Khởi động chiến dịch giúp ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam
VOA, 12/07/2022
Các tổ chức của Liên Hợp Quốc, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mới đây đã phối hợp với chính phủ Úc và Việt Nam, tái khởi động chiến dịch kêu gọi người dân hành động nhằm ứng phó với tình trạng bạo lực gia tăng đối với trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam.
Những người tham dự buổi lễ khởi động "Trái tim Xanh".
Tin cho hay, chiến dịch có tên gọi "Trái tim Xanh 2022" kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng để tạo ra môi trường không có bạo lực trong gia đình, trường học, trong cộng đồng và trên mạng.
Theo UNICEF, cần có "thật nhiều tiếng nói cùng lên tiếng và phản đối bạo lực dưới mọi hình thức cũng như các tác động của nó" và "những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và những người có tầm ảnh hưởng đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi cách các tồn đọng là rào cản trong việc Việt Nam đối mặt với vấn nạn bạo lực xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội".
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, hôm 5/7 được trích lời nói rằng "chỉ khi mọi người xích lại gần nhau và lên tiếng rằng bạo lực là không thể chấp nhận được, chúng ta mới có thể khiến thứ vô hình trở nên hữu hình".
Bà nói thêm : "Sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực. Chúng tôi mong muốn có thể biến sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành vi bạo lực thành những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm làm thay đổi cuộc sống của trẻ em và phụ nữ".
UNICEF dẫn khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 cho thấy rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong số đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% bị xâm hại thể chất, 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ bê.
Tổ chức của Liên Hợp Quốc còn dẫn một nghiên cứu khác nói rằng 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử, trong khi một nghiên cứu khác nữa cho hay 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.
Theo Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), năm 2019, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng ít nhất một lần trở lên phải chịu các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát của người chồng.
Tổ chức này cho biết rằng trong xã hội Việt Nam, "bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực nhằm vào phụ nữ góp phần làm thâm hụt 1,81% GDP của quốc gia".
Các tổ chức của Liên Hợp Quốc nhận định rằng "các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19".
UNICEF dẫn lời bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội nói rằng "trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với con người".
Tuy nhiên, theo bà Hà, tình trạng này "vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm".
Bà được trích lời nói thêm rằng "Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên Hợp Quốc và Chính phủ Úc trong lĩnh vực này".
"Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em", bà nói, theo UNICEF.
Các tổ chức Liên Hợp Quốc cho biết, "Trái tim Xanh" được xây dựng dựa trên Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 6 hàng năm, và trong giai đoạn đầu của chiến dịch này vào năm 2020, chiến dịch đã thu hút gần 100 triệu lượt tương tác của người dân trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số với thông điệp có sức lan tỏa từ những người có tầm ảnh hưởng.
**********************
Vụ sát hại bé Vân An sẽ được xử công khai trước bão dư luận
VOA, 11/07/2022
Sau nhiều phản đối từ công chúng và gia đình nạn nhân, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/7 cho biết sẽ đưa ra xét xử công khai vụ bé gái 8 tuổi bị bố đẻ và người tình bạo hành đến tử vong thay vì xét xử kín như quyết định trước đây.
Người dân thắp nến cầu siêu trước tòa nhà Sài Gòn Pearl nơi bé Vân An bị người tình của cha hành hạ đến tử vong hồi tháng 12 năm ngoái.
Bé Nguyễn Thái Vân An bị bố đẻ Nguyễn Kim Trung Thái và ‘mẹ kế’ Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ đến chết hồi tháng 12 năm ngoái và vụ việc đã gây rúng động dư luận Việt Nam vì sự tàn nhẫn được xem là "dã man như thời trung cổ".
Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/6 quyết định đưa vụ án ra xét xử kín mặc dù trước đó Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh coi đây là ‘vụ án điểm’ và chỉ đạo "không bỏ lọt tội phạm".
Nhưng quyết định "xử kín" vụ án này đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối từ công chúng cũng như gia đình của cháu bé.
Nhiều người dùng mạng xã hội trong những tuần qua lên tiếng kêu gọi xét xử công khai phiên tòa và cho rằng xét xử kín vụ dì ghẻ, với sự đồng thuận của bố đẻ, bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Khi đưa ra quyết định xử kín, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vụ án liên quan đến người chưa thành niên, tức dưới 18 tuổi.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, một trong 4 người bảo vệ quyền lợi cho cháu Vân An, gia đình nạn nhân không yêu cầu xử kín. Nói với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Luật sư Thơmcho rằng xét xử kín chỉ dành cho các trường hợp trong đó nạn nhân là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán và hiện đang còn sống để bảo vệ nạn nhân không bị áp lực tâm lý. Trong vụ án hiện tại, theo Luật sư Thơm, bé Vân An đã tử vong nên xét xử kín là "không phù hợp".
Vẫn theo vị luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, do vụ án bé Vân An được xác định là án điểm mà bị xử kín thì "công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm không có hiệu quả và sẽ dẫn đến không đạt được yêu cầu chính trị địa phương và cả nước" trong việc răn đe, phòng ngừa tội phạm xâm hại quyền trẻ em.
Gia đình cháu Vân An hôm 2/7 cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị đưa vụ án ra xét xử công khai, theoDân Việt.
Trước những áp lực này, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/7 quyết định sẽ xử công khai vụ án, trong đó bị can Thái, cha của bé Vân An, bị truy tố 2 tội danh – gồm "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm" – với tổng hợp khung hình phạt cao nhất là 8 năm tù, và bị can Trang, người tình của Thái, bị truy tố hai tội – gồm "Giết người" và "Hành hạ người khác" với tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Quyết định, được Luật sư Thơm công bố trên trang Facebook cá nhân, cho biết phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 1 ngày 21/7.
Theo cáo trạng đượcZing News trích dẫn, bị can Trang, 26 tuổi, đã dùng hung khí nguy hiểm đánh đập vào vùng trọng yếu của bé Vân An một cách dã man, tàn nhẫn trong gần 4 giờ dẫn đến việc bé tử vong ngày 22/12. Trước đó có những ngày, bé Vân An bị người tình của cha đánh trong tình trạng không mặc quần áo và bị bắt chui vào chuồng chó, quỳ gối trong đó.
Trong khi đó, vẫn theo cáo trạng, bị can Thái, 36 tuổi, chứng kiến người tình nhiều lần đánh đập, hành hạ con gái đẻ của mình nhưng không can ngăn mà còn tham gia đánh đập, hành hạ bé Vân An liên tiếp trong các ngày từ 7 đến 12/12/2021.
Theo giám định pháp y, cơ quan chức năng xác định bé Vân An tử vong do phù phổi cấp và sốc chấn thương.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hồi đầu năm nay bày tỏ quan ngại "sâu sắc" về vụ bạo hành đến chết bé Vân An và kêu gọi Việt Nam không khoan nhượng với bạo lực cũng như phải có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em.
Khi chỉ đạo về việc "không bỏ lọt tội phạm" trong vụ sát hại bé Vân An hồi tháng 12 năm ngoái, Phó Thủ tướng Minh đã yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ.