì nó phải mất 600 tấn than/1 giờ và 14,400 tấn than/ngày».

Đồng thời, ông đưa ra bài toán của lượng xỉ tối thiểu 1 năm thải ra và phủ khắp mặt bằng dài 1 cây số, rộng nửa cây số và có chiều cao khoảng 1m57. Khối lượng này khi gặp mưa sẽ ngấm vào đất và bùn cát. Do đó theo ông, vật liệu “nạo vét” của 4 nhà máy đó sẽ bao gồm tất cả những bụi xỉ vả độc hại đã ngấm sâu trong bùn đất.

Đổ rác hay nhận chìm ?

Khoản 5, Điều 1 của UNCLOS 1982 giải thích thuật ngữ “nhận chìm” (immersion) là “mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển”.

Công ước vừa nêu cũng ghi rõ thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào : Việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, khi được trả lời chúng tôi về cơ sở pháp lý dựa theo UNCLOS 1982 và Luật Môi trường Việt Nam, ông chỉ nói ngắn gọn rằng : “Cái chuyện người ta làm như thế nào mới quan trọng».

Cát Linh

Nguồn : RFA, 21/07/2017

******************

Hội Nghề cá kêu gọi ngưng dìm chất thải xuống biển (RFA, 21/07/2017)

Résultat de recherche d'images pour "Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện"

Ngư dân trên bãi biển Bình Thuận. AFP

Chính phủ nên dừng quyết định cho phép đổ bùn nạo vét xuống vùng biển Bình Thuận. Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam nói với báo Dân Trí trong nước như vừa nêu về kế hoạch của Bộ Tài nguyên- Môi trường định nhận chìm hơn 1 triệu mét khối bùn nạo vét tại khu vực gần vùng bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận.

Ông Thắng nói rằng khu vực được chọn để đổ bùn là khu vực “nước chồi” có nghĩa là có nhiều hải sản hơn những khu vực khác. Ngoài ra vùng biển Bình Thuận còn là nơi cung cấp tôm giống tự nhiên, và thuận lợi để nuôi tôm nước lợ.

Ông Nguyễn Việt Thắng nêu ra câu hỏi rằng những người quyết định cho đổ bùn nạo vét có biết rằng trong đó có những chất thải độc từ đất liền đổ ra hay không ? Và hàm lượng những chất độc đó là bao nhiêu ?

Ông Thắng cũng nêu lên một mối lo ngại là trong đống bùn nạo vét sẽ đổ xuống biển gần Hòn Cau, cát và sỏi sẽ lắng xuống trước, nhưng bùn sẽ lơ lững trong thời gian lâu, và sóng gió thủy triều sẽ phát tán bùn đó ra xa làm chết hải sản.

Ông kết luận rằng nếu nói rằng bùn sẽ bị nhận xuống đáy biển chỉ là một cách nói để lách luật

Cũng liên quan đến kế hoạch đổ chất nạo vét xuống biển Bình Thuận, lại có thêm hai người lên tiếng nói bị mạo danh, khi thấy tên của họ được đưa vào danh sách những nhà nghiên cứu cho dự án đổ bùn xuống biển.

Hai người đó là Thạc sĩ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, làm việc tại Trung tâm quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam. Người thứ hai là Thạc sĩ công trình biển Lê Thị Vân Linh, làm việc tại Viện Kỹ thuật biển.

Hai Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, và Lê Thị Vân Linh, nói rằng đang tìm hiểu vụ việc.

Hôm 20 tháng 7, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Hải học viện Nha Trang cũng đã lên tiếng rằng ông không có liên quan gì đến dự án đổ bùn, nhưng lại thấy tên mình xuất hiện trong danh sách những nhà khoa học tham gia dự án đó.

Tiến sĩ An nói rằng vào ngày hôm qua, 20 tháng 7, 2017, đã có người gọi đến xưng là thư ký của dự án đã cho tên ông vào danh sách một cách nhầm lẫn.

Published in Diễn đàn

Truyền thông trong nước ngày 28/6 cho biết Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy chấp thuận cho một triệu mét khối bùn thải sẽ được nhận chìm xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là số bùn và cát được vét lên từ khu bến tàu đang được chuẩn bị cho việc xây cất nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân số 1. Thông tin này gây lo ngại cho giới nhà khoa học biển và một bộ phận người dân về khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển của lượng bùn thải này.

vinhtan1

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - courtesy baodatviet.vn

Trước khi ký giấy phép, Bộ Tài nguyên và môi trường đã lấy ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, về ảnh hưởng của việc này đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Được biết lượng bùn thải này chứa 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích…và được nhận chìm trên diện tích khoảng 30 hécta mặt nước biển, độ sâu không quá 30 mét.

Xả thải hay nhấn chìm

Giấy phép do Thứ trưởng môi trường ông Nguyễn Linh Ngọc ký nêu rõ : "Vật, chất được phép nhận chìm phải bảo đảm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường", có hiệu lực đến ngày 30 Tháng Mười.

Trả lời đài RFA chiều ngày 30/6, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang nói rằng trong thông báo Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ nói là lượng bùn không có độc tính và phóng xạ. Tuy nhiên, điều mà giới khoa học lo ngại không phải là độc tính về mặt hóa học mà là tác động về mặt sinh học. Ông phân tích :

Thải ra một triệu mét khối chất nạo vét như vậy thì phải tưởng tượng là nó sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó. Mà đã đục lên thì ánh sáng không xuống được. Khi không có ánh sáng quá trình quang hợp không thực hiện được. Như vậy sẽ mất chuỗi thức ăn. Thứ hai, xả xuống đó nó sẽ xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy – một sinh vật mang tính cơ sở nuôi sống nguồn lợi ở trong nước. Nhưng những điều này tôi không thấy Nhà nước nói tới.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết thông thường sinh vật tầng đáy có mật độ rất dày đặc từ 1 triệu cá thể/m2 có những nơi đến 10-11 triệu cá thể/m2 và có chức năng chuyển hóa năng lượng rất lớn, là cầu trung gian giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn.

Một vấn đề khác được nhà khoa học biển này nêu ra liệu đây có thực sự là "nhận chìm" hay là "xả thải" :

Họ nói là nhận chìm nhưng trong khi thực hiện người ta sẽ sử dụng công nghệ xà lan. Tuy nhiên xà lan không thể dùng để nhận chìm mà là thực hiện công nghệ xả thải mà xả thải thì thế giới người ta không tán thành và không đúng luật. Theo thuật quốc tế, nhận chìm là những chất đó không được phân tán đi nơi khác mà phải cố định ở đó. Thông thường người ta dùng container hoặc gói lại thế nào đó để nhấn xuống nhưng mình lại dùng xà lan để cải nó ra

Quan ngại tác hại lâu dài

Trước phản ứng của giới khoa học và người dân, báo Tuổi Trẻ cho biết đến tối cùng ngày, bộ này cho biết việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ phẩm chất môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Bộ này cũng khẳng định, dừng nhận chìm bùn thải nếu chỉ số nước biển vượt quy định. Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói rằng Bộ cần giải thích rõ sẽ giám sát như thế nào và giải quyết ra sao. Ông nói thêm rằng việc "giảm thiểu tác động môi trường" khi phát triển kinh tế chính là nằm ở khâu giám sát này.

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Tác An về tác động của lượng bùn này đến hệ sinh vật đáy và gây vẩn đục mất cảnh quan, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm rằng các rặng san hô ở khu Bảo tồn biển Hòn Cau cũng sẽ là nạn nhân :

Trước đó đáng lẽ phải có khảo sát tầng đáy biển có san hô hay không. Nếu có san hô mà đổ cả trầm tích nên san hô thì "tiêu" luôn ! Tôi không được quan sát số liệu, hình ảnh cụ thể nên khó nói nhưng tôi phỏng đoán là có san hô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và là bãi đẻ của nhiều loài tôm, cá, rùa biển, đồi mồi,… Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường nói rằng các chất bùn thải này không chứa độc tính tuy nhiên Giáo sư Lê Huy Bá nói khi chúng có thể kết hợp với các chất trong nước biển và trở thành chất độc :

Khi ở điều kiện yếm khí ở tầng đáy lại khác nhưng khi đổ xuống biển môi trường khác lại có tác động của các cation trong nước biển có thể trở thành chất đọc trong khi trước đó không hề độc.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết có rất nhiều cách khác để tận dụng nguồn bùn thải này như một nguồn tài nguyên vì đây là bùn và cát được nói là không độc. Tuy nhiên điều này đòi hỏi chi phí đầu tư cao mà theo ông những doanh nghiệp không tính toán lâu dài sẽ không làm, mà chọn cách đổ luôn xuống biển dẫu có thiệt hại thì cả xã hội gánh vác.

Đầu tháng 11 năm ngoái, công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép cơ quan chức năng "nhận chìm" hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét. Lúc bấy giờ báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển. Sau đó Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cũng lên tiếng cho rằng nếu cho phép một công ty nhiệt điện ở tỉnh đổ chất thải xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Báo chí Việt Nam mô tả dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 "gần như do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư". Theo thông cáo của chủ đầu tư thì chỉ khoảng 5% vốn đầu tư của Việt Nam còn lại đến 95% là vốn Trung Quốc.

Cũng cần nói lại là nhà máy điện Vĩnh Tân số 1 nằm trong loạt bốn nhà máy điện Vĩnh Tân 1 đến 4 chạy bằng than, gây nhiều lo ngại từ công luận là sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Lan Hương, RFA

Published in Việt Nam