Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2018

Ai sẽ bảo vệ nhân quyền ?

Lê Phan

Cách đây hơn 70 năm, một đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, qua những hành động ngoại giao khéo léo đã hướng dẫn một Liên Hiệp Quốc non trẻ đến một hành động quả cảm, chấp nhận một Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, khiến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân quyền là nguyên tắc căn bản cho việc điều hành chính trị thế giới.

nhanquyen1

Cho đến nay, chưa có một đệ nhất phu nhân nào vượt qua được danh tiếng và hình ảnh của Đệ nhất Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt. Ảnh Soha

Ngày nay hẳn không ai còn nhớ nhưng vào tháng Hai, 1946, đối diện với sự vi phạm trắng trợn nhân quyền của con người trong Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc thành lập một Ủy Hội Nhân Quyền.

Tổng thống Harry S. Truman cử cựu Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt làm đại diện cho Hoa Kỳ. Bà mang lại cho ủy hội một quyết tâm vững chãi cho nhân phẩm con người và lòng trắc ẩn, kinh nghiệm lâu năm trong chính trị và vận động, và sự quan tâm mới của bà cho những người tị nạn sau thế chiến. Bà được bầu làm chủ tịch hội đồng.

Bà thúc đẩy việc soạn thảo Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền, đích thân viết một phần, và giúp làm sao cho ngôn ngữ trực tiếp, rõ ràng, và tập trung vào nhân phẩm con người. Bà cũng tốn nhiều thời giờ vận động các lãnh tụ Hoa Kỳ và quốc tế, lập luận chống lại những đối thủ và tìm cách thúc đẩy sự hăng say từ những người bạn.

Nhờ cố gắng vượt bực của bà, vào ngày 10 tháng Mười Hai, 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng chấp thuận một nghị quyết ủng hộ Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền. Trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng, bà nói :

"Chúng ta đang đứng ở đây ở ngưỡng cửa của một biến cố to lớn trong cuộc đời của Liên Hiệp Quốc và trong cuộc đời của toàn nhân loại. Bản tuyên ngôn này có thể trở thành bản Magna Carta quốc tế (vốn được coi là hiến pháp đầu tiên trong đó quyền của quân vương nằm dưới quyền của người dân) cho mọi con người ở mọi nơi. Chúng tôi hy vọng tuyên bố của Đại Hội Đồng sẽ là một biến cố có thể so sánh với bản tuyên ngôn năm 1789 (bản tuyên ngôn về Quyền Công Dân của Pháp), việc thông qua Tu Chính Án Thứ Nhất tức là các luật lệ về quyền của nhân dân Hoa Kỳ, và sự công nhận của những tuyên ngôn ở các thời đại khác nhau ở các quốc gia khác nhau".

Và trong cuộc tranh đấu để dành nhân quyền, nhiều triệu người đã dành được tự do nhiều hơn, có trường học tốt hơn, có hệ thống y tế đáng tin cậy hơn, và có nhiều cơ hội để một người có thể trở thành bất cứ gì mình mơ ước.

Ấy vậy mà hôm nay, cao ủy trưởng nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al Hussein than thở mới hôm tháng rồi :

"Nhân quyền đang bị trấn áp trên toàn thế giới – không còn là một ưu tiên : nó trở thành một đứa con ghẻ bị bỏ rơi. Chính nghĩa của các nguyên tắc nhân quyền đang bị tấn công. Việc thi hành những tiêu chuẩn nhân quyền nay đang lùi bước".

Các chính phủ từ Miến Điện đến Syria, từ Hungary đến Ai Cập, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines qua Việt Nam, đang chà đạp lên những quyền đã khó khăn mới đạt được và như ông Kenneth Roth, tổng quản trị của Human Rights Watch nhận xét : "Các cường quốc Tây phương đã không làm nổi việc bênh vực cho nhân quyền".

Và với các nhà cầm quyền theo chủ thuyết dân túy, những nhà cai trị độc tài tăng cường kiểm soát quyền lực bằng cách làm yếu đi chế độ pháp trị vốn là nền tảng mà không có nó thì nhân quyền khó tồn tại, họ sẽ chiến thắng trừ phi những người tôn trọng nhân quyền phải bênh vực giá trị của mình hăng say hơn nữa.

Mà thực vậy, trong một số trường hợp chính các nhà cầm quyền ngay cả ở các quốc gia dân chủ đang bất kể những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã lên án cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn chính phủ các quốc gia Âu Châu cho cách họ quay lưng lại hay bỏ tù người tị nạn và di dân kinh tế.

Đã có thời, những quan ngại nhân quyền có thể dẫn đến can thiệp quân sự : Liên minh NATO đã can thiệp ở Kosovo năm 1998 để đe dọa một đợt thanh trừng sắc tộc bởi chính phủ Serbia. Và họ có thể tạo công lý : đó là năm mà Tòa Hình Sự Quốc Tế được thành lập để cáo buộc và trừng phạt những tội đối với nhân loại mà thế giới không kịp cản trở.

Hai mươi năm sau, hình ảnh khác hẳn. Quân đội Miến Điện trục xuất 700.000 người Rohingya ra khỏi quê hương của họ năm ngoái, nhưng không có đến một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án sự tàn nhẫn này và không có một vụ khởi tố nào từ Tòa Hình Sự Quốc Tế, chứ đừng nói đến hành động bảo vệ cho thiểu số dân theo Hồi giáo. Trung Quốc đã chặn mọi sáng kiến ngoại giao.

Cũng vậy, những hành vi tàn nhẫn của chính phủ Syria trong cuộc nội chiến dã man đã hoàn toàn không bị trừng phạt và không bị Liên Hiệp Quốc lên án, vì Nga bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad khỏi chỉ trích và khởi tố.

Và sự tấn công bất kể của lực lượng do Saudi Arabia cầm đầu chống lại phe nổi dậy ở Yemen đã giết biết bao nhiêu thường dân vô tộc, cũng chẳng thấy được nhắc nhở đến, bởi vì Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Ở Philippines, ở Việt Nam, ở Jerusalem, nhà cầm quyền đã hành động bất chấp những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền và sinh mạng của những người dân đã bị vi phạm mà không ai thèm hỏi han.

Sự thiếu hành động của các chính phủ đã đi song song với sự chai cứng trong phản ứng của người dân. Một cuộc thăm dò mới đây 11.000 người ở 12 quốc gia của một tổ chức phi chính phủ cho thấy 61% nói họ quá tải khủng hoảng, và chỉ có 36% nghĩ là bảo vệ trẻ em và 24% nghĩ là bảo vệ phụ nữ là một ưu tiên cấp bách về nhân quyền.

Vì những quyền lợi chiến lược, Hoa Kỳ đã có lúc bảo vệ những nhà độc tài vì họ là đồng minh trong một cuộc chiến khác. Nhưng ít nhất trên nguyên tắc, chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ vai trò là kẻ tranh đấu và bênh vực cho nhân quyền. Chả thế mà hằng năm Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có một bản phúc trình về nhân quyền trên thế giới.

Nhưng Tổng thống Donald Trump, vốn hôm tuần rồi rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có vẻ ít để ý đến nhân quyền nhất. Cho đến nay, ông vẫn chưa bổ nhiệm một phụ tá ngoại trưởng phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động. Trong lời nói, trong những tweet, ông thường dành những chỉ trích tệ hại nhất cho những lãnh tụ dân chủ Tây phương trong khi ca ngợi những nhà độc tài.

Sau khi họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Bắc Hàn, ông đã gạt sang một bên thành tích nhân quyền tệ hại của Bắc Hàn bảo nó "thô bạo" nhưng không tệ hơn nhiều nước khác. Gặp gỡ hôm tháng Mười Một với Tổng thống Rodrigo Duterte, người mà cuộc chiến chống ma túy đã khiến nhiều ngàn người bị giết không xét xử, tổng thống nói đến "một liên hệ vĩ đại" với ông Duterte và không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền.

Ở trong nước, chính sách di dân của tổng thống đi ngược lại với luật lệ quốc tế ở nhiều điểm, đặc biệt là tuyên ngôn của ông là "Hoa Kỳ sẽ không là một nơi chứa người tị nạn", mặc dầu Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý, theo Phụ Đính năm 1967 của Công Ước Về Dân Tị Nạn năm 1951, cho nương thân những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp.

Cường quốc số một của thế giới, Hoa Kỳ, như vậy "đã tự vắng mặt" bởi vì còn quá bận tâm đến những nghị trình mị dân, bởi vì đã bị mất uy tín và quyền lợi trong việc thúc đẩy nhân quyền trên phần còn lại của thế giới.

Nhưng như ông Roth của Human Rights Watch khẳng định : "Chúng ta phải nhắc nhở mọi người là khi để cho chính quyền chọn ai có quyền hôm nay, nó có thể là một nhóm thiểu số là nạn nhân, nhưng ngày mai nó có thể là bạn".

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 23/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)