Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 08 novembre 2020 21:40

Trang sử Donald Trump đang khép lại

Cuộc bầu cử lịch sử của nước Mỹ với hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đã kết thúc, chiến thắng thuộc về Joe Biden. Với tỉ lệ cách biệt khá lớn như hiện nay cho Biden (290/214 phiếu đại cử tri, 75/70 triệu phiếu phổ thông) thì cơ hội dành cho Donald Trump gần như là số không.

Cuộc chơi đã kết thúc nhưng Donald Trump vẫn chưa chịu nhìn nhận thất bại, ông đang lên kế hoạch kiện tụng trong thời gian tới. Lý do cũng không quá khó hiểu. Rất nhiều vấn đề rắc rối với luật pháp đang chờ ông ở phía trước, sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống. Các bê bối liên quan đến tiền bạc, thuế má, nợ nần đang bủa vây Donald Trump. Nặng thì có thể đi tù, nhẹ thì cũng phá sản về tiền bạc.

Bất ngờ lớn nhất trong cuộc bầu cử này là những người ủng hộ Donald Trump không hề giảm đi mà thậm chí còn tăng lên. Tại sao ? Đây là câu hỏi làm đau đầu nhiều cơ quan nghiên cứu và thăm dò Mỹ. Cách giải thích rằng Trump vẫn còn sức hút và sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trường Mỹ sau khi không còn là tổng thống có vẻ… không thuyết phục.

Theo chúng tôi thì có mấy lý do :

Donald Trump đã tạo ra tâm lý nội chiến

Nước Mỹ chia thành hai khối, một bên là khối người da trắng và một bên là khối người da màu. Nước Mỹ hình thành do công lao của đa số những người da trắng nhưng theo thời gian, số người da màu đã tăng lên và sắp bằng người da trắng. Nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ. Mâu thuẫn đó đã được Donald Trump khai thác triệt để. Chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ trầm trọng như dưới thời Donald Trump. Người Mỹ chia thành "phe ta - phe địch" và không thể đối thoại với nhau. Nhiều người Mỹ da trắng không ưa Trump nhưng vẫn bỏ phiếu cho Trump vì đó là "phe ta".

biden-1

Chưa bao giờ nước Mỹ chia rẽ trầm trọng như dưới thời Donald Trump.

Phong trào BLM và bà Kamala Harris có tác dụng ngược

Nạn kì thị chủng tộc đã thổi bùng lên phong trào BLM (Black Lives Matter - Mạng sống của người da đen cũng quan trọng) sau cái chết của anh da đen George Floyd. Dù sự phản kháng này là hoàn toàn chính đáng nhưng đã làm cho nhiều người da trắng không hài lòng. Với họ thì nước Mỹ là của họ, do cha ông họ kiến tạo nên. Những người da đen (và da màu) trước đây chỉ là công dân hạng hai thì nay đã có mọi quyền lợi như họ. Vậy vai trò và tiếng nói của họ ở đâu ?

Joe Biden đã có một quyết định mạo hiểm khi chọn bà Kamala Harris cùng liên danh. Bà Harris là một người di dân da màu, bà đã nhanh chóng đạt được mọi thành công dù gốc gác không hề liên quan gì với nước Mỹ. Tính cách của bà Harris mạnh mẽ và hãnh tiến vì bà là một thẩm phán, chuyên buộc tội người khác hơn là lắng nghe và chia sẻ. Sau BLM thì bà Harris là một lưỡi dao ngoáy vào vết thương lòng của những người Mỹ da trắng bảo thủ. Nếu thay bà Harris bằng một người khác thì chiến thắng của Biden sẽ lớn hơn rất nhiều. Muốn hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ thì bà Harris phải hết sức khiên tốn và thấu hiểu được nỗi lòng của những người da trắng bảo thủ.

Cảm giác "mất nước" của nhiều người da trắng

Nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong 50 năm qua. Thời của bố ông Obama vẫn chưa có quyền bầu cử. Nước Mỹ đang chuyển hóa từ quốc gia của người da trắng thành đất nước của đa số da màu. Những người da trắng cấp tiến ở thành phố và đô thị lớn thì cảm thấy bình thường nhưng ở các vùng nông thôn thì không, họ cảm thấy bị "mất nước". Không phải ai ủng hộ Trump cũng đều phân biệt chủng tộc, nhiều người trong họ rất tốt và giúp đỡ nhiệt tình những người khác dù vậy trong sâu thẳm tâm hồn họ cảm thấy nước Mỹ không còn là của họ nữa.

Việc nước Mỹ thay đổi sâu sắc trong đó có việc số người da màu sắp bằng hoặc vượt người da trắng là tất yếu và không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên nền chính trị truyền thống của Mỹ đã tụt hậu, không theo kịp thời đại trong khi đáng ra phải vượt lên trước để hướng dẫn quần chúng. Cảm giác bị mất nước và bị bỏ lại đằng sau khiến người da trắng dồn phiếu cho Donald Trump. Trump không phải là tai nạn của nước Mỹ mà là một sự phản kháng của những người da trắng bảo thủ.

Các phiên tòa sắp tới sẽ phơi bày sự thật về Donald Trump

Luật pháp Mỹ miễn truy tố cho đương kim tổng thống vì thế sau khi rời khỏi chức vị tối cao, Trump có thể phải đối mặt với nhiều phiên tòa và cáo buộc. Các phiên tòa đó sẽ nhanh chóng phơi bày sự giả dối, thủ đoạn và bất lương của Trump. Ông ta sẽ nhanh chóng mất hết uy tín và sớm chìm vào quên lãng. Những người bỏ phiếu cho Trump không phải vì yêu mến ông ta mà vì nhìn thấy ông như là một công cụ để bày tỏ sự bất mãn. Công cụ đó chỉ có tác dụng khi đang còn quyền lực, nó sẽ bị vứt vỏ không thương tiếc khi hết giá trị.

biden-2

Các cáo buộc về gian lận thuế má, tiền bạc, nợ nần đang bủa vây Donald Trump

Ông Joe Biden phải có những nỗ lực thực tâm và rất lớn mới có thể hòa giải được người dân Mỹ với nhau cũng như hòa giải nước Mỹ với thế giới. Chấm dứt đại dịch Covid-19 để khôi phục nền kinh tế Mỹ cũng là hai thách thức lớn đang chờ Biden ở phía trước.

Đúc rút kinh nghiệm từ nước Mỹ

Trái với ý kiến cho rằng Việt Nam là một nước nhỏ vì vậy chỉ nên tập trung lo cho mình thay vì quan tâm đến thế giới của một số người thì chúng tôi cho rằng vì Việt Nam nhỏ và rất phụ thuộc vào thế giới nên càng phải hiểu biết về thế giới, đặc biệt là Mỹ. Mọi quyết định lớn nhỏ của Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỹ và EU là hai thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và cũng là hai đối tác có khả năng tạo ra hòa bình và ổn định trên thế giới và trên Biển Đông.

Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dành cho nước Mỹ một quan tâm đặc biệt là vì thế. Việc chúng tôi phê phán và chỉ trích Donald Trump không phải vì ông ta sẽ thắng cử hay không mà vì ông ta đi ngược lại với các giá trị đạo đức mà những người làm chính trị phải có. Donald Trump không phải là một người dân chủ, ông là một chính khách dân túy. Phản đối ông ấy, với chúng tôi là rất giản dị và tự nhiên. Tập Hợp đề cao các giá trị đạo đức, sự hiểu biết về chính trị và tấm lòng bao dung đối với con người.

Trong một status mới nhất, ông Nguyễn Gia Kiểng viết : "Vai trò và trách nhiệm của một người lãnh đạo quốc gia chỉ có thể là đoàn kết dân tộc, tạo phồn vinh và hạnh phúc cho đất nước mình và đóng góp cho một thế giới hòa bình, thân thiện và thịnh vượng. Như vậy người lãnh đạo quốc gia phải có kiến thức rất sâu rộng, phải có đạo đức và tình thương yêu đối với dân tộc mình và cả nhân loại. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi mà chủ nghĩa cộng sản và dân túy đang lộng hành, người lãnh đạo quốc gia cũng phải là người lấy các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền làm lý tưởng".

Lập trường của Tập Hợp là "dân chủ đa nguyên, đấu tranh bất bạo động, có tổ chức và hòa giải dân tộc"… vì vậy chúng tôi sẽ lên án các tổ chức chủ trương dùng bạo lực lật đổ chế độ cộng sản. Chúng tôi phản đối chủ nghĩa nhân sĩ, những người tranh đấu một mình không có tổ chức. Chúng tôi lên án sự chia rẽ dân tộc bằng cách kích động hận thù hay vùng miền, tôn giáo… Theo chúng tôi, những phương pháp đó vừa nguy hiểm vừa không có kết quả. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với những ý kiến khác biệt trên tinh thần cầu thị và lắng nghe.

Đạo đức và lẽ phải là vũ khí của chúng tôi để chống lại sự dối trá và độc tài của đảng cộng sản. Chúng tôi sẽ bảo vệ và xem đó là lựa chọn sống còn của phong trào dân chủ Việt Nam.

biden-3

Một tin vui nữa là Putin sắp rời chính trường vì căn bệnh Parkinson

Bài học quan trọng rút ra từ nước Mỹ là chúng ta sẽ từ chối mô hình chính trị "tổng thống chế". Nước Mỹ với một nền dân chủ hàng đầu và hùng mạnh nhất thế giới suốt hai thế kỷ qua đã chao đảo dưới thời Donald Trump. Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào một người nên hậu quả tự nhiên của nó là vô hiệu hóa và làm tan nát các chính đảng. Hậu quả tiếp theo là tư tưởng chính trị và dân trí xuống cấp, bởi vì các chính đảng vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến vừa là cỗ xe chuyên chở các ý kiến tới quần chúng. Trên thực tế Mỹ hiện nay không còn các chính đảng. Đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ còn là những bộ máy gây quỹ và tranh cử.

Chính trị là bộ môn tổng hợp của các bộ môn, người làm chính trị phải có kiến thức tổng hợp về mọi lĩnh vực. Donald Trump hoàn toàn không có kiến thức về chính trị. Ông ta sẽ phải trả giá cho việc làm mạo hiểm của mình. Lẽ ra ông ta không nên tham gia vào chính trường. Chính trị không phải là một trò chơi, càng không phải là một canh bạc đỏ đen.

Thế giới, đặc biệt là các nước đồng minh của Mỹ đều thở phào nhẹ nhõm khi Joe Biden đắc cử. Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ rất lớn và quan trọng trong liên minh dân chủ toàn cầu. Một tin vui nữa là Putin sắp rời chính trường vì căn bệnh Parkinson. Nước Nga sẽ có dân chủ, Trung Quốc càng trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Việt Nam chỉ còn một cách duy nhất là chuyển hóa nhanh chóng về dân chủ.

Việt Hoàng

(08/11/2020)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Cho tới thời điểm này, thì có mọi triển vọng là Joe Biden sẽ thắng Donald Trump, sau khi vượt lên tại các bang chiến trường như Arizona, Georgia, Pennsylvania (trong khi đó bang Nevada đã được dự báo gần như chắc chắn sẽ thuộc về đảng Dân chủ).

joe1

Cho tới thời điểm này, có mọi triển vọng là Joe Biden sẽ thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ - Ảnh minh họa 

Với những diễn biến phức tạp như hiện nay, người ta đang kì vọng vào một sự kết thúc càng sớm càng tốt, sau khi tình hình bầu cử ở nước Mỹ đang dần đi đến trạng thái xâu xé nhau, từ nội chiến trong tinh thần đang có nguy cơ bùng phát thành bạo loạn trong thực tế. Hiến pháp Mỹ cho phép người dân sở hữu súng và theo thống kê thì trong cả nước, người dân đang sở hữu khoảng 400 triệu khẩu súng. Con số thực có thể cao hơn nhiều.

Theo khảo sát thì hơn 80% người ủng hộ cho đảng Cộng hòa thì nói "tụi Dân chủ không đáng tin, hợm hĩnh". Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ cho đảng Dân chủ thì nhìn xuống mỉa mai "đám Cộng hòa là tụi ít học, phân biệt chủng tộc, bảo thủ". Người ủng hộ đảng Dân chủ, người ủng hộ đảng Cộng hòa, giống như những người bạn vong niên chỉ khác biệt lý tưởng về xã hội nhưng gắn kết với nhau về những giá trị nền tảng, đã trở thành hai người hàng xóm ghét nhau đến cực độ. Tệ hại hơn, trực giác đã lấn át hoàn toàn lý trí, lý lẽ nhường chỗ cho "chúng ta và chúng nó". Người ta có thể ví von như hai người vừa bịt tai để khỏi phải nghe đối phương, vừa hét vào mặt nhau một cách đầy thù hằn.

Cũng giống như nhiều người, tôi theo dõi tình hình bầu cử Mỹ trong trạng thái rất lo âu. Trước hết là vì một sự quan tâm đặc biệt dành cho nước Mỹ. Nước Mỹ hiện tại là một siêu cường trên thế giới, tổng GDP quốc gia tương đương 20.000 tỷ đô la, tương đương 1/5 tổng sản lượng kinh tế thế giới. Dù muốn hay không, thì quốc gia nào cũng có những vấn đề Hoa Kỳ của riêng mình. Thậm chí, văn hóa Mỹ, Hollywood, thời trang, Fast-food, quần Jean và Coca… len lỏi vào từng ngóc ngách, vào sự vô thức của từng cá nhân mà nhiều khi chúng ta không ý thức được một cách đầy đủ. Quan trọng hơn, Việt Nam là một nước rất lệ thuộc vào thế giới. Thống kê trong năm 2019, tổng ngoại thương của Việt Nam (nhập khẩu+xuất khẩu) là hơn 500 tỷ đô la. Trong đó Mỹ và Châu Âu là hai khối khách hàng nhập khẩu lớn nhất, lần lượt 46,4 tỷ USD, EU gần 27 tỷ USD. Việt Nam đang đối mặt với một trình trạng rất phức tạp trên Biển Đông, trước sự thách thức đường lưỡi bò đầy ngang ngược của Trung Quốc, mà sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, sẽ là một sự đảm bảo ổn vững cho an ninh khu vực.

Tôi cũng đọc những ý kiến như : "Tại sao chuyện bầu cử Mỹ xa xôi phải quan tâm, trong khi miền Trung đang gặp bão lụt", "ăn rau muống, nói chuyện quốc tế", "chuyện chính trị ở Việt Nam thì không có lời nào trong khi lo chuyện đâu đâu"… Theo tôi, ai cũng có quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Việc không có một thái độ nào trước một vấn đề cụ thể, tự nó cũng là một thái độ. Tôi nhớ ông Yuval Noah Harari - một nhà sử học rất nổi tiếng đã viết hai quyển "Lược sử loài người" (Homo Sapien) và "Lược sử tương lai" (Homo Deus), trong một lần thuyết trình ở TED Talk, đã đại để nói như sau :

"Nếu bỏ một người bình thường và một con tinh tinh (chimpanzee) lên một hòn đảo hoang sơ, tôi có thể đánh cuộc là con tinh tinh có khả năng sống sót cao hơn con người bất kì nào vì nó có những kĩ năng sinh tồn cao hơn chúng ta. Sở dĩ loài người đã trở thành sinh vật thống trị trên trái đất này không phải là vì chúng ta thông minh hơn, khỏe hơn con tinh tinh, hay bất kì loài vật nào khác. Điều tạo nên sự đặc biệt của loài người đó là khả năng kết hợp trên qui mô lớn. Nếu để 10 con tinh tinh lại với nhau, chúng sẽ được gọi là một đàn tinh tinh. Nhưng nếu để 1.000 con tinh tinh lại với nhau, mọi thứ sẽ ngay lập tức hỗn loạn và dẫn đến bạo lực. Nhưng loài người, với khả năng ngôn ngữ và khả năng kết hợp, đã tạo ra những liên minh hàng nghìn, hàng triệu người ở mức độ hết sức tinh vi. Tất cả được tóm gọn lại trong cụm từ "civil society", "xã hội dân sự". Con người, đúng hơn là một sinh vật xã hội".

Nói đúng hơn lời của Yuval Noah Harari, thì phải dẫn lại lời của Socrates, một triết gia nổi tiếng của nhân loại : Con người về bản chất là một sinh vật chính trị.

Nhưng trước hết là những phản biện rất cụ thể :

"Tại sao bầu cử Mỹ xa xôi phải quan tâm, trong khi miền Trung đang gặp bão lụt" ? Đây là một câu hỏi với quan niệm sai của người hỏi. Đây không phải là một dạng lý thuyết của trò chơi có tổng số bằng 0 (zero-sum game). Bạn vừa có thể quan tâm đến bầu cử Mỹ, vừa có thể bày tỏ lòng trắc ẩn và hướng về miền Trung.

"Ăn rau muống, nước mắm mà đi nói chuyện quốc tế" : Việt Nam là một nước nhỏ và rất lệ thuộc vào các biến động quốc tế, trái với suy nghĩ chỉ đóng cửa lo việc nhà mình đừng quan tâm ai, chúng ta là một dân tộc đặc biệt cần hiểu biết về thế giới. Một anh nhà giàu như nước Mỹ có thể không cần quan tâm đến thế giới, nhưng một cậu học sinh nghèo như Việt Nam thì cần phải đặc biệt cố gắng tìm hiểu và theo dõi mọi diễn biến quốc tế. Dù thực tế đã phủ định, ngay cả nước Mỹ cho tới thời điểm hiện tại cũng đã mất luôn đặc quyền đó, nước Mỹ cũng rất cần quan tâm đến thế giới.

"Chuyện chính trị ở Việt Nam thì không có lời nào, trong khi đó toàn lo chuyện đâu đâu" : Trong một thế giới toàn cầu hóa và đan xen nhau chằng chịt những mối quan hệ như hiện nay, việc hiểu biết về thế giới tự nó cũng đã có lợi như khi tìm hiểu về chính đất nước mình.

Trở lại với chuyện bầu cử Mỹ

Thú thực, tôi đã rất lo âu khi theo dõi diễn biến ngày đầu tiên khi Donald Trump có triển vọng sẽ thắng. Trước khi bầu cử diễn ra, theo mọi khảo sát từ các hãng thông tấn, nghiên cứu uy tín, thì tỷ lệ dẫn điểm của Joe Biden trước Donald Trump luôn duy trì ở mức 8-10 điểm. Có nghĩa là 90% cơ hội Joe Biden sẽ thắng cử. Nhưng sau khi ngày đầu tiên diễn ra, cơ hội này sụt xuống còn 55%. Sự kiện số lượng cử tri phổ thông đi bầu cho Donald Trump không những không giảm xuống, mà còn tăng lên một cách kỷ lục, hơn 5 triệu cử tri so với năm 2016 tự nó đã nói lên nhiều điều.

Sau đó, Donald Trump đã viết lên Twitter mình đã thắng cử tại các bang Pennsylvania, North Carolina, Georgia. Twitter sau đó đã dán nhãn cảnh báo và phải ẩn đi nội dung này vì việc đếm phiếu còn chưa ngã ngũ. Vì diễn biến Covid-19 phức tạp, nên rất nhiều người chọn hình thức đi bầu khiếm diện qua thư trong năm nay. Theo những khảo sát, thì những người đi bầu qua thư và nằm ở các hạt (county) đô thị thường có xu hướng ủng hộ cho đảng Dân chủ.

Sau khi thắng ngoạn mục ở Michigan và Arizona, cho tới thời điểm này sau khi việc kiểm phiếu gần hoàn tất, thì gần như chắc chắn Biden sẽ thắng luôn ở Pennsylvania và Georgia, cũng như có nhiều triển vọng tại North Carolina. Đến đây, xin phép mở một dấu ngoặc đơn tại bang Arizona. Donald Trump đã làm một hành động rất sai và bậy là chỉ trích và mạt sát cố thượng nghị sĩ John McCain. Ông John McCain từng là một phi công trong chiến tranh Việt Nam và từng bị bắt, ở tù tại miền Bắc Việt Nam trước khi được trao trả. Sau đó, ông dành trọn vẹn sự tận tụy cho chính trị Mỹ. Ông làm thượng nghị sĩ nhiều năm tại bang Arizona và nhận được một sự kính trọng hết sức đặc biệt của người dân nơi đây. Chính ông cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt và hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa hai bên. Nhưng Donald Trump gọi ông ấy là loser, kẻ thất bại dù bản thân ông từng trốn lính.

joe2

Ông John McCain là thượng nghị sĩ nhiều năm tại bang Arizona và nhận được một sự kính trọng hết sức đặc biệt của người dân nơi đây và người Việt Nam trong và ngoài nước.

Cách suy nghĩ và hành động của Donald Trump có thể nói hoàn toàn theo trực giác và cảm nhận nên tôi cũng không rõ quan niệm về winner - kẻ chiến thắng, và loser - kẻ thất bại là ra sao nữa ! Tôi đã theo dõi nhiều phim tài liệu về Donald Trump và đọc nhiều bài báo về ông. Nhận xét cá nhân của tôi là ông là người có bản năng rất mạnh. Ông có cái duyên dáng, cái nét đẹp của một tài tử, của một diễn viên màn ảnh. Chương trình "The Apprenticeship", một chương trình truyền hình thực tế (reality show) với Trump đóng chính, rất nổi tiếng với câu nói "You’re fired" (Bạn bị sa thải). Đặc điểm của giới giải trí là họ có các cử chỉ, điệu bộ làm lôi cuốn đám đông nhưng sống trong một không gian ảo, phù phiếm, đầy danh vọng như vậy khiến họ gặp phải những hữu hạn của chính mình, họ không có thời gian để học hỏi chuyên sâu. Chính trị là vấn đề của mọi vấn đề, nó bao trùm lên mọi mặt của đời sống nên càng cần một cố gắng suy nghĩ tối đa của bản thân để học hỏi và tiến lên.

Theo lời kể của Mary Trump, cháu gái của ông, người vừa viết "Too much and never enough" (Quá nhiều và không bao giờ đủ) thì Donald Trump là một người hoàn toàn ái kỷ, yêu bản thân và cái tôi của mình một cách ghê gớm. Điều này một phần đến từ chính giáo dục của gia đình ông ấy. Sinh ra là con của một tỷ phú, người mẹ vì bị bệnh mà ít có thời gian chăm sóc con, nên ông lớn lên trong sự giáo dục hoàn toàn lạnh lùng và khắc nghiệt của người cha, một tỷ phú địa ốc rất thành công. Nhân sinh quan của ông Fred Trump, cũng như Donald Trump về thiện, ác, đúng, sai hoàn toàn khác với cách hiểu của đa số. Với Trump thì : "Cái gì có lợi cho ta là nó đúng !". Trên điểm này, có thể nói Donald Trump là một trong những thiểu số ít người may mắn trong xã hội nhưng ông cũng là nạn nhân của chính sự may mắn này. Sống theo nhân sinh quan này nên Donald Trump nói dối không ngượng miệng. Theo thống kê, trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã nói dối hơn 20.000 lần. Có những lần ông nói hôm nay thế này, thì hôm sau đã nói thế khác. Hôm trước ông khen Tập Cận Bình là một chủ tịch vĩ đại, hay "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên" với Kim Jong-un, lãnh đạo độc tài khét tiếng của Bắc Hàn… thì ngay lập tức, hôm sau ông lại đổi giọng là Trung Quốc gây mất thăng bằng thương mại, đe dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc…

Trở lại chính sách với Trung Quốc

Tôi sẽ bàn kĩ hơn về tình hình Trung Quốc bên dưới. Hình như tất cả những người ủng hộ cho ông Donald Trump, dù ở mức độ nào, cũng đều nhất trí với nhau trên một quan điểm chung rằng Donald Trump chống Trung Quốc, Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu Donald Trump tiếp tục đắc cử. Mặc cho những hành động hay lời nói thiếu trang nhã và sai sót của ông ấy, chúng ta vẫn phải ủng hộ Donald Trump…

Đây là một giải thích có phần hợp lý, vì Việt Nam, vốn có mối quan hệ địa lý, lịch sử cực kì phức tạp và gắn bó với Trung Quốc nên đương nhiên, tôi có thể hiểu được tâm lý và ý kiến này. Vậy chúng ta cần phân tích chính sách của Donald Trump đối với Trung Quốc trong 4 năm dưới nhiệm kỳ của mình.

Về quan hệ Mỹ - Trung

Đầu tiên ngay khi vừa lên nắm quyền, Donald Trump đã thực hiện lời hứa tranh cử của mình là rút Mỹ khỏi TPP (Hiệp định Đối tác Châu Á - Thái Bình Dương) với 12 nước thành viên, trong đó bao gồm Việt Nam. Dường như Donald Trump không rút được bài học nào của các đời tổng thống trước đó.

Vào năm 2008 khi vừa lên nắm quyền, Obama đã thực hiện lời hứa tranh cử là rút quân khỏi Iraq. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, chính quyền George Bush đã đổ quân vào Iraq và lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Vào thời điểm đó, cả Châu Âu, nhất là Pháp và Đức phản đối dữ dội, vì đang có những lợi ích kích tế với chính quyền Saddam Hussein. Sau khi tiêu tốn gần 1.000 tỷ đô la thì tình hình đã dần dần mang lại hiệu quả. Iraq đã đi vào ổn vững với một thể chế dân chủ mới. Nhưng chính trị gia Mỹ vốn dựa vào tâm lý dân chúng là chính. Giai đoạn 2008 người Mỹ đã chán Iraq, cũng như năm 1975 người Mỹ đã chán Việt Nam. Dám nói và dám làm có tác dụng mang lại cho người ta cái cảm giác ông đó, bà đó là người mạnh mẽ, quyết đoán. Nhưng nói sai đã rất nguy hại, còn làm sai trong chính trị có thể ảnh hưởng đến mạng sống của hàng triệu người. Quyết định hấp tấp của Obama đã để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, phong trào hồi giáo khủng bố cực đoan IS đã bùng lên dữ dội, dẫn đến thảm cảnh hàng trăm ngàn người mất mạng và cả triệu người lênh đênh trên biển xin tị nạn Châu Âu. Điểm tín nhiệm của Obama xuống thấp kỷ lục trong nhiệm kỳ đầu. Người ta đánh giá ông là một người có tâm hồn đẹp nhưng nhát sợ. Nhát sợ trước những bạo chúa chỉ là dại dột. Obama sau đó đã can thiệp lại vào Iraq, nhưng mọi sự đã rồi và còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay. Nhận diện tham vọng bá quyền của chính quyền Trung Quốc, nước Mỹ đã chủ động thiết lập hiệp định TPP (Trans-Pacific Partnership), mà ai cũng biết là Joe Biden, với hơn 10 năm làm chủ tịch ủy ban đối ngoại thượng viện và rất am hiểu thế giới, là kiến trúc sư chính. TPP là một khối gồm 12 nước, bao gồm 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới và vây bọc Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Lời cam kết của việc giảm thuế (tariffs) và cắt bỏ những luật lệ hành chính trong toàn khối 12 nước này sẽ là một thỏi nam châm đa phương mạnh mẽ để hút các nhà máy, xí nghiệp gia công ra khỏi Trung Quốc. Nhưng TPP không chỉ là kinh tế. Nó còn là một chiến lược vây bọc Trung Quốc trên biển. Việt Nam với địa lý và địa thế rất đặc biệt trên Biển Đông đã được ưu tiên nâng đỡ và đưa vào khối này. Nói một cách giản dị, khối các nước dân chủ lớn nhất như Mỹ và Nhật Bản muốn đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.

Nhưng Donald Trump đã thực hiện đúng lời hứa America First (Nước Mỹ trên hết).

TPP mất đi hẳn nội dung và trọng lượng để cô lập Trung Quốc. Sau đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục lãnh đạo và tiến tới đồng thuận về một hiệp định mới CTPP, mặc dù không có Hoa Kỳ tham gia. Donald Trump chủ trương triệt thoái. Tới đây, cũng phải giải thích thêm một nhận định đúng, nhưng có phần thái quá từ nhiều người Mỹ. Đó là sự "hy sinh vĩ đại" của nước Mỹ đối với thế giới, bây giờ thì họ mệt mỏi rồi nên không muốn làm nữa, chỉ muốn America First.

Có thật vậy không ?

Có nước nào mà không đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết ? Nước Mỹ vĩ đại vì dù với sức mạnh quân sự của họ, họ hoàn toàn không có tham vọng bá quyền hay áp đặt chế độ thuộc địa lên bất cứ nước trong suốt dòng lịch sử. Lịch sử khai sinh ra nước Mỹ vào năm 1776 có thể tạm tóm gọn trong câu "The land of the brave and the home of the free" (Đất của những người hùng và nhà của những người tự do). Đây là điều không ai phủ nhận. Mỗi năm ngân sách quốc phòng của nước Mỹ ở mức trên 750 tỷ đô-la, với các căn cứ quân sự hiện diện trên khắp thế giới. Vì lẽ đó, có một sự logic hợp lý khi đồng đô-la Mỹ (USD) trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế. Có nghĩa là, nếu một chính quyền một nước khác in tiền thì đất nước đó chịu lạm phát. Nhưng nếu FED của nước Mỹ in tiền, thì cả thế giới cùng chịu lạm phát và gánh cùng người Mỹ. Cái đặc quyền này đảm bảo rất nhiều lợi ích cho bộ máy kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ, với đỉnh điểm của những cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu là sẽ có thể "xóa bài làm lại", bail-out…

Chính Donald Trump, dù chủ trương triệt thoái vai trò của Mỹ với thế giới nhưng lại rất thực tiễn muốn giữ lại đặc quyền này. Bằng chứng là chi phí quốc phòng của Mỹ dưới thời Donald Trump thậm chí còn tăng lên, chứ không giảm.

Donald Trump chống Trung Quốc ?

Nền kinh tế Trung Quốc có tổng sản lượng khoảng 13.000 tỷ đô theo dữ liệu họ cung cấp. Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu qua Hoa Kỳ khoảng 450 tỷ đô la, trong khi đó nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là nông sản, khoảng 100 tỷ đô la. Trump tố cáo Trung Quốc gây mất thăng bằng thương mại và đòi hỏi một thỏa thuận tốt hơn, nếu không sẽ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Ban đầu là mức 10%, sau đó đe dọa lên tới 15-20%. Cứ tạm gọi những điều này thành hiện thực, thì 10% của 450 tỷ đô la là 45 tỷ đô la. Con số này rất khiêm tốn so với một nền kinh tế như Trung Quốc, bằng rất ít so với tiền lãi suất mà chính quyền Trung Quốc, cũng như các công ty và doanh nghiệp nhà nước của nó, có nghĩa vụ phải trả hàng năm. Trung Quốc đang oằn mình trên khối nợ khoảng 40.000 tỷ đô la. Nói theo ngạn ngữ Mỹ là "The last straw that broke the camel’s back" (Cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà). Chiến thuật của Donald Trump không chứng tỏ hiệu quả nào dù thực tế Trung Quốc đang tới đỉnh điểm của khủng hoảng.

Mức đánh thuế này không làm cho lượng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ ít đi, trái lại, còn tăng lên trong các năm tiếp theo. Người dân Mỹ phải gánh khoản thuế này. Chiến thuật xông pha, nói và làm của chính quyền Donald Trump không dẫn đến một kết quả nào. Nước Mỹ gây thương chiến với tất cả những đồng minh của mình là Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Điều này càng làm cho người Trung Quốc tự tin. Theo khảo sát của Asian Nikkei Review, thì người Trung Quốc mong Donald Trump thắng cử vì ông ấy làm nước Mỹ suy yếu trên trường quốc tế, là cơ hội để Trung Quốc mạnh lên và tiếp tục quảng bá chính sách "Vành Đai và Con Đường" của mình. Tệ hại hơn, đó là sự xói mòn niềm tin vào các giá trị dân chủ, tự do và đập phá tan hoang đi những liên minh lâu đời của phương Tây. Giữa cái muốn và cái phải làm đôi khi rất khác nhau. Muốn cô lập Trung Quốc, hay muốn các nhà máy, xí nghiệp, vốn đầu tư đi ra khỏi Trung Quốc thì nước Mỹ phải cần các đồng minh, chứ không thể đơn phương một mình. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên thuộc vào nhau như hiện nay. Hiệp định TPP đã là một dự án như vậy nhưng Donald Trump đã xé bỏ, bất chấp những khuyên ngăn từ các cố vấn của mình. Điều này cũng không lạ, vì ông khai thác được đám đông và lời hứa rút khỏi TPP cũng là một trong những lý do đưa ông tới Nhà Trắng. Một lý do nữa là Trump muốn xóa bỏ đi mọi dấu ấn của người tiền nhiệm Obama.

Triển vọng nào nếu Joe Biden lên nắm quyền ?

Thú thực, khi theo dõi diễn biến bầu cử Mỹ tôi đi từ bi quan đến một sự lạc quan tương đối. Dù đã đọc và theo dõi nhiều phim tài liệu về xã hội Mỹ nhưng tôi không nghĩ những vấn đề xã hội trong nước Mỹ lại khiến người ta chia rẽ đến mức như vậy.

Chris Hedges, một học giả uy tín, có viết như sau : "Beauty, greed, immortality… The nature of illusion desire of moment to make you feel good about yourself… sense of functions like a drug. Optimism no longer rooted in reality. Hope becomes something you express through illusion, it is not hope, it is fantasy". Tạm dịch : "Sự sùng bái cái đẹp, lòng tham, sự bất tử… Bản chất của những khao khát mộng mị trong chốc lát này khiến bạn cảm thấy chính mình tốt đẹp hơn… giống như ảo giác gây ra bởi ma túy. Sự lạc quan không còn bám rễ vào hiện tại nữa. Nếu hy vọng trở thành một thứ gì đó biểu lộ qua ảo tưởng, nó không còn là hy vọng nữa mà chỉ là huyền hoặc".

Trong một đoạn khác, Chris Hedges viết tiếp : "People interpret their problems as personal, rather than political or social problems… Corporate states made a war against critical thinking, teaching people how to think, rather than what to think" (Quần chúng thường diễn giải những khó khăn của họ như những vấn đề cá nhân, hơn là những vấn đề mang tính chính trị hay xã hội… Chế độ tư bản toàn trị tuyên chiến với tư duy phản biện, và dạy mọi người phải suy nghĩ như nào, hơn là phải suy nghĩ về cái gì).

Sau hơn bốn thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng, kể từ thời Bill Clinton, bằng cách thả nổi các công cụ đầu cơ tài chính, bỏ qua sự liên đới… nước Mỹ đã ở trong một tình trạng đáng báo động về chênh lệch giàu-nghèo : 1% nhóm trên cùng giàu thêm hơn 20.000 tỷ đô la, trong khi 50% nhóm bên dưới nghèo thêm 9.000 tỷ đô la. Nếu những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động, mà cha anh họ đã có một thời là những công dân gương mẫu, đầy chăm chỉ và hãnh diện, thì nay họ có cảm tưởng đang bị bỏ quên và trở thành một tầng lớp vô dụng (un-employable) trong xã hội Mỹ.

Sự mặc cảm, tức giận trước một xã hội thay đổi quá nhanh và sự chuyển dịch vai trò của đàn ông, phụ nữ, sắc tộc khác nhau trong xã hội… đã làm cho họ mỗi lúc một cực đoan hơn. Nhưng giai cấp cầm quyền thì không những không cố gắng nhận diện để giải quyết vấn đề, mà còn châm thêm dầu vào lửa. Chính trị dần trở thành trình diễn, với những con người đầy hãnh tiến nắm giữ nấc thang quyền lực cao nhất. Hillary Clinton gọi những người ủng hộ Donald Trump là "Full basket of deplorable" (tụi rác rưởi). Vợ, chồng bà trở thành những con người cực kì đáng ghét trong mắt một số đông người dân Mỹ. Họ phẫn nộ và bầu cho Trump. Đây là một thái độ phản kháng, một thái độ giận dữ cần phải được cảm thông. Donald Trump không phải là một tai nạn ngẫu nhiên, mà ông ấy là một triệu chứng bùng phát sau khi cảm giác phản bội đã âm thầm, nhưng đầy mãnh liệt, len lỏi vào trong số đông người Mỹ từ lâu.

Biden lên nắm quyền và rất nhiều khả năng ông ấy sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ vì năm nay đã 78 tuổi. Nhiệm vụ chính và có thể làm ngay là một cố gắng hàn gắn nước Mỹ. Những chính sách như tăng thuế để có thêm tiền đầu tư vào giáo dục nghề miễn phí, y tế giá rẻ cho mọi người dân Mỹ, đầu tư vào hạ tầng… Nếu có may mắn đảm bảo được sự liên tục thì sẽ gặt hái được thành quả sau một, hai thập niên.

Về mặt đối ngoại, Biden sẽ làm một cố gắng đề hòa giải nước Mỹ với thế giới và những đồng minh của mình. Nước Mỹ sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn sau khi trải qua những vấn đề của chính mình. Có nhiều triển vọng là nước Mỹ sẽ quay trở lại hiệp định TPP. Đây là một điều đáng mừng vì chiến lược cô lập Trung Quốc sẽ có bài bản hơn.

Tương lai nào cho Việt Nam ?

Việc nước Mỹ nhấn mạnh lại những giá trị dân chủ, nhân quyền trong chiến lược ngoại giao sẽ là một sự ủng hộ rất lớn về mặt tinh thần cho phe đối lập ở Việt Nam. Chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thể nào bắt bớ hay có những hành động đàn áp trong mấy năm vừa qua. Nhưng tương lai dân chủ cho Việt Nam vẫn sẽ đến từ chính cố gắng của người Việt Nam. Sự kiện Donald Trump có tác dụng làm trầm trọng và chia rẽ người Việt với nhau, kể cả trong phong trào tranh đấu. Đây là một thực tế đáng buồn. Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đã luôn nhấn mạnh rằng chính trị và đạo đức không thể tách rời nhau.

joe3

Việt Nam có thể trở thành rồng ở Châu Á nếu biết quan tâm và thích ứng với trào lưu dân chủ hóa trên thế giới

Có thể, trước một sự thất vọng quá lớn đối với hiện tình đất nước và sự cai trị quá lâu của chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa đến một tâm trạng chung thất vọng đối với nhiều người. Kể cả những người thuộc vào thiểu số đáng quý trong xã hội Việt Nam hiện tại, tức là vẫn còn quan tâm đến hiện tình đất nước. Thất vọng và chán nản đưa đẩy chúng ta đến cảm giác tức giận. Việc ủng hộ Donald Trump, một người thiếu đạo đức nhưng thừa lời nói, cử chỉ gây cảm xúc mạnh, giống như một liều thuốc để xoa dịu sự tức giận đó. Nhưng có thể chỉ sau một thời gian ngắn nữa, dấu ngoặc đơn về Donald Trump sẽ sớm khép lại. Những người Việt Nam sẽ có thời gian bình tâm, ngồi suy tư lại và ý thức sâu sắc được rằng, lẽ phải và đạo đức mới là công thức chữa trị đúng đắn nhất cho hiện tình đất nước. Lúc đó, phong trào dân chủ sẽ khởi sắc hơn.

Việt Dân

(07/11/2020)

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Bối cảnh

Trên hầu hết mọi phương diện, uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đã suy yếu kể từ khi tổng thống Obama và tôi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/01/2017. Tổng thống Donald Trump đã khinh rẻ, làm suy yếu và trong một số trường hợp còn bỏ rơi các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Ông ta đã gây sự với chính các chuyên gia tình báo, ngoại giao và quân đội của mình. Ông đã khiến cho kẻ thù của chúng ta ngày càng tỏ ra táo tợn, liều lĩnh và đã vứt bỏ những lợi thế của Hoa Kỳ trong việc xử lý các thách thức về an ninh quốc gia đến từ Bắc Triều Tiên, Iran, Syria, Afghanistan và cả Venezuela. Ông ta đã phát động những cuộc chiến thương mại không đáng có chống lại cả đối thủ lẫn đồng minh của Hoa Kỳ và đang gây tổn hại đến tầng lớp trung lưu của chính Hoa Kỳ. Trump đã từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc huy động nỗ lực của quốc tế nhằm đối phó với các mối đe dọa mới, nhất là những mối đe dọa đặc thù của thế kỷ này. Trong chiều sâu, Trump đã quay lưng lại với những giá trị dân chủ vốn đã tạo nên sức mạnh cho đất nước và đoàn kết chúng ta lại như một dân tộc.

Trong khi những thách thức toàn cầu mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt – từ biến đổi khí hậu và nạn di dân ồ ạt đến các hệ quả tiêu cực từ những tiến bộ đột phá về công nghệ và các bệnh truyền nhiễm – trở nên ngày càng phức tạp và cấp bách hơn, thì sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã làm suy yếu khả năng hành động tập thể của thế giới. Tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo và sự chia rẽ giữa các đảng phái khiến cho các nền dân chủ gặp khó khăn hơn trong việc phục vụ người dân của mình. Niềm tin vào các định chế dân chủ đang giảm sút. Trật tự dân chủ trên thế giới mà nước Mỹ đã góp công xây dựng đang bị đe dọa. Trump và những kẻ dân túy trên khắp thế giới đã lợi dụng bối cảnh đó để củng cố cho lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị của mình.

populist1

Trump và những kẻ dân túy trên khắp thế giới đã lợi dụng bối cảnh đó để củng cố cho lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị của mình

Khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, tân tổng thống của Hoa Kỳ sẽ đứng trước một thế giới đầy bất ổn và sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ. Người đó sẽ phải cứu vãn danh tiếng của nước Mỹ, lấy lại lòng tin của thế giới, động viên cả nước và các quốc gia đồng minh cùng nhau giải quyết những khó khăn và thử thách mới. Chúng ta không được phép lãng phí thêm 4 năm nữa.

Trên cương vị tổng thống, tôi sẽ cải tiến nền dân chủ trong nước và các quan hệ đồng minh của Hoa Kỳ, bảo vệ tương lai của Hoa Kỳ về mặt kinh tế và đưa Hoa Kỳ trở lại địa vị lãnh đạo thế giới. Đây không phải là lúc để sợ hãi. Đây là lúc để tận dụng sức mạnh và sự táo bạo đã đưa chúng ta tới thắng lợi trong 2 cuộc thế chiến và làm sụp đổ khối cộng sản.

Chiến thắng của dân chủ và chủ nghĩa phóng khoáng trước chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra thế giới tự do. Nhưng chiến thắng này không chỉ định hình cho quá khứ của chúng ta. Nó còn định hình cả tương lai của chúng ta nữa.

Cải tiến nền dân chủ trong nước

Trước hết, chúng ta phải sửa chữa và vực dậy nền dân chủ của chính mình, trong khi củng cố liên minh với các nền dân chủ trên khắp thế giới. Khả năng của Hoa Kỳ trong vai trò là một thế lực vì sự tiến bộ trên thế giới và động viên các hành động tập thể chính là được bắt đầu từ trong nước. Đó là lý do vì sao mà tôi sẽ thay đổi hệ thống giáo dục sao cho cơ hội của một đứa trẻ trong cuộc đời không bị định đoạt bởi những yếu tố như chủng tộc hay quê quán ; sẽ cải tổ hệ thống pháp lý hình sự nhằm loại bỏ những chênh lệch bất công và chấm dứt nạn giam giữ hàng loạt, phục hồi Đạo luật về Quyền bầu cử nhằm đảm bảo tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe, và khôi phục lại tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

Tuy nhiên, dân chủ không chỉ là nền tảng của xã hội Mỹ, nó còn là nguồn gốc cho sức mạnh của chúng ta. Nó củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới. Nó cũng là một đảm bảo về an ninh và hòa bình. Nó khuyến khích khả năng sáng tạo và thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế. Nó là trọng tâm của căn cước và của cách thức mà chúng ta nhìn nhận thế giới – cũng như cách thế giới nhìn nhận chúng ta. Nó cho phép chúng ta tự sửa chữa và tiếp tục phấn đấu để đạt tới lý tưởng của mình.

Chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng để trở lại vai trò lãnh đạo – không chỉ vì chúng ta có sức mạnh, mà vì chúng ta còn là một nước dân chủ mẫu mực. Để đạt được mục tiêu đó, trên cương vị tổng thống, tôi sẽ thực hiện những biện pháp nhằm khôi phục các giá trị cốt lõi của chúng ta. Tôi sẽ lập tức hủy bỏ những chính sách tàn nhẫn của chính quyền Trump khi đã chia cắt những người di dân khỏi con cái của họ tại biên giới ; chấm dứt những chính sách tai hại về tị nạn của Trump ; chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh, ra lệnh xem xét lại Quy chế Bảo vệ Tạm thời (TPS) dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương ; đặt hạn mức tiếp nhận người tị nạn hàng năm ở mức 125.000 người và sẽ nâng dần lên qua từng năm sao cho tương xứng với trách nhiệm và giá trị của chúng ta. Tôi sẽ tái khẳng định lệnh cấm các hành động tra tấn và khôi phục lại sự minh bạch trong các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả các chính sách được xác lập dưới thời chính phủ của Obama và tôi, nhằm giảm thiểu thương vong của dân thường. Tôi sẽ đặt lại trọng tâm, trên toàn bộ các cấp chính quyền, vào việc nâng đỡ và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới. Và tôi đảm bảo rằng Nhà Trắng sẽ luôn bảo vệ các giá trị dân chủ, như tự do báo chí, quyền bầu cử thiêng liêng và độc lập tư pháp. Những thay đổi này chỉ là sự khởi đầu trong cam kết sống theo đúng các giá trị dân chủ ở ngay trong đất nước của chúng ta.

Tôi sẽ thực thi pháp luật của Hoa Kỳ mà không có sự kỳ thị nhắm vào một cộng đồng cụ thể nào, không vi phạm chuẩn mực tố tụng, không chia tách gia đình những người di dân, như cách mà Trump đã làm bấy lâu nay. Tôi sẽ đảm bảo an ninh ở biên giới, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng phẩm giá của những người di dân và đảm bảo quyền hợp pháp của họ về tị nạn. Tôi đã công bố các kế hoạch chi tiết để giải quyết tận gốc nguyên nhân thúc đẩy người di cư tới biên giới phía Tây Nam của chúng ta. Trước đây, trên cương vị phó tổng thống, tôi đã đạt được đồng thuận từ lưỡng đảng về một chương trình cứu trợ có giá trị 750 triệu đô la để hậu thuẫn cho cam kết của lãnh đạo các nước El Salvador, Guatemala và Honduras trong việc đấu tranh chống nạn tham nhũng, bạo lực và nghèo đói vốn đang xô đẩy người dân rời bỏ quê hương. Tình hình an ninh đã được cải thiện và các luồng di cư đã bắt đầu giảm tại El Salvador. Nếu đắc cử tổng thống, tôi sẽ đẩy mạnh chính sách đó trong 4 năm tới bằng cách chi 4 tỉ đô la để hỗ trợ các nước trong khu vực, đồng thời yêu cầu những nước này đóng góp nguồn lực của chính họ và thực hiện những cải cách lớn, cụ thể và xác thực hơn.

Election 2020 Joe Biden

Joe Biden có kế hoạch thành lập cơ quan Ủy ban Đạo đức Liên bang

Tôi cũng sẽ thực hiện những biện pháp để giải quyết nạn tham nhũng, xung đột lợi ích, ảnh hưởng chính trị của những nguồn tiền tài trợ được che đậy nguồn gốc mà hiện đang phục vụ cho những lợi ích hẹp hòi của giới tài phiệt hoặc cho các âm mưu của nước ngoài và đang phá hoại nền dân chủ của chúng ta. Việc này sẽ khởi đầu từ việc tranh đấu để sửa đổi hiến pháp nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của tiền tài trợ không rõ nguồn gốc trong các cuộc bầu cử liên bang. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đề xuất một đạo luật nhằm siết chặt lệnh cấm các công dân hoặc chính phủ nước ngoài được gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở cấp liên bang, tiểu bang hoặc cấp địa phương của Hoa Kỳ và chỉ đạo một cơ quan độc lập mới được thành lập – Ủy ban Đạo đức Liên bang – nhằm đảm bảo việc thực thi một cách mạnh mẽ và thống nhất đạo luật này cũng như các đạo luật chống tham nhũng khác. Sự thiếu minh bạch về tài chính trong hệ thống tranh cử của chúng ta, cộng với nạn rửa tiền của nước ngoài diễn ra rất phổ biến, đã tạo ra một lỗ hổng rất lớn cần phải được lấp kín ngay trong hệ thống của chúng ta.

Khi đã thực hiện được những bước đi căn bản này để củng cố nền tảng dân chủ của Hoa Kỳ và truyền cảm hứng hành động cho những quốc gia khác, tôi sẽ mời các lãnh đạo của các quốc gia dân chủ khác trên khắp thế giới tham gia vào một kế hoạch chung nhằm củng cố trật tự dân chủ. Hiện nay, dân chủ đang phải chịu sức ép nhiều hơn tất cả những gì chúng ta đã chứng kiến kể từ thập niên 1930. Theo tổ chức Freedom House, trong số 41 quốc gia được xếp hạng một cách đều đặn là "tự do" trong giai đoạn từ 1985 đến 2005, thì có 22 quốc gia đã ghi nhận sự thụt lùi về mức độ tự do trong 5 năm vừa qua.

Từ Hongkong đến Sudan, từ Chile đến Lebanon, các cuộc biểu tình tại đó đã thể hiện sự phẫn nộ của quần chúng đối với tham nhũng và nhắc nhở chúng ta về mong muốn có được một nhà nước liêm chính. Giống như một thứ đại dịch khủng khiếp, tham nhũng làm gia tăng sự bức áp, gây xói mòn phẩm giá con người và đem lại cho các nhà lãnh đạo chuyên chế một công cụ để chia rẽ và làm suy yếu các nền dân chủ trên toàn thế giới. Thế nhưng, khi thế giới đang trông đợi Hoa Kỳ đứng ra bảo vệ các giá trị dân chủ - như một lãnh đạo chân chính của thế giới tự do - thì Trump lại chọn đứng về phía bên kia, cổ vũ cho những kẻ độc tài và khinh miệt những người dân chủ. Và khi đứng đầu một chính quyền tham nhũng, hủ bại nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, Trump đã bật đèn xanh cho những kẻ cướp nắm quyền ở khắp mọi nơi.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, tôi sẽ tổ chức và chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, trong đó tập hợp các nền dân chủ trên thế giới lại với nhau và xây dựng một chương trình hành động chung. Dựa trên nền tảng của mô hình đã thành công từ thời của chính quyền Obama-Biden trước đây với Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ tập trung kêu gọi các nước cùng đặt ra cam kết cho ba lĩnh vực chính : chống tham nhũng, chống độc tài, và thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới. Về phần cam kết của Hoa Kỳ trong hội nghị đó, tôi sẽ coi chống tham nhũng là một nhiệm vụ cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia và là trách nhiệm của một chính quyền dân chủ. Tôi sẽ dẫn dắt những nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu, truy quét những "thiên đường thuế" bất hợp pháp, thu giữ tài sản bị đánh cắp, và khiến cho việc che giấu tài sản của những kẻ tham nhũng dưới vỏ bọc của các công ty bình phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

populist3

Tôi sẽ tổ chức và chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, trong đó tập hợp các nền dân chủ trên thế giới lại với nhau và xây dựng một chương trình hành động chung.

Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ cũng sẽ có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự đã và đang ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ trên khắp thế giới. Hội nghị sẽ kêu gọi khu vực tư nhân, bao gồm các tập đoàn công nghệ và các mạng xã hội lớn, phải nhận ra trách nhiệm và cũng là lợi ích to lớn của mình trong việc bảo vệ các xã hội dân chủ và quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, tự do ngôn luận cũng không thể bị lấy làm cái cớ để các công ty công nghệ và mạng xã hội tạo điều kiện cho việc phát tán những sự dối trá thâm độc. Các công ty đó phải đảm bảo các công cụ và nền tảng của họ không bị các chính quyền độc tài lợi dụng để giám sát công dân, vi phạm quyền riêng tư, đàn áp tự do ngôn luận như tại Trung Quốc và một số nước khác, hay trở thành phương tiện để gieo rắc thù hận, cổ xúy bạo lực, lan truyền tin giả hoặc các mục đích sai trái khác.

Chính sách bảo vệ tầng lớp trung lưu

Việc thứ hai, chính quyền của tôi sẽ tạo điều kiện để người dân Mỹ thành công trong nền kinh tế toàn cầu bằng cách bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu. Để cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác trong tương lai, Hoa Kỳ phải mài dũa sức sáng tạo và hợp nhất sức mạnh kinh tế của thế giới dân chủ để chống lại các hành vi thao túng thị trường và giảm thiểu nạn bất bình đẳng.

An ninh kinh tế cũng chính là an ninh quốc gia. Bất kỳ chính sách ngoại thương nào cũng phải tính đến biện pháp bảo vệ tài sản quý nhất của chúng ta – giới trung lưu – và đảm bảo mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục, vùng miền, tôn giáo, kể cả những người kém may mắn, đều được hưởng thành quả từ thành công chung của đất nước. Chúng ta sẽ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như internet tốc độ cao, đường cao tốc, đường sắt, mạng lưới điện, các khu đô thị thông minh và đặc biệt là giáo dục. Chúng ta phải trang bị cho mọi sinh viên trên cả nước những kỹ năng cần thiết để kiếm được công ăn việc làm tốt trong thế kỷ 21 ; đảm bảo mọi người Mỹ đều được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với mức giá phải chăng ; nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ ; và dẫn đầu cuộc cách mạng chuyển hóa sang nền kinh tế xanh để tạo ra 10 triệu việc làm mới ở Mỹ.

Tôi sẽ hết sức chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nước Mỹ luôn dẫn đầu về các phát minh. Chúng ta không thể tụt hậu so với Trung Quốc hay bất cứ nước nào trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, đường sắt cao tốc, hay thuốc trị ung thư vì chúng ta có những trường đại học hàng đầu thế giới. Chúng ta còn có một truyền thống pháp trị ổn vững, và quan trọng nhất, chúng ta có đông đảo những người lao động và những nhà phát minh phi thường, những người mà chưa bao giờ làm đất nước phải thất vọng.

Chính sách ngoại thương phải đảm bảo cho các luật lệ của kinh tế quốc tế không bị thao túng để gây bất lợi cho Hoa Kỳ- bởi vì khi các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, họ sẽ chiến thắng. Tôi tin tưởng vào thương mại công bằng. 95 phần trăm dân số thế giới sống bên ngoài nước Mỹ và chúng ta phải khai thác những thị trường này. Chúng ta phải sản xuất ra được những sản phẩm tốt nhất tại Mỹ và bán những sản phẩm tốt nhất ra khắp thế giới. Điều đó có nghĩa là phải gỡ bỏ các rào cản thương mại và chống lại làn sóng bảo hộ - là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vào thế kỷ trước, nó đã là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại khủng hoảng và Thế chiến II.

Sẽ là sai lầm nếu cứ cố tự rúc đầu vào cát và nói rằng đừng có thêm thỏa thuận thương mại nào nữa. Các quốc gia vẫn sẽ buôn bán với nhau dù có hay không có Hoa Kỳ. Câu hỏi là, ai sẽ quyết định luật lệ thương mại quốc tế ? Ai sẽ đảm bảo rằng những luật lệ đó sẽ bảo vệ người lao động, môi trường, sự minh bạch và mức lương của tầng lớp trung lưu ? Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, phải đảm nhận vai trò dẫn dắt đó.

Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia vào các hiệp định thương mại mới sau khi đã đầu tư đầy đủ vào y tế và giáo dục nhằm trang bị nền tảng thành công cho người Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Tôi cũng sẽ không đàm phán các thỏa thuận mới nếu không có sự tham gia thiết thực của các lãnh đạo công đoàn và tổ chức bảo vệ môi trường, và thỏa thuận đó phải bao gồm các điều khoản chặt chẽ để các đối tác phải giữ đúng cam kết.

Trung Quốc là một thách thức đặc biệt. Tôi không còn lạ gì với các lãnh đạo của họ. Trong một thời gian dài Trung Quốc đã liên tục mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu, quảng bá mô hình kinh tế - chính trị của họ và đầu tư vào các công nghệ của tương lai. Trong khi đó, Trump lại đi tăng thuế lên hàng hóa của các nước đồng minh - từ Canada đến Liên Hiệp Châu Âu - một cách tai hại và vô lý. Bằng việc tách rời chúng ta ra khỏi sức mạnh kinh tế của các đối tác, Trump đã làm suy giảm sức mạnh của nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc – mối đe dọa thực sự về kinh tế.

Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc được tự do hành động, họ sẽ tiếp tục đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của chính quyền và các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho các công ty nhà nước của mình để cạnh tranh một cách bất bình đẳng với các công ty Mỹ và giành lấy vị thế thống trị về các công nghệ và các ngành kinh tế của tương lai.

Xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ là cách hiệu quả nhất để đối phó với Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta vẫn cần tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh trên các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế. Trọng lượng kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng một phần tư GDP toàn thế giới. Nếu cộng thêm các nước dân chủ khác, tổng GDP sẽ chiếm hơn gấp đôi. Trung Quốc thì không thể để mất một nửa thị trường thế giới. Do đó, chúng ta có lợi thế áp đảo để áp đặt luật lệ trên mọi lĩnh vực - môi trường, lao động, thương mại, công nghệ và minh bạch – nhằm phản ánh các giá trị dân chủ, đồng thời là quyền lợi của chính các nước dân chủ.

Trở lại vị thế lãnh đạo

Trật tự thế giới hiện nay không phải tự nhiên mà có. Trong 70 năm qua, Hoa Kỳ, dưới thời các tổng thống Dân chủ lẫn Cộng hòa, đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thành lập các định chế quốc tế góp phần củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể - cho đến khi Trump lên nắm quyền. Nếu chúng ta để cho sự thoái thác trách nhiệm quốc tế hiện nay của Trump kéo dài thêm 4 năm nữa, thì một trong hai kịch bản sẽ xảy ra : hoặc ai đó sẽ thế chỗ Hoa Kỳ, nhưng không theo một cách thức có lợi hoặc phù hợp với các giá trị của Hoa Kỳ ; hoặc là sẽ không có ai thế vào vị trí đó và đưa đến hỗn loạn. Dù là kịch bản nào xảy ra thì cũng không tốt cho Hoa Kỳ.

populist4

Tôi sẽ tái cấp ngân sách cho các phái đoàn ngoại giao- thứ mà chính quyền Trump đã cắt xén và rút ruột bấy lâu nay và đặt nền ngoại giao Mỹ trở lại trong tay của những chuyên gia thực thụ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ không phải lúc nào cũng đúng ; chúng ta đã từng phạm nhiều sai lầm vì chỉ chăm chăm sử dụng sức mạnh quân sự thay vì tìm kiếm những giải pháp mà tận dụng được sức mạnh tổng hợp của mình. Chính sách đối ngoại tai hại của Trump là lời nhắc nhở cho chúng ta mỗi ngày về tầm quan trọng của ngoại giao.

Tôi sẽ không bao giờ do dự trong việc bảo vệ người dân Mỹ, kể cả bằng biện pháp quân sự khi cần thiết. Trong tất cả các vai trò mà một tổng thống Hoa Kỳ phải đảm nhiệm, không có vai trò nào quan trọng hơn vai trò tổng tư lệnh quân đội. Hoa Kỳ có quân đội mạnh nhất trên thế giới và với tư cách là tổng thống, tôi sẽ đảm bảo ngân sách để quân đội của chúng ta luôn giữ vững vị thế đó và sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong thế kỷ mới. Nhưng sử dụng vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng. Nó chỉ nên được sử dụng để bảo vệ lợi ích sống còn của Hoa Kỳ, khi mục tiêu đã hoàn toàn rõ ràng và có thể đạt được và với sự đồng thuận của dân chúng.

Đã đến lúc phải chấm dứt các cuộc chiến tranh liên miên không có hồi kết, vốn làm Hoa Kỳ tốn không biết bao nhiêu xương máu và của cải. Chúng ta nên rút phần lớn quân đội tại Afghanistan và Trung Đông về nước, và chỉ tập trung vào nhiệm vụ của mình là đánh bại al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Chúng ta cũng nên chấm dứt ủng hộ cuộc chiến do Ả Rập Xê út dẫn đầu ở Yemen. Chúng ta phải duy trì trọng tâm của mình vào cuộc chiến chống khủng bố, trên thế giới và ở ngay trong nước, nhưng việc sa lầy trong những cuộc xung đột không có khả năng chiến thắng sẽ làm chúng ta mất khả năng dẫn dắt trên những vấn đề khác vốn đòi hỏi sự chú ý và sẽ ngăn cản chúng ta xây dựng lại những thành tố khác làm nên sức mạnh Hoa Kỳ.

Chúng ta cần sử dụng quân đội một cách khôn ngoan. Đã qua rồi cái thời nước Mỹ có thể đổ bộ hàng chục ngàn binh sỹ vào một nước để tham chiến. Thay vào đó, chúng ta sẽ sử dụng vài trăm lính đặc nhiệm và các phương tiện tình báo để hỗ trợ các lực lượng đồng minh tại chỗ chống lại kẻ thù chung. Những nhiệm vụ quy mô nhỏ đó thực tế là có tính bền vững về mặt quân sự, kinh tế và chính trị và vẫn đáp ứng lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, giải pháp ngoại giao phải là ưu tiên cao nhất. Tôi tự hào về những gì mà nền ngoại giao Mỹ đã đạt được dưới thời Obama-Biden, từ việc đưa hiệp định khí hậu Paris có hiệu lực, dẫn đầu các nỗ lực quốc tế chống dịch Ebola ở Tây Phi, đến việc đảm bảo thỏa thuận đa phương ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Làm ngoại giao không phải chỉ là bắt tay và chụp ảnh. Nó là xây dựng và chăm sóc các mối quan hệ quốc tế, và làm việc để xác định các lợi ích chung trong khi tìm cách giải quyết các mâu thuẫn. Nó đòi hỏi tính kỷ luật, quy trình hoạch định chính sách chặt chẽ và phải được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ coi ngoại giao là công cụ chính yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tôi sẽ tái cấp ngân sách cho các phái đoàn ngoại giao - thứ mà chính quyền Trump đã cắt xén và rút ruột bấy lâu nay và đặt nền ngoại giao Mỹ trở lại trong tay của những chuyên gia thực thụ.

Ngoại giao cũng đòi hỏi phải có sự tín nhiệm. Khi điều hành chính sách ngoại giao, nhất là trong những thời kỳ khủng hoảng, lời nói của một quốc gia chính là tài sản giá trị nhất của nó. Thế nhưng, bằng cách rút khỏi hết hiệp ước này đến hiệp ước khác, lật lọng chính sách này đến chính sách khác, chối bỏ trách nhiệm của Hoa Kỳ và nói dối trên mọi vấn đề lớn và nhỏ, Trump đã khiến lời nói của Hoa Kỳ mất trọng lượng trên thế giới. Ông ta cũng đã chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh dân chủ quan trọng nhất. Trump đã hạ thấp ý nghĩa của NATO khi chỉ coi nó như một băng bảo kê do Mỹ đứng đầu. Đồng ý là các đồng minh nên chia sẻ gánh nặng với chúng ta và chính quyền Obama-Biden cũng đã đàm phán để đảm bảo rằng các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng của họ (một động thái mà Trump hiện giành công lao về mình). Nhưng chúng ta không nên tính toán từng đồng từng cắc ; cam kết của Hoa Kỳ là thiêng liêng, nó không chỉ là một giao dịch. NATO là trung tâm của nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và nó là bức tường thành của lý tưởng dân chủ tự do - một liên minh của các giá trị, thứ khiến NATO lâu bền, đáng tin cậy và mạnh mẽ hơn nhiều so với quan hệ đối tác được xây dựng bằng sự cưỡng ép hoặc tiền bạc.

Là tổng thống, tôi sẽ không chỉ phục hồi lại những quan hệ đối tác mang tính lịch sử, mà sẽ dẫn dắt một nỗ lực nhằm làm cho chúng phù hợp với thế giới ngày nay. Điện Kremlin sợ một NATO hùng mạnh – và đó là liên minh chính trị-quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại. Để chống lại mối đe dọa từ nước Nga, chúng ta phải duy trì sức mạnh quân sự sắc bén của NATO, đồng thời mở rộng khả năng đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống, chẳng hạn như hối lộ vì mục đích chính trị, tuyên truyền sai lệch và tin tặc. Chúng ta phải áp đặt những trừng phạt đối với Nga vì những vi phạm chuẩn mực quốc tế của nước này, và ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự tại Nga, những người đã dũng cảm chống lại chế độ độc tài mafia của Vladimir Putin.

Sự hợp tác với các quốc gia có chung giá trị và mục tiêu không hề làm cho chúng ta trở thành một kẻ ngốc bị lợi dụng, nó làm chúng ta an toàn hơn và thành công hơn. Chúng ta tăng cường sức mạnh của mình, mở rộng sự hiện diện trên khắp thế giới và khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình, trong khi chia sẻ những trách nhiệm toàn cầu với các đối tác có thiện chí. Chúng ta cần củng cố liên minh với những người bạn dân chủ ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và Indonesia để thúc đẩy các giá trị chung trong một khu vực có ảnh hưởng đến tương lai của Hoa Kỳ. Chúng ta cần duy trì cam kết vững chắc của mình đối với an ninh của Israel, và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp những nước bạn ở Mỹ Latinh và Châu Phi hội nhập vào mạng lưới các nền dân chủ và nắm bắt cơ hội hợp tác ở những khu vực đó.

Để lấy lại niềm tin của thế giới, chúng ta sẽ phải chứng minh rằng lời nói của Hoa Kỳ là đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến những thách thức lớn trong thời đại của chúng ta : biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân và quản lý các hệ quả xã hội tiêu cực do sự tiến bộ quá nhanh của công nghệ.

Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới trong ứng phó với mối hiểm họa sống còn mà chúng ta đang đối mặt : biến đổi khí hậu. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì những thứ còn lại đều trở nên vô nghĩa. Tôi sẽ thực hiện các khoản đầu tư lớn và khẩn cấp để đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia có nền kinh tế xanh và có tổng lượng phát thải bằng không trước năm 2050. Quan trọng không kém, tôi sẽ tận dụng thẩm quyền về mặt kinh tế và đạo đức của chúng ta để thúc đẩy thế giới cùng hành động quyết liệt. Tôi sẽ tái gia nhập thỏa ước khí hậu Paris ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống và sau đó triệu tập hội nghị thượng đỉnh của các nước phát thải các-bon lớn trên thế giới. Chúng ta sẽ cam kết giảm lượng khí thải trong vận chuyển hàng hải và hàng không toàn cầu, đồng thời chúng ta sẽ theo đuổi các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo các quốc gia khác không thể giành lợi thế về kinh tế trước Hoa Kỳ trong khi chúng ta đáp ứng các cam kết của chính mình. Điều đó bao gồm việc kiên quyết yêu cầu Trung Quốc - quốc gia thải các-bon lớn nhất thế giới - ngừng trợ cấp xuất khẩu than và gây ô nhiễm cho các quốc gia khác bằng cách tài trợ hàng tỷ đô la cho các dự án nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Về vấn đề an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ không thể là một nước đáng tin cậy khi chúng ta hủy bỏ các thỏa thuận mà chính mình đã đàm phán. Từ Iran đến Triều Tiên, từ Nga đến Ả Rập Saudi, Trump đã làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân, thậm chí là gia tăng khả năng của việc vũ khí hạt nhân được đem ra sử dụng. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ tiếp tục cam kết của chúng ta về kiểm soát vũ khí trong kỷ nguyên mới. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran mà chính quyền Obama-Biden đàm phán đã ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trump đã vội vàng gạt thỏa thuận sang một bên, khiến Iran khởi động lại chương trình hạt nhân và trở nên khiêu khích hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thảm khốc khác trong khu vực. Tôi không ảo tưởng gì về chế độ Iran, nó đã gây bất ổn khắp Trung Đông, đàn áp dã man những người biểu tình trong nước và giam giữ người Mỹ một cách bất công. Nhưng thay vì chọn một cách thông minh để chống lại mối đe dọa mà Iran gây ra, Trump đã chọn một cách mà sẽ tự chuốc lấy thất bại. Việc sát hại Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran gần đây, đã loại bỏ một đối tượng nguy hiểm nhưng cũng làm tăng nguy cơ bạo lực ngày càng leo thang trong khu vực và nó đã khiến Tehran hủy bỏ thỏa thuận. Tehran cần phải trở lại tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận. Nếu họ làm vậy, tôi sẽ tham gia lại thỏa thuận và sử dụng các biện pháp ngoại giao để làm việc với các đồng minh của chúng ta để củng cố và mở rộng nó, đồng thời đẩy lùi hiệu quả hơn các hoạt động gây bất ổn khác của Iran.

Đối với Triều Tiên, tôi sẽ trao quyền cho những chuyên gia đàm phán của chúng ta và đẩy mạnh một chiến dịch bền vững, có phối hợp với các đồng minh và những nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng sẽ theo đuổi mục tiêu gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân (New START), một đảm bảo cho sự ổn định chiến lược giữa Hoa Kỳ và Nga, và sử dụng nó làm nền tảng cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, và tôi sẽ thực hiện những bước đi khác để thể hiện cam kết của chúng ta trong việc giảm trừ vai trò của vũ khí hạt nhân. Như tôi đã nói vào năm 2017, tôi tin rằng mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ là để ngăn chặn - và nếu cần, trả đũa - một cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa niềm tin đó vào thực tiễn, trong sự tham vấn với quân đội của cũng như các đồng minh của chúng ta.

Đối với các công nghệ của tương lai, chẳng hạn như 5G và trí tuệ nhân tạo, các quốc gia khác hiện đang dốc các nguồn lực của mình ra để hòng giành vị trí đi đầu trong việc phát triển các công nghệ đó và xác lập cách chúng được sử dụng. Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng những công nghệ này được sử dụng để thúc đẩy mức độ dân chủ cao hơn và sự thịnh vượng chung, chứ không phải để hạn chế tự do và cơ hội ở trong và ngoài nước. Thí dụ, chính quyền của tôi sẽ tham gia cùng với các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ để phát triển mạng 5G an toàn, do khu vực tư nhân lãnh đạo mà không bỏ rơi bất kỳ cộng đồng nào, kể cả những người sống ở nông thôn hoặc thu nhập thấp. Khi các công nghệ mới định hình lại nền kinh tế và xã hội của chúng ta, chúng ta phải đảm bảo rằng những cỗ máy của sự tiến bộ này phải bị ràng buộc bởi luật pháp và đạo đức, như chúng ta đã làm với những bước ngoặt công nghệ trước đây trong lịch sử và tránh rơi vào cuộc đua về giá cả, nơi các quy tắc của thời đại kỹ thuật số được viết bởi Trung Quốc và Nga. Đã đến lúc Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong việc tạo ra một tương lai công nghệ mà cho phép các xã hội dân chủ phát triển mạnh và sự thịnh vượng được chia sẻ rộng rãi.

Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, và chẳng có mục tiêu nào có thể đạt được mà thiếu sự dẫn dắt của Hoa Kỳ cùng sự hưởng ứng của các nước dân chủ bạn. Chúng ta đang phải đối mặt với những kẻ thù, cả bên ngoài và bên trong - chúng mong khai thác các rạn nứt trong xã hội của chúng ta, phá hoại nền dân chủ của chúng ta, phá vỡ các liên minh của chúng ta và khiến thế giới quay trở lại thời kỳ chân lý thuộc về kẻ mạnh. Câu trả lời cho mối đe dọa này là cần mở rộng ra, thay vì co cụm lại : nhiều tình bằng hữu hơn, nhiều hợp tác hơn, nhiều liên minh hơn, và nhiều dân chủ hơn.

Sẵn sàng lãnh đạo

Putin muốn tự lừa dối mình, và bất kỳ ai khác mà ông ta có thể lừa gạt, rằng ý tưởng về tự do đã "lỗi thời". Nhưng ông ta làm vậy là vì sợ hãi sức mạnh của nó. Không quân đội nào trên trái đất có thể hành quân nhanh như cách mà ý tưởng tự do được truyền từ người này sang người khác, vượt qua biên giới, vượt qua ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời khiến những công dân bình thường trở thành những nhà hoạt động và tác nhân thay đổi.

Một lần nữa, chúng ta phải khai thác sức mạnh đó và tập hợp thế giới tự do lại để đương đầu với những thách thức mà thế giới đang đối mặt. Hoa Kỳ có nghĩa vụ giữ vai trò lãnh đạo. Không có quốc gia nào khác có khả năng đó. Không có quốc gia nào khác được xây dựng trên ý tưởng đó. Chúng ta phải đấu tranh cho tự do và dân chủ, lấy lại uy tín của mình, và nhìn về tương lai với sự lạc quan và quyết tâm không hề ngưng nghỉ.

Joseph R. Biden

Nguyên tác : Why America Must Lead Again, Foreign Affairs, March/April 2020

Hồng Việt (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) dịch

(20/10/21020)

 

Additional Info

  • Author Joseph R. Biden, Hồng Việt
Published in Tư liệu

Tờ The Washington Post hôm 12/9/2020 đưa tin Thượng nghị sĩ Bernie Sanders công khai tuyên bố nếu chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ tiếp tục tập trung vào việc chỉ trích cá nhân ông Trump, ông Joe Biden có thể thua ông Trump, như bà Clinton đã thua vào năm 2016.

10551224k

Hai ông Bernie Sanders và Joe Biden vui vẻ chế diễu lẫn nhau sau một cuộc tranh luận để chọn ứng cử viên Tổng thống 2020 của Đảng Dân chủ tại New Hamphire, bang Iowa ngày 7/2/2020

Theo ông Sanders để thu hút được giới trẻ và cử tri gốc Nam Mỹ ở các tiểu bang Floirda, Arizona và Nevada ông Biden phải giải thích lý do tại sao nước Mỹ cần các chính sách xã hội cấp tiến.

Để có thể hiểu rõ lý do ông Sanders lo ngại chúng ta cần nhìn lại những lý do đã giúp ông Trump thắng cử năm 2016.

Hai cánh trong đảng Dân chủ

Đảng Dân chủ Mỹ hiện chia làm 2 cánh rõ rệt (1) cánh dân chủ xã hội và (2) cánh tân tự do.

Những người theo chủ nghĩa tân tự do tin rằng kinh tế thị trường tự nó sẽ giải quyết các vấn đề xã hội.

Ngược lại cánh dân chủ xã hội chống lại chủ nghĩa tư bản tân tự do và cho rằng nhà nước cần mở rộng chi tiêu để kiến tạo lại công bằng xã hội.

Cánh dân chủ xã hội đã có từ lâu nhưng chỉ mới phát triển từ cuộc tranh cử Tổng thống 2016 nhằm ủng hộ ứng cử viên Bernie Sanders, nhưng đã tẩy chay không đi bầu hoặc không bầu cho bà Clinton.

Chủ nghĩa tân tự do

Các chính sách tân tự do bắt đầu từ thời Tổng thống Dân chủ Jimmy Carter và Tổng thống Cộng hòa Ronald Regan, với những cải cách kinh tế vi mô như tư nhân hóa các dịch vụ công cộng, bãi bỏ rào cản thương mãi và mở cửa thị trường vốn đầu tư, hàng hóa và dịch vụ, cho phép nước ngoài được tham gia thị trường Mỹ cạnh tranh với các công ty Mỹ.

Cánh tân tự do thống trị nước Mỹ gần 4 thập niên (1977-2016), hai Tổng thống Dân chủ Bill Clinton và Barrack Obama, hai Tổng thống Cộng hòa George H. W. Bush (cha) và George W. Bush (con) đều là những người tin vào chủ nghĩa tân tự do.

Về kinh tế vĩ mô, đảng Cộng hòa vẫn chủ trương cắt giảm thuế, giới hạn chi tiêu chính phủ, giảm việc thâm hụt ngân sách và giảm vay nợ.

Ngược lại đảng Dân chủ vẫn chủ trương mở rộng chi tiêu công cộng, cánh dân chủ xã hội còn muốn thực hiện những kế hoạch như giáo dục đại học miễn phí, hay hệ thống y tế miễn phí cho toàn dân.

Thị trường tự do như chiếc đũa thần…

Khi Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, cánh tân tự do lọt vào ảo tưởng kinh tế thị trường như chiếc đũa thần tự nó sẽ chuyển biến các quốc gia độc tài cộng sản thành các quốc gia tự do dân chủ.

Tổng thống Clinton khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, khiến hàng hóa từ Mễ Tây Cơ đổ vào nước Mỹ làm hàng triệu công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp.

Tổng thống Clinton tiếp tục tin rằng, khi Bắc Kinh gia nhập WTO họ sẽ tôn trọng luật chung, nên đã ban cho Trung Quốc quy chế Tối Huệ Quốc để nước này tham gia vào Tổ chức Thương Mãi Thế Giới (WTO) và mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc đổ vào nước Mỹ.

Bắc Kinh thay vì tôn trọng luật chung lại tìm cách phá bỏ nó, khiến nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, người lao động ngày càng khốn khổ.

Theo ước tính việc giao thương với Bắc Kinh đã khiến 5 triệu công nhân Mỹ thất nghiệp, họ phải rời bỏ quê nhà, phải nhận những công việc với mức lương thấp hay lâm cảnh thất nghiệp vĩnh viễn.

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều chạy theo kinh tế thị trường, tầng lớp công nhân bị thua thiệt nên họ đã bầu cho ông Trump khi ông lên tiếng bảo vệ cho người lao động.

Chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa toàn cầu cũng gây ra một làn sóng chống đối không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, giáo dục và xã hội nên ông Trump cũng được các cử tri bảo thủ ủng hộ.

Ngược lại nhiều người đã hưởng lợi từ kinh tế thị trường hay đã triệt để tin vào chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa toàn cầu nên chống đối ông Trump đến cùng.

Ông Trump thắng cử…

Trong cuộc tranh cử 2016, điều mà ít người ngờ tới là nhiều người da đen, người trẻ và phụ nữ, giới cử tri thường bầu cho đảng Dân chủ đã không đi bầu, họ không ủng hộ cả ông Trump lẫn bà Clinton.

Ở các tiểu bang công nghệ Đông Bắc nước Mỹ số cử tri thuộc tầng lớp công nhân đã âm thầm bỏ đảng Dân chủ bầu cho ông Trump, nhờ vậy ông Trump đã thắng cử.

Trước đại dịch, chính sách kinh tế của ông Trump giúp nước Mỹ liên tục tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm, các tiểu bang công nghệ từng bước được phục hồi.

Khi kinh tế phục hồi các doanh nghiệp cần nhân công nên tiền lương cũng tăng thêm giúp đời sống của người công nhân được ổn định.

Chẳng may nạn đại dịch gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng hậu đại dịch cũng cần có những chính sách đúng đắn về kinh tế.

Kinh tế là điểm mạnh nhất của ông Trump bởi thế nhiều người tin rằng ông sẽ tiếp tục giữ được các tiểu bang công nghệ Đông Bắc để tái đắc cử.

Tập cẩm nang bỏ túi

Ông Bernie Sanders cho The Washington Post biết : nhóm đặc nhiệm của bà Dân Biểu Alexandria Ocasio Cortez đã giúp ông Biden soạn một tập cẩm nang bỏ túi về các chính sách xã hội cấp tiến.

Ông Biden cần sử dụng tập cẩm nang này để thuyết phục cử tri rằng ông sẽ tạo ra hàng triệu công việc được trả lương cao, giảm chi phí mua thuốc theo toa, mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học miễn phí, bảo vệ môi trường...

Theo bản tin từ CNBC thì vào ngày 9/7/2020, tại Dunmore, tiểu bang Pennsylvania, ông Biden đã công khai kế hoạch tranh cử Tổng thống trong đó có việc "chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông" (era of shareholder capitalism).

Ông Biden cho biết : sẽ thay thế "tư bản cổ đông" bằng một hệ thống quản trị xí nghiệp dựa trên các nghiệp đoàn và các cộng đồng người da đen, da màu và người Mỹ bản địa.

Ông định mức lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ và dự định tăng thuế thu nhập công ty từ mức thuế 21% hiện nay lên 28%, trở lại mức thuế thời Tổng thống Obama.

Những chính sách trên đã không được ông Biden nhắc đến trong Đại Hội của Đảng Dân chủ và có thể đây là những chính sách xã hội cấp tiến do nhóm đặc nhiệm dân chủ xã hội soạn cho ông.

Chủ nghĩa xã hội…

Sau Đại hội Dân chủ vào cuối tháng 8, ông Biden đã đính chính không thuộc nhóm xã hội chủ nghĩa và không ủng hộ các cuộc biểu tình bạo loạn như sau :

"Hãy tự hỏi chính bạn, tôi có giống như một người theo chủ nghĩa xã hội cực đoan có cảm tình với những kẻ bạo loạn ? Có thật như vậy không ?" ('Ask yourself, do I look to you like a radical socialist with soft spot for rioters ? Really ?)

Ông Biden phải tuyên bố lập trường như trên để không bị mất phiếu từ cánh tân tự do và những cử tri trung dung chưa quyết định bầu cho ai.

Trên các diễn đàn của các nhóm dân chủ xã hội đã có nhiều bình luận cho rằng các gia đình Tổng thống Clinton, gia đình Tổng thống Obama và gia đình Phó Tổng thống Biden đều rất giàu nhờ làm chính trị.

Những gia đình này được họ xếp chung với tầng lớp tư bản bóc lột, bởi thế họ mới tẩy chay bà Clinton, nay tiếp tục tẩy chay ông Biden và đó chính là nguyên nhân ông Bernie Sanders phải công khai lên tiếng.

Với chủ trương chống chủ nghĩa tư bản nên khi vận động tranh cử ông Bernie Sanders đã từ chối nhận đóng góp từ các công ty hay các nhà tư bản, nhờ thế ông được hằng triệu người đóng góp những khoản tiền rất nhỏ.

Cả hai lần tranh cử Tổng thống 2016 và 2020, ông Sanders đều được cử tri đảng Dân chủ ủng hộ ngang ngửa với cả bà Clinton lẫn ông Biden, điều này chứng tỏ ông đã rất hiểu tâm lý của quần chúng cánh tả.

Vì sao Florida lại quan trọng…

Để ông Trump tái đắc cử ít nhất ông phải thắng ở Tiểu bang Florida để có được 29 phiếu cử tri đoàn, theo các thăm dò hiện ông Biden đang dẫn trước tại tiểu bang Florida.

Nhưng Florida lại có đông cử tri đến từ các quốc gia Nam Mỹ thuộc phe xã hội chủ nghĩa như Cuba, Nicaragua và Venezuela, nên cả 2 đảng phải tập trung vận động tại tiểu bang này.

Ngay sau khi ông Bernie Sanders công khai lo ngại ông Biden có thể thua ông Trump, thì nhà tỷ phú Mike Bloomberg tuyên bố sẽ bỏ ra ít nhất 100 triệu Mỹ kim giúp quảng cáo chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Biden tại Florida.

Cuộc đấu giữa hai phe tư bản và chống tư bản bên trong đảng Dân chủ đã bộc lộ rõ ràng.

Chính sách và chiến lược

So với năm 2016, ông Trump đã loại được ảnh hưởng của phe tân tự do trong đảng Cộng hòa và 4 năm qua ông liên tục quảng bá đường lối chiến lược cho 4 năm sắp tới.

Tuần này tại Philadelphia, Pennsylvania, Chương trình Tổng thống và Dân chúng do hãng tin ABC (Mỹ) tổ chức, ông Trump còn trực tiếp trả lời các câu hỏi của cử tri.

Còn ông Biden xem chừng vẫn chưa dứt khoát giữa hai cánh tân tự do và xã hội chủ nghĩa, ngả bên này thì mất lòng bên kia, mất lòng thì mất phiếu, nên rất có thể điều ông Bernie Sanders lo ngại sẽ biến thành sự thật.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 18/09/2020

Nguyễn Quang Duy

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Duy
Published in Diễn đàn

Bầu cử 2020 : Tuần lễ mọi việc thay đổi cho Donald Trump

Jon Sopel, BBC, 29/07/2020

Có thể ví von là vào tháng 1/2017, Donald Trump được tặng một chiếc xe mới, sáng bóng. Chiếc xe đẹp nhất mà lần đầu cả thế giới được chiêm ngưỡng. Đến tháng 7/2020, tổng thống có một cuộc khám phá quan trọng về chiếc xe này.

Chiếc xe có cần số chạy ngược.

baucu1

Với cuộc họp virus corona mới nhất của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã độc diễn

Đó là tính năng phụ mà Trump không bao giờ nghĩ mình sẽ cần đến - và chắc chắn ông cũng không bao giờ có ý định sử dụng. Nhưng hôm thứ Hai, ông đã khởi động tính năng đó. Trump đã vận hết sức bình sinh để kéo cần số của chiếc xe trở lại, nhưng giờ thì ông không thể nào khiến cái cần đó đừng chạy ngược nữa.

Hoặc để thay đổi phép ẩn dụ - và mượn ngôn từ được Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, dùng để mô tả đối thủ thuộc đảng Lao động - tổng thống Trump trong tuần này, đã có nhiều''flip-flops'' (tiếng lóng để chỉ việc đảo ngược quyết định) còn hơn ở bãi biển Bournemouth.

Nói tóm gọn, việc đeo khẩu trang - mà tổng thống từng chế giễu là "hành động chuẩn mực" - giờ đây được xem là hành động yêu nước, và mọi người phải luôn luôn đeo vào, khi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Virus corona, cho đến gần đây được mô tả trong hầu hết các trường hợp chỉ là hiện tượng sổ mũi nặng, bây giờ được xem là tình trạng nghiêm trọng - và tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi có thể tốt lên.

Hai tuần trước, tổng thống nhấn mạnh rằng tất cả trường học phải mở cửa trở lại, nếu không ông sẽ rút tiền tài trợ. Bây giờ ông lại nói rằng, với một số thành phố mà tình hình dịch bệnh phức tạp, mở cửa là điều không phù hợp - và ông tỏ ra đồng cảm hơn với các bậc cha mẹ đang vật lộn trong việc có nên cho con tiếp tục đi học hay không.

Và quyết định "đảo ngược" đáng chú ý nhất diễn ra cách đây vài đêm về Hội nghị của Đảng Cộng hòa ở Jacksonville, Florida.

Ngài tổng thống yêu chuộng đám đông. Một đám đông ngưỡng mộ ông reo hò đến khản giọng. Kế hoạch ban đầu của ông là tổ chức hội nghị đảng ở Charlotte, North Carolina. Nhưng khi thống đốc tiểu bang đó nói rằng sẽ áp dụng giãn cách xã hội, tổng thống điên lên, tấn công thống đốc và tuyên bố một cách thô lỗ rằng đảng Cộng hòa sẽ đi nơi khác. Jacksonville sẽ là địa điểm tổ chức lễ hội đảng với đủ trò chơi, và hàng ngàn người Cộng hòa cổ vũ, reo hò.

Chỉ là, điều đó bây giờ sẽ không diễn ra.

Đó là một đảo ngược quyết định đầy kinh ngạc và đau đớn mà tổng thống phải thực hiện với trái tim trĩu nặng nhất.

Các thông báo về việc này được đưa ra trong ba đêm liên tiếp, trong các cuộc họp về virus corona vừa được hồi phục của Nhà Trắng. Trong các buổi họp được mở lại này, chỉ có một mình tổng thống, không có các cố vấn y tế của ông hộ tống như trước đây. Những buổi họp này cũng kỷ luật hơn nhiều so với khi tổng thống còn nói liên tục trên bục trong vài giờ đồng hồ, phát biểu về bất cứ điều gì và suy tư về mọi thứ - đáng nhớ nhất là liệu thuốc khử trùng và ánh sáng mặt trời có nên được tiêm vào cơ thể để điều trị virus corona hay không.

Tôi đã có mặt trong cuộc họp ngắn đáng nhớ đó với tổng thống, và trở lại một lần nữa để dự cuộc họp ngắn hôm thứ Tư của ông. Lần này ông xuất hiện chưa đầy nửa tiếng, bị mắc kẹt với những thông điệp mà ông muốn gửi đi (vâng, không ai lường trước được sự kỳ lạ về những khó khăn pháp lý mà Ghislaine Maxwell phải đối mặt), và ông trả lời rất nhiều câu hỏi. Ông cũng không bày tỏ sự tức giận, không dính vào cãi vả. Ông đến và làm đúng những thứ cần phải làm và rời đi.

Tất cả những gì tôi muốn nói là Phần 2 không thú vị bằng Phần 1 - mặc dù các tập phim đã bị cắt ngắn hơn nhiều.

Một buổi tối trong tuần này, tôi ngồi nói chuyện trong khu vườn của một người có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động trong chính quyền Trump. Đó là một buổi tối ẩm ướt khó chịu, khi sấm sét cuộn quanh thành phố. Chúng tôi dành thời gian thảo luận về tâm lý của tổng thống (vâng, một chủ đề chung). Và người này đưa ra quan điểm rằng anh có một bậc trượng phu lạc hậu không bao giờ tỏ ra yếu đuối. Dù đôi khi ông ấy biết rằng lùi một chút, sẽ là bước đi khôn ngoan, và anh công nhận rằng điều đó thật vô lương tâm.

Nhưng nếu chúng ta vẫn chơi đòn tâm lý đám đông với bộ não của tổng thống - người có khả năng nhận thức mà giờ đây chúng ta đều biết, đó là có thể nhắc lại những chữ người, phụ nữ, đàn ông, máy ảnh, TV, theo đúng thứ tự - và với ông có một điều tồi tệ hơn yếu đuối, đó là thua cuộc.

Và mặc dù ở nơi công cộng - vì sợ trông mình yếu - tổng thống khẳng định chiến dịch tranh cử của ông đang thắng, người dân Mỹ yêu ông, và các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ông bị sụt giảm chỉ là tin giả, thực tế khó chịu hơn thế nhiều.

Lấy Florida chẳng hạn, nơi Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng. Florida hiện đang là tâm chấn của đại dịch virus corona với số ca nhiễm tăng kinh hoàng. Với dân số 21 triệu người, trong tuần trước, số người bị nhiễm mới mỗi ngày còn nhiều hơn toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu (dân số 460 triệu người) cộng lại. Nhưng Florida cũng là vùng bình địa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ cần nghĩ đến cuộc đấu giữa Bush và Gore vào năm 2000.

Đó là tiểu bang mà Trump thắng một cách thoải mái năm 2016. Đó là tiểu bang mà Trump nghĩ rằng mình có thắng dễ dàng tháng 11. Nhưng cuộc thăm dò mới nhất của Đại học Quinnipiac cho thấy ứng cử viên Dân chủ Joe Biden dẫn trước ông 13 điểm. Mười ba. Đó là con số lớn. Và có cả đống số liệu liên quan khác cho thấy Tổng thống Trump đang tụt lại phía sau.

Những gì không thay đổi trong tuần qua là khoa học. Bạn có thể chắc chắn rằng các cố vấn y tế đau khổ của Trump đã lập đi lập lại những điều họ nói như chiếc máy chơi đĩa nhựa bị hỏng. Khẩu trang. Giãn cách xã hội. Tránh đám đông. Có thể là tổng thống đã chuyển đổi và đang lắng nghe các chuyên viên y tế. Có thể, nhưng tôi phải đoán nhiều phần là không.

Nếu chúng ta muốn tìm một 'điều" quan trọng thì đó chính là điều này. Tuần trước, Trump sa thải quản lý chiến dịch tranh cử 2020 của mình, Brad Parscale, và đưa vào một người mới. Có vẻ như Bill Stepien đã mời tổng thống ngồi xuống, và tạt vào ông một thùng nước lạnh. Rằng kết quả các cuộc thăm dò ý kiến rất khủng khiếp, rằng họ đang đi sai hướng ; rằng họ tuy chưa đến nỗi đã thảm bại không thể cứu vãn, nhưng mọi việc có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đổi hướng và đổi giai điệu là điều tối cần thiết. Đặc biệt khi nói đến bất cứ điều gì liên quan đến Covid-19.

Cũng nên chèn vào đây một dấu ngoặc. Tôi không biết rõ về Bill Stepien - mặc dù ông được đánh giá rất tốt. Nhưng dù Bill Stepien có thể rất xuất sắc, tổng thống có thói quen là thay đổi nhân sự, và trong hai hay ba tuần sau đó, làm theo lời khuyên của nhân viên mới, nhưng rồi sau đó sẽ quay trở lại với thói quen và bản năng của mình. Những điều mà tổng thống nói với bạn là đã phục vụ ông ấy tốt nhất trong suốt sự nghiệp lâu dài và đầy màu sắc của ông. Nhưng chúng ta đang ở trong lãnh thổ mới.

Trong ba năm rưỡi qua, tổng thống đã có thể xác định thực tế của chính mình ; uốn cong tình thế và sửa sự thật cho phù hợp với câu chuyện ông muốn kể. Virus corona đã không bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực của ông. Virus là một kẻ thù không giống ai mà Donald Trump phải đối mặt trước đây. Và Trump đã phải uốn cong theo ý muốn của virus. Chứ không phải ngược lại.

Những gì xảy ra trong tuần này là những gì các cuộc thăm dò đang cho thấy, và những gì giới khoa học của ông Trump liên tục kêu gọi hoàn toàn thích hợp. Ông Trump thực sự không muốn trở thành kẻ thua cuộc vào tháng 11.

Bóng ma của những lần đảo ngược quyết định 180 độ này của ông đã mang lại cho các nhà bình luận cấp tiến nhiều trận cười . Người đàn ông chỉ biết làm thế nào để tấn công gấp đôi, bây giờ đánh gấp đôi trong nỗi đau của những đảo ngược quan điểm rất công khai. Ôi những ngày hạnh phúc.

Nhưng các nhà bình luận nên thận trọng hơn. Việc chuyển đổi quan điểm của ông có thể không thành thật ; có thể được sinh ra từ sự cần thiết phải lấy phiếu - nhưng điều mà nhiều người Mỹ sẽ thấy là tổng thống của họ cư xử hợp lý và bình thường ; đưa ra quyết định phù hợp với nguy cơ lớn của mối đe dọa mà người dân Mỹ đang phải đối mặt - và người Mỹ đang lo sợ. Nhưng, tôi nghe bạn nói, chắc chắn người dân Mỹ sẽ không quên tất cả những điều mà tổng thống nói trong tháng 3 và tháng 4 khi ông giảm tầm quan trọng của đại dịch và thúc giục việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ sớm ?

Chà, tất cả những gì tôi muốn nói là đám xiếc nhanh chóng làm xiệc ; mọi người hình như có những ký ức ngắn vô cùng. Có còn ai nói gì thêm về Mueller ? Hay Nga ? Hay cuộc luận tội ? Chùm sáng của ngọn hải đăng không tồn tại lâu ở bất kỳ nơi nào. Với sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta với những phát triển mới, cho những câu chuyện mới, cho những tình tiết xoắn ốc, chúng ta dường như phải chịu đựng sự rối loạn thiếu tập trung. Và tổng thống này hiểu điều đó tốt hơn bất cứ ai.

Một số người chắc chắn sẽ viết rằng đây là tuần tồi tệ nhất của tổng thống. Nếu ông ấy tái đắc cử tháng 11, nó sẽ được coi là tuần lễ tốt nhất.

Jon Sopel (Biên tập viên Bắc Mỹ)

Nguồn : BBC, 29/07/2020

************************

Trump có thể lật ngược tình thế trước Biden được không ?

Dan Senor, Nghiên cứu quốc tế, 28/07/2020

Liệu Donald Trump có thể lôi một con thỏ ra khỏi mũ và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới một lần nữa hay không ? Theo hầu hết các chuyên gia thì không, nếu xét mức độ không tán thành rộng khắp đối với thành tích của ông. Nhưng khoan vội bác bỏ hoàn toàn cơ hội của Trump.

baucu2

Trong bối cảnh đại dịch, suy thoái kinh tế và bất ổn dân sự, sẽ khó cho bất cứ tổng thống đương nhiệm nào có thể giành chiến thắng nhiệm kỳ hai – chứ đừng nói đến một người gây chia rẽ như ông Trump. Ông thua đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden trung bình tới tám điểm trong các cuộc thăm dò quốc gia do trang web FiveThentyEight tổ chức. Các cuộc thăm dò từng tiểu bang cho thấy con đường của ông để giành được đa số phiếu trong đại cử tri đoàn là rất khó khăn.

Nhưng các ý kiến ​​v ông Biden, mt cu phó tng thng, vn còn chưa chc chn. Các c tri ít có cơ hi tiếp xúc vi ông gn đây : cho đến cui tháng 6, ông đã không t chc mt cuc hp báo nào trong gn ba tháng ; ông vn hiếm khi ri khi nhà hoc đăng bài trên các phương tiện truyền thông xã hội. (Trong khi chiến dịch của ông Trump trung bình đăng 14 bài mỗi ngày và tương tác với 28 triệu người theo dõi trên Facebook).

baucu3

Kết quả thăm dò mức độ ủng hộ đối với Trump và Biden gần đây.

Các cố vấn chính trị trong cả hai chiến dịch đều đồng ý rằng việc ông Biden ít xông xáo và trầm lặng tạo ra cơ hội cho ông Trump. Ông Trump sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến cách các cử tri nhìn nhận đối thủ của mình – chúng ta hãy theo dõi trong những tuần tới cách ông Trump cố gắng tấn công sự lựa chọn đối tác tranh cử của ông Biden để tạo thêm sự chia rẽ.

Lựa chọn ứng viên phó tổng thống có thể củng cố thế đứng cho ứng cử viên tổng thống, giống việc Bill Clinton chọn một bản sao "Đảng Dân chủ Mới" thông qua Al Gore. Hoặc sự lựa chọn đó có thể giúp giải quyết một điểm yếu mà ứng viên tổng thống gặp phải : Barack Obama và George W Bush từng chọn những người có kinh nghiệm về an ninh quốc gia là ví dụ. Sự lựa chọn của ông Trump, Mike Pence, đã gửi một thông điệp trấn an tới những người bảo thủ về văn hóa. Nếu ông Biden sử dụng lựa chọn của mình để trấn an các cử tri tiến bộ và cánh tả, thì có khả năng ông sẽ chọn một ứng cử viên có lập trường về các vấn đề gây phân cực. Điều này sẽ tạo ra một cơ hội cho ông Trump. Ví dụ, việc ủng hộ giảm ngân sách cho cảnh sát, phá bỏ tượng các cựu tổng thống và bồi thường cho các nô lệ sẽ khiến nhiều cử tri ôn hòa thấy khó chịu.

Để khai thác cơ hội này, ông Trump sẽ cần phải từ bỏ những lời ca ngợi có thể gây xúc phạm dành cho các biểu tượng và các lãnh đạo của Hợp bang Miền Nam, và thay vào đó tập trung sự chú ý vào những gì được gọi là "văn hóa xoá bỏ". Phong trào này đã được khởi xướng bởi những người tiến bộ trẻ tuổi, những người chỉ trích hoặc tẩy chay các nhân vật nổi tiếng vì các hành vi họ cho là tiêu cực. Nhưng nhiều người Mỹ khác lo lắng rằng phong trào này đang đi quá xa. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Cato/YouGov cho thấy 62% người Mỹ e ngại nói ra những điều họ tin bởi những người khác có thể thấy chúng gây khó chịu.

Nếu ông Trump tìm ra cách để khuếch đại các cáo buộc rằng một số giáo viên, nhà báo, lãnh đạo doanh nghiệp và sinh viên đã bị sa thải hoặc bị tẩy chay vì niềm tin của họ, hoặc thậm chí vì những lần lỡ lời lặt vặt, ông có thể xoay chuyển quan điểm của công chúng theo cách có lợi cho mình.

Hãy khoan loại bỏ Trump trước khi diễn ra ba cuộc tranh luận tổng thống. Đó là diễn đàn nơi ông thường thể hiện xuất sắc, như chúng ta đã thấy qua màn trình diễn của ông chống lại các đối thủ Cộng hòa khác hồi năm 2015-16 và sau đó là trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton. Bước đột phá lớn nhất của ông sẽ đến nếu Biden quay lại với phong cách hay lỡ miệng mà ông hay gặp phải trong nhiều thập niên qua. Lịch sử cho thấy điều này đã có hiệu quả cho Jimmy Carter khi chống lại Gerald Ford năm 1976, và cho George HW Bush khi chống lại Michael Dukakis năm 1988.

Cơ hội của Trump cũng sẽ được cải thiện nếu ông được coi là đang thực hiện các bước đi cần thiết để kiểm soát Covid-19 trong khi khôi phục được nền kinh tế. Các quan chức Dân chủ cũng như Cộng hòa đều nói với tôi rằng ba cuộc họp báo tuần trước của ông là một bước đi tích cực. Ông nói rõ rằng "đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt lên", hủy đại hội Đảng Cộng hòa, và tuyên bố hành động để thúc đẩy xét nghiệm tại các viện dưỡng lão, sản xuất vắc-xin coronavirus và cuối cùng là kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang. Hôm thứ Hai, ông đã đến Bắc Carolina để tổ chức các cuộc họp với một công ty sản xuất nguyên liệu cho một loại vắc-xin tiềm năng.

Ông Trump cũng có thể hưởng lợi nếu có những tin tức lạc quan thận trọng từ các loại vắc-xin tiềm năng hàng đầu của phương Tây, đặc biệt nếu ông được nhìn nhận là đang cố gắng hỗ trợ và đưa ra các cập nhật thường xuyên về tiến trình.

Chiến dịch tranh cử năm nay sẽ diễn ra trong một môi trường không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ gần đây. Sự bất định xung quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện và khả năng tiếp cận cử tri, cũng như việc ông Trump hay vướng phải các bê bối nhỏ, càng làm gia tăng sự khó lường. Mặc dù ông Biden vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng rõ ràng vẫn còn thời gian để cuộc đua giữa hai người trở thành một cuộc đua cân bằng thực sự.

Dan Senor 

Nguyên tác : "It is too soon to write off Donald Trump’s election chances", Financial Times, 28/07/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/07/2020

Dan Senor là chuyên gia tư vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Mitt Romney năm 2012 và từngphục vụ trong chính quyền của George W Bush.

Additional Info

  • Author Jon Sopel, Dan Senor
Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2