Nguyên bản (PDF)
Tôi sang Pháp du học năm 1961, lúc 19 tuổi. Là đứa con của đồng quê Việt Nam, tôi được nuôi dưỡng lúc ban đầu bằng hình ảnh cánh đồng, lũy tre, bờ ruộng, con cò, bằng những câu ca dao : bầu ơi thương lấy bí cùng... ta về ta tắm ao ta, v.v... Lớn lên một chút nữa, bằng những bài học quốc văn giáo khoa thư, truyện Phạm Công Cúc Hoa, truyện Lưu Bình - Dương Lễ, truyện Tấm Cám, truyện Phù Đổng Thiên Vương, truyện Thạch Sanh - Lý Thông. Khi chớm có nhận thức, bằng những trang sữ oai hùng của dân tộc : Ngô Quyền phá quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên, Lê Lợi bình quân Minh, Quang Trung đại thắng quân Thanh ; bằng những gương tuẫn quốc của Trần Bình Trọng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Vinh dự nhất là sự hy sinh dũng liệt của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Vinh dự vì trong trang sữ này gia đình tôi có góp phần hy sinh. Trí tuệ của tôi cũng được phần đào tạo bằng thơ văn Nguyễn Công Trứ, bằng Truyện Kiều, bằng tư tưởng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, bằng Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bằng Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, bằng nhiều thơ văn ái quốc, kể cả những bài thơ của Đằng Phương – mà sau này tôi được biết là Nguyễn Ngọc Huy.
Con trâu và trẻ thơ trên ruộng đồng - Hình ảnh yên bình và thơ mộng của thôn quê Việt Nam
Tất cả cái vốn liếng tinh thần và văn hóa đó khiến tôi mang một niềm tự hào dân tộc khi vừa tới Pháp. Trong thâm tâm, tôi tin rằng Việt Nam hơn Pháp, cũng như tôi đã tin Việt Nam hơn Trung Hoa. Nước Pháp chẳng qua chỉ có một nền văn minh vật chất, nhưng thua xa Việt Nam về văn hóa, tâm linh và sự thâm thúy. Nói chung Việt Nam hơn Pháp vì phương Đông hơn phương Tây. Phương Đông là nền văn minh lâu đời về tư tưởng, đạo đức và văn hóa, phương Tây chẳng qua chỉ hơn nhất thời về khoa học và kỹ nghệ. Phương Đông có chiều sâu trong khi phương Tây chỉ có bề rộng. Phương Đông có bề trong, phương Tây chỉ có bề ngoài ; phương Đông có hồn trong khi phương Tây chỉ có xác. Tôi còn nhớ đã nhiều lần tranh luận gay go với những bạn học người Pháp cũng đầy tự hào dân tộc như tôi.
Sau một vài năm tôi thạo tiếng Pháp. Tôi ham đọc sách nên kiến thức về lịch sữ, chính trị, văn hóa Pháp còn có phần trội hơn cả nhiều bạn Pháp. Tôi tin là mình đã hiểu rõ nước Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.
Tất cả dần dần thay đổi với thời gian. Càng sống với người Pháp, càng làm việc với họ và lại có dịp qua lại thường xuyên các nước Châu Âu tôi càng khám phá ra rằng tôi chưa hiểu họ. Dần dần niềm tự hào dân tộc giảm đi, nhường chỗ cho một sự hoang mang và sau cùng là một sự chua xót và thẹn thùng về sự thua kém của đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Tôi cũng dần dần có dịp tiếp xúc với người Mỹ và qua lại nước Mỹ. Có một nỗi đau càng ngày càng lớn trong tâm hồn tôi, nó đến một cách chậm chạp, lặng lẽ. Nhưng mãnh liệt.
Tôi nhận ra người Châu Âu rất nhân bản, thâm thúy, đầy óc sáng tạo, nền văn minh của họ hơn hẳn nền văn minh của đất nước ta, văn hóa của họ vượt hẳn văn hóa của nước ta cả về lượng lẫn phẩm.
Tôi tự hào về trống đồng, về thành Cổ Loa, về chùa Hương, về chùa Phổ Minh, về các lăng tẩm ở Huế để rồi phải xấu hổ trước công trình nghệ thuật nhiều gấp bội, cổ kính hơn nhiều lần, vĩ đại hơn nhiều lần và tinh xảo hơn nhiều lần mà tôi gặp được mỗi khi dừng chân ở bất cứ một địa điểm nào tại các nước châu Âu. Thì ra tôi đã giống như một con ếch ngồi đáy giếng.
Ngũ thập tri thiên mệnh. Năm mươi tuổi biết mệnh trời. Năm nay tôi đã ngoài 50 tuổi, không biết tôi đã "tri thiên mệnh" chưa, nhưng tôi đã khám phá ra một điều : đó là cái gì dù lạ lùng đến đâu cũng đều có một giải thích giản dị. Các nước phương Tây vượt trội bởi vì văn hóa của họ lành mạnh, tâm lý của họ đúng đắn. Nước Việt Nam đau khổ và nghèo nàn bởi vì văn hóa Việt Nam thui chột và tâm lý người Việt Nam bệnh hoạn. Điều đó dĩ nhiên chẳng có gì mới đối với bạn đọc và cũng chẳng có gì mới đối với tôi, chúng ta đã biết từ khá lâu rồi. Có điều cái "biết" bây giờ khác với cái biết của trước kia. Giữa hai sự hiểu biết đó có một khoảng cách, đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là gì nếu không phải là sự khám phá lại những chân lý đơn giản và có ích ?
Nhưng kinh nghiệm không phải chỉ đem lại cho tôi sự chấp nhận thua kém, và niềm đau của sự thua kém đó. Nếu chỉ có thế thì chẳng có gì để nói và cuốn sách này không có lý do gì để đến với độc giả. Kinh nghiệm đó còn giúp tôi khám phá ra rằng Việt Nam có thể tiến lên, tiến xa và tiến cao. Với điều kiện là phải nghĩ lại mình.
Đó là lý do ra đời của cuốn sách khiêm nhường này.
Xét lại mình là một thao dượt có khi rất đau nhức, nhưng phải nhìn chân dung mình ngay cả khi nó không đẹp. Tôi xin lỗi các độc giả mà những trang sau có thể làm phiền lòng. Khi một sự thực làm phiền lòng thì đó là một bằng chứng rằng sự thực đó cần được nói ra. Cuốn sách nhỏ bé này, nếu là một phân tích không nhân nhượng về nước Việt và người Việt thì cũng không phải là một cuốn sách tiêu cực, nó muốn được là một cuốn sách của hy vọng và niềm tin. Và tác giả thực sự hy vọng.
Sẽ có nhiều độc giả nhận xét rằng cuốn sách này có nhiều thiếu sót. Thiếu sót chắc chắn là có và có nhiều, nhưng có hai loại : những điều thực sự tác giả không nhìn thấy và những điều tác giả thấy mà không nêu ra. Quan niệm của tôi là không nhắc lại những gì mình nghĩ là đa số đã đồng ý để chỉ tập trung thảo luận về những gì mà nhiều người chưa đồng ý và nhất là những gì mà đa số không chấp nhận. Tôi nghĩ nên cố gắng để nói ra những điều mới, và nếu trong mười điều mới nói ra có tới chín điều sai và chỉ một điều đúng thì cũng còn có ích hơn là nói mười điều đúng cả mười nhưng đều là những điều đã biết. Khi không chấp nhận một ý kiến, người ta hay cho rằng ý kiến đó là sai, là dở. Nhiều độc giả sẽ thấy nhiều điều nói ra trong những trang sau là sai và đánh giá tác giả là dở. Tôi chấp nhận sự kiện đó. Tôi cho rằng nói ra những điều mình nghĩ là đúng dù biết rằng sẽ có nhiều người cho là sai và đánh giá thấp mình là một thái độ khiêm tốn. Đó là cách khiêm tốn của tôi.
Cuốn sách này để tặng ba người : Hồ Quì, vợ tôi, Hiền con trai tôi và Hòa con gái tôi.
Hồ Quì thực ra là đồng tác giả cuốn sách này. Hồ Quì đã thảo luận với tôi về mọi ý kiến trong cuốn sách này, đã đọc lại, sữa chữa và góp ý. Điều còn quan trọng hơn nữa là Hồ Quì đã cho tôi niềm vui trong lúc viết. Không những thế, tôi còn được vui vẻ chấp nhận một ngân sách thua lỗ. Với kinh nghiệm của những cuốn sách chính trị đứng đắn đã phát hành, cả hai chúng tôi đều không có một ảo tưởng nào về tương lai tài chánh của cuốn sách.
Còn về Hiền và Hòa thì đây chỉ là một sự công bằng. Cuốn sách này là của chúng. Tôi không có may mắn được dành toàn thời gian cho hoạt động và nghiên cứu chính trị. Tôi có hoạt động nghề nghiệp và hơn thế nữa có hoạt động nghề nghiệp rất vất vả. Cuốn sách này đã được viết và sữa chữa trong thời gian mà bố mẹ chúng đáng lẽ phải dành cho chúng.
Cuốn sách này cũng để tặng nhóm Thông Luận vì lý do cũng rất hiển nhiên. Thông Luận là tổ chức chính trị duy nhất mà tôi tham gia từ 1982 tới nay. Đó là gia đình thứ hai của tôi. Tôi đã may mắn gặp được ở đó một số đông đảo các trí thức và chuyên gia hàng đầu, nặng tình với đất nước. Sinh hoạt của Thông Luận, đối với tôi và đối với mọi người trong anh em chúng tôi, đã là cả một cuộc mạo hiểm của trí tuệ. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều ở đó và có thể nói cuốn sách này xuất phát từ đó. Nói như thế không có nghĩa là mọi người trong nhóm Thông Luận đều đồng ý với những gì tôi viết ra, mà chỉ có nghĩa là nếu không có Thông Luận nội dung cuốn sách sẽ khác đi nhiều. Anh em Thông Luận chúng tôi đồng ý với nhau về mục tiêu tranh đấu cho một thể chế dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng những phương pháp bất bạo động ; nhưng trong nhiều điểm khác chúng tôi khác nhau. Thông Luận chủ xướng đa nguyên và trước hết chúng tôi áp dụng chủ nghĩa đa nguyên trong nội bộ của mình. Kể từ đầu năm 2000, nhóm Thông Luận đã có danh xưng chính thức là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nhưng vì cuốn sách này đã được bắt đầu viết từ vài năm trước nên trong nhiều đoạn cụm từ "nhóm Thông Luận" đã được dùng thay vì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Cuốn sách này cũng để tặng ba người đã mất. Lê Văn Đằng, Vũ Tiến Đạt và Nguyễn Hoàng Quốc Phái. Đằng và Đạt là bạn, Quốc Phái là con gái đầu lòng của tôi.
Sáng thứ bảy 4/6/1994 khi bảy người chúng tôi trong Ban Thường Trực của Thông Luận họp mặt trong phòng họp riêng của tôi, chúng tôi uống cà-phê, ăn sáng và thảo luận rất thoải mái. Ngoài việc giải quyết một số vấn đề thông thường của tổ chức Thông Luận, chúng tôi bàn kế hoạch ủng hộ Đoàn Viết Hoạt, đang chịu một hoàn cảnh giam cầm nghiệt ngã. Chúng tôi đều đồng ý rằng điều cấp bách nhất là làm thế nào để Đoàn Viết Hoạt đừng chết. Chúng tôi không hề nghĩ rằng một lát nữa một trong bảy người chúng tôi sẽ chết. Phiên họp vừa hết, Đằng muốn thêm một lời kết luận. Đang phát biểu, Đằng thình lình ngừng lại, ngất xỉu và chết ngay sau đó.
Đằng cùng tuổi với tôi, đậu tú tài cùng một năm với tôi và đi du học cùng một chuyến máy bay với tôi, rồi cùng về nước phục vụ trong cùng khoảng thời gian với tôi. Từ ngày gặp nhau chúng tôi vừa là chí hữu vừa là anh em. Đằng không phải chỉ là người bạn mà còn là một phần của con người và trí tuệ của tôi. Đằng mồ côi cha từ năm ba tuổi, rồi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm sáu tuổi, sống nhờ sự nuôi dưỡng và thương yêu của các anh chị rất nghèo. Lúc mới tới Pháp, Đằng không có cả áo lạnh, phải lấy dầu cù-là thoa khắp cả người chống rét. Đằng xuất sắc về toán, đậu thủ khoa kỳ thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm ban toán, nhưng khi được học bổng đi Pháp lại chọn học kinh tế tài chánh và cũng thành công mỹ mãn. Về Sài Gòn làm cố vấn tổng trưởng tài chánh, Đằng vẫn cố dành thì giờ để đi dạy đại học. Cuộc đời của Đằng chỉ có cố gắng và phấn đấu. Đằng không những là chuyên gia kinh tế xuất sắc - nhiều người, trong đó có tôi, coi Đằng là chuyên gia kinh tế tài chánh lỗi lạc nhất của Việt Nam - mà còn rất đam mê chính trị. Ơ bên ngoài Đằng có vẻ là một người trầm mặc, ôn hòa, nhưng trong nội bộ tổ chức Thông Luận chúng tôi, Đằng luôn luôn biểu quyết cho những lập trường táo bạo nhất. Có lẽ đó là cái bản chất của đứa con của đất miền Trung sỏi đá, nơi con người luôn luôn phải cứng cỏi và bướng bỉnh với thiên nhiên để sống. Mối tình thân giữa chúng tôi đã bắt đầu từ đời trước. Thân phụ chúng tôi đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, cha của Đằng bị cộng sản giết chết, cha tôi may mắn thoát nạn. Cái gia phả chính trị đó đã gắn bó chặt chẽ chúng tôi với nhau. Tôi đã học hỏi ở Đằng rất nhiều, đến nỗi giờ này tôi không thể phân biệt được trong những kiến thức và nhận thức của tôi cái gì là của tôi, cái gì là của Đằng.
Tối hôm Đằng chết, khi đi thăm xác Đằng về, vợ tôi ngồi khóc và nói với tôi : "Rồi anh sẽ ra sao đây ? Anh sẽ chẳng bao giờ tìm được một người bạn như thế nữa".
Ngày 4/11/1961, ngày tôi rời Việt Nam đi du học để gặp Đằng trong chuyến máy bay và kết nghĩa anh em, cũng là ngày tôi nhìn Vũ Tiến Đạt lần cuối. Đạt ra tiễn tôi tại phi trường hôm đó. Đạt cũng đậu tú tài năm đó nhưng không đi du học. Tôi quen Đạt không lâu trước đó, nhưng Đạt để lại trong tôi một ấn tượng cực mạnh. Tôi có một nhóm bạn cùng lứa tuổi họp nhau để bàn chuyện đất nước. Hoạt động chính trị duy nhất của chúng tôi là vận động cho liên danh Hồ Nhật Tân - Nguyễn Thế Truyền trong cuộc tranh cữ tổng thống với Ngô Đình Diệm năm 1961. Rồi một hôm một người bạn đem Đạt tới. Đạt không giống ai. Hắn có bản năng và lối phát biểu mạnh mẽ một cách lạ lùng. Hắn đã đọc và thuộc vô số lý thuyết và phương pháp hoạt động chính trị. Hắn quả quyết một cách đáng sợ. Đạt không giấu ai ý định của hắn là muốn làm tổng thống Việt Nam sau này. Đấy là một cao vọng quá lớn và có thể là kềnh càng với một thanh niên 18 tuổi, nhưng Đạt trả giá cho tham vọng ấy một cách sòng phẳng. Hắn cố gắng vượt bực và cư xữ một cách hùng tráng. Đậu xong luật, Đạt đi lính, hắn nói không dám đi lính là hèn, và hơn thế nữa hắn cho rằng đi sĩ quan cũng không phải là can đảm vì không nguy hiểm lắm. Hắn đi lính từ binh nhì, vào các đơn vị tác chiến, lên đại úy, rồi thi đậu khóa tuyển lựa tham vụ ngoại giao đầu năm 1975. Việc chuyển sang ngoại giao chắc chắn nằm trong kế hoạch trau dồi bản lãnh của hắn. Điều tiếc nhất trong đời tôi là trong suốt thời gian ở Việt Nam sau khi từ Pháp về tôi đã không gặp được hắn, hắn ít về Sài Gòn và về trong những lúc tôi bận chuyện khác. Hắn cũng chỉ về chớp nhoáng rồi lại đi ngay. Mãi sau này tôi mới biết rằng hắn đã về bộ ngoại giao từ đầu năm 1975, nhưng lúc đó tình hình Việt Nam đã bắt đầu biến chuyển nhanh chóng khiến tôi không còn thì giờ và tâm trí để tìm gặp các bạn cũ nữa.
Trong trại cải tạo, sau ngày 30-4-1975, Đạt hiên ngang thách thức, hắn không nhận tội, không xin khoan hồng, lúc nào cũng dõng dạc đòi một điều duy nhất : được cư xữ như một tù binh theo công ước quốc tế. Hắn cũng kêu gọi đồng đội đừng ngã lòng, phải giữ lấy khí phách và danh dự. Có lẽ hắn tự coi là một tổng thống và phải cư xữ xứng đáng như một tổng thống. Một hôm hắn bị bắn chết trong lúc đi lao động, người ta bảo hắn định vượt trại. Điều này không ai kiểm chứng được.
Lúc đó tôi cũng đang ở tù.
Khi ở tù ra, sau hơn ba năm, tôi đã khóc rất nhiều trên mộ Quốc Phái, con gái duy nhất của tôi, chết trong lúc cả cha mẹ nó đang bị giam giữ. Lúc đó Quốc Phái mới được sáu tháng. Tôi tự hỏi tại sao tôi có thể khóc lâu như thế và tôi hiểu rằng tôi sẽ khóc cho đứa bé này ngay cả nếu nó không phải là con tôi. Tôi khóc cho một đứa bé gái duy nhất, xinh đẹp của một kỹ sư và một bác sĩ, một đứa bé mà cuộc đời đã hứa cho tất cả, nhưng đã chết như một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và được chôn cất sơ sài trong một nghĩa trang tiều tụy. Tôi khóc cho nạn nhân vô tội nhất của cuộc chiến này. Tôi chợt hiểu rằng tôi không thể bỏ cuộc. Nếu tôi không vì đất nước quyết định hồi hương thì Quốc Phái đã sinh ra ở Paris, sẽ lớn lên trong tình yêu và hạnh phúc, sẽ thành công mỹ mãn. Tôi cần một thắng lợi để làm quà tặng và xin lỗi Quốc Phái. Và thắng lợi đó phải thực quảng đại, xứng đáng với Quốc Phái và xứng đáng với nỗi đau không bao giờ nguôi trong tôi.
Trong thứ tự những người được đề tặng, độc giả có thể hỏi tại sao tôi không để những người đã chết trước những người còn sống ? Lý do là vì mặc dầu những tình cảm vô cùng tha thiết và vô cùng sâu đậm với người đã khuất, sự sống vẫn phải đi trước. Cuốn sách này muốn được là cuốn sách của hy vọng, viết cho những con người của đất nước hôm nay và ngày mai.
Cảm tạ
Tôi phải cám ơn trước hết toàn bộ các chí hữu trong gia đình Thông Luận, nơi kiến thức và nhận thức của tôi đã hình thành nhờ những cuộc thảo luận và trao đổi và cũng đã một phần nào được thữ nghiệm qua hành động.
Một lòng biết ơn xâu xa xin được gởi tới những bậc thầy đã uốn nắn cách suy nghĩ của tôi. Các giáo sư Vũ Khắc Khoan, Lê Ngọc Huỳnh, Nguyễn Xuân Kỳ, hiện nay không còn nữa. Một lời tưởng nhớ cũng xin được gởi đến cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một người bạn thân và một người anh lớn đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều khi mới hoạt động chính trị, rất tiếc là ông đã mất trước khi chúng tôi có thể sát cánh với nhau trong cùng một tổ chức.
Dĩ nhiên tôi không thể không nhắc tới thân phụ tôi, người thầy đầu tiên của tôi, đã tạo ra tôi cả xác lẫn hồn và mẹ tôi, người đã cho tôi bài học quí giá nhất : đấu tranh chính trị trước hết là bằng trái tim.
Đoàn Xuân Kiên, Võ Xuân Minh và Diệp Tường Bảo đã đọc lại và góp ý.
Lời cảm tạ sau cùng nhưng đặc biệt nhất xin dành cho Nguyễn Văn Huy, người đã thúc giục tôi viết cuốn sách này. Huy là tiến sĩ về dân tộc học và giảng dạy về môn dân tộc học vùng Đông Nam Á tại Đại Học Paris 7. Huy rất say mê khảo cứu lịch sử Việt Nam và đã góp ý với tôi trong nhiều nhận định. Dù không chia sẻ hoàn toàn những gì tôi viết, Huy đã tình nguyện đọc lại, sữa chữa và thay tôi lo phần việc in ấn cuốn sách này.
Nguyễn Gia Kiểng
******************
Ghi chú về tài liệu tham khảo và bố cục
Cuốn sách này là một cuốn sách để thảo luận ý kiến, với mục đích chỉ đề xướng ra mà không kết thúc các cuộc thảo luận. Vì thế tác giả, do thời giờ eo hẹp, đã tự cho phép bỏ qua phần chú thích sau mỗi chương. Sự thiếu sót này là do điều kiện biên soạn cuốn sách : tác giả, vì không thể dành một khoảng thời gian liên tục để viết, đã phải lập trước một bố cục, sau đó viết dần dần từng chương một trong vòng bốn năm, trung bình mỗi ngày một vài giờ, đôi khi trên xe lữa hoặc máy bay. Cách viết như vậy không cho phép ghi chú tỉ mỉ những tài liệu trích dẫn. Bù lại, những trích dẫn quan trọng đã được ghi ngay trong các bài viết, như độc giả có thể nhận xét.
Vì là một cuốn sách ý kiến, và hơn nữa ý kiến cá nhân, nên việc liệt kê tài liệu lại càng khó. Tác giả viết với kiến thức và suy tư cá nhân của mình cho nên nếu muốn liệt kê hết các tài liệu đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên cuốn sách thì có lẽ phải liệt kê hết tủ sách của mình. Điều này không phải chỉ khó mà còn không thể làm được vì, một mặt, có những tài liệu, như báo chí, tác giả đã tự ý hủy bỏ vì không có chỗ lưu giữ và, mặt khác, có những biến cố đã khiến tác giả nhiều lần mất tất cả hay gần hết tủ sách.
Trong những trích dẫn về Khổng Giáo, tác giả sữ dụng bản Luận Ngữ do Nguyễn Hiến Lê biên soạn và nhà xuất bản Văn Nghệ (Nam Cali, Mỹ) phát hành, có đối chiếu với các bản nghiên cứu Luận Ngữ bằng tiếng Pháp của Bùi Đức Tín (Pierre Gastine) và Anne Cheng. Ở đây xin lưu ý độc giả là tác giả không đồng ý với phần lớn những giải thích về Khổng Giáo và Khổng Tữ trong các tác phẩm này. Theo tác giả, Luận Ngữ và Khổng Tữ cần được hiểu theo bối cảnh xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc trong khi các tác phẩm nói trên thường vô tình giải thích theo những quan niệm về Nho Giáo được hình thành rất lâu sau giai đoạn này.
Phần lớn các số liệu về thế giới được lấy từ những nguồn tài liệu được cập nhật hóa hàng năm sau đây :
- Encyclopaedia Universalis (Encyclopaedia Universalis, Paris),
- Etat du Monde (Edition de la Découverte, Paris),
- Bilan Economique et Social (của nhật báo Le Monde, Pháp),
- The World Almanac (Houghton, Miftline Company, Hoa Kỳ),
- The World Bank Annual Report (do Ngân Hàng Thế Giới phát hành hàng năm).
Vì Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn sách để thảo luận về ý kiến nên tác giả đã ít dùng những tài liệu thống kê. Các số liệu được đưa ra thường là những con số có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì thế độc giả có thể tin là chúng đã được kiểm chứng một cách thận trọng.
Về bố cục, cuốn sách này gồm năm phần. Mỗi phần gồm một số chương, trong cùng một chủ đề. Độc giả ít thời giờ có thể đọc từng chương một cách độc lập với nhau, nhưng cách đọc đúng nhất vẫn là đọc theo thứ tự của cuốn sách vì trong mỗi chương tác giả coi như độc giả đã nắm được ý của phần trước. Tuy được viết thành những chương ngắn nhưng Tổ Quốc Ăn Năn không phải là một tuyển tập những bài nghị luận mà là một cuốn sách.
Phần một : Đất nước và con người, gồm 24 chương, mỗi chương bàn về một khía cạnh của địa lý Việt Nam và con người Việt Nam, mục đích là để nhận diện những điểm mạnh và yếu của chúng ta. Như tinh thần đã được trình bày trong lời đầu, nó sẽ không nhắc lại những gì mà mọi người đều đã biết, đã đồng ý và tác giả cũng không thấy có gì đặc biệt cần nói thêm. Phần này chỉ tập trung nói lên những gì không ổn và cần được xét lại trong cách mà người Việt Nam nhìn dân tộc và đất nước mình.
Phần hai : Đoạn đường đã qua, gồm 19 chương về lịch sữ, chắc chắn sẽ gây nhiều thảo luận. Tác giả không có tham vọng viết lại lịch sữ mà chỉ đặt lại một số vấn đề lịch sữ. Có quá nhiều nhận định về lịch sữ mà chỉ cần suy nghĩ bình tĩnh một chút ta có thể thấy ngay là sai nhưng vẫn cứ tiếp tục được coi là đúng và có ảnh hưởng rất lớn trên cách suy nghĩ và phát biểu của người Việt Nam. Tại sao chúng ta có thể sai lầm về lịch sữ của mình đến như vậy còn chờ đợi một giải thích, nhưng chính sự kiện chúng ta hiểu sai lịch sữ của mình lại có thể giải thích những thảm kịch mà chúng ta đã phải gánh chịu. Nhận định của tác giả là người Việt Nam chúng ta nói chung viết sữ một cách không đứng đắn và cũng đọc sữ một cách không đứng đắn, do đó mà chúng ta không biết chúng ta là ai, từ đâu đến đây và sẽ phải làm gì. Nếu phần này gây ra tranh luận và, do đó, một ý thức xét lại lịch sữ thì mục đích của nó đã đạt được.
Phần ba : Vì đâu nên nỗi ?, gồm 17 chương về các vấn đề tâm lý và văn hóa Việt Nam. Những bài đầu cố gắng đưa ra một nhận định về di sản văn hóa nước ta với một khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể vươn lên nhờ tiếng Việt và bằng tiếng Việt. Văn hóa Việt Nam đã là văn hóa Khổng Mạnh trong gần hai ngàn năm và cũng sẽ còn là văn hóa Khổng Mạnh trong nhiều thập niên sắp tới dù thanh niên Việt Nam có du học phương Tây, chương trình CNN có được truyền đi hàng giờ, các tiệm ăn Mac Donald có mọc lên khắp nơi và mỗi gia đình đều có Internet. Bởi vậy cần tìm hiểu Khổng Giáo và cách mà chúng ta đã tiếp thu Khổng Giáo để hiểu chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại là chúng ta ngày nay. Tác giả biết rằng phần này sẽ gây sóng gió, nhưng là một sóng gió cần thiết, nếu chúng ta không muốn ngủ yên trong sự thua kém.
Phần bốn : Vài hành trang cho tương lai, gồm 15 chương, có mục đích đề nghị một số kiến thức và nhận thức cơ bản để nghĩ lại và làm lại nước Việt. Tác giả sẽ trình bày các vấn đề về phát triển kinh tế, quản lý kinh tế tài chính, các ý niệm nền tảng về quốc gia dân tộc, về dân chủ và về chế độ chính trị. Độc giả có thể coi phần này như những đề nghị, dù thực ra tác giả chỉ đã cố gắng để trình bày một cách thực khách quan những kiến thức rất cơ bản nhưng tiếc thay vẫn chưa được nắm vững trong các cuộc thảo luận về đất nước, ngay cả trên những diễn đàn được coi hoặc tự coi là có trình độ cao. Ai cũng có quyền có lập trường riêng của mình nhưng tác giả không tin là có êquyền hiểu lầmê và êquyền lý luận saiê trên những sự kiện đã rõ rệt. Tác giả tin rằng nếu mọi người dân chủ nắm vững những khái niệm cơ bản này thì các cuộc thảo luận sẽ dễ dàng và tình hình đất nước có thể khai thông nhanh chóng. Sự hiểu biết cũng là một dụng cụ và một vũ khí. Phần này vì vậy là một hành trang đề nghị cho tương lai.
Phần thứ năm : Vươn mình lớn dậy, cũng là phần kết, mở đầu bằng một cái nhìn thoáng qua một lục địa rất xa xôi là châu Phi để thấy thảm kịch của sự thiếu vắng một cố gắng cần thiết nhưng lại không được ý thức và do đó không được thực hiện ; tiếp theo là chương Tổ quốc ăn năn, cũng là tên của cuốn sách, đặt lại tương quan giữa người Việt Nam và nước Việt Nam ; sau cùng là bài Gởi vào giấc mộng nhắn ra cuộc đời trong đó tác giả mạn phép nói chuyện riêng với một số độc giả đặc biệt.