"Chú Sam" về hưu
Nước Mỹ trong những ngày qua luôn là tâm điểm thời sự. Le Monde quan tâm tới sự rút lui của Mỹ trên chính trường thế giới, với hình ảnh "chú Sam về hưu", nhưng không phải một cách nhẹ nhàng, thanh thản, có suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng như những người đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự rút lui của "chú Sam" cay đắng, lộn xộn, gay gắt. Và trong đó có cả sự báo thù.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Washington, ngày 04/06/2017. REUTERS/Mike Theiler
Thời gian càng trôi đi, chúng ta càng thấy rõ ràng là Donald Trump đã quyết triển khai chính sách nước Mỹ co cụm bên trong đường biên giới và không còn muốn chơi với các quốc gia khác. Trước đây, người ta thường nói tới "vai trò lãnh đạo của nước Mỹ". Nhưng giờ đây, theo Le Monde, nước Mỹ và vai trò lãnh đạo là hai khái niệm trái ngược. Nước Mỹ có quan điểm : "Những người bạn của bạn tôi không còn là bạn của tôi, mà tôi cũng chẳng cần có bạn". Khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết" thực chất là "nước Mỹ rút lui đầu tiên", thậm chí là "nước Mỹ đơn độc" như cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt từng nhận xét.
Ngày 01/06/2017, chỉ chưa đầy một tuần sau "hội nghị thượng đỉnh thảm hại" với lãnh đạo các nước thành viên G7 và NATO, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris. Le Monde gọi đó là "phát súng ân huệ" Donald Trump dành cho những người hy vọng là sự thực dụng của tổng thống Mỹ sẽ chiến thắng sự thay đổi tính khí đột ngột và những ảo ảnh của ông.
Le Monde nhận xét, giờ không còn thời gian cho các nước đối tác của Mỹ đặt câu hỏi mà phải thực tế : vì người Mỹ không cần chúng ta nữa, nên chúng ta phải làm khác đi. Việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bằng tiếng Anh sau khi Donald Trump thông báo rút lui khỏi Hiệp Định COP21 thể hiện rõ điều đó : Cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại, ngay cả khi Hoa Kỳ đã rút lui.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ rút lui về mặt ngoại giao mà còn rút lui về mặt tinh thần. Bài diễn văn của ông Trump có nhiều điều không đúng sự thật tới mức Bộ Ngoại giao Pháp đã phải tung ra một đoạn băng vidéo "đính chính" những thông tin sai lệch của tổng thống Mỹ. Bản thân Donald Trump cũng ý thức được là các nước đang nhạo báng ông.
Ông Trum thú nhận trong cơn tức giận : "Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo và các nước khác chế nhạo chúng tôi. Họ không được làm thế nữa. Họ không được làm thế nữa". Theo Le Monde, uy tín về mặt tinh thần của lãnh đạo Hoa Kỳ đã "bốc hơi". Chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Donald Tusk đã lên lớp Trump về "các giá trị". Đó là từ mà Doanld Trump chưa bao giờ thốt lên.
Chú Sam rời chính trường, liệu Trung Quốc có sẵn sàng thế chân Mỹ ? Theo Le Monde, Đối thoại Shangri-La về an ninh Châu Á diễn ra tại Singapore hôm thứ Bảy 03/06 cho thấy kịch bản đó sẽ không sớm thành hiện thực. Vì trong khi Châu Âu đang rất giận dữ, thì Châu Á lại hoàn toàn lúng túng.
Thủ tướng Úc Turnbull đã cảnh báo Bắc Kinh về các mưu đồ bá chủ trong khu vực và kêu gọi Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại Châu Á. Chủ trương duy trì "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp" cũng mang hàm ý là ngay cả khi Donald Trump - lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới có vẻ không quan tâm, thì vẫn cần gìn giữ mạng lưới quan hệ giữa các quốc gia.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis đã trấn an các quốc gia tham gia Đối thoại Shangri-La khi nói về "cam kết bền vững của Hoa Kỳ", như ông đã từng làm cách đây 4 tháng tại hội nghị an ninh tại Munich. Nhưng điều đó có hiệu quả hay không ?
Chắc chắn là không. Cụm từ "vai trò lãnh đạo của Mỹ" từ nay sẽ vắng bóng. Nói cách khác, quá khứ đã xa rồi ! Mặc dù tướng James Mattis rất có uy tín, nhưng ông cũng không thể cứu vãn uy tín cho Donald Trump, vị tổng thống đã chỉ định ông vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Úc, bà Marise Payne, khi trả lời phỏng vấn về mối quan hệ Úc-Mỹ, chỉ nói rằng quan hệ hai nước tốt hơn con người ông chủ Nhà Trắng. Còn Bộ trưởng quốc phòng Pháp Sylvie Goulard cho rằng rất may mắn vì Mỹ là một nước rất dân chủ : bên cạnh Nhà nước Pháp quyền còn có nhiều thế lực khác. Và những thế lực đó là sẽ thắng. Họ chính là đồng minh của các quốc gia khác trên thế giới.
Một cách tự nhiên hay có ý thức, các đồng minh truyền thống của Washington, dù ở Châu Âu hay ở Châu Á, dường như đều thực hiện chiến lược "ngăn chặn" Donald Trump, với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức dân sự, doanh nghiệp, thành phố… nhằm làm cân bằng trở lại những quyết định của "cá nhân" Donald Trump. Phản ứng của các tổ chức, cá nhân sau khi Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu là một ví dụ điển hình. Và như thế, Le Monde kết luận, việc "bác Sam về hưu" có thể sẽ "rối tung, rối mù".
Trump rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris : những thay đổi tài chính tức thời
Vẫn liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris, Le Monde giới thiệu "những thay đổi tài chính tức thời" kèm theo nhận định "nước Mỹ phải đối mặt với những thủ tục phức tạp và bất ổn hơn nhiều so với những gì Donald Trump đã phát biểu" hôm thứ Năm 01/06 từ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ liên hệ việc rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21 với việc ngưng ngay lập tức cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ một ngày sau, cựu thị trưởng New York, tỉ phú Micheal Bloomberg đã đề xuất là Quỹ của ông sẽ đóng góp 15 triệu đô la để bù đắp khoản tiền mà lẽ ra Mỹ phải đóng góp cho Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đối với Donald Trump, bớt chi tiền chống biến đổi khí hậu toàn cầu có nghĩa là có thêm nhiều tiền để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và hỗ trợ các gia đình Mỹ. Tổng thống Mỹ giải thích là việc tham gia hiệp định COP21 sẽ khiến nhiều công nhân, nhất là trong lĩnh vực khai thác than, mất việc. Tuy nhiên, việc rút lui khỏi Hiệp Định không nhất thiết đồng nghĩa với việc ngành than - vốn ít khả năng cạnh tranh với lĩnh vực năng lượng tái tạo - có thể được khôi phục.
Năm 2015, lĩnh vực năng lượng tái tạo sử dụng tới gần 770.000 lao động, trong khi chỉ có 50.000 nhân công trong ngành than. Trong một thông cáo ngày 01/06, hiệp hội than Hoa Kỳ còn lo ngại quyết định của Donald Trump sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với công nghệ sản xuất "than sạch", hiện đang phát triển mạnh trên thế giới.
Rút lui khỏi hiệp định khí hậu, Hoa Kỳ mất vị thế đầu tầu mà nước này đảm đương cùng Trung Quốc từ nhiều năm nay. Không cần chờ đợi lâu, ngay ngày 02/06, tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, hai bên đã cam kết giảm năng lượng hóa thạch và đóng góp 100 tỉ đô la, từ nay tới năm 2020, để hỗ trợ các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Pháp và nhất là Đức, nước chủ nhà thượng đỉnh G20 vào tháng 07 và COP23 vào tháng 11/2017 cũng sẽ chú ý phát huy tính năng động.
Thương mại thế giới phát triển
Trên lĩnh vực kinh tế, Le Figaro cho biết "Thương mại toàn cầu phát triển kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng". Sau Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, giờ tới lượt Ngân Hàng Thế Giới phải xem xét lại mức tăng trưởng kinh tế thế giới. Le Figaro nêu lên một nghịch lý là chính vào thời điểm các mối đe dọa từ chính sách bảo hộ mậu dịch tăng cao thì trao đổi thương mại thế giới lại có dấu hiệu phục hồi, kéo theo sự phát triển kinh tế.
Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới, trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới năm nay sẽ tăng 4%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó là do đầu tư vào sản xuất tăng tại các nước phát triển, cũng như tại các nước sản xuất dầu lửa. Tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới sẽ tăng 3% vào năm tới.
Moskva : Taxi gọi qua Internet bùng nổ
Ở Moskva, taxi gọi qua mạng hiện chiếm 60% thị trường dịch vụ taxi. Những chiếc xe Volga cũ đã biến mất, taxi "dù" cũng không còn. Giờ đây, khách hàng chỉ cần một cú nhấp chuột là sẽ có một chiếc taxi tới đón. Từ năm 2002 tới giờ, số xe taxi ở thủ đô Nga đã tăng gấp 10 lần, khiến việc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.
Trong bài viết "Taxi blue ở Nga", Le Monde cho biết tại Moskva, thủ tục cấp giấy phép hành nghề lái taxi rất đơn giản, chi phí cũng không cao. Trong thành phố, hiện có gần 48.000 người có bằng và đang hành nghề, con số này là hơn 112.000 người ở vùng phụ cận.
Có rất nhiều hãng taxi, họ cung cấp xe và lái xe nhưng sử dụng các ứng dụng do Yandex (tương tự như công cụ tìm kiếm Google ở Nga), Gett Taxi và Uber cung cấp. Xung đột giữa các hãng taxi truyền thống với các hãng taxi gọi qua Internet không bùng nổ như ở Pháp hay Tây Ban Nha.
Yandex tung ra dịch vụ taxi vào năm 2011, với phương châm xe nào đến trước thì được đón khách, hoạt động tại hàng trăm thành phố và chiếm 30-40% thị trường tại Nga. Gett Taxi tham gia thị trường năm 2013 và Uber bắt đầu hoạt động năm 2014. Việc cạnh tranh đã đẩy giá xuống thấp.
Từ tháng 04/2017, các hãng không tính tiền theo đồng hồ đo lộ trình. Khách hàng nhận được thông báo về giá cả trên điện thoại thông minh, không căn cứ vào độ dài đoạn đường mà theo 3 tiêu chí : số lượng xe có thể đón khách vào thời điểm khách gọi dịch vụ, khả năng lưu thông của xe trên đường phố và số điểm khách đã tích lũy sau mỗi lần sử dụng dịch vụ. Và tới ngày 30/05, một dịch vụ mới ra đời : taxi không người lái.
Trang nhất các báo Pháp
Về trang nhất các báo Pháp, Le Figaro chạy tít : "Luân Đôn : Theresa May muốn diệt trừ Hồi giáo cực đoan". Một ngày sau vụ tấn công khủng bố mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh đứng ra nhận là tác giả, thủ tướng Anh yêu cầu xem xét lại chiến lược chống khủng bố.
Vẫn liên quan tới chủ đề trên, báo Libération chạy tựa trang nhất "Luân Đôn kháng cự các vụ khủng bố" và cho biết nước Anh, cho dù phải hứng chịu tang tóc từ nạn khủng bố, vẫn duy trì kỳ bầu cử Quốc hội vào thứ Năm 08/06.
Còn báo Le Monde, ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy đặt câu hỏi : "Khí hậu : Làm thế nào để sống sót trước Donald Trump ?"
Thùy Dương