Đối mặt với Trung Quốc : Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trở lại Châu Âu
Cuộc chiến tranh tại Ukraine và Gaza, chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu vẫn là chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay. Liên quan đến Châu Á, trang nhất của nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : "Đối mặt với Trung Quốc, Châu Âu bắt đầu tự bảo vệ".
Xe ô tô điện ET5 của tập đoàn Trung Quốc NIO tại phòng trưng bày của doanh nghiệp tại Amsterdam, Hà Lan, ngày 23/05/2024. Reuters - Toby Sterling
Phụ trang kinh tế của tờ báo đề cập đến một vấn đề nóng, nhất là khi Liên Âu đang bước vào giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu. Đối phó với làn sóng nhập khẩu ồ ạt các loại xe hơi điện chế tạo tại Trung Quốc, sau pin mặt trời và hàng triệu tấn thép, Châu Âu mới quyết định bảo vệ ngành công nghiệp của mình. Các lãnh đạo Châu Âu bây giờ dường như mới thức tỉnh. Ủy Ban Châu Âu sắp mãn nhiệm cũng vội vàng hành động, mở nhiều cuộc điều tra về cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh. Tuy nhiên Bruxelles không dự tính sẽ mở cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc như Mỹ đang làm. Dù sao thì đây cũng đã là bước ngoặt của Châu Âu, Le Figaro nhận định.
Theo tờ báo, khi tổng thống Mỹ Joe Biden cách nay hai tuần công bố, chủ yếu vì mục đích tranh cử, đánh thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc, nhiều tiếng nói đã cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu yếu kém vì đã không làm được điều tương tự Hoa Kỳ.
Đối với Washington, biện pháp này dễ thực hiện hơn vì Mỹ hầu như không nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chiếm 1/4 thị trường xe điện Châu Âu trong năm nay. Hàng nghìn chiếc ô tô vừa cập bến của họ đang dồn ứ trong các cảng Châu Âu để chờ bán, với mức thuế hải quan cho đến nay được giới hạn ở mức 10%. Do đó, Chính quyền Mỹ cố sức khuyến khích Châu Âu bắt chước họ. Lục địa già có sẵn sàng tự vệ ? Tờ báo đặt câu hỏi.
Theo nhịp độ riêng của mình, Ủy Ban Châu Âu đang chuẩn bị phản ứng. Khi kết thúc cuộc điều tra kéo dài 9 tháng về trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc đối với ngành công nghiệp của nước này, Bruxelles sẽ tuyên bố tăng thuế hải quan vào đầu tháng 6. Mức thuế có thể tăng từ 15% đến 30%, trong khi cần phải tăng ít nhất 40% đến 50% thì mới có hiệu quả, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Rhodium Group.
Trên nền tảng chủ trương đa phương và tự do mậu dịch, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định là một cường quốc thương mại thế giới, đứng thứ hai sau Trung Quốc, trước Hoa Kỳ. Tuy nhiên thâm hụt thương mại giữa EU với Trung Quốc tăng gấp đôi trong vài năm, lên gần 300 tỷ euro.
Tuy nhiên theo Le Figaro, bảo vệ mình nhưng không có nghĩa trở lại chủ nghĩa bảo hộ. Châu Âu phải nâng cao năng lực nội tại, sức sản xuất, khả năng cạnh tranh của mình. "Không có nền kinh tế nào trở nên phồn thịnh sau hàng rào chắn", xã luận của tờ báo nhấn mạnh.
Xung đột Israel-Gaza và công nhận Nhà nước Palestine
Liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, tâm điểm là thành phố Rafah phía nam dải Gaza đang là mục tiêu của các cuộc bắn phá đầy chết chóc của Israel. Ngoài ra vấn đề được nhiều tờ báo quan tâm là công nhận Nhà nước Palestine. Trang nhất báo Libération đặt câu hỏi lớn : Nhà nước Palestine, khi nào ?
Sau khi Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland ngày 28/05 đã chính thức tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine, tại Pháp vấn đề đã dấy lên tranh luận tại Quốc hội, gây không ít chia rẽ ngay trong đa số cầm quyền. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng để ngỏ khả năng Pháp công nhận Nhà nước Palestine, nhưng vào "một thời điểm cần thiết".
Libération nhận thấy, trước thảm họa không hồi kết đang hàng ngày đổ xuống đầu người dân Palestine trong dải Gaza, việc một loạt các nước Châu Âu công nhận Nhà nước Palestine là thông điệp mạnh mẽ đối với Israel đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Palestine. Vậy thì đến khi nào mới là "thời điểm cần thiết" đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ? Xã luận Libération đặt câu hỏi.
Trong cùng chủ đề chiến tranh tại Gaza, Libération có bài nêu lên "thảm kịch bất tận tại Rafah". Bài báo cho hay, sau vụ oanh kích đẫm máu là 45 thường dân thiệt mạng trong đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai vừa rồi, khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, quân đội Israel tiếp tục các đợt bắn phá dữ dội vào thành phố Rafah. Thường dân tiếp tục bỏ chạy hỗn loạn, hàng cứu trợ nhân đạo thiếu trầm trọng. Mỗi ngày chỉ có 53 xe tải chở hàng cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cho thành phố trong khi số lượng cần thiết phải là 600 xe. Theo chính quyền do Hamas quản lý tại Rafah, thứ Ba 28/05, một đợt oanh kích khác của Israel tiếp tục nhằm vào một trại của người tị nạn khác trong Rafah làm 21 người thiệt mạng và 64 người bị thương.
Vẫn liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas, nhật báo Le Monde có bài viết về Yahya Sinouar, thủ lĩnh Hamas. Nhân vật được coi là chủ mưu trong vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10/2023 vào Israel vẫn thoát khỏi mọi cuộc truy lùng của Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên từ nơi ẩn náu ông vẫn đang chỉ đạo mọi cuộc đàm phán về Gaza. Sau vụ thảm sát 07/10 năm ngoái, thủ tướng Israel thề sẽ triệt hạ thủ lĩnh của Hamas. Tuy nhiên, 8 tháng sau, khi đã phá hủy tan nát dải Gaza và hầu hết các cơ sở quân sự của lực lượng Hamas, Israel vẫn không giết hay bắt được Yahya Siounar. Tệ hơn nữa, nhân vật này vẫn là người đang áp đặt các điều kiện của mình trong các cuộc đàm phán tìm kiếm ngừng bắn tại Gaza. Ông ta yêu cầu Israel tuyên bố chấm dứt chiến tranh và yêu cầu quốc tế đảm bảo rằng quân đội sẽ rút khỏi vùng đất này. Nếu không có sự đồng ý của ông ta thì sẽ không thể có thỏa thuận.
Chiến tranh Ukraine : Chuyến công du tìm kiếm vũ khí của Volodymyr Zelensky
Liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine, Le Figaro quan tâm đến chuyến công du Bruxelles ngày hôm qua (28/05) của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm tìm kiếm thêm viện trợ vũ khí từ các đồng minh.
Theo Le Figaro, ông Volodymyr Zelensky không trở về Kiev tay trắng. Hôm thứ Ba, tại Bruxelles, chính phủ Bỉ đã nhắc lại cam kết cung cấp máy bay chiến đấu đã được đưa ra vào năm ngoái. Ba mươi máy bay chiến đấu F-16 sẽ được giao từ nay đến năm 2028. Còn lại là xem bao lâu nữa Ukraine nhận được những chiến đấu cơ đó.
Ông Volodymyr Zelensky muốn tin rằng chiếc đầu tiên trong số 30 chiếc máy bay đã hứa "sẽ đến trong năm nay". Nhưng Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo lại thận trọng hơn nhiều khi nói, các máy bay "sẽ được chuyển đến Ukraine càng sớm càng tốt. Mục tiêu của chúng tôi là có thể cung cấp chiếc máy bay đầu tiên trước cuối năm 2024". Bỉ đang chờ nhận những chiếc F-35 mà họ đã đặt hàng trước khi thải các hệ máy bay chiến đấu cũ.
Tại Madrid hôm thứ Hai, ông Volodymyr Zelensky cũng đã ký một thỏa thuận song phương với thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, hứa cung cấp 5 tỷ euro viện trợ quân sự từ nay đến năm 2027, bao gồm 1 tỷ euro vào năm nay. Tổng thống Ukraine hôm nay tới Lisbon (Bồ Đào Nha). Mục tiêu vẫn là tìm kiếm cung cấp tên lửa, dù là lời hứa.
Theo Le Figaro, hậu thuẫn cho Kiev nhưng Berlin và Washington cũng lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga và vẫn rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng vũ khí được giao. Tuy nhiên, áp lực ngày càng gia tăng trong việc dỡ bỏ các giới hạn sử dụng thiết bị được cung cấp.
Hôm thứ Hai, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không còn giữ thái độ dè dặt thông thường . "Tôi nghĩ đã đến lúc phải xem xét lại một số hạn chế này", ông nhấn mạnh bên lề cuộc họp hội đồng Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Và ông tin rằng Kiev có "quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài Ukraine".
Quyền lực mềm tôn giáo của Putin tại Châu Phi
Chuyển sang với nhật báo công giáo La Croix. Trang nhất tờ báo chạy tựa đáng chú ý : "Châu Phi : Cuộc tấn công Chính thống giáo của Kremlin".
La Croix ghi nhận, Thượng phụ Chính thống giáo Nga gần đây đã không giấu tham vọng cắm chân và phát triển nhà thờ chính thống giáo tại Châu Phi. Chính sách gây ảnh hưởng tôn giáo đối với lục địa Đen này là bước tiếp theo chính sách của Vladimir Putin. Giáo hội Chính thống giáo Nga đã tiến hành tuyển mộ các linh mục, chu cấp tài chính để gây dựng các cơ sở Chính thống giáo tại hàng loạt các nước Châu Phi. La Croix nhận định, rõ ràng những hoạt động đó của Chính thống giáo Nga chính là thứ "quyền lực mềm" tôn giáo của tổng thống Putin. Chiến lược nhiều tham vọng này nằm trong cuộc tấn công địa chính trị toàn cầu của Kremlin.
Theo La Croix, giáo dân Chính thống giáo ở Châu Phi chỉ chiếm 15% dân số chính thống giáo của thế giới. Từ năm 2021, Chính thống giáo Nga cho biết đã phát triển được hơn 200 giáo phận ở 25 nước Châu Phi.
Bầu cử Nam Phi : Đảng ANC của Nelson Maldela gây thất vọng lớn
Vẫn liên quan đến Châu Phi, nhiều tờ báo Pháp chú ý tới cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội ở Nam Phi ngày hôm nay 29/05/2024, một cuộc bầu cử được đánh giá là mang tính bước ngoặt cho đất nước Nam Phi. Đảng ANC đang đứng trước nguy cơ bị thất bại lớn. La Croix ghi nhận với bài viết : "Sau 30 năm dân chủ, những người Nam Phi thất vọng với ANC". Hôm nay ngày 29 tháng 5, cử tri Nam Phi được kêu gọi đi bầu Quốc hội và lãnh đạo địa phương. Một cuộc bỏ phiếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và khó khăn xã hội. Lần đầu tiên, đảng ANC của Nelson Mandela, nắm quyền từ năm 1994, có thể mất đa số tuyệt đối ở Quốc hội cũng như các cấp địa phương và có nghĩa là sẽ mất quyền lực sau 30 năm trị vì ở Nam Phi.
Biến đổi khí hậu tăng nguy cơ máy bay gặp nhiễu động không khí
Liên quan đến vấn đề khí hậu, nhật báo Le Monde có bài "Biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ máy bay gặp vùng nhiễu động.
Le Monde cho hay, hiện tượng biến động không khí đột ngột này, đã gia tăng trong bốn mươi năm qua. Một trải nghiệm đáng sợ và chết chóc. Vào ngày 21/5, một người đàn ông 73 tuổi người Anh đã thiệt mạng và khoảng một trăm người bị thương trong chuyến bay của Singapore Airlines từ Luân đôn đến Singapore. Nguyên nhân : gặp vùng nhiễu động không khí lớn, máy bay rơi xuống độ cao 1.800 mét chỉ trong vài phút, buộc chiếc máy bay Boeing 777 phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok. Vào Chủ nhật, 12 người cũng bị thương nhẹ trên máy bay đi từ Doha đến Dublin do nhiễu loạn không khí ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai sự kiện đang được tiến hành điều tra đã làm dấy lên những câu hỏi xung quanh tác động của biến đổi khí hậu đối với những hiện tượng thời tiết không ổn định này. Các nghiên cứu khoa học ngay từ giờ đã khẳng định hiện tượng trên có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Anh Vũ
"Chú Sam" về hưu
Nước Mỹ trong những ngày qua luôn là tâm điểm thời sự. Le Monde quan tâm tới sự rút lui của Mỹ trên chính trường thế giới, với hình ảnh "chú Sam về hưu", nhưng không phải một cách nhẹ nhàng, thanh thản, có suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng như những người đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự rút lui của "chú Sam" cay đắng, lộn xộn, gay gắt. Và trong đó có cả sự báo thù.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Washington, ngày 04/06/2017. REUTERS/Mike Theiler
Thời gian càng trôi đi, chúng ta càng thấy rõ ràng là Donald Trump đã quyết triển khai chính sách nước Mỹ co cụm bên trong đường biên giới và không còn muốn chơi với các quốc gia khác. Trước đây, người ta thường nói tới "vai trò lãnh đạo của nước Mỹ". Nhưng giờ đây, theo Le Monde, nước Mỹ và vai trò lãnh đạo là hai khái niệm trái ngược. Nước Mỹ có quan điểm : "Những người bạn của bạn tôi không còn là bạn của tôi, mà tôi cũng chẳng cần có bạn". Khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết" thực chất là "nước Mỹ rút lui đầu tiên", thậm chí là "nước Mỹ đơn độc" như cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt từng nhận xét.
Ngày 01/06/2017, chỉ chưa đầy một tuần sau "hội nghị thượng đỉnh thảm hại" với lãnh đạo các nước thành viên G7 và NATO, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris. Le Monde gọi đó là "phát súng ân huệ" Donald Trump dành cho những người hy vọng là sự thực dụng của tổng thống Mỹ sẽ chiến thắng sự thay đổi tính khí đột ngột và những ảo ảnh của ông.
Le Monde nhận xét, giờ không còn thời gian cho các nước đối tác của Mỹ đặt câu hỏi mà phải thực tế : vì người Mỹ không cần chúng ta nữa, nên chúng ta phải làm khác đi. Việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bằng tiếng Anh sau khi Donald Trump thông báo rút lui khỏi Hiệp Định COP21 thể hiện rõ điều đó : Cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại, ngay cả khi Hoa Kỳ đã rút lui.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ rút lui về mặt ngoại giao mà còn rút lui về mặt tinh thần. Bài diễn văn của ông Trump có nhiều điều không đúng sự thật tới mức Bộ Ngoại giao Pháp đã phải tung ra một đoạn băng vidéo "đính chính" những thông tin sai lệch của tổng thống Mỹ. Bản thân Donald Trump cũng ý thức được là các nước đang nhạo báng ông.
Ông Trum thú nhận trong cơn tức giận : "Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo và các nước khác chế nhạo chúng tôi. Họ không được làm thế nữa. Họ không được làm thế nữa". Theo Le Monde, uy tín về mặt tinh thần của lãnh đạo Hoa Kỳ đã "bốc hơi". Chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Donald Tusk đã lên lớp Trump về "các giá trị". Đó là từ mà Doanld Trump chưa bao giờ thốt lên.
Chú Sam rời chính trường, liệu Trung Quốc có sẵn sàng thế chân Mỹ ? Theo Le Monde, Đối thoại Shangri-La về an ninh Châu Á diễn ra tại Singapore hôm thứ Bảy 03/06 cho thấy kịch bản đó sẽ không sớm thành hiện thực. Vì trong khi Châu Âu đang rất giận dữ, thì Châu Á lại hoàn toàn lúng túng.
Thủ tướng Úc Turnbull đã cảnh báo Bắc Kinh về các mưu đồ bá chủ trong khu vực và kêu gọi Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại Châu Á. Chủ trương duy trì "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp" cũng mang hàm ý là ngay cả khi Donald Trump - lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới có vẻ không quan tâm, thì vẫn cần gìn giữ mạng lưới quan hệ giữa các quốc gia.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis đã trấn an các quốc gia tham gia Đối thoại Shangri-La khi nói về "cam kết bền vững của Hoa Kỳ", như ông đã từng làm cách đây 4 tháng tại hội nghị an ninh tại Munich. Nhưng điều đó có hiệu quả hay không ?
Chắc chắn là không. Cụm từ "vai trò lãnh đạo của Mỹ" từ nay sẽ vắng bóng. Nói cách khác, quá khứ đã xa rồi ! Mặc dù tướng James Mattis rất có uy tín, nhưng ông cũng không thể cứu vãn uy tín cho Donald Trump, vị tổng thống đã chỉ định ông vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Úc, bà Marise Payne, khi trả lời phỏng vấn về mối quan hệ Úc-Mỹ, chỉ nói rằng quan hệ hai nước tốt hơn con người ông chủ Nhà Trắng. Còn Bộ trưởng quốc phòng Pháp Sylvie Goulard cho rằng rất may mắn vì Mỹ là một nước rất dân chủ : bên cạnh Nhà nước Pháp quyền còn có nhiều thế lực khác. Và những thế lực đó là sẽ thắng. Họ chính là đồng minh của các quốc gia khác trên thế giới.
Một cách tự nhiên hay có ý thức, các đồng minh truyền thống của Washington, dù ở Châu Âu hay ở Châu Á, dường như đều thực hiện chiến lược "ngăn chặn" Donald Trump, với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức dân sự, doanh nghiệp, thành phố… nhằm làm cân bằng trở lại những quyết định của "cá nhân" Donald Trump. Phản ứng của các tổ chức, cá nhân sau khi Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu là một ví dụ điển hình. Và như thế, Le Monde kết luận, việc "bác Sam về hưu" có thể sẽ "rối tung, rối mù".
Trump rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris : những thay đổi tài chính tức thời
Vẫn liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris, Le Monde giới thiệu "những thay đổi tài chính tức thời" kèm theo nhận định "nước Mỹ phải đối mặt với những thủ tục phức tạp và bất ổn hơn nhiều so với những gì Donald Trump đã phát biểu" hôm thứ Năm 01/06 từ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ liên hệ việc rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21 với việc ngưng ngay lập tức cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ một ngày sau, cựu thị trưởng New York, tỉ phú Micheal Bloomberg đã đề xuất là Quỹ của ông sẽ đóng góp 15 triệu đô la để bù đắp khoản tiền mà lẽ ra Mỹ phải đóng góp cho Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đối với Donald Trump, bớt chi tiền chống biến đổi khí hậu toàn cầu có nghĩa là có thêm nhiều tiền để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và hỗ trợ các gia đình Mỹ. Tổng thống Mỹ giải thích là việc tham gia hiệp định COP21 sẽ khiến nhiều công nhân, nhất là trong lĩnh vực khai thác than, mất việc. Tuy nhiên, việc rút lui khỏi Hiệp Định không nhất thiết đồng nghĩa với việc ngành than - vốn ít khả năng cạnh tranh với lĩnh vực năng lượng tái tạo - có thể được khôi phục.
Năm 2015, lĩnh vực năng lượng tái tạo sử dụng tới gần 770.000 lao động, trong khi chỉ có 50.000 nhân công trong ngành than. Trong một thông cáo ngày 01/06, hiệp hội than Hoa Kỳ còn lo ngại quyết định của Donald Trump sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với công nghệ sản xuất "than sạch", hiện đang phát triển mạnh trên thế giới.
Rút lui khỏi hiệp định khí hậu, Hoa Kỳ mất vị thế đầu tầu mà nước này đảm đương cùng Trung Quốc từ nhiều năm nay. Không cần chờ đợi lâu, ngay ngày 02/06, tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, hai bên đã cam kết giảm năng lượng hóa thạch và đóng góp 100 tỉ đô la, từ nay tới năm 2020, để hỗ trợ các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Pháp và nhất là Đức, nước chủ nhà thượng đỉnh G20 vào tháng 07 và COP23 vào tháng 11/2017 cũng sẽ chú ý phát huy tính năng động.
Thương mại thế giới phát triển
Trên lĩnh vực kinh tế, Le Figaro cho biết "Thương mại toàn cầu phát triển kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng". Sau Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, giờ tới lượt Ngân Hàng Thế Giới phải xem xét lại mức tăng trưởng kinh tế thế giới. Le Figaro nêu lên một nghịch lý là chính vào thời điểm các mối đe dọa từ chính sách bảo hộ mậu dịch tăng cao thì trao đổi thương mại thế giới lại có dấu hiệu phục hồi, kéo theo sự phát triển kinh tế.
Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới, trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới năm nay sẽ tăng 4%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó là do đầu tư vào sản xuất tăng tại các nước phát triển, cũng như tại các nước sản xuất dầu lửa. Tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới sẽ tăng 3% vào năm tới.
Moskva : Taxi gọi qua Internet bùng nổ
Ở Moskva, taxi gọi qua mạng hiện chiếm 60% thị trường dịch vụ taxi. Những chiếc xe Volga cũ đã biến mất, taxi "dù" cũng không còn. Giờ đây, khách hàng chỉ cần một cú nhấp chuột là sẽ có một chiếc taxi tới đón. Từ năm 2002 tới giờ, số xe taxi ở thủ đô Nga đã tăng gấp 10 lần, khiến việc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.
Trong bài viết "Taxi blue ở Nga", Le Monde cho biết tại Moskva, thủ tục cấp giấy phép hành nghề lái taxi rất đơn giản, chi phí cũng không cao. Trong thành phố, hiện có gần 48.000 người có bằng và đang hành nghề, con số này là hơn 112.000 người ở vùng phụ cận.
Có rất nhiều hãng taxi, họ cung cấp xe và lái xe nhưng sử dụng các ứng dụng do Yandex (tương tự như công cụ tìm kiếm Google ở Nga), Gett Taxi và Uber cung cấp. Xung đột giữa các hãng taxi truyền thống với các hãng taxi gọi qua Internet không bùng nổ như ở Pháp hay Tây Ban Nha.
Yandex tung ra dịch vụ taxi vào năm 2011, với phương châm xe nào đến trước thì được đón khách, hoạt động tại hàng trăm thành phố và chiếm 30-40% thị trường tại Nga. Gett Taxi tham gia thị trường năm 2013 và Uber bắt đầu hoạt động năm 2014. Việc cạnh tranh đã đẩy giá xuống thấp.
Từ tháng 04/2017, các hãng không tính tiền theo đồng hồ đo lộ trình. Khách hàng nhận được thông báo về giá cả trên điện thoại thông minh, không căn cứ vào độ dài đoạn đường mà theo 3 tiêu chí : số lượng xe có thể đón khách vào thời điểm khách gọi dịch vụ, khả năng lưu thông của xe trên đường phố và số điểm khách đã tích lũy sau mỗi lần sử dụng dịch vụ. Và tới ngày 30/05, một dịch vụ mới ra đời : taxi không người lái.
Trang nhất các báo Pháp
Về trang nhất các báo Pháp, Le Figaro chạy tít : "Luân Đôn : Theresa May muốn diệt trừ Hồi giáo cực đoan". Một ngày sau vụ tấn công khủng bố mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh đứng ra nhận là tác giả, thủ tướng Anh yêu cầu xem xét lại chiến lược chống khủng bố.
Vẫn liên quan tới chủ đề trên, báo Libération chạy tựa trang nhất "Luân Đôn kháng cự các vụ khủng bố" và cho biết nước Anh, cho dù phải hứng chịu tang tóc từ nạn khủng bố, vẫn duy trì kỳ bầu cử Quốc hội vào thứ Năm 08/06.
Còn báo Le Monde, ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy đặt câu hỏi : "Khí hậu : Làm thế nào để sống sót trước Donald Trump ?"
Thùy Dương
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc đúng 42 năm, hai kẻ thù cũ là Washington và Hà Nội đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và bang giao giữa hai nước đã đặc biệt phát triển mạnh dười thời tổng thống Barack Obama, trong bối cảnh Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á và can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, nay đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. RFI phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Một xưởng may ở Hải Dương. Chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump có thể làm giảm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Reuters
Mặc dù gần đây Việt Nam đã có thái độ hòa dịu hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông (hai nước vào tháng Giêng năm 2017 đã đồng ý sẽ thảo luận với nhau về vấn đề này một cách chính thức hơn), nhưng Hà Nội vẫn cần đến sự hỗ trợ của Mỹ để bớt phụ thuộc Bắc Kinh về mặt kinh tế. Hiện giờ, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 đã đạt đến 38,5 tỷ đô la, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước mắt, quan hệ giữa Washington và Hà Nội có vẻ như vẫn tiến triển tốt. Tổng thống Donald Trump đã mời thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Ông Trump theo dự kiến cũng sẽ đến dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC ở Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Trong bức thư gởi cho chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 2/2017, tổng thống Mỹ đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế, mậu dịch cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thế nhưng, đang có nhiều quan ngại là chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump sẽ cản trở mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt. Ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mậu dịch mà nếu có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế Việt Nam. Theo một số ước tính độc lập, hiệp định TPP nếu được thực thì sẽ giúp tăng 11% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam, tương đương với gần 36 tỷ đôla và tăng xuất khẩu lên đến 28% trong thập kỷ tới.
Tổng thống Donald Trump cũng đã yêu cầu bộ Thương Mại điều tra về 16 đối tác thương mại của Mỹ bị xem là cạnh tranh không công bằng khiến Hoa Kỳ bị thâm hụt mậu dịch quá nhiều. Trong số 16 đối tác đó có cả Việt Nam.
Trong một bài viết đề ngày 10/04, trang Asia Times cho biết Hà Nội muốn được hưởng những ưu đãi thương mại của Mỹ, và đang hy vọng sẽ bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương để thay thế TPP. Tổng thống Trump đã nói rõ là ông muốn thương lượng với các đối tác thương mại trên cơ sở song phương hơn là đa phương. Đó là một trong những lý do chính khiến ông tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi TPP.
Asia Times cho biết là các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau vào cuối tháng 3 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương Mại và Đầu Tư, một cơ chế đối thoại mà nhiều người cho rằng có thể tạo ra một khuôn khổ sẵn sàng để đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương.
Tuy nhiên, trước một chính quyền Mỹ chủ trương bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ như chính quyền Trump, Việt Nam sẽ buộc phải đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, nhất là không phụ thuộc vào Trung Quốc. Sau đây xin mời quý vị nghe ý kiến của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
*****************
RFI : Thưa ông Lê Đăng Doanh, theo ông biết thì Việt Nam có đã dứt khoát không tham gia TPP, cho dù hiệp định này có được duy trì bởi các nước khác ngoài Hoa Kỳ ?
Lê Đăng Doanh : Cho đến nay, Việt Nam chưa tỏ thái độ là sẽ dứt khoát không tham gia TPP. Nhật Bản hiện nay đang cố gắng để có thể tiếp tục TPP mà không có Mỹ và tôi cũng không biết được là ông Donald Trump, với sự thay đổi hết sức bất ngờ của ông ấy trong rất nhiều việc, không biết có hy vọng mong manh rằng đến lúc nào đấy quay trở lại TPP hay không.
Ông ấy đầu tiên đã dọa đánh thuế 43% vào hàng Trung Quốc và đánh 20% vào Mexico. Nhưng bây giờ ông rất vui vẻ với Trung Quốc. Ông ấy cũng đã bác bỏ chính sách một nước Trung Quốc, nhưng bây giờ lại công nhận chính sách đó. Tôi cũng rất hy vọng là đến một lúc nào đó sẽ có một ông Donald Trump quay lại TPP, vì đây là một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đến 22% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu có TPP thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng một số ưu đãi. Và tôi hy vọng là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng lên và Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ.
RFI : Nhưng trước mắt, trong chiều hướng bảo hộ mậu dịch, chính quyền Trump dự định sẽ điều tra một số quốc gia bị xem là cạnh tranh không công bằng với Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn. Trong số các quốc gia bị điều tra thì có Việt Nam. Việt Nam có sẽ là một trong những nạn nhân của chính sách bảo hộ mậu dịch này ?
Lê Đăng Doanh : Ông Donald Trump đã giao cho bộ Thương Mại trong vòng 90 ngày phải điều tra 16 nước đang xuất siêu sang thị trường Mỹ. Trước đây ông cũng đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc là vô địch về thao túng tiền tệ, nhưng bây giờ ông lại không nói như thế nữa. Cho nên tôi không rõ là điều tra sẽ như thế nào.
Nhưng nếu sau khi có kết quả điều tra 16 nước đó, ông Trump có những biện pháp như đánh thuế và hạn chế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Hiện giờ Hoa Kỳ đã có một số rào cản kỹ thuật đối với thủy sản của Việt Nam như tôm và cá ba sa. Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất cao để có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Và có lẽ Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường để tránh quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
RFI : Đa dạng hóa thị trường, tức là Việt Nam sẽ phải nhắm đến những thị trường nào khác ?
Lê Đăng Doanh : Đó là thị trường Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cũng có thể là Trung Đông và Châu Phi. Đó là những nỗ lực mà Việt Nam phải tiếp tục để có thể mở rộng được thị trường.
RFI : Khi rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, tổng thống Trump có nói là ông sẵn sàng thương lượng về các hiệp định tự do thương mại song phương với từng nước. Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định riêng với Mỹ để có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này ?
Lê Đăng Doanh : Hiện nay Hoa Kỳ đã bắt đầu thăm dò hiệp định tự do thương mại song phương với Nhật Bản và với Trung Quốc. Tôi nghĩ là nếu không có TPP thì Việt Nam sẵn sàng thương lượng để có một hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, nâng cấp hiệp định song phương giữa Việt Nam với Mỹ đã được ký kết năm 2001.
Nhưng về mặt kinh tế học, việc ký kết quá nhiều hiệp định tự do thương mại song phương sẽ làm rối thương mại thế giới, bởi vì cứ hai nước ký hiệp định song phương với nhau thì lại chấp nhận một số điều kiện ưu đãi khác nhau. Nếu cứ tiếp tục như thế thì các quy chế thương mại trên thế giới sẽ trở nên rất phức tạp. Tôi hy vọng là tổ chức thương mại thế giới sẽ có một số gợi ý để tránh tình trạng quá lộn xộn.
RFI : Nếu không tham gia TPP, Việt Nam như vậy sẽ mất một cơ hội lớn để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ?
Lê Đăng Doanh : Vâng, nếu không có hiệp định TPP, Việt Nam sẽ mất một cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, đồng thời mất một sức ép từ bên ngoài để thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ. Có nguy cơ là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Đấy là những vấn đề mà Việt Nam cần có những biện pháp, những phương án để xử lý ngay trong thời gian tới.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 01/05/2017
Trump bảo hộ mậu dịch : Mỹ cũng bị hại
Courrier International tuần này dành hồ sơ quan trọng với tựa trang bìa cho nước Mỹ : "Toàn cầu hóa : Nước Mỹ rời cuộc chơi". Bên dưới tuần báo ghi nhận là chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump gây xáo trộn thương mại toàn cầu. Courrier International tự hỏi : Phải chăng đó là một mối đe dọa đối với Châu Âu và một cơ may đối với Trung Quốc ?
Donald Trump trong buổi lễ tuyên thệ của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, ngày 27/01/2017. REUTERS/Carlos Barria
Ở trang trong tạp chí nói rõ hơn : Với Trump, Hoa Kỳ chơi lá bài yêu nước trên bình diện kinh tế, để thế giới mỗi người tự lo liệu. Khúc quanh này là một mối đe dọa đối với Châu Âu nhưng có thể giúp Trung Quốc xuất khẩu mô hình của mình.
Nhưng trước khi trích dẫn những phân tích về tác động đối với các nước khác, Courrier International trong bài xã luận phân tích hệ quả đối với nước Mỹ.
Dưới tựa đề "Ảo tưởng bảo hộ", tạp chí nhìn thấy nước Mỹ, nước nhập khẩu hàng đầu thế giới và xuất khẩu thứ nhì toàn cầu, sẽ lãnh hậu quả đầu tiên, nếu ông Trump đi đến tận cùng trong dự tính của ông và trở lại truyền thống bảo hộ từ thời Chiến Tranh Nam Bắc đến thời giữa hai Thế Chiến (tức cuộc khủng hoảng đầu những năm 1930). Thời đó thì cũng "Nước Mỹ trước tiên" để bảo vệ mức sống người lao động Mỹ. Ngày nay thì Donald Trump cũng có lập luận tương tự, bảo vệ công việc làm người Mỹ trước mối đe dọa hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Theo Courrier International, đây là một lập luận mang tính dân túy và không thực tế. Tuần báo nhắc lại là ngay năm 1930, luật Hawley-Smoor quy định đánh thuế 59% trên hàng nhập đã đẩy mạnh xu thế bảo hộ mậu dịch, nhưng Hoa Kỳ đã thụt lùi trên thương trường quốc tế.
Đối với Courrier International, đây là một bài học cần nghiền ngẫm đối với một quốc gia sẽ mất mát nhiều với một chính sách co cụm. Tại một số thành phố miền Middle West rất lệ thuộc vào xuất khẩu, ví dụ như Colombus-Indiana, một thành phố rất ủng hộ Trump, mà kinh tế dựa hơn 50% vào xuất khẩu, người dân sẽ khám phá hậu quả của chính sách bảo hộ.
Courrier International còn trích dẫn tính toán của báo Anh The Economist, ước tính nếu đánh thuế 35% trên hàng nhập từ Mêhicô và 45% trên hàng nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, thì sức mua của người dân trung bình giảm sụt, và nêu lên con số 11.500 đô la mà mỗi gia đình Mỹ chịu thiệt trong 5 năm, có nghĩa là số 10% gia đình nghèo nhất phải trả một khoản thuế tiêu thụ cao đến 18%.
Ly dị với Mỹ rất khó
Về hệ quả đối với quốc tế, dưới tựa đề "Khó mà ly dị với Mỹ", Courrier International nhìn sang Châu Âu và thấy là Đức sẽ là nạn nhân đầu tiên. Trích dẫn tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, cho biết là các kinh tế gia đều trong tình trạng báo động, không loại trừ khả năng một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Hiện thời thì chỉ mới nói đến Mêhicô nhưng chính sách bảo hộ sẽ lan ra những nước có thặng dư thương mại với Mỹ và Đức là nước Châu Âu dễ kích động Trump nhất vì xuất sang Mỹ nhiều hơn là nhập từ Mỹ. Và nếu áp dụng chính sách bảo hộ thì Đức sẽ mất 1 triệu công việc làm trong các công ty xuất khẩu. Riêng ngành xe hơi xuất sang Hoa Kỳ sử dụng 200.000 người.
Nhiều người đang tự lên tinh thần : Thì đi tìm khách hàng khác ! Thế nhưng điều này không dễ.
Trung Quốc khéo lợi dụng thời cơ
Trung Quốc dĩ nhiên nằm trong tầm nhắm của ông Trump, nhưng thái độ co cụm của Mỹ đã bị Trung Quốc khai thác. Trích dẫn tờ Minh báo Hồng Kông, bài viết nhắc lại phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 17/01, đã lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế, ca ngợi tự do mậu dịch, gây hứng thú, nơi cử tọa vốn lo âu trước hướng đi của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không nêu đích danh tổng thống Mỹ, nhưng ông Tập Cận Bình cho là bảo hộ mậu dịch là tự khép mình trong phòng kín. Phải biết giữ lời hứa, phải tôn trọng luật chơi, không thể chấp nhận hay bãi bỏ tùy hứng. Ông còn hứa "Trung Quốc luôn mở cửa, không bao giờ khép lại".
Trung Quốc đã thông báo một số điều kiện cho các công ty nước ngoài vào Trung Quốc về vốn liếng hay vấn đề niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trung Quốc đã cố cho thấy mình sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của một cường quốc.
Trump quả là đã tạo điều kiện cho Tập Cận Bình trên trường quốc tế. Trước một Trump khó lường, một Châu Âu đón làn sóng tỵ nạn ồ ạt và nghèo đi, chủ nghĩa dân túy lan tràn, và đứng bên bờ tan rã, thì ông Tập Cận Bình đề nghị thế giới đi theo mô hình Trung Quốc.
Nhưng tờ Minh Báo cũng nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc là phải hiểu rằng nếu chỉ dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự, thì chưa đủ mà còn phải cho thấy làm cách nào nâng cao khả năng điều hành đất nước trên bình diện đổi mới định chế, tỏ sự bao dung đối với con người.
Pháp : Fillon là Tartuffe, một "ngụy quân tử" phương Tây ?
Ngoại trừ Courrier International – nhìn sang nước Mỹ hay Le Point – dành tựa trang bìa cho nhà văn "bất khuất" Kamel Daoud người Algeria - các tạp chí đều chú trọng đến ứng viên tổng thống cánh hữu Pháp, François Fillon, bị cuốn vào trong vụ tai tiếng tiền nong và việc làm giả.
Mỗi báo mỗi vẻ, đánh giá sự kiện và tìm hiểu những gì xẩy ra chung quanh và trong hậu trường, với câu hỏi là liệu cánh hữu có thể tìm được "kế hoạch B'' thay thế người được cử tri cánh hữu chọn hay không. Đa số có cái nhìn khá chỉ trích về ông Fillon.
Nổi bật nhất là tuần báo L’Obs, thiên tả, trên trang bìa gọi ông Fillon là "Tartuffe Fillon". Tartuffe là nhân vật biểu tượng của một kẻ ngụy quân tử đạo đức giả trong tác phẩm của nhà biên kịch cổ điển Pháp Molière. Tạp chí cũng nhắc lại ở trang trong là nhiều người, trong đó có cựu tổng thống Sarkozy, từng gọi ông Fillon là kẻ gian xảo.
L’Obs quả là không ưa thích ông Fillon, mô tả ông như là một người thích xa hoa, mặc những bộ quần áo đến hơn 8000 euro, mê xe hơi cho dù ông chỉ có một chiếc Toyota và một Peugeot mua cách đây 15 năm. Ông có một công ty cố vấn tài chính, môi trường, vấn đề là tên tuổi khách hàng của ông… rất khó tìm.
Đối với báo giới Pháp, một người như thế làm sao có thể kêu gọi người dân chịu khó chịu khổ. Mỗi khi ông nói hay làm điều gì chắc chắn sẽ bị chất vấn. Chẳng hạn như ông không thể giảm biên chế công chức, nói đến tinh thần liên đới mà không bị hỏi ngay là vợ của ông trong nhiều năm đã hưởng trợ cấp hậu hĩnh.
L’Express nói đến "những ngày nghiệt ngã", và nhân dịp này mở rộng chủ đề tìm hiểu những đặc quyền, đặc lợi đối với các nghị sĩ mà theo tạp chí "nên bỏ đi", nhất là khi họ luôn vắng mặt ở nghị trường.
Trong diễn các biến hiện nay, L’Express ghi nhận thái độ nghi kỵ của ứng viên Fillon đối với truyền thông, bị ông chỉ trích là đã bới móc.
Tạp chí đã đặt câu hỏi với chuyên gia về truyền thông Marcel Gauchet. Chuyên gia này công nhận là truyền thông từ vai trò đối trọng cần thiết trong một nền dân chủ, nay đã bị tố cáo là chống quyền lực, tức là cản trở việc thi hành quyền lực, vì muốn tìm hiểu những gì diễn ra ở hậu trường và những mục tiêu thực sự của các chính khách.
Theo ông Gauchet, trong hồ sơ Fillon, truyền thông cũng chỉ làm một nửa công việc của mình, và độc giả cũng như khán giả vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Người ta cũng muốn biết ai đứng sau vụ tiết lộ về Fillon.
Dân Hàn Quốc muốn chấm dứt chế độ "con vua vẫn làm vua"
Về Châu Á, Courrier International quan tâm đến Hàn Quốc, năm nay, 2017, mừng 30 năm dân chủ hóa, nhưng với cái nhìn không mấy lạc quan. Dưới tựa đề "Chấm dứt với chế độ tài phiệt gia đình trị", tạp chí ghi nhận : Người Hàn Quốc nhận thấy một cách phẫn nộ là nền dân chủ mà họ giành được qua đấu tranh đã dần dà biến thái thành một chế độ "quý tộc" gia đình trị.
Courrier trích bài viết trên của một nhà nghiên cứu Chung Sok-jun trên báo Pressian, Seoul, Hàn Quốc, phân tích là những cuộc biểu tình phản đối diễn ra ồ ạt từ tháng 11/2016, có mục tiêu chính là phế truất tổng thống Park Geun-hye, tập hợp những người từ mọi tầng lớp và không hẳn cùng quan điểm trên mọi vấn đề như lương tối thiếu hay lá chắn chống tên lửa. Và trên nguyên tắc, thì cuộc tập hợp này kết thúc lúc tòa Bảo Hiến thông qua việc phế truất tổng thống.
Nhưng theo tác giả bài viết, điều này không thể xẩy ra. Sự huy động đông đảo người có khi lên đến cả triệu, bắt nguồn từ việc người dân ý thức họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, lo ngại nền dân chủ mà họ giành được cách đây 30 năm, vào tháng 6/1987, tụt hậu và trở nên một chế độ quý tộc cha truyền con nối.
Dĩ nhiên Hàn Quốc không còn là chế độ độc tài của Park Chung Hee, cha của bà Park Geun-hye hay của Chun Doo-hwan, nhưng người xuống đường tức giận khi thấy đất nước trong tay một số gia đình.
Bài viết nêu ví dụ vụ xì căng đan lạm quyền của quân sư Choi Soon-sil nằm trong giới quyền thế, thân cận với bà Park Geun-hye từ đời cha, Choi Tae-min, rồi đến chị em, cháu và con của bà, Chung Yoo-ra mà qua những tiết lộ cho thấy đang chuẩn bị "nối nghiệp''. Dĩ nhiên bà Choi không phải trường hợp duy nhất, nhưng là điểm bị phơi ra ánh sáng một thực tế. Theo bài viết, những người như bà Choi nắm quyền lực rất lớn, người ta càng ủng hộ tổng thống Park, thì quyền lực bà Choi càng lớn.
Liếc nhìn sang lãnh vực kinh tế với các đại tập đoàn Chaebol, thì cũng là hiện tượng cha truyền con nối gia đình trị, như trong vụ Samsung, mà vụ tai tiếng về bà Choi đã rọi sáng.
Bài viết cho là ai cũng biết là các đại tập đoàn công nghiệp vốn như thế, và người ta đã đành chấp nhận. Nhưng một lần nữa chế độ này bị soi rọi với mối lo ngại là cả nước rơi vào tay ‘các người thừa kế’, thế hệ thứ 3, như Lee Jae-yong của Samsung dính vào vụ tai tiếng Choi, là cốt lõi của của nhóm quý tộc mà bà Park Geun-hye là biểu tượng.
Trong bối cảnh này, thế hệ giành được dân chủ, nay vào tuổi hơn 50, đã trở lại biểu tình ồ ạt thời gian qua.
Ngành dễ tìm việc ở Pháp : kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán
Trở lại với nước Pháp, tạp chí L’Obs tuần này dành nguyên một ‘hồ sơ đặc biệt về bằng cấp’ lược qua những lãnh vực bảo đảm tìm được việc làm : kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán. Nhưng hãy thận trọng với các ngành báo chí, in ấn và dịch thuật, việc làm khó khăn hơn nhiều.
Mai Vân