Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tình hình vi phạm nhân quyền trong năm 2020 có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn tại Việt Nam.

nq1

Ông Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương (giữa) và mẹ là bà Cấn Thị Thêu, những người hoạt động vì quyền đất đai bị chính quyền bắt giữ năm 2020. Hình minh hoạ. - FB Nhà Vườn Trịnh Bá Phương - Trịnh Bá Tư

Đó là nhận định của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra ngày 13 tháng 1 trong Báo cáo Tình hình Nhân quyền Thế giới 2021. 

Báo cáo nêu rõ, "Chính phủ, dưới chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thắt chặt các hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, đi lại và tôn giáo".

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, tại cuộc họp báo tổ chức cùng ngày từ Bangkok cho biết Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về số lượng tù nhân chính trị :

"Việt Nam tiếp tục dẫn đầu các quốc gia trong khu vực về các án tù dài hạn vô cùng thô bạo đối với những người dám thực hiện quyền tự do ngôn luận và hội họp. Họ tấn công dữ dội ngay cả những người thậm chí chỉ đăng lên mạng những tài liệu mà chính quyền không thích. Các bản án đã được tòa án đưa ra trong 2 năm qua dài hơn đáng kể so với những gì đã thấy trước đây. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trước thềm đại hội đảng lần thứ 13 sẽ diễn ra vào cuối tháng này".

nq2

Ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tại phiên toà sơ thẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021. AFP

Báo cáo Tình hình Nhân quyền Thế giới 2021 của HRW dài 761 trang, đánh giá 100 quốc gia trên thế giới trong năm vừa qua. Tại Việt Nam thống kê của tổ chức này cho thấy, trong năm 2020, ít nhất 28 người đã bị bắt hoặc truy tố vì vi phạm những điều luật quá mơ hồ và thái quá về an ninh quốc gia, chẳng hạn như các cáo buộc "tuyên truyền" chống nhà nước, hoặc "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước".

Cụ thể HRW đề cập đến những trường hợp như nhà thơ Trần Đức Thạch, bị bắt vào tháng tư vì tham gia Hội Anh em Dân chủ, gia đình dân oan Dương Nội Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương bị bắt vào tháng 6, và nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt vào tháng 10.

Chính quyền cộng sản Việt Nam vừa tuyên những bản án nặng nề đối với 3 nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, là 15 năm tù giam đối với ông Phạm Chí Dũng và 11 năm tù đối với Nguyễn Tường Thụy cũng như ông Lê Hữu Minh Tuấn.

Ông Robertson nhận xét :

"Những bản án đưa ra ngày càng dài hơn. Chúng tôi vừa thấy những người sáng lập Hội Nhà báo Độc Lập VN bị kết án hơn 10 năm tù. Chính quyền đưa họ vào tù trong hơn 1 thập niên chỉ vì đăng bài trên mạng. Điều đó thật quá đáng, không thể chấp nhận được. 2 trong 3 người vừa mới bị kết án đều đã ngoài 60 tuổi. Vì vậy, một bản án 10 năm, 12 năm thực sự là một bản án tử hình"!

Bà Phạm Thị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thụy, sau khi nghe về báo cáo của HRW, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do là chồng bà vô tội dưới pháp luật Việt Nam :

"Nhân quyền thì là quyền con người phải không. Con người đã làm theo Hiến pháp, không vi phạm pháp luật thì không bị bắt, như tất cả mọi người thì họ cũng chỉ thực hiện tự do ngôn luận. Cụ thể như anh Nguyễn Tường Thụy chồng tôi, ảnh viết những bài báo phù hợp với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Nhưng anh vẫn bị bắt và xử tù rất là nặng, 11 năm tù. Tòa án chỉ nêu ra trong 246 bài báo thì có 5 bài vi phạm mà quy thành 11 năm tù".

Các nhà quan sát của tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden tái thiết lập vai trò bảo vệ nhân quyền của Hoa Kỳ mà họ cho rằng đã dường như bị bỏ quên dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nhiệm kỳ Tổng thống Biden sẽ là cơ hội cho một thay đổi cần thiết sau 4 năm Hoa Kỳ thờ ơ và thậm chí coi nhân quyền là thù địch, ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của HRW nói trong báo cáo. Ông nhấn mạnh, ông Biden cần phải làm việc với những lãnh tụ quốc tế để củng cố, bảo vệ nhân quyền và tìm cách đưa nhân quyên vào chính sách lâu dài của Hoa Kỳ để có thể tồn tài vượt qua những đảo lộn của nhiều nhiệm kỳ tổng thống.

Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi với ông Phil Robertson về việc áp dụng biện pháp chế tài trên các quan chức vi phạm nhân quyền chiếu theo luật Magnitsky toàn cầu. Ông Robertson nhận định :

"Hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy việc Đạo luật Magnitsky Toàn cầu được áp dụng cho Việt Nam. Tôi nghĩ đó là điều mà chính quyền mới của Biden nên xem xét một cách nghiêm túc. Chính quyền Trump đã chiều chuộng chính quyền Việt Nam một cách hiệu quả. Với ý là chỉ Việt Nam chống Trung Quốc, nên họ tập trung vào lãnh vực thương mại và lơ là lãnh vực nhân quyền. Đó là một trong những lý do tại sao tình hình nhân quyền ở Việt Nam trở nên tồi tệ. Chính phủ Việt Nam đủ thông minh để nhận ra rằng chính phủ Hoa Kỳ từng là nhân tố chính lớn nhất phản đối họ trong vấn đề vi phạm nhân quyền, đột nhiên dưới chính quyền Trump thì không còn quan tâm gì. Họ cứ để mọi việc diễn ra. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy việc áp dụng biện pháp chế tài của luật Magnitsky toàn cầu đối với những người chủ chốt trong chính phủ Việt Nam. Tôi cho rằng những người trong Bộ Công an nên quan ngại vì rõ ràng họ đã vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống".

Các nhà quan sát tình hình đặt hy vọng vào chính quyền Joe Biden, đồng thời họ cũng nói rằng trong những năm qua, với sự rút lui của chính quyền Hoa Kỳ trong lãnh vực này, có một số quốc gia khác đã lên tiếng và thành lập liên minh để bảo vệ nhân quyền trên thế giới. HRW kêu gọi chính quyền Biden tham gia những liên minh đó.

Riêng đối với thân nhân của các tù nhân lương tâm, như bà Phạm Thị Lân, thì bà nói bà không theo dõi chính trị nước khác nhưng bà vẫn mong là tòa án phúc thẩm sẽ trả tự do cho chồng bà. Bà chia sẻ thêm rằng bà không được biết thông tin gì từ chồng nhưng theo tuyên bố cuối cùng của ông Nguyễn Tường Thụy tại phiên tòa sơ thẩm yêu cầu "trả hồ sơ để điều tra bổ sung", bà tin rằng ông sẽ kháng cáo. Và khi đó, bà mong tất cả các chính quyền, tổ chức bảo vệ nhân quyền lại một lần nữa lên tiếng. Bà nói :

"Chính trị ở nước ngoài tôi cũng không hiểu, nhưng tôi mong muốn Hoa Kỳ và tất cả các nước gây áp lực được cho tù nhân lương tâm hoặc tù nhân chính trị là một điều hết sức vui mừng. Ít ra thì cũng giảm án. Như chồng tôi năm nay 70 rồi, thế mà các ông kết tù thì sẽ không có ngày để trở về nhà nữa".

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 13/01/2021

Published in Diễn đàn
samedi, 23 juin 2018 22:33

Ai sẽ bảo vệ nhân quyền ?

Cách đây hơn 70 năm, một đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, qua những hành động ngoại giao khéo léo đã hướng dẫn một Liên Hiệp Quốc non trẻ đến một hành động quả cảm, chấp nhận một Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, khiến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân quyền là nguyên tắc căn bản cho việc điều hành chính trị thế giới.

nhanquyen1

Cho đến nay, chưa có một đệ nhất phu nhân nào vượt qua được danh tiếng và hình ảnh của Đệ nhất Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt. Ảnh Soha

Ngày nay hẳn không ai còn nhớ nhưng vào tháng Hai, 1946, đối diện với sự vi phạm trắng trợn nhân quyền của con người trong Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc thành lập một Ủy Hội Nhân Quyền.

Tổng thống Harry S. Truman cử cựu Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt làm đại diện cho Hoa Kỳ. Bà mang lại cho ủy hội một quyết tâm vững chãi cho nhân phẩm con người và lòng trắc ẩn, kinh nghiệm lâu năm trong chính trị và vận động, và sự quan tâm mới của bà cho những người tị nạn sau thế chiến. Bà được bầu làm chủ tịch hội đồng.

Bà thúc đẩy việc soạn thảo Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền, đích thân viết một phần, và giúp làm sao cho ngôn ngữ trực tiếp, rõ ràng, và tập trung vào nhân phẩm con người. Bà cũng tốn nhiều thời giờ vận động các lãnh tụ Hoa Kỳ và quốc tế, lập luận chống lại những đối thủ và tìm cách thúc đẩy sự hăng say từ những người bạn.

Nhờ cố gắng vượt bực của bà, vào ngày 10 tháng Mười Hai, 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng chấp thuận một nghị quyết ủng hộ Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền. Trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng, bà nói :

"Chúng ta đang đứng ở đây ở ngưỡng cửa của một biến cố to lớn trong cuộc đời của Liên Hiệp Quốc và trong cuộc đời của toàn nhân loại. Bản tuyên ngôn này có thể trở thành bản Magna Carta quốc tế (vốn được coi là hiến pháp đầu tiên trong đó quyền của quân vương nằm dưới quyền của người dân) cho mọi con người ở mọi nơi. Chúng tôi hy vọng tuyên bố của Đại Hội Đồng sẽ là một biến cố có thể so sánh với bản tuyên ngôn năm 1789 (bản tuyên ngôn về Quyền Công Dân của Pháp), việc thông qua Tu Chính Án Thứ Nhất tức là các luật lệ về quyền của nhân dân Hoa Kỳ, và sự công nhận của những tuyên ngôn ở các thời đại khác nhau ở các quốc gia khác nhau".

Và trong cuộc tranh đấu để dành nhân quyền, nhiều triệu người đã dành được tự do nhiều hơn, có trường học tốt hơn, có hệ thống y tế đáng tin cậy hơn, và có nhiều cơ hội để một người có thể trở thành bất cứ gì mình mơ ước.

Ấy vậy mà hôm nay, cao ủy trưởng nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al Hussein than thở mới hôm tháng rồi :

"Nhân quyền đang bị trấn áp trên toàn thế giới – không còn là một ưu tiên : nó trở thành một đứa con ghẻ bị bỏ rơi. Chính nghĩa của các nguyên tắc nhân quyền đang bị tấn công. Việc thi hành những tiêu chuẩn nhân quyền nay đang lùi bước".

Các chính phủ từ Miến Điện đến Syria, từ Hungary đến Ai Cập, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines qua Việt Nam, đang chà đạp lên những quyền đã khó khăn mới đạt được và như ông Kenneth Roth, tổng quản trị của Human Rights Watch nhận xét : "Các cường quốc Tây phương đã không làm nổi việc bênh vực cho nhân quyền".

Và với các nhà cầm quyền theo chủ thuyết dân túy, những nhà cai trị độc tài tăng cường kiểm soát quyền lực bằng cách làm yếu đi chế độ pháp trị vốn là nền tảng mà không có nó thì nhân quyền khó tồn tại, họ sẽ chiến thắng trừ phi những người tôn trọng nhân quyền phải bênh vực giá trị của mình hăng say hơn nữa.

Mà thực vậy, trong một số trường hợp chính các nhà cầm quyền ngay cả ở các quốc gia dân chủ đang bất kể những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã lên án cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn chính phủ các quốc gia Âu Châu cho cách họ quay lưng lại hay bỏ tù người tị nạn và di dân kinh tế.

Đã có thời, những quan ngại nhân quyền có thể dẫn đến can thiệp quân sự : Liên minh NATO đã can thiệp ở Kosovo năm 1998 để đe dọa một đợt thanh trừng sắc tộc bởi chính phủ Serbia. Và họ có thể tạo công lý : đó là năm mà Tòa Hình Sự Quốc Tế được thành lập để cáo buộc và trừng phạt những tội đối với nhân loại mà thế giới không kịp cản trở.

Hai mươi năm sau, hình ảnh khác hẳn. Quân đội Miến Điện trục xuất 700.000 người Rohingya ra khỏi quê hương của họ năm ngoái, nhưng không có đến một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án sự tàn nhẫn này và không có một vụ khởi tố nào từ Tòa Hình Sự Quốc Tế, chứ đừng nói đến hành động bảo vệ cho thiểu số dân theo Hồi giáo. Trung Quốc đã chặn mọi sáng kiến ngoại giao.

Cũng vậy, những hành vi tàn nhẫn của chính phủ Syria trong cuộc nội chiến dã man đã hoàn toàn không bị trừng phạt và không bị Liên Hiệp Quốc lên án, vì Nga bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad khỏi chỉ trích và khởi tố.

Và sự tấn công bất kể của lực lượng do Saudi Arabia cầm đầu chống lại phe nổi dậy ở Yemen đã giết biết bao nhiêu thường dân vô tộc, cũng chẳng thấy được nhắc nhở đến, bởi vì Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Ở Philippines, ở Việt Nam, ở Jerusalem, nhà cầm quyền đã hành động bất chấp những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền và sinh mạng của những người dân đã bị vi phạm mà không ai thèm hỏi han.

Sự thiếu hành động của các chính phủ đã đi song song với sự chai cứng trong phản ứng của người dân. Một cuộc thăm dò mới đây 11.000 người ở 12 quốc gia của một tổ chức phi chính phủ cho thấy 61% nói họ quá tải khủng hoảng, và chỉ có 36% nghĩ là bảo vệ trẻ em và 24% nghĩ là bảo vệ phụ nữ là một ưu tiên cấp bách về nhân quyền.

Vì những quyền lợi chiến lược, Hoa Kỳ đã có lúc bảo vệ những nhà độc tài vì họ là đồng minh trong một cuộc chiến khác. Nhưng ít nhất trên nguyên tắc, chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ vai trò là kẻ tranh đấu và bênh vực cho nhân quyền. Chả thế mà hằng năm Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có một bản phúc trình về nhân quyền trên thế giới.

Nhưng Tổng thống Donald Trump, vốn hôm tuần rồi rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có vẻ ít để ý đến nhân quyền nhất. Cho đến nay, ông vẫn chưa bổ nhiệm một phụ tá ngoại trưởng phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động. Trong lời nói, trong những tweet, ông thường dành những chỉ trích tệ hại nhất cho những lãnh tụ dân chủ Tây phương trong khi ca ngợi những nhà độc tài.

Sau khi họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Bắc Hàn, ông đã gạt sang một bên thành tích nhân quyền tệ hại của Bắc Hàn bảo nó "thô bạo" nhưng không tệ hơn nhiều nước khác. Gặp gỡ hôm tháng Mười Một với Tổng thống Rodrigo Duterte, người mà cuộc chiến chống ma túy đã khiến nhiều ngàn người bị giết không xét xử, tổng thống nói đến "một liên hệ vĩ đại" với ông Duterte và không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền.

Ở trong nước, chính sách di dân của tổng thống đi ngược lại với luật lệ quốc tế ở nhiều điểm, đặc biệt là tuyên ngôn của ông là "Hoa Kỳ sẽ không là một nơi chứa người tị nạn", mặc dầu Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý, theo Phụ Đính năm 1967 của Công Ước Về Dân Tị Nạn năm 1951, cho nương thân những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp.

Cường quốc số một của thế giới, Hoa Kỳ, như vậy "đã tự vắng mặt" bởi vì còn quá bận tâm đến những nghị trình mị dân, bởi vì đã bị mất uy tín và quyền lợi trong việc thúc đẩy nhân quyền trên phần còn lại của thế giới.

Nhưng như ông Roth của Human Rights Watch khẳng định : "Chúng ta phải nhắc nhở mọi người là khi để cho chính quyền chọn ai có quyền hôm nay, nó có thể là một nhóm thiểu số là nạn nhân, nhưng ngày mai nó có thể là bạn".

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 23/06/2018

Published in Diễn đàn