Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi các 'đồng chí cảnh sát - an ninh' áp dụng các thủ đoạn khác nhau, kể cả bạo lực để ngăn chặn mục tiêu của một người hoặc một nhóm người biểu tình, họ không nghĩ rằng, họ đang đẩy đến giới hạn của bạo lực. 

baoluc1

Sự kiềm chế của nhóm người biểu tình ôn hòa được xem như khóa then chốt để đoàn biểu tình thực sự biểu thị quyền của mình trong hướng dẫn của pháp luật.

Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình ? Quan điểm này được khắc họa trong hầu hết các cuốn sách giáo khoa về lịch sử, nhưng một dân tộc chuộng hòa bình không đồng nghĩa với sự hiếu chiến giảm đi. Thực ra, hòa bình của dân tộc Việt Nam có thể được khắc họa bằng câu nói : muốn có hòa bình, phải luôn chuẩn bị chiến tranh.

Kể từ khi lập quốc đến nay, nếu tính 10 đầu ngón tay, thì thời gian hòa bình của Việt Nam chỉ vỏn vẹn 2-3 ngón, còn lại hầu hết là tình trạng chiến tranh liên tục, trong đó có cả nội chiến lẫn ngoại chiến.

Miền Bắc - nơi giữ lại hương vị truyền thống của nhà nước Đại Việt, cũng là nơi chứng kiến hàng tá lễ hội khác nhau mang màu sắc bạo lực. Bạo lực lời nói, cho đến bạo lực cả trong không gian lễ, sự giành giật, cướp, đâm chém diễn ra như một lệ tục của dân tộc, và ở chừng mực nào đó, nó khắc họa một thứ gì đó rừng rú - không còn hợp thời.

Nhưng không dừng tại đó, mà cụ thể hơn, hầu hết người Việt Nam chứa đựng một dòng máu rất nóng, nóng đến mức độ 'hở ra là đâm chém, giết chóc'. Trong lăng kính của xã hội bình dân xoay quanh hành vi 'nhậu' cũng diễn biến một cách bạo lực : nhậu trả tiền cũng chết, nhậu không trả tiền cũng chết, không nhậu cũng chết, và nhậu cũng chết.

Dòng máu bạo lực chỉ được kiềm chế chứ không triệt tiêu, bằng ý thức và trí thức. Nhưng con số này là vô cùng hiếm. Trong một hoạt động đám đông, chỉ cần một kích động nhỏ, sẽ nhanh chóng bùng phát thành một cuộc bạo loạn lớn. Và nếu thiếu sự ôn hòa diễn giải, kiềm chế, thì đổ máu là tất yếu xảy ra sau khi đám đông trở nên hung hãn.

Nhưng câu chuyện ở đây là gì ? Đó chính là quyền biểu tình và những người ôn hòa cũng như sự gìn giữ tính ôn hòa đó trong chính cộng đồng, xã hội Việt Nam.

Cụ thể hơn, bấy lâu nay, dù không ban hành Luật biểu tình do lo ngại ý thức dân chưa cao, nhạy cảm hay hàng tá lý do khác. Nhưng quyền biểu tình vẫn được diễn ra như một hệ thức được công nhận trong bản Hiến pháp.

Vấn đề giữa bất hợp pháp và hợp pháp chỉ diễn ra khi mà biểu tình ôn hòa bùng phát thành một cuộc bạo loạn. Và do đó, sự kiềm chế của nhóm người biểu tình ôn hòa được xem như khóa then chốt để đoàn biểu tình thực sự biểu thị quyền của mình trong hướng dẫn của pháp luật.

Tuy nhiên, phía chính quyền không nghĩ vậy. Thường thì họ sẽ cho công an mặc thường phục trà trộn vào kích động, hay dựng nên một nhóm biểu tình kích động để đẩy cuộc biểu tình đi đến hành vi bạo lực. Trong quá trình này, họ tìm cách khóa chặt, hoặc kích động bạo lực đối với người biểu tình ôn hoà, kể cả tấn công vật lý. 

Vấn đề là, những người biểu tình ôn hòa nằm trong một đám đông thực sự là giá trị cốt lõi cần phải được gìn giữ. Bởi nếu không gìn giữ mà liên tục tấn công, thì chẳng mấy chốc nhóm người vốn đã rất nhỏ này sẽ hòa vào trong dòng chảy bạo lực lớn, trong sự tấn công bạo lực liên tục của nhóm đến từ chính quyền.

Mục tiêu vẫn là trấn áp. Tất nhiên, phía chính quyền sẽ đạt được mục đích đó. Nhưng trần áp là hành vi sử dụng bạo lực lên trên bạo lực để kiềm chế bạo lực. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng phụ là làm gia tăng yếu tố bạo lực trong các đối tượng lên một một tiêu mới. Thực tế cho thấy, những vụ xô xát hay thậm chí là bạo lực giữa người dân với nhà nước ngày cả gia tăng, về cả hai phía. Người dân vốn dĩ chứa đựng một thùng dầu truyền thống bạo lực bên trong, nay nếu được kích thắp, sẽ bùng lên để họ thực thi công lý của mình.

Nhóm tội trạng khủng bố tưởng chừng như bám bụi trong Bộ Luật hình sự nay lại được sử dụng trong thời gian gần đây. Và cụ thể hơn là việc sử dụng này áp dụng cho các đối tượng tiến hành các hoạt động liên quan đến bom hay chất gay cháy diện rộng. Nhưng người được tuyên bố là 'kẻ khủng bố', rất trẻ.

Nhưng những người 'khủng bổ' này dù có đi chăng nữa thì cũng là một sản phẩm của một xã hội bạo lực, của nền chuyên chính bạo lực vũ trang để bắt dân nghe lời.

Nếu đặt một vị an ninh có những hành vi gây phản cảm, đi ngược giá trị nhân quyền, sử dụng bạo lực hành vi lẫn lời nói để gây ức chế, khiếp sợ, nắm tâm lý đối tượng. Thì ngay từ lúc đó, hoặc đó là sự sợ hãi, hoặc đó sẽ là nuôi mầm bạo lực bên trong và chờ đến một lúc họ sẽ trả thù trở lại. 

Những hành vi diễn ra trong xã hội chưa thấy nhiều, nhưng những video mà lực lượng vũ trang (chủ yếu là công an) ghi lại cảnh đánh đập dân thì theo sau màn đánh đập đó, là những phản hồi không kém phần khác máu, mà đối tượng 'bị treo cổ' là những viên công an vốn sử dụng quyền lực trước đó.

Vấn đề các viên công an không hình dung được tác dụng nuôi mầm bạo lực, bởi nghiệp vụ họ chỉ dạy nó 'khắc chế' chứ không phản hệ lại những gì họ học. Cuối cùng, về mặt vô hình, họ trở thành tầm ngắm của những nhóm người ưa bạo lực.

Sói cứ tưởng săn thợ, nhưng sói mới thực chất bị săn. Các công an viên chưa đối diện với mức độ tác động cao như đốt nhà, bắt cóc, gây thương tịch... nhưng những mầm mống bạo lực đời đầu thông qua biểu cảm vui mừng, kích động,... khi một công an viên bị tai nạn và chết lại chính là biểu hiện đặc sắc của bạo lực dưới dạng không hành động.

Bạo lực, thậm chí đặt 2 bên vào thế đối lập (như lời viên an ninh ngăn cản nhóm người đến thăm TS Hà Sĩ Phu trong ngày 9/8/2018 - 'Tôi du côn đấy, làm gì nhau') là một trong những cách tự sát nhanh nhất trong tương lai. Bởi nó đặt 2 phía rơi vào không gian không còn gì để mất (1).

Nhưng công an viên vẫn vươi tươi, họ tin vào quyền lực họ đang nắm. Điều kỳ lạ thây, cách họ nắm quyền lực lại làm gia tăng sự mất quyền lực của họ khi con số 'máu điên' tăng trưởng theo cấp số nhân trong những thời gian.

Và họ vẫn cười, vẫn nhầm tưởng và vẫn làm bạo lực như chưa từng bước. Họ hả hê khi bức người ôn hòa trở nên thiếu kiềm chế, nhưng họ đồng thời đang dóng búa vào thanh thép được nung nóng, và đến lúc sẽ thành một mũi kiếm.

Vấn đề đặt ra, công an viên có thực sự ý thức và thay đổi nó ?

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

(1) https://www.facebook.com/2007003122645713

Published in Diễn đàn

Chỉ trong vòng 24 giờ mà làng báo chí Việt Nam đầy ắp những bản tin về bạo lực, hung hãn và độc ác của người Việt Nam ở khắp mọi miền Đất nước. Chắc hẳn ai cũng cảm thấy giận dữ xen lẫn với một nỗi đau khó tả khi phải đọc những bản tin khó tin như thế này.

hunghan1

Vợ chồng ông Đỗ Viết Ba bị gia đình hàng xóm ra tay dã man - Ảnh cắt từ clip

Người Lao Động tường thuật : Thấy nhà hàng xóm ra chặt cây trứng cá và hoa sữa do nhà mình trồng, vợ chồng ông Đỗ Viết Ba ở Thanh Hóa đã ra ngăn cản, thì bất ngờ bị gia đình kia đánh, chém tới tấp khiến vợ chồng ông Ba phải nhập viện cấp cứu (1).

Zing tường thuật một sự việc khác còn dã man hơn xảy ra ngay tại Thủ đô Hà Nội : một đám đông bao vây hai phụ nữ bán tăm, liên tục chửi bới và có hành động đấm, đá vào đầu và mặt khiến một phụ nữ bị thương, người còn lại bị cũng bị đánh nằm bất động, vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Đau xót thay, khi 2 người phụ nữ nghèo khổ này chỉ là thành viên của Hợp tác xã tình thương, chứ không phải là đối tượng bắt cóc.

"Tôi được Hợp tác xã sản xuất tình thương Sơn Tây cấp giấy tờ cho đi bán tăm từ đầu tháng 7. Do bận cấy nên tôi mới đi được 3 hôm nay. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối" (2).

Nhưng đáng phẫn nội hơn khi mà sự độc ác của đám đông không có điểm dừng : "Tôi đã van xin nhưng họ không buông tha. Thậm chí có người can ngăn, bảo giao chúng tôi cho công an xử lý nhưng họ vẫn đánh đập thậm tệ". Theo người phụ nữ 40 tuổi, lúc công an có mặt, đám đông vẫn lao vào chửi bới bà rất hung hãn. Có người còn dùng cả ghế gỗ phang vào người khiến bà chảy máu, ngất tại chỗ (3).

VTC tường trình một sự việc cũng chua xót không kém, về một người đàn ông tâm thần, sống cô độc, nhưng còn bị hàng xóm vô đạo đức ném rác vào nhà : "Không mảy may thương xót trước cuộc đời nửa tỉnh nửa mê của người đàn ông mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhiều kẻ hàng xóm vô đạo đức còn ném rác thải vào nhà anh Đức khiến sự sống của anh càng trở nên cơ cực" (4)   .

Thay vì "người trong một nước, phải thương nhau cùng" thì những con người có cùng "máu đỏ, da vàng" lại chọn phương án bạo lực để hung hãn và độc ác với nhau.

Có nhiều bạn đọc ắt hẳn sẽ phản biện rằng ở phương Tây cũng đầy bạo lực, nổ súng, khủng bố giết người. Người viết đồng ý rằng không có bất kì một nơi nào trên thế giới là hoàn hảo và không có bạo lực. Tuy nhiên, những xung đột bạo lực khó tin như dẫn chứng ở trên thì không thường thấy ở xứ văn minh. Người viết đã sống ở Hoa Kì hơn 9 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng cả đám đông đánh nhừ tử, như thoạt mạng sống của một cá nhân nào hết. Người Việt Nam, đặc biệt là người dân ở những vùng nông thôn, đã từng được đánh giá là hiền lành và chất phác. Thế nhưng, thời nay, bạo lực đã tràn lan trên khắp mọi nơi : Nông thôn vốn được xem là yên tĩnh và hiền lành nhất, thì giờ đây lại được xem là hung hãn nhất khi lơ tơ mơ là có thể bị đánh bầm dập vì nghi ngờ là bắt cóc trẻ em.

Tại sao ngày càng có nhiều người Việt Nam hung hãn và bạo lực ?

Theo người viết có 3 nguyên nhân chính : tâm lý ; luật pháp ; và văn hóa.

1. Tâm lý : nhu cầu cơ bản nhất của con người chưa được đáp ứng

Nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow với học thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs) của con người vào năm 1943, được công nhận rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Học thuyết này mô tả về động lực và nhu cầu của con người, được sắp xếp theo một hệ thống trật tự cấp bậc trong đó, muốn đạt được các nhu cầu ở mức độ cao hơn thì phải thỏa mãn được các nhu cầu ở mức độ thấp hơn.

Maslow sắp xếp các nhu cầu của con người theo 8 cấp bậc chính : (1) nhu cầu cơ bản (basic needs) ; (2) nhu cầu về an toàn (safety needs) ; (3) nhu cầu về xã hội (Belonging and love needs) ; (4) nhu cầu được quí trọng (esteem needs) ; (5) nhu cầu về nhận thức (cognitive needs) ; (6) nhu cầu về thẩm mỹ (aesthetic needs) ; (7) nhu cầu được thể hiện bản thân (self-actualizing needs) ; (8) sự siêu nghiệm (transcendence).

hunghan2

Mô hình động cơ thúc đẩy của Maslow

Nhu cầu cơ bản (basic needs) : là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như, không khí để thở, thức ăn, ngủ, nơi trú ẩn, các nhu cầu làm cho con người thoải mái… Đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh mẽ nhất của con người. 

Và theo học thuyết Maslow, sự hung hãn, thích gây hấn, chủ yếu là kết quả của sự thất vọng về các nhu cầu cơ bản. Nói cách khác, sự hung hãn không phải hoàn toàn là bản chất con người, nhưng là một phản ứng trong các tình huống mà các nhu cầu thiết yếu của con người không được đáp ứng. Nói một cách dễ hiểu hơn, một Đất nước nghèo, chậm phát triển, và có nền văn minh chưa cao, như Việt Nam, cản trở nhiều người đạt được những nhu cầu cơ bản nhất (basic needs). Môi trường và không khí ô nhiễm trầm trọng ; điều kiện sinh hoạt lành mạnh thiếu thốn ; thức ăn độc hại… là bằng chứng của việc thiếu sót nhu cầu cơ bản trong xã hội Việt Nam. Khi nhu cầu cơ bản nhất của con người không được đáp ứng, thường sẽ dẫn đến trạng thái stress, khiến đầu óc không được minh mẫn, thoải mãi, rồi cuối cùng dẫn đến những suy nghĩ không có lý trí và hành động bạo lực trong những tình huống không cần thiết. ("The causes of Aggression", Jarret B. Wollstein, Liberty International, 9/6/2001).

2. Luật pháp

Luật pháp Việt Nam nhìn chung thì tương đối đầy đủ với những bộ luật khác nhau, nhưng trong thực tế chỉ là những tờ giấy "hữu danh vô thực". Viêt Nam áp đặt chế độ "đảng trị", nghĩa là dùng quyền lực của đảng để cai trị và tước đoạt những quyền công dân đã được pháp luật qui định.

Nói một cách dễ hiểu hơn, pháp luật là sản phẩm và công cụ của chính quyền Việt Nam. Quyền lực chính trị được hợp thứchóa thành pháp luật và đảng cộng sản chốn đằng sau danh nghĩa của pháp luật, để trục lợi, tham nhũng, cũng như để duy trì quyền lực chính trị. Chính vì thế, luật pháp Việt Nam không nghiêm minh, dẫn đến việc coi thường pháp luật trong mọi tầng lớp.

Vì không sợ pháp luật, nên người ta cũng chẳng e ngại dùng bạo lực để giải quyết những tranh chấp không đáng có. Chẳng hạn có trường hợp, người dân hung hãn đánh cho đến chết kẻ ăn cắp vặt, trộm chó, hoặc nghi ngờ là bắt cóc. Hơn nưa, người dân còn mất niềm tin vào sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật.

Vì không còn tin vào pháp luật, nên người ta sẵn sàng dùng vũ lực đánh đập tàn nhẫn một người trộm vặt. Người viết đã chứng kiến những va quẹt giao thông không mong muốn, và phản ứng đầu tiên của các bên là chửi bới, thậm chí lao vào đánh nhau "thừa sống thiếu chết". Người ta không tìm đến công an, vốn là đại diện của pháp luật, để hòa giải và xử lý vì mất niềm tin.

Trong những quốc gia có nền dân chủ phát triển với tinh thần "thượng tôn pháp luật" thì không một cá nhân, một tổ chức, một quyền lực nào bao gồm Chính phủ, Thủ tướng, Tổng thống, hoặc Tòa án tối cao, được phép đứng trên hoặc ngoài pháp luật. Vì thế, người dân tin tưởng và tôn trọng pháp luật nên không dám làm trái ngược với qui định của pháp luật, vì lo sợ hậu quả của những hành vi đó. Pháp luật nghiêm minh sẽ chế tài sự hung hãn và bạo lực không cần thiết của con người, khiến con người không dám làm liều để đổi lấy những hình phạt nghiêm khắc. Pháp luật nghiêm minh sẽ không bao che và dung túng những sai trái của bất kì ai.

Ở Hoa Kì, người dân tin tưởng và tôn trọng pháp luật. Khi có va chạm giao thông thì việc đầu tiên người dân làm là gọi cảnh sát và công ty bảo hiểm để trình báo sự việc. Rất ít khi thấy cảnh người dân chửi bới và ẩu đả nhau vì hai lý do chính. Thứ nhất, người dân tin tưởng cảnh sát sẽ điều tra công bằng nếu không có bên nào chịu nhận lỗi (nhưng thông thường sẽ có bên nhận lỗi trước). Thứ hai, người dân cũng không lo lắng trước các thiệt hại vật chất do vụ tai nạn gây ra, bởi vì đã có sự bảo hộ của công ty bảo hiểm. Hai điều trên làm cho người dân an lòng và chính vì thế, người dân không chửi rủa, hung hãn và sử dụng vũ lực bởi vì không cần thiết, vô ích, mà còn có thể bị kiện vì tội hành hung và lăng mạ người khác.

Hệ thống pháp luật nghiêm minh và công bằng, khiến cho người dân tin tưởng và tôn trọng pháp luật, sẽ làm giảm bớt và ngăn chặn sự hung hãn, bạo lực vô nghĩa. Nếu công an làm đúng trách nhiệm bảo vệ tài sản của người dân và xử lý nghiêm minh, thì những kẻ có ý định trộm cắp, bất kể là con chó hay con gà, sẽ không dám manh động và cũng không có cảnh cả một làng nhẫn tâm đánh đập dã man kẻ trộm chó.

Hàn Phi Tử (281-233 trước công nguyên) đã từng viết : "pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu".

3. Văn hóa

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người nghỉ ngơi và đoàn viên cùng gia đình nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi sau dịp Tết là có hơn ngàn người nhập viện vì đánh nhau : Tết 2016 : trên 5.100 người, Tết 2017 : gần 4.500 người.

Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ trong dịp Tết Nguyên đán 2017 vừa qua, có một bà cụ bị một nhóm thiếu nữ hành hung đến ngất xỉu chỉ vô tình dẫm vào chân cô gái khi đi chùa Hương.

Bạo lực đang gia tăng với một tốc độ kinh hoàng từ học đường đến xã hội. Các em học sinh, kể cả nữ sinh, nắm tóc, đấm đá nhau rất dã man trước sự dửng dưng của khách bộ hành hay những người đứng chung quanh. Tin công an đánh chết dân trong đồn cũng trở thành chuyện bình thường tình.

Khi chung đụng hàng ngày với tội ác và sự hung bạo, người dân Việt Nam đã gần như mất phản ứng với lời bào chữa quen thuộc đến khó chịu : "Việt Nam mà". Hai chữ Việt Nam ngày nay đã gần như bị đồng đồng hóa với hung bạo, lường gạt và hổn láo.

Khi văn hóa bạo lực lên ngôi, tội ác chỉ gia tăng chứ không giảm. Mỗi năm có hàng trăm người chết một cách oan uổng chỉ vì bị hiểu lầm và hàng trăm người khác thiệt mạng bởi sự tàn ác. Đau xót thay một cho dân tộc vốn dĩ hiền lành, giờ đây đang có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết tất cả mọi vấn đề vì mất tin tưởng vào pháp luật nhà nước .

Người Việt Nam có phải có khuynh hướng tôn sùng bạo lực hay không ? Theo tác giả Nguyễn Gia Kiểng, trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, thì câu trả lời là có.

"Không những người cộng sản, mà cả những người chống cộng, đều nghĩ rằng thành tích to lớn nhất và cũng là nền tảng của sự chính đáng của đảng cộng sản là đã đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh phe quốc gia. Nhưng nếu không đánh thì sao ? Nếu biết vận dụng trí tuệ để tranh đấu bất bạo động chắc chắn chúng ta cũng đã được độc lập và thống nhất không muộn hơn, mà lại không phải trải qua những đổ vỡ trầm trọng. Ta tôn thờ bạo lực ngay cả khi bạo lực có hại.

Người cộng sản không có độc quyền tôn thờ bạo lực. Việt Nam Quốc Dân Đảng dù không có một hy vọng mảy may nào thắng được người Pháp bằng bạo lực vẫn chủ trương dùng con đường bạo lực ngay từ đầu. Quyết định khởi nghĩa năm 1930 chỉ là một quyết định tự sát.Sự hấp dẫn của bạo lực đối với chúng ta quá mạnh. Mạnh đến nỗi ta không những chấp nhận mà còn mơ ước bạo lực. Khi không có bạo lực, ta phải cố bịa đặt để tưởng tượng rằng mình có bạo lực".

Như đã phân tích ở trên, tâm lý tôn sùng văn hoá bạo lực đến từ sự khủng hoảng niềm tin với hệ thống pháp luật nhà nước. Ở các nước Tây phương, bất cứ khi nào có xung đột, gia đình hay ngoài xã hội, người ta thường nhờ đến pháp luật nếu không thể hòa giải. Ở Việt Nam thì khác, vốn không có thói quen thảo luận, người ta dùng bạo lực để tự giải quyết mọi tranh chấp. Thêm vào đó, văn hóa bạo động cũng đến từ sự khủng khoảng của đạo đức. Nền tảng đạo đức truyền thống của yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn nhau đã và đang suy thoái trầm trọng.

Thay lời kết

Nền tảng của một xã hội văn minh bắt nguồn từ thể chế dân chủ và một chính phủ lương thiện, biết đặt lợi ích và quyền lợi của người dân lên trên hết. Một xã hội văn minh thể hiện các giá trị đạo đức của nhân quyền, dân quyền, bao dung, và nhân ái.

Dân tộc Việt Nam đang bị cai trị bởi một thể chế độc tài toàn trị, nên sự tồn vong, quyền lực và sự giàu có của đảng và thân hữu của nó được ưu tiên trên tất cả, hơn là một xã hội nhân bản và văn minh.Thay vì có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dân, lực lượng công anchỉ là "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ sự tồn vong của đảng cộng sản. Khi pháp luật chỉ được sử dụng để đàn áp và bắt bớ những người quan tâm tới Đất nước, thì người dân có còn xem trọng pháp luật hay không ? Khi người dân không tin tưởng vào pháp luật, thì họ sẽ chọn bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn. Cứ như thế, xã hội bị nhấn chìm trong văn hóa bạo lực, khiến Việt Nam đi ngược lại với dòng chảy văn minh, là điều tất yếu.

Mặc dù đảng cộng sản đặt nền móng của vũ lực để cai trị, nhưng chính nhiều người trong chúng ta, từ vô tình đến cố ý, đã góp phần duy trìthứ văn hóa bạo lực bằng sự vô cảm.Người viết tự hỏi không biết những con người thích hung hãn, bạo lực kia, có dám tức giận trước bất công và sai trái không ? Hay là họ chỉ "hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng".

Người viết tin rằng vẫn còn có rất những người đau xót cho sự thống trị của văn hóa bạo lực đang lan tràn tại Việt Nam. Nếu không có một biện pháp ngăn chặn nào, con người Việt Nam sẽ trở nên hung hãn và độc ác. Suy cho cùng, căn nguyên của sự khánh kiệt tinh thần và suy tàn đạo lý hiện nay bắt nguồn từ chế độ độc tài toàn trị. Liều thuốc để chữa căn bệnh xã hội trầm kha này chỉ có một : dân chủ !

Phải có dân chủ thì mới thúc đẩy được công bằng, cường thịnh và tự do, vốn là những giá trị nền tảng của hạnh phúc. Khi có được hạnh phúc và bình yên thực sự, con người sẽ trở nên hiền hòa, cư xử nhân hậu và từ bỏ văn hóa bạo lực. Do đó, để chấm dứt tình trạng bạo lực đang lan tràn, cũng như sự lụn bại đạo lý toàn diện trong xã hội, giải pháp duy nhất là phải thay thế chế độ độc tài toàn trị hiện nay bằng một thể chế dân chủ đa nguyên, trong đó mọi người đều có tiếng nói ngang nhau và những quyền lực như nhau.

Dù ý thức được những khó khăn và thử thách của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, người viết vẫn tin rằng không có gì là không thể nếu chúng ta đồng lòng về một mô hình tổ chức xã hội với những đường lối, tư tưởng và phương pháp rõ ràng, chấp nhận được cho những người ngày hôm nay và làm hài lòng cho người người ngày mai. Tương lai một Việt Nam sau này phải là tương lai của những con người nhân ái, bao dung và lương thiện Đó là vừa la ước mơ vừa là động lực để những người Việt Nam tìm lại với nhau Sự kết hợp này sẽ tạo nên một đối trọng mạnh để tranh đấu và xây dựng dân chủ đa nguyên cho đất Mẹ Việt Nam.

"Thử thách trước mặt chúng ta tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng" (Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai.)

Mai V. Pham

(21/8/2018)

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"

Chú thích :

(1) Cả nhà hàng xóm xông ra chém, đánh tàn vợ chồng lớn tuổi, Tuấn Minh, Người Lao Động, 23/7/2017

(2) Hai phụ nữ bán tăm bị đánh nhập viện vì nghi bắt cóc trẻ em, Hoàng Lam – Hoàng Cư, Zing, 22/7/2017

(3) Người bán tăm nghi bắt cóc trẻ bị đánh : Tôi van xin nhưng họ không tha, Hoàng Lam – Hoàng Cư, Zing, 22/7/2017)

(4) Đã sống cô độc, người đàn ông tâm thần còn bị hàng xóm vô đạo đức ném rác vào nhà, Ngọc Thắng, VTC, 23/7/2017

Tham khảo :

  1. https://liberty-intl.org/2001/06/the-causes-of-aggression/
  2. http://news.zing.vn/hon-5000-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau-dip-tet-post626568.html
  3. http://www.baomoi.com/tet-2017-gan-4-500-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau/c/21443405.epi
  4. Nguyễn Gia Kiểng (2001), Tổ Quốc Ăn Năn.
  5. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (2015), Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai.

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm