Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/08/2018

Cyclo Hà Nội thời nửa nạc nửa mỡ

RFA tiếng Việt

Những tiếng leng keng, leng keng… nối dài, không phải của tàu điện Hà Nội một thuở mà đó là thanh âm của tiếng chuông xe cyclo khắp ba miền đất nước của những năm thập niên 1980 thế kỉ trước. Theo thời gian, các loại phương tiện khác thay thế cho cyclo, xe thồ. Những năm 1990 thế kỉ trước đến năm 2000, nghề chạy xe cyclo gần như chết hẳn vì không có khách. Để rồi sau đó gần hai mươi năm, kĩ nghệ xe cyclo ra đời với đủ sắc màu thời du lịch.

cyclo1

Bác tài cyclo ngồi chờ khách trong ế ẩm - RFA

Nhưng có vẻ như cuộc kiếm cơm của nghề cyclo thời du lịch cũng không kém phần cam go, gay cấn. Cyclo du lịch quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội được xem là đội ngũ rầm rộ nhất Việt Nam, nhiều hơn cả Hội An, Quảng Nam, hay Huế và một khi cyclo phải cạnh tranh với xe điện cùng hàng loạt dịch vụ khác, thì tình hình lại thêm phần gay cấn và cay đắng.

Gồng mình kiếm cơm thời du lịch

Anh Trần Duy Hồng, người chạy cyclo bên bờ Hồ Gươm, Hà Nội, tâm sự :"Hầu như khan hiếm rồi, ít khách. Thu nhập thì anh em chúng tôi từ xa đến chỉ đủ sống thôi, không có dư được".

Anh Hồng cho biết thêm là nghề chạy cyclo hiện nay có thể nói là trên cả ế ẩm. Trước đây nhà nước khuyến khích, thậm chí có chương trình hỗ trợ cho nghề chạy cyclo du lịch. Hỗ trợ bằng cách cho vay vốn để mua sắm phương tiện. Nhưng mua sắm xe cyclo chưa kịp chạy mở hàng thì liền sau đó, nhà nước lại hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn để sắm xe điện. Cuối cùng, xe cyclo ngồi ngáp gió vì không tài nào cạnh tranh nổi với xe điện.

Cụ thể, anh Hồng cho biết là một đêm đạp cyclo kéo dài từ 5h chiều đến 10h khuya. Nếu may mắn lắm thì kiếm được hai lượt khách. Nhưng chuyện này hiếm, chạy theo phiên chỉ được 1 lượt là may mắn, có khi ngồi cả đêm không có lượt nào thì chạy lẻ bên ngoài vài chục mét, vài trăm mét kiếm vài chục ngàn đồng đủ ăn tối. Một lượt khách chở vòng quanh bờ hồ và 36 phố phường Hà Nội được trả từ 200 đến 250 ngàn đồng. Sau khi trả chi phí các loại, còn dư được chừng 180 ngàn đồng, số tiền đủ mua gạo, rau và một ít thịt cho gia đình anh.

Nếu tính theo chi phí của người đạp cyclo thì thấp. Nhưng theo thời giá thì một phiên cyclo lại quá đắt với khách. Bởi người ta có thể thuê xe điện với giá 300 ngàn đồng để đi vài chục người. Và nếu ghép vé thì mỗi người chỉ tốn 30 ngàn đồng. Như vậy, chọn xe điện đi dạo phố là một lựa chọn thông minh của khách du lịch và không có gì đáng bàn.

Vấn đề mà anh Hồng nói rằng đáng bàn ở đây chính là cơ hội tăng lượt của người đạp cyclo bị mất. Ví dụ như mỗi lượt chừng 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng để chở từ 2 đến 3 người đi dạo phố, dạo bờ hồ thì rất hợp lý với khách. Và mỗi đêm, người đạp cyclo thay vì nằm ngủ, ngáp dài ngáp ngắn chờ lượt trên xe thì có từ hai đến ba, thậm chí bốn, năm lượt khách để chở nếu như không phải cạnh tranh với xe điện.

Đương nhiên, xe điện xuất hiện hoàn toàn hợp lý, cái phi lý là cả xe điện và cyclo đều xuất hiện quá nhiều, được cơ cấu số lượng quá lớn và cuối cùng cả hai đều tồn tại trong nợ nần, lo lắng. Cuối cùng, khách du lịch phải ngồi trên một phương tiện chứa đầy nợ nần và nỗi lo, thậm chí sự cạnh tranh có cả yếu tố hằn học, không lành mạnh chút nào.

Nửa nạc nửa mỡ

Một phu cyclo khác tên Trần Công Miên, chia sẻ :

"Trước đây chưa có xe điện thì khách nhiều, họ chủ yếu đi cyclo, từ khi có xe điện thì nói chung cũng ít khách. Thương thì mình đi từ 2 giờ chiều đến 11 giờ đêm mới nghỉ, có người thì đi từ sáng đến 4 giờ chiều, 5 giờ chiều họ nghỉ. Thì cái thu nhập so với ngày xưa chỉ bằng một nửa, như ngày xưa được khoảng 7 triệu một tháng thì giờ chỉ còn có 3 triệu rưỡi, 3 triệu một tháng thôi, cái thu nhập ít đi nên mọi chi phí gia đình cũng phải tiết kiệm lại. Như con cái ăn học thì mình phải xớt bớt xeng beng mới đủ, chưa chắc đã đủ. Mọi vấn đề đều bám vào cyclo này để mà kiếm sống, trước thì nuôi bản thân thứ hai thì kiếm chác thêm để cho con ăn học".

Theo ông Miên và nhiều phu cyclo khác tâm sự thì không riêng gì dịch vụ cyclo mà hầu hết các dịch vụ du lịch ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng nửa nạc nửa mỡ, nửa tỉnh nửa say. Nghĩa là ban đầu, khi đầu tư vào làm du lịch, từ ông phu cyclo cho đến doanh nghiệp xe điện, doanh nghiệp làm tour đều hào hứng, phấn khởi đầu tư, bằng mọi giá vay càng nhiều càng tốt để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị cho công nghệ du lịch. Nhưng rồi khi đi vào hoạt động mới hỡi ôi nhận ra là mình đã bị hố đà, khó mà gượng chân được.

Bây giờ một phu cyclo cũng không còn giữ được bản sắc của một phu xe vừa chân chất, mộc mạc, vừa lịch sự và nói năng phải lẽ của những ông phu xe thế kỉ trước. Bởi thời đại cạnh tranh, mà cạnh tranh khốc liệt nữa là đằng khác. Nếu không chạy đua để bắt khách với ông xe ôm, bà xe điện hay chị xe taxi thì xem như ngồi ngáp gió hết buổi rồi về. Mà đã cạnh tranh khốc liệt thì khó mà giữ được tính cách hiền hòa.

Nếu tính về hình ảnh, thì hình ảnh phu cyclo không cho được cảm giác hoài cổ, không cho được hình ảnh hay hoài niệm một Hà Nội xưa leng keng tiếng chuông kéo tự chế bằng thanh lò xo và chiếc đũa thép, một đầu hướng vào chiếc chuông tự chế bằng chiếc bát kim loại, đầu kia hướng vào các thanh nan hoa xe. Khi bác phu cylo nắm sợi dây chuông kéo thì đầu chiếc đũa sẽ va vào các thanh nan hoa đang quay tạo ra những va đập của đầu đũa vào chiếc bát kim loại nghe kêu leng keng… leng keng… Nhưng xe cyclo bây giờ không có chiếc chuông đó vì nó "gây ồn ào nơi công cộng".

Một khi cyclo không còn tiếng chuông, không còn dáng vẻ cần cù và hiền hòa thì văn hóa cyclo cũng tiêu tan. Và chuyện những chiếc cyclo tạo hình ảnh đẹp về đất nước du lịch mang dáng vẻ hoài cổ nghe ra chỉ có trong tưởng tượng.

Nói cho cùng, khi những chiếc cylo phải nằm thiu thiu ngủ trên hè phố và người phu xe thấp thỏm trước nhiều thứ, trong đó thấp thỏm nợ nần chiếm hết tâm tư thì chuyện văn hóa cyclo thời du lịch nghe ra rất xa vời. Và với đà cạnh tranh khốc liệt, đánh mất nhiều thứ như hiện nay, những phu cyclo ở Hà Nội như một biểu trưng của thời nửa nạc nửa mỡ, chẳng biết về đâu !

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 27/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)