8 cơ quan an ninh (6 cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ và 2 cơ quan thuộc Quốc hội) đều đồng thuận rằng, Putin đã "trực tiếp ra lệnh" chiến dịch tác động và mị dân, nhắm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 nhằm phá hoại niềm tin của công chúng đối với các định chế dân chủ và làm suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ, gồm :
1.Cơ quan Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency)
2.Bộ Tình báo Quốc gia (Director of National Intelligence)
3.Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation)
4.Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency)
5.Bộ Tư pháp (Department of Justice)
6.Bộ Nội an (Department of Homeland Security)
7.Ủy ban Tình báo Hạ viện (House Intelligence Committee)
8.Ủy ban Tình báo Thượng viện (Senate Intelligence Committee)
Trước hết cần minh định các cơ quan an ninh cao cấp này đều thuộc chính phủ Trump, không phải chính phủ Obama. Những người đứng đầu của các cơ quan này đều do Trump trực tiếp đề cử và được Quốc hội dưới quyền kiểm soát (majority) của Đảng Cộng hòa phê duyệt. Và quan trọng hơn, cả hai Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện đều dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Cuộc gặp mặt giữa Donald Trump và Vladimir Putin tại Hà Nội ngày 11/11/2017 nhân dịp APEC - Ảnh : Mikhail Klimentyev/AFP/Getty Images
Nga phá hoại dân chủ Hoa Kỳ như thế nào ?
Theo các báo cáo của tình báo và an ninh Mỹ, Nga đã tích cực sử dụng không gian mạng (cyberspace) để hack các cơ sở hạ tầng quan trọng, tiến hành các chiến dịch tuyên truyền kích động sự thù hằn và chia rẽ, lan truyền thông tin sai lệch, hack các hệ thống bầu cử cấp tiểu bang với mục tiêu giúp Trump thắng cử.
Hackers của chính phủ Nga đã gửi email lừa đảo (phishing) tới 122 quan chức địa phương nhằm xâm nhập vào hệ thống của họ, để tác động đến kết quả bầu cử theo báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Các quan chức của Bộ Nội an cũng báo cáo các tin tặc của chính phủ Nga đã nhắm vào các hệ thống bầu cử ở 21 tiểu bang Hoa Kỳ.
Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào tháng 7/2018 kết tội 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga, cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 : Nga đã xâm nhập website của một ủy ban bầu cử cấp bang và đánh cắp thông tin của khoảng 500.000 cử tri, bao gồm tên, địa chỉ, số an sinh xã hội, ngày sinh và số bằng lái xe. Bản cáo trạng còn vạch trần hàng trăm ngàn các tài khoản tự động (bots accounts) và tài khoản giả (fake accounts) của an ninh Nga trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram và Twitter với mục đích lan truyền tin giả nhằm hạ uy tín Hillary Clinton, kích động sự chia rẽ,nhằm nâng cao vị thế của Trump.
Cách bầu cử Tổng thống của Hoa Kỳ dựa trên hệ thống Đại cử tri (Electoral college) và nguyên tắc "winner-take-it-all" (người thắng ăn cả - trừ tiểu bang Maine và Nerbraska). Theo Hiến pháp Mỹ, mỗi bang được giao phó cho lượng phiếu Đại cử tri tương đương với đại diện tại Quốc hội (riêng District of Columbia được 3 phiếu). Ứng cử viên Tổng thống nào giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri (trong tổng số 538 phiếu) sẽ thắng cử. Nguyên tắc "người thắng ăn cả" quy định ứng viên nào với đại đa số phiếu bầu phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu Đại cử tri của bang đó. Tận dụng cách bầu cử khá đặc trưng của Mỹ, Nga đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các bang có tính quyết định.
Clint Watts, cựu sĩ quan FBI và là chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Hoa Kỳ, đã đưa ra các bằng chứng thuyết phục chứng minh Putin đã giúp Trump thắng ít nhất 2 bang Michigan và Wisconsin. Đội ngũ an ninh Nga chỉ cần tập trung tuyên truyền dối trá tại các bang quyết định, khiến các cử tri Mỹ chán nản, thất vọng và không đi bầu cho Hillary hoặc bầu cho ứng cử viên thứ 3 (không có cơ hội thắng), thì Trump sẽ vượt qua Clinton số phiếu phổ thông và giành thắng lợi phiếu Đại cử tri tại bang đó.
Cụ thể, chỉ vỏn vẹn khoảng 80 ngàn phiếu phổ thông – là con số vô cùng nhỏ tại 3 tiểu bang đã giúp Trump giành chức tổng thống : Trump thắng phiếu phổ thông rất khít khao ở Michigan 10.704 phiếu, Wisconsin 22.177 phiếu và Pennsylvania 46.465 phiếu. 3 bang này đã mang về cho Trump 46 phiếu Đại cử tri và góp phần quyết định cho thắng lợi ngôi vị Tổng thống thứ 45.
Michael Schmitt, Giáo sư Luật của Havard và U.S. Naval War College, và cũng là chuyên gia nổi tiếng hàng đầu về luật quốc tế, đã khẳng định Putin không cần phải "đánh" Mỹ bằng quân sự, mà chỉ cần "hack" tâm trí và tác động khả năng suy nghĩ độc lập của những cử tri không nắm rõ thông tin. Hàng chục triệu cử tri độc lập (independent voters) và cử tri chưa xác định sẽ bầu cho ứng viên Tổng thống nào (undecided voters), đã bị tác động bởi bộ máy tuyên truyền dối trá và mị dân của Nga.
Hôm 17/12/2018, Thượng viện Mỹ công bố các báo cáo chứng minh sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 có quy mô rộng hơn so với báo cáo trước đó. Theo đó, cơ quan Nghiên cứu Internet (Internet Research Agency) của chính phủ Nga, đã thao túng chính trị Mỹ bằng cách kích động chia rẽ, cực đoan và thuyết âm mưu, cũng như loan truyền các thông tin sai lệch tới các cử tri. Họ còn kêu gọi người Mỹ gốc Phi tẩy chay cuộc bầu cử 2016 hoặc làm sai quy trình bỏ phiếu. Báo cáo còn tiết lộ từ khi Trump đắc cử, Nga đã truyền đi các thông điệp vận động cử tri gốc Mỹ Latinh nghi ngờ chính phủ Mỹ. Richard Burr (Đảng Cộng hòa), chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cáo buộc hành vi của Nga khiến công chúng mất niềm tin vào nền dân chủ Mỹ và các hoạt động của Nga vẫn chưa dừng lại.
Tại sao Putin muốn Trump đắc cử ?
Một trong những chính trị gia mà Putin ghét ra mặt là Hillary Clinton bởi vào 12/2011 Putin cho rằng Hillary chính là người đã kêu gọi người dân Nga tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc bầu cử trá hình, gian lận của Putin. Putin rất căm giận và cay cú với bài phát biểu kể tội Putin của Ngoại trưởng Hillary Clinton : "Người dân Nga, cũng như người dân ở khắp nơi, xứng đáng để chính quyền lắng nghe tiếng và kiểm phiếu một cách công bằng. Và điều đó có nghĩa là họ xứng đáng một cuộc bầu cử công bằng, minh bạch và các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm với họ".
Putin cảm thấy quyền lực chính trị của mình bị Hillary Clinton đe dọa và vô cùng tức giận trước bài phát biểu "không nể nang" của Hillary, vốn vạch trần bộ mặt gian trá và độc tài của Putin trước thế giới. Và đó cũng là lý do vì sao Putin ra lệnh an ninh chính phủ Nga tích cực đánh phá Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
An ninh Nga đã chuẩn bị các kế hoạch lăng xê cho Trump từ năm 2015. Maria Butina vừa bị FBI bắt giữ và đồng ý nhận tội danh âm mưu hoạt động cho Nga trên đất Mỹ vào ngày 10/12/2018. Nữ gián điệp 29 tuổi này đã viết một bài báo vào tháng 6/2015 – thời điểm Trump công bố ra tranh cử tổng thống, lập luận rằng chỉ có tổng thống Đảng Cộng hòa mới mang lại kết quả tốt đẹp cho quan hệ Mỹ-Nga. Một tháng sau, 7/2015, tại một sự kiện ở Las Vegas có sự tham gia của ứng viên Trump, gián điệp Maria Butina đã giơ tay muốn đặt 1 câu hỏi cho Trump. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Trump chỉ và chọn Maria. Nữ gián điệp hỏi Trump nghĩ như thế nào về biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ đối với Nga sau khi Nga xâm lược Crimea vào năm 2014. Trump trả lời : "Tôi nghĩ tôi rất hợp ý với Putin. Tôi không nghĩ nước Nga lại cần cấm vận".
Trong cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng định Mỹ - Nga tại Helsinki, Finland vào ngày 16/7/2018, một phóng viên đã hỏi Putin như sau : "Ông có muốn ứng cử viên tổng thống Trump thắng cử không ? Và ông có ra lệnh cho nhân viên chính phủ giúp Trump thắng cử không ?" Putin trả lời : "Có, tôi có. Có, tôi có. Bởi vì Trump muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nga".
Điều đáng nói là trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin, các cơ quan tình báo Mỹ đã báo cáo với Trump về các hoạt động phá hoại của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Thế nhưng, trước toàn dân thiên hạ, Trump nghi ngờ bản báo cáo của chính nội các mình và gọi nước Mỹ là ‘ngốc nghếch’ và ‘ngớ ngẩn’ khi để quan hệ Nga và Mỹ xấu đi.
Putin : kẻ thù của dân chủ
Sau khi Boris Yeltsin bất ngờ từ chức tổng thống Nga ngày 31/12/1999, trùm tình báo KGB là Putin nhận chức tổng thống Nga vào ngày 7/5/2000. Sau gần 20 năm cầm quyền (lâu nhất kể từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Liên Xô), Putin liên tiếp bỏ tù các nhà báo dám nói lên sự thật và thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến để thâu tóm quyền lực.
Putin luôn xem nền dân chủ và cuộc vận động dân chủ (democracy advocate) của Hoa Kỳ là một mối đe dọa với quyền lực chính trị của hắn. Một dân tộc chia rẽ, mất niềm tin vào các chuẩn mực dân chủ (bầu cử công bằng, minh bạch chính phủ) sẽ khiến nền dân chủ Hoa Kỳ suy yếu.
Giúp Trump – một ứng viên không xem trọng dân chủ và ngỏ ý giúp Putin dần loại bỏ các cấm vận mà Hoa Kỳ đã và đang trừng phạt Nga – là Putin cũng giúp chính mình củng cố quyền lực. Một Hoa Kỳ suy yếu và xem nhẹ việc bảo vệ dân chủ - nhân quyền, sẽ giảm bớt tầm ảnh hưởng toàn cầu và không quan tâm đến những việc làm sai trái của Putin (bỏ tù bất đồng chính kiến, ám sát đối lập, nhà báo...).
Trump là tổng thống cận đại đầu tiên không công bố thuế thu nhập cá nhân (tax returns) mặc dù hứa sẽ công khai cho dư luận. Trump cũng là tổng thống đầu tiên đang bị các cơ quan an ninh liên bang (federal của chính phủ Trump) và tiểu bang (state) điều tra ít nhất 17 vụ liên quan đến bầu cử và gian lận tài chính dính líu đến Nga. Và Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị chính Bộ Tư pháp của mình chỉ ra là tội phạm (felon) trong một bản cáo trạng đầu tháng 12/2018.
Các hoạt động phá hoại bầu cử Mỹ năm 2016 của Putin là khá thành công khi gieo rắc được sự chia rẽ và chi phối được khá nhiều cử tri. Đọc nhiều bản tin sai lệch hoặc tin giả sẽ có ảnh hưởng độc hại đến khả năng suy nghĩ, vì thế phải học cách kiểm chứng thông tin vì "thông tin dối trá còn nguy hiểm hơn sự ngu dốt". Một nền dân chủ suy yếu khi cử tri không đi bầu hoặc bầu "cho có" và thiếu vắng sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức.
Chính quyền Hoa Kỳ đã luôn tin rằng bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ sẽ mang lại lợi ích và an ninh cho chính dân Mỹ. Từ khi nhậm chức cho đến nay, Donald Trump liên tục bóp nghẹt các quyền tự do và định chế quan trọng như tự do báo chí, tự do ngôn luận và độc lập tư pháp – đúng như Putin đã mong đợi và dự đoán. Sẽ không ai vui sướng hơn Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-Un… khi tổng thống Hoa Kỳ chỉ tập trung bảo vệ lợi ích của chính mình và chà đạp các chuẩn mực dân chủ.
Mai V. Phạm
(19/12/2018)
Việc xuất bản cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton "What Happened" kể lại chiến dịch tranh cử tổng thống của bà hôm Tháng Chín vừa qua đã kích động một loạt các bình luận về điều gì đã ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Rất nhiều người đã biện luận rằng bà ứng cử viên của đảng Dân Chủ đã không nhận đủ trách nhiệm của mình trong thất bại này.
Bà Hillary Clinton giới thiệu cuốn hồi ký What Happened" kể lại chiến dịch tranh cử tổng thống của bà năm 2016
Thế nhưng những nhà tâm lý xã hội có thể có một số điều để giải thích chuyện đó. Theo họ, có một khuynh hướng rộng rãi gắn những không may của người khác vào bản chất con người của họ thay vì những hoàn cảnh bên ngoài trong khi đối với chính mình thì ngược lại khi mình tìm cách giải thích các thất bại của mình.
Tuy nhiên còn có một số yếu tố khác được Edward Glaeser, một nhà kinh tế tại viện Đại Học Harvard, và các cộng sự viên của ông diễn tả trong một phúc trình mà có thể giúp giải thích nhiều kết quả bầu cử.
Không có một cách đo đơn giản và khách quan để lượng định tài năng của một nhà chính trị. Nhưng nhận thức của cử tri về tài năng của một chính trị gia có vẻ được quyết định một phần lớn bởi vì khuynh hướng chính trị hay ý thức hệ của mình. Tỉ như 70% cử tri Dân Chủ cho rằng Tổng thống Barack Obama sẽ đi vào lịch sử như là một vị tổng thống tài ba hay ít nhất là trên trung bình sau hai nhiệm kỳ trong khi chỉ có 15% cử tri Cộng Hòa là nghĩ như vậy.
Ngay cả khi những tiêu chuẩn khách quan đóng một vai trò quyết định thái độ của cử tri. Cử tri nhiều khi cũng phán đoán các nhà chính trị trên những kết quả mà nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Justin Wolfers, một nhà kinh tế khám phá ra trong một công trình nghiên cứu của mình rằng cử tri tại những tiểu bang sản xuất dầu thô có khuynh hướng bầu lại thống đốc hiện hữu khi giá dầu tăng và bầu người khác lên thay thế khi giá dầu đi xuống, mặc dầu sự kiện là các ông thống đốc này hầu như không có quyền lực gì đối với giá dầu quốc tế cả.
Tương tự như vậy, Christopher Achen và Larry Bartels của viện Đại Học Princeton cũng cho thấy một khuynh hướng mạnh mẽ các cử tri trừng phạt các nhà chính trị sau những thiên tai như lụt lội, hạn hán hoặc ngay cả chuyện nhỏ như cá mập tấn công người. Họ chứng minh rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 có đến 2.8 triệu cử tri bỏ phiếu chống lại ông Al Gore (ứng cử viên của đảng cầm quyền vì ông đang làm phó tổng thống cho ông Bill Clinton và ra tranh cử để thay thế ông này) bởi vì tiểu bang của họ có quá nhiều mưa (hoặc là bị hạn) trong năm đó.
Cố nhiên là có một điều tốt trong khuynh hướng gán cho các nhà chính trị có trách nhiệm đối với những sự việc mà họ hầu như không có kiểm soát được bao nhiêu. Những nhà chính trị có thể sẽ cố gắng làm việc tích cực hơn là bình thường với hy vọng có thể cải thiện được những kết quả đó bởi vì họ biết là họ sẽ bị cử tri phán xét qua những kết quả đó. Thế nhưng hầu hết những hệ quả mà ông Glaeser và những đồng liêu của ông đưa ra đều có tính tiêu cực.
Đặc biệt họ cho thấy rằng các cử tri thường tự cho là họ có thể khám phá một cách dễ dàng tài năng của các chính trị gia thường phản ứng với những thất bại bằng cách "đòi hỏi những người mới chứ không phải định chế mới"-khẩu hiệu là "throwing the bum out" chứ không phải là thay đổi những điều kiện đối với các quan chức dân cử.
Các cử tri không quan tâm bao nhiêu đến những cơ cấu để hướng dẫn tốt hơn việc nhận định ai là một chính trị gia tốt hoặc là để ngăn ngừa một chính trị gia tồi được bầu lên tỉ như một nền báo chí tự do hoặc là những cơ quan kiểm tra chống lại tham nhũng.
Cố nhiên là không một kết quả bầu cử nào có thể thu góp lại thành một tập hợp những yếu tố đơn giản chứ đừng nói đến một yếu tố tâm lý độc nhất trong khối cử tri. Nhưng ông Glaeser và các đồng liêu của ông biện luận rằng yếu tố sai lầm trong việc gán trách nhiệm này nhiều khi có thể dẫn đến việc cử tri bầu cho người có số may, thay vì người có khả năng hoặc là lựa chọn chính trị gia trên cơ sở họ có khả năng trong những lãnh vực mà các quan chức dân cử trên thật tế không có bao nhiêu kiểm soát.
Ít nhất như phúc trình này khuyến dụ thường các cử tri hay bầu những ứng cử viên tổng thống nào khoe khoang rằng họ có thể quản lý nền kinh tế đất nước một cách tốt đẹp mặc dầu sự kiện là quyền lực của ông tổng thống đối với nền kinh tế không có bao nhiêu so với quyền lực của ông đối với chiến tranh hoặc hòa bình.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 01/11/2017
Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga (BBC, 31/10/2017)
Một cố vấn chiến dịch tranh cử cho Donald Trump thừa nhận đã nói dối FBI về thời gian liên lạc với những người bị cáo buộc có liên quan tới Nga.
Ông Papadopoulos cho biết phía Nga đang nắm giữ những tài liệu "gây bất lợi" cho bà Hillary Clinton.
George Papadopoulos thừa nhận các cuộc trao đổi diễn ra trong thời gian ông tham gia chiến dịch của ông Trump chứ không phải sau đó, các tài liệu tòa án cho thấy.
Ông nói ông được nói cho biết là phía Nga đang nắm giữ những tài liệu "gây bất lợi" cho bà Hillary Clinton.
Trong một diễn biến riêng rẽ, cựu quản lý chiến dịch của ông Trump là Paul Manafort phủ nhận các cáo buộc rửa tiền không liên quan đến cuộc bầu cử 2016.
Các cáo buộc đối với ông Papadopoulos là vụ đầu tiên được Robert Mueller, cố vấn đặc biệt điều tra những cáo buộc theo đó nói có mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, đưa ra.
Vụ Papadopoulos ảnh hưởng đến Trump như thế nào ?
Giới phân tích nói rằng vụ việc có khả năng gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vì nó liên quan trực tiếp đến chiến dịch của ông.
Ông Papadopoulos (thứ ba từ trái sang) được cho là "gần gũi với ông Trump tới mức đã xuất hiện trong bức ảnh" chụp cùng các quan chức phụ trách an ninh quốc gia. Bức ảnh được ông Trump đăng lên Twitter ngày 1/4/2016.
Theo các tài liệu của tòa, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Trump thừa nhận là vào ngày 5/10/2017 ông đã cản trở cuộc điều tra của FBI đối với cáo buộc về sự thông đồng với Nga.
Khi bị FBI thẩm vấn hồi tháng Một năm nay, Papadopoulos nói rằng ông gặp hai nhân vật có quan hệ với Nga trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, 3/2016. Trên thực tế, ông gặp họ sau thời điểm đó.
Một trong hai người nói trên là một phụ nữ Nga không được tiết lộ danh tính, người mà ông Papadopoulos tin là có quan hệ với các quan chức chính phủ Nga.
Ông thừa nhận đã tìm cách sử dụng các mối quan hệ của mình để sắp xếp một cuộc họp "giữa chiến dịch với các quan chức chính phủ Nga".
Người còn lại là một giáo sư không được tiết lộ danh tính ở London, người được cho là có "mối liên hệ đáng kể với các quan chức chính phủ Nga".
Vị giáo sư này chỉ quan tâm tới vị thế của ông Papadopoulos trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, theo tài liệu của tòa.
"Thông tin bất lợi" của Nga về bà Clinton, dưới dạng "hàng nghìn email", được vị giáo sư đề cập trong một bữa ăn sáng tại khách sạn ở London vào khoảng ngày 26/4/2016.
Vị giáo sư nói ông đã được cho biết về các email này khi ông gặp các quan chức cao cấp của chính phủ Nga trong chuyến đi Moscow gần đây.
Nhà Trắng phản ứng như thế nào ?
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói rằng vai trò của ông Papadopoulos trong chiến dịch vận động của ông Trump là "rất hạn chế".
Ông chỉ là "tình nguyện viên" và "không có hoạt động nào được thực hiện với tư cách nhân viên chính thức".
Bà Sarah Sanders cũng nhấn mạnh rằng không có cáo buộc nào chống lại ông Manafort liên quan đến chiến dịch vận động của bà Trump.
Liên quan đến những cáo buộc về ảnh hưởng của Nga, bà nói, nên chú trọng vào chiến dịch của bà Hillary Clinton.
"Vụ bê bối về sự thông đồng này, như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đó, hoàn toàn liên quan đến chiến dịch của bà Clinton, Fusion GPS và Nga", bà nói thêm.
Theo truyền thông Mỹ, Perkins Coie, một công ty luật đại diện cho chiến dịch của Clinton và Ủy ban Quốc gia Dân chủ, đã thuê công ty tình báo Fusion GPS vào tháng 4/2016.
Fusion GPS, có trụ sở tại Washington DC, đã được trả tiền để đào bới các thông tin bất lợi cho ông Trump, người khi đó đang là đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống.
**********************
Bầu cử Mỹ 2016 : Tuyên truyền Nga trên Facebook tác động đến cả trăm triệu người (RFI, 31/10/2017)
Quy mô tuyên truyền Nga tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vượt rất xa các ước tính trước đó. Một báo cáo của Facebook được chuyển đến Quốc Hội Mỹ hôm 30/10/2017, khẳng định điều này.
Các Thượng nghị sĩ Richard Burr (P) và Mark Warner thông báo tiến trình điều tra vụ Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, tại Thượng Viện ở Washington ngày 04/10/ 2017. Reuters/Aaron P. Bernstein
Theo Reuters, báo cáo của Facebook cho hay khoảng 126 triệu công dân Mỹ đã đọc gần 80.000 thông điệp chính trị, do cơ quan tuyên truyền của Moskva tung ra, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6/2015 đến tháng 8/2016.
Như vậy, ước tính gần một nửa cử tri Mỹ bị các thông điệp của Nga ảnh hưởng, cao gấp 10 lần số người dự tính bị tác động, theo ước tính trước đó của tập đoàn tin học này hồi đầu tháng 10.
Hãng tin AFP cho biết hôm nay, 31/10, và ngày mai, 01/11, đại diện của các tập đoàn Facebook, Twitter và Google sẽ điều trần trước nhiều ủy ban Quốc Hội Mỹ, về nghi án Nga sử dụng các mạng xã hội để can thiệp vào bầu cử tổng thống, dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump.
Theo Facebook, hoạt động tuyên truyền nói trên được một cơ quan của Nga, mang tên Internet Research Agency tài trợ. Thủ đoạn của cơ sở này là sử dụng các tài khoản giả để phát tán thông tin.
Tình báo Mỹ cho hay Moskva đã trả tiền cho nhiều công ty, trong đó có Internet Research Agency, để tung ra các thông điệp hạ thấp uy tín của nữ ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trên trang blog chính thức, tập đoàn Google hôm qua cũng lần đầu tiên thừa nhận đã tìm thấy những nội dung tuyên truyền Nga trên mạng này, có liên quan đến công ty Internet Research Agency. Google đã đình chỉ 18 địa chỉ trên Youtube, truyền đi khoảng 1.100 video bằng tiếng Anh, có nội dung chính trị, ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Mạng Twitter cũng không nằm ngoài mục tiêu tác động của Nga. Theo tập đoàn này, khoảng 36.746 tài khoản (chiếm khoảng 0,01% tổng số tài khoản Twitter) có thể bị Nga chi phối. Các tài khoản này dồn dập tung ra các tuyên truyền, vào thời điểm 3 tháng trước cuộc bỏ phiếu.
Cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp, do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách, bước sang một khúc quanh mới. Lần đầu tiên, ba nhân vật chủ chốt trong nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên Donald Trump, trong đó có giám đốc chương trình Paul Manafort, bị buộc tội.
Moskva nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can thiệp.
Trọng Thành
*********************
Tin 'phá hoại của Nga' đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ (BBC, 31/10/2017)
Facebook nói có khoảng 80.000 bài được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook công bố có khoảng 80.000 bài với nội dung chia rẽ về xã hội và chính trị được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Hầu hết các tin này tập trung đưa những thông điệp gây chia rẽ về xã hội và chính trị.
Facebook công bố con số này trước hai phiên điều trần thượng viện sắp diễn ra. Tại đó, Facebook cùng Twitter và Google sẽ trình bày chi tiết về tác động của Nga lên các mạng xã hội được nhiều người sử dụng.
Nga liên tiếp phủ nhận cáo buộc nước này tìm cách gây ảnh hưởng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả là ông Donald Trump thắng bà Hillary Clinton.
Trong một tin có liên quan, hôm thứ Hai 30/10, cuộc điều tra do cố vấn độc lập Robert Mueller dẫn dắt về khả năng chiến dịch của ông Trump có thông đồng với Nga đã khiến hai cựu phụ tá của ông Trump bị buộc tội. Một phụ tá thứ ba thừa nhận đã nói dối FBI.
Tổng thống Trump phủ nhận mọi cáo buộc ông có thông đồng với Moscow, và liên tục kêu gọi điều tra bà Clinton.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm thứ Hai 30/10 nói Tổng thống Trump "không có kế hoạch hay dự định" thay đổi nhóm tư vấn đặc biệt để điều tra về khả năng có mối liên hệ của Nga đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Facebook nói gì ?
Facebook nói khoảng 80.000 bài được đăng từ tháng Sáu 2015 và tháng Tám 2017. Những bài này được khoảng 29 triệu người Mỹ đọc trực tiếp, theo một bài phát biểu dự thảo mà truyền thông Mỹ có được.
Những bài này, mà Facebook nói là do một hãng có liên hệ với điện Kremlin tạo ra, lan truyền rộng nhờ mọi người like, chia sẻ và bình luận, và do đó đã đến tay nhiều triệu người nữa.
"Những hành động này đi ngược lại với sứ mệnh của Facebook là xây dựng cộng đồng và tất cả những gì mà chúng tôi đại diện", cố vấn Colin Stretch của Facebook nói.
"Và chúng tôi quyết tâm làm tất cả những gì có thể để xử lý mối đe dọa mới này".
Facebook cũng nói hãng này đã xóa 170 tài khoản Instagram, những tài khoản đã đăng 120.000 bài với nội dung xấu.
************************
Vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ : Ba cựu cố vấn của Trump bị khởi tố (RFI, 31/10/2017)
Ngày 30/10/2017, công tố viên đặc biệt được giao điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ đã truy tố 3 cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump. Đây là ba thành viên trong ê-kíp vận động tranh cử của ông Trump, trong đó có cựu giám đốc tranh cử Paul Manafort. Thế nhưng, Nhà Trắng vẫn cho rằng những vụ truy tố này không dính dáng gì đến tổng thống Trump cũng như đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái.
Ông Paul Manafort (T), cựu cố vấn tranh cử của tổng thống Donald Trump rời tòa án tại Washington sau khi bị khởi tố ngày 30/10/2017. Reuters/Jim Bourg
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã truy tố ông Paul Manafort và cộng sự viên Richard Gates về 12 tội danh, trong đó có các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian và không khai báo tài khoản ở nước ngoài. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nói đến chuyện thông đồng giữa ê-kíp của ứng cử viên Donald Trump với chính quyền Nga.
Nhưng gây khó khăn cho ông Trump nhiều hơn hết chính là những tiết lộ liên quan đến một trong những cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, đó là ông George Papadopoulos, đặc trách các vấn đề về chính sách ngoại giao trong ê-kíp tranh cử của ông Trump. Ông Papadopoulos thừa nhận đã nói dối với các nhà điều tra của FBI.
Cụ thể, ông đã tìm cách che dấu những mối liên hệ chặt chẽ của ông với những nhân vật trung gian của Nga. Từ những nhân vật này, ông Papadopoulos đã biết được là Moskva đang nắm trong tay những thông tin có thể làm ô danh ứng cử viên Dân Chủ Hillarry Clinton.
Sau khi đến trụ sở FBI sáng hôm qua, hai ông Manafort và Gates vào buổi chiều đã tuyên bố không nhận tội trước một thẩm phán liên bang ở Washington. Thẩm phán Deborah Robinson đã ra lệnh quản thúc tại gia hai nhân vật này.
Phản ứng về vụ truy tố các cựu cố vấn của ông, trên mạng Twitter hôm qua tổng thống Donald Trump khẳng định những vụ việc liên quan đến ông Manafort đã xảy ra từ nhiều năm trước và ông viết rằng "không hề có thông đồng" (với Nga). Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng đã có phản ứng tương tự, như tường trình của thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet từ Washington :
Trong khi ông Paul Manafort và cộng sự viên Rick Gates còn đang ở trong tòa án Washington, phát ngôn viên của tổng thống, bà Sarah Huckabee Sanders, tuyên bố tại cuộc họp báo : "Thông báo hôm nay không dính dáng gì đến tổng thống, không dính dáng gì đến chiến dịch tranh cử của tổng thống và đến các hoạt động tranh cử".
Như vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng đã có phản ứng giống như tổng thống Trump trên mạng Twitter cho rằng không hề có chuyện thông đồng với Nga, bởi vì những vụ liên quan đến ông Manafort và Gates đã xảy ra từ trước khi ông Trump ra ứng cử tổng thống.
Vấn đề nằm ở nhân vật thứ ba : George Papadopoulos. Bị cáo buộc đã nói dối về những cuộc tiếp xúc của ông với các nhân vật trung gian Nga, ông Papadopoulos chấp nhận hợp tác với FBI và sẽ cung cấp (hoặc có lẽ đã cung cấp rồi) thông tin về những gì mà ê-kíp của Trump đã biết và những gì mà ê-kíp này đã làm để cố lấy được những thư điện tử gây tổn hại cho bà Hillarry Clinton hoặc để tổ chức một cuộc gặp Trump-Putin.
Bà Sarah Huckabee Sanders hôm qua đã mô tả ông Papadopoulos như là một "tình nguyện viên" chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể. Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Washington Post trước đây, ông Trump đã không ngớt lời ca ngợi năng lực của viên cựu cố vấn này. Bây giờ tổng thống Mỹ lại không nhớ đã từng gặp ông Papadopoulos.
Thanh Phương
**************************
Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì ? (BBC, 31/10/2017)
Cuộc điều tra của Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có diễn biến mới.
Paul Manafort
Ba trợ tá cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã bị khởi tố.
Cựu chủ tịch lãnh đạo chiến dịch, Paul Manafort, và một cựu trợ tá, Rick Gates, đã ra tòa nhưng không nhận các tội âm mưu chống Mỹ, rửa tiền và nhiều tội khác.
Hai người này nay bị quản thúc tại gia sau khi đóng tiền thế chân.
Một cựu trợ tá khác, George Papadopoulos, đã nhận tội nói dối với FBI về các mối liên hệ với Kremiln.
Papadopoulos, cựu cố vấn đối ngoại của Donald Trump, thừa nhận ông đã che giấu liên lạc với một giáo sư có dính líu với Moscow, mà người này hứa có thông tin "xấu" về Hillary Clinton.
Theo đánh giá của AFP, mặc dù các cáo buộc hiện chưa chỉ ra có âm mưu từ cấp cao nhất, nhưng chúng có thể cho thấy những nhân viên của ông Trump đã hy vọng Nga giúp đỡ.
Cáo buộc đầu tiên với Paul Manafort và Rick Gates có tên "âm mưu chống lại Hoa Kỳ".
Điều này có nghĩa là gì ?
Chi tiết có trong Bộ Chuẩn luật Quốc gia Hoa Kỳ (US Code of Laws).
Đầu tiên, tội này không áp dụng cho một cá nhân, mà phải dùng với "hai người trở lên". Trong trường hợp này, đó là ông Manafort và Gates.
Thứ hai, luật này khá rộng. Nó có thể dùng với một nhóm "có bất kỳ tội gì chống Hoa Kỳ, hay lừa gạt Hoa Kỳ, hay bất kỳ cơ quan nào, theo cách gì hay mục đích gì".
Trong một vụ năm 1924, Chánh án William Taft định nghĩa "lừa đảo" :
"Âm mưu lừa Hoa Kỳ có nghĩa chủ yếu là lừa đảo về bất động sản hay tiền bạc".
"Nhưng cũng có nghĩa là can thiệp, cản trở chức năng của chính phủ thông qua lừa đảo, hay ít nhất bằng một cách không trung thực".
Hình phạt là gì ?
Mức phạt tối đa là 5 năm tù.
Tiền phạt tối đa là 250.000 đôla, hoặc 500.000 đôla cho tổ chức.
Nhưng nếu bị can cũng phạm các tội khác, thì mức án có thể nặng hơn.
Luật áp dụng khi nào ?
Tính chất rộng của luật khiến nó đã được áp dụng với nhiều người.
Năm 2005, tin tặc Jeanson James Anchesta bị truy tố, và nhận tội năm 2006 với mức án 5 năm tù.
Jeff Skilling, cựu giám đốc công ty năng lượng Enron, cũng bị kết tội, tống giam năm 2006 với mức án ban đầu 24 năm, sau đó giảm còn 14 năm.
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump trình diện FBI (VOA, 30/10/2017)
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort theo tin nói đã ra đầu thú với giới hữu trách liên bang hôm thứ Hai 30/10 liên quan tới những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về việc Nga có thể đã can dự vào cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông Paul Manafort (trái) trên xe rời nhà riêng ở Alexandria, Virginia, ngày 30/10/2017.
Ông Manafort ra đầu thú với cơ quan thực thi luật pháp liên bang – theo tin của hai hãng thông tấn CNN và New York Times, và mỗi hãng tin này trích một nguồn tin nắm rõ về cuộc điều tra này.
Đây có thể là những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Bộ Tư pháp được chỉ định thực hiện để xem Nga có phá hoại cuộc bầu cử giup cho ông Trump thắng cử hay không.
New York Times còn nói rằng ông Rich Gates, một cộng sự của ông Manafort, cũng ra trình diện cơ quan điều tra.
Ông Manafort, 68 tuổi, làm quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2016. Ông đã từ chức khi có tin nói rằng ông có lẽ đã nhận hàng triệu đôla bất hợp pháp từ một chính đảng thân Nga tại Ukraine.
Ông Mueller đang điều tra các giao dịch tài chính và bất động sản của ông Manafort và những liên hệ trước đó của ông với Đảng của các khu vực, là chính đảng ủng hộ cựu lãnh đạo Ukraine Viktor Yamukovich.
Các nguồn tin nói với hãng thông tấn Reuters rằng các nhà điều tra cũng xem xét việc ông Manafort có thể dính líu vào các hoạt động rửa tiền và các tội phạm tài chánh khác.
Ông Gates là một đối tác làm ăn lâu năm của ông Manafort và có nhiều quan hệ với các thế lực đầu sỏ chính trị ở Nga và Ukraine. Ông cũng làm phó cho ông Manafort trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trước đó, tin nói những cáo trạng đầu tiên trong cuộc điều tra Nga phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 có thể sẽ được công bố trong ngày thứ Hai 30/10 và một đối tượng có thể bị câu lưu. Diễn biến này sẽ đánh dấu một bước mới đầy kịch tính trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Một đại bồi thẩm đoàn liên bang hôm thứ Sáu 27/10 đã chấp thuận những cáo buộc đầu tiên của cuộc điều tra và một thẩm phán liên bang ra lệnh niêm phong bản cáo trạng, theo một nguồn tin nắm rõ về cuộc điều tra nói với hãng thông tấn Reuters.
Công tố viên đặc biệt Muellercũng đang điều tra liệu các quan chức của ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với âm mưu của Nga hay không.
Ông Trump bác bỏ các cáo buộc nói rằng ban vận động của ông thông đồng với Nga và lên án các cuộc điều tra về vấn đề này là "săn lùng phù thủy" (ý nói ông bị truy bức về chính trị).
Ông Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, đang điều tra những mối liên hệ có thể có giữa các trợ lý của ông Trump với các chính phủ nước ngoài, cũng như các hoạt động rửa tiền, trốn thuế và những tội phạm tài chánh khác, theo một nguồn tin biết rõ về cuộc điều tra. Công tố viên đặc biệt cũng đang tìm hiểu liệu ông Trump và các phụ tá của ông có tìm cách cản trở cuộc điều tra hay không.
Hôm Chủ nhật ông Trump đã tìm cách chuyển sự chú ý vào Ðảng Dân chủ và bà Clinton bằng tin nhắn trên Twitter rằng vấn đề Nga được sử dụng để làm chệch hướng nỗ lực của Ðảng Cộng hòa cải tổ thuế và đề cao các đảng viên Cộng hòa đã đoàn kết trong sự cần thiết phải xem xét liệu phe Dân chủ và ban vận động của bà Clinton có trả một phần tiền để làm ra các hồ sơ cáo buộc chi tiết những liên hệ của ông Trump với Nga hay không.
Luật sư đặc biệt của Tòa Bạch Ốc, Ty Cobb nói rằng các tin Twitter của Tổng thống Trump "không liên quan với các công việc của luật sư đặc biệt Tòa Bạch Ốc, và ông Trump vẫn hợp tác với luật sư đặc biệt".
Cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra của ông Mueller được đài truyền hình CNN loan tải đầu tiên với tin nói là một đối tượng có thể bị câu lưu vào thứ Hai.
Điều này khiến một số đồng minh bảo thủ của ông Trump đòi sa thải ông Mueller. Ông Sebastian Gorka, một cựu cố vấn thường nói thẳng đã rời Tòa Bạch Ốc hồi tháng 8 viết trên Twitter rằng "phải tước bỏ thẩm quyền của ông Mueller" và điều tra xem liệu ông ấy có thi hành lệnh trong cuộc điều tra hay không.
Tòa Bạch Ốc hồi mùa hè nói rằng ông Trump không có ý định sa thải ông Mueller, mặc dù ông đã đặt câu hỏi liệu ông Mueller có công bằng hay không.
*********************
Mỹ : Tổng thống Trump phản công trước các buộc mới về vụ thông đồng với Nga (RFI, 30/10/2017)
Diễn tiến của vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Theo nhiều hãng truyền thông Mỹ, nhóm điều tra vụ việc trên của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller ngày 30/10/2017 có thể sẽ chính thức ra lệnh khởi tố một hoặc nhiều nhân vật trong chính quyền Trump bị tình nghi dính líu vào vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Dallas, Texas (Ảnh chụp ngày 25/10/2017) - Reuters/Kevin Lamarque
Trước những động thái có thể khiến vụ việc chuyển sang hướng nghiêm trọng, tổng thống Donald Trump ngày 29/10 đã tung một loạt thông điệp trên Twitter nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington cho biết thêm chi tiết :
"Tổng thống đã tung lên bốn bình luận trên Twitter lên án đây là cuộc truy sát tới cùng, đồng thời ông đề nghị truyền thông nên hướng chú ý tới vụ thông đồng thực sự với Nga của bà Hillary Clinton. Phe Cộng Hòa đã lôi lại một vụ việc cũ liên quan đến chuyện bán uranium cho Nga khi bà Clinton còn làm ngoại trưởng.
Luật sư của Nhà Trắng, Ty Cobb, nói rõ rằng các thông điệp trên Twitter của tổng thống không liên quan gì đến cuộc điều tra của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller. Ông nói thêm là tổng thống đang hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra này.
Phủ kín các chương trình chính trị phát sóng hôm Chủ Nhật là chuyện truy tố. Ông Adam Schiff, dân biểu của đảng Dân Chủ thuộc tiểu bang California, một nhân vật đang nổi lên của đảng, trên đài ABC, đã nêu danh người có khả năng bị khởi tố là ông Paul Manafort, từng là lãnh đạo trong giai đoạn đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và cũng là người đã có quan hệ làm ăn với Nga.
Ông Adam Schiff nói : "Ông Manafort đã cung cấp thông tin gì cho người Nga ? Tổng thống sẽ làm gì với các biện pháp trừng phạt (Nga), đó có thể sẽ là những thông tin quan trọng nhất mà Kremlin muốn biết".
Thông báo khởi tố, nếu xảy ra, sẽ có nguy cơ che lấp việc Hạ Viện bỏ phiếu vào thứ Tư (01/11) thông qua chủ trương cắt giảm thuế, một điều có thể được coi như là một thành công của tổng thống Donald Trump".
Anh Vũ
************************
Trump giận dữ về bà Clinton và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử (BBC, 30/10/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra một loạt tin đăng trên Twitter về 'tội' của bà Hillary Clinton và Đảng Dân chủ đối lập.
Ông Trump nói rằng các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là 'giả mạo'
Cơn giận dữ của ông nổ ra vào sáng Chủ Nhật, giữa lúc có các tường thuật nói vụ bắt giữ đầu tiên của tiến trình điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào tuần này, mà sớm nhất là có thể vào thứ Hai.
Ông Trump nói rằng các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là 'giả mạo' và là một cuộc 'săn phù thủy'.
Ông nói các thành viên phe Cộng hòa cần thống nhất đứng sau ông, và thúc giục họ : "HÃY LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ".
Các tường thuật trên truyền thông nói rằng những cáo buộc đầu tiên đã được đưa vào hồ sơ cuộc điều tra do cố vấn đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu, điều tra cáo buộc là Nga can thiệp vào kỳ bầu cử 2016 nhằm hỗ trợ ông Trump.
Hiện chưa rõ các cáo buộc có nội dung gì, và nhằm vào ai, CNN và Reuters tường thuật, dẫn các nguồn giấu tên.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng chính phủ Nga tìm cách giúp ông Trump thắng cử.
Cuộc điều tra của ông Muller đang tìm hiểu về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump. Cả hai đều cùng bác bỏ việc có bất kỳ dính líu, liên quan gì.
Nhóm của ông Muller được nhiều người biết đến về việc đã có những cuộc phỏng vấn quy mô đối với một số quan chức hiện thời cũng như các cựu quan chức của Tòa Bạch ốc.
Ông Mueller được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt sau khi Tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey
Ông Mueller, cựu giám đốc FBI, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt hồi tháng Năm, ngay sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Ông Trump hôm thứ Sáu nói rằng nay 'có sự đồng ý chung' rằng không hề có sự thông đồng gì giữa ông và Nga, nhưng nói có những mối quan hệ giữa Moscow và bà Clinton.
Các nhà lập pháp thuộc phe Cộng hòa nói thỏa thuận uranium với một công ty của Nga hồi 2010, khi bà Clinton còn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã được chốt lại nhằm đổi lấy những khoản tài trợ cho quỹ thiện nguyện của chồng bà.
Một cuộc điều tra của Quốc hội đã được mở đối với vụ việc. Các thành viên Dân chủ nói rằng đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng chú ý khỏi các mối quan hệ giữa Nga và ông Trump.
**********************
Mỹ ‘đang chia rẽ’ như thời Chiến tranh Việt Nam (VOA, 29/10/2017)
Phần lớn người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng chia rẽ chính trị nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam, và 60% số người được hỏi tin rằng Tổng thống Donald Trump khiến tình hình nghiêm trọng hơn, theo một cuộc thăm dò dư luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến, được tờ The Washington Post và Đại học Maryland thực hiện, công bố hôm 28/10, cho thấy rằng chính trị Hoa Kỳ đang "rơi xuống mức thấp nguy hiểm".
70% số người được hỏi cho rằng các khác biệt về chính trị hiện nay đã gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam.
Người biểu tình bên ngoài khách sạn Trump International hôm 30/9.
Con số đó tăng lên 77% trong nhóm người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, và nhiều người trong số đó trưởng thành những năm 60, theo tờ Washington Examiner.
85% số người trả lời thăm dò cho rằng ông Trump là người gây ra chia rẽ trên chính trường Mỹ, và 51% cho rằng "nhiều" sự chia rẽ hiện thời là do lỗi của đương kim tổng thống.
Các nguyên nhân khác gồm : tiền bạc trong chính trị (96%), những người giàu đóng góp vào chính trường (94%), các nhóm có quan điểm cực đoan ở cả hai đảng (93%), truyền thông (88%) hay Quốc hội (94%).
Cuộc thăm dò 1.663 người Mỹ trưởng thành được tiến hành từ ngày 27/9 tới ngày 5/10.
Vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Nhà Trắng vẫn im lặng sau tiết lộ có nhiều người bị cáo buộc (RFI, 29/10/2017)
Sau khi đài truyền hình CNN tiết lộ là ngày 27/10, bồi thẩm đoàn liên bang đã thông qua nhiều cáo buộc trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các cáo buộc này sẽ được công bố vào thứ Hai, 30/10, Nhà Trắng vẫn im lặng.
Nhà Trắng vẫn im lặng sau các thông tin về những cáo buộc trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016. Reuters
Thế nhưng theo thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet, tại Washington, thì nhóm cố vấn pháp lý của tổng thống Donald Trump đang ráo riết lùng sục thông tin xem ai bị cáo buộc và vì những lý do gì ?
"Không hề có dòng tweet nào của Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đi chơi golf hôm thứ Bẩy tại một trong những câu lạc bộ của ông, ở Virginia. Thế nhưng, nhóm luật gia của Nhà Trắng đã làm việc cả ngày cố tìm ra xem ai là người bị buộc tội và vì những lý do gì. Tên của những người bị cáo buộc được giữ bí mật cho đến thứ Hai, 30/10.
Theo tờ The Wall Street Journal, thì ít nhất là có một người bị cáo buộc. Có rất nhiều suy đoán. Hai nhân vật được nói đến nhiều nhất là Paul Manafort, người đã chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong giai đoạn đầu và Michael Flynn, đã từng đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia trong một thời gian ngắn ngủi.
Chưởng lý đặc biệt Robert Mueller trước đây là đã bất ngờ ra lệnh khám xét tư dinh của ông Manafort, người có quan hệ làm ăn với Ukraine và Nga. Ông Flynn cũng có liên hệ với Moskva và đã từng có các hoạt động vận động hành lang giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số chuyên gia cho rằng ông chưởng lý muốn buộc tội Manafort và đề xuất cho nhân vật này nếu muốn tránh ngồi tù thì cung cấp các thông tin có thể dẫn đến việc buộc tội tổng thống ngăn cản tư pháp.
Tuy nhiên, theo Ty Cobb, luật sư của Nhà Trắng, thì ông Donald Trump không có gì phải lo ngại bởi vì ông cho rằng cả hai ông, Manafort và Flynn, không có các thông tin có thể có hại cho Donald Trump".
Trong vụ này, ngay từ đầu, điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc và thách thức Hoa Kỳ đưa ra các bằng chứng về sự can thiệp của Nga.
Từ Moskva, thông tín viên Jean Didier Revoin cho biết :
"Từ nhiều tháng qua, vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây cười cho Moskva. Về mặt chính thức, chính quyền Nga đã luôn luôn phủ nhận là có dính líu dưới bất kỳ hình thức nào đến việc Donald Trump thắng cử. Đồng thời, Moskva cũng nhấn mạnh, khi nói rằng Nga đã giúp cho nhà tỷ phú được bầu vào Nhà Trắng có nghĩa là coi Nga có thể thao túng được cử tri Mỹ trong khi Moskva không hề có khả năng này.
Ngày 16/10 vừa qua, ngoại trưởng Nga vẫn còn mỉa mai về vụ này. Ông Serguei Lavrov một mặt nói đến sự cay đắng của đảng Dân Chủ sau khi ứng viên của họ thất cử, mặt khác, lãnh đạo ngoại giao Nga nêu ra sự chống đối của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa mà theo ông Lavrov, chính những phần tử này đã tạo ra cơn cuồng loạn chống Nga tại Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Nga còn nhắc lại rằng sau khi cuộc điều tra đặc biệt được tiến hành, việc chỉ định một chưởng lý đặc biệt, các buổi điều trần của hàng chục người…thì không một thông tin được dò dỉ nào cũng như không có một sự việc nào mà Hoa Kỳ đưa ra khẳng định việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử.
Vậy thì, nếu như bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington, hôm thứ Sáu, 27/10, thông qua những cáo buộc hiện vẫn còn được giữ kín và sắp tới sẽ được công bố, thì điện Kremlin có nguy cơ phải điều chỉnh lại chiến lược biện hộ. Nhưng Moskva sẽ điều chỉnh bằng cách nào ? Còn quá sớm để nói về việc này".
RFI tiếng Việt
*******************
Washington công bố danh sách 39 công ty Nga bị trừng phạt (RFI, 28/10/2017)
Dưới áp lực của Quốc Hội Mỹ, chính quyền của tổng thống Donald Trump, hôm 26/10/2017, đã đệ trình lên Quốc Hội danh sách 39 công ty sản xuất vũ khí của Nga bị cấm trao đổi thương mại, theo một đạo luật được ban hành hồi tháng 8.
Ảnh minh họa : Tập đoàn vũ khí Kalachnikov nằm trong số công ty bị Mỹ trừng phạt. ERIC PIERMONT / AFP
Theo đó, trong vòng 60 ngày, bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ phải lên danh sách các tổ chức của Nga liên quan tới lĩnh vực sản xuất vũ khí và tới các hoạt động tình báo. Trong số các công ty quân sự trên, có hai tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn, đó là Rosoboronexport và Kalachnikov.
Bất kỳ công ty nào tham gia vào các giao dịch mua bán "đáng kể" với các công ty và cơ quan trong danh sách trên đều có nguy bị Mỹ trừng phạt.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, việc áp dụng điều 231 trong đạo luật này nhằm vào các quan chức quốc phòng và tình báo Nga, đáp trả lại những "hành động nguy hại" của Matxcova liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraina, các cuộc tấn công mạng, cũng như các vụ vi phạm nhân quyền.
Trước đó, ngay từ khi chỉ là dự luật, tổng thống Trump đã lên tiếng phản đối, vì nó sẽ giới hạn quyền của ông được gairm bớt trừng phạt Nga khi cần thiết. Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, sự can thiệp của các nghị sĩ thông qua dự luật này là trái quy tắc, và đã phạm vào lĩnh vực hành pháp.
Tuy nhiên, tổng thống Trump đã phải miễn cưỡng kí ban hành dự luật trên hồi tháng 8, vì dự luật này nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nghị sĩ hồi tháng 7.
Duy Anh