Đại sứ Mỹ yêu cầu Việt Nam truy tố hình sự vi phạm bản quyền (VOA, 24/03/2017)
Đại sứ Mỹ Ted Osius vừa yêu cầu Việt Nam truy tố hình sự các trang mạng 123movies, Putlocker và Kisscartoon về tội danh vi phạm bản quyền. Yêu cầu của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hà Nội được đưa ra trong cuộc họp ngày 21/3 với Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam. Cuộc họp nằm trong một chuỗi hoạt động gần đây của Việt Nam nhằm quản lý những nội dung được cho là "xấu, độc" trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook…
Đại sứ Ted Osius hứa sẽ khuyến khích các công ty Mỹ mở văn phòng tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, phía Việt Nam đề nghị Đại sứ Ted Osius tác động để Google, Facebook… có đại diện ở Việt Nam. Đáp lời, Đại sứ Ted Osius nói sẽ khuyến khích các công ty mở văn phòng tại Việt Nam, nhưng ông cũng yêu cầu Việt Nam giải quyết nạn vi phạm bản quyền. Ông còn nêu tên 3 trang web cụ thể và đề nghị Việt Nam xử lý hình sự.
Ẩn ý ?
Trong khi vấn đề quản lý nội dung "xấu, độc" trên các trang mạng được Việt Nam nâng lên tầm mức ngoại giao, thì song song với nó, câu chuyện "dài hơi" về vi phạm tác quyền tại Việt Nam cũng được phía Mỹ đặt lên bàn thảo luận.
Luật sư Trần Thu Nam từ Hà Nội nêu quan điểm riêng về sự kiện này : "Ông ấy [Đại sứ Ted Osius] nói ra như vậy tôi nghĩ là cái ẩn ý của ông nó khác. Ẩn ý của ông là bản thân Việt Nam còn chưa xử lý được, còn dung túng hoặc còn để mặc cho việc vi phạm pháp luật xảy ra tràn lan như thế thì các ông đừng yêu cầu người khác phải làm một điều gì đó. Cái ẩn ý nó nằm chỗ đó, chứ không phải vấn đề mặc cả là anh xử lý cho tôi cái này và tôi xử lý cho anh cái kia".
Nhận xét về mức độ vi phạm bản quyền tại Việt Nam, Luật sư Trần Thu Nam nói tình trạng đã tới mức báo động vì vi phạm bản quyền đã trở thành thói quen hàng ngày.
"Vi phạm bản quyền ở Việt Nam từ trước tới nay vẫn phổ biến và xảy ra thường xuyên trong tất cả mọi lĩnh vực : tin học, văn hóa, âm nhạc... Ví dụ như cái nhỏ nhất là các phần mềm hệ điều hành máy tính chẳng hạn, thì người ta thường sử dụng các phần mềm lậu, phần mềm bị bẻ khóa. Việc mua bản quyền ở Việt Nam hiện nay chưa phổ biến và chưa thành thói quen".
Trong khi người dân hoàn toàn không ý thức về hành vi vi phạm của mình, mức xử phạt vi phạm của các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
"Mức độ phạt cũng chưa lớn", Luật sư Nam nói. "Cái thứ hai nữa là cũng chưa có chế tài về hình sự, xử lý hình sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm lớn. Vấn đề định giá mức độ thiệt hại liên quan đến các sản phẩn trí tuệ thì tại Việt Nam cũng rất khó. Tôi cho là Việt Nam chưa chuyên nghiệp trong xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm bản quyền".
Quyết tâm
Năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp... Tuy nhiên theo Luật sư Nam, xử lý vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho tới nay đa số chỉ gói gọn trong những vụ vi phạm về kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Rất hiếm, gần như không có, các vụ xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền của các doanh nghiệp nước ngoài vì những bất cập trong quy định, chẳng hạn sản phẩm phải được đăng ký tại Việt Nam, cá nhân, cơ quan ở nước ngoài phải ủy thác cho đại diện tại Việt Nam…
Câu chuyện vi phạm bản quyền là một trong những trở ngại mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài nêu lên thường xuyên trong các trao đổi hợp tác, kinh doanh với Việt Nam. Trong khi nhiều người cho rằng đây là vấn nạn gần như không thể giải quyết, Luật sư Nam có quan điểm khác.
"Hoàn toàn có thể xử lý được. Nhưng vấn đề là họ có biết cách hay quyết tâm xử lý hay không. Họ có dám làm hay không. Chứ còn không có cái gì là không xử lý được cả".
Tại một cuộc hội thảo về tác quyền có sự tham dự của nhiều tổ chức truyền thông Việt Nam và quốc tế hồi cuối năm ngoái, Việt Nam bị cho là đang có hơn 200 trang web bẩn, trong đó có 42 trang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Khánh An
********************
Việt Nam dừng quảng cáo trên YouTube là ‘tự cắt vào cánh tay của mình’ (VOA, 24/03/2017)
Hôm 16/3 Việt Nam gây áp lực và yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin "xấu, độc" chống chính quyền bị ngăn chặn.
Việc Việt Nam vừa gây áp lực dừng một số quảng cáo trên YouTube.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho VOA biết rằng việc Việt Nam gây áp lực dừng quảng cáo trên YouTube hay Facebook là ‘tự cắt vào cánh tay của mình’ :
"Tôi nghĩ rằng đó là hành động tự cắt vào cánh tay của mình. Hệ thống YouTube và Facebook họ chuyển những quảng cáo đó một cách tự động vào những trang có lượng người coi cao, chứ họ không quan tâm cái đó là gì cả. Cũng có những trang phản ánh thực trạng của đất nước có view cao, và những quảng cáo đó vô tình lọt vào, tạo thành sự bẽ bang. Và trớ trêu là những công ty lớn của Việt Nam quảng cáo trên những trang nói về thực trạng của Việt Nam. Chính vì lẽ đó Bộ Thông tin và Truyền thông cảm thấy khó chịu. Giống như một đứa trẻ con giẫy nẩy lên. Nhưng hành động đó lại trói các công ty của mình lại không cho làm ăn và phát huy trên hệ thống thông tin và truyền thông tự do trên thế giới".
Công ty Quốc tế DMV tại thành phố Hồ Chí Minh, một công ty chuyên thực hiện các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bao gồm sử dụng công cụ Google Adwords để đăng video clip 5 giây nhãn hàng và chạy quảng cáo trên các video của YouTube. Anh Võ Tuấn Hải, một chuyên gia về tiếp thị, đồng thời là Giám đốc Công ty Quốc tế DMV cho VOA biết các khách hàng lớn bị ảnh hưởng :
"Một số khách hàng lớn thì sẽ bị ảnh hưởng. Khách hàng nhỏ thì không bị ảnh hưởng. Hiện tại thì không ảnh hưởng tới doanh số công ty. Đối với doanh nghiệp lớn, như những tập đoàn như LG, Samsung, thì ngân sách của họ nhiều thì quy định có thể sẽ ảnh hưởng tới họ. Thực tế là khi những đoạn MV (mobile video), quảng cáo xuất hiện trên những đoạn video xấu thì nó mới xuất hiện đến những doanh nghiệp lớn đó. Còn đối với những phân khúc khách hàng trung cấp và cấp thấp thì nó không ảnh hưởng gì đến với họ hết".
Tương tự như công ty DMV, anh Huy ở công ty TNHH Truyền thông Thiên Vương cũng gặp một số khó khăn, tuy nhiên chưa có thiệt hại nhiều :
"Cũng có. Cũng có một vài vấn đề. Nhưng hiện tại thì không ảnh hưởng đến doanh số. Cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến công việc kinh doanh của mình".
Trước đó, Bộ Thông tin và truyền thông và các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo như Vinamilk, Vinhomes, Ford Việt Nam và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng 16 mẫu quảng cáo trên YouTube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng video không lành mạnh trên YouTube.
Theo truyền thông Việt Nam, đại diện Google Việt Nam cam kết sẽ hợp tác cùng Chính phủ để giải quyết và hạn chế những nội dung không lành mạnh trên Internet.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông, nhiều thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những "vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo" chạy trên YouTube. Các clip "có nội dung xấu độc trên YouTube" lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever) ; sản phẩm Pampers, Ariel (P&G) ; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha.
Do YouTube tự chạy nên có thể clip của một số nhãn hàng bị chèn vào các video có nội dung vi phạm. Hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam khi xuất hiện trên các clip như vậy sẽ gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Hơn nữa, một số người tiêu dùng chân chính sẽ nghi ngờ, thậm chí tẩy chay.
Tuy nhiên, anh Hải vẫn lạc quan rằng người tiêu dùng sẽ quay lại với kênh quảng cáo trực tiếp hiệu quả này :
Theo các các công ty quảng cáo trực tuyến, Youtube là một trong những cách quảng bá hiệu quả thông qua các thông điệp truyền tải bằng video, những banner quảng cáo với hình ảnh bắt mắt.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định rằng phản ứng như vừa qua của Bộ Thông tin và truyền thông chỉ là tạm thời :
"Sự giẫy giụa của Việt Nam mang tính phản đối tạm thời. Và không thể nào áp chế được các công ty. Có thể YouTube và Facebook thì những thông video clip mang tính chính trị xã hội mà Việt Nam lo sợ sẽ được tách ra ở những mảng khác trong hệ thống của họ và đưa các quảng cáo của họ và video phi chính trị".
Trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, trong cuộc họp với bộ trưởng của Bộ này, ông Trương Minh Tuấn, một số nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk hay Vinhomes hay các công ty quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam như Ford đã "cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo đồng thời khẳng định tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube".
Infonet còn dẫn lời ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đã phát hiện "nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google".
Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất các video clip trên YouTube, trong đó có cả những clip xấu, độc, do đó vô tình gián tiếp, khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube.
Theo Reuters, Việt Nam tháng trước đã "bắt đầu gây áp lực cho các công ty quảng cáo trong nước yêu cầu công ty Google, vốn sở hữu YouTube, phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang này".
Tuy nhiên, trang Soha dẫn lời ông Tuấn nói rằng vẫn còn "khoảng 8.000 video có nội dung xấu, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube và 42 video clip được gỡ là quá nhỏ".
Ông Tuấn được báo chí trong nước kêu gọi "cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam cùng lên tiếng với Google, Facebook ngăn chặn các nội dung xấu độc, tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường mạng".
Trong một thông cáo gửi cho VOA hôm 14/3, YouTube cho biết rằng "chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng"…
Trước đó, báo Nhân Dân nhận dịnh rằng : "Việc YouTube cho biết trang web của họ có chính sách chung cho tất cả video, nếu cảm thấy không phù hợp, người dùng có thể thông báo gỡ bỏ. Đây phải chăng là một tuyên bố rũ bỏ trách nhiệm" ?
Trong một diễn biến khác, hôm 21/3, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã kêu gọi ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam "tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam".
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng những hoạt động hăm dọa, kiểm duyệt trên mạng Internet là vô nghĩa.
"Nhà nước Việt Nam đã nghĩ tới chuyện cần phải nói chuyện với các công ty gốc để làm sao cùng hợp tác với họ để xây dựng một hệ thống được gọi là sạch sẽ, trong những vấn đề mà họ thấy an toàn, cho những thông tin được gọi là nhạy cảm.. thì tôi nghĩ là đối với người Việt Nam cho đến ngày hôm nay họ không thấy bị ràng buộc bởi hệ thống kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt của Việt Nam tôi cho rằng là vô nghĩa".
Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại sứ Ted Osius phản ánh về "việc Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới".
Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc "kiểm soát Internet", nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này.
*******************
Đêm 24 tháng 3 tại Sài Gòn, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10.
Giáo sư Chu Hảo, Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh phát biểu trong lễ trao giải lần thứ 10. Ảnh: Bá Ngọc.
Sinh tiền, ông Hồ Chí Minh từng chê cụ Phan đã đưa ra chủ thuyết cải lương, khi cụ Phan kêu gọi người Việt cần khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh.
Do đó, như lời ông Chu Hảo, phó Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, dù đã 10 năm trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, nhưng sức lan tỏa về truyền thông vẫn còn rất hạn chế :
"Lần này là lần thứ 10, chúng tôi vui mừng thông báo là sẽ có thêm 5 vị tân khoa và 1 vị danh nhân nữa, được tôn vinh như sẽ được công bố ngay sau đây. Mỗi lần công bố giải và tôn vinh danh nhân văn hóa là mỗi lần chúng tôi, muốn được cùng với quý vị và các bạn có mặt tại khán phòng này, ôn lại tinh thần khai sáng, ý chí tự trị tự cường, khát vọng dân chủ của Phan Châu Trinh, nhà cách mạng bất bạo động đầu tiên của Việt Nam, như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từng khẳng định.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương của nhân loại. Dường như, ở khắp mọi nơi trên thế gian này cái ác đang thắng cái thiện ở tầm vĩ mô ngay ở cơ tầng văn hóa giáo dục dối trá và bạo lực tràn lan trong xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nước ta, không những không là một ngoại lệ, mà còn có nguy cơ trở thành một thí dụ điển hình. Bởi vậy những lời kêu gọi thống thiết của cụ Phan cách nay hơn một thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị thời sự".
Như lời ông Chu Hảo, cụ Phan coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại. Cụ Phan cho rằng thay vì chăm chăm bạo lực như ông Hồ Chí Minh đưa ra, hãy noi gương Nhật Bản trong kiến thiết quốc gia.
Thông qua việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, những thành viên như ông Chu Hảo đang vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền :
"Phải làm cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn pháp luật, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công, hoặc một sự nhũng lạm nào đó. Báo chí phải phản đối là cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm lặng làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã làm tròn phận sự".
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10 đã trao giải Nghiên cứu cho giáo sư Trịnh Văn Thảo ở Pháp vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại.
Giải Nghiên cứu cho giáo sư Trần Đình Sử ở Hà Nội vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học.
Giải Dịch thuật cho nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc văn học và triết học Hungari.
Giải Việt Nam học cho Nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside vì những công trình nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam.
Học giả, nhà thơ, nhà văn, danh nhân văn hóa Phan Khôi được vinh danh là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Mới đây cư dân mạng và báo chí có dịp nhốn nháo khi một sinh viên năm thứ hai khoa Luật dân sự khóa 40, vừa bị Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ một năm học vì mang tám cuốn giáo trình photo vào trường. Từ câu chuyện liên quan đến bản quyền sách này, lại thấy những quy định và cách ứng xử trước các vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Nhà sách ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Thứ nhất là cách ứng xử với tài sản trí tuệ của mọi người, trong đó có giới trí thức. Rõ ràng, khi Việt Nam hội nhập càng sâu rộng thì vấn đề sở hữu trí tuệ càng trở nên quan trọng. Trên thế giới, các quy định về sở hữu trí tuệ rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, ngay cả chuyện về bản quyền sách là một ví dụ điển hình. Việc photo nguyên một quyển sách tại nhiều quốc gia hiện là điều cấm. Ngay cả việc scan tài liệu bản quyền, với nhiều trường đại học cũng chỉ tách thành từng chương chứ không gộp chung thành một bản đầy đủ. Sinh viên các trường đại học tại các nước Châu Âu và Mỹ khi vào trường được dạy rất kỹ về các quy định về bản quyền, trong khi thầy cô luôn làm gương mẫu cho các sinh viên trong việc tôn trọng quyền tác giả.
Nói một cách khách quan, hành vi photo nguyên quyển, và photo hàng loạt sách có liên quan đến vấn đề bản quyền, dù không đáng bị xử phạt đình chỉ học tập, thì qua trường hợp lần này, cũng là hành vi sai quấy và cần được điều chỉnh bằng việc giáo dục định hướng, hoặc áp dụng các mức phạt tài chính, ví dụ phải nộp cho cơ quan chủ quản bản quyền sách một số tiền phạt nhất định. Thường thì ở Châu Âu số tiền phạt có khi gấp vài lần đến hàng chục lần giá trị quyển sách mới. Đó là cách đưa ý thức tự giác tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đến với người dân nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng.
Thứ hai là cách ứng xử của nhà trường về vấn đề bản quyền. Dù sau khi dư luận và giới luật sư lên tiếng gây áp lực mạnh, Hiệu trưởng Đại học Luật đã cân nhắc khả năng có thể giảm kỷ luật cho em sinh viên vì không có tiền mua sách phải photo, tuy nhiên ngay cách ra quyết định của trường cũng là không chuẩn mực. Là trường đại học về luật, lẽ ra trường này phải biết lý giải câu chuyện một theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nghĩa là chỉ ra quy trình và hình thức kỷ luật là hợp lý ; chứ không phải chỉ áp đặt các quy định của nhà trường còn gây tranh cãi để áp đảo sinh viên vi phạm. Trả lời báo chí, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, nói với báo chí rằng đáng lẽ với vi phạm này là buộc thôi học nhưng trường đã xem xét mới giảm xuống còn đình chỉ một năm. Chẳng có một trường luật nào giải quyết một vụ vi phạm bản quyền sách đơn giản thành một vụ ồn ào, cưỡng tình đoạt lý như vậy. Lẽ ra bà Quỳ phải chỉ ra tám quyển sách được photo thuộc quyền quản lý trí tuệ của ai ? Có phải của riêng trường đại học này hay không ? Việc photo như vậy gây tác hại hay hậu quả như thế nào ? Từ đó mới chiếu theo các quy định mà xử.
Cần nhớ rằng không phải trường đại học nào cũng có quyền cấm sinh viên photo sách để học, mà chỉ có người quản lý bản quyền sách mới được phép. Cứ thấy sách photo mà phạt, thì phạt vậy là sai. Giả sử người quản lý bản quyền sách cho phép sinh viên photo 1 quyển để học thì dù trường đại học luật có dùng giáo trình đó để dạy, thì cũng không thể cấm sinh viên photo một bản để học thay vì mua sách gốc.
Ngoài ra, xét về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thì việc đình chỉ học tập một năm càng sai. Nhìn vào quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam, có ghi rất rõ rằng đình chỉ học tập có thời hạn chỉ được áp dụng trong ba trường hợp : a) đang bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm ; b) vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm ; c) vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trường hợp em sinh viên photo sách bị bắt lần đầu, dù có tám quyển nhưng là những quyển khác nhau, không có dấu hiệu kinh doanh mua bán gây tổn thất nghiêm trọng đến người nắm quyền xuất bản... thì hà cớ gì lại đình chỉ học. Việc đình chỉ một cách máy móc và có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ Giáo dục buộc dư luận phải đặt ra những nghi vấn về khả năng "giết gà dọa khỉ" mở đường cho khả năng thương mại sách vở giáo trình của trường.
Một vấn đề quan trọng không kém là cách ứng xử của sinh viên khi bị trường học xử lý kỷ luật. Tôi quan sát thấy, khả năng phản ứng của sinh viên Việt Nam trước các quyết định kỷ luật của trường học là khá thấp. Không biết có phải là các em chịu sự quản thúc từ nhỏ, có em bị thầy cô cho ăn roi cũng cắn răn chịu đau, đâm ra cứ nghe kỷ luật là sợ hãi mà quên cách tự vệ chính đáng hay không. Ở nước ngoài, khi nhận được một thư phạt hay thư đòi bồi thường về bản quyền phim ảnh, sách vở, sinh viên có quyền khiếu nại ngược lại nếu thấy mình oan ức hay bị phạt quá mức quy định. Mở rộng ra thái độ này, việc sinh viên không chấp thuận và khiếu nại một quyết định kỹ luật không chính đáng với mình là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngoài việc nhận lỗi và để dư luận lên tiếng bảo vệ, em sinh viên trường luật lại không dám (chứ không phải là không biết) lên tiếng để tự bảo vệ. Phải chăng sau em đang có một nỗi sợ vô hình ?
Tựu trung, người dân cần được giáo dục chu đáo hơn về ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ, trong khi bên thực thi quy định xử phạt phải tỉnh táo và công tâm suy xét. Tránh để những trường hợp vừa không hợp lý, vừa chẳng hợp tình như trường hợp của trường Đại học Luật với một em sinh viên nghèo khó.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA, 23/02/2017