Sau một thời gian tưởng bị xóa sổ, Dinh Thượng Thơ, một trong những di sản kiến trúc tiêu biểu của thành phố Sài Gòn, có thể thoát nguy cơ bị khai tử. Sau những lời kêu gọi khẩn thiết của giới chuyên gia trong và ngoài nước, cuối cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 07/2018 đã quyết định giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực "để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình này, trình báo cáo và đề xuất cho UBND trước ngày 15/8/2018".
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh do tác giả Phúc Tiến tặng RFI)
Nằm tại số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn, Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở Sài Gòn, do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa. Được hoàn tất vào năm 1864, tòa nhà này vào thời Pháp thuộc là Nha Giám đốc Nội vụ, tức là điều hành trực tiếp toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Nếu tính từ khi mới được xây dựng lần đầu, công trình kiến trúc này đã gần 160 tuổi. Sau năm 1975, Dinh Thượng Thơ trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 04/2017, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có cả đề xuất phá bỏ toàn bộ Dinh Thượng Thơ để xây một tòa nhà mới. Khi được hỏi vì sao tòa nhà có lịch sử thuộc loại lâu đời nhất ở Sài Gòn không được bảo tồn, cơ quan chức năng của thành phố lúc đó giải thích rất đơn giản : "Công trình này không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa - Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn".
Nguy cơ Dinh Thượng Thơ bị xóa sổ đã khiến nhiều chuyên gia nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung rất lo ngại. Nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp, tại Úc đã là một trong những người khởi xướng bản kiến nghị yêu cầu bảo tồn tòa nhà cổ này.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, không chỉ có kiến trúc độc đáo, Dinh Thượng Thơ còn mang nhiều giá trị lịch sử :
"Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc xưa nhất của Sài Gòn, thời Pháp thuộc là nơi đầu não hành chính của Cochinchine (Nam Kỳ), thuộc địa của Pháp, cho nên những luật của Pháp cũng được áp dụng ở Nam Kỳ.
Dinh Thượng Thơ không chỉ là nơi áp dụng những luật, những nghị định của thống đốc và những nghị quyết của hội đồng quản hạt (conseil colonial), mà còn áp dụng những luật ở Pháp, như luật báo chí, luật thi cử.
Dinh Thượng Thơ được xây khoảng chừng năm 1882, nhưng trước đó đã có một vài cơ sở không hoàn thiện. Tòa nhà này trước đó là Hôtel des Directeurs intérieurs, sau này là Bureaux du Secrétariat du gourvernement.
Bureaux du Secrétariat du gourvernement
Đây cũng là nơi ra những công báo, mà công báo đầu tiên là tờ báo quốc ngữ Gia Định Báo. Tòa soạn của Gia Định Báo lúc đó cũng nằm ở Dinh Thượng Thơ. Ông Trương Vĩnh Ký cũng đã làm việc ở đó. Cho nên, Dinh Thượng Thơ không chỉ là một tòa nhà có kiến trúc xưa, mà còn là nơi có nhiều biến cố lịch sử, nhiều chuyện về văn học và xã hội.
Vào năm 1889 ở Pháp, kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp, có Triển lãm Toàn cầu. Thống đốc Nam Kỳ đã kêu Dinh Thượng Thơ xuất tiền để gởi những đoàn hát bội, đờn ca tài tử qua Paris trình diễn, đóng góp vào lễ lỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp.
Dinh Thượng Thơ cũng đã gởi những ông như Nguyễn Trọng Quảng và ông Trương Minh Ký đi qua Pháp học. Ông Nguyễn Trọng Quảng là người xuất bản cuốn sách quốc ngữ đầu tiên "Thầy Lazaro Phiền". Vì là đầu não hành chính của Pháp, cho nên Dinh Thượng Thơ có liên hệ rất nhiều với những nhân vật lịch sử của Việt Nam".
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, dù hiện giờ Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di sản cần bảo tồn, nhưng chính quyền thành phố không thể làm gì mà không có sự đồng thuận của người dân :
"Hiện nay có rất nhiều người lên tiếng. Việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di sản không có nghĩa là người ta có quyền phá. Làm gì thì cũng phải thông qua Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố. Ngay cả Tòa thị sảnh, tức Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện, Nhà hát Thành phố đều không nằm trong danh sách văn hóa cũng không có nghĩa là những di sản này sẽ bị đập phá nếu họ muốn, vì rất nhiều người dân Sài Gòn sẽ phản đối.
Ủy ban Nhân dân cũng không nghĩ là họ có thể làm tất cả những chuyện mà không có sự đồng thuận của người dân. Cho nên, tôi nghĩ là sau kiến nghị vừa rồi và sau phản ứng của báo chí, dư luận về Dinh Thượng Thơ mà họ định phá đi để xây một tòa nhà hành chính mới cho thấy là có một số người thấy rằng muốn phá đi di sản mà không có bàn thảo với nhân dân thì sẽ không đi đến đâu. Họ sẽ không phá mà không có sự đồng thuận của dư luận".
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, việc bảo tồn một tòa nhà như Dinh Thượng Thơ không tốn kém là bao, hơn nữa có thể biến công trình kiến trúc này thành một điểm tham quan cho du khách đến Sài Gòn :
"Chi phí bảo tồn Dinh Thượng Thơ không là bao. Ngay cả những cơ sở lớn như UBND Thành phố hoặc Bưu điện, thì sự bảo tồn cũng không tốn nhiều về ngân sách. Thật sự thì nếu mà muốn, Dinh Thượng Thơ có thể trở thành một địa điểm, thí dụ một tuần mở cửa một ngày cho du khách đến xem.
Ngay cả UBND Thành phố, tức Tòa Thị Sảnh hồi xưa, cũng có thể mở cho khách vào tham quan và như vậy sẽ có thể huy động rất nhiều cho danh tiếng của thành phố, mà còn được một danh sách dồi dào để tu sửa dễ dàng.
Hiện nay, du khách đến thành phố thì chỉ đến một vài nơi, nên họ không thấy hài lòng lắm. Di sản của thành phố này có rất nhiều, nhưng nằm trong tay công quyền, khó có thể đi vào. Tôi nghĩ là những nơi như Dinh Thượng Thơ có thể nâng cao danh tiếng của thành phố, thu hút được rất nhiều du khách, thu được nhiều lợi nhuận để tu sửa dễ dàng các di sản kiến trúc".
Không chỉ dư luận trong nước, mà quốc tế cũng đang rất quan tâm, lo lắng cho số phận của Dinh Thượng Thơ. Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, đã gửi một lá thư đề ngày 16/06/2018 cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà này.
Trong thư đại sứ Angelet nhắc lại Dinh Thượng Thơ là "cột mốc lâu đời thứ hai và là một phần di sản văn hóa của thành phố". Trưởng Phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh "năm 2018 là Năm Di sản Văn hóa của Liên Hiệp Châu Âu, nên chúng tôi cũng ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa ở Việt Nam".
Vì vậy, đại sứ Angelet "khẩn thiết" kêu gọi chính quyền thành phố Sài Gòn xem xét lại kế hoạch phá dỡ tòa nhà và công nhận các di sản là "những đóng góp không thể thay thế của môi trường lịch sử", là đặc điểm của Sài Gòn.
Nếu chính quyền của thành phố Sài Gòn đi đến quyết định giữ lại tòa nhà Dinh Thượng Thơ, đây sẽ là một chuyển biến nhận thức đáng chú ý, vì trong quá trình đô thị hóa, các chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã không chú trọng đến việc bảo tồn những di sản quý báu, tiêu biểu của Sài Gòn, một thành phố mang đậm nét kiến trúc Pháp. Nhiều công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn đã phá bỏ để xây mới trong sự tiếc nuối của người dân thành phố như tòa nhà Thương xá Tax, mà công trình nguyên thủy đã được xây từ năm 1880, bị đập bỏ vào năm 2016 để xây trên đó một tòa nhà cao tầng hiện đại.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 06/08/2018