Một trong những công trình kiến trúc từ thời Pháp ở Sài Gòn suýt nữa đã bị khai tử là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vì phá bỏ tòa nhà này, chính quyền thành phố Sài Gòn cuối cùng đã quyết định bảo tồn và đang kêu gọi sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài.
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. Phúc Tiến
Dinh Thượng Thơ, nằm tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, là công trình có lịch sử lâu đời của Sài Gòn, nhưng tòa nhà này lại chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa.
Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864, với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân thời đó gọi tòa nhà này là Dinh Thượng Thơ.
Năm ngoái, hàng ngàn người đã ký tên vào kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố không phá bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thơ khi nâng cấp trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, chính quyền thành phố đã quyết định không phá bỏ Dinh Thượng Thơ và vào tháng 9/2019, Sở Quy hoạch và kiến trúc đã đề nghị mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giải pháp kỹ thuật trong việc bảo tồn công trình kiến trúc này.
Theo báo chí trong nước ngày 11/12/2019, chính quyền địa phương vừa quyết định tòa nhà Dinh Thượng Thơ sẽ được tu sửa thành nhà truyền thống Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời RFI Việt ngữ tại Thư viện François Mitterrand, Paris, nhân dịp ghé qua Pháp giữa tháng 9 vừa qua, ông Phúc Tiến, nhà nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn, tác giả hai cuốn sách "Saigon – Hai đầu thế kỷ" (xuất bản năm 2017) và "Sài Gòn không phải ngày hôm qua" (xuất bản năm 2016), nêu suy nghĩ của ông về đề xuất nói trên của Sở Quy hoạch và kiến trúc :
"Đây là một đề xuất rất tốt. Cho đến nay, việc trùng tu di sản, các đền chùa, các công trình theo kiến trúc cổ truyền của Việt Nam thông thường là do các chuyên gia Việt Nam làm. Còn các công trình mang dấu ấn của phương Tây, đặc biệt là của Pháp, thì chúng ta phải có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây 20 năm, khi diễn ra thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội, nước Pháp, lúc đó dưới thời tổng thống Jacques Chirac, đã tài trợ cho việc trùng tu Nhà hát lớn, một "báu vật" của Hà Nội cũng như của Việt Nam, một tòa nhà rất đẹp. Kiến trúc sư thực hiện việc trùng tu này là Hồ Thiệu Trị, một Việt kiều ở Pháp.
Mỹ Sơn, nơi đã được xếp là di sản của thế giới, với kiến trúc Champa, thì cũng đã có các chuyên gia Ba Lan đóng góp ngay từ đầu. Cũng như là Huế và Hội An, ngoài các chuyên gia Việt Nam, đều có các chuyên gia của UNESCO và của các nước khác giúp sức. Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc trùng tu các tòa nhà phương Tây là rất cần thiết".
Như vậy thì trong việc bảo tồn những công trình như Dinh Thượng Thư, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Pháp, có thể giúp được gì cho chính quyền của thành phố Sài Gòn ? Về điểm này, nhà nghiên cứu Phúc Tiến nêu ý kiến :
"Điều đầu tiên, nhiều tòa nhà ở thành phố này là do Pháp thiết kế và xây dựng trước đây, hồ sơ xây dựng chắc là còn được lưu trữ ở Pháp. Kế đến, những tòa nhà này có kiểu kiến trúc đồng dạng với những tòa nhà ở chính quốc hoặc ở các thuộc địa Pháp, đặc biệt là các xứ nhiệt đới. Để trùng tu một tòa nhà trở lại bản gốc của nó, cũng như hiểu được công năng của nó, thì nên tìm đến những tác giả đầu tiên của nó.
Về việc trùng tu thì ở Việt Nam cũng đang có sự tranh luận. Cũng có nhiều lo âu là trùng tu, làm mới thế nào mà bây giờ nó không còn đẹp như ngày xưa, thậm chí sơn son, thếp vàng, làm cho nó ngược lại với nguyên bản hoặc làm cho nó kệch cỡm… Cho nên cần có những kinh nghiệm.
Ngoài ra, trùng tu ở đây không có nghĩa chỉ là sơn phết hay khôi phục dáng vẻ cũ của nó, mà còn phải nghĩ đến việc trang trí nội thất, sử dụng lại chức năng của tòa nhà, bổ sung những chức năng mới. Chứ nếu chỉ trùng tu để lại làm trụ sở hành chính thì rất là uổng. Mời chuyên gia đến là để có thêm ý kiến làm cho phong phú hơn và tôi nghĩ là nước Pháp có nhiều kinh nghiệm.
Ở Paris tuần này, tôi đã có dự Ngày di sản Châu Âu, đến Tòa Thị Chính của Paris. Tôi thấy Tòa Thị Chính không mang ý nghĩa chỉ là dinh thự hành chính, mà là một dinh thự văn hóa, từ phòng tiếp tân, từng cái sảnh, từng pho tượng của tòa nhà này.
Nếu phía Pháp có thể chuyển giao các tài liệu, kinh nghiệm, cũng như công nghệ để trùng tu thì rất là tốt. Nếu Việt Nam tổ chức đầu thầu, mời gọi thì sẽ nhiều chuyên gia Châu Âu khác đến, chứ không chỉ có Pháp".
Là một trong những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc, nước Ý cũng rất quan tâm đến mối tương quan giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại thành phố Sài Gòn. Đây cũng là chủ đề của cuộc hội thảo do tổng lãnh sự Ý tổ chức trong hai ngày 10 và 11/09 tại Sài Gòn. Cụ thể, hội thảo tập trung vào vấn đề kỹ thuật kiến trúc và kinh doanh bảo tồn di sản, nhằm trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và trong nước.
Là một trong những người trình bày tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu Phúc Tiến trình bày những vấn đề cụ thể được nêu lên tại hội nghị này :
"Đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo do một cơ quan ngoại giao của một nước Châu Âu đứng ra tổ chức. Ban tổ chức người Ý bao gồm tổng lãnh sự Ý và công ty SCE, một tập đoàn lớn về thiết kế, quy hoạch ở Milan, và nhiều công ty Ý khác.
Bản thân công ty SCE có một sáng kiến rất là hay : Trước cuộc hội thảo đó, họ đã cùng với tòa tổng lãnh sự Ý tổ chức cho sinh viên của hai trường Đại học Kiến trúc và Đại học Văn Lang, ngành kiến trúc, chia ra làm nhiều đội tham gia cuộc thi "Thiết kế khu phố di sản trong thành phố thông minh".
Chúng tôi rất là mừng khi thấy các em sinh viên đã rất phấn khởi, và đã đưa ra những đề xuất rất là hay. Ví dụ như đề án tạo một dải lụa là một cây cầu cho người đi bộ, bắc từ bên phía bờ Thủ Thiêm sang đến đối diện công trường Mê Linh, chỗ tượng Trần Hưng Đạo, sau đó đi theo con đường Mạc Thị Bưởi đến đường Nguyễn Huệ, tạo ra một con đường như là dải lụa đào trên không.
Các bạn còn đề xuất là biến đường Nguyễn Huệ, hiện giờ là phố đi bộ vào cuối tuần, khôi phục lại dòng kênh ở đây. Thời xưa, trước khi Pháp vào, đại lộ Nguyễn Huệ là Kênh Chợ Vải. Các bạn đề nghị khơi lại dòng kênh đó, để trở lại con kênh lịch sử, tạo ra một cảnh quan ngoạn mục, một con kênh uốn lượn ngay giữa lòng thành phố. Như thế nó sẽ làm gia tăng giá trị của những công trình dọc theo con đường đó".
Theo lời ông Phúc Tiến, hiện là giám đốc công ty Hợp Điểm, các ý kiến tại hội thảo còn nêu bật một điều : di sản không phải là một thứ để trang trí, mà có thể sinh lợi, hay nói cách khác phải làm phát triển cái gọi là kinh tế di sản, một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam :
"Việc trùng tu di sản thì không nên chỉ được nhìn ở góc độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ, nhưng điều rất quan trọng là hãy nhìn nó ở góc độ kinh tế di sản. Đó là ngành kinh tế liên kết rất nhiều ngành. Nếu người ta nhìn di sản như là một nguồn tài nguyên, không những làm giàu về văn hóa, mà còn làm giàu về kinh tế, thì cách đối xử với di sản sẽ thay đổi rất là lớn.
Ví dụ, họ có đề cập đến trường hợp Roma, Milan, Florence, nơi mà những công trình kiến trúc tiêu biểu của nước Ý từ mười mấy thế kỷ vẫn được giữ gìn tốt, đem lại không những nguồn lợi về du lịch, mà còn là nguồn lợi kích thích các ngành như là xây dựng, kiến trúc, thiết kế, nội thất, kể cả đào tạo. Không chỉ có nhà nước, mà những tổ chức NGO (phi chính phủ), cũng như các doanh nghiệp đều có trách nhiệm làm việc đó.
Thứ hai, khi mọi người đã nhất trí đây là công trình có giá trị di sản rồi, thì cần có những cuộc thi, đấu thầu những dự án, biến nó thành những dự án kinh doanh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là (đấu thầu) phải minh bạch.
Trong cách làm của người Ý, nếu muốn có được nguồn vốn để trùng tu các di sản, thì phải có một cuộc vận động. Thí dụ công ty SCE đang lập một dự án trùng tu Dinh Gia Long, hiện giờ là Viện Bảo tàng Thành phố, không chỉ trùng tu dinh này, mà còn mở rộng toàn bộ khu này thành một khu phố di sản.
Chúng ta có Tòa án, một tòa nhà rất đẹp, được trùng tu gần xong rồi. Dọc con đường Lý Tự Trọng có thư viện, đi lên nữa là Dinh Thượng Thơ. Đường Lý Tự Trọng thì chạy song song với đường Lê Thánh Tôn. Khu đó có thể trở thành một khu phố đi bộ, có hai công viên : Bạch Tùng Dương và Chi Lăng, rồi lại nối kết với khu chợ Bến Thành và đường Đồng Khởi (Catinat), đường Nguyễn Huệ.
Bản thân khu đất chung quanh Dinh Gia Long nếu trở thành một khu phố đi bộ, một khu phố di sản, thì người ta sẽ khống chế, không cho xây các nhà cao tầng, phá tan cảnh quan vốn dĩ rất đẹp của nó. Nếu có sự đồng thuận, dự án này sẽ đem lại một nguồn lợi rất lớn, không chỉ về văn hóa, về kinh tế, mà còn thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo.
Ví dụ các bạn tham gia cuộc thi có đề nghị công viên Bạch Tùng Diệp sẽ là không gian co-working về sáng tạo, nơi mà các bạn trẻ khởi nghiệp có thể đến đó cùng làm việc với những trang thiết bị hiện đại, rồi từ đó ra những ý tưởng mới. Cũng như viện bảo tàng không chỉ là một viện bảo tàng, mà ở đó cũng sẽ có gallery, quán cà phê, tiệm sách, không gian để nói chuyện. Người ta có thể đi bộ từ thư viện, qua tòa án, rồi đến Dinh Thượng Thơ để thưởng ngoạn một lịch sử.
Chính người Pháp ngay từ những năm 1860 đã thiết kế khu đó là khu hành chánh. Bây giờ nếu khu hành chánh đó trở thành khu di sản thì rất là hay. Con đường Lý Tự Trọng vào thời Pháp có tên là De La Grandière, tên một đề đốc người Pháp, nhưng trước đó nó có tên là đường Chính Phủ. Như vậy, con đường đó không phải là con đường thương mại, bây giờ nếu được chuyển thành con đường di sản, kết hợp lịch sử văn hóa, hành chánh, thương mại và sáng tạo, thì rất là tuyệt vời.
Tất nhiên, những ý tưởng cụ thể này rất cần sự tham gia của nhiều người. Tôi cho rằng, nếu có một cuộc đấu thầu, những công ty thắng thầu phải là những công ty có kinh nghiệm và có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất, đồng thời phải biết huy động được nguồn vốn. Những công ty địa ốc sẽ sẵn sàng nhảy vào trong cuộc chơi này, bởi vì họ biết là sẽ có những cơ hội kinh doanh. Nhưng không thể chỉ nhìn đến kinh doanh đơn thuần, mà phải tính đến lợi ích chung của xã hội".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 16/12/2019
Sau một thời gian tưởng bị xóa sổ, Dinh Thượng Thơ, một trong những di sản kiến trúc tiêu biểu của thành phố Sài Gòn, có thể thoát nguy cơ bị khai tử. Sau những lời kêu gọi khẩn thiết của giới chuyên gia trong và ngoài nước, cuối cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 07/2018 đã quyết định giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực "để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình này, trình báo cáo và đề xuất cho UBND trước ngày 15/8/2018".
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh do tác giả Phúc Tiến tặng RFI)
Nằm tại số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn, Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở Sài Gòn, do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa. Được hoàn tất vào năm 1864, tòa nhà này vào thời Pháp thuộc là Nha Giám đốc Nội vụ, tức là điều hành trực tiếp toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Nếu tính từ khi mới được xây dựng lần đầu, công trình kiến trúc này đã gần 160 tuổi. Sau năm 1975, Dinh Thượng Thơ trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 04/2017, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có cả đề xuất phá bỏ toàn bộ Dinh Thượng Thơ để xây một tòa nhà mới. Khi được hỏi vì sao tòa nhà có lịch sử thuộc loại lâu đời nhất ở Sài Gòn không được bảo tồn, cơ quan chức năng của thành phố lúc đó giải thích rất đơn giản : "Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn".
Nguy cơ Dinh Thượng Thơ bị xóa sổ đã khiến nhiều chuyên gia nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung rất lo ngại. Nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp, tại Úc đã là một trong những người khởi xướng bản kiến nghị yêu cầu bảo tồn tòa nhà cổ này.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, không chỉ có kiến trúc độc đáo, Dinh Thượng Thơ còn mang nhiều giá trị lịch sử :
"Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc xưa nhất của Sài Gòn, thời Pháp thuộc là nơi đầu não hành chính của Cochinchine (Nam Kỳ), thuộc địa của Pháp, cho nên những luật của Pháp cũng được áp dụng ở Nam Kỳ.
Dinh Thượng Thơ không chỉ là nơi áp dụng những luật, những nghị định của thống đốc và những nghị quyết của hội đồng quản hạt (conseil colonial), mà còn áp dụng những luật ở Pháp, như luật báo chí, luật thi cử.
Dinh Thượng Thơ được xây khoảng chừng năm 1882, nhưng trước đó đã có một vài cơ sở không hoàn thiện. Tòa nhà này trước đó là Hôtel des Directeurs intérieurs, sau này là Bureaux du Secrétariat du gourvernement.
Bureaux du Secrétariat du gourvernement
Đây cũng là nơi ra những công báo, mà công báo đầu tiên là tờ báo quốc ngữ Gia Định Báo. Tòa soạn của Gia Định Báo lúc đó cũng nằm ở Dinh Thượng Thơ. Ông Trương Vĩnh Ký cũng đã làm việc ở đó. Cho nên, Dinh Thượng Thơ không chỉ là một tòa nhà có kiến trúc xưa, mà còn là nơi có nhiều biến cố lịch sử, nhiều chuyện về văn học và xã hội.
Vào năm 1889 ở Pháp, kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp, có Triển lãm Toàn cầu. Thống đốc Nam Kỳ đã kêu Dinh Thượng Thơ xuất tiền để gởi những đoàn hát bội, đờn ca tài tử qua Paris trình diễn, đóng góp vào lễ lỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp.
Dinh Thượng Thơ cũng đã gởi những ông như Nguyễn Trọng Quảng và ông Trương Minh Ký đi qua Pháp học. Ông Nguyễn Trọng Quảng là người xuất bản cuốn sách quốc ngữ đầu tiên "Thầy Lazaro Phiền". Vì là đầu não hành chính của Pháp, cho nên Dinh Thượng Thơ có liên hệ rất nhiều với những nhân vật lịch sử của Việt Nam".
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, dù hiện giờ Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di sản cần bảo tồn, nhưng chính quyền thành phố không thể làm gì mà không có sự đồng thuận của người dân :
"Hiện nay có rất nhiều người lên tiếng. Việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di sản không có nghĩa là người ta có quyền phá. Làm gì thì cũng phải thông qua Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố. Ngay cả Tòa thị sảnh, tức Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện, Nhà hát Thành phố đều không nằm trong danh sách văn hóa cũng không có nghĩa là những di sản này sẽ bị đập phá nếu họ muốn, vì rất nhiều người dân Sài Gòn sẽ phản đối.
Ủy ban Nhân dân cũng không nghĩ là họ có thể làm tất cả những chuyện mà không có sự đồng thuận của người dân. Cho nên, tôi nghĩ là sau kiến nghị vừa rồi và sau phản ứng của báo chí, dư luận về Dinh Thượng Thơ mà họ định phá đi để xây một tòa nhà hành chính mới cho thấy là có một số người thấy rằng muốn phá đi di sản mà không có bàn thảo với nhân dân thì sẽ không đi đến đâu. Họ sẽ không phá mà không có sự đồng thuận của dư luận".
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, việc bảo tồn một tòa nhà như Dinh Thượng Thơ không tốn kém là bao, hơn nữa có thể biến công trình kiến trúc này thành một điểm tham quan cho du khách đến Sài Gòn :
"Chi phí bảo tồn Dinh Thượng Thơ không là bao. Ngay cả những cơ sở lớn như UBND Thành phố hoặc Bưu điện, thì sự bảo tồn cũng không tốn nhiều về ngân sách. Thật sự thì nếu mà muốn, Dinh Thượng Thơ có thể trở thành một địa điểm, thí dụ một tuần mở cửa một ngày cho du khách đến xem.
Ngay cả UBND Thành phố, tức Tòa Thị Sảnh hồi xưa, cũng có thể mở cho khách vào tham quan và như vậy sẽ có thể huy động rất nhiều cho danh tiếng của thành phố, mà còn được một danh sách dồi dào để tu sửa dễ dàng.
Hiện nay, du khách đến thành phố thì chỉ đến một vài nơi, nên họ không thấy hài lòng lắm. Di sản của thành phố này có rất nhiều, nhưng nằm trong tay công quyền, khó có thể đi vào. Tôi nghĩ là những nơi như Dinh Thượng Thơ có thể nâng cao danh tiếng của thành phố, thu hút được rất nhiều du khách, thu được nhiều lợi nhuận để tu sửa dễ dàng các di sản kiến trúc".
Không chỉ dư luận trong nước, mà quốc tế cũng đang rất quan tâm, lo lắng cho số phận của Dinh Thượng Thơ. Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, đã gửi một lá thư đề ngày 16/06/2018 cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà này.
Trong thư đại sứ Angelet nhắc lại Dinh Thượng Thơ là "cột mốc lâu đời thứ hai và là một phần di sản văn hóa của thành phố". Trưởng Phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh "năm 2018 là Năm Di sản Văn hóa của Liên Hiệp Châu Âu, nên chúng tôi cũng ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa ở Việt Nam".
Vì vậy, đại sứ Angelet "khẩn thiết" kêu gọi chính quyền thành phố Sài Gòn xem xét lại kế hoạch phá dỡ tòa nhà và công nhận các di sản là "những đóng góp không thể thay thế của môi trường lịch sử", là đặc điểm của Sài Gòn.
Nếu chính quyền của thành phố Sài Gòn đi đến quyết định giữ lại tòa nhà Dinh Thượng Thơ, đây sẽ là một chuyển biến nhận thức đáng chú ý, vì trong quá trình đô thị hóa, các chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã không chú trọng đến việc bảo tồn những di sản quý báu, tiêu biểu của Sài Gòn, một thành phố mang đậm nét kiến trúc Pháp. Nhiều công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn đã phá bỏ để xây mới trong sự tiếc nuối của người dân thành phố như tòa nhà Thương xá Tax, mà công trình nguyên thủy đã được xây từ năm 1880, bị đập bỏ vào năm 2016 để xây trên đó một tòa nhà cao tầng hiện đại.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 06/08/2018
43 năm trôi qua, đây là khoảng thời gian đủ cho hai thế hệ trưởng thành, nhìn về phía trước mà tiến bước và không quên tri ân những gì của quá khứ. Nhưng 43 năm tại Việt Nam sau khi sáp nhập hai miền Nam - Bắc dưới thể chế chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa, dường như câu chuyện xã hội Việt Nam không có dấu hiệu tiến triển nào. Dịp 30 tháng 4 hằng năm, nhà nước Việt Nam tổ chức ăn mừng đại thắng, đây cũng là dịp mà những ai còn suy tư về thân phận con người, về quốc gia, dân tộc ngồi chiêm nghiệm một lần nữa về dân tộc và số phận dân tộc.
Nụ cười của học sinh miền núi - RFA
Nghệ sĩ, thạch ảnh gia Lê Nguyên Vỹ, ông cũng là nhà giáo dạy Ngữ Văn trước 30 tháng 4 năm 1975, chia sẻ :"Thực ra là sau khi chấm dứt chiến tranh thì phải nói rằng người cộng sản được ít nhất hơn một nửa đất nước ủng hộ, bởi người ta nghĩ rằng cuộc cách mạng sẽ mang lại điều gì đó tốt đẹp cho đất nước nhưng theo thời gian người ta thấy là cuộc cách mạng này đi vào vô vọng, chẳng đem lại lợi ích gì cả. Càng ngày thì nó đẩy đất nước này vào lụi tàn trước những hiểm họa từ bên ngoài cũng như sự tha hóa của guồng máy hành chính nhà nước, cho tới sinh hoạt xã hội… Tất cả như một sự tan vỡ giềng mối của gắn kết xã hội".
Về vấn đề nên hay không nên ăn mừng ngày gọi là đại thắng 30 tháng 4 thuộc về lương tri và vốn liếng nhân văn của mỗi chế độ chính trị. Nếu chế độ chính trị có vốn liếng nhân văn và tầm nhìn rộng, họ sẽ không giới hạn giá trị thắng - thua trong địa hạt phe nhóm hay trục tư tưởng chính trị mà đặt nó trên bình diện dân tộc.
Và nếu đặt vấn đề mùa xuân 1975 trên bình diện dân tộc thì hầu như không có bất cứ lý do gì để ăn mừng. Bởi sự ăn mừng của bên thắng cuộc chỉ làm cho bên thua cuộc bị tổn thương, xoáy sâu vào vết thương lịch sử. Và hơn hết, điều đó gieo rắc vào thế hệ sau sự phân biệt bên ta - bên thù trong lúc cả tương lai dân tộc đang ngồi chung dưới một mái trường. Và sự ăn mừng vô hình trung làm tổn thương quá khứ cũng như làm méo mó nguyện vọng hòa giải, hòa hợp dân tộc trong tương lai.
Ông Vỹ chia sẻ thêm :"Người ta ngồi người ta nhìn lại, hàng triệu người bỏ mạng trong cuộc cách mạng đó, giờ kỷ niệm làm cho lớn lên thì họ ca ngợi điều gì, sự lụi tàn ư ? Thành ra điều đó rất nghịch, ngay cả đời sống người miền Bắc đời sống họ tốt hơn hồi xưa nhiều nhưng người ta vẫn thấy có gì đó không ổn, nhất là người có học. Tốt nhất là nhà cầm quyền nên làm nhỏ thôi, không nên làm lớn vì như thế làm thương tổn cho cả hai bên cầm súng, kể cả người cộng sản bởi người ta cảm thấy bị thương tổn bởi xương máu của họ, của đồng đội của họ ngã xuống đều không đem lại lợi ích gì cả".
Có một thực tế là tại Việt Nam, chưa bao giờ có một cuộc hòa giải dân tộc thực sự cho cả người sống và người đã chết trong chiến tranh. Bởi nếu như có điều đó, thì thay vì reo hò, ăn mừng chiến thắng, người ta sẽ cùng nhau thắp lên nén nhang cầu nguyện cho các linh hồn tử trận được bình an, được siêu thoát. Hành động ấy như một cách an ủi, vỗ về người đã khuất và người còn sống mang đầy mất mát. Rất tiếc, chúng ta chưa đủ nhân văn để làm điều ấy !
Nhà thơ, nghệ sĩ Mai Văn Phấn, người có tuổi thơ và tuổi trẻ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chia sẻ :"Khác lắm tại vì tất cả mọi bài giảng trong đó đều là căm thù đế quốc thôi, hạn chế bài về thiên nhiên, tất cả một mực là căm thù đế quốc thôi, tất cả phải đánh thắng giặc xâm lược thôi, chủ yếu là thế".
Trong một chừng mực nào đó, những chia sẻ của nhà thơ Mai Văn Phấn có cả những giọt nước mắt của thế hệ. Bởi ông luôn nuôi hi vọng nền giáo dục Việt Nam sẽ tốt hơn và giảm đi những áp lực không đáng có. Bởi cùng là mái trường xã hội chủ nghĩa, thời trước 1975, các chương trình giáo dục miền Bắc hầu hết là tuyên truyền căm thù đế quốc Mỹ, phải "đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào". Nhưng những thế hệ trước ông, của ông và sau ông một vài năm không bị tình trạng vô cảm hay bạo lực như bây giờ.
Ông chia sẻ thêm : "Cái thời trước chương trình học nó không tạo ra một thứ gây áp lực, đương nhiên là nó bị bó hẹp vì không mở ra bên ngoài nhưng nó không bị áp lực như bây giờ. Như giờ văn ngày xưa hấp dẫn lắm, thầy cứ nói, truyền cảm xúc trên lớp thôi, trò ghi được gì thì ghi chứ không đọc chép từng câu như bây giờ. Cái gánh nặng bây giờ là gánh nặng học thuộc, gánh nặng phải thi bằng được, đại loại là tấn lên vai các trò. Đua nhau vấn đề thi cử, mở ra các lò luyện thi, như đưa ra các bài văn mẫu, nhưng các bài văn mẫu lại làm tê mòn tất cả cảm xúc, nó ở tình trạng như vậy".
Bởi mặc dù các bài học thời đó ẩn chứa lòng thù hận nhưng lại không ẩn chứa sự ham muốn vật dục. Thầy ra thầy, trò ra trò, thầy truyền cảm hứng cho trò sáng tạo và bài giảng không xơ cứng, máy móc. Đặc biệt, thời đó không có cải cách giáo dục triền miên, tốn tiền tỉ như bây giờ và cũng không có dạy thêm như bây giờ.
Chính cái gánh nặng thực dụng, dạy thêm, học thêm, cải cách giáo dục, chép bài máy móc và kiểu mua bán chữ như hiện tại đã nhanh chóng đẩy giáo dục đến chỗ bế tắc, vô cảm và có nguy cơ tiền dần đến máu lạnh. Điều này tạo ra hệ lụy xã hội ngày càng vô cảm, manh động và lộn xộn.
Ông chia sẻ thêm :"Văn chương bây giờ nó đọc chán vì nó có dạy thẩm mỹ đâu, nó có dạy vẻ đẹp của văn chương đâu, thế nào là một bài thơ hay, thế nào là vẻ đẹp của văn chương nó không dạy, nó chỉ dạy thế nào là từ lấp láy, từ trùng điệp, thế thôi".
Sau 43 năm, điều cần nhất vẫn cứ là học lại, làm lại từ đầu và những giọt nước mắt của lương tri !
Nhóm phóng viên
****************
Hàng không Việt Nam dự tính mở rộng sau khi ‘trúng lớn’ (VOA, 27/04/2018)
Hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam hôm 26/4 báo cáo tăng trưởng mạnh trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế, thu lợi nhuận cao và dự tính các kế hoạch mở rộng, theo Reuters.
Máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet tại phi trường Tân Sơn Nhất.
VietJet, hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam, cho biết đang bổ sung thêm các tuyến đến Nhật Bản, Ấn Độ và Úc như là một phần trong chiến lược trở thành hãng hàng không toàn cầu.
VietJet, trụ sở tại Hà Nội, hiện có 38 tuyến nội địa và 44 tuyến quốc tế. Hãng hàng không này vừa bổ sung 17 máy bay mới hồi năm ngoái, tăng đội bay lên thành 51 máy bay.
Hôm 26/4, VietJet cho biết hãng này dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ tăng lên 5,8 nghìn tỷ đồng trong năm nay, tăng 9,4% so với năm 2017. VietJet đặt mục tiêu tăng 20,5% doanh thu lên 50,97 tỷ đồng so với năm trước.
Đối thủ của VietJet là hãng hàng không nhà nước, Vietnam Airlines, ngày 26/4 cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của hãng tăng 71% trong quý đầu năm nay, khi mức tăng trưởng trên cả tuyến nội địa và quốc tế đều vượt quá mức dự báo.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2018 đã tăng lên 1.46 nghìn tỷ đồng (64,13 triệu USD), so với mức 854 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước, Vietnam Airlines cho biết trong một tuyên bố.
Hãng hàng không nhà nước đã chở khoảng 5 triệu hành khách trong quý đầu năm nay, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhu cầu vẫn ở mức cao tại các thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), cùng với việc thực thi các giải pháp theo định hướng thị trường trong điều kiện giá nhiên liệu cao", hãng này cho biết thêm rằng họ sẽ nhận được chiếc máy bay Airbus A350 thứ 12 trong quý hai của năm.
Vietnam Airlines có thể sẽ ra mắt các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ vào năm 2019, Giám đốc điều hành Dương Trí Thành cho biết vào tháng Hai. Tuy nhiên, hãng dự kiến sẽ rất khó khăn để thu lợi nhuận ở thị trường Mỹ vì thiếu lượng khách hàng doanh nhân.
*******************
Đài Loan cảnh cáo chủ lao động bạc đãi công nhân Việt (VOA, 26/04/2018)
Sau vụ hơn một trăm công nhân Việt Nam xuống đường phản đối điều kiện sinh sống quá chật chội, Sở Lao động thành phố Tân Đài Bắc hôm 24 tháng 4 loan báo đã điều tra và cảnh báo chủ lao động phải khắc phục tình trạng này hoặc phải nộp tiền phạt, thông tấn xã CNA đưa tin.
Tư liệu - Người lao động nước ngoài ở Đài Loan tụ tập nhân Ngày Quốc tế Lao động ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 1 tháng 5, 2016.
Một quan chức của sở đã đến thăm nơi ở của những người biểu tình hôm 25 tháng 4. Sau khi kiểm tra các tầng và phỏng vấn cư dân, ông nhận thấy rằng không đáp ứng yêu cầu của Bộ Lao động Đài Loan đối với nhà ở của công nhân nước ngoài, theo CNA.
Ông cho biết tổng cộng 362 công nhân, trong đó có 334 người Việt Nam và 28 người Indonesia, hiện đang sống trong một ký túc xá được thiết kế chỉ dành cho 100 người, vi phạm quy định cho mỗi người một diện tích sinh sống là 3,2 mét vuông.
Hợp đồng quy định mức phí sinh hoạt của công nhân là 2/5/00 tân Đài tệ, nhưng công ty này trừ tới 3.940 tân Đài tệ vào tiền thuê nhà và thậm chí còn tính thêm 400 tân Đài tệ tiền máy lạnh, điều mà các công nhân xem là phi lý.
Quan chức lao động này cảnh báo chủ lao động St. Shine Optical và đơn vị môi giới lao động phải ngay lập tức khắc phục tình hình và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, theo truyền thông Đài Loan.
Sở cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp về phí sinh hoạt, điều kiện trong ký túc xá và hợp đồng sinh sống của người lao động nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
**********************
Vào ngày 24 tháng 4 năm 2017, Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định 49/2017/NĐ-CP bổ sung về xử phạt trong bưu chính viễn thông. Theo đó thì các nhà mạng buộc phải có thông tin cá nhân và hình ảnh khách hàng sử dụng sim điện thoại. Dư luận trong nước nghĩ gì về việc đăng ký này và những ảnh hưởng gây ra thế nào ?
Khách hàng đăng ký thông tin cho MobiFone. RFA
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, việc đăng ký thông tin và hình ảnh người sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ người dân. Vì hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công dân, nên không thể dùng chứng minh thư để kiểm tra được hết thông tin người dân. Do đó Nghị định 49 được ban hành là để khắc phục điều này.
Ngoài ra, bà Lê Thị Ngọc Mơ nói với truyền thông trong nước rằng khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm.
Tuy nghị định 49/2017/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành hơn một năm nhưng đến sát ngày hết hạn 24/4/2018, các công ty viễn thông mới bắt đầu hối thúc người tiêu dùng cập nhật "hình chân dung chính chủ", nếu không sẽ ngưng cung cấp dịch vụ, cắt sim của khách hàng.
Trên thực tế, nghị định 49 không hề có hạng mục nào đề cập đến việc khóa sim khách hàng.
Bên cạnh đó, trong điều 2 nghị luật 49 còn quy định những mức phạt dành cho các công ty dịch vụ viễn thông nếu không cập nhật thông tin đầy đủ hoặc sai lệch thông tin thuê bao.
Theo nhiều người dùng mạng tại Việt Nam, các nhà mạng đã lợi dụng việc người dùng không rõ chi tiết về nghị định 49 để mang quyền lợi khách hàng ra làm điều kiện buộc chủ thuê bao phải tự đến nơi để đăng ký hình ảnh.
Bạn Diễm Duyên, nhân viên văn phòng hiện đang sống tại Sài Gòn xác nhận với Đài Á Châu Tự Do :
"Cái nghị định mình đọc thấy không rõ ràng lắm. Thông tư bảo quy định như thế nhưng mọi người không tiếp cận được rõ ràng để đọc, nên thấy người ta làm thì mình làm thôi. Vì những tin nhắn cứ gửi tới nói sẽ cắt một chiều nên mọi người sợ, phải làm".
Bạn Duyên còn cho biết thêm những đồng nghiệp trong công ty đã phải nghỉ làm nhiều lần để đi đăng ký, gây mất thời gian và công sức. Ở thành thị là vậy, còn ở tỉnh, người dân gặp nhiều phiền hà hơn :
Người dùng điền thông tin vào giấy đăng ký. RFA
"Hôm rồi mình về quê thấy các cụ già đi làm rất phiền phức, với lại dưới quê chỗ đi làm rất xa, mà mới 6 giờ đóng cửa rồi. Nên mọi người phải tranh thủ 4-5 giờ phải nghỉ làm đi làm (sim)".
Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, tính đến ngày 20 tháng 4 năm 2018, chỉ còn 4 ngày trước thời hạn mà ba nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, MobiFone và Vinaphone phải hoàn thành việc bổ sung thông tin người dùng, nhưng có đến 36 triệu thuê bao vẫn chưa được đăng ký. Do đó, các nhà mạng đã liên tục gửi tin nhắn hối thúc khách hàng đăng ký thông tin và chụp hình ảnh.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công an, tính đến năm 2017, trong số hơn 120 triệu thuê bao toàn Việt Nam có đến 38 triệu sim đang được sử dụng với tên của chủ thuê bao khác. Như vậy, các công ty viễn thông đã lấy thông tin cá nhân của khách hàng để kích hoạt sim rác nhằm dễ bán sim hơn, góp phần tăng thị phần của nhà mạng.
Đồng cảm với những rắc rối mà người dân đang phải đối mặt, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng :
"Những nhà mạng đó đang gây ra phiền hà cần được chấn chỉnh lại. Bộ Thông tin - Truyền thông tôi thấy là sớm phải kiến nghị để thuận lợi cho người dân vì khi đăng ký người ta trả tiền cho nhà mạng, nhà mạng phải có nghĩa vụ phục vụ".
Qua việc đăng ký thông tin, nhiều người dùng lên tiếng sẽ kiện nhà mạng vì đã lấy thông tin của họ để kích hoạt những sim khác. Giải thích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết :
"Khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, người dân có quyền khởi kiện và luật pháp Việt Nam cũng đã cho phép, nhưng anh phải chứng minh những thiệt hại đó. Do đó tôi thấy đợt đăng ký này là một cơ sở pháp lý mà nếu như nhà mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình như thông tin cá nhân của mình có người khác sử dụng thì tôi sẽ kiện để tôi đòi bồi thường xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi và bắt phải bồi thường về tinh thần và vật chất. Nếu chứng minh được cái đó người dân có quyền kiện".
Ngoài ra Luật sư Nguyễn Văn Hậu còn cho rằng người dân Việt gần đây hiểu biết rõ thêm về pháp luật và mạnh dạn hơn trong việc tạo dựng nhà nước pháp quyền, dám khởi kiện những cơ quan nhà nước xâm phạm quyền và lợi ích cá nhân người dân.
Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng dám đưa đơn khởi kiện. Bạn Duyên bày tỏ quan ngại :
"Ở Việt Nam mà kiện thì rất tốn kém, mà mình không có quyền thế, thực sự kiện lên thì mình chẳng được gì cả. Nếu mọi người cùng kiện thì sẽ quy ra tội phản động cho nên mọi người cảm thấy phiền phức, chứ vẫn biết nhà mạng làm sai nhưng mà chắc chắn nhà mạng có nhiều mối quan hệ hơn mình".
Trao đổi với truyền thông trong nước, Bộ Truyền thông - Thông tin cho biết có biết về việc nhà mạng sử dụng thông tin khách có sẵn để đăng ký cho sim khác, tuy nhiên Bộ vẫn chưa nghĩ ra được cách giải quyết.
******************
Dự luật SB895 được đệ trình vào tháng Giêng năm 2018, nhằm đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy Tiểu Bang California (IQC) thiết lập một chương trình giảng dạy về Cuộc chiến Việt Nam Cộng Hòa và những đau thương mất mát của người tỵ nạn trên đường tìm hai chữ tự do, đưa vào tất cả các học khu khắp tiểu bang California, tiểu bang có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cùng cộng đồng Người Việt khắp California tại Quốc Hội Sacramento. Sau khi Ủy Ban Điều Trần Thượng Viện đồng chuẩn thuận Dự luật SB895. Senator Janet Nguyễn Office
Ngày 25/4 vừa qua, rất đông các thành viên Cộng đồng Người Việt khắp tiểu bang California đã có mặt tại Quốc Hội Sacramento để ủng hộ Dự Luật SB895 của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Sau khi Ủy Ban Điều Trần nghe về các lý do ủng hộ Dự Luật này từ các thành viên trong cộng đồng người Việt và các Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Điều Trần Thượng Viện đã đồng chuẩn thuận thông qua Dự Luật SB895.
Thông cáo báo chí được văn phòng Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đưa ra cho biết về tầm quan trọng của việc gìn giữ những câu chuyện trung thực của người Việt Tỵ Nạn trong chương trình giáo dục lịch sử cho tất cả trường học tại California và cần phải hành động ngay để bảo vệ trước khi các chứng nhân cũng như dữ kiện bị thất thoát theo thời gian.
Anh Việt Nguyễn một cư dân đang sinh sống tại khu vực thành phố Westminster, tiểu bang California cho chúng tôi biết : "Nếu đạo luật thành công thì không những tụi cháu, tụi con mà toàn thể người việt tại california và cộng đồng bạn bè cũng biết đến lịch sử của ông cha ta cũng như tại sao người việt chúng ta phải vượt biên vượt biển qua bên này để tìm tự do".
Sau khi Ủy Ban Điều Trần Thượng Viện đồng chuẩn thuận thông qua, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cho biết dự luật SB895 sẽ được chuyển sang Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện để xem xét vào tháng năm tới đây. Đây cũng được xem là bước quan trọng trong tiến trình lập pháp. Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn kêu gọi cộng đồng người Việt Tỵ Nạn tiếp tục ký tên vào Bản Kiến Nghị.
Dự luật này được sự ủng hộ khá lớn từ các vị dân biểu dân cử tại California. ông Tạ Đức Trí thị trưởng thành phố Westminster, tiểu bang California Trong buổi họp báo nói về dự luật SB895 hồi tháng giêng năm 2018, ông chia sẻ về dự luật này :
"Người việt chúng ta tới đây bằng hai chữ tự do và hơn bốn thập kỷ qua, tất cả chúng ta đều có những câu chuyện, những kinh nghiệm của mình, nhưng kinh nghiệm đau thương hy sinh của những người đi trước, hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta đến đây vì hai chữ tự do và chúng ta rất hy vọng con cháu chúng ta hiểu giá trị của hai chữ tự do quan trọng như thế nào".
Cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1955 - 1975 là giai đoạn thứ hai và cũng là giai đoạt được xem là khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh trên chiến trường Đông Dương. Đây là cuộc chiến giữa một bên là Việt Nam Cộng Hòa với sự viện trợ từ Hoa Kỳ và một bên là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được sự viện trợ quân sự từ các nước Liên Xô và Trung Quốc.
Cuộc chiến này được Mỹ gọi là chiến tranh Việt Nam vì chiến sự chủ yếu diễn ra tại Việt Nam nhưng đã lan tỏa ra toàn khu vực Đông Dương đã lôi cả hai nước Lào và Campuchia vào vòng chiến nhưng ở những mức độ khác nhau. Cuộc chiến này chính thức kết thức vào ngày 30/4/1975. Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng quân sự và di tản ra khỏi Đông Dương sau sự kiện này.
Sau ngày 30/4/1975, hàng triệu người dân Việt Nam đã tìm cách vượt biên để rời khởi Việt Nam sang các nước khác bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó đường biển là chủ yếu.
Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã đưa thông tin truyền thông và sách vở vào trường học để dạy cho học sinh về cuộc chiến này với tên gọi Kháng chiến chống Mỹ hay Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khẳng định cuộc chiến là của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo của RFA với bút danh Nam Nguyên, đồng thời ông cũng là một trong những phóng viên thời chiến tranh Việt Nam trong lần trả lời phỏng vấn gần đây với đài RFA thì cho rằng cuộc chiến này không phải là chống Mỹ cứu nước.
"Tôi nghĩ là trong lúc học các bạn tin vào những câu chuyện như vậy. Tôi không nghĩ là chống Mỹ cứu nước, Việt Nam Cộng Hòa khi đó được thành lập và được viện trợ từ Hoa Kỳ để xây dựng lại đất nước. Khi chưa có chiến tranh, miền Nam trù phú, sung túc lắm, xuất cảng rất là khá, đời sống rất cao, được ví là hòn ngọc Viễn Đông".
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 43 năm về trước và đã khiến hơn hai triệu người Việt Nam thuộc cả hai phía Nam Bắc và 58.000 người Mỹ thiệt mạng. Cuộc chiến này cũng từng được ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng của Việt Nam sau này nói rằng đã khiến hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn.
Nguyễn Tuấn