Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/07/2017

Nguy cơ ảnh hưởng môi trường biển từ bùn thải của Vĩnh Tân 1

RFA tiếng Việt

Truyền thông trong nước ngày 28/6 cho biết Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy chấp thuận cho một triệu mét khối bùn thải sẽ được nhận chìm xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là số bùn và cát được vét lên từ khu bến tàu đang được chuẩn bị cho việc xây cất nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân số 1. Thông tin này gây lo ngại cho giới nhà khoa học biển và một bộ phận người dân về khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển của lượng bùn thải này.

vinhtan1

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - courtesy baodatviet.vn

Trước khi ký giấy phép, Bộ Tài nguyên và môi trường đã lấy ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, về ảnh hưởng của việc này đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Được biết lượng bùn thải này chứa 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích…và được nhận chìm trên diện tích khoảng 30 hécta mặt nước biển, độ sâu không quá 30 mét.

Xả thải hay nhấn chìm

Giấy phép do Thứ trưởng môi trường ông Nguyễn Linh Ngọc ký nêu rõ : "Vật, chất được phép nhận chìm phải bảo đảm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường", có hiệu lực đến ngày 30 Tháng Mười.

Trả lời đài RFA chiều ngày 30/6, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang nói rằng trong thông báo Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ nói là lượng bùn không có độc tính và phóng xạ. Tuy nhiên, điều mà giới khoa học lo ngại không phải là độc tính về mặt hóa học mà là tác động về mặt sinh học. Ông phân tích :

Thải ra một triệu mét khối chất nạo vét như vậy thì phải tưởng tượng là nó sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó. Mà đã đục lên thì ánh sáng không xuống được. Khi không có ánh sáng quá trình quang hợp không thực hiện được. Như vậy sẽ mất chuỗi thức ăn. Thứ hai, xả xuống đó nó sẽ xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy – một sinh vật mang tính cơ sở nuôi sống nguồn lợi ở trong nước. Nhưng những điều này tôi không thấy Nhà nước nói tới.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết thông thường sinh vật tầng đáy có mật độ rất dày đặc từ 1 triệu cá thể/m2 có những nơi đến 10-11 triệu cá thể/m2 và có chức năng chuyển hóa năng lượng rất lớn, là cầu trung gian giữa vi sinh vật và động vật đáy cỡ lớn.

Một vấn đề khác được nhà khoa học biển này nêu ra liệu đây có thực sự là "nhận chìm" hay là "xả thải" :

Họ nói là nhận chìm nhưng trong khi thực hiện người ta sẽ sử dụng công nghệ xà lan. Tuy nhiên xà lan không thể dùng để nhận chìm mà là thực hiện công nghệ xả thải mà xả thải thì thế giới người ta không tán thành và không đúng luật. Theo thuật quốc tế, nhận chìm là những chất đó không được phân tán đi nơi khác mà phải cố định ở đó. Thông thường người ta dùng container hoặc gói lại thế nào đó để nhấn xuống nhưng mình lại dùng xà lan để cải nó ra

Quan ngại tác hại lâu dài

Trước phản ứng của giới khoa học và người dân, báo Tuổi Trẻ cho biết đến tối cùng ngày, bộ này cho biết việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ phẩm chất môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Bộ này cũng khẳng định, dừng nhận chìm bùn thải nếu chỉ số nước biển vượt quy định. Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói rằng Bộ cần giải thích rõ sẽ giám sát như thế nào và giải quyết ra sao. Ông nói thêm rằng việc "giảm thiểu tác động môi trường" khi phát triển kinh tế chính là nằm ở khâu giám sát này.

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Tác An về tác động của lượng bùn này đến hệ sinh vật đáy và gây vẩn đục mất cảnh quan, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm rằng các rặng san hô ở khu Bảo tồn biển Hòn Cau cũng sẽ là nạn nhân :

Trước đó đáng lẽ phải có khảo sát tầng đáy biển có san hô hay không. Nếu có san hô mà đổ cả trầm tích nên san hô thì "tiêu" luôn ! Tôi không được quan sát số liệu, hình ảnh cụ thể nên khó nói nhưng tôi phỏng đoán là có san hô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và là bãi đẻ của nhiều loài tôm, cá, rùa biển, đồi mồi,… Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo Hòn Cau có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường nói rằng các chất bùn thải này không chứa độc tính tuy nhiên Giáo sư Lê Huy Bá nói khi chúng có thể kết hợp với các chất trong nước biển và trở thành chất độc :

Khi ở điều kiện yếm khí ở tầng đáy lại khác nhưng khi đổ xuống biển môi trường khác lại có tác động của các cation trong nước biển có thể trở thành chất đọc trong khi trước đó không hề độc.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết có rất nhiều cách khác để tận dụng nguồn bùn thải này như một nguồn tài nguyên vì đây là bùn và cát được nói là không độc. Tuy nhiên điều này đòi hỏi chi phí đầu tư cao mà theo ông những doanh nghiệp không tính toán lâu dài sẽ không làm, mà chọn cách đổ luôn xuống biển dẫu có thiệt hại thì cả xã hội gánh vác.

Đầu tháng 11 năm ngoái, công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép cơ quan chức năng "nhận chìm" hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét. Lúc bấy giờ báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển. Sau đó Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cũng lên tiếng cho rằng nếu cho phép một công ty nhiệt điện ở tỉnh đổ chất thải xuống biển, việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Báo chí Việt Nam mô tả dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 "gần như do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư". Theo thông cáo của chủ đầu tư thì chỉ khoảng 5% vốn đầu tư của Việt Nam còn lại đến 95% là vốn Trung Quốc.

Cũng cần nói lại là nhà máy điện Vĩnh Tân số 1 nằm trong loạt bốn nhà máy điện Vĩnh Tân 1 đến 4 chạy bằng than, gây nhiều lo ngại từ công luận là sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Lan Hương, RFA

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)